Những chuyển biến về nhà nước của triều Nguyễn trong thời kì Pháp thuộc
LỜI MỞ ĐẦU
Chúng ta đã biết, nhà Nguyễn (1802 – 1945) chính là triều đại cuối cùng của nước ta thời kì phong kiến. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công nước ta. Do chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan, lỗi thời và bảo thủ của nhà Nguyễn đã làm nước ta rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp. Bởi đất nước mất quyền độc lập tự chủ và phải chịu sự thống trị khắc nghiệt của thực dân Pháp nên chính quyền phong kiến thời Nguyễn bấy giờ đã có những biến đổi so với thời kì độc lập tự chủ. Để hiểu rõ hơn về những biến đổi đó mà chủ yếu là những biến đổi về nhà nước, sau đây em xin phân tích đề tài:
Những chuyển biến về nhà nước của triều Nguyễn trong thời kì Pháp thuộc.
NỘI DUNG
I. Cơ sở lí luận
1. Khái quát về triều Nguyễn
Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng cai trị Việt Nam trong lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến 1945, được thành lập sau khi hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và sụp đổ hoàn toàn khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, kéo dài là 143 năm, trải qua 10 đời vua. Triều đại Nhà Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX.
2. Khái quát chung về hoàn cảnh lịch sử
Ngày 1/9/1858, đế quốc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Thời gian đầu, triều đình đã tự tổ chức đồng thời phối hợp với quần chúng nhân dân kháng chiến chống Pháp làm cho kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp bị thất bại. Sau thất bại, Pháp thực hiện phương châm "tằm ăn lá", là chiếm dần đất, lấn dần chủ quyền và từng bước thiết lập bộ máy cai trị. Sau 26 năm chiến tranh (1858-1884), qua 4 bản hiệp ước kí với triều đình nhà Nguyễn, Pháp đã dần dần biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
II. Những chuyển biến về nhà nước của triều Nguyễn trong thời kì Pháp thuộc.
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam có nhiều biến đổi sâu sắc, đặc biệt là những chuyển biến về mặt nhà nước.
1. Hai hệ thống chính quyền song song tồn tại trong một phạm vi lãnh thổ: chính quyền đô hộ, chính quyền Nam triều
Nam Kì là đất "thuộc địa" của thực dân Pháp, ở Trung Kì và Bắc Kì tồn tại song song hai hệ thống chính quyền: Chính quyền của người Pháp (chính quyền đô hộ) và chính quyền Nam triều. Ngoài đất "thuộc địa" chính quyền người Pháp được tổ chức tới tất cả các cấp thì ở Nam Kì và Trung Kì chính quyền đô hộ chỉ tổ chức được tới cấp tỉnh, còn lại do chính quyền nhà Nguyễn quản lí.
Chính quyền đô hộ được xây dựng dựa trên nguyên tắc giống ở Pháp: thành lập Liên bang Đông Dương đứng đầu là viên Toàn quyền Đông Dương và có các cơ quan phụ tá của Toàn quyền Đông Dương. Chính quyền đô hộ được thiết lập ở cả 3 kỳ: Bắc kỳ là đất "nửa bảo hộ" đứng đầu là Thống sứ; Trung kỳ là đất "bảo hộ" đứng đầu là Khâm sứ; Nam kỳ là đất "thuộc địa", đứng đầu chính quyền là Thống đốc.
Về chính quyền Nam triều:
Ở cấp tỉnh: Đứng đầu mỗi tỉnh lớn là Tổng đốc phụ trách chung. Tỉnh loại vừa có Tuần Vũ (hay Tuần phủ) phụ trách chung. Ở tỉnh nhỏ, có tỉnh thì bố chánh, có tỉnh thì Tuần vũ phụ trách chung. Các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi tỉnh có Quan lang đứng đầu, riêng tỉnh Hoà Bình là Chánh quan lang. Tỉnh Thừa thiên - nơi đóng đô của nhà Nguyễn, thì đứng đầu là chức Phủ doãn phụ trách chung.
Cấp phủ - huyện - đạo - châu: Từ năm 1919 trở đi, phủ, huyện, đạo, châu đều là cấp hành chính tương đương nhau, trong đó huyện lớn được gọi là phủ, châu lớn được gọi là đạo. Đứng đầu các cấp này là Tri phủ, Tri huyện, Quản đạo, Tri châu.
Cấp tổng: mỗi tổng gồm vài xã, do Chánh tổng đứng đầu.
Cấp xã: đứng đầu là lí trưởng. Trước thời Pháp thuộc, làng xã Việt Nam mang nặng tính tự quản. Đứng trước thực trạng đó, người Pháp đã sử dụng tổ chức vốn có ở làng xã, mặt khác can thiệp để hạn chế tính tự quản của làng xã. Tuy nhiên, các làng xã cổ truyền Việt Nam vẫn giữ được tính tự quản của mình.
2. Về quyền lực nhà nước, nhà Nguyễn trở thành chính quyền tay sai bù nhìn của thực dân Pháp
Về quyền lực nhà nước, nhà Nguyễn không những chỉ còn tồn tại ở Trung kỳ và Bắc kỳ mà cũng không còn có quyền lực của một nhà nước và trở thành chính quyền tay sai bù nhìn, một bộ phận của chính quyền thực dân. Đây là sự biến đổi cơ bản của nhà Nguyễn trong thời kỳ này.
Vua tuy vẫn mang danh hiệu hoàng đế nhưng đã trở thành bù nhìn, dưới sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của viên Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ. Mọi quyết định quan trọng của nhà vua trước khi ban bố đều phải qua sự kiểm duyệt và chấp thuận của người Pháp. Các vị vua Nguyễn không còn quyền hành về quân sự và quyền thu thuế. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng bị hạn chế tới mức tối đa. Vua chỉ có quyền bổ nhiệm các quan lại ở triều đình và ở Trung kỳ từ chánh nhất phẩm đến tòng tam phẩm nhưng phải được sự chuẩn y của Khâm sứ Pháp, còn quan lại từ chánh tứ phẩm trở xuống do chính Khâm sứ bổ nhiệm, ở Bắc kỳ tất cả quan lại đều do Thống sứ Pháp bổ nhiệm. Thậm chí từ năm 1894, ngân sách Nam triều bị sáp nhập vào ngân sách bảo hộ. Không chỉ quan lại mà vua cũng do Pháp trả lương.
Các bộ có nhiều thay đổi và công việc quan trọng của bộ phải được đem sang bàn bạc ở Viện cơ mật và phải được sự chấp thuận của Khâm sứ.
Quy ước ngày 6/11/1925 quy định: các thượng thư khi họp mà do vua chủ tọa gọi là Viện cơ mật, nếu đặt dưới sự chủ tọa của Khâm sứ gọi là Hội đồng thượng thư. Từng viên thượng thư có quyền ra nghị định còn Hội đồng thượng thư có quyền ra điều lệ, quy chế.
Từ năm 1897, Viện đô sát và Hội đồng Phủ tôn bị đặt dưới sự chủ tọa của Khâm sứ Pháp.
Quan lại của triều đình Huế ở các tỉnh phải chịu sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của Công sứ Pháp.
3. Về tổ chức bộ máy nhà nước, có hai yếu tố phong kiến và tư sản đan xen và cùng nhau tồn tại
Lục bộ vốn là cơ quan "xương sống" trong bộ máy quan liêu phong kiến. Đến thời Pháp thuộc, lục bộ hầu như bị giải thể và tới năm 1937 chỉ còn Bộ lại, thay vào đó có rất nhiều bộ, trong đó nhiều bộ thường thấy có ở các nước tư sản phương Tây và lần đầu tiên hiện diện trong nền hành chính ở Việt Nam như Bộ quốc gia giáo dục, Bộ tài chính, Bộ tư pháp, Bộ công chính, Bộ kinh tế nông thôn. Bên cạnh các bộ có các viên đại biện Pháp được gọi là "Cố vấn kĩ thuật".
Toà án cũng là loại cơ quan lần đầu tiên xuất hiện. Đó là dấu hiệu bước đầu phân biệt giữa tư pháp và hành pháp nhưng về cơ bản vẫn chưa có sự tách bạch giữa tư pháp và hành pháp.
Bên cạnh đó, những cơ quan khác ở trung ương cũng có sự biến đổi như: Tứ trụ trong triều đình và Hội đồng phụ chính, Viện cơ mật và Hội đồng thượng thư, Viện Đô sát, Hội đồng Phủ tôn nhân, văn phòng của nhà vua...
Hội đồng phụ chính bị bãi bỏ (27/9/1897), bốn viên Phụ chính đại thần được chuyển thành các cố vấn đặc biệt của nhà vua, có quyền mật đàm với nhà vua và thay mặt nhà vua hội đàm với Khâm sứ Pháp. Sau khi vua Khải Định chết (6/11/1925), Hội đồng phụ chính được tái lập nhưng chỉ có chức năng thay mặt vua để tế lễ trời đất, sắc phong cho các thành hoàng làng và ban một số tước hiệu cho quan lại mà thôi. Đến tháng 9/1932, Hội đồng phụ chính bị giải thể.
Viện cơ mật đặt dưới sự chủ toạ của nhà vua và giúp vua đưa ra đường lối chung bao trùm mọi lĩnh vực. Ban đầu Viện cơ mật chỉ gồm 4 thượng thư của các bộ quan trọng nhất. Cả 6 Thượng thư của lục bộ hợp thành Hội đồng Thượng thư. Đạo Dụ ngày 27/9/1897 mở rộng thành phần Viện cơ mật, gồm cả 6 thượng thư, như vậy Hội đồng thượng thư không còn nữa.
Viện Đô sát có chức năng kiểm soát mọi hoạt động của quan lại các cấp và giám sát việc thi hành luật pháp.
Các học viên của Pháp được cử sang Đông Dương, có những người được làm quan cai trị và làm việc ở cấp tỉnh, một số người thì làm quan ở các văn phòng cấp xứ hoặc cấp lien bang. Đội ngũ quan lại người Việt được Pháp đào tạo theo mục tiêu trung thành với quốc chính và có năng lực cai trị. Các viên chức, quan chức người Việt được đào tạo, sử dụng tiến hành một cách quy củ theo phương hướng "Tây hóa".
III. Đánh giá
Những chuyển biến về nhà nước của triều Nguyễn tạo nên những nét mới trong bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam.Sự chuyển biến này vừa có những nét tích cực nhưng cũng lại vừa có những hạn chế.
Về mặt tích cực, những chuyển biến mới này góp phần thay đổi cơ cấu bộ máy nhà nước theo hướng đơn giản hoá, nhiều cơ quan, chức vụ bị bãi bỏ. Nhà Nguyễn bước đầu đã có sự tiếp thu những yếu tố chính trị pháp lí phương Tây vào xây dựng nhà nước và pháp luật. Đội ngũ quan lại có năng lực hơn. Đây là nền tảng cho sự tiếp thu sau này của nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên sự chuyển biến về nhà nước của nhà Nguyễn mang nhiều hạn chế hơn là tích cực. Bộ máy nhà nước cũng như quyền lực của triều đình phong kiến không còn tự chủ như trước nữa mà phụ thuộc sâu sắc vào chính quyền thực dân. Chế độ phong kiến Việt Nam từ chỗ phát triển hưng thịnh như thời Lê sơ nay đã trở nên mục ruỗng, thối nát. Bộ máy chính quyền phong kiến Nguyễn lỏng lẻo từ trung ương đến địa phương, thay vào đó là sự thống trị của chính quyền thực dân. Sự phụ thuộc chặt chẽ vào chính quyền thực dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho thực dân pháp thôn tính Việt Nam, tiến hành khai thác, áp bức bóc lột một cách dễ dàng. Có thể nói những chuyển biến về mặt nhà nước dưới triều Nguyễn diễn ra một cách bị động và chuyển biến theo chiều hướng xấu, khiến đời sống nhân dân lầm than, vất vả hơn.
KẾT LUẬN
Vậy, ta có thể thấy chính bởi sự bất lực của các vua Nguyễn vào thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX mà đã dẫn đến những chuyển biến không tốt về mặt nhà nước, khiến đời sống nhân dân lầm than, dẫn tới bao bất bình của người dân. Chính quyền nhà Nguyễn bị động, mất tính tự trị và phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền người Pháp. Điều đó ắt dẫn tới các cuộc cách mạng giành lại độc lập tự chủ vào thế kỉ XX và sự sụp đổ của triều Nguyễn năm 1945, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta đi lên xã hội chủ nghĩa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top