Lụa - ALESSANDRO BARICCO

Lụa

Tác giả: ALESSANDRO BARICCO

Dịch giả: Quế Sơn

*******

Chương 1

Dù người cha đã hình dung anh sẽ có một tương lai rực rỡ trong quân đội, Hervé Joncour cuối cùng lại kiếm sống bằng một nghề khác thường, cái nghề không phải xa lạ, như một sự trớ trêu kỳ cục, với các nét sắc sảo dễ thương của tướng mạo anh, để lộ ra một sự đổi giống nữ mơ hồ.

Để sống, Hervé Joncour mua và bán tằm.

Ta đang ở vào năm 1861 . Flaubert viết tiểu thuyết Salammbo, đèn điện còn là một giả thuyết và Abraham Lincoln, bên kia bờ Đại Dương, đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà ông sẽ không thấy hồi kết thúc.

Hervé Joncour được ba mươi hai tuổi.

Anh mua, và anh bán.

Những con tằm.

Trong thực tế, Hervé Joncour mua và bán tằm khi tằm còn là trứng bé tí xíu, màu xám hay vàng, bất động và tưởng như chết . Chỉ cần một lòng bàn tay đủ nắm hàng ngàn trứng như thế.

"Đó là điều ta gọi là nắm một tài sản trong tay".

Vào những ngày đầu tháng năm, trứng nở ra con sâu tằm ăn lá dâu để lớn lên thành tằm, ăn suốt ba mươi ngày, ăn rào rào, ăn bỗ bã; tằm chín thì thu mình kéo kén, hai tuần sau thì thân tằm bị tách ra khỏi kén vĩnh viễn để lại đằng sau một di sản tương đương, nếu tính bằng sợi, một ngàn thuộc tơ sống, nếu tính bằng tiền, một số lượng to tát quan Pháp: với điều kiện là mọi sự được tiến hành theo đúng phép tắc, bài bản, và phải ở một vùng miền nam nước Pháp, như trường hợp của Hervé Joncour.

Lavilledieu là tên cái thị trấn nơi Hervé Joncour sinh sống.

Helène, tên người vợ anh.

Họ không có con.

3.

Những trận dịch bệnh càng ngày càng tàn phá ngành chăn tằm ở châu Âu . Để tránh những sự tác hại, Hervé Joncour phải đi mua trứng tằm bên kia bờ Địa Trung Hải, tận Syrie và Ai Cập. Đó là khía cạnh phiêu lưu đặc thù của nghề anh. Hằng năm vào những ngày đầu tháng giêng, anh lên đường. Anh băng qua một ngàn sáu trăm dặm trên biển và tám trăm cây số trên bờ. Anh ra tay chọn trứng, trả giá, thu muạ Rồi anh quay lưng, băng qua tám trăm cây số đường bộ và một ngàn sáu trăm dặm đường biển, về đến cái thị trấn nhỏ Lavilledieu thường vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư, thường kịp giờ dự lễ ca trong nhà thờ. Anh còn làm việc suốt hai tuần nữa cho trứng vào bao bì và đem bán.

Thời gian còn lại trong năm, anh nghỉ ngơi.

4.

- Và châu Phi nó ra sao ? người ta hỏi anh.

- Mệt mỏi.

Anh có một ngôi nhà lớn nằm ngoài thị trấn một chút và một xuồng nhỏ ở trung tâm, ngay trước mặt ngôi nhà bỏ hoang của ông Jean Berbek. Jean Berbek, một ngày đẹp trời nào đó bỗng nổi hứng quyết định từ nay về sau không mở miệng nói gì nữa. Ông giữ lời hứa. Vợ và hai đứa con gái bỏ ông ra đi. Ông chết. Nhà ông chẳng ai muốn mua và như thế bây giờ thành nhà hoang.

Mua và bán tằm, nội việc này thôi cũng mang lại cho Hervé Joncour hàng năm một số lợi tức đủ bảo đảm cho anh và vợ một cuộc sống tiện nghi thoải mái mà ở tỉnh lẻ người ta dễ cho là sang trọng, xa hoa. Anh hưởng thụ của cải mình một cách kín đáo, và anh thấy mình hoàn toàn lạnh nhạt trước cái viễn tưởng không xa thực tế lắm là anh có thể trở nên thực sự giàu có. Ngoài ra, anh là một trong những người thích làm khán giả trước chính cuộc đời của mình, mọi tham vọng sống cuộc đời mình được xem là không thích đáng, là lạc lầm.

Ta sẽ nhận ra là những người như thế lặng ngắm số mệnh mình cùng một cách như phần lớn những người khác lặng ngắm một ngày mưa.

5.

Nếu được hỏi, có lẽ trả lời rằng cuộc đời anh sẽ tiếp tục như thế mãi mãi. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên sáu mươi, trận dịch bệnh tằm gai, sau khi đã làm cho số trứng tằm nuôi ở châu Âu trở thành vô dụng, lan tràn sang bên kia biển, tận châu Phi và ngay sang cả Ấn Độ, theo lời một số người. Năm 1861, Hervé Joncour trở lại quê nhà sau chuyến đi xa thường lệ, mua về một số trứng mà hai tháng sau mới biết bị nhiễm bệnh gần hết. Đối với Lavilledieu cũng như các thành phố khác đã dựa trên nền sản xuất tơ lụa mà làm giàu, năm đó tưởng như báo hiệu sự bắt đầu cho sự suy sụp, tàn cuộc. Khoa học tỏ ra bất lực trong việc tìm hiểu những nguyên nhân gây dịch bệnh. Và khắp mặt đất, tận những vùng xa xôi hẻo lánh, tưởng như bị giam hãm, đày đoa. bởi cái phù phép, tai ương không lời giải thích đó.

- Không phải khắp mặt đất đâu, Baldabiou nói nhẹ nhàng, không khắp đâu, và rót một chút nước lạnh vào ly rượu anizét của mình.

6.

Hai mươi năm trước Baldabiou là người vừa đặt chân đến cái thị trấn này thì đi ngay tới văn phòng viên thị trưởng, vào thẳng trong chẳng thèm thông báo, và đặt lên bàn giấy tấm khăn quàng bằng lụa màu hoàng hôn rồi hỏi viên thị trưởng.

- Ông biết cái gì đây không ?

- Chuyện đàn bà.

- Sai. Chuyện đàn ông: tiền.

Viên thị trưởng sai người tống cổ ông ra ngoài. Chẳng sao, ông cho dựng lên một nhà máy sợi ở phía dưới thị trấn gần bờ sông, một trại chăn tằm cạnh rừng và một nhà thờ nhỏ dành cho nữ thánh Agnès nằm ở ngã ba đường đi về Viviers. Ông thu dụng khoảng chục người thợ, gọi mua từ Ý về một cổ máy bằng gỗ trông bí hiểm, toàn bánh xe và guồng máy không à, và không nói gì thêm suốt bảy tháng. Rồi ông trở lại văn phòng viên thị trưởng, đặt ngay ngắn trên bàn giấy ba chục ngàn quan Pháp bằng những tờ giấy bạc lớn.

- Ông biết cái gì đây không ?

- Tiền.

- Sai. Đây là bằng chứng ông là một thằng ngu.

Rồi ông thu xếp lại các tờ giấy bạc, bỏ vào ví và làm bộ đi ra.

Viên thị trưởng chận lại.

- Tôi phải làm cái quái gì đây ?

- Không gì cả: và ông sẽ là thị trưởng một thành phố nhỏ giàu có.

Năm năm sau, Lavilledieu có bảy nhà máy sợi và trở thành một trong những trung tâm hàng đầu châu Âu trong ngành chăn tằm và dệt lụa. Không phải tất cả những nhà máy đó đều thuộc quyền sở hữu của Baldabiou đâu. Các chức sắc, thân hào và các địa chủ trong vùng đã theo chân ông trên bước đường phiêu lưu công nghiệp lạ lùng này. Ông chẳng bao giờ giấu nghề, lúc nào cũng chia xẻ những bí mật với mọi người trong bọn họ. Ông thấy vui thích làm như vậy hơn là làm ra tiền xúc không hết. Chỉ dạy. Và có những điều bí mật để kể ra. Ông ta như thế đó, cái ông Baldabiou này.

7.

Baldabiou cũng là người mà tám năm về trước đã làm thay đổi cuộc đời Hervé Joncour. Đó là vào thời kỳ những trận dịch bệnh đầu tiên phát khởi những đợt tấn công vào công cuộc chăn tằm ở châu Âu. Không tỏ ra bối rối chút nào, Baldabiou để tâm xem xét tình hình và rút ra kết luận là không thể giải quyết vấn đề này, chỉ còn cách là đi vòng tránh nó thôi. Ông có ý nhưng thiếu người, một người. Khi trông thấy Hervé Joncour đi ngang trước quán cà phê Verdun lịch sự trong một bộ quân phục thiếu úy bộ binh, đĩnh đạc với tướng bộ một quân nhân đang nghỉ phép, ông biết mình đã tìm ra người đó. Lúc đó Hervé Joncour được hai mươi bốn tuổi. Baldabiou mời anh về nhà, mở rộng đuôi mắt anh một tập bản đồ địa lý mang đầy những tên ngoại lai xa lạ và nói:

- Chúc mừng cậu. Rốt cuộc cậu cũng tìm ra một công việc đứng đắn.

Hervé Joncour ngồi nghe một hồi cái chuyện dài về tằm, về trứng, về những Kim Tự Tháp và những chuyến hải hành. Rồi anh nói:

- Tôi không thể làm được.

- Tại sao ?

- Vì hai hôm nữa hết hạn nghỉ phép, tôi phải lên lại Paris.

- Nghề lính ?

- Dạ phải. Cha tôi đã quyết định như thế.

- Chuyện dễ.

Ông dẫn Hervé Joncour đi thẳng tới nhà cha anh.

- Ông biết ai đây không ?

- Thằng con tôi.

- Nhìn kỹ hơn đi.

Viên thị trưởng thả người dựa vào lưng ghế bành bằng da, và bắt đầu đổ mồ hôi.

- Thằng con trai tôi, Hervé, hai ngày nữa trở lên Paris, một tiền đồ sáng giá trong quân đội chúng ta đang chờ đón nó, nếu Thượng Đế và nữ thánh Agnès muốn thế.

- Đúng. Có điều Thượng Đế thì bận rộn chỗ khác và thánh Agnès không ngửi được lính tráng.

Một tháng sau Hervé Joncour lên đường đi Ai Cập. Anh đi biển trên con tàu mang tên Adel . Trong các cabin mùi nấu nướng bay từ bếp vào, có một người Anh khoe mình đã từng đánh nhau trong trận Waterloo, chiều tối ngày thứ ba của chuyến đi người ta thấy các con cá heo lóe sáng ở chân trời như những con sóng say, ở bàn cờ quay con số mười sáu cứ ra hoài.

Anh trở lại nhà hai tháng sau - ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư, vừa kịp giờ dự lễ cả - với hàng ngàn trung tâm gói trong bông đặt trong hai hộp lớn bằng giỏ. Anh có hàng lô chuyện để kể. Nhưng khi chỉ có Baldabiou và anh ngồi lại với nhau, điều ông ta muốn nghe là:

- Cậu kể tớ nghe về những con cá heo.

- Cá heo ?

- Cái lần mà cậu thấy chúng nó.

Baldabioiu, ông ta như thế đó.

Chẳng ai biết được tuổi thật của ông.

8.

- Không phải khắp mặt đất đâu, Baldabioiu nói nhẹ nhàng, không khắp đâu, và rót một chút nước lạnh vào ly ruou anizét.

Đêm tháng tám, hơn nửa đêm tối. Vào giờ này, Verdun đã đóng quân từ lâu theo thường lệ. Ghế được lật ngửa, đặt ngay ngắn trên bàn. Cái quày rượu, ông đã lau chùi, và những chỗ còn lại cũng vậy. Chỉ còn tắt đèn rồi đóng cửa. Nhưng Verdun đợi: ông Baldabiou đang nói chuyện.

Hervé Joncour ngồi bất động trước mặt ông, điếu thuốc tắt ngấm còn trên môi, lắng nghe. Giống như tám năm trước, anh để cái ông này ung dung viết lại số mệnh mình. Tiếng nói ông đến tai anh nhỏ nhẹ và rõ ràng, bắt nhịp theo từng ngụm rượu anizét đều đặn. Không ngưng nghỉ, tiếng nói kéo dài một lèo nhiều phút. Điều cuối cùng nói ra là:

- Không có chọn lựa nào cả. Nếu ta muốn tiếp tục sống, phải đi xuống đó.

Im lặng.

Verdun chống cùi chỏ lên quày rượu, giương mắt nhìn hai người kia.

Baldabiou tìm cách uống thêm một ngụm rượu anizét nữa, từ đáy cốc.

Hervé Joncour đặt điếu thuốc lạ lên mép bàn trước khi nói:

- Và cái xứ Nhật ấy, nó nằm ở đâu, nói cho chính xác ?

Baldabiou giơ cây gậy bằng gỗ song lên trời, chỉ về hướng bên kia mái nhà thờ Saint - Auguste.

- Ngả đó, thẳng một đường.

Ông nói:

- Tận chân mây cuối trời.

9.

Vào thời điểm đó, nước Nhật thực sự Ở tận chân mây cuối trời. Đó là một đảo quốc hợp thành từ nhiều đảo và từ hai trăm năm nay sống hoàn toàn biệt lập với phần còn lại của loài người, từ chối giao tiếp với lục địa và nghiêm cấm tất cả người ngoại quốc vào nước mình. Bờ biển Tàu chỉ cách chừng hai trăm hải lý nhưng một sắc chỉ ban ra làm cho nó càng xa thêm bằng cách cấm cản trên toàn đảo quốc đóng thuyền quá một cột buồm. Theo một logic sáng suốt theo kiểu của nó, luật pháp kể ra không ngăn cấm những ai muốn rời khỏi nước: nhưng lên án tử hình những ai tìm cách trở về . Những tay buôn Tàu, Hà Lan, Anh đã nhiều lần tìm cách phá bỏ sự cô lập phi lý này nhưng cuối cùng họ chỉ dùng được một mạng lối buôn lậu bấp bênh và đầy nguy hiểm. Họ kiếm chác chẳng được bao nhiêu tiền, chi dùng nhiều phiền toái và chỉ tạo ra được một vài huyền thoại buổi tối đem đổi vài ly trong các quán rượu ở bến tàu cho vui anh, vui em. Họ thất bại, nhưng người Mỹ đã thành công bằng cách cho vũ khí nói chuyện. Vào tháng bảy năm 1853, viên đề đốc Matthew C . Perry dẫn đầu một hạm đội hiện đại gồm các tàu chiến chạy bằng hơi nước tiến sâu vào vịnh Hoành Tân và trao cho người Nhật một tối hậu thư bày tỏ "lòng mong ước" đảo quốc mở cửa thông thương.

Người Nhật, tới lúc đó, chưa bao giờ thấy tận mắt những chiếc tàu đi biển ngược gió.

Bảy tháng sau khi Perry trở lại để nhận câu trả lời cho tối hậu thư của mình, chính quyền Mạc Phủ của đảo quốc chịu nhún mình ký vào một thoa? ước mở hai cửa khẩu ở miền bắc cho người ngoại quốc vào buôn bán và thiết lập một cách thận trọng một vài quan hệ thương mại đầu tiên. Vùng biển bao quanh đảo này - viên đề đốc tuyên bố trịnh trọng - bớt sâu đi nhiều lắm từ nay về sau.

10.

Baldabiou biết tất cả mấy chuyện này. Nhất là ông biết được một huyền thoại lúc nào cũng trở đi trở lại trên miệng những người đã đi tới đó. Họ kể rằng cái đảo đó sản xuất ra lụa đẹp nhất thế gian. Lụa được làm từ hơn ngàn năm nay, theo những nghi thức và những bí mật đạt tới mức độ chính xác thần kỳ. Baldabiou, chính ông ấy, nghĩ rằng đây không phải là một huyền thoại mà là một sự thật không hơn không kém. Một hôm, ông nắm được trong tay một cái khăn phủ dệt bằng sợi lụa Nhật. Nó nhẹ như thể không có gì giữa những ngón taỵ Như thể, khi mọi sự tưởng như trôi theo dòng nước vì nạn dịch tằm gai và trứng lây nhiễm, ông nghĩ ra ý này:

- Cái đảo này có đầy tằm. Và một cái đảo mà suốt hai trăm năm chẳng có tên lái buôn Tàu hay tên bán bảo hiểm Anh vào được thì cũng chẳng bao giờ có bệnh dịch nào vào.

Ông đâu bằng lòng chỉ biết ngẫm nghĩ một mình thôi, ông đem ý này nói ra với tất cả những nhà sản xuất tơ lụa ở thị trấn Lavilledieu sau khi tập hợp họ Ở quán cà phê Verdun. Tới bây giờ, không ai trong bọn họ đã nghe nói đến nước Nhật.

- Chúng ta phải đi xuyên qua cả mặt đất để tìm mua những trứng tằm theo ý Thượng Đế, ở một nơi chốn mà khi bắt gặp một tên ngoại quốc thì họ xách cổ treo lên ?

- Trước kia thì thế, bây giờ hết rồi, Baldabiou nói cho chính xác.

Họ chẳng biết nghĩ tới, nghĩ lui ra sao. Một ý bắc bẻ hiện ra trong đầu một người trong bọn họ.

- Không ai trên thế gian nghĩ ra chuyện đi xuống đó tìm mua trứng, vậy phải có lý do chứ bộ không à ?

Baldabiou có thể "đại ngôn" với họ, rằng trên thế gian này không có một Baldabiou thứ hai. Nhưng ông thích nói thẳng vào thực tế hơn.

- Người Nhật đành cam chịu bán lụa. Nhưng trứng tằm, không bao giờ. Họ giữ lại riêng cho họ. Và ai tìm cách đem trứng ra khỏi đảo sẽ bị khép tội.

Những nhà sản xuất tơ lụa ở Lavilledieu, ít hay nhiều, là những nhà quân tử, không bao giờ họ có ý nghĩ vi phạm một luật lệ nào ở trong nước mình. Nhưng ý tưởng là họ sẽ phạm luật của một nước ở tít mù cuối trời thì có vẻ hợp lý, hợp lẽ lắm đối với họ.

11.

Ta đang ở vào năm 1861. Flaubert hoàn thành tiểu thuyết Salammbo, đèn điện còn là một giả thuyết và Abraham Lincoln, bên kia bờ Đại Dương, đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà ông sẽ không thấy hồi kết thúc. Những người nuôi tằm ở Lavillediu hợp lại thành công ty và tập trung một số vốn to tát cần thiết cho cuộc viễn hành. Cả bọn họ thấy giao phó chuyến đi này cho Hervé Joncour là đương nhiên. Khi Baldabiou hỏi anh có chấp nhận không, anh trả lời bằng một câu hỏi:

- Và cái xứ Nhật ấy, nó nằm ở đâu, nói cho chính xác ?

-Ngả đó, thẳng một đường. Chỗ tận cùng trời cuối đất.

Anh lên đường ngày 6 tháng mười . Một mình.

Ở cửa ngõ thị trấn Lavilledieu, anh ôm chặt người vợ Hélène và nói với nàng một cách giản dị.

- Em đừng lo sợ gì cả.

Đó là một người đàn bà lớn con, cử chỉ chậm rãi, nàng có mái tóc đen dài không bao giờ búi lại trên đầu. Nàng có một giọng nói tuyệt vời.

12.

Hervé Joncour ra đi với tám chục ngàn quan bằng vàng và ba cái tên ông Baldabiou đã tìm ra đưa cho anh: một người Tàu, một người Hà Lan và một người Nhật . Anh qua biên giới gần thành Metz, đi xuyên qua vùng Wurtemberg và vùng Bavière, vào nước Áo, lên thành Vienne rồi thành Budapest bằng tàu lửa, tiếp tục đi đến thành Kiev . Anh cưỡi ngựa băng qua hai ngàn cây số vùng thảo nguyên Nga, vượt rặng núi Oural, tiến vào vùng Sibérie, mất hết bốn chục ngày nữa anh mới tới hồ Baikal mà người dân địa phương gọi là: biển . Anh xuôi dòng sông Amour, đi dọc theo biên giới Tàu cho đến bờ Đại Dương, và khi tới đó anh nằm dài mười một ngày ở hải cảng Sabirk chờ đợi một con tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh tới Capo Teraya nằm ở bờ biển phía tây nước Nhật . Đi bộ trên những con đường phụ, anh xuyên qua các tỉnh Thạch Xuyên, Hộ Sơn, Tân Tích, vào sâu trong tỉnh Phúc Đạo và khi đến gần thành phố Bạch Xuyên thì anh đi vòng tránh nó bằng ngả phía đông rồi chờ suốt hai ngày một người đàn ông mặc đồ đen bịt mắt anh lại và dẫn anh đi cho tới một ngôi làng nằm giữa những ngọn đồi anh ngủ lại qua đêm, và sáng hôm sau anh thương lượng mua trứng tằm với một người đàn ông không mở miệng một lời và khuôn mặt được che kín bằng một khăn phủ bằng lụa . Đen . Khi mặt trời lặn, anh giấu trứng tằm trong hành lý, quay lưng về phía nước Nhật và sửa soạn lên đường về quê nhà.

Anh vừa mới qua khỏi mấy nếp nhà cuối cùng trong làng thì một người đàn ông chạy theo chận anh lại . Hắn nói với anh điều gì đó với một giọng kích động và kiên quyết, rồi với cả sự nhã nhặn pha lẫn cứng rắn, bắt anh quay trở lại.

Hervé Joncour không nói được tiếng Nhật và không thể hiểu ông ta nói gì . Nhưng anh đoán ra là Nguyên - Mộc muốn gặp anh.

o0o

13.

Một tấm vách bằng giấy bản kéo lướt qua và Hervé Joncour bước vào . Nguyên Mộc ngồi xếp bằng trên sàn nhà, ở một góc lùi xa nhất của gian phòng . Ông ta mặc một chiếc áo rộng màu sẫm và không đeo một thứ trang sức nào cả . Chỉ có một dấu hiệu thấy được ông ta có uy quyền là một người đàn bà nằm dài bên cạnh, đầu gối lên đùi ông, mắt nhắm nghiền, đôi tay che giấu dưới bộ áo rộng thùng thình màu đỏ trải xung quanh người nàng, như một ngọn lửa trên mặt chiếu màu xám tro . Nguyên Mộc chậm rãi dùng tay lùa tóc nàng: trông như ông đang vuốt ve bộ lông một con thú quý hiếm, và đang ngủ.

Hervé Joncour đi xuyên gian phòng, chờ chủ nhân ra hiệu rồi ngồi xuống đối diện ông . Cả hai người giữ im lặng, nhìn thẳng vào mặt nhau . Một người đầy tớ đi vào, lặng lẽ như không, đặt trước mặt họ hai tách trà . Rồi biến đi . Bây giờ Nguyên Mộc mới bắt đầu nói, bằng tiếng mẹ đẻ, giọng đều đến đơn điệu, pha loãng với một thứ giọng kim giả tạo một cách khó chịu . Hervé Joncour lắng nghe . Anh cứ nhìn thẳng vào mắt Nguyên Mộc và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ngay anh cũng không để ý đến, hạ ánh mắt mình xuống khuôn mặt người đàn bà.

Đó là khuôn mặt một cô gái trẻ.

Anh đưa mắt lên.

Nguyên Mộc ngưng nói, cầm một trong hai tách trà đưa lên miệng, chờ một lát rồi nói.

- Ông thử kể tôi nghe ông là ai.

Ông nói câu này bằng tiếng Pháp, hơi kéo lê những nguyên âm, với một giọng khàn khàn, thật sự của mình.

o0o

14.

Trước một con người gần như bất khả xâm phạm nhất ở Nhật, chúa trùm tất cả những gì thiên hạ xoay sở đem lậu ra khỏi đảo quốc, Hervé Joncour cố kể mình là ai . Anh nói bằng tiếng mẹ đẻ, phát âm chậm rãi, không biết chính xác Nguyên Mộc có hiểu được anh không . Theo bản năng, anh bỏ qua mọi thận trọng, cứ kể lại không bịa cũng không giấu tất cả những gì có thật, giản dị thế thôi . Anh kể ra những chi tiết nhỏ nhặt và những biến cố mâu chốt cùng một giọng đều đều, đơn điệu và rất ít điệu bộ, như thể tập tành theo cái nhịp không vui, lãnh đạm, thảng thốt của một người đọc danh sách những đồ vật sống sót sau cơn hoa? hoạn . Nguyên Mộc lắng nghe, không một thoáng phản ứng nào lộ ra trên khuôn mặt điềm tĩnh, lạnh lùng của mình . Mắt ông nhìn đăm đăm cặp môi của Hervé Joncour như thể đôi môi ấy là những hàng cuối cùng của một lá thư vĩnh biệt . Trong gian phòng, mọi sự đều im ắng và bất động đến nỗi cái gì xảy ra thình lình, dù từ nó chẳng có gì, cũng thành to lớn, vô hạn.

Bỗng dưng.

Vẫn nằm im không động đậy.

Cô gái trẻ này, mở mắt.

Hervé Joncour không ngừng nói nhưng theo bản năng đưa ánh mắt về phía nàng, và cái anh thấy, vẫn không ngừng nói, cái anh thấy là đôi mắt ấy không có dáng phương đông, và đôi mắt ấy với một cường độ làm bối rối nhìn thẳng vào anh: như thể đôi mắt ấy chẳng làm gì khác cả ngay từ lúc đầu, đuôi mi mắt khép, Hervé Joncour cố giữ vẻ tự nhiên, đưa mắt sang chỗ khác, ráng tiếp tục câu chuyện, không để lộ ra cái gì khác lạ trong giọng nói . Anh chỉ ngừng khi anh chợt thấy lại cái tách trà đặt trên sàn, trước mặt anh . Anh cầm đưa lên môi, uống từ từ chậm rãi . Rồi anh bắt đầu nói lại, sau khi đặt tách trà xuống chỗ cũ, trước mặt mình.

o0o

15.

Nước Pháp, những chuyến hải hành, hương thơm từ những cây dâu ở thị trấn Lavilledieu, tàu lửa chẳng bằng hơi nước, giọng nói của Hélène . Hervé Joncour tiếp tục kể chuyện đời mình như thể anh chưa bao giờ làm thế trong đời mình . Cô gái trẻ vẫn nhìn anh đăm đăm, với một sự mãnh liệt khiến anh cảm thấy bó buộc phải dùng những lời lẽ có ý nghĩa, đáng ghi nhớ . Gian phòng từ bấy giờ hình như đã rơi trượt vào một trạng thái tĩnh lặng cố định khi bất thình lình, và không gây ra một tiếng động hay một âm thanh nhỏ nào, cô gái để một bàn tay trượt ra khỏi tầm áo, trượt từ từ trên chiếu, trước mặt nàng . Hervé Joncour thấy, từ khoé mắt mình, cái đốm sáng này, thấy nó vượt nhẹ tách trà của Nguyên Mộc, rơi, một cách lạ thường, tiếp tục trượt dần dần đến cái tách trà thứ hai, rồi chụp nó không chút do dự, cái tách mà anh đã uống, nhẹ nhàng cầm lên đưa về phía nàng . Nguyên Mộc không ngừng nhìn, dù một chút xíu, vào đôi môi của Hervé Joncour, mặt không đổi sắc.

Cô gái nhấc đầu lên một chút.

Lần đầu tiên ánh mắt nàng rời khỏi Hervé Joncour để sang tách trà.

Chậm rãi, nàng xoay nó dưới môi cho đến ngay chỗ anh đã đặt môi uống.

Khép mắt nửa chừng, nàng uống một ngụm.

Nàng đưa tách rồi mời.

Nhẹ nhàng đặt nó trở lại chỗ cũ.

Kéo tay vào dưới lớp áo.

Gối đầu lên đùi Nguyên Mộc.

Đôi mắt mở, đăm đăm nhìn mắt Hervé Joncour.

16.

Hervé Joncour còn nói lâu lắm . Anh chỉ ngừng khi Nguyên Mộc đưa mắt nhìn chỗ khác và hơi nghiêng người chào anh.

Im lặng.

Bằng tiếng Pháp, hơi kéo lê những nguyên âm, giọng khàn khàn, thật sự của mình . Nguyên Mộc lên tiếng:

- Nếu ông muốn trở lại đây lần nữa, tôi rất vui đón tiếp ông.

Lần đầu tiên, ông ta mỉm cười.

- Trứng ông mua được chẳng có giá trị gì hết . Toàn trứng cá.

Hervé Joncour hạ ánh mắt . Trước mặt anh, tách trà của anh . Anh cầm lên, xoay tròn, xem xét nó như thể anh muốn tìm cái gì đó trên cái đường chỉ viền màu ở mép tách . Khi anh tìm được, anh ấn môi mình lên đó, và uống cạn chén . Rồi anh đặt tách trà xuống trước mặt và nói:

- Tôi biết.

Nguyên Mộc bật cười, tỏ vẻ khoái trá.

- Vì thế mà ông trả bằng vàng giả, phải không ?

- Tôi trả đúng những gì tôi mua.

Nguyên Mộc tỏ vẻ nghiêm nghị trở lại.

- Khi ông rời đây, ông sẽ nhận được những gì ông muốn.

- Khi tôi ra khỏi cái đảo này, toàn mạng, ông sẽ nhận đúng số vàng thuộc phần ông . Tôi hứa danh dự.

Hervé Joncour không chờ câu trả lời . Anh đứng lên, đi lùi vài bước, rồi cúi người chào.

Đôi mắt cô gái cứ nhìn theo mắt anh, hoàn toàn câm nín . Đó là điều cuối cùng anh thấy trước khi ra khỏi gian phòng.

o0o

17

Sáu ngày sau, ở Cao - Cương, Hervé Joncour lên một chiếc tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh về lại Sabirk . Từ đó anh đi ngược lên, dọc theo biên giới Tàu cho tới hồ Baikal, băng qua bốn ngàn cây số vùng đất Sibérie, vượt rặng núi Oural, đến lại thành Kieve rồi lên tàu lửa đi suốt châu Âu, từ đông sang tây, và như thế sau một cuộc hành trình về nước dài ba tháng, cuối cùng anh đến Pháp . Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư - vừa kịp giờ dự lễ cả - anh về đến cửa ngõ vào Lavilledieu . Anh dừng chân, tạ Ơn Thượng Đế và đi bộ vào thị trấn, đếm từng bước chân để mỗi bước có một tên gọi, để mà không bao giờ quên được bước chân mình.

- Nó ra sao, cái xứ sở ở chân mây cuối trời đó ? Baldabiou hỏi anh.

- Vô hình, vô ảnh.

Người vợ Hélène, anh tặng cho nàng một áo dài bằng lụa nhưng nàng chẳng bao giờ mặc cả, nàng ngượng . Nếu nắm chặt tấm áo đó trong lòng bàn tay, ta có cảm tưởng chẳng nắm gì cả giữa những ngón tay.

o0o

18

Những trứng tằm Hervé Joncour mang từ Nhật về - cả hàng trăm trứng bám trên những phiến vỏ cây dâu - đều tỏ ra hoàn toàn lành mạnh . Năm đó, sự sản xuất tơ lụa trong vùng Lavilledieu đạt kết quả đặc biệt, về số lượng cũng như chất lượng . Hai nhà máy sợi khác được mở thêm, và Baldabiou cho xây một tu viện sát với ngôi nhà thờ nhỏ Sainte - Agnès . Ông muốn xây nó hình tròn, chẳng ai hiểu rõ tại sao, và giao phó dự án này cho một kiến trúc sư người Tây Ban Nha tên là Juan Benitez, khá có tiếng trong lĩnh vực xây quảng trường đấu bò mộng hình tròn.

- Tất nhiên, không đổ cát ở trung tâm tu viện, nhưng một cái vườn . Và nếu có thể được, treo đầu cá heo thay vì đầu bò ong, ở lối ra vào.

- Dạ thưa ông, cá heo ?

- Một loài cái, Benitez, hiểu không ?

Hervé Joncour tính toán sổ sách và biết ra là anh bây giờ giàu có . Anh mua ba chục mẫu tây đất nằm ở phía nam nhà anh, và cặm cụi suốt mấy tháng hè ngồi vẽ kiểu một công viên mà sau này ai đi dạo ở đây sẽ thấy lòng mình tĩnh

Chương 2

Sáu ngày sau, ở Cao Cương, Hervé Joncour lên chiếc tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh trở lại Sabirk. Từ đó anh đi ngược lên, dọc theo biên giới Tàu cho tới hồ Baikal, băng qua bốn ngàn cây số vùng đất Sibérie, vượt rặng núi Oural, đến được lại thành Kiev rồi lên tàu lửa đi suốt châu Âu, từ đông sang tây, như thể sau một cuộc hành trình về nước dài ba tháng trời, anh đến Pháp. Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng tư - vừa kịp giờ dự lễ cả - anh về đến cửa ngõ vào thị trấn Lavilledieụ Anh cho ngừng xe, và ngồi bất động trong nhiều phút đằng sau tấm màn cửa kéo kín. Rồi anh xuống xe và tiếp tục đi bộ, bước chân này sau bước chân kia, với một sự mệt mỏi vô hạn.

Baldabiou hỏi anh có chứng kiến chiến tranh nào không.

- Không phải cuộc chiến tôi chờ đợi, anh trả lời.

Đêm đó anh vào giường Hélène và làm tình với nàng một cách nóng nảy, vội vã đến độ khiến nàng phát sợ và phát khóc. Khi nàng thấy anh chợt nhận ra phản ứng của mình, nàng tự ép mình nở một nụ cười cho anh.

- Chỉ vì em sung sướng quá thôi, dịu dàng nàng nói với anh.

o0o

39.

Hervé Joncour giao trứng cho những nhà chăn tằm ở Lavilledieụ Rồi suốt mấy ngày anh không chường mặt ra ngoài, lơ là luôn thói quen hàng ngày đến quán Verdun. Vào những ngày đầu tháng năm và trước sự sững sờ của mọi người, anh mua lại ngôi nhà hoang của ông Jean Berbek, cái ông mà một ngày kia không muốn nói với người đời một lời nào nữa và cứ ngậm miệng cho đến khi từ giã cõi người. Mọi người nghĩ rằng anh có ý biến cái nhà thành một xưởng mới. Anh chẳng bận tâm phá bỏ nó đi. Đôi khi anh tới đó, một mình đi tới, đi lui trong các căn phòng, để làm gì, chẳng ai biết. Một bữa kia, anh đưa Baldabiou đến đó.

- Chắc ông, ông biết tại sao Jean Berbek tự nhiên ngậm miệng không nói nữa ? Anh hỏi Baldabiou.

- Đó là một trong nhiều điều ông ta không bao giờ mở miệng nói ra.

Bao nhiêu năm đã trôi qua mà những bức trầm vẫn còn treo trên tường và nồi niêu vẫn còn nằm ở giá ráo nước, bên cạnh bồn rửa chén bát. Chẳng vui gì khi nhìn mấy cảnh này, và Baldabiou, về phần ông, muốn ra khỏi đây cho rồi. Nhưng Hervé Joncour tiếp tục chăm chú nhìn, mê man, những bức tường mốc meo và không còn sức sống. Rõ ràng rồi: anh ta tìm kiếm cái gì đó, ở đây.

- Có lẽ đôi khi cuộc đời xoay chuyển một cách kỳ cục, lạ lùng khiến ta chẳng còn gì để nói thêm vào.

Anh nói.

- Chẳng còn gì. Chẳng bao giờ nữa.

Baldabiou không phải là người đủ sức, đủ vóc trong những cuộc nói chuyện đứng đắn. Ông nhìn cái giường của Jean Berbek.

- Có lẽ bất cứ ai cũng thành câm mẹ nó chứ còn gì nữa ở trong cái nhà gớm ghiếc này.

Hervé Joncour vẫn tiếp tục cuộc sống khép kín trong nhiều ngày, ít khi chường mặt ra ngoài, và dành hết thời gian cho dự án cái công viên mà anh sẽ xây lên, một ngày kia. Anh bôi đen bao nhiêu tờ giấy với những hình vẻ kỳ quặc, trông như những cổ máy. Một buổi tối, Hélène hỏi anh.

- Cái gì thế ?

- Chuồng chim.

- Chuồng chim à ?

- Phải.

- Để làm gì ?

Hervé Joncour vẫn chăm chú nhìn các hình vẽ.

- Em đem chim về bỏ đầy chuồng, nhiều chim chừng nào tùy sức em, và một ngày nào đó có chuyện xảy ra làm em sung sướng, hạnh phúc, em mở rộng cửa chuồng và em nhìn chúng bay ra, bay lên trời cao.

o0o

40.

Vào cuối tháng bảy, Hervé Joncour đi cùng người vợ xuống thành phố Nicẹ Họ ngụ trong một biệt thự nhỏ nằm bên bờ biển. Chính Hélène chọn nó, nàng tin rằng sự tĩnh lặng của ngôi nhà nằm cô lập sẽ làm dịu bớt tính khí u sầu có vẻ choáng hết con người chồng nàng. Tuy nhiên, nàng rất khôn khéo khi làm như sự chọn lựa này là do tính thất thường, đồng bóng của riêng mình, và như thể làm cho người đàn ông nàng yêu cảm thấy thoa? mãn khi tha thứ cho nàng.

Họ sống chung ba tuần lễ trong niềm hạnh phúc ít ỏi và nguyên vẹn. Trong những ngày trời không nóng quá, họ thuê một cỗ xe ngựa và đi khám phá trong niềm vui thú những làng mạc giấu mình rải rác sau những ngọn đồi, từ đó nhìn xuống, biển trông giống như cảnh bài trí trên những tấm giấy hoa dán tường. Đôi khi họ xuống phố dự một đêm hòa nhạc hay dạ hội. Một buổi tối họ nhận lời mời của một nam tước người Ý dự dạ tiệc sang trọng mừng sinh nhật sáu mươi tuổi của ông ở khách sạn Thụy Sĩ. Tới lúc ăn tráng miệng, Hervé Joncour tình cờ đưa mắt về phía Hélènẹ Nàng ngồi phía bên kia bàn, bên cạnh một người đàn ông Anh hào hoa và có duyên, lạ lùng thay, ông ta mang trên ve áo dạ hội một cái nhẫn kết bằng những nụ hoa xanh nhỏ. Hervé Joncour thấy ông ta nghiêng người và thầm thì điều gì sát bên tai Hélènẹ Nàng bật cười, một cái cười tuyệt đẹp, và khi cười nàng nghiêng đầu về phía người Anh đến mức để tóc nàng vuốt nhẹ vai ông ta, một cử chỉ tự nhiên, không thấy có gì lúng túng nhưng rất chính xác làm anh ta bối rối. Hervé Joncour hạ ánh mắt xuống đĩa đồ ăn. Anh không thể không nhận ra bàn tay mình đang cầm chặt chiếc thìa nhỏ bằng bạc bắt đầu run rẩy thấy rõ.

Sau đó, ở phòng hút thuốc, Hervé Joncour, người lảo đảo vì hơi quá chén, đến gần một người đàn ông ngồi một mình ở bàn, mắt nhìn về phía trước với vẻ mặt hơi ngơ ngác. Anh chồm người về phía ông, nói chậm chạp.

- Thưa ông, tôi phải loan báo cho ông một điều hệ trọng. Chúng ta cả thảy đều đang ghê tởm. Chúng ta cả thảy đều tuyệt diệu và chúng ta cả thảy đều đang ghê tởm.

Ông đến từ Dresdẹ Buôn bán bê bò và chẳng hiểu được tiếng Pháp bao nhiêu. Ông ta bật lên một tràng cười ầm ỉ, vừa lúc lắc cái đầu nhiều lần tỏ vẻ đồng tình, không biết khi nào ông mới dứt cơn cười bò như thế.

Hervé Joncour và người vợ còn ở vùng Riviera cho đến đầu tháng chín. Họ cảm thấy bùi ngùi khi phải rời cái biệt thự nhỏ vì giữa những bức tường này họ cảm nhận số phần yêu nhau của họ với tấm lòng thanh thản.

o0o

41.

Từ sáng sớm Baldabiou đã đến nhà Hervé Joncour. Họ ngồi dưới hiên cổng.

- Cái công viên này chẳng thấy gì đẹp cả.

- Tôi chưa bắt đầu xây nó mà.

- Ừa, thật à ?

Baldabiou không bao giờ hút thuốc vào buổi sáng. Ông móc ống điếu, nhồi thuốc và châm lửa.

- Tôi đã gặp tên Pasteur. Anh ta cừ lắm. Đã chỉ cho tôi. Đủ sức phân biệt trứng nào vướng bệnh, trứng nào lành mạnh. Dĩ nhiên, anh ta không chữa được. Nhưng đủ sức cách ly những trứng khoẻ. Và anh ta nói rằng chắc độ ba mươi phần trăm số trứng ta sản xuất là lành mạnh.

Ngừng.

- Người ta kể ở Nhật chiến tranh đã bùng nổ, lần này là thực sự. Người Anh giao vũ khí cho phía chính phủ, người Hà Lan trang bị súng ống cho phe nổi loạn. Hình như họ có thoa? ước ngầm. Họ để cho dân Nhật làm thịt lẫn nhau, và sau đó họ sẽ lấy tất cả và chia chác giữa họ với nhau. Tòa lãnh sự Pháp ngồi nhìn, chẳng làm trò trống gì khác, chỉ ngồi nhìn thôi. Chỉ giờ ngồi gởi những bức điện kể lể chuyện tàn sát và những ngoại kiều bị cắt cuống họng như cừu.

Ngừng.

- Còn cà phê không ?

Hervé Joncour rót thêm cà phê cho ông.

Ngừng.

- Hai tên Ý đó, Ferreri và tên... kìa, hai đứa đi Tàu năm ngoái đó... chúng trở về với mười lăm ngàn lượng trứng, hàng tốt, bọn làm cho Bollet đã mua một số, bảo rằng trứng thuộc loại thượng hạng. Hai đứa đó sẽ đi lại trong tháng tới... Chúng đề nghị với chúng ta một hợp đồng hấp dẫn, giá cả đưa ra rất phải chăng, mười một quan một lượng, tất cả đều được bảo hiểm. Chúng là dân đàng hoàng, có cả một tổ chức vững chắc sau lưng, bán trứng cho một nửa châu Âu. Dân đàng hoàng lắm, tôi bảo đảm cậu.

Ngừng.

- Tôi không biết, nhưng có lẽ chúng ta sẽ xoay sở được. Với trứng riêng của ta, với sự nghiên cứu hiện nay của Pasteur, và những gì ta mua được từ hai tên Ý... ta sẽ làm được việc. Ở cái thị trấn này, thiên hạ đã lên tiếng, chỉ có điên mới gởi cậu đi xuống đó lần nữa... với tất cả những phí tổn không tránh được... họ nói, nhiều bất trắc quá, và họ có lý chứ không phải chơi đâu, những lần trước thì khác, nhưng bây giờ... bây giờ đâu dễ gì về lại đây toàn mạng.

Ngừng.

- Thực tế mà nói, họ không muốn chấp nhận cái nguy cơ mất trứng. Và tôi, tôi không muốn mất cậu.

Hervé Joncour đưa mắt nhìn đăm đăm cái công viên chưa ra đời, chưa có mặt. Rồi anh làm một chuyện mà xưa nay anh chưa bao giờ làm.

- Tôi sẽ đi Nhật.

Anh nói.

- Tôi sẽ mua trứng, và nếu cần, tôi sẽ bỏ tiền ra muạ Ông chỉ việc quyết định bán trứng cho ông hay không, hay là ông bán cho người nào khác.

Baldabiou đâu có cho sự thể xảy ra như vậy. Như thể thấy tên cụt tay thắng bàn biđa, vào cú chót, thọc quả banh chạy bốn băng bàn, một hình học không thể có.

o0o

42

Baldabiou loan báo cho những người chăn tằm ở Lavilledieu rằng Pasteur chẳng đáng tin chút nào, rằng hai tên người Ý đã quịt cả một nửa châu Âu, rằng ở Nhật chiến tranh sẽ chấm dứt trước mùa đông tới và nữ thánh Agnès trong chiêm bao đã hỏi thẳng ông có phải những người chăn tằm là một bọn nhát như cáy. Nhưng với Hélène ông không thể nói láo.

- Có thực sự cần thiết anh ấy phải đi không, ông Baldabiou ?

- Không.

- Thế thì tại sao ?

- Tôi không thể ngăn nó. Và nếu nó muốn đi xuống đó, tôi chỉ có thể cho nó một lý do để mà nó còn trở về đây.

Tất cả những người chăn tằm ở Lavilledieu, dù muốn dù không, đều đóng góp phần mình tài trợ cho chuyến viễn hành. Hervé Joncour bắt đầu sửa soạn hành trang, và vào những ngày đầu tháng mười, anh sẵn sàng lên đường. Như mọi năm, Hélène giúp anh chuyện này, chuyện nọ, không mở miệng hỏi anh điều gì và giữ riêng cho mình những nỗi lo âu. Chỉ vào buổi tối cuối cùng, sau khi tắt đèn nàng mới thấy mình đủ sức nói với anh.

- Hứa với em là anh sẽ trở về.

Với một giọng quả quyết, gần như nghiêm khắc.

- Hứa với em là anh sẽ trở về.

Trong bóng tối, Hervé Joncour trả lời.

- Anh hứa.

o0o

43.

Ngày 10 tháng mười năm 1864, Hervé Joncour làm chuyến viễn hành thứ tư sang Nhật. Anh qua biên giới Pháp gần thành Metz, đi xuyên qua vùng Wurtemberg và vùng Bavière, vào nước Áo, lên thành Vienne rồi thành Budpest bằng tàu lửa, tiếp tục đi đến thành Kiev. Anh cưỡi ngựa băng qua hai ngàn cây số vùng thảo nguyên Nga, vượt rặng núi Oural, tiến vào Sibérie, mất hết bốn chục ngày nữa anh mới đến được hồ Baikal mà người dân địa phương gọi là: ông thánh. Anh xuôi dòng sông Amour, đi dọc theo biên giới Tàu cho đến bờ Đại dương, và khi tới đó anh nằm dài tám ngày ở hải cảng Sabirk chờ đợi một con tàu của bọn buôn lậu Hà Lan đưa anh tới Capo Teraya ở bờ biển phía Tây nước Nhật. Đi ngựa trên những con đường phụ, anh băng ngang các tỉnh Thạch Xuyên, Hộ Sơn, Tân Tích, vào sâu trong tỉnh Phúc Đạo. Khi đến thành phố Bạch Xuyên, anh thấy nó đã bị tàn phá hết một nửa và một đội quân chính phủ đóng trại giữa cảnh hoang tàn. Anh rời thành phố bằng cách đi vòng về phía đông và chờ đợi suốt năm ngày một phái viên của Nguyên Mộc, một cách vô ích. Vào rạng đông ngày thứ sáu, anh ra đi về phía những ngọn đồi, theo hướng bắc. Anh chỉ có vài tấm bản đồ được vẽ phỏng chừng và những gì còn ghi lại trong trí nhớ. Anh lang thang nhiều ngày cho tới khi anh nhận ra một con sông, rồi một đám rừng, rồi một con lộ. Tận cùng con lộ, anh tìm ra ngôi làng của Nguyên Mộc: bị đốt cháy hoàn toàn, nhà cửa, cây cối, tất cả.

Chẳng còn gì cả.

Chẳng một bóng người.

Hervé Joncour đứng im, sửng sờ, nhìn đăm đăm cái đám cháy rực lửa kếch xù đã tắt. Sau lưng anh là một con đường dài tám ngàn cây số. Và trước mặt anh, không có gì. Bỗng dưng anh thấy ra cái mà anh đã tin là không thể nào thấy được.

Sự tận thế.

o0o

44.

Hervé Joncour ở lại hằng giờ giữa những tàn tích của ngôi làng. Anh thấy không đủ sức bỏ đi, mặc dù anh chưa biết rõ mọi giờ mất ở đây có thể mang đến tai họa cho anh và cả cho toàn thị trấn Lavilledieu: anh không có trứng tằm, và ngay cả tìm được trứng để mua, anh chỉ còn hai tháng ngắn ngủi để băng qua thế giới một lần nữa trước khi trứng nở, biến thành một đống sâu tằm vô dụng. Ngay trễ một ngày thôi có thể xem như chấm dứt, không làm ăn được gì nữa. Anh biết rõ điều này, vậy mà anh vẫn thấy không đủ sức bỏ đi. Anh cứ ở đó, cho tới khi một việc đáng ngạc nhiên và phi lý xảy ra: thình lình, không biết từ đâu ra một thằng nhỏ xuất hiện. Ăn mặc rách rưới, nó đi chậm chạp, nhìn người xa lạ này với nỗi sợ hãi trong mắt. Hervé Joncour không cử động. Thằng nhỏ còn bước vài bước rồi ngừng. Cả hai đều bất động, nhìn nhau, cách nhau vài thước. Rồi thằng nhỏ lui cui rút ra thứ gì đó từ tấm áo rách, bước lại gần Hervé Joncour, người run lên vì sợ, đưa nó cho anh. Mốt chiếc găng. Hervé Joncour thấy mình nhớ lại một bờ hồ, và tấm áo choàng màu cam bỏ trên đất, và những con sóng nhỏ đùa nước vào bờ, như thể những con sóng này được gởi đến từ một nơi nào xa thẳm. Anh cầm chiếc găng và mỉm cười với thằng nhỏ.

- Tôi đây, người Pháp đây... người tơ lụa, người Pháp, em hiểu không ? Tôi đây.

Thằng nhỏ ngừng run.

Nó có đôi mắt lóng lánh, có lẽ vì nước mắt, nhưng bây giờ nó cười. Nó bắt đầu nói, gần như hét, rồi chạy đi, ra dấu cho Hervé Joncour chạy theo. Nó biến mất trong một con đường mòn dẫn vào rừng, theo hướng núi.

Hervé Joncour vẫn ngồi nguyên chờ. Anh lật qua lật lại chiếc găng, như thể nó là một di vật duy nhất cho anh còn sót lại từ một thế giới đã bi chìm ngập. Anh biết bây giờ đã trễ quá rồi. Và anh chẳng còn có sự chọn lựa nào nữa.

Anh đứng dậy. Chậm rãi, anh bước lại gần con ngựa. Leo lên yên. Rồi anh làm một điều kỳ quặc. Anh thúc gót giày vào bụng ngựa. Và lên đường. Hướng vào rừng, theo sau thằng nhỏ, đi cho tới tận bên kia sự tận thế.

o0o

45.

Cuộc hành trình lên phía bắc của họ kéo dài nhiều ngày, xuyên qua những rặng núi. Hervé Joncour không biết cả hai đang đi về đâu nhưng anh cứ để cho thằng nhỏ dẫn đường, không tìm cách hỏi nó gì cả. Họ vào đến hai ngôi làng. Dân chúng trốn lánh trong nhà. Đàn bà trốn đi nơi khác. Thằng nhỏ tỏ ra vui thích la hét những lời không thể hiểu sau lưng dân làng. Nó không quá mười bốn tuổi. Nó cứ thổi hoài cái ống sáo bằng sậy phát ra những tiếng kêu thuộc đủ loại chim trên mặt đất. Nó trông như người đang trải qua những giây phút đẹp đẽ nhất của đời mình.

Ngày thứ năm, họ lên đến một đỉnh đèo. Thằng nhỏ đưa tay chỉ một điểm trước mắt, trên con đường đi xuống thung lũng. Hervé Joncour rút ống dòm và cái anh thấy là một đoàn người đang kéo nhau đi: đàn ông mang vũ khí, đàn bà và trẻ em, xe kéo bốn bánh, súc vật. Toàn bộ một làng đang di chuyển trên đường. Anh thấy, ngồi trên ngựa, mặc đồ đen, Nguyên Mộc. Sau lưng ông là một cái kiệu đi hơi lắc lư, khép kín bốn bên bằng những tấm vải màu sắc lộng lẫy.

o0o

46.

Thằng nhỏ xuống ngựa, nói cái gì đó rồi bỏ chạy. Trước khi biến mất sau những bụi cây, nó quay lại, đứng im một lát, tìm một cử chỉ để nói lên cuộc hành trình vừa qua rất tốt đẹp.

- Chuyến đi này rất tốt đẹp, Hervé Joncour nói tỏ vẻ phía nó.

Suốt ngày hôm đó, Hervé Joncour đi theo đoàn người, từ xạ Khi anh thấy họ dừng chân để nghỉ qua đêm, anh cứ cho ngựa đi tiếp trên đường cho tới khi hai người đàn ông mang vũ khí chặn anh lại, giữ lấy ngựa và hành lý, và dẫn anh vào một căn lều. Anh ngồi chờ rất lâu, rồi Nguyên Mộc đến. Ông ta không chào. Cũng không ngồi xuống.

- Làm sao tới được đây, tên Pháp kia ?

Hervé Joncour không trả lời.

- Tôi hỏi ông ai đã dẫn ông tới tận đây.

Im lặng.

- Ở đây, chẳng có gì cho ông cả. Chỉ có chiến tranh. Và đâu phải cuộc chiến của ông. Nên rời khỏi đây đi.

Hervé Joncour rút ra một túi nhỏ bằng da, mở ra và đổ trút xuống đất. Những thỏi vàng.

- Chiến tranh là một cuộc chơi tốn kém lắm. Ông cần tôi, và tôi cũng cần ông.

Nguyên Mộc không buồn nhìn cả những thoi vàng vung vãi trên đất. Ông quay lưng và bỏ đi.

o0o

47.

Hervé Joncour ngủ qua đêm ngoài bìa trại của đoàn người. Chẳng ai nói chuyện với anh, chẳng ai tỏ ra thấy anh. Họ ngủ dưới đất, gần những đám lửa trại. Chỉ có hai căn lều. Gần một căn, Hervé Joncour nhận ra cái kiệu, trống rỗng: móc ở bốn góc kiệu là bốn lồng chim nhỏ: những con chim. Những quả chuông nhỏ xíu bằng vàng được treo ở mắt lưới lồng chim. Chuông kêu thánh thót, nhẹ nhàng trong làn gió nhẹ ban đêm.

o0o

48.

Khi anh thức dậy, anh thấy cả làng lăng xăng sửa soạn lên đường. Hai cái lều đã gỡ đi. Chiếc kiệu vẫn còn đó, còn trống. Dân làng leo lên những chiếc xe kéo, trong im lặng. Anh đứng dậy, nhìn lâu và kỹ xung quanh mình, nhưng những cặp mắt bắt gặp ánh mắt anh, tất cả đều có dáng phương đông, và hạ xuống tức khắc. Anh thấy những người đàn ông mang vũ khí, và những đứa trẻ không khóc lạ Anh thấy những khuôn mặt khép kín thường gặp ở những con người trên đường trốn chạy. Và anh thấy một cây to bên bờ đường. Và treo cổ vào một cành cây là thằng nhỏ đã dẫn anh đến tận đây.

Hervé Joncour tiến đến gần, đứng im một lúc lâu, nhìn xác thằng nhỏ như thể bị thôi miên. Rồi anh gỡ sợi dây treo ở cành cây, hạ thân xác thằng nhỏ xuống, để nó nằm dài trên đất rồi quỳ xuống bên cạnh. Anh không thể nào rời mắt khỏi khuôn mặt thằng nhỏ. Vì vậy anh đã không thấy cả đoàn người ra đi, chỉ nghe thôi, tưởng chừng đến từ nơi nào rất xa, những tiếng động của dòng người đi lướt qua anh khi lên mặt lộ. Anh không đưa mắt nhìn lên, ngay cả khi anh nghe tiếng Nguyên Mộc, cách anh hai bước, nói:

- Nhật là một nước rất lâu đời, ông biết không ? Luật lệ của nó cũng rất lâu đời: luật nói rằng có mười hai trọng tội, qua đó cho phép kết án tử hình những ai phạm vào. Và một trong mười hai tội đó là người đầy tớ mang thư tình của nữ chủ nhân trao cho người khác.

Hervé Joncour vẫn không rời mắt khỏi khuôn mặt thằng nhỏ bị giết.

- Nó có mang bức thư tình nào đâu.

- Chính nó là bức thư tình.

Hervé Joncour cảm thấy vật gì ấn chặt vào gáy mình khiến anh phải cúi đầu gần sát mặt đất.

- Tên Pháp này, đây là khẩu súng trường. Tôi yêu cầu ông không được nhìn lên.

Hervé Joncour không hiểu ngay tức khắc. Rồi giữa tiếng xào xạc của dòng người trên đường trốn chạy, anh nghe âm thanh trong trẻo như tiếng vàng, thánh thót, từ hàng ngàn quả chuông nhỏ xíu, tiến lại gần anh, lần lần, và mặc dù trước mắt anh chỉ là mặt đất đen, anh cũng hình dung được chiếc kiệu, lắc lư, đung đưa như quả lắc đồng hồ, anh hầu như thấy được nó rồi, đang đi lên mặt lộ, từng bước một, tiến lại gần anh, chậm rãi nhưng da diết, tưởng như được khiêng bởi những âm thanh này, càng lúc càng to hơn, to không thể chịu được, càng lúc càng gần hơn, gần như lướt sát bên anh, cái tiếng chuông vàng bây giờ đã đến trước mặt anh, ngay trước mặt anh, vào cái khoảnh khắc chính xác này, trước mặt anh.

Hervé Joncour ngửng đầu lên.

Những tấm vải tuyệt đẹp, lụa, bao bọc chiếc kiệu, hàng ngàn sắc màu, cam, trắng, bạc, màu đất son, nhưng không có chỗ nào mở ra trong cái tổ lộng lẫy này, chỉ có tiếng rào rạt của những sắc màu gợn sóng trong gió, không thể nào xâm nhập được, nhẹ hơn hư không.

Hervé Joncour không nghe tiếng nổ kết liễu đời mình. Anh nghe những tiếng chuông thánh thót xa dần, nòng súng trường rút khỏi gáy anh, và tiếng nói của Nguyên Mộc, dịu ngọt.

- Hãy rời khỏi đây, anh người Pháp. Và không bao giờ quay lại nữa.

o0o

49.

Chẳng còn gì khác ngoài sự im lặng trên đường. Xác thằng nhỏ trên mặt đất. Một người đàn ông quỳ. Cho tới những tia sáng cuối cùng trong ngày.

o0o

50

Hervé Joncour mất hết mười một ngày mới tới được Hoành Tân. Anh hối lộ một công chức Nhật mua được mười sáu hộp trứng tằm đến từ miền nam đảo. Anh gói trứng trong những tấm khăn lụa, bỏ vào trong bốn thùng tròn bằng gỗ, bít kín và gan xì. Anh xoay sở lên được một chiếc tàu thuỷ đưa anh về đại lục, và vào những ngày đầu tháng ba anh đến bờ biển Ngạ Anh chọn con đường cực bắc, tìm thời tiết lạnh để ngăn chặn trứng phát triển bình thường, kéo dài thời gian còn lại trước khi trứng nở. Dầm mưa dãi tuyết, anh băng qua bốn ngàn cây số vùng Sibérie, vượt rặng núi Oural và đến Saint - Pétersbourg. Anh mua hàng tạ nước đá với giá vàng rồng, cho chất vào hầm tàu chung với các thùng gỗ chứa trứng trong một chiếc tàu thuỷ đi Hambourg. Mất hết sáu ngày mới đến hải cảng đó. Anh lấy xuống bốn cái thùng tròn bằng gỗ và lên tàu lửa xuôi Nam. Khoảng mười một giờ đồng hồ sau khi rời ga, vừa ra khỏi ngôi làng tên là Eberfeld, tàu dừng lại lấy nước. Hervé Joncour nhìn quanh. Một mặt trời mùa hè chói lọi chiếu sáng trên màu xanh những đồng lúa mì, và trên cả mặt đất. Ngồi trước mặt anh là một lái buôn người Nga: ông ta đã cởi giày và quạt lấy, quạt để với trang chót của một tờ báo viết bằng tiếng Đức. Hervé Joncour nhìn kỹ ông. Anh thấy những đốm mồ hôi trên áo sơ mi và những giọt mồ hôi đọng trên trán và trên cổ ông. Người Nga vừa nói cái gì đó, vừa cười. Hervé mỉm cười với ông, đứng dậy, lấy hành lý và xuống tàu. Anh đi ngược lên toa cuối cùng, toa hàng hóa cho cá và thịt ướp trong nước đá. Nước chảy rỉ như một cái chậu bị bắn thủng bởi ngàn viên đạn. Anh mở cửa toa, leo vào và lấy xuống từng cái một bốn thùng tròn bằng gỗ, đem ra ngoài, đặt xuống đất, bên cạnh đường rầy. Rồi anh đóng cửa toa tàu lại, và chờ. Khi tàu sắp sửa chuyển bánh, hành khách trên tàu la hét kêu anh gấp rút nhanh chân leo lên nhưng anh lắc đầu và ra dấu chào từ biệt. Anh nhìn đoàn tàu xa dần rồi khuất hẳn. Anh chờ cho tới khi chẳng còn nghe một tiếng động nào nữa. Rồi anh cúi xuống trước một thùng gỗ, cắt xí và mở ra. Chậm rãi, cẩn thận.

Hàng triệu con sâu tằm. Chết. (Ohhhhh no!!!)

Đó là ngày 6 tháng năm 1865.

o0o

51.

Hervé Joncour vào thị trấn Lavilledieu chín ngày sau đó. Người vợ Hélène trông thấy từ xa chiếc xe leo len lỏi vào nhiều bóng cây trước nhà. Nàng tự nhủ không nên khóc và không nên bỏ trốn.

Nàng đi xuống tận cửa ra vào, mở ra và đứng ở ngưỡng cửa.

Khi Hervé Joncour đến gần, nàng mỉm cười. Anh xiết chặt người nàng trong vòng tay, nói dịu dàng.

- Ở lại với anh, anh mong lắm.

Đêm đó họ thức khuya, ngồi trên bãi cỏ trước nhà, người này bên cạnh người kia. Hélène kể cho anh nghe về Lavilledieu, về những tháng đợi ngày chờ vừa qua, nhất là những ngày cuối cùng, khủng khiếp.

- Anh đã chết.

Nàng nói.

- Và chẳng còn cái gì đẹp nữa, trên đời này.

o0o

52.

Trong các nông trang ở Lavilledieu, người ta nhìn những cây dâu đầy lá xanh tươi và thấy sự phá sản của họ. Baldabiou tìm mua được một số trứng nhưng những con sâu tằm chết ngay khi ra ánh sáng. Số lượng tơ sống rút từ những con sâu tằm sống sót hiếm hoi chỉ vừa đủ cho hai nhà máy dệt làm việc, hai trên bảy nhà máy trong vùng.

- Cậu có ý nào không ? Baldabiou hỏi.

- Một ý, Hervé Joncour trả lời.

Ngày hôm sau anh loan báo cho mọi người biết là anh có ý định, vào mùa hè này, bắt đầu cho xây cái công viên xung quanh nhà anh. Anh thu dụng, đàn ông, đàn bà trong thị trấn, hàng chục người. Họ đốn cây, đào góc trên ngọn đồi, san một số chỗ cho bớt dốc, làm cho sườn đồi dẫn xuống thung lũng trở nên thoai thoải. Bằng cây cối và hàng rào, họ dựng lên những mê cung nhẹ nhàng và thấy sướng. Bằng đủ loài hoa, họ tạo ra những mảnh vườn hiện ra bất ngờ giữa những lùm cây bulô như những quảng rừng trông bất ngờ hiện ra khi ta đi trong rừng. Họ bắt nước từ sông lên, rồi cho nước chảy xuống, từ đài nước này sang đài nước nọ, cho đến ranh giới phía tây của công viên, ở đó nước làm thành một hồ nhỏ được những đồng cỏ bao bọc. Về phía nam, giữa những cây chanh và cây ô liu, họ xây một chuồng chim cao lớn, làm bằng gỗ và sắt, trông như một bức đồ thêu treo trên không.

Họ làm việc suốt bốn tháng. Vào cuối tháng chín, công viên hoàn thành. Mọi người ở Lavilledieu chưa từng bao giờ thấy một công viên như thế. Họ đồn rằng Hervé Joncour tiêu hết vốn liếng cho nó. Họ còn nói thêm là anh từ khi ở Nhật về đã đổi khác, có lẽ bệnh hoạn. Họ nói anh đã bán trứng cho người Ý và bây giờ có một tài sản bằng vàng cất giữ trong các ngân hàng ở Paris. Họ cũng nói nếu không có công việc xây dựng công viên này, tất cả bọn họ đã chết đói vào năm đó. Họ nói anh là một tên bịp. Họ nói anh là một ông thánh. Một vài người lại nói: anh có cái gì đó, như một nổi bất hạnh vận vào người.

o0o

53.

Tất cả những gì Hervé Joncour kể về chuyến đi là số trứng mua ở Nhật đã nở ra tại một làng quê gần Cologne, và cái làng ấy mang tên Eberfeld.

Bốn tháng sau và mười ba ngày sau khi về quê nhà, Baldabiou đến ngồi đối diện với anh, bên bờ hồ, ở ranh giới phía tây của công viên và nói với anh.

- Dù sao đi nữa, cậu phải nói ra sự thật, với ai đó, sớm hay muộn.

Ông nói một cách nhẹ nhàng, và phải cố gắng lắm, vì ông không tin, không bao giờ tin, là sự thật có thể phục vụ hay có ích cho cái gì.

Hervé Joncour đưa mắt nhìn ra công viên.

Mùa thu đã đến mang về một thứ ánh sáng hão huyền lan tràn mọi chốn.

- Lần đầu tiên tôi thấy Nguyên Mộc, ông ta mặc một tấm áo sậm màu, ngồi xếp bằng, bất động, trong một góc phòng. Một người đàn bà nằm dài bên cạnh, đầu tựa lên đùi ông. Đôi mắt nàng không có dáng phương đông và khuôn mặt nàng là khuôn mặt của một cô gái trẻ.

Baldabiou nghe trong im lặng, cho tới đoạn cuối, cho tới chuyến tàu ở Eberfeld.

Ông không suy nghĩ gì cả.

Ông chỉ nghe.

Ông cảm thấy đau nhói khi nghe Hervé Joncour nói dịu dàng, nhỏ nhẹ để kết luận.

- Tôi chẳng bao giờ nghe được ngay cả giọng nói của nàng.

Và một lát sau.

- Đó là một nỗi đau khổ lạ lùng.

Dịu dàng.

- Chết vì luyến tiếc não nùng một cái gì mà ta chưa bao giờ sống qua.

Hai người đi ngược lên trong công viên, bên cạnh nhau. Điều duy nhất Baldabiou thốt ra là :

- Nhưng vì cái quái gì mà trời lạnh dữ dội thế này ?

Ông nói thế, vào một lúc sau đó.

o0o

54.

Vào đầu năm mới - 1866 - Nhật Bản chính thức cho phép xuất khẩu trứng tằm.

Trong thập niên tiếp theo, nước Pháp nhập vào một số lượng trứng Nhật lên đến mười triệu quan tiền Pháp.

Bắt đầu từ năm 1869, kênh đảo Suez được mở ra, đi Nhật chỉ mất không quá hai mươi ngày. Và từ đó trở lại, ít hơn một chút.

Lụa nhân tạo sẽ được cấp bằng sáng chế vào năm 1884 cho một người Pháp tên là Chardonnet.

o0o

55.

Sáu tháng sau khi về lại Lavilledieu, Hervé Joncour nhận qua đường bưu điện một bì thư màu vàng sẫm. Khi mở ra, anh thấy có bảy tờ giấy dày đặc chữ viết kiểu hình học: mực đen, chữ Nhật. Ngoại trừ tên và địa chỉ ngoài bì thư, chẳng có gì được viết bằng chữ phương tây. Theo những con tem, lá thư hình như được gởi từ Ostende.

Hervé Joncour giở ra từng tờ, và xem xét rất lâu. Nó giống như một quyển sưu tập những dấu chân chim nhỏ bé được sắp đặt từ một niềm say mê tỉ mỉ. Thật ngạc nhiên khi nghĩ rằng thật ra đó là những dấu hiệu, là tro tàn của một tiếng nói đã bị ngọn lửa thiêu đốt.

o0o

56

Trong nhiều tuần lễ, Hervé Joncour giữ bức thư trên người anh, gấp làm đôi để trong túi. Khi anh thay quần áo, anh cẩn thận để bức thư vào túi quần áo mới thaỵ Không bao giờ anh mở nó ra để ngắm nhìn. Thỉnh thoảng anh thọc những ngón tay rờ rẫm, vuốt ve nó trong khi anh nói chuyện với một tá điền hay chở giỏ ăn tới, ngồi trước hiên nhà. Vào một buổi tối, anh bắt đầu xem xét nó trước ánh sáng ngọn đèn trong phòng làm việc của anh. Giấy mỏng thấy xuyên qua được, những dấu chân chim bé xíu lên tiếng với một giọng nghẹn ngào. Chúng nói lên một điều gì tuyệt đối vô nghĩa, hay là điều gì đủ sức làm đảo lộn một đời người: không thể nào biết được và Hervé Joncour thấy mình bằng lòng với ý nghĩ này. Anh nghe bước chân của Hélènẹ Anh đặt lá thư lên bàn. Nàng lại gần và cũng như mọi tối muốn hôn anh một cái trước khi về phòng riêng của mình. Khi nàng cúi người để hôn, chiếc áo khoác về đêm hé lộ nửa chừng trước ngực nàng. Hervé Joncour thấy rõ nàng không mang gì cả, bên trong, và đôi vú nàng thì nhỏ và trắng ngần như của một cô gái trẻ.

Trong bốn ngày, anh tiếp tục cuộc sống đều đặn, giữ nguyên những nề nếp sinh hoạt thận trọng hàng ngày. Buổi sáng ngày thứ năm, anh mặc bộ đồ lớn màu xám trang nhã và lên đường đi Nimes. Anh nói anh sẽ về nhà trước khi trời tối.

o0o

57

Đường Moscat,ở số 12, mọi sự trông giống như ba năm trước. Cuộc truy hoan cũng vẫn không chấm dứt. Các chị em ta đều trẻ và đều là người Pháp. Người nhạc công dương cầm vẫn chơi một cách nhỏ nhẹ những bản nhạc mang hương vị Ngạ Có lẽ vì tuổi già, có lẽ vì nỗi đau tồi tệ nào đó: mỗi khi chấm dứt một bài, anh ta không còn đưa bàn tay lên mặt vuốt tóc, và cũng chẳng còn nói thầm thì:

- Thế đấy.

Anh ta lặng lẽ, nhìn xuống đôi bàn tay mình, bối rối.

o0o

58

Bạch nương tiếp anh không nói lấy một lời. Tóc đen nhánh, nét mặt phương đông, tuyệt đẹp. Những nụ hoa xanh nhỏ ở giữa những ngón ngay như chừng ấy nhẫn. Một chiếc áo dài, trắng, hầu như trong suốt. Đi chân không.

Hervé Joncour ngồi đối diện nàng. Anh móc túi lấy ra lá thư.

- Bà còn nhớ tôi không ?

Bạch nương khẽ gật đầu, chừng một ly.

- Tôi cần bà một lần nữa.

Anh đưa nàng lá thự Nàng chẳng có lý do gì để nhận nhưng vẫn đưa tay cầm, và mở ra. Nàng nhìn kỹ bảy tờ giấy, từng tờ một, rồi nhướng mắt về phía Hervé Joncour.

- Thưa ông, tôi không thích thứ tiếng này chút nào. Tôi muốn quên nó, và tôi muốn quên cái xứ sở đó, cuộc đời tôi ở đó, và tất cả cái khác.

Hervé Joncour ngồi bất động, hai tay nắm chặt chỗ dựa tay của chiếc ghế bành.

- Tôi sẽ đọc thư này cho ông nghe. Tôi sẽ đọc. Và tôi không muốn tính chuyện tiền nong. Nhưng tôi cần một lời hứa: ông đừng bao giờ trở lại đây nữa nhờ tôi làm việc này.

- Thưa bà, tôi hứa.

Nàng nhìn thẳng vào mặt anh. Rồi nàng hạ ánh mắt xuống trang thứ nhất của lá thư, giấy bản, mực đen.

- Ông chúa yêu quí của em.

Nàng nói:

- Đừng sợ, đừng cục cựa, cứ im lặng, không ai thấy được chúng ta đâu.

o0o

59

Nằm im như thế, em muốn nhìn anh, em đã nhìn anh nhiều lần rồi nhưng anh đâu có thuộc về em, và bây giờ anh là của em, anh đừng lại gần, anh yêu, xin đừng, cứ nằm tại chỗ như thế, ta có một đêm riêng tư, và em muốn nhìn anh, chưa bao giờ em thấy anh như bây giờ, thân xác anh là của em, da thịt anh, nhắm mắt lại, anh tự vuốt ve đi, em khẩn khoản cầu anh.

Bạch nương nói, Hervé Joncour lắng nghe.

Đừng mở mắt ra, nếu anh đủ sức nhắm mắt hoài, và anh tự vuốt ve đi, bàn tay anh đẹp biết mấy, em đã nằm mơ bao nhiêu lần khiến bây giờ em muốn nhìn nó, em muốn nhìn bàn tay anh như thế, trên da thịt anh, tiếp tục, em khẩn khoản cầu anh, đừng mở mắt ra, em đây, không ai có thể trông thấy chúng ta, và em đang ở bên anh đây, anh vuốt ve anh đi, ông chúa yêu quí của em, em khẩn khoản cầu anh, chậm rãi, dịu dàng.

Nàng ngừng. Tiếp tục, tôi xin bà, anh nói.

Nó đẹp lắm, bàn tay anh, đừng ngừng lại, em thích nhìn nó và nhìn anh, ông chúa yêu quí của em, đừng mở mắt ra, chưa đâu, anh đừng lo sợ gì cả, em đang ở bên anh đây, anh nghe được em không ? Em đây, vuốt nhẹ anh dịu dàng, lụa đấy, anh cảm thấy không ? lụa áo dài của em, đừng mở mắt và anh sẽ có da thịt em.

Nàng nói, đọc nhỏ nhẹ, với giọng của một đàn bà - trẻ con.

Anh sẽ có đôi môi em, khi nào em chạm vào anh lần đầu tiên, em sẽ chạm bằng môi, anh không biết chỗ nào, nhưng vào một lúc nào đó anh sẽ cảm thấy hơi ấm từ đôi môi em, trên người anh, anh không thể biết chỗ nào nếu anh không mở mắt, đừng mở mắt, anh, anh sẽ cảm thấy miệng em, anh không biết chỗ nào, bất ngờ,

anh lắng nghe, bất động, từ cái túi nhỏ trên ngực áo vét xám của anh trồi ra ngoài một chiếc khăn tay trắng ngần, có lẽ trên đôi mắt anh, em sẽ ấn miệng em xuống trên mi mắt và lông mày, lông mi, anh sẽ cảm thấy hơi ấm đi sâu vào đâu, và đôi môi em trên mắt anh, trong mắt anh, em sẽ ấn môi em, chỗ đó, và em sẽ mở đôi môi ra từ từ khi đi xuống.

Nàng nói, và đầu nàng cúi xuống trên những trang giấy, và nàng vuốt nhẹ cổ mình, chậm rãi, bằng đầu những ngón tay, anh lắng nghe, để ánh mắt mình dán vào cái khung ảnh bằng bạc, trống rỗng, treo trên tường.

Rồi vào lúc cuối cùng em sẽ hôn lên chỗ trái tim anh, vì em muốn anh, em sẽ cắn ngập chỗ da thịt đập theo nhịp tim anh, vì em muốn anh, và khi em có được quả tim anh dưới môi em, anh sẽ thuộc về em, thật sự, với môi miệng em trong quả tim anh, anh sẽ thuộc về em, mãi mãi, nếu anh không tin em thì hãy mở mắt ra ông chúa yêu quí của em và nhìn em, em đây này, có ai bao giờ đủ sức xóa nhòa được cái khoảnh khắc này, thân xác em không còn lụa bao phủ, bàn tay anh vuốt ve, đôi mắt anh ngắm nhìn.

Nàng nói, và nàng nghiêng mình về phía ngọn đèn, ánh sáng rọi lên những tờ giấy và xuyên qua chiếc áo dài mỏng suốt của nàng.

Những ngón tay anh trên người em, lưỡi anh trên môi em, thân anh trượt duỗi thân em, anh kéo chặt hông em đẩy người em lên, rồi để thân em trượt trên anh, dịu dàng, có ai bao giờ đủ sức xóa nhoà được kỷ niệm này, anh ở trong em xê dịch chậm chạp, bàn tay anh trên mặt em, những ngón tay trong miệng em, niềm sung sướng hiện rõ trong mắt anh, tiếng nói anh, anh xê dịch chậm chạp, tất cả làm em gần như đau, niềm vui sướng của em, tiếng nói của em.

Anh lắng nghe, vào một lúc nào đó anh quay người để nhìn nàng, anh thấy nàng, anh muốn hạ ánh mắt mình xuống nhưng thấy mình không thể làm được, thân em ở trên người anh, lưng anh nâng em lên, vòng tay anh không để em rời anh, những cú thúc, cú đẩy của anh trong người em, sự mãnh liệt và dịu dàng, em thấy mắt anh tìm kiếm ánh mắt em, đôi mắt muốn biết tới lúc nào anh làm em đau, cứ làm tới mức mà anh muốn, anh vui, ông chúa yêu quí của em, không có chấm dứt, không thể chấm dứt, niềm vui này, anh không thấy sao ? không ai đủ sức xóa nhòa khoảnh khắc này bao giờ, mãi mãi anh sẽ ngửa đầu ra sau, kêu lên, mãi mãi em sẽ nhắm mắt lại để những giọt nước mắt rơi khỏi mi, tiếng nói em ở trong tiếng nói anh, sự mãnh liệt khi anh ôm chặt em, chẳng còn thời gian để trốn tránh, chẳng còn sức lực để kháng cự, khoảnh khắc này phải có, khoảnh khắc này đã có, hãy tin em, ông chúa yêu quí của em, và khoảnh khắc này sẽ có, bây giờ và mãi mãi, nó sẽ có, cho đến lúc tận cùng.

Nàng nói giọng nhỏ thôi, rồi im bặt.

Không còn chữ nào nữa trên tờ giấy nàng cầm trong tay: tờ cuối cùng. Nhưng khi nàng lật nó để đặt lên bàn thì thấy ở trang sau còn có vài chữ được viết thẳng hàng cẩn thận, mực đen ở giữa giấy trắng. Nàng đưa mắt lên nhìn Hervé Joncour. Nàng bắt gặp ánh mắt của anh nhìn nàng từ bao giờ, và nàng chợt nhận ra đôi mắt đó đẹp tuyệt vời. Nàng lại hạ một lần nữa ánh mắt mình xuống trang giấy.

- Chúng ta chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa, ông chúa của em.

Nàng nói.

Điều gì dành riêng cho đời ta, chúng ta đã làm, như ông biết. Tin em đi: hai ta đã thực hiện nó mãi mãi. Hãy giữ đời ông ngoài đời em. Và đừng có lưỡng lự một giây lát nào cả, nếu thấy nó có ích cho hạnh phúc của ông, quên đi người đàn bà này mà bây giờ xin nói với ông, không nuối tiếc, vĩnh biệt.

Nàng tiếp tục nhìn tờ giấy một lát, rồi đặt lên trên những tờ khác, bên cạnh nàng, trên cái bàn gỗ nhỏ màu sáng. Hervé Joncour ngồi bất động. Anh chỉ quay đầu và hạ ánh mắt. Anh cứ nhìn cái nếp quần của mình, thẳng thóm, trên chân phải, từ đùi tới đầu gối.

Bạch nương đứng dậy, nghiêng người tắt đèn. Căn phòng chỉ còn lại chút ít ánh sáng đến từ phòng khách thông qua cửa sổ. Nàng lại gần Hervé Joncour, kéo ra khỏi ngón tay chiếc nhẫn kết bằng những nụ hoa nhỏ xíu và đặt bên cạnh anh. Rồi nàng đi xuyên căn phòng, mở một cánh cửa nhỏ, sơn và giấu trong tường, và đi khuất để cánh cửa chỉ khép nửa chừng thôi sau lưng.

Hervé Joncour còn ngồi lại rất lâu trong cái ánh sáng lạ lùng đó, xoay đi xoay lại chiếc nhẫn kết bằng những nụ hoa xanh nhỏ xíu giữa những ngón taỵ Những nốt nhạc của chiếc đàn dương cầm mệt mỏi đến từ phòng khách: những nốt nhạc xóa nhòa thời gian khiến ta khó lòng nhận ra nó nữa.

Cuối cùng anh đứng dậy, đến gần cái bàn gỗ nhỏ màu sáng, thu lại bảy tờ giấy bản . Anh đi xuyên căn phòng, đi ngang trước cánh cửa nhỏ chỉ khép nửa chừng không ngoái đầu lại, và ra về.

o0o

60

Hervé Joncour trải qua những năm đầu sợ hãi bằng cách chọn cho mình một lối sống trong sáng thích hợp với một người không còn như câu nào nữa trong đời. Ngày tháng trôi qua với những xúc động vừa phải mà anh đã định trước. Ở thị trấn Lavilledieu anh được thiên hạ ngưỡng mộ trở lại vì người hình như thấy nơi anh một cách thể đứng đắn sống ở đời. Họ còn nói anh đã như thấy ngay trong thời tuổi trẻ, trước chuyến đi Nhật.

Anh còn có thêm một thói quen mới là hàng năm, cùng với người vợ Hélène, anh đi du lịch đây đó, không xa . Họ viếng Naples, Madrid, Munich, La Mã, Luân Đôn . Có năm họ đi tận Prague, nơi mà mỗi thứ có vẻ như: sân khấu . Họ đi, chẳng bận tâm về ngày giờ hay chương trình . Và thấy ngạc nhiên trước mọi sự: ngay trước hạnh phúc của mình, một cách thầm kín. Khi nào cảm thấy nhớ sự tĩnh lặng, họ lại quay về thị trấn Lavilledieu.

Chương kết

Nếu được hỏi, Hervé Joncour trả lời là họ sẽ tiếp tục sống như thế, mãi mãi . Anh có được cái bịnh tạm không thể nào bị làm trầy sướt của những người thấy thoải mái với chính mình . Đôi khi, vào những ngày trời gió, anh đi ngang qua công viên để xuống hồ, và ngồi hàng giờ bên bờ nhìn sóng gợn lăn tăn trên mặt nước tạo thành những hình nét không thể nào đoán trước được và tùy hứng lấp lánh đủ hướng . Gió, gió chỉ có một mà thôi: nhưng trên tấm gương mặt nước này tưởng chừng như hàng ngàn ngọn gió đang thổi về cùng lúc . Từ mọi phía . Thật là một cảnh tượng . Nhẹ như lụa và không thể nào giải thích được.

Đôi khi, vào những ngày trời gió, Hervé Joncour đi xuống tận hồ và ngồi hàng giờ ngắm nhìn nó, vì hình như anh thấy phác hoa. trên mặt nước cái cảnh tượng nhẹ như lụa và không thể nào giải thích được, đời anh.

o0o

61

Ngày 16 tháng sáu 1871, ở phòng sau quán cà phê Verdun, trước mười hai giờ trưa chút xíu, tên cụt tay xoay sở làm sao mà đánh được, phi lý quá, một "bốn băng" với "ếp phê ngược" . Baldabiou vẫn khòm người trên bàn, một tay vẫn giữ đằng sau lưng, tay kia còn cầm cái cơ bi da, không tin ở mắt mình.

- Chết mẹ rồi!

Ông đứng thẳng người lại, đặt cái cơ lên bàn và đi ra chẳng thèm chào ai cả . Ba hôm sau, ông bỏ đi . Ông tặng Hervé Joncour hai nhà máy sợi.

- Tôi không muốn dính dáng đến vải vóc, tơ lụa gì nữa, ông Baldabiou ạ.

- Bán chúng đi, đồ ngu.

Chẳng ai làm cho ông nhả ra được cái tên nơi chốn quái quỉ nào ông định đi đến . Và hơn nữa, để làm gì chứ khi đến đó! Ông nói loanh quanh điều này, điều nọ về nữ thánh Agnès mà chẳng ai hiểu ất giáp gì.

Buổi sáng ngày ông ra đi, Hervé Joncour cùng Hélène đưa tiễn ông tận nhà ga xe lửa Avignon . Ông chỉ mang theo một cái vali độc nhất, chuyện này không đến nổi không thể hiểu được . Khi ông thấy con tàu đến ngừng ở sân ga, ông đặt cái va ly xuống đất.

- Ngày xưa tôi có quen biết một tay cho xây cả một đường xe lửa dành riêng cho mình.

Ông nói.

- Lạ hơn nữa, thằng cha làm đường thẳng như mũi tên, hàng trăm cây số không có lấy một chỗ cong, chỗ vòng . Kể ra thì phải có lý do chứ giỡn chơi à, nhưng tôi quên cha nó mất . Người ta bao giờ cũng quên những lý do . Dù sao đi nữa: xin chào.

Đúng là Baldabiou không phải là người đủ sức, đủ vóc đủ vào những cuộc nói chuyện đứng đắn . Và một lời chào vĩnh biệt là một cuộc nói chuyện đứng đắn đối với ông.

Họ nhìn ông bước xa dần, ông và cái va li, xa mãi mãi.

Hélène vào lúc đó làm một điều lạ lùng . Nàng tách người khỏi Hervé Joncour, chạy theo sau Baldabiou đến khi đuổi kịp ông, ôm ông trong vòng tay, thật chặt và bật khóc nức nở.

Hélène không bao giờ khóc cả.

Hervé Joncour bán với giá rẻ mạt hai nhà máy sợi cho Michel Lariot, một người tử tế thường đánh đôminô với Baldabioiu vào mỗi tối thứ bảy trong suốt hai mươi năm và ván nào ván nấy đều thua nhưng vẫn tỉnh queo, kiên trì bày ra ván khác . Ông ta có ba cô con gái . Hai cô đầu mang tên Florence và Sylvie . Nhưng cô thứ ba: Agnès.

o0o

62

Ba năm sau, vào mùa đông 1874, Hélène ngã bệnh, bị chứng sốt não mà không một bác sĩ nào chẩn được bệnh hay chữa trị được . Nàng từ trần vào đầu tháng ba, nhằm một ngày mưa.

Cả thị trấn Lavilledieu xuống đường đưa tiễn nàng, trong im lặng, đi theo con đường có những hàng cây lên nghĩa trang: vì nàng là một người đàn bà tế nhị và không gây khổ sở cho bất cứ ai.

Hervé Joncour cho khắc lên bia mộ nàng chỉ một chữ ngắn ngủi.

Hélas

Anh cám ơn mọi người, lặp đi lặp lại hàng trăm lần là anh không có những câu nào cả và trở về nhà . Chưa bao giờ anh thấy cái nhà to thế, rộng thế và chưa bao giờ anh thấy số mệnh anh không lôgích đến thế.

Nỗi tuyệt vọng là một điều quá đáng anh không biết đến; anh cúi xuống nhìn phần đời còn lại của mình và bắt đầu một lần nữa lo chăm sóc nó với sự bền bỉ không lay chuyển được của một người làm vườn bắt tay vào một buổi sáng sau đêm mưa bão.

o0o

63

Hai tháng và mười một ngày sau khi Hélène mất, Hervé Joncour thấy mình đi lên nghĩa trang và chợt nhận ra, bên cạnh những đoá hoa hồng anh đặt lên mộ vợ hàng tuần, một chiếc nhẫn kết bằng những bông hoa xanh bé xíu . Anh khòm người để nhìn kỹ hơn và giữ cái kiểu đứng khom này rất lâu, có ai tình cờ từ xa thấy thế chắc sẽ nghĩ anh kỳ quặc hay ngay cả buồn cười . Về đến nhà, anh không ra làm mấy chuyện vặt ngoài công viên theo thói quen nhưng ngồi lì trong phòng làm việc để suy nghĩ . Anh không làm gì khác, trong suốt mấy ngày . Suy nghĩ.

o0o

64

Đường Moscat, số 12, anh chỉ thấy một tiệm may . Người ta trả lời anh là Bạch nương không còn ở đây từ nhiều năm nay . Anh xoay sở sao đó để biết thêm là nàng đã dọn lên Paris, trở thành tình nhân một ông tai to mặt lớn, có lẽ ngay cả một chính trị gia.

Hervé Joncour đi Paris.

Anh mất hết năm ngày mới tìm ra chỗ ở của nàng . Anh gởi cho nàng vài chữ, xin được gặp . Nàng trả lời sẽ chờ anh ngày hôm sau, bốn giờ chiều . Đúng giờ, anh leo lên tầng hai một ngôi nhà sang trọng ở đại lộ Capucines . Một người hầu gái mở cửa cho anh . Cô đưa anh vào phòng khách, mời anh ngồi . Bạch nương vào, trong một cái áo dài rất thanh lịch và rất Pháp . Nàng để tóc xoã ngang vai, theo mốt Paris lúc đó . Nàng không đeo những chiếc nhẫn kết bằng những nụ hoa xanh ở những ngón tay . Nàng ngồi đối diện Hervé Joncour, không nói một lời . Và chờ.

Anh nhìn thẳng mắt nàng, nhưng giống như một đứa trẻ nhìn.

- Chính bà đã viết lá thư đó, phải không ?

Anh nói.

- Hélène nhờ bà viết và bà đã làm theo.

Bạch nương ngồi bất động, không hạ ánh mắt, không để lộ một chút ngạc nhiên nào.

Rồi nàng nói.

- Không phải chính tôi viết.

Im lặng.

- Lá thư đó, chính Hélène viết.

Im lặng.

- Cô ấy đã viết sẵn trước khi đến gặp tôi . Cô ấy nhờ tôi chép lại, bằng tiếng Nhật . Và tôi đã làm . Đó là sự thật.

Hervé Joncour, ngay lúc đó, hiểu ra là mình sẽ tiếp tục nghe những chữ này suốt cuộc đời anh . Anh đứng dậy rồi đứng im như thể anh quên mất chỗ nào anh phải đi . Tiếng nói của Bạch nương vang đến tai anh tưởng như đến từ xa lắm.

- Cô ấy còn muốn đọc lên lá thư đó cho tôi nghe . Giọng cô ấy thật tuyệt . Và cô đọc những câu, chữ đó với một nỗi xúc động làm tôi không thể nào quên được . Như thể những câu, những chữ đó, thực tình, là của chính cô.

Hervé Joncour đang đi ngang qua gian phòng, bước rất chậm.

- Ông biết không, tôi nghĩ rằng cô ấy khát khao hơn mọi thứ khác trên đời được là người đàn bà đó . Ông không thể hiểu đâu . Nhưng tôi, tôi nghe cô ấy đọc lá thư đó . Tôi biết thực như vậy.

Hervé Joncour đã đến trước cửa . Anh đặt tay lên nắm cửa, không quay người lại, anh nói chậm rãi.

- Vĩnh biệt bà.

Hai người chẳng bao giờ gặp nhau lại nữa.

o0o

65

Hervé Joncour còn sống thêm hai mươi ba năm nữa, khỏe mạnh và thanh thản phần lớn thời gian đó . Anh không bao giờ đi khỏi thị trấn Lavilledieu và cũng chẳng ra khỏi nhà . Anh quản lý khôn khéo tài sản mình, điều này giúp anh khỏi phải làm những công việc ngoài việc chăm sóc cái công viên . Với thời gian anh bắt đầu cho phép mình cái thú vui mà trước đây anh khăng khăng từ chối: kể những chuyến đi của mình cho những người đến thăm viếng anh . Nghe kể chuyện, dân ở thị trấn Lavilledieu biết đến thế giới, và trẻ em khám phá ra những điều kinh ngạc đáng phục . Anh kể chậm rãi, từ từ, nhìn trong khoảng không những thứ mà người khác không thấy.

Ngày chủ nhật, anh xuống phố dự lễ cả ở nhà thờ . Mỗi năm một lần, anh đi một vòng những nhà máy sợi, để rờ vuốt lụa nõn vừa mới ra đời . Khi nỗi cô đơn bao phủ làm anh ngột ngạt, anh đi lên nghĩa trang, nói chuyện cùng Hélène . Thời gian còn lại dành cho những thói quen sinh hoạt đã thành nghi thức, giúp anh tránh được những nổi buồn rầu . Đôi khi, vào những ngày trời gió, Hervé Joncour đi xuống tận hồ và ngồi hàng giờ ngắm nhìn nó, vì hình như anh thấy phác hoa. trên mặt nước cái cảnh tượng nhẹ như lụa và không thể nào giải thích được, đời anh.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top