4. Chuyến tàu
Tôi và Phong trở lại mối quan hệ như lúc trước, giáo viên hướng dẫn và sinh viên thực tập, không hơn không kém!
Khác là cậu ấy ngày càng tiến bộ hơn, cái phong thái tự tin, nhiệt huyết ấy nhận được không ít sự yêu quý của các học trò. Đặc biệt là với các nữ sinh, khi kiểu cách ăn mặc của cậu ngày càng ra dáng một thầy giáo thực thụ. Đó cũng là lúc tôi cùng với Ban Giám hiệu nhà trường phải chứng nhận kết quả thời gian thực tập vừa qua để cậu ấy hoàn thành nhiệm vụ, dĩ nhiên là xếp loại tốt.
Ngày cuối cùng đến trường với vai trò giáo viên thực tập, Phong nhận được không ít hoa và quà từ các nữ sinh, cả những lớp mà thời gian qua cậu ấy mang trọng trách giảng dạy. Nhìn thấy nét mặt bối rối của cậu ấy khi đứng trước sự lưu luyến của các em, tôi không khỏi buồn cười. Tôi biết, ngay lúc này đây trong lòng cậu ấy cũng dâng lên những cảm xúc thật lạ, tôi đã từng trải qua rồi.
- Cậu biết không? Đó là sự may mắn và hạnh phúc đối với nghiệp cầm phấn, hãy trân trọng! Và nhớ rằng, sự cẩu thả trong bất kỳ ngành nghề nào đều là sự bất lương, chỉ có con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp! Cậu đối với tôi rất đặc biệt, có lẽ giữa chúng ta có một cái duyên nào đó... Nên tôi hi vọng, thầy Phong mai này không nhất thiết phải là một giáo viên xuất sắc hơn người nhưng chí ít phải giữ được thiên lương trong sáng, đó là thiên chức cao cả của nghề giáo. Cậu nhớ lấy!
Phong nhìn tôi rồi trông mắt ra nhìn vào khoảng xa xăm vô tận. Đáy mắt cậu ánh lên niềm tin với sự lạc quan khó tả. Đến tận bây giờ, khi đã sắp phải chia xa, một giáo viên Ngữ Văn như tôi vẫn chưa biết phải dùng lời lẽ nào cho phù hợp để ngợi ca về đôi mắt ấy. Sâu thẳm, dường như không có đáy. Lấp lánh, tựa như ánh sao đêm. Mênh mông, chứa đựng lớp lớp nỗi niềm và suy nghĩ. Tinh túy, chưa bao giờ ngừng thấy sự lạc quan.
- Thầy nói cứ như chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa vậy? - Phong nhẹ nhàng cất giọng.
Tôi nhoẻn miệng cười và lắng nghe trong gió mùi hương tóc từ Quốc Phong thoang thoảng nơi cánh mũi:
- Chứng nhận đã có rồi, cậu phải trở về thành phố để hoàn thành mọi thứ còn lại cho tấm bằng tốt nghiệp. Lại chẳng phải không gặp nhau nữa chứ còn gì?
Phong hơi cúi đầu, giọng đột nhiên nhỏ giọng đi hẳn, cậu bảo:
- Thầy không còn nhớ lời em nói vào lần đầu chúng ta đi dạo cùng nhau dưới chiều thu Hà Nội đó sao? Tốt nghiệp rồi em nhất định sẽ quay lại Hà Nội, lập nghiệp ở đây và...thành gia lập thất cũng ở đây!
- Cậu yêu Hà Nội chỉ qua những trang văn, ở lại đây cũng được một thời gian, đi cũng đi nhiều nơi rồi... - Tôi chỉnh lại cặp mắt kính rồi quay sang hỏi cậu - Không thấy chán sao?
Cậu ấy lắc đầu và cười một nụ cười để lộ cả hàm răng trắng tinh:
- Không, thậm chí em còn yêu Hà Nội hơn nữa là đằng khác! Hà Nội đẹp và người Hà Nội cũng thế!
Tôi chỉ biết cười trừ và chẳng nói gì thêm. Quốc Phong cũng cứ thế mà im lặng. Chúng tôi cứ ngồi đó trong cái ồn ã của thành phố lúc tan làm cho đến khi tất cả bị phủ bởi một màu đêm tối. Duy có một thứ không bao giờ màn đêm có thể che lấp nổi, ấy là đôi mắt của Quốc Phong.
- Thầy Long, thầy đợi em nha! Phải đợi em! Nhất định phải đợi em!
Đó là lời sau cuối Quốc Phong nói với tôi trước khi cậu cầm vé lên ga tàu trở về thành phố nơi cậu thuộc về. Tôi đứng lặng nơi nhà ga một lúc dù tàu đã chạy đi từ lâu. Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi những lời của Quốc Phong ban nãy, thú thật tôi không hiểu lắm! Nhưng tôi cũng chẳng rõ vì sao mình phải bận tâm về điều này. Có lẽ đó là cảm giác khi chia tay một người bạn mới quen, một người đồng nghiệp trẻ mà thời gian qua chưa thể hiểu quá nhiều về nhau.
Dẫu sao, tôi vẫn mong cậu ấy bình an trở về thành phố, sớm được cấp bằng tốt nghiệp như những gì ước mong của cậu. Còn chuyện có gặp lại nhau không, đối với tôi không quan trọng mấy. Và hình như tôi bỏ quên điều gì đi đâu mất, mọi thứ sắp tới phải trở về quỹ đạo cũ rồi...
Tôi ngồi tựa lưng lên thành ghế, vừa nhấm nháp một ít trà nóng vừa ngồi xem thời sự trên cái TV cũ rích từ lâu đời của nhà tập thể. Ánh mắt vô tình dán vào tờ lịch ngay cạnh đó, dấu mộc đỏ được khoanh vào ngày mai chợt khiến tôi cau mày. Tôi có thói quen đánh dấu những ngày quan trọng vì tính hay quên. Nhưng dù đã đánh dấu, hiện tại tôi cũng chẳng nhớ ngày mai mình có việc gì cần phải làm. Đúng lúc này, chương trình thời sự trên TV đưa tin:
" Chuyến tàu từ ga Hà Nội vào Sài Gòn ngày XX tháng X năm XXXX gặp nạn trượt khỏi đường ray. Hơn nửa số hành khách tử vong, số còn lại bị thương nặng. Song công tác cứu hộ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn... "
Như có một luồng gió vừa thổi qua gáy tóc khiến tôi lạnh người. Quai hàm đột nhiên cứng ngắt, hình ảnh từ bản tin thời sự vẫn lần lượt chạy qua trong sự thẫn người của tôi. Cốc trà trên tay đã rơi xuống và vỡ vụn từ lúc nào. Tiếng gốm sứ vỡ ra mới làm tôi hoàn hồn trở lại. Một dòng suy nghĩ chạy qua đầu, tôi ngay lập tức cầm lấy điện thoại và nhận ra tin tức từ chuyến tàu ấy đã tràn ngập khắp các trang mạng xã hội. Vậy là tôi không hề nghe lầm, đúng là chuyến tàu ấy, chuyến tàu mà Quốc Phong đã bước lên vào sáng nay...
Tôi siết chặt điện thoại trong tay, cả người đột nhiên lạnh cóng. Trong lúc tôi vẫn đang bần thần giữa gian phòng với quá nhiều những suy nghĩ hỗn tạp thì điện thoại đột nhiên sáng đèn với hồi chuông thúc giục. Tôi lặng nhìn cái tên hiển thị trên màn hình rồi nhìn vào màu đỏ được đánh dấu trên tờ lịch vào ngày mai. Suýt nữa tôi đã quên mất một chuyện trọng đại của đời người nhưng tại sao nó lại đến vào lúc này?
- Anh nghe đây. - Đến khi hồi chuông vang sắp tắt, tôi mới đủ can đảm nhấc máy và cất giọng.
- Anh Long, ngày mai anh nhớ ra sân bay đón em nhé! Mình gặp nhau ở sân bay rồi cùng đến chỗ chọn đồ cưới nha anh!
Mi mắt tôi đột nhiên sụp xuống, bỗng chốc tôi nghe thấy tai mình ù đi. Nơi ngực trái cảm giác lại trống rỗng và hơi thở cũng nặng nề hơn bao giờ hết. Cho đến khi người bên đầu dây sốt ruột lên tiếng gọi, tôi mới hoàn hồn ậm ừ đáp:
- Anh biết rồi, anh sẽ đến đón em.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top