love in the dark

Susanna biết rằng dẫu có sự thay đổi nào với các toa xe đang kéo cỗ xe riêng của họ, họ cũng ở nguyên như trước cho đến khi họ đến Pháp.

Nàng thật sự hứng thú khi duyệt qua phòng khách tiện nghi nàng được sử dụng và phòng ngủ thông ra đấy. Nàng biết ông Dunblane cũng hưởng thụ cùng những tiện nghi xa hoa đó.

Có hai cỗ xe kéo dùng để chở họ đến Dover nhưng có đến ba chiếc cho chuyến hành trình đến Florence, và chắc chắn các viên chức tiễn họ đi vô cùng ấn tượng với toàn thể đoàn tùy tùng của nàng.

Susanna thầm nghĩ, “ông Dunblane chắc phải giàu lắm.”

Nàng biết ngoài nhà vua, không ai du lịch xa hoa như thế trong Âu châu cả, cho dù họ có làm gì đi nữa ở Anh. Nàng để ý một vài người bạn của mẹ nàng có xe lửa riêng ở Anh, như quận công Sutherland chẳng hạn, và một số thành viên qúy tộc khác.

Mẹ nàng hay diễn tả cho nàng nghe tiện nghi của xe lửa hoàng gia mà bà và ba nàng thường đi đến Sandringham hay lâu đài Warwick, khi đi cùng với nhà vua họ rất thưởng thức tính hiếu khách của nữ bá tước xinh đẹp Warwick.

Nhưng băng ngang châu Âu theo cung cách thế này, Susanna nghĩ, là một trải nghiệm nàng lúc nào cũng ghi nhớ, và nàng lưu ý mọi sự việc diễn biến, thậm chí cả việc đứng tại cửa sổ trong những ga nhỏ để ngắm những nét mặt há hốc ra ngạc nhiên của những người đứng trên sân ga.

Thật là thích thú biết bao, sau khi ăn tối với ông Chambers trong phòng khách nàng biết chiếc giường có khung bằng đồng bảo đảm sẽ rất thoải mái.

Nàng lên giường và cầm một quyển sách nàng mang theo để đọc, nhưng nàng thấy có chút khó khăn tập trung vì có rất nhiều chuyện để nghĩ ngợi.

“Mình đã bỏ nhà đi! Mình đã thực sự trốn thoát! Và giờ đây mẹ phải mất hàng tháng mới tìm mình được, và đến lúc đó có lẽ bà sẽ đành cam chịu là mình sẽ không lấy ai cả, và không muốn kết hôn!”

Nàng tự nhủ rằng điều đó chắc chắn có nghĩa là nàng sống hết đời là xử nữ.

Dẫu cho đấy là ý tưởng phiền muộn, nàng tự bảo mình rằng khi nàng đã ổn định sự độc lập của mình có lẽ nàng có thể làm những cái mình thích: du lịch hay sống một mình không có ai quấy nhiễu nàng.

Nàng có cảm tưởng chuyện sẽ không dễ dàng như thế, nhưng ít ra nàng đã đi một bước đúng hướng!

Nàng đã tỏ ra là mình có can đảm!

Cô Harding thường nói rằng can đảm là đức tính quan trọng nhất người ta cần có.

“Can đảm, không những để đương đầu với cuộc sống,” cô ấy nói, “mà là để tự thấu hiểu bản thân mình. Hầu hết mọi người qúa sợ hãi để nhìn thật sâu trong thâm tâm mình vì họ lo ngại về những cái họ sẽ tìm được. Đó là điều em cần phải làm, Susanna, và hãy cảm đảm để làm.”

“Mình sẽ đối mặt với sự việc một cách thẳng thắn, trung thực,” giờ Susanna thầm nghĩ. “Mình biết đích xác mình như thế nào – mập, xấu, không thu hút – và chắc chắc là không có người đàn ông nào hứng thú với mình chỉ vì mình. Thế nên, mình phải tạo dựng cuộc sống không cần đến đàn ông!

Nàng đặt quyển sách xuống và ngả đầu xuống gối.

“Mình gặp hên, rất là hên,” nàng nói với chính mình. “Mình có tiền, vì thế không sợ nghèo đói. Bằng cơ hội mỏng manh mà mình thấy được đoạn quảng cáo trong báo The Times, và ở đây mình đang tự bắt đầu một chuyến phiêu lưu thật sự, và không một ai, thậm chí là mẹ, có thể cản trở mình!”

CHAPTER 3

(3-1)

Susanna đang say giấc trước khi nàng chợt nhận ra có tiếng gõ cửa.

Trong khoảnh khắc nàng không nghĩ ra được mình đang ở đâu, và rồi tiếng bánh xe kêu ầm ầm bên dưới nhắc cho nàng nhớ mình đang ở trên xe lửa băng ngang qua Pháp.

Tiếng gõ lại vang lên, nàng ngồi dậy trên giường, vặn đèn, và lo lắng hỏi.

“Ai... đấy?”

“Là Clint đây cô, tùy tùng của ông Dunblane.”

Susanna đã biết anh ta là ai không cần phải giải thích. Ông Chambers đã chỉ cho nàng thấy người đàn ông nhỏ con, tướng tá trông dẻo dai mà ông bảo vừa là người hầu cá nhân và vừa là y tá của ông Dunblane.

“Có chuyện gì thế?”

“Tôi có thể nói với cô một chút được không thưa cô?”

Susanna ngó quanh nàng có vẻ bất lực, phân vân tự hỏi mình có thể làm chuyện gì đây. Rồi, kéo áo ngủ cao lên một chút để che ngực, nàng bảo.

“Có lẽ anh... mở cửa... được rồi.”

Người tùy tùng gần như không đợi nổi cho nàng nói hết câu nhưng mở cửa ngay khi nàng đề nghị. Đứng ngay khe cửa hở nhưng không tỏ ý muốn bước vào trong phòng, anh ta lên tiếng.

“Cô à, ông Dunblane muốn gặp cô.”

Susanna tròn mắt nhìn anh ta.

“Vào buổi tối... giờ này... sao?”

“Đêm hay ngày đâu có gì khác biệt với ông chủ, thưa cô.”

“À không, dĩ nhiên là không.”

“Ông ấy muốn cô đọc sách. Ông ấy đang tính khí bất thường, tôi cũng đành bó tay thôi.”

“Được, tôi hiểu,” Susanna bảo, “tôi sẽ thay y phục.”

Người tùy tùng lưỡng lự một lát rồi nói.

“Cô à tôi không muốn làm phiền cô đâu, chỉ vì ông ấy muốn cô đến gấp thôi. Cứ như là ông ấy thấy được cô vậy.”

“Không đâu, không có gì đâu,” Susanna đồng ý. “Có lẽ anh nên đợi tôi ngoài phòng khách nhé?”

“Tôi sẽ đợi cô, nhưng tôi không muốn để ông chủ ở một mình khi ông ấy hiện đang ở trong trạng thái như bây giờ.”

“Tôi sẽ mau thôi,” Susanna hứa.

Ngay khi anh tùy tùng đóng cửa, nàng xuống giường, cầm lấy cái áo nàng vừa dỡ ra tối qua, và tròng vào người.

Bộ áo rất xinh và ấm áp, làm bằng nhung màu hồng viền những dải kết lông chim. Mẹ nàng tính mua áo này cho bà nhưng rồi lại đổi ý không muốn, và Susanna không thể bỏ qua nổi bất cứ món hàng nào xinh đẹp cả.

Nàng biết mình mặc bộ áo này không hợp như mẹ, tuy nhiên giờ đây nàng biết mặc nó bảo đảm nàng sẽ trông kín đáo.

Khi cài nút lên cổ và suốt thân trước, nàng trang phục trông đứng đắn như thể đang mặc y phục ban ngày.

Tóc nàng cột bằng một chiếc nơ sau gáy và nàng cũng không cố sửa soạn gì hơn vì nhớ rằng anh hầu đã nói rất đúng là ông Dunblane không thể thấy nàng.

Thực ra nàng cũng chẳng nghĩ ngợi gì, nàng cầm theo quyển sách đọc khi lên giường rồi vội ra phòng khách.

Nàng nghĩ anh tùy tùng chắc đang nóng ruột chờ nàng, anh ta đi trước mở cánh cửa dẫn tới khoang xe kế bên.

Khi nàng bước vào lối đi nối giữa hai khoang, tiếng bánh xe ồn hơn và không khí lạnh hơn khiến nàng mừng vì đã an toàn vào khoang bên cạnh.

Họ đi ngang qua phòng khách y hệt như phòng bên xe của nàng rồi đi qua một cửa nữa vào nơi ông Dunblane ở.

Ở đây lại là chiếc giường đồng kê chính giữa, và ánh sáng hai bên giường để lộ ra một hình dáng như xác ướp quấn băng.

“Anh đã đi cái chỗ khốn kiếp nào?” ông Dunblane hỏi, chắc ông ta đã nghe thấy tiếng anh hầu đi vào.

“Thưa tôi đi tìm cô Brown theo lời ông bảo. Cô ấy đã đến và sẵn sàng đọc cho ông.”

“Ồ, cô ấy đến rồi phải không?”

Dù âm điệu trong giọng ông ta nghe bất bình, nhưng vẫn có lẫn chút ngạc nhiên.

“Vâng, tôi đã đến,” Susanna khẽ nói. “Nếu tôi đọc cho ông nghe, biết đâu sẽ giúp ông cảm thấy buồn ngủ.”

“Tại sao tôi lại muốn ngủ?” câu trả lời vang lên. “Tôi có làm cái thứ gì đâu ngoài chuyện nằm ngửa ra cả ngày lẫn đêm! Tôi chẳng biết mình đang ở trong tối hay sáng ngoại trừ nghe thấy Clint ngáp muốn sái cả quai hàm.”

“Tôi đoán là anh ấy mệt mỏi,” Susanna nói, “tôi nghĩ nếu anh ấy ngả lưng một lát trong lúc tôi đọc cho ông thì hay hơn. Tôi nghĩ anh ấy đã trực suốt từ lúc chúng ta rời ga Victoria.”

Ông Dunblane không đáp lại, nhưng nàng đoán chừng ông ta đã nghe lọt những điều nàng nói.

Nàng ngó quanh tìm ghế, và khi Clint đặt một cái bên cạnh giường, ông Dunblane bảo.

“Được rồi Clint, anh đi đi. Nếu tôi cần anh tôi sẽ rung chuông. Tôi nghĩ là anh nghe được

bên chỗ của anh chứ?”

“Nó rung ngay bên tai tôi thưa ngài,” Clint trả lời, “nên không muốn nghe cũng khó đấy.”

Anh ta nói bằng cung cách mà nàng biết ba mình sẽ cho là qúa suồng sã đối với vị thế của một người tùy tùng, nhưng nàng biết là Clint, dù nói giọng Mỹ, không phải là người hầu thường, lặng lẽ và khúm núm theo kiểu đòi hỏi của mọi qúy ông trong giới đàn ông thượng lưu.

Nàng nghĩ nếu anh ta biết băng bó cho ông chủ một cách một cách thành thạo thế kia thì anh ta chắc hẳn cũng vượt trội trong cách phương diện khác.

Khi Clint đi khỏi, Susanna ngồi xuống ghế và hỏi.

“Ông muốn tôi đọc gì cho ông?”

Trong chỗ này có sách vở gì không?”

“Tôi lưu ý thấy một số trong phòng khách,” Susanna đáp lại, “tôi sẽ đi lấy một cuốn, trừ phi ông không thích nghe cuốn mà tôi mang theo, cuốn này tôi đang đọc trước khi đi ngủ.”

“Clint đánh thức cô dậy phải không?”

“Vâng, nhưng không thành vấn đề. Tôi rất vui làm bất cứ chuyện gì ông muốn tôi làm.”

Nàng có cảm giác ông ta sắp sửa bắt bẻ, “thì đấy chính là lý do cô vào đây làm,” nhưng rồi lại dằn lòng không nói ra.

Nàng mở sách, và nghĩ rằng nếu trong lúc nàng đọc ông Dunblane không thích nghe thì lúc nào ông ta cũng có thể ngăn nàng lại. Tuy vậy nàng nghĩ mình cần phải giải thích.

“Tôi sẽ đọc về Lonrenzo vĩ đại,” nàng bắt đầu, “tôi cảm thấy thích hợp rằng tôi nên biết về ông ấy nhiều hơn trước khi chúng ta tới Florence.”

“Trước đây cô có nghe đến ông ta chưa?”

“Vâng, tất nhiên rồi.”

“Tại sao là ‘tất nhiên’? Hầu hết phụ nữ, đặc biệt là người Anh, biết rất ít về lịch sử huống hồ gì là nghệ thuật.”

“Tôi hy vọng là tôi biết được nhiều cả hai lĩnh vực ấy,” Susanna trả lời, “và đó là lý do tôi rất hào hứng vì biết rằng khi đến Florence tôi sẽ được tham quan nhà triển lãm Uffizi.”

Trong lúc nói, nàng nghĩ mình nên thêm vào.

“Nếu ông cho tôi đi.”

Một thoáng im lặng, rồi ông Dunblane bất bình nói.

“Tôi cho rằng cũng giống như tất cả phụ nữ cô mơ mộng rằng mình giống như thần vệ nữ của Botticelli trỗi lên từ những ngọn sóng.”

Susanna nghĩ thầm nếu ông ta đoán thế thì qủa thật là khôi hài.

Nếu mà ông ta nhìn thấy nàng ấy hả, ông ta sẽ hiểu tới xa tít mù tắp nàng mới giống thần vệ nữ trong bức họa của Botticelli hay là bất cứ ai. Ngay lúc nàng định nói với ông ta như thế, nàng chợt đổi ý.

Tại sao nàng lại hạ thấp thể diện của mình trước người đàn ông không thể thấy nàng? Khi những lớp băng kia được tháo ra ông ta sẽ biết nàng nhìn ra sao liền lập tức.

Có lẽ sẽ thú vị đấy, khi nàng biết ông ta rõ hơn để tìm hiểu xem ông ta đã sáng tạo ra hình ảnh nào về nàng trong đầu ông ta. Ông ta sẽ ghép nàng vào hình ảnh nào đây nhỉ, giống như trước hay ngược lại.

Nàng cũng không thể thấy được dáng dấp ông ta: có thể là người đàn ông xấu trai nhất trên thế giới hay là người tuấn tú nhất. Khó mà nói được khi ông ta bị quấn băng chỉ chừa hai cái lỗ, một cái để thở và cái kia để nói.

“Tôi chắc chắn là thích mình trông giống như Venus rồi,” nàng bảo ông ta. “Nhưng vì tôi chỉ xem có một phó bản bức họa nổi tiếng của Botticelli, tôi có thể nhận xét khá hơn nếu tôi có nét nào giống khi được xem bản chính.”

Trong lúc nàng nói một ý nghĩ vụt hiện lên khiến nàng nói thêm.

“Nếu tôi được lựa chọn, tôi nghĩ tôi sẽ thích nhìn giống Thánh nữ đồng trinh và các thánh của Fra Filippo hơn.”

“Tại sao?” ông Dunblane đột ngột hỏi.

“Tôi đã xem một phó bản rất đẹp của bức tranh đó,” Susanna trả lời.

Nàng không giải thích rằng bức đó treo ở viên trang Lavenham và đã được ông nội nàng mua về từ Ý.

“Đức mẹ trong tranh họa đó là quan niệm của cô về sắc đẹp sao?”

“Không những bà ấy tuyệt đẹp,” Susanna nói, “mà còn nhìn rất thông tuệ nữa. Ông có thể thấy điều đó trong vầng trán cao của bà và, tôi nghĩ rằng, còn trong ánh mắt của bà nữa.”

“Vậy là cô muốn cả sắc đẹp lẫn trí tuệ,” ông Dunblane nhận xét.

Khi nói những điều đó, nàng nghĩ rằng ông ta ắt hẳn không tin hai yếu tố đó lại đi đôi với nhau.

“Tôi nghĩ được đẹp đẽ thì hết sức may mắn và tuyệt diệu, nhưng có đầu óc thì người ta được thỏa mãn hơn và biết thưởng thức đời sống một cách hoàn toàn khác biệt.”

Nàng có cảm tưởng ông Dunblane đang cân nhắc lời nàng nói, và bởi vì nàng không muốn tiếp tục chiều hướng câu chuyện về nàng là một người đẹp nàng mở sách ra và nói.

“Tối qua tôi đọc về gia đình của Lonrenzo và bao lâu trước khi ông ấy nhận danh hiệu hiệu Nhân Vật Vĩ Đại, ông ta trở nên hứng khởi trong lĩnh vực chính trị và cũng tạo cho mình trở thành một nhà thể thao lừng danh.”

“ ‘Hai ngày trước sau khi cha tôi mất,’ sau này ông ghi lại, “dù tôi, Lorenzo, còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi mốt tuổi, các vị nguyên lão của thành phố và quốc gia đến nhà tôi chia buồn sự mất mát của chúng tôi và khuyến khích tôi tự đảm trách việc chăm lo thành phố và quốc gia, như cha và ông tôi đã làm. Lời đề nghị này trái ngược với bản năng tuổi trẻ của tôi, và khi cân nhắc rằng gánh nặng và hiểm họa qúa lớn lao tôi đã miễn cưỡng chấp thuận. Nhưng tôi làm như thế để bảo vệ cho bằng hữu và tài sản của chúng tôi, vì đối với người giàu có nhưng không có thế lực trong chính phủ thì làm ăn rất khó khăn.”

Susanna ngưng lại và nói.

“Tôi nghĩ Lorenzo cảm thấy đơn độc và bị cô lập. Suy cho cùng, ông ấy còn rất trẻ.”

Khi nàng nói nàng hầu như quên rằng mình không phải đang bàn luận những cái nàng đọc với cô Harding theo kiểu họ luôn luôn trao đổi quan điểm với nhau.

“Ông ta may mắn,” ông Dunblane nói, “vì không những sự lỗi lạc của ông ấy tạo cho ông ấy vị thế lớn lao mà ông ta còn có những bạn bè trung thực sát cánh với ông ta một cách trung thành nữa.”

“Nhưng ông ấy chắc phải làm cho họ trở thành bạn của ông ấy bằng những tài năng khác thường của mình.”

Khi nói nàng nàng mới nghĩ mình có qúa ít bạn.

Những cô gái từ nhà quê ra thăm họ lúc nào cũng cảm thấy dễ làm bạn với May hơn, và nàng luôn luôn thấy mình là người lập dị.

“Nhưng đấy đâu phải là lỗi của họ,” nàng hay tự nhủ như vậy.

Đó chỉ vì nàng thường thấy con gái trạc tuổi nàng thiếu chín chắn và chán không thể tả.

Họ cười khúc khích, màu mè điệu bộ, và chỉ nói về trang phục và những cái họ sẽ làm khi trưởng thành. Susanna nghĩ có lẽ đó là vì nàng kém thu hút đến độ những thứ này không hấp dẫn với mình.

“Cô có nghĩ đàn ông nên tin cậy vào bạn bè không?” ông Dunblane cất tiếng hỏi.

Nàng giật mình vì hầu như đã quên là ông ta đang ở đó.

“Tất nhiên là anh ta phải tin cậy họ rồi, đặc biệt trong hoàn cảnh mà Lorenzo đang đương đầu. Có được bạn bè trung thực là một lời khen tặng đối với cá nhân người đó và như thế ắt hẳn là một sự mãn nguyện to tát.”

“Cô nói cứ như cô muốn có bạn và không có nhiều bạn để khen tặng mình vậy.”

Nàng chợt nhận ra nói về mình thì rất nguy hiểm.

“Tôi có thể tiếp tục chứ?” nàng hỏi. “Lorenzo có thể có nhiều bạn, nhưng ông cũng có những người chỉ trích. Guicciardini là một, người đã nói ông ấy “khao khát vinh quang và vượt trội trên mọi người và có thể bị chỉ trích vì có qúa nhiều tham vọng ngay cả trong những việc nhỏ. Ông ấy không muốn có người ngang cân đồng sức với mình hay nối gót mình trong thi ca hoặc trong các trận đấu hay làm bất cứ chuyện gì, và tỏ ra giận dữ nếu có người làm như thế.”

(3-2)

“Cô nghĩ thế nào về ý kiến đó?” ông Dunblane hỏi một cách mỉa mai. “Cô không tin là đàn ông muốn được thăng tiến, là người tiên phong trong bất cứ lĩnh vực nào họ làm sao?”

“Đương nhiên là đàn ông muốn thắng trong các trận thi đấu và thể thao,” Susanna đáp lại. “Không có người chủ ngựa đua nào không muốn thắng giải Derby hay người đi săn bắn không muốn hạ nhiều gà lôi hơn mọi người khác.”

Khi nói, nàng nghĩ đến ba mình và những cái bao khổng lồ đựng chim bị hạ trong mỗi đợt bắn, bắt đầu với Sandringham, ở nơi đó kỷ lục của nhà vua cách đấy hai năm đã lên đến 7,256 con chim trong bốn ngày.

“Thế cô cho rằng đàn ông nên thắng trong thể thao,” ông Dunblane nói, dường như ông ta khiêu khích cho nàng tranh cãi thì phải; “còn những thành tựu khác của họ trong đời sống thì sao – ao ước có được tước hiệu, điều này rất thịnh hành ở Anh, hay tranh đấu điên cuồng vì tiền bạc, mà tôi đoán là cô biết được chú trọng ở Mỹ. Có chắc là mọi tham vọng đều đáng ngưỡng mộ không?”

“Tôi nghĩ cái đó còn tùy,” Susanna trả lời sau một hồi suy nghĩ. “một cách chính xác người ta tham vọng vì cái gì. Tự-ca-ngợi lúc nào cũng đáng nghi ngờ trừ phi quyền hành nhắm vào đó là vì mục đích giúp người khác – giống như các nhà chính trị gia nên dùng tiếng tăm của mình để tạo lợi ích cho quốc gia của họ. Và khi liên quan đến tiền bạc, Francis Bacon từng nói, ‘tiền bạc giống như phân vậy, không hữu dụng trừ phi được rải ra’!”

Ông Dunblane thốt lên âm thanh khe khẽ mà nàng nhận ra là tiếng cười.

“Tôi thấy vấn đề nào cô cũng có câu trả lời cả, cô Brown,” ông ta nói, “và tôi tưởng tượng rằng việc đọc sách của chúng ta là đang buộc tôi mài dũa trí óc của tôi, nếu nó chưa bị nát nhừ ra!”

Thấy Susanna không trả lời ông nói tiếp.

“Nhưng cô có lợi thế không công bằng – cô nhìn thấy được cái cô muốn nói, trong lúc tôi chẳng thấy cái gì ngoài bóng tối.”

Âm điệu chán nản lại hiện lên trong giọng của ông ta bảo cho Susanna biết ông ta đang nuối tiếc cho mình và bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại xỉ vả số phận, mà nàng biết chính là lý do ông ta gọi nàng tới hồi nãy.

Nàng lớn tiếng nói.

“Tôi nghĩ có lẽ Lorenzo là chủ đề dễ gây ra tranh cãi vào giờ này. Tôi muốn ông nghe một cái khác mà tôi biết nằm lòng. Có lẽ nó sẽ giúp ông khuây khỏa và ngủ được, và tôi nghĩ ông rất cần ngủ.”

“Cô lo lắng cho tôi sao?”

“Phải, giống như mọi người chung quanh ông. Chúng tôi muốn làm cho ông khỏe lại, và dù tôi không phải là bác sỹ, tôi luôn luôn nhận thức rằng để chữa trị một phần của cơ thể, tất cả các bộ phận khác phải phối hợp trong qúa trình điều trị.”

“Cô nói thế có nghĩa là sao?”

“Cơ thể giống như một bộ máy,” Susanna đáp lại. “Nếu một bộ phận chạy sai, toàn thể bộ máy sẽ bị ngừng lại rất dễ dàng.”

“Tôi hiểu điều cô nói. Cứ tiếp tục đọc đi, tôi sẽ cố không làm ra vẻ tài khôn nữa đâu.”

Đến lúc đó Susanna vẫn chưa nghĩ mình sẽ đọc bài thơ nào, nhưng nàng mau chóng quyết định sẽ đọc Khổ thơ tứ tuyệt được viết trên đường giữa Florence và Pisa của Byron.

“Oh talk not to me of a name great in story;

The days of our youth are the days of our glory;

And the myrtle and ivy of sweet two-and-twenty

Are worth all your laurels, though ever so plenty.”

Nàng lặng lẽ đọc những dòng thơ, trong lúc đó nàng nghĩ rằng khi mình học với cô Harding nàng chưa bao giờ mơ đến ngày mình đang trên đường đến Florence và đó là thành phố mình hằng mong mỏi viếng thăm đang chờ đợi nàng!

Những từ ngữ dường như rất thích hợp vào thời điểm này, nhưng nàng tự hỏi, trong lúc tiếp tục đọc hết đoạn thơ này đến đoạn thơ khác, mẹ nàng sẽ nghĩ gì nếu bà biết nàng đang ở đâu, đọc thơ cho một người mù quấn băng kín mít trong lúc ngồi bên giường ông ta mặc độc có chiếc áo khoác ngoài.

Chỉ đến khi nàng đọc đến dòng: “I knew it was love, and I felt it was glory” nàng mới nghĩ rằng lẽ ra nàng nên chọn một bài thơ khác.

Thật vô cùng đáng trách khi đọc thơ tình cho người đàn ông mà nàng thậm chí chưa từng quen biết! Rồi nàng nhận ra là ông Dunblane đã ngủ!

Nàng nghe được tiếng thở đều đều khe khẽ của ông ta, và căn cứ vào kiểu nằm thư thái, đầu hơi quay nghiêng trên gối của ông ta, nàng cũng biết rõ bài đọc của mình đã mang lại ảnh hưởng mong muốn.

Rất nhẹ nhàng nàng đứng dậy và đi ra khỏi phòng, và với đôi chút khó khăn nàng tìm cách về lại phòng khách của mình và đi xuyên qua đấy vào phòng ngủ.

Chỉ khi rúc sát vào gối và kéo tấm đắp lên vai nàng mới nghĩ đến chuyện này là vận sự lạ thường nhất từng xảy ra đối với nàng.

Thậm chí May hay cô Harding cũng khó mà tin nổi nếu nàng kể lại cho họ nghe.

“Không biết ông ấy trông như thế nào nhỉ?” nàng tự hỏi nhưng cũng chẳng biết trả lời ra sao trước khi ngủ thiếp đi.

-o0o-

Ngày hôm sau náo nức đến độ giờ giấc như trôi đi vùn vụt cũng giống như xe lửa chạy.

Bất cứ lúc nào không cần phải đọc sách cho ông Dunblane, Susanna ngồi trong phòng khách nhìn ra cửa sổ, lo lắng không muốn bỏ lỡ phong cảnh nào thoáng qua của Pháp khi họ lướt ngang.

Những cánh đồng trồng trọt khổng lồ không có những hàng dậu hay be bờ, trông không giống bên Anh tí nào, vẫn có sức thu hút riêng.

Những ngôi làng nhỏ, mỗi làng có nhà thờ tháp nhọn cao chót vót đối với nàng là một niềm vui, và ngay cả những ga lớn, sân ga chật ních người trông rất khác với những người nàng từng gặp ở chỗ khác cũng là một sự say mê thích thú.

Vì nàng nghĩ nếu mình có cảm giác ngượng ngùng khi kể lại cho ông Dunblane những cái mình thấy được thì đúng là vô lý, nên nàng nói về miền quê họ chạy ngang, và trông ra cửa sổ trong phòng ông ta để mô tả những cánh rừng, những con bò đang làm lụng trong các thửa ruộng, cùng các người nông phu và con cái của họ.

Đến sau cùng khi họ băng ngang vùng núi Alps nàng không thể dằn nổi lòng háo hức trước phong cảnh những đỉnh núi phủ đầy tuyết và các thung lũng sâu tối đen bên dưới.

Ông Dunblane không hề bảo cho nàng biết rằng ông ta không muốn nghe những cái nàng thấy, dù thỉnh thoảng ông ta nói một cách cay đắng và bằng thái độ khiến nàng hiểu ông đang phải chịu đựng nỗi đau đớn sợ hãi rằng mình sẽ bị mù vĩnh viễn.

Nàng tạo cho ông ta khuây khỏa và cuối cùng ông cho nàng cơ hội được giải bày ý nghĩ của mình.

Vào buổi tối ngày thứ hai khi bóng tối đã phủ xuống Susanna không thể nhìn thấy thứ gì bên ngoài cửa sổ nữa thì Clint đi vào để kéo màn cửa sổ.

“Tôi đoán là trời đã tối,” ông Dunblane nói bằng giọng bất bình khi người tùy tùng rời khỏi phòng.

“Vâng, đã tối rồi,” Susanna đáp lại, “vì thế chuyến du lịch đến Florence mà tôi vừa hướng dẫn cho ông phải đợi đến ngày mai thôi.”

Ông ta không trả lời và một lúc sau nàng nói.

“Ông cứ... nói cho tôi biết nếu ông không muốn... tôi kể cho ông nghe... những cái tôi... thấy.”

“Vì tôi có thể phải sử dụng đến mắt của cô hay là của người khác cho đến mãn đời. Tôi đành phải chịu cho quen thôi!” ông Dunblane hung hăng nói.

Ông ta ngưng lại một lát rồi nói tiếp.

“Cô thì bận rộn mơ với mộng. Cô có bao giờ tưởng tượng ra được nếu cô bị mù thì mọi chuyện sẽ ra sao không? Nếu cô ngồi trong bóng tối và đành phải chấp nhận sự diễn tả gián tiếp mọi vật mà cô mong mỏi được thấy bằng chính mắt của mình!”

“Nếu chuyện đó xảy đến với tôi,” Susanna đáp lại, “tôi hy vọng mình có được cảm giác và lòng can đảm để phát huy tam nhãn.”

“Cô muốn nói cái khỉ gì vậy?”

Câu hỏi qúa thô lỗ gần như là hung tợn, và Susanna cảm thấy người mình run lên trước khi nàng lấy hết can đảm nói tiếp.

“Ông có bao giờ nghe đến Tam Nhãn chưa? Người Ai Cập đều biết chuyện đó.”

“Cô đang nói về giống người Cyclops mà tôi thường cho là quái vật phải không, và nếu tôi nhớ chính xác thì họ chỉ có một con mắt ngay giữa trán?”

“Không tôi không nói về họ; ý tôi là người Ai Cập cổ đại khi họ ở đỉnh cao rực rỡ và các thầy tư tế của họ hiểu được những bí ẩn dành cho những người đã được điểm hóa hay cho các vị vua của họ.”

“Tôi nghĩ cô tốt hơn kể cho tôi nghe về họ đi.” Ông Dunblane cáu kỉnh.

“Họ biểu thị Tam Nhãn trên các tượng thần của họ bằng một khối u trên trán,” Susanna bắt đầu cắt nghĩa. “Họ giáo huấn dân chúng sử dụng khả năng tâm linh này trong đền thờ của Ma-at.”

Nàng ngưng một hồi để xem ông Dunblane muốn nói điều gì không, khi ông ấy không lên tiếng nàng tiếp tục.

“Thần Ma-at có đầu hình dạng như diều hâu bởi vì diều hâu có nhãn lực rất tinh hầu như là có khả năng nhìn thấu được những cái vô hình. Khi người ta đáp ứng được sự rèn luyện của các vị tư tế, họ trở thành tiên tri hay các nhà tâm linh học.”

“Toàn là những thứ vớ vẩn khốn kiếp!” ông Dumblane càu nhàu.

Susanna tảng lờ câu chỉ trích của ông ta và nói tiếp.

“Các tiên tri có thể nhìn bằng Tam Nhãn đã được điểm hóa xuyên qua thân thể như tia X-ray và chẩn đoán bệnh tật. Tôi tin ông có thể tìm những tượng có khối u biểu thị cho Tam Nhãn khắp các vùng đông phương.”

Giọng nàng nhịp nhàng trong lúc nàng tiếp tục.

“Khi tôi mới đọc về lĩnh vực này tôi đã đi với cô giáo của tôi đến viện bảo tàng Anh quốc và chúng tôi phát hiện nhiều tượng có khối u trên trán. Thật là lý thú!”

“Thế cô cho rằng đó là những cái cô đạt được khi triển khai Tam Nhãn sao?” ông Dunblane khinh miệt hỏi.

“Không phải; nhưng tôi cho rằng mọi người đều có khả năng sử dụng trực giác của mình nhưng hầu hết đều sao lãng với khả năng này.”

“Về mặt nào?”

“Khi ông thuê một người hầu, ông có xét đoán anh ta dựa trên những cái ông thấy hay cảm giác về người đó, hay ông tin cậy hoàn toàn vào thư giới thiệu?”

“Tôi muốn có thư giới thiệu, tốt hơn phải là những lời giới thiệu tốt.”

“Vậy thì ông đã để Tam Nhãn của ông biến thành lười biếng và thụ động rồi,” Susanna nói. “Chắc chắn ông đã gặp những người ông tự nhiên thích và thấy họ rất hợp tính, gần như trước đó họ đã có ảnh hưởng nào đấy trong đời ông.”

“Tôi chả nghĩ ra được ai cả.”

“Vậy có lẽ ông vô cớ ghét ai đó; có ác cảm với họ ngay khi họ bước vào trong phòng. Diện mạo của họ không có gì khác thường cả, tuy nhiên bản năng của ông bảo ông họ là người không đáng tin cậy, có lẽ sâu hiểm nữa.”

“Sao cô lại đề nghị tôi triển khai cái năng lực không lấy gì làm chắc chắn này?”

“Tôi nghĩ đây là cơ hội thật tốt,” Susanna đáp lại, “bởi vì trong lúc này ông không thể xét đoán những cái ông thấy, vì lẽ đó cái mà ông cảm giác sẽ sâu sắc, mạnh mẽ. Thí dụ như, ông có rung cảm nào với tôi trong lúc chúng ta nói chuyện với nhau?”

Nàng không cố ý nhắm vào cá nhân mình mà chỉ là khai triển chủ đề tranh luận như nàng hay làm với cô Harding.

“Hãy nói cho cô biết em cảm thấy thế nào,” cô giáo nàng thường nói. “Không phải là những cái trí óc em bảo em nên nghĩ thế nào về vấn đề đó, mà là tiềm thức của em, nếu em muốn gọi như thế cũng được, phản ứng thế nào.”

“Nếu cô muốn được khen,” ông Dunblane nói. “Thì tôi không khen cô đâu!”

“Ồ! Tôi không có ý đó!” Susanna hầu như kinh ngạc thốt lên. “Thế ông đang buộc tội tôi là đang xử sự theo kiểu đàn bà con gái sao, tôi hoàn toàn không phải như thế.”

“Tại sao không?”

“Vì nhiều lý do, nhưng phần lớn bởi vì ông Chambers đã bảo rằng ông không muốn nhận phụ nữ vào làm công việc này. Tuy nhiên, vì không có nhân tuyển nào có đủ khả năng, nên tôi đã hứa với ông ấy tôi sẽ không xử sự theo kiểu phụ nữ một cách thái qúa và tôi cũng không có ý định trở thành người như vậy.”

“Nhưng vẫn là phụ nữ dù cô thích hay không thích!”

Bây giờ thì giọng ông ta có vẻ hài hước.

“Chuyện đó chưa bao giờ gây trở ngại cho tôi trong qúa khứ và chắc chắn sẽ không liên quan gì đến tôi trong tương lai.”

“Thật là một lời tuyên bố nực cười, nhưng tôi cho rằng, dựa vào cách cô nói, là cô chưa bao giờ yêu ai.”

“Không, tất nhiên là không!”

“Sao lại phản ứng kịch liệt vậy? Ngày nào đó chuyện ấy sẽ xảy ra thôi và rồi cô sẽ kết hôn và ổn định cuộc sống và chắc chắn sẽ có một gia đình đông đúc với lũ con cái phiền toái.”

“Tôi không bao giờ lập gia đình!”

“Sao lại không chứ?”

“Vì những lý do... riêng của tôi.”

Susanna hơi mạnh tay đóng sập cuốn sách lại và nói thêm.

“Tôi nghĩ đã đến giờ để tôi đi sửa soạn cho bữa tối, tôi không muốn để ông Chamber phải đợi.”

“Nếu tôi muốn thì Chambers có thể đợi.”

Susanna đứng dậy.

“Nói như thế là ích kỷ,” nàng đáp lại, “rõ ràng là ông không dùng trực giác với ông ấy. Vì ông mà ông ấy lo lắng muốn chết đi được, tôi nghĩ là ông nên biết cảm kích!”

Chỉ khi nàng ra khỏi chỗ đó trước khi ông Dunblane kịp đáp lại nàng mới nghĩ rằng đó hoàn toàn không phải là thái độ mình nên nói với chủ.

“Có lẽ lúc tới nơi ông ta sẽ đuổi mình về nhà ngay lập không chừng,” nàng lo âu nghĩ ngợi.

Nhưng nàng biết, nàng có trực giác rằng nếu không còn chuyện gì khác thì câu chuyện mà họ đối đáp nhau lúc nãy đã khích động ông ta thoát khỏi cơn tuyệt vọng u ám mà ông đang canh cánh trong lòng kể từ lúc họ bắt đầu cuộc hành trình.

Giờ đây ông ta đã nói năng khẽ khàng hơn và nàng cảm thấy ông ta đã chịu đối đáp với nàng thậm chí khi nàng làm cho ông ta nổi giận.

“Tuy là vậy, mình phải cẩn thận,” nàng tự dặn mình. “Mình không chịu nổi khi bị đuổi về Anh, và nhất định là chẳng có lá thư giới thiệu nào!”

Khi vào giường ngủ tối đó nàng suy nghĩ kỹ về buổi nói chuyện với ông Dunblane trong hai ngày chót và mong rằng khi họ đến Florence sẽ không có nhiều người khác đến nói chuyện với ông ta.

Nhưng rồi nàng nhớ ông Chambers có nói là ông ta phải được yên tịnh, và đấy cũng chính là điều khuây khỏa.

“Mình phải nghĩ ra ý tưởng mới, phải kích thích trí óc của ông ta mới được. Phải tìm cách làm cho ông ta ngoi lên khỏi những cơn hành hạ thể xác.”

Nàng hoàn toàn không biết mình phải làm cách nào nhưng cảm thấy rằng mình cần phải làm như thế.

“Có một ý kiến,” nàng ngẫm nghĩ, “là có rất nhiều chuyện để nói đến khi ở Florence.”

Rồi tim nàng nhói lên khi nghĩ đến việc ngắm những bức họa mình luôn ao ước thấy và ngay cả Florence, thành phố mà sách vở đã nói là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới.

-o0o-

Susanna thức dậy sớm vì không cách nào ngủ được khi biết rằng họ đã tới nơi. Ánh nắng đã rón rén trườn vào dưới những bức màn trong phòng ngủ của nàng, nắng chiếu chan hòa khắp thành phố cách đây bốn thế kỷ Lorenzo Vĩ Đại đã trở thành nhà thống trị tối cao.

Nàng nhớ đã từng đọc trong sách của thư viện trang viên Lavenham rằng Florence lừng danh về các lầu đài và các ngôi giáo đường, những nơi này đã góp phần rất lớn vào lịch sử thành phố.

“Florence như những qủa chuông vào buổi sáng,” nàng từng đọc trong sách như thế, “ánh trăng tỏa khắp San Miniato, những con đường hẹp không lớn hơn những khe rãnh là bao, những mái hiên chìa ra trên các lầu đài, tiếng lọc cọc của những chú lừa ra chợ vào hừng đông.”

Đấy chính là Florence nàng muốn thấy, ngoài Florence của những công trình điêu khắc, các tranh họa, và các tòa nhà cao tầng nàng từng thấy vươn cao bên trên khi họ lái ngang đường xá sau khi tới ga lúc khuya tối qua.

Nàng nghĩ lúc đó mùi vị của Florence khác với bất kỳ cái gì nàng từng biết ở nơi khác.

Nàng nghĩ mình nhận ra được hương hoa đậu màu tím cà đung đưa trên nhiều bức tường, hương thơm ngào ngạt của café rang, và mùi ẩm ướt thoảng tới từ sông Arno khi họ lái song song.

Ông Chambers đã bảo với nàng rằng biệt thự của ông Dunblane không nằm trong thành phố nhưng ra ngoài một chút trên một ngọn đồi.

Bao quanh Florence là những qủa đồi, phủ đầy những ngọn khuynh diệp vút cao như những ngón tay đen đen hướng lên trời.

Susanna lặng người khi họ đến biệt thự, nàng thấy tòa nhà đẹp đến nhường nào.

Ông Chambers đã nói rằng trước đây nó là một nữ tu viện và cha ông Dunblane đã biến nó thành biệt thự mà ông đã sống nửa đời còn lại của mình tại đây.

Nàng mê man trước tòa nhà dài màu trắng với mái lợp ngói gạch dường như đang tỏa ra không khí thiêng liêng và bí ẩn mà là một phần bản chất thực thụ của Florence.

“Bộ sưu tập tranh họa và bàn ghế của cha ông ấy đã làm cho biệt thự trở thành một nơi cư ngụ tư nhân đẹp đẽ nhất được biết đến trong bất kỳ nơi nào ở Ý,” ông Chambers nhận xét. “Và khu vườn mà ông ấy đã bỏ bao công sức cho đến ngày nhắm mắt, đẹp không thể tả.”

“Mình phải ngắm mới được,” giờ đây Susanna tự nhủ, và phóng xuống giường kéo màn ra, quang cảnh từ cửa sổ khiến nàng nín thở.

Chỗ đó, vượt lên trên các tòa nhà là mái vòm tròn khổng lồ của thánh đường chính tòa được xây bởi Brunelleschi vào năm 1420, và như nàng từng đọc trong sách: “Nó đã vươn đến đỉnh cao và nguy nga đến độ người ta không thể nào cho rằng có công trình của nhân loại nào đẹp đẽ hơn, siêu quần hơn thế nữa.”

Nhưng đoạn mô tả ấy đã xưa lắm rồi và nàng không nghĩ rằng nó hãy còn chiếm ưu thế trên toàn thể Florence và cho nàng cảm giác rằng nó sẽ làm cho tim nàng bay bổng đến trời cao như từng là dụng ý của đoạn văn.

Kế đến nàng thấy khu vườn. Màu sắc rực rỡ và hoa cỏ thì cứ như từ trên thiên đường xuống, dù chúng được vun trồng bằng tay người đi nữa.

“Thật là đẹp! Đẹp qúa!” Susanna thích thú kêu lên.

Vì nàng không cách chi đợi để ngắm thêm nữa, nàng rửa ráy bằng nước lạnh và bắt đầu mặc áo.

Nàng hớn hở nhận ra mình có thể cất những y phục dày từng mặc ở London và mặc loại áo mỏng và mát mà khi mua cho nàng mẹ nàng đoán chừng là trời tháng sáu và tháng bảy có lẽ rất nóng.

Nàng lẻn ra ngoài biệt thự, lúc này dường như rất yên tĩnh, dù nàng chắc chắn những người hầu Ý đang tươi cười chào đón khi họ đến tối qua đã bận bịu trong bếp rồi.

Ông Dunblane qúa mệt để làm bất cứ chuyện gì, nhưng Clint bảo nàng bằng thái độ hài lòng là ông ấy đã ngủ ngay khi lên giường.

Nàng và ông Chambers đã ăn tối một mình tại chiếc bàn ăn cổ trong căn phòng trước đây từng là tịnh thất của tu viện.

Giờ đây, với sàn phòng được trải bằng những tấm thảm tráng lệ và các vách tường treo thảm thêu và thắp sáng bằng những ngọn nến khổng lồ cắm trên giá vàng chạm trổ, mà chắc từng được đặt trong nhà thờ. Căn phòng có vẻ đẹp sang trọng.

Susanna khám phá ra những căn phòng khác còn thu hút hơn, nhưng tối qua nàng qúa mệt để tham quan nhiều phòng.

“Đi ngủ đi cô Brown,” ông Chambers đã bảo. “Cô còn nhiều thời gian để thám hiểm mọi thứ ngày mai. Tôi biết chắc cô đã mệt rồi.”

“Tôi hơi mệt một chút,” Susanna thú nhận. “Chắc có lẽ do xe lửa cứ rung liên tục.”

“Tôi muốn ngỏ lời cám ơn cô,” ông Chamber bất ngờ nói, “vì thái độ cô đã làm cho bệnh nhân của chúng ta hứng khởi trong suốt bốn ngày dài chắc chắn là mệt mỏi.”

Thấy Susanna trông hài lòng ông nói tiếp.

“Tôi nhận thấy nếu ông ấy nổi cơn, như ông ấy đã làm suốt chuyến đi băng qua Đại Tây Dương, rồi biến thành thất vọng căm giận, mắng nhiếc số phận và cự tuyệt không muốn trở nên lạc quan về tương lai thì rất là tệ hại cho ông ấy.”

“Tôi đã cố giúp ông ấy.”

“Cô làm được rồi đấy. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng tôi rất may mắn tìm được cô sau bao thất vọng.”

(3-3)

Ông mỉm cười và tiếp tục.

“Tôi mệt kinh khủng khi nghe những người xin việc phát âm sai những từ đơn giản nhất trong tiếng Pháp và tôi biết ông Dunblane cũng có cảm giác tương tự.”

“Tôi cảm thấy áy náy cho ông ấy.”

“Nếu rốt cuộc thị lực của ông ấy hồi phục,” ông Chambers nhận xét, “thì có lẽ những chuyện xảy ra đã giúp ích cho ông ấy.”

“Giúp ích cho ông ấy!” Susanna ngạc nhiên thốt lên.

“Cho đến bây giờ mọi việc đều xuông xẻ cho ông ấy. Ông ấy là một đứa trẻ đẻ bọc điều trong đủ mọi mặt chứ không phải là chỉ một.”

“Như Lorenzo Vĩ Đại,” Susanna vô tình buột miệng nói.

Ông Chambers bật cười.

“Tôi đoan chắc là cô nói đúng, chắc cô đã trông thấy tượng sành bán thân của Lorenzo do Verrocchio sáng tác. Đấy là một trong những công trình nghệ thuật ưng ý nhất của tôi.”

“Tôi cũng muốn xem,” Susanna nói.

“Vậy tôi hứa với cô, ngay khi chúng ta sắp đặt đâu vào đấy tôi sẽ thu xếp đưa cô vào thành phố, không cần hỏi tôi cũng biết cô muốn tham quan viện triển lãm Uffizi.”

“Đúng rồi!”

Nàng đi ngủ trong lòng náo nức. Có rất nhiều cái cho nàng xem, và giờ khi đứng dưới ánh mặt trời trong vườn ngắm phong cảnh, nàng biết trí tưởng tượng của mình đã thất bại không hình dung nổi lấy một phần mười kỳ diệu của nó.

Nàng cúi xuống hái một vài đóa thổ lan có mùi ngòn ngọt mỏng mảnh duyên dáng đến độ dường như lạ là chúng chắc phải gần gũi với loại thổ lan loa kèn to tướng mà người ta hay kèm chung với trang trí trong nhà thờ, hay thậm chí có liên quan với giống thổ lan Thánh Nữ hình chuông.

Susanna nghĩ những đóa mà nàng vừa hái giống như những tiếng thì thào nho nhỏ của thiên thần khó mà nghe nổi trong dàn thánh ca của nhà thờ.

Rồi nàng chợt cảm thấy ngượng ngùng vì mình lập dị qúa.

“Mọi cái đều đẹp đến độ,” nàng tự nhủ, “mình phải nhớ rằng mình chỉ là một sinh vật xấu xí trong bức tranh mỹ miều trong suốt mà chỉ có thể được nắm bắt bởi các họa sư bậc thầy.

Nàng nghĩ mình không phải là đang than thân trách phận về dung mạo mình, chỉ là dùng lý lẽ thường tình để tự ngăn ngừa khỏi bị lôi kéo đi qúa xa vào cơn ngây ngất mình không được phép bước vào.

Nàng thả bộ quanh một bụi cây phủ đầy hoa và vô cùng ngạc nhiên phát hiện ra một hồ bơi lớn. Ít ra thì nàng tạm cho là như thế, vì nàng cũng chưa bao giờ thấy trước đây cả.

Đúng ra nàng nghĩ nó chỉ là một cái ao nhân tạo nếu không được lát bằng gạch màu lam và bao quanh bằng đá phiến. Thêm vào đó nước cũng chuyển động liên tục và trong đến nỗi có thể nhìn thấy đáy.

“Cô định bơi à, cô Brown?” một giọng nói vang lên hỏi nàng, và ông Chambers bước lại gần nàng.

“Tôi nghĩ đây chắc là hồ bơi,” Susanna nói. “Tôi nghe nói người Mỹ xây trong vườn nhà họ bên Mỹ, nhưng tôi chưa hề chính mắt thấy cái nào.”

“Ba của ông Dunblane gắn cái này vào khi ông sửa đổi biệt thự,” ông Chambers giải thích.

“Ông có bơi không?”

“Tôi thường bơi khi tới đây lần đầu,” ông đáp lại, “nhưng giờ thì thấy hơi mệt, nên tôi để lại cái môn thể dục đòi hỏi phải gắng sức này cho lớp người trẻ như cô. Vào giờ này buổi sáng cô sẽ thấy nước ấm.”

“Ồ, tôi không thể bơi ở đây được đâu!” Susanna vội nói. “Dù lúc còn nhỏ tôi có bời trong hồ tại nhà tôi.”

“Không có ai thấy cô đâu,” ông Chambers trả lời, “và bởi vì chúng tôi chu cấp mọi thứ khách cần, nên cô sẽ thấy một số đồ tắm trong thủy tạ bên kia hồ. Đừng mắc cỡ! Bất cứ khi nào cô thích thì cứ xuống tắm một phát.”

“Dạ cám ơn,” Susanna đáp lại, “tôi sẽ nghĩ đến sau.”

Khi nói nàng biết mình ngượng ghê lắm không dám xuống bơi đâu, vì hiểu rõ là mình sẽ trông rất mập và lóng ngóng khi mặc áo tắm.

Tại Brighton có lần nàng thấy một phụ nữ lớn tuổi tắm suối nước nóng khi nàng và May đến đó để dưỡng bệnh sau khi mắc chứng ho gà. Họ đã phá lên cười chế giễu những người đến tắm cứ trồi lên hụp xuống trong những làn sóng và Susanna không thích mình sẽ bị chế nhạo y như thế.

“Tuy vậy,” nàng ngẫm nghĩ với đôi chút ao ước. “Mình thích được bơi trong cái hồ đẹp như vầy.”

Dẫu ông Dunblane không thấy nàng nhưng có thể ông Chambers sẽ thấy, ngoài ra còn Clint và các gia nhân khác nữa.

“Không được! Mình nhất định không làm đâu,” nàng thầm nghĩ một cách cương quyết.

Cầm mấy đóa lan, nàng quay về biệt thự với ông Chambers và thấy thức ăn sáng đã dọn sẵn cho họ trong hàng hiên, từ chỗ đó họ sẽ ngắm được quang cảnh khác của Florence.

Bây giờ ở đằng đó là dòng Arno lấp loáng trong nắng, có nhiều cây cầu bắc ngang, và nàng thấy rất rõ cây cầu cổ nhất và nổi tiếng nhất trong số đó, Ponte Vechio.

“Làm sao mà mình có thể cám ơn cho đủ vì được tới đây?” nàng tự hỏi, giọng thoáng rộn rã

Hầu như để trả lời câu hỏi của nàng, Clint bước vào phòng.

“Ông chủ muốn gặp cô ngay, cô Brown,” anh ta lên tiếng. “Ông ấy cảm thấy mình bị bỏ bê.”

“Ôi trời!” ông Chambers thốt lên, “lẽ ra tôi phải đến gặp ông ấy trước khi ăn sáng.”

“Ông không cần phải vội đâu thưa ông,” Clint nói. “Ông ấy yêu cầu chính là tiểu thư đây, và tốt nhất đừng để ông ấy đợi!”

Chưa kịp ăn sáng xong nhưng nàng đứng bật dậy ra khỏi bàn và cầm theo bó hoa lan nhỏ rồi nối gót theo Clint đi dọc theo lối đi mát mẻ, xuyên qua khoảng sân trong xinh đẹp bao quanh bởi những dãy hiên, vào căn phòng ngủ thật rộng rãi.

Trên bục kê một chiếc giường phủ màn tỏa xuống từ đỉnh màn vòm cung được chạm trổ hình thiên thần đang bay lượn, và bên dưới là đầu giường trang trí với huy hiệu được chạm nổi và sơn màu.

Dưới huy hiệu, ông Dunblane trông có vẻ là lạ kỳ bí trong lớp băng quấn.

“Cô đi đâu vậy hả?” ông ta gắt gỏng hỏi. “Không ai đến gặp tôi cả, dù tôi cho rằng cô và Chambers đang nhởn nhơ ngoài nắng chứ gì!”

“Tôi vừa đi ngắm cảnh và thám hiển khu vườn, và tôi thấy cả hồ bơi của ông nữa,” Susanna nói. “Tất cả mọi cái trông như truyện thần thoại vậy.”

“Nếu cô đang hình dung mình như công chúa trong cái truyện đó, thì tôi cần phải chỉ cho cô biết,” ông Dunblane nói, “rằng hoàng tử hình như đang bị bỏ bê đấy.”

“Tôi xin lỗi,” Susanna đáp lại, “nhưng trời hãy còn sớm, tôi nghĩ chắc là ông đang ngủ.”

“Ngủ! Ngủ! Ai cũng muốn tôi làm chỉ bấy nhiêu đó thôi! Không ai thèm lo xem tôi có nằm mục thây trên giường hay không miễn là họ hưởng thụ cho bản thân họ là được rồi!”

“Cái đó không đúng và ông biết rõ mà,” Susanna dịu dàng nói. “Tuy thế, ông cứ càu nhàu tùy thích; tôi ngồi ở đây nghe ông nói.”

“Tôi nghĩ là cô sắp nói rằng cô được trả tiền để làm như thế, rằng cô là –”

“Tôi đâu có định nói vậy, nhưng giờ ông đã nhắc đến thì câu trả lời là vâng!”

Ông Dunblane bật cười nho nhỏ.

“Đồ mắc toi! Cô không bao giờ để tôi thật tình cảm thấy thương hại mình cả.”

“Sao tôi cần phải làm vậy, khi ông lại có rất nhiều thứ để mà cảm kích.”

“Cái gì chứ?”

“Tôi không trả lời câu hỏi đó đâu,” Susanna đáp lại. “Ông có thể đếm những cái may mắn của ông cũng như bất cứ ai khác; và Tam Nhãn của ông sáng nay thế nào rồi?”

“Không có gì cả!”

“Cái đó thì tôi không tin đâu. Vì vậy chúng ta sẽ thử xem nó có hoạt động không nhé. Hãy nói cho tôi cái này là gì.”

Trong lúc nói nàng khom tới trước và chìa bó hoa cách một chút trước cái lỗ chừa trên mặt băng cho ông ta thở.

“Cô hái trong vườn à?” ông hỏi.

“Vâng đúng thế,” Susanna trả lời, “vì chúng nhỏ bé không quan trọng, nên tôi nghĩ chúng lấy làm hài lòng được diện kiến ông trong khi lũ bạn bè sặc sỡ lại bị bỏ lăn lóc bên ngoài!”

Ông Dunblane lại bật cười.

“Cô là một phụ nữ hết sức ngạc nhiên!” ông ta nói. “Vậy cô có thể kiếm sống bằng cách đọc báo cho tôi nghe, nếu báo giao tới rồi, trước khi tôi nói cho cô biết cô có thể đi ngắm diện mạo của cô trong viện triển lãm Uffizi.”

Susanna nín thở.

Giá mà ông ta biết mình thực sự nhìn ra sao nhỉ! Nàng thầm nghĩ. Rồi nàng tự dặn mình là không được phá hỏng niềm hạnh phúc của riêng mình, niềm hân hoan được ở trong Florence bằng cách tiết lộ sự thật với ông ta.

Giữa bao như thứ đẹp đẽ như thế nàng làm sao có thể đành lòng nói rằng, “Tôi tầm thường, xấu xí, và mập!”

“Khi nào ông cho đi viếng Uffizi,” nàng nói lớn, “tôi sẽ nói cho ông biết tôi giống ai nhất, Simonetta Vespuci, người mẫu thần vệ nữ của Botticelli, hay là vị tiểu thư thông minh sáng láng ngồi làm mẫu cho Fra Filippo Lippi.”

Nàng ngưng lại trước khi nói thêm.

“Tôi có đọc rằng cô ấy hình như là Lucrezia Buti, người đã bỏ trốn khỏi tu viện để sống với họa sỹ.”

“Tất nhiên cô chắc không quên nhận ra tôi trong hình ảnh của Lorenzo Vĩ Đại chứ.”

“Cố nhiên rồi!” Susanna tán thành. “Ông Chambers đã kể cho tôi những chuyện về ông làm cho tôi hoàn toàn khẳng định ông là Lorenzo trong kiếp trước.”

Nàng nói một cách chế giễu và ông Dunblane ngờ vực nói.

“Tôi cho rằng ngoài việc tâng bốc tôi cô đang dự đoán rằng rồi cũng có ngày mất hết thanh danh địa vị, và ngoài khó khăn tài chính, lại còn bị chết vì chứng sưng khớp!”

“Cái đó thì còn lâu lắm.”

“Hiện tại thì tội lỗi của tôi đã gây ra hậu quả xấu bằng hình thức trừng phạt khác rồi đấy!”

“Giờ thì ông đang nghĩ quẩn,” Susanna phản bác. “Tai nạn của ông có dính líu gì đến tội lỗi của ông cơ chứ?”

“Có lẽ giống như Lorenzo tôi là người dương dương tự đắc, cứ nhất định mình phải là người tiên phong trong mọi chuyện tôi làm. Chắc thế nào cô cũng nói sự trừng phạt đích đáng với tội ác?”

“Tôi sẽ không nói cái kiểu như vậy,” Susanna trả lời gần như tức giận. “Tôi cho rằng loại tự vấn tội này không tốt lành gì cho ông đâu, vì vậy tôi sẽ đọc báo cho ông nghe.”

Nàng thấy bên cạnh giường có để báo Ý và một tờ báo Mỹ. Cái sau thì đã ra từ tuần trước và nàng nghĩ là chắc được đem theo từ Anh.

“Ở đây có hai tờ báo. Ông thích đọc tờ nào trước, báo Ý hay là New York Times?”

“Cô có tờ New York Times!” ông Dunblane kêu lên. “Sao trước đó cô không đọc cho tôi?”

“Vì lý do rất chính đáng rằng đâu có ai đưa nó cho tôi,” Susanna trả lời.

“Hừ, vậy cô đọc đi! Lật qua trang thể thao và xem coi có tin gì về chuyện thử xe hơi không.”

Susanna ngạc nhiên nhìn ông ta. Lần đầu tiên nàng nghĩ có lẽ tai nạn của ông ta có phần nào liên quan đến đua xe.

Ông Chambers không đề cập đến chuyện đó và nàng thầm nghĩ chắc ông ta dính líu đến tai nạn xe trên đường xá xảy ra rất thường kể từ khi xe hơi xuất hiện trên đường.

Mặc dù trên thực tế xe hơi bị giới hạn chạy trong tốc độ vừa phải, nhưng chúng làm cho ngựa hoảng sợ, khiến chúng kinh hãi lao đi lung tung gây rối loạn cho xe kéo gắn liền với chúng và thường kéo theo hậu qủa thảm khốc.

Khá nhiều bạn bè của mẹ nàng đi vòng vòng London bằng xe Brougham chạy điện và cha nàng đã nhắc đến việc mua xe hơi để lái về quê nhanh hơn là ngồi sau mấy con ngựa.

Susanna biết chuyện thì này thì khác với đua xe hơi mà nàng tin, dù vẫn còn mơ hồ, là đã trở thành một phần trong sự phát triển xe hơi của Mỹ.

Henry là nhân vật độc nhất trong gia đình họ rất hào hứng với xe hơi. Thực ra khi từ Eton trở về nó ít nói đến chuyện gì khác ngoài chuyện đó.

Susanna luôn luôn là thính giả nhẫn nại đối với nhiệt tình của cậu em trai, và giờ đây nghĩ trở lại, nàng nhớ em nàng có kể là năm ngoái một chiếc xe Stanley chạy bằng hơi đã đạt tới vận tốc kinh hồn trên bãi biển Daytona.

Trong lúc nàng cố tìm trang thể thao của tờ New York Times vì không quen thuộc với loại báo này, nàng phân vân tự hỏi cũng như ông Dunblane là tại sao trước đó người ta không đưa báo cho nàng.

Nàng gặp khó khăn trong lúc lướt xuống trang giấy để tìm bất cứ phần tin nào có liên quan đến xe hơi, và rốt cuộc nàng đã khám phá ra.

“Ồ, đây rồi!” nàng hớn hở thốt lên.

“Nó nói cái gì vậy?” ông Dunblane hỏi, và Susanna đọc lớn.

“ ‘Không nghi ngờ gì nữa, loại Fiats của Felice Nazzaro đã chiếm ưu thế trong những vòng đua năm nay đang được mọi người kỳ vọng đoạt giải Targa Florios. Mặc dù Louis Coatalen, là người Pháp từng bị đày biệt xứ, đã thiết kế loại 25 HP Hillman cho 1907 TT.’ ”

“Không có tin gì về xe Mỹ sao?” ông Dunblane gay gắt hỏi.

Susanna vội ngó xuống vài đoạn kế tiếp rồi đọc.

“ ‘Có dự đoán rằng loại xe hơi với kỹ thuật tăng nạp đầu tiên của thế giới, Chadwick sáu máy, sẽ được đem ra trình làng trong vòng đua American Grand Prix mới ở Savannah và Locomobile của Robertson được bỏ nhỏ sẽ đoạt giải Vanderbilt.' ”

“Còn gì nữa không?” ông Dunblane hỏi bằng giọng nôn nóng một cách ngạc nhiên.

“ ‘Hiện nay Mỹ rất nổi bật trong làng xe hơi, sản lượng xe của họ đã qua mặt Pháp trong 1906. Cho đến bây giờ loại Falcons đang thắng thế trong thị trường, nhưng có tin hành lang rằng Henry Ford đã đưa vào sản xuất kiểu xe T độc đáo, một loại xe cực kỳ đơn giản, hầu như là không thể nào phá hủy nổi, không bao lâu nữa sẽ đem đến cho mọi người một tay lái đáng tin cậy.’ ”

Trước khi Susanna kịp đọc hết phần tường trình, ông Dunblane kêu to gần như là thét lên.

“Tại sao không có ai báo cho tôi biết tin này? Tại sao lại dấu tôi cái tin mắc dịch này?” ông ta điên tiết hỏi. “Đi kêu Chambers, bảo ông ấy đến đây ngay lập tức!”

Ông ta lớn giọng và hung hãn đến nỗi Susanna vô tình đứng bật dậy.

“Đi đi, đi kêu ông ấy mau! Cô còn đợi cái quái gì nữa hả!” ông Dunblane gầm lên.

Kinh hãi trước giọng điệu hung bạo của ông ta, Susanna chạy ào ra khỏi phòng ngủ đi tìm ông Chambers.

CHAPTER 4

(4-1)

Khi Susanna ở ngoài hiên ngắm cảnh, độ chừng một tiếng sau ông Chambers đến bên cạnh nàng.

Thấy ông ôm một chồng báo lớn trong tay, Susanna quay sang nói.

“Lỡ như tôi làm cho ông ấy khó chịu thì tôi xin lỗi... thật xin lỗi.”

“Đó là lỗi của tôi,” ông Chambers đáp. “Tôi đem tờ New York Times theo từ London và ngu ngốc để trong phòng khách. Clint cầm lên rồi lại tưởng tôi định đưa cho ông Dunblane.”

“Hình như ông ấy khó chịu vì ông Henry Ford cho ra loại xe mới,” Susanna nói, “tôi nghĩ có lẽ ông ấy có những khoản đầu tư trong các ngành sản xuất khác nữa.”

Trong lúc đợi nàng suy nghĩ rằng sự sản của người Mỹ tạo ra rất nhanh mà mất đi cũng nhanh không kém. Ba nàng đã nhắc đến những vụ phá sản tài chính thảm hại ở Wall Street, và nàng nhớ có lần xảy ra cơn biến động kinh khủng vì một số bạn của ba đã đầu tư vào mỏ vàng mà lớp quặng đã cạn sạch.

“Có lẽ thế,” ông Chambers đáp, và Susanna cảm thấy ông không muốn nàng hỏi tới.

‘Chuyện đó đâu có liên quan gì tới mình,’ nàng tự nhủ. ‘Tuy nhiên, nếu ông Dunblane mất nhiều tiền thì ông ấy phải bán đi cái biệt thự tuyệt vời này và chắc chắn là không thể sống thoải mái như hiện giờ.’

“Tôi nghĩ ông Dunblane muốn cô quay vào với ông ấy,” ông Chambers nói, “tôi đề nghị sau khi ăn trưa, trong lúc ông ấy nghỉ ngơi, thì mình sẽ vào Florence và cô có thể ngắm sơ những bức tranh cô thích.”

“Mình thật có thể làm thế à?” Susanna háo hức hỏi.

“Mình sẽ thử xem sao,” ông Chambers hứa, “nhưng lỡ ông Dunblane cần cô thì tôi e chúng ta sẽ phải đợi đến ngày khác.”

Susanna vội quay lại phòng ngủ của ông Dunblane, khi nàng gõ cửa và ông ấy lên tiếng, “vào đi,” nàng ngạc nhiên thấy ông không nằm trên chiếc giường lớn phủ màn nhưng đang ngồi trong ghế bành gần cửa sổ lúc này đang mở rộng.

“Ồ, ông dậy rồi à!” nàng reo lên. “Tôi rất mừng. Tôi chắc chắn ông thở không khí tươi đẹp, ấm áp này thì rất quan trọng đấy!”

“Đừng lăng xăng nữa,” ông Dunblane đáp lại, “nếu cô có chuyện gì hay làm cho tôi bớt điên tiết thì tôi muốn nghe.”

Susanna lo lắng nhìn ông ta, cảm thấy ông ta hãy còn bực bội.

Vừa rồi nàng đã tự động cầm theo khá nhiều sách trên đường đến phòng ngủ của ông ta, và do nàng qúa náo nức với việc đi Florence nên nàng cũng không xem mấy cuốn sách kỹ lắm.

Bây giờ thấy một cuốn là cái nàng đã đọc cho ông ta trước đó về Lorenzo Vĩ Đại, và nàng cảm thấy có lẽ họ đã hết cái để nói về chủ đề đó. Thay vì thế, nàng ngó vội những quyển kia để tìm cái gì khác làm cho ông ấy hứng thú.

Rồi thật ngạc nhiên ông ấy cất tiếng.

“Tôi đổi ý rồi. Nói chuyện với tôi đi, kể cho tôi về cuộc sống của cô và tại sao cô phải ra ngoài kiếm sống.”

Hên là ông ấy không nhìn thấy được nét thảng thốt trong mắt nàng.

“Ông sẽ thấy đề tài đó chán lắm,” nàng tránh né. “Thà là nói về ông hay ngôi biệt thự tuyệt đẹp này mà ba ông làm cho nó thật toàn hảo còn hơn.”

Không nghe câu trả lời trước đề nghị này, sau một hồi nàng nói.

“Tôi cũng thích nghe ông kể về Florence. Khi người ta nói đến nơi chốn họ biết thì luôn luôn thích thú hơn nhiều so với sách hướng dẫn.”

“Tôi có một cảm giác,” ông Dunblane nói, “và bây giờ tôi dùng Tam Nhãn, rằng cô đang cố tình dụ tôi tránh những cái tôi muốn biết về cô đấy. Tại sao cô lại thần bí như thế, trừ phi cô muốn dấu chuyện gì đó?”

Susanna nghĩ thực tế ông ấy đang trở nên qúa ư nhạy cảm.

“Tôi không... đoán được tại sao ông... lại nghĩ như thế.”

“Cô Brown à, giọng nói của cô đã để lộ ra hết rồi còn gì,” ông đáp. “Khi cô lo lắng, như hiện giờ bởi vì cô cho rằng tôi đang đào sâu vào chuyện cô không muốn cho tôi biết, âm điệu của cô biến đổi hết. Tôi cho rằng hàng trăm người đã nói với cô rằng giọng nghe như tiếng nhạc vậy.”

“Không có ai... nói với tôi... như thế cả,” Susanna nói nhỏ.

“Vậy chắc họ điếc hết rồi, hay có lẽ vì tôi giờ đây đang mù, mù lần đầu tiên trong đời, nên tôi biết sử dụng tai mình một cách đúng nghĩa.”

“Hay là, như chính ông nói đấy, có lẽ đó là Tam Nhãn của ông!”

“Tôi đang nghĩ về chuyện đó. Hình như rất lạ rằng chưa có ai nói với tôi đề tài đó trước đây cả, dù tôi cho rằng khá nhiều người biết về lĩnh vực đó, thậm chí ngay trong thời đại khai hóa này.”

Susanna mỉm cười nói.

“Tôi từng đọc có những trường phái bí truyền, hoặc có các trường phái ở các miền khác trên thế giới được chăm nom bởi các vị lãnh đạo tư tưởng lớn.”

“Chuyện đó nghe có vẻ cường điệu như lời tuyên bố của phu nhân Blavatsky rằng có các vị đại sư sống ẩn trong rặng Himalaya, họ ở đó để dạy dỗ và hướng dẫn cho những người tin họ.”

Lối nói châm chích của ông ta khiến Susanna nói.

“Ông đúng là một trong những kẻ vô thần.”

“Đương nhiên rồi!” ông Dunblane đáp. “Tôi cho rằng chỉ có những phụ nữ chán đời không có chuyện gì khá khẩm hơn để làm mới nghĩ ra hàng lô thứ nhảm nhí như thế!”

“Tuy nhiên chúng ta đều biết các nhà tân tư tưởng vĩ đại như Phật hay Plato từng truyền đạt cho các môn đệ theo cách mà những tín đồ thường không hiểu nổi.”

“Làm thế nào mà cô biết được?”

“Tôi có thể trích một số thí dụ trong thánh kinh nếu ông muốn nghe.”

“Tóm lại tôi nghĩ rằng cô đã bị lừa gạt bởi nhiều thứ vớ vẩn không xác thực và sẽ bị chế nhạo bởi bất kỳ người nào có hiểu biết.”

Susanna suy nghĩ một hồi rồi nói.

“Thế ông có tin vào phép lạ không?”

“Tôi chưa bao giờ chính mắt thấy.”

Nàng ngập ngừng trước khi bày tỏ ý kiến.

“Ông vừa gặp tai nạn xe hơi rất thảm khốc. Ông không nghĩ rằng nhờ vào phép lạ mà ông thoát chết sao? Tại sao ông qua được cái tai nạn mà lẽ ra là chí tử đối với người kém may mắn hơn?”

Ngay khi nói ra nàng hầu như kinh ngạc với chính mình vì đã nói những điều rất riêng tư, tuy nhiên từ ngữ dường như thoát ra khỏi miệng nàng gần như vô thức.

Bầu không khí chìm vào yên lặng thật lâu trước khi Susanna cất tiếng bằng giọng nhỏ rứt.

“Thứ lỗi cho tôi... tôi không... nên... nói như thế. Tôi không muốn lại gây cho ông... bực bội.”

“Cô không làm cho tôi bực đâu,” ông Dunblane nói với âm điệu khác với giọng ông thường dùng lúc trước. “Cô chỉ khiến cho tôi tự hỏi những điều cô nói có đúng hay không. Tôi từng điên lên được khi bị tông xe, rất là căm giận vì bị mù, đến nỗi đến giờ phút này tôi chưa hề nhận thấy rằng thật là phi thường rằng tôi không bị giết chết tươi lúc đó.”

“Tôi nghĩ rằng vì lúc ấy ông muốn sống,” Susanna dịu dàng nói. “Có lẽ trên thế giới còn chuyện quan trọng và đặc biệt để cho ông làm, vì chỗ này cần đến ông. Tôi không cho rằng những việc này xảy ra đều là tình cờ.”

“Là phép lạ!” ông Dunblane tự nói với chính mình.

Rồi ngả vai vào nệm ghế cho người thoải mái hơn một chút ông nói.

“Thôi được, tôi sẵn sàng lắng nghe cô cắt nghĩa những lý thuyết của cô. Ít ra thì những cái ấy cũng mới mẻ và để cho tôi có chỗ suy gẫm.”

“Học Thuyết Bí Mật từng được giảng giải bởi nhiều vị lãnh đạo...” Susanna bắt đầu câu chuyện.

-o0o-

Họ trò chuyện và tranh luận mãi đến lúc ăn trưa, khi nàng rời phòng Susanna đoan chắc là ông Dunblane đã mệt, dù ông ấy không chịu thừa nhận.

Khi nàng và ông Chambers vừa dùng bữa xong trong hàng hiên thì Clint đến nói.

“Tôi đã đưa ông chủ vào giường rồi thưa ông. Ông ấy hoàn toàn sẵn sàng để ra ngoài và đã ngủ trước khi tôi rời phòng.”

“Tốt lắm,” ông Chambers bảo. “Anh nghĩ tôi có nên liên lạc với một bác sỹ không? Tôi biết ngài William đã biên thư cho một vị rồi.”

“Như thế chỉ làm phiền ông chủ thôi,” Clint trả lời, “tốt nhất là để ông ấy yên cho đến khi ông ấy ổn định sau chuyến đi.”

“Được, chúng ta sẽ làm theo lời anh đề nghị,” ông Chambers nói. “Còn bây giờ cô Brown và tôi sẽ vào Florence. Chúng tôi sẽ không đi lâu đâu phòng khi ông Dunblane muốn gặp chúng tôi lúc ông ấy thức giấc.”

“Ông có thể khẳng định đấy là điều ông ấy muốn,” Clint nói, “đặc biệt là cô Brown.”

Anh ta cười phô răng cười tinh quái với Susanna khi nói thêm.

“Cô làm cho ông ấy không nghĩ tới bản thân và thương tích của mình nữa, đó là liều thuốc tốt nhất cho ông ấy đấy.”

“Cám ơn,” Susanna mỉm cười nói.

Rồi nàng đứng dậy nói với ông Chambers.

“Tôi đi lấy nón, mất chừng một phút thôi.”

Nàng rất sợ họ phải hoãn lại chuyến thám hiểm vào lúc chót đến độ chỉ khi họ lái về hướng thành phố nàng mới thấy nhẹ nhõm rồi ngó quanh, háo hức với mọi cái nàng thấy.

Tối qua nàng đọc sách thật lâu về việc Florence đã trở thành trung tâm thời trang của thế giới trong thời trung cổ như thế nào, và không những phát triển hàng len từ vật liệu thô cho chính họ mà còn bán ra những mười ngàn tấm một năm cho Anh quốc, Flanders, và Pháp.

Nàng nghĩ thật vui qúa vì được mua lụa mà hiện giờ nhờ đó Florence trở thành nổi tiếng, và luôn cả hàng ren được chế tạo bởi các nữ tu trong những tu viện trong khắp các khu phố trên đồi. Mỗi nơi đều có đặc sản của họ, không nơi nào giống với nơi nào.

Rồi nàng sực nhớ mình phải chi tiêu cẩn thận, có lẽ chỉ ngắm hàng họ thôi chứ không nên mua. Có vài món nàng thấy người ta phơi trên cửa sổ cho khô trong các phố xá nàng đi ngang.

Màu sắc các tấm hàng ấy rất đẹp và nàng nhớ mình có đọc màu sắc của Florence là những màu đặc biệt của trời hoàng hôn lúc vào thu, hồng và lục, hoàng kim, đỏ thắm, màu xanh khi mây mưa dầy đặc, xanh rêu, vàng, ngà, và trắng phớt xám.

Họ lái tiếp và băng ngang sông. Susanna thắc mắc nhìn ông Chambers và ông giải thích.

“Không cần hỏi tôi cũng biết nơi đầu tiên cô muốn đi là viện triển lãm Uffizi – còn những nơi khác có thể đợi.”

“Cám ơn, ông tử tế qúa.”

“Tôi nghĩ là cô biết,” ông Chambers đáp, “viện triển lãm Uffizi được thiết lập bởi hoàng thân của dòng họ Medici vào cuối thế kỷ thứ mười sáu. Nó được dựng quanh bộ sưu tập khởi đầu bởi Cosimo il Vecchio, và cháu trai của ông ấy là Lorenzo Vĩ Đại đã nới rộng thành nơi lưu trữ các công trình nghệ thuật lớn nhất thế giới thời bấy giờ.”

Susanna nghĩ rằng trong Florence người ta luôn nhắc về Lorenzo, nàng biết khi đứng trước tượng sành bán thân của ông rằng ông ta nhìn y như những gì nàng từng kỳ vọng.

Nàng biết ông ta không đẹp trai một cách nổi bật, hoàn toàn không giống như những bức tượng điêu khắc của Michelangelo, nhưng nàng từng mong ông ta trông mạnh mẽ, rắn rỏi, và vô cùng kiên cường.

Gương mặt ông ánh lên vẻ cương nghị làm cho nàng cảm thấy ông ta chinh phục nhân loại không chỉ bằng thể lực mà còn bằng tinh thần. Nàng cũng nghĩ nếu ông ta nhìn vào mắt nàng, đôi mắt ấy sẽ nhìn thấu tận tâm hồn nàng và chắc là khó mà dấu được ông ta bất cứ điều gì.

Nàng đứng ngắm bức tượng lâu đến độ ông Chambers đã đi xem các món khác phải quay lại nói.

“Nếu cô muốn xem tranh của Botticelli trước khi mình về thì tôi nghĩ lúc này cô phải rời khỏi Lorenzo thôi.”

Susanna khẽ thở dài.

“Ông ta thật xuất chúng!”

Rồi nàng để ông Chambers đưa đi xem các bức họa nàng từng ước được ngắm đã từ lâu lắm, nhưng lại cảm thấy mình cứ lan man nghĩ đến cảm giác mà bức tượng Lonrenzo khơi động trong nàng, cảm giác ấy thật khác biệt với những gì nàng cảm thấy về mọi cái khác.

Có qúa nhiều thứ để xem, và mọi cái đều đẹp sững sờ đến nỗi chỉ khi về biệt thự nàng mới cảm thấy mình phải cố thổ lộ hết niềm vui chất ngất đã nhóm lên trong nàng.

Clint đang đợi họ, và nói một cách trách móc.

“Ông Dunblane đã thức dậy một lúc rồi và ông ấy có một sự ngạc nhiên cho các vị đấy.”

“Cái gì thế?” Susanna hỏi.

Nàng tháo nón, đưa tay vuốt tóc rồi vội vã đi đến phòng ngủ.

Clint mở cửa cho nàng và tia nhìn đầu tiên đến người đàn ông ngồi gần cửa sổ báo cho nàng biết sự ngạc nhiên ấy là gì. Cánh tay ông ta đã được tháo băng và bây giờ chỉ còn đầu và cổ vẫn bị bao lại.

Nàng khẽ kêu lên mừng rỡ.

“Khá hơn rồi! Khá hơn nhiều lắm!” nàng reo lên. “Bây giờ ông có thể cảm giác mọi vật bằng tay cũng như nghe bằng tai rồi.”

“Tôi nghĩ rằng những điều cô sắp nói sẽ thích hợp với dịp này,” ông Dunblane nhận xét.

Khi nàng bước về phía ông ta, ông nói bằng giọng điệu khô khan thường dùng lúc họ tranh luận với nhau.

“Tôi đoán là cô đang mong được ca ngợi những bức tranh cô vừa xem. Thế thì nói cho xong đi, vì cô đã định sẵn rồi dù tôi có cho phép hay không cũng vậy thôi.”

“Tôi có nhiều chuyện nói với ông lắm,” Susanna trả lời.

“Bảo đảm là nhiều thứ sẽ làm tôi chán chết. Tôi sẽ ráng không ngáp đâu, nhưng không chừng tôi lăn ra ngủ đấy!”

“Cái đó đương nhiên là tốt cho ông, vì vậy tôi đâu có thể phàn nàn!” Susanna vặn lại

(4-2)

Trong lúc nói nàng ngó vào bàn tay của ông ta và nghĩ rằng đôi tay ấy rất sống động.

Cô Harding chính là người đã dạy nàng khi đánh giá ai không những chỉ nhìn mặt họ mà còn nhìn luôn cả bàn tay của người ấy.

“Bàn tay cho em biết rất nhiều về tính cách của một cá nhân,” cô giáo nàng giải thích. “Tay có thể thô kệch, mềm mại, tài hoa hay dung tục. Chúng biểu lộ những bản năng nhạy cảm mà họ muốn dấu kín.

Giờ đây Susanna nghĩ rằng tay của ông Dunblane trông mạnh mẽ và hài hoà. Nàng cũng nghĩ rằng ai thông hiểu những điều như thế sẽ cho rằng khoảng cách dài giữa ngón cái và ngón trỏ nói lên tính hào phóng.

“Cô đang nghĩ gì thế?” ông ta hỏi.

“Tôi đang nhìn bàn tay ông.”

“Cô đang tìm cách xét đoán tôi qua bàn tay tôi sao, cũng như tôi xét đoán cô qua giọng của cô?”

“Tôi nghĩ xét như thế thì làm cho việc nghiên cứu tính cách qúa dễ dàng,” Susanna cãi lý. “Vì mỗi người chúng ta là một tổng thể phức tạp, chỉ xét một bộ phận sẽ có thể tạo cho người ta một ấn tượng hoàn toàn sai lầm.”

“Cô đang nói đến cô hay là tôi?”

“Có lẽ cả hai.”

“Hình như cô không muốn tôi nghĩ rằng cô có chất giọng thanh tao đặc biệt nên mọi tính cách của cô khác đều tương đương.”

Susanna nín thở, cố nghĩ cách phải đối đáp ra sao, nhưng trước khi nàng kịp nói ông ta thoáng bật cười.

“Tôi đang làm cho cô sao lãng không chú ý đến những cái cô muốn nói với tôi thôi.” Ông ta nói. “Thế nào rồi, cô giống ai nhất đây, thần vệ nữ hay là Đức Mẹ của Lippi, người làm cho cô ngưỡng mộ vì trí tuệ hơn là khuôn mặt đẹp?”

“Cả hai đều đẹp không thể tưởng,” Susanna trả lời, “lúc đó tâm trí tôi gần như không thể dứt ra nổi những kỳ quan tôi xem được chiều hôm nay trong viện bảo tàng rất, rất ư tuyệt vời.”

“Tuy vậy, tôi đợi nghe xem cô nghĩ gì về Lorenzo Vĩ Đại.”

Susanna giật mình và ngạc nhiên nhìn ông Dunblane.

“Sao ông biết là tôi đã xem tượng ông ấy?”

“Tôi hoàn toàn chắc chắn là cô sẽ tìm cho bằng được, vì bất cứ khi nào cô nói về ông ấy tôi biết rằng ông ấy gây cho cô hứng thú có lẽ nhiều hơn bất cứ người nào còn sống.”

“Sao ông biết được?” Susanna chất vấn.

“Hỏi sao khờ thế, vì chắc cô thấy được là giọng nói hoàn-toàn-biểu-lộ của cô đã nói cho tôi biết, hay biết đâu – tôi đang sử dụng Tam Nhãn!”

Susanna cảm thấy quê rằng có lẽ ông ta nhận ra nàng thực sự nghĩ đến Lorenzo Vĩ Đại hầu như ông ấy là người còn sống, suốt từ lúc nàng đọc về ông ấy trên xe lửa.

“Tôi nghĩ là cô biết,” ông Dunblane nói một cách chế giễu, “rằng ngài Guicciardini, người mà cô đọc là nhân vật chỉ trích đối nghịch, đã ghi lại rằng ông ấy là người phóng túng, đa tình, tuy nhiên lại chung thủy trong những cuộc tình mà thường thường kéo dài nhiều năm cơ đấy "

“Guicciardini lúc nào cũng bới lông tìm vết,” Susanna đáp. “Ông ta rõ ràng là ganh tị!”

Ông Dunblane phá lên cười và nàng nhận ra ông ta cố tình chọc để nàng biện hộ cho nhân vật mình ngưỡng mộ.

“Tôi tự hỏi,” ông ta ngẫm nghĩ, “nếu hôm nay cô gặp Lorenzo, nếu ông ấy đến biệt thự chiều nay, cô sẽ nghĩ như thế nào về ông ấy? Có lẽ cô sẽ thất vọng cũng không chừng. Các nhân vật anh hùng thường làm cho người ta vỡ mộng khi gặp người thật bằng xương bằng thịt.”

“Ông ấy chắc hẳn giống như tượng của ông ấy rồi,” Susanna cãi lại, “tượng đó miêu tả sống động ông ấy là người rất mạnh mẽ, đầy nam tính.”

“Đấy là cái cô trông đợi ở người chồng sao?”

“Tôi đã nói tôi sẽ không bao giờ lấy chồng mà,” Susanna trả lời, “và cũng không muốn... nói đến chuyện đó.”

“Vậy thì cô khác hẳn với đa số phụ nữ rồi, họ không những muốn kết hôn mà còn bàn về chuyện đó không ngừng miệng nữa!”

“Ông nên biết ơn là tôi khác với họ!”

“Tôi thấy khó mà tin nổi là cô lại chọn quan điểm như thế. Đã có đàn ông nào làm cô sợ và kinh hãi sao, hay có lẽ ruồng bỏ cô nên cô mới ác cảm với toàn bộ nam giới?”

“Không! Không! Không phải thế,” Susanna kêu lên. “Chỉ là tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ... lấy chồng thôi.”

“Vậy chuyện đó thì khác,” ông Dunblane nói. “Những điều cô nói lúc trước, hay đúng hơn là tôi nghĩ cô đã nói, rằng cô không muốn lập gia đình. Cái đó thì không giống khi nói rằng cô không có cơ hội.”

“Chúng ta nhất định phải nói về tôi sao?” Susanna hỏi. “Sao không để tôi thẩm vấn ông và hỏi tại sao ông không lập gia đình.”

“Câu hỏi đó rất dễ trả lời,” ông Dunblane đáp. “Tôi chưa hề gặp ai mà tôi cho rằng mình có thể chịu đựng suốt đời cả, và không giống như hầu hết đàn ông xứ tôi, tôi rất ác cảm với tòa án ly dị.”

“Vậy thì ông nên sống ở Anh,” Susanna nói, “ở đó như ông biết đấy ly dị bị cho là sỉ nhục, và rất ít người dám đương đầu với sự tẩy chay của xã hội sẽ biến họ thành sống dở chết dở cho dù họ thuộc về phía vô tội đi nữa.”

“Nếu tôi kết hôn thì hôn nhân sẽ là vĩnh viễn,” ông Dunblane nói chắc nịch. “Tôi ghét dư luận và không muốn nhà báo soi mói đời tư của tôi!”

Cách nói năng của ông ta làm Susanna nghĩ ông ta đã phải chịu đựng loại phiền nhiễu đó trong qúa khứ.

Rồi nàng nói.

“Nếu ông cho rằng tôi đã tìm thấy mẫu người đàn ông lý tưởng ở Lonrenzo, thì bức họa nào trong Florence miêu tả người phụ nữ lý tưởng của ông đây?”

Ông Dunblane bật cười.

“Cô không tóm tôi dễ như vậy được đâu! Một cái bẫy giăng thật khéo léo đấy cô Brown! Nhưng phụ nữ lúc nào cũng mào đầu như thế, để tôi nói cho cô biết kiểu nói chuyện này qúa ư là đàn bà con gái!”

“Ông khơi mào cơ mà!” Susanna phản bác.

“Nhưng tôi đang thắc mắc về cô trong cương vị của nam giới thôi.”

“Thì tôi chắc ông đâu có thể ở vào cương vị nào khác hơn nữa.”

“Sao cô lại nói thế?”

“Vì tôi nghĩ rằng như Lorenzo ông là người đàn ông mơ ước được vượt trội mọi người, được thống trị những người chung quanh ông, có nghĩa là nếu ở trong phạm vi rộng lớn hơn ông sẽ biến thành một bạo chúa!”

Nàng đang cố tình khiêu khích, dường như biết đấy là một thách thức ông ta nói.

“Hoan hô! Đấy là một cách hay để cô thoát ra khỏi tình thế bất tiện! Nhưng tôi cho cô biết, cô Brown à, giờ tôi thắc mắc về cô vì cô không cho tôi biết điều tôi muốn biết. Chính vì tôi không đọc sách được, nên tôi buộc phải đọc ý nghĩ của người khác bằng tai nghe và cảm giác thôi!”

“Tôi nghĩ đó là vì tôi thuyết phục ông làm, nên tôi không thể trách nếu ông thực hiện điều tôi khuyên, nhưng tôi muốn ông chọn người khác thay vì tôi.”

“Tôi cần nêu rõ rằng sự lựa chọn của tôi bị giới hạn,” ông Dunblane đáp. “Tôi đã biết tất cả mọi cái cần biết về Chambers và Clint, nếu tôi không phải tập trung vào gia nhân thì chỉ còn có cô thôi.”

Susanna trỗi dậy ra đứng bên cửa sổ và ngó ra vườn.

“Tôi nghĩ rằng nếu ông đến đây trong hoàn cảnh khác,” sau giây lát nàng nói tiếp, “biệt thự sẽ có nhiều người. Chắc hẳn nhiều láng giềng sẽ vui khi gặp lại ông.”

“Nếu cô nghĩ tôi muốn khách khứa thì cô lầm rồi,” ông Dunblane trả lời. “Tôi không thích bất cứ ai nhìn tôi như một tên hề.”

“Không ai nghĩ như vậy đâu,” Susanna vội nói. “Họ sẽ lấy làm tiếc, rất tiếc trước những chuyện xảy ra cho ông, nhưng đồng thời họ mừng là ông hãy còn sống.”

Trong lúc nói nàng thấy những ngón tay của ông ta cử động hưởng ứng theo lời nàng. Và bây giờ nàng cho rằng vì băng đã được tháo ra nàng cảm thấy hiểu được cảm giác của ông ta sẽ dễ dàng hơn.

“Ngày mai nếu ông khỏe hơn,” nàng nói tiếp, “ông có thể ngồi trong vườn, rồi ngửi được hương thơm của hoa, nghe tiếng ong vo ve và chim vỗ cánh trong lùm cây.”

“Tôi hiểu là cô đang bảo tôi phải tự nhận thức những cái đó.”

“Tôi không tin là ông chậm lụt đến nỗi nếu không có tôi giúp thì không tự mình để ý được.”

“Trước đây tôi chưa hề thuê một người đọc nào,” ông Dunblane nói, “và tôi chỉ phân vân không hiểu người đọc sách thuộc loại nhân viên nào.”

Susanna không đáp lại và ông tiếp tục.

“Cô nói chuyện với tôi hoàn toàn khác hẳn với các mà nhân viên tôi từng nói với tôi lúc trước.”

Susanna ngó ông ta một cách lo âu và lên tiếng.

“Tôi... xin lỗi nếu tôi có làm bất cứ điều gì phật ý ông. Tôi chỉ còn biết xin lỗi vì đây là lần đầu tiên tôi được nhận vào làm như nhân viên đọc sách.”

“Tôi đâu có trách cô,” ông Dunblane nói, “tôi chỉ nói là việc này không bình thường. Cô Brown à, những cái cô đang làm và tôi tôi nghĩ rằng cô làm một cách cố tình là bắt tôi phải động não. Tôi cứ thắc mắc là bác sỹ nào của tôi đã gửi cô tới. Chắc có thể là một trong những bác sỹ tâm lý mà dân Mỹ cho là không thể nào thiếu được chứ gì?””

“Cả hai đều không phải,” Susanna trả lời. “Tôi thấy quảng cáo của ông đăng trên báo The Times và đến liền ngay ngày hôm sau. Tôi cứ ngỡ khi tôi đến thì vị trí đó đã có người trám vào rồi.”

“Thực sự là tình cờ thôi sao? Không có ai đề nghị rằng cô nên giúp tôi à?”

“Không có ai cả,” Susanna đáp.

Trong lúc nói nàng tự hỏi, giống như nàng thường phân vân, là chuyện gì đang xảy ra ở biệt thự Lavenham. Nàng hiểu rõ cả ba lẫn mẹ nàng đều rất giận với cách xử sự của mình, và nàng thầm hỏi là họ bắt đầu ra sức tìm kiếm nàng như thế nào.

Susanna nghĩ nếu tìm được nàng, trận chiến hôn nhân của nàng lại khơi dậy. Và nàng sẽ đương đầu với vô vàn khó khăn để tìm cách trốn lần thứ hai.

Nàng rùng mình khi nghĩ đến đó, và ông Dunblane hỏi.

“Chuyện gì đang làm cô lo lắng?”

“Sao ông biết là tôi đang lo lắng?”

“Tôi không muốn ra sức diễn đạt điều mà cô có thể giải thích rõ ràng hơn tôi nhiều.”

Susanna thở dài.

“Làm ơn đừng mẫn cảm về tôi. Khi tôi thử tìm cách giúp ông bằng cách đề cập đến Tam Nhãn tôi đâu có muốn nó hướng về tôi.”

“Cô đang có chuyện dấu tôi và có lẽ mọi người khác,” ông Dunblane nói. “Cô đã làm chuyện gì? Phạm tội giết người sao?”

Susanna nhịn không nổi phải bật cười.

“Không đâu, đâu có ghê gớm như thế chứ.”

“Nhưng cô đang trốn tránh chuyện gì, hoặc là người nào?”

“Tại sao ông phải hỏi nhiều... như vậy?”

“Vì tôi có ít chuyện để làm, ngoài ra nếu cô muốn biết sự thật thì cô làm cho tôi cảm thấy hứng thú.”

“Mình hãy quan tâm đến chuyện khác đi. Còn có rất nhiều chuyện khác để nói mà.”

“Nếu cô muốn nhắc đến tranh thì cái mớ đó làm tôi chán muốn chết!” ông Dunblane khẳng định nói. “Những người đàn bà vẽ trên khung vải tất cả đều đã chết cả hàng thế kỷ rồi; cô hãy còn sống, đang sống sờ sờ ra đây này, và nhờ vào, như cô nói đó, vào phép lạ mà tôi vẫn còn sống! Mình hãy tập trung vào cái đó đi.”

Giọng ông ta dường như rung lên giữa hai người họ và Susanna trả lời.

“Để tôi nói cho ông biết... rằng nếu ông... cứ hứng thú về tôi, chỉ vì chẳng còn ai khác... thì thế nào ông cũng... thất vọng! Tôi nói cho ông biết trước... là quên tôi đi.”

Trong lúc nói nàng chợt nhận ra là trước đây mình thật khờ khạo không nói cho ông ta biết rằng mình không lôi cuốn và xấu xí khi họ vừa gặp.

Thay vì thế nàng lại cố tình để ông ta hiểu là mình giống như Thánh Nữ của Lippi và bây giờ đã qúa trễ để vãn hồi.

Giờ đây giải thích rằng nàng chỉ là một cô gái mập, nhan sắc mờ nhạt không người đàn ông nào muốn ghé mắt nhìn hai lần trừ phi anh ta muốn tiền của nàng thì qủa thật không thể nào làm nổi.

Nàng nhìn ra những đóa hoa, rực rỡ trong nắng và thâm tâm đau đớn tự hỏi vì sao mình không giống như những cánh hoa ấy.

“Mẹ tuyệt đẹp. Còn ba thì tuấn tú. May mỹ miều. Chúa ơi, sao chỉ có con là ngoại lệ?”

Khi nàng âm thầm tự nhủ, nàng nghĩ cảm tưởng của mình cũng tương tự như ông Dunblane khi ông ta kêu gào trong bóng tối vì sao ông ta không thấy được.

‘Cái khổ nạn ông ấy phải gánh vác,’ nàng nghĩ, ‘có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng cái của mình thì bám lấy mình cả đời!’

“Lại đây đi,” đột nhiên ông Dunblane lên tiếng, giọng ông làm gián đoạn ý nghĩ của nàng.

Nàng tuân lời quay lại và đi về phía ông ta.

“Đưa tay cô cho tôi,” ông vừa nói vừa chìa tay mình ra.

Vì ông ta yêu cầu nên nàng đặt tay mình vào lòng bàn tay ông.

“Bây giờ hãy nói cho tôi biết chuyện gì làm cô khó chịu,” ông ra lệnh. “Tôi cảm giác được cái ấy đang truyền ra từ người cô như thể, giống như tôi vậy, rằng cô đang đau khổ.”

Những ngón tay nàng mấp máy trong tay ông nhưng ông không chịu buông ra.

“Nói cho tôi nghe đi,” ông cứ khăng khăng muốn biết.

Nàng cảm thấy ông ta đang chế ngự nàng, ép nàng phải làm theo ý ông muốn, cho đến khi kêu lên nho nhỏ nàng giật tay ra.

“Ông đang... thôi miên tôi, làm tôi... sợ.”

Nàng rời ông ta và lại bước đến đứng gần cửa sổ, không cần ngó lại nàng vẫn biết tay ông ta vẫn mở ra như thế trên tấm chăn phủ đầu gối.

Nàng sợ không những vì lời ông ta nói mà còn vì cảm giác nàng có được khi ông ta chạm vào tay nàng. Cảm xúc đó nàng chưa từng biết đến bao giờ.

Nàng cứ ngỡ rằng mình cảm thấy bất lực và bị áp đặt bởi người mạnh hơn mình, nhưng còn có thứ cảm giác khác nữa mà nàng không thể phân tích hay có ý làm như thế.

“Có chuyện tôi muốn nói...” ông ta bắt đầu, nhưng ngay lúc đó cửa mở và Clint xuất hiện với một cái khay.

“Chuyện gì thế?” ông Dunblane hỏi.

“Thưa ông, tôi đem trà đến cho ông, ông Chambers đang đợi cô Brown ngoài hiên.”

“Tôi sẽ... ra... gặp ông ấy ngay,” Susanna vội nói.

Nàng nghĩ giọng mình nghe có vẻ là lạ nhưng mừng là mình thoát ra được.

Khuya hôm đó Susanna không tài nào ngủ được. Nàng cứ trằn trọc, lăn tới lăn lui trên chiếc giường êm ái trong căn phòng đẹp mà nàng từng cảm thấy như là không gian bất khả xâm phạm cho đến lúc nơi này trở thành xáo trộn vì chính ý nghĩ và cảm xúc của nàng.

Trời cũng nóng bức.

“Tháng ba như thế qủa là chưa từng thấy,” hồi sớm ông Chambers nhận xét.

“Ở đây vào tháng tư trời thường thường rất nóng,” ông tiếp tục, “bác sỹ nhất định bắt ông Dunblane phải ở trong khí hậu ấm, vì thế tôi rất biết ơn cho dù bản thân tôi thấy khí nóng thật ngột ngạt.”

“Tôi lại thích,” Susanna trả lời ông, nàng cảm thấy ánh nắng làm cho lòng nàng ấm áp.

Nhưng bây giờ, trong buổi tối hôm nay nàng có cảm tưởng như không có đủ không khí để thở.

Nàng đoán giờ chắc đã hơn hai giờ sáng và từ chốn xa xa nàng ngỡ mình nghe được một trong số các nhà thờ trong Florence đã điểm giờ.

“Mình không ngủ được là do cứ nghĩ vớ vẩn về ông Dunblane,” nàng nghiêm khắc tự nói với mình.

Tuy vậy nàng cứ thấy mình quanh đi quẩn lại buổi trò chuyện với ông Dunblane, và đồng thời cảm thấy hình ảnh ông ta lẫn lộn với Lonrenzo Vĩ Đại trong tâm trí mình.

“Khi tháo băng, ông ta sẽ nhìn ra sao nhỉ?” nàng tự hỏi. “Có giống như người đàn ông đã thống trị Florence hàng mấy thế kỷ trước không?”

Nàng bật cười tự chế giễu mình vì đã tưởng tượng qúa nhiều. Rất có thể ông Dunblane là một người Mỹ bình thường, không hấp dẫn và nàng thì rất ư ngu ngốc khi khoác lên biết bao nhiêu ý nghĩ mơ tưởng về ông ta.

Tuy thế, vì ông ta và bức tượng bán thân của Lorenzo vẫn ám ảnh nàng, nàng xuống giường và bước đến cửa sổ.

Nàng kéo màn và thấy muôn vật bên ngoài còn đẹp hơn khi bóng tối phủ xuống.

Lúc này mặt trăng đã ló dạng, lấp lánh trên các mái vòm và tháp nhọn của thành phố; bầu trời đính đầy sao rực rỡ; và dưới kia Susanna thấy dòng sông lấp loáng ánh bạc trôi bên dưới những cây cầu.

Khu vườn tràn ngập bóng tối bí ẩn, nhưng nàng vẫn dễ dàng phân biệt được những thân cây bách và những mảng trăng trắng là chỗ thổ lan mọc.

Cửa sổ đã mở và bất chợt nổi cơn bốc đồng Susanna khoác chiếc áo choàng ngủ và xỏ chân vào đôi dép đế mềm, đi băng qua hiên ra đến bãi cỏ bên ngoài.

Không khí ấm và oi nồng. Khi nàng đi về hướng những bụi dạ hương, hương hoa dường như vây phủ quanh nàng như thể là đoạn nào đó trong mơ.

Nàng tiếp tục bước và bất chợt thấy một phiến gương lớn phản chiếu ánh sáng từ bầu trời và đom đóm lượn lờ bên trên, và nhận ra đấy là hồ bơi.

Thế rồi nàng nín thở trước khung cảnh tuyệt diệu ấy vì không gian tràn ngập hàng ngàn đốm đom đóm bay chấp chới.

Vẻ đẹp lấp lánh của chúng tựa như dải ngân hà trên cao, hòa lẫn với ánh sáng của Florence bên dưới. Susanna biết mình đang lạc bước vào cõi thần tiên.

Quang cảnh chất chứa nét quyến rũ lãng mạn chỉ có được vào lúc đêm xuống và Susanna nghĩ rằng đôi chân đã cố tình đưa nàng đến đây để nàng có thể bí mật xuống tắm, chỉ mình nàng trong đêm tối tĩnh lặng.

Nhân vật duy nhất có lẽ sẽ đi dạo vòng vòng là ông Chambers, nhưng lúc nàng chúc ông ngủ ngon thì ông bảo nàng ông đã mệt lắm rồi.

“Thời gian vừa qua tôi chưa được ngủ ngon,” ông bảo, “nhưng tôi có cảm tưởng là tối nay tôi sẽ ngủ một lèo tám tiếng.”

“Tôi xin lỗi nếu hôm nay tôi khiến ông phải làm qúa nhiều việc.”

“Tôi rất hân hạnh,” ông đáp, “nhưng việc kinh doanh của ông Dunblane có những vấn đề, tôi thú thật, là đã làm tôi rất mệt rã cả người trong vài tuần qua.”

Bây giờ nàng kết luận rằng ông Chambers đã ngủ say và tất cả gia nhân đã ở trong các khu khác của biệt thự, không có ai sẽ biết được nàng đang làm gì.

Nàng nhớ bên căn thủy tạ nhỏ cuối hồ có để áo tắm, nhưng lấy hết can đảm làm chuyện tầy đình, nàng làm một việc chưa bao giờ làm trước đây – quyết định tắm khỏa thân.

“Mình sẽ giả tưởng làm một vị nữ thần được miêu tả đẹp đẽ trong viện triển lãm,” nàng nghĩ, “như thần Vệ Nữ, nhưng không trỗi lên từ những ngọn sóng mà sẽ bước xuống nước với ánh trăng sao lấp lánh soi đường cho nàng!”

Trí tưởng tượng của nàng đã nắm bắt lấy ý tưởng đó và nàng đã không còn là Susanna tẻ nhạt, mập mạp, nhưng là Vệ Nữ, với thân hình cân đối tuyệt hảo mỹ miều như gương mặt của nàng và làn tóc vàng buông dài trên bờ vai trắng mịn.

Thật từ tốn, không hề vội vã Susanna di chuyển vào chỗ nước nông.

Rồi khi nước dâng càng lúc càng cao nàng lao ra bơi như nàng từng làm thuở còn nhỏ, tay chân cử động nhịp nhàng, khoan thai.

“Con trông y như con nòng nọc nhỏ vậy,” ba nàng hay chọc khi nàng và May bơi trong hồ nhà.

Nhưng giờ đây Susanna biết nàng không phải là động vật hay nhân loại nhưng siêu phàm như thần thánh!

Như nữ thần tình yêu, vị thần làm cho đàn ông hưng phấn để tìm tòi những cảm giác ngất ngây đắm say mà duy chỉ có cô ấy có thể đem lại cho họ và thiếu vắng tình cảm đó đời sống của họ sẽ trở thành hoang vắng tiêu điều.

Nước ấm và dịu như sữa trong lúc Susanna bơi lên bơi xuống thật lâu.

Cuối cùng nàng leo lên bậc thang và đi ngang qua vườn, tay giơ cao lên trời.

Đấy là biểu lộ của lòng tôn kính và cũng là cảm giác kỳ diệu. Trong giây phút ngắn ngủi nàng quên chính mình, trong lúc làn nước và ánh trăng đã cuốn nào vào trạng thái xuất thần, trong đó nàng là một phần của toàn thể vẻ đẹp nơi đây và chính bản thân nàng rất xinh đẹp.

Vì nàng hãy còn là Vệ Nữ, một niềm mong mỏi trong tâm khảm nàng chưa từng bày tỏ trước đây chợt dâng lên môi.

“Hãy cho con... có được tình yêu!”

Những từ ngữ đó chỉ là lời thì thầm nhưng nàng cảm thấy chúng như được cuốn lên đến tận trời cao bằng thứ quyền lực mà nàng không cách nào kiềm chế.

CHAPTER 5

(5-1)

Ngồi trong xe ngựa bên cạnh ông Chambers từ Florence về, Susanna cầm một gói đồ rất cẩn thận.

Nàng đã tốn nhiều thời gian trong các cửa hiệu trên Ponte Vecchio để mua quà cho ông Dunblane.

Rốt cuộc sau bao nhiêu cân nhắc, nàng chọn một hộp âm nhạc thế kỷ thứ mười tám đàn một điệu nhạc ngắn vui tai mà chủ tiệm bảo là các nông dân từng nhảy múa trong thời trung cổ.

Hiện giờ, đoán biết nàng đang nghĩ gì, ông Chambers nói.

“Tôi đoan chắc Fyfe sẽ vui lắm khi nhận quà của cô. Ông ấy không còn người thân nào để nhớ đến ông ấy trong những dịp đặc biệt.”

“Tôi hiểu là ba mẹ ông ấy đều mất.”

“Phải, ông ấy luôn luôn là người cô độc dù...”

Ông Chambers ngưng lại và không nói hết câu.

“Tôi rất mừng là ông đã nói với tôi hôm nay là sinh nhật ông ấy,” Susanna nói. “Nếu không tôi cũng không biết.”

“Thực ra tôi nên tặng cho cô một món quà.”

Susanna ngạc nhiên nhìn ông Chambers, ông giải thích.

“Tôi không thể nào nói với cô là sự có mặt của cô ở đây đã đem lại khác biệt như thế nào, không những đối với chủ của tôi mà còn cả với tôi.”

“Tôi... tôi không nghĩ là tôi hiểu được.”

“Khi chúng tôi vượt Đại Tây Dương sau tai nạn của ông ấy,” ông Chambers nói, “tôi nghĩ mình sẽ không thể nào chịu nổi áp lực sống chung với ông ấy trong những hoàn cảnh như thế.”

Ông mỉm cười với nàng khi nói thêm.

“Tôi biết Fyfe từ lúc ông ấy chỉ là một cậu bé, và tôi từng ở trong cương vị không những là thư ký mà còn là cái mà hoàng gia gọi là đại tổng quản. Tuy nhiên, sau tai nạn ông ấy rơi vào tâm trạng tuyệt vọng về thị lực của mình. Tôi cảm thấy bất lực và cũng như là kẻ xa lạ đối với ông ấy cứ như tôi chưa hề biết ông ấy trước đó.”

“Chắc hẳn ông gặp nhiều khó khăn lắm,” Susanna thông cảm.

“Phải,” ông Chambers đồng tình. “Rồi cô tới, và mọi việc trở nên khác hẳn.”

“Ông tử tế mới nói thế.”

“Tôi thật tình mà. Cô không những giúp ông ấy qua giai đoạn khó khăn nhất trong đời mà còn đem cho ông ấy tầm nhận thức mới nữa.”

Ông Chambers bật cười.

“Tôi nói nghe có vẻ toàn thơ với thẩn, nhưng chẳng còn cách nào khác để diễn tả cô đã làm thế nào để giới thiệu với ông ấy những chủ đề mới, mà tôi nghĩ rằng, đã làm cho ông ấy sử dụng đầu óc theo cách ông ấy chưa bao giờ dùng khi trước.”

“Nghe ông nói như vậy thật là tuyệt!” Susanna reo lên. “Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến thế.”

“Cô trông vui vẻ lắm,” ông Chambers tán thành, “cả người cô cũng rung cảm theo đấy.”

“Khi chúng tôi bàn luận về sách vở mà tôi đọc lớn lên thì rất là thích.”

Âm điệu của Susanna đầy xúc động, như thể nàng đang nói với chính mình, rồi nàng lo lắng nói thêm.

“Tôi mong sách mình đặt mua ở Paris đã gửi tới.”

“Tôi chắc là đã đến rồi,” ông Chambers đáp một cách trấn an.

“Danh sách dài lắm. Chúng tôi đều trở nên rất hứng thú với các sáng tác của Gustave Flaubert.”

“Tôi có nghe hai người tranh cãi về quyển Giáo Dục Cảm Tính,” ông Chambers nhận xét, “tôi thắc mắc là Phu Nhân Bovary có phải là tác phẩm văn chương thích hợp cho một thiếu nữ trẻ như cô không.”

“Tôi nghĩ khi chúng tôi tranh luận, Fyfe và tôi nghĩ về nhau như những người phê bình văn học!”

Nàng kêu lên khe khẽ có vẻ thích thú, khi nhớ lại họ đã giao đấu về Emaux et Camées của Gautier, ông Dunblane cho đó là tác phẩm cứ như của thợ làm ra còn nàng thì thấy trữ tình và thơ mộng.

Có lẽ, Susanna thầm nghĩ, sách mà nàng đọc bằng tiếng Pháp nghe thú vị hơn những quyển họ chọn bằng tiếng Anh hay Ý.

Tuy nhiên nàng biết, nếu thành thật mà nói, không phải sách có vấn đề mà chính là người đàn ông đang nghe!

Người đàn ông sẵn sàng đối đầu với nàng ngay lúc nàng dứt tiếng đọc, với những câu hỏi uyên bác mà nàng rất thích thú trả lời trong lúc nghĩ ra những câu hỏi khác để dồn ông ta vào chỗ bí.

Vấn đề khó khăn duy nhất là, giống như những nhà giáo khác, nàng cảm thấy khó mà vượt được học sinh của mình.

Chỉ bằng cách đọc vào đêm khuya sau lúc vào giường, và đọc mỗi giây mỗi phút khi nàng không thực sự ở bên cạnh ông ta, nàng mới cảm thấy mình có đề tài gì đó để kể cho ông ta nghe và có cách diễn tả mới mẻ.

“Như tôi vừa nói,” ông Chambers tiếp tục, “vì cô rất có ích, thật tình tôi nghĩ “tuyệt diệu” mới là đúng nghĩa, cái bệnh mà tôi đã nói tôi từng bị trước đây không còn đe dọa tôi nữa.”

“Ông muốn nói... bệnh tiểu đường của ông được chữa trị?” Susanna thắc mắc.

“Gần như hoàn toàn. Hôm qua bác sỹ, mà ngài William giới thiệu khi mình còn ở Anh cho cả ông Dunblane và tôi, đã khám cho tôi. Thực tế ông ấy đã cam đoan là tình trạng sức khỏe của tôi tốt!”

Susanna reo lên mừng rỡ.

“Ôi, tôi thật là mừng! Tôi biết ông cảm thấy không khỏe khi chúng ta tới đây và thực tình ông trông rất mỏi mệt và lo âu.”

“Cái nào cũng có,” ông Chambers nói, “nhưng bây giờ, cám ơn cô hơn là thuốc của bác sỹ mà tôi cảm thấy mình như một người khác hẳn.”

Ngày hôm sau khi họ tới biệt thự ông nói với Susanna.

“Cô Brown à, tôi e là tôi phải ăn uống kiêng khem tuyệt đối theo lời bác sỹ của tôi ở Mỹ. Ông ấy đã nghi ngờ, và cũng được xác nhận bởi bác sỹ chuyên môn ở Anh là tôi bị tiểu đường nhẹ.”

“Bệnh đó có nghĩa là trong máu có đường phải không?” Susanna hỏi.

Ông Chambers gật đầu và giải thích.

“Vì thế tôi không được ăn đồ ngọt hay bất cứ cái gì chứa chất đường. Đầu bếp hiểu chuyện này, và đương nhiên ông ta sẽ nấu cho cô những món cô thích. Cô chỉ cần bảo ông ta cô ưa món nào hơn là được.”

Thoạt đầu Susanna qúa chú tâm đến ông Dunblane nên thực tình không nghĩ đến những cái nàng ăn; nhưng món ăn tại biệt thự ngon đến nỗi nàng không muốn có thay đổi nào.

Họ đã dùng fritto misto, một loại soup đặc mà toàn thể dân Ý đều thích, tiếp theo là những món ngon lành như thịt bê non mềm nấu rượu trắng, vịt và ngỗng nhồi qủa mộc qua và tỏi, một món đặc biệt truyền thống của Florence.

Còn có rau tươi từ vườn và trái cây mọc sum xuê khi tiết trời trở nên nóng hơn và xuân bắt đầu chuyển sang hạ.

Trên bàn ăn sáng có loại fraises des bois (dâu tây nhỏ) và có cả anh đào, mơ, và mận xanh Susanna thấy đang chín trên cây.

Hầu hết thời gian nàng rất nhiệt tình nói chuyện với ông Chambers về những sở thích chung của họ, chính là Fyfe, đến nỗi nàng có chỉ có chút ít thời gian lưu tâm đến chuyện ăn uống của mình.

Có lẽ vì họ qúa biệt lập trong thế giới nhỏ của riêng mình nên họ đã trở nên rất gần gũi và thân mật với nhau.

Chính ông Dunblane đã nhất quyết bảo Susanna vào ngày thứ ba họ ở Florence.

“Tôi tuyệt đối không muốn gọi cô là cô Brown, tôi biết chắc đấy không phải là tên thật của cô.”

“Tại sao ông lại đoan chắc như thế?” Susanna hỏi ngược lại chỉ vì thích tranh cãi.

“Cô nói nghe không giống như một cô Brown nào đó,” ông đáp, “tôi cũng không nghĩ Susanna là cái tên phù hợp với cô.”

“Tôi chỉ có cái tên đó thôi,” Susanna trả lời. “Mẹ đỡ đầu của tôi chọn tên đó cho tôi.”

Nàng phân vân không hiểu ông ta sẽ nói sao nếu nàng thêm vào.

“Bà ấy đã để lại cho tôi một gia tài lớn.”

“Vậy thì đành phải là Susanna rồi,” ông ta vừa nói vừa thở dài, “và tôi hy vọng cô sẽ gọi tôi là Fyfe.”

“Nhân viên mà xưng hô với chủ theo kiểu thân thuộc như thế thì chắc chắn là trái với thường tình rồi.”

“Tôi đã nói rằng cô là nhân viên khác thường mà,” ông đáp. “Trên thực tế tôi cảm thấy cô mới là người đang ra lệnh còn tôi là kẻ chấp hành đấy chứ!”

Susanna bật cười nho nhỏ.

Nàng tuyệt đối chắc chắn như Lorenzo Vĩ Đại ông ta lúc nào cũng là người thống trị, là một nhà chỉ huy trong đời.

Thoạt tiên nàng cảm thấy ngượng gọi ông ta bằng tên, nhưng sau một thời gian nàng dần quen đi.

Bởi lẽ ông ta luôn gọi thư ký của mình là Chambers, nên Susanna không hề có vấn đề gì khi xưng hô với ông ấy bằng danh xưng nào khác hơn là ông Chambers, nhưng như thể ông ấy nghĩ sự kính trọng ấy là chỉ căn cứ vào tuổi tác của ông nên ông gọi nàng bằng tên.

“Ông có nhận ra,” Susanna nói khi ngựa bắt đầu leo lên đồi về hướng biệt thự, “rằng chúng ta đã ở đây gần cả tháng rồi không? Đôi khi tuần lễ trôi qua như là trong giây lát, mặt khác tôi cứ như là sống cả đời ở đây vậy và không hề biết gì đến cuộc sống nào khác.”

“Thời gian chỉ là tương đối thôi,” ông Chambers trả lời. “Khi người ta vui sướng thì nó qua trong chớp mắt; còn lúc lo lắng hay khổ sở thì nó kéo dài một cách đáng giận!”

Susanna không đáp lại.

Nàng đang suy nghĩ trong tâm trạng hãi hùng là ngày tháng của nàng sắp đến hồi bế mạc.

Khi tháo băng mắt, Fyfe sẽ không cần nàng nữa, nhưng dù thế nào đi nữa nàng biết mình phải rời khỏi nơi đây.

Nàng không thể nào chịu nổi cảnh tượng ông ta thấy nàng thực sự nhìn ra sao, khi ông ta hãy còn cho rằng nàng xinh đẹp như các bức họa trong viện triển lãm Uffizi.

Chỉ mới ngày hôm qua ông ta còn vô tình nhận xét.

“Tôi thích thấy chân dung cô được vẽ trong khu vườn này. Và dĩ nhiên khung cảnh thích hợp sẽ là hoa lan chung quanh cô.”

Susanna nín thở.

Nàng thường mô tả thổ lan khi nở rộ trông đẹp biết bao, cảnh ấy dạo trước nàng chưa từng thấy.

Họ quẹo ngay góc vườn, chỗ đó đóng khung chung quanh họ là những bụi lùm xanh tươi và những thân cây bách, một bức tranh đẹp đến độ nàng cảm thấy mình phải cầu nguyện mỗi khi thấy được.

“Có lẽ cô sẽ nhìn đẹp nhất trong hốc tường ở phòng khách,” Fyfe trầm ngâm nói. “Chỗ đó sẽ làm cho cô có cảm nghĩ dường như cô đang ở trong ngai thánh vậy.”

Susanna vội đứng lên.

“Ông qúa tưởng tượng rồi,” nàng nói. “Dù sao đi nữa, tôi không muốn được họa.”

“Tại sao lại không?” Fyfe hỏi. “Chắc chắn là những người yêu thương cô muốn nhớ cô trong hình ảnh bây giờ chứ? Giống như hồng vừa hé nụ.”

“Ông đang trích dẫn từ cuốn sách vớ vẩn nào đó mình vừa đọc hôm qua,” Susanna bực bội nói. “Tôi không có chỗ nào giống hoa hồng cả!”

“Nhưng cô chắc chắn nghe giống như một đóa hoa đầy gai nhọn!” Fyfe bắt bẻ.

“Cẩn thận đấy kẻo chúng chích ông đấy!” Susanna cáu kỉnh.

Thế rồi họ phá lên cười như hai đứa bé thấy trò chơi mình đang chơi vô cùng thú vị.

“Tôi đã nhắc ông trước đây là đừng nói về tôi mà,” Susanna vừa nói vừa ngồi xuống, “và để phạt ông tôi sẽ đọc một bài báo chán kinh khủng về tình hình thế giới!”

“Nếu cô đọc, tôi sẽ ném đồ vào cô cho mà biết!” Fyfe dọa. “Mù hay không mù, tôi dám cá là sẽ ném trúng cô!”

“Trong trường hợp đó tôi sẽ ném lại,” Susanna đáp, “tôi có lợi thế là thấy được mục tiêu tôi nhắm tới!”

“Cái đó không có gì khác biệt cả vì cô là phụ nữ bảo đảm cô sẽ ném hụt!”

Họ đấu khẩu với nhau theo kiểu sẽ làm cho ông Chambers vui hết biết.

Fyfe đã hết nhạy cảm khi nói đến thương tích của mình; ông ta không bao giờ nhắc đến việc bị mù vĩnh viễn nhưng lạc quan thảo kế hoạch sẽ làm những gì khi tháo băng mắt.

Tuy vậy Susanna lại muốn thay đổi câu chuyện sang hướng khác.

Nàng co cụm tránh né viễn ảnh sẽ xảy ra khi nàng không còn ở với ông ta nữa, khi ông trở về cuộc sống quen thuộc trước đó, với bạn bè vây quanh.

Đôi lúc nàng đọc tin tức về họ trên báo chí và ông ta sẽ đưa ra những nhận xét đầy miệt thị.

“Họ lúc nào cũng mô tả Loraine như là ‘cô gái đẹp nhất nước Mỹ’!” có lần ông ta nói thế. “Nhưng tôi nói cho cô biết cô ta tính tình như qủy vậy, khi mà cô ta giương móng vuốt cào cấu anh chàng bất hạnh nào, là cô ta vắt kẻ đó cạn khô!”

(5-2)

Trong lúc chàng nói, Susanna mừng là cô gái có gương mặt đăng trên tạp chí mà nàng đang nhìn đây không hấp dẫn được chàng.

Nàng thấy mình ghen tuông kỳ quặc khi chàng nhắc đến quá khứ một cách thích chí.

“Trời đất ơi! Tôi lấy làm mừng là rốt cuộc anh ta đã lập gia đình!” chàng nói đến vị thượng nghị sỹ trẻ tuổi danh tiếng nào đó. “Nhưng tôi nghĩ rằng chuyện đó có nghĩa là phải chia tay với những buổi tụ họp của bọn độc thân rồi. Chúa ơi, những lần đó vui hết chỗ nói! Chẳng có tên nào về nhà trước lúc trời sáng cả!”

Susanna không đáp lại và sau một hồi chàng nói.

“Tôi đoán là cô chưa bao giờ tham dự buổi tiệc tùng nào của người Mỹ?”

“Hay là bất cứ loại tiệc nào,” Susanna trả lời.

“Sao lại không?”

Khi toan nói rằng nàng không được phép tham dự, nàng chợt nhớ là mình đang đóng vai là người lớn hơn tuổi thật của mình.

Vì thế nàng giữ im lặng và một lát sau Fyfe lên tiếng.

“Tôi đoán chắc cha mẹ cô không đủ khả năng tổ chức tiệc tùng. Khi nào tôi khỏe lại, chúng ta sẽ tổ chức một buổi tiệc độc đáo và khác hẳn bất cứ buổi tiệc nào thiên hạ làm trước đây.”

Chàng ngẫm nghĩ một hồi rồi tiếp tục.

“Mọi cái đều thắp đèn sáng, vì tôi có thể nhìn được! Trong nhà, ngoài vườn, và cả hoa cũng được thắp sáng, còn có pháo hoa bắn sáng rực trên trời nữa.”

“Nhưng chúng đâu có gây ấn tượng như sao hoặc đom đóm chứ,” Susanna nhận xét.

Nàng nghĩ đến mỗi đêm khi mình lẻn ra bơi trong hồ, đom đóm dường như vây phủ quanh nàng như thể chúng là con cái của các vì sao. Chính ngay lúc đó nàng tưởng tượng chúng là những đốm sáng tỏa ra từ trên người nàng vì nàng là vị nữ thần mà mình đang đóng vai.

Nàng chưa hề hoàn toàn thâu tóm lại hết cảm giác ngất ngây của đêm đầu tiên khi nàng nghĩ mình là Vệ Nữ và trở thành một thể với kỳ quan và vẻ đẹp của toàn thể vũ trụ.

Tuy nhiên đấy là một niềm đam mê không bao giờ nhàm chán khi được bơi thân trần trong làn nước ấm, khi ngửi được hương thơm của vườn tược chung quanh nàng, và cảm thấy trời đang ban phúc cho mình.

“Cô đang nghĩ về chuyện gì?” bất chợt Fyfe cất tiếng hỏi.

“Tôi tự hỏi còn bao lâu nữa ông có thể bơi trong cái hồ đẹp mà ba ông xây.”

“Rất mau thôi,” ông đáp. “Giờ thì tay tôi không còn quấn băng và da đã lành hết rồi.”

“Tôi... rất mừng!”

“Clint bảo tôi có vài vết sẹo. Tôi đoán là chắc phải mang mấy cái đó suốt đời rồi, nhưng tôi không phải là phụ nữ nên không quan trọng. Da cô trắng phải không?”

Câu hỏi của chàng làm nàng giật mình. Nàng đưa tay ra như xem xét da mình lần đầu tiên.

“Tôi nghĩ trước khi tôi đến đây thì chắc hẳn là trắng,” nàng trả lời, “nhưng lúc đi dạo trong vườn không đội nón và che dù thì bây giờ hơi ngăm vàng một chút.”

“Như giọng của cô vậy.”

Cách chàng nói ẩn chứa gì đấy làm cho nàng thoáng lâng lâng.

Tối qua khi nàng rón rén ra vườn đi bơi, nàng ngồi trên thành hồ và ngước lên nhìn trời.

Trời không có trăng các vì sao rực rỡ đến độ trông rất tỏ tường. Đom đóm bay tung tăng trên bóng của chúng phản chiếu trên mặt nước.

“Đêm đầu mình đến đây,” Susanna tự nói với mình, “mình xin Chúa cho mình có tình yêu.

Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện của mình, nhưng tình cảm đó còn đau khổ hơn là vui sướng.”

Nàng từng đối mặt với sự thực cách đây một thời gian dài là nàng đã yêu Fyfe bằng cách mà nàng chưa bao giờ nghĩ có thể yêu ai như thế.

Được ở bên chàng chính là vui mừng, hân hoan.

Nhưng đó cũng chính là nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khi biết rằng nàng không mang một ý nghĩa nào trong cuộc đời chàng và tương lai mai sau của nàng sẽ thiếu vắng chàng.

Nàng qúa thông minh để hiểu rằng câu chuyện thần thoại của mình làm sao có được kết cuộc hạnh phúc hay vị hoàng tử tuấn tú sẽ mãi chăm sóc cho nàng như nàng chăm sóc cho anh ta.

Nàng cũng biết quá rõ chàng sẽ nghĩ như thế nào khi nhìn thấy nàng.

“Mình yêu anh ấy!” Susanna tâm sự với những vì sao. “Và không bao giờ hối tiếc là biết đến yêu đương. Tình cảm đó hầu như lấp đầy cuộc sống của mình cũng như trong lúc này. Nhưng đấy chỉ là một giấc mơ thôi.”

Nàng miên man nghĩ rằng đấy là giấc mơ đẹp, kiện toàn đến độ mình phải qùy xuống cảm kích là điều mình khẩn xin đã được ban cho và còn tuyệt diệu hơn cả những gì mình từng mơ tưởng.

Nhưng sự tỉnh ngộ càng ngày càng kéo lại gần.

Rồi tiếp theo sẽ là đơn độc và nghĩ đến những năm tháng dài trước mắt khi Fyfe đã rời xa và nàng chỉ còn lại những ký ức về chàng.

Vì biết rằng mỗi phút, mỗi giây đều qúy báu, nàng luôn luôn ở bên cạnh chàng trừ những lúc chàng ngủ.

Do vậy nàng có rất ít cơ hội ngắm Florence, đơn giản chỉ vì ngắm các tòa nhà, tranh họa, và tượng điêu khắc cũng là phí phạm thời gian nếu thay vào đó nàng có thể ở chung với Fyfe.

Vì nàng yêu nàng muốn làm cho chàng hạnh phúc.

Nàng tìm thấy thư viện lớn trong biệt thự chất đầy những sách sưu tầm bởi ba chàng, hầu hết bằng tiếng Ý. Và ông Chambers quá đỗi sẵn lòng tán thành việc đặt mua thêm sách từ Rome và Paris mà nàng cảm thấy không những làm cho Fyfe hứng thú mà cả nàng cũng thích.

Nàng tôn sùng cô Harding, người đã khai sáng cho nàng về những nhà văn đại tài mà nàng chưa từng biết đến. Cha cô Harding từng là giáo sư dạy văn tại một trường công nổi tiếng và kiến thức của cô bao hàm trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà giờ đây Susanna thấy đã ra hoa kết quả cho mình.

“Tôi nghĩ tiếng Pháp hợp với giọng cô hơn các thứ tiếng khác,” Fyfe nhận xét sau khi nàng đọc Les Fleurs du Mal được viết bởi Charles Baudelaire.

Lại là một lựa chọn lạ lùng cho một thiếu nữ trẻ, dù nàng không để ý đến.

Baudelaire tìm ý thơ từ hiện thực. Ám ảnh bởi cảm xúc đọa đày của ngày tận thế đã đưa ông tới chỗ nổi loạn, báng bổ.

Ông khao khát khám phá thế giới bên kia, và thơ của ông đã gây ra những tranh luận về kiếp sau khiến Susanna và Fyfe giao đấu với nhau mãi đến lúc Clint cương quyết bảo rằng bệnh nhân của anh ta phải đi ngủ.

“Tôi không muốn bị bắt nạt!” Fyfe tức giận nói. “Vì Chúa, đừng có quang quác với tôi nữa!”

“Ông biết bác sỹ đã nói gì mà,” Clint phản bác. “ ‘Ngủ, ngủ, ngủ!’ Đó là lúc duy nhất cho lưỡi ông khỏi phải làm việc, chứ không phải là đầu óc.”

“Hễ tôi muốn thức trễ thì tôi cứ việc thức!” Fyfe gầm lên.

Susanna đứng dậy.

“Clint nói đúng đấy,” nàng nói. “Mai mình có thể bàn tiếp, thức trong đêm yên tĩnh tôi sẽ nghĩ ra thêm một số chiêu nữa để ngày mai nã pháo vào ông!”

“Chắc mẻm là thế nào cũng đi lục lạo sách vở để sáng tạo chiêu mới của cô!” Fyfe bẻ lại. “Chơi không công bằng! Thế nào tôi cũng tìm cách làm cho cô bó tay để lâu lâu tôi còn thắng cuộc đua này!”

“Có lẽ tôi sẽ tỏ ra hào hiệp và thỉnh thoảng cho ông thắng một lần,” Susanna đáp lại.

Nàng rời phòng ngủ trong lúc chàng gào lên sau lưng nàng rằng chàng không muốn nàng ban phát ân huệ. Nhưng nàng phá lên cười mãi khi vào phòng của mình.

Kế đến nàng thay áo và ngồi trên giường đọc cho đến lúc muộn đủ để ra vườn bơi.

-o0o-

Ngựa đã tới biệt thự và Susanna dõi mắt nhìn quang cảnh thoạt hiện ra của tòa nhà dài màu trắng giữa đám cây bách.

“Y như lên tới thiên đường để về nhà,” nàng nghĩ.

Nhưng nàng biết không phải biệt thự thu hút nàng nhưng là người đàn ông sống trong đó.

Lái thêm một đoạn ngắn rồi khi Susanna trông thấy hình ảnh đầu tiên của cửa trước nàng hít hơi.

Bên ngoài nhà có một số người, hình như tất cả mọi người đều nói cùng một lúc.

“Họ là... ai vậy? Họ muốn... cái gì?” nàng hỏi ông Chambers.

Nàng thấy ông nhíu mày. Khi ngựa dừng lại hẳn, và những người đàn ông đó, tám người cả thảy, quay lại với nét mặt tò mò nhìn những người mới tới.

Susanna thấy Clint đứng ngay ngưỡng cửa và nàng nhận ra anh ta đang nói với đám người đó. Thái độ anh ta trông có vẻ sao đó, đã âm thầm nói cho Susanna biết là anh ta đang phòng thủ.

Susanna xuống xe, mang gói quà một cách cẩn thận, và khi ông Chambers nối gót theo sau, một trong số những người đàn ông đó lên tiếng hỏi.

“Ông có phải là thư ký của ông Falcon không?”

“Nếu phải thì có quan hệ gì tới ông?” ông Chambers hỏi.

“Tôi đại diện cho báo New York Herald,” người đàn ông đáp. “Chúng tôi từng cố gắng tìm xem ông Falcon đi đâu, bây giờ tôi và những qúy ông ở đây là những người đại diện cho một số báo khác mong muốn ông ấy có đôi lời về kế hoạch phát triển xe mới của ông ấy.”

Ông Chambers bước lên bậc tam cấp dẫn vào nhà trước khi quay lại nói.

“Như các ông đã biết ông Falcon từng bị tai nạn rất nguy kịch. Hiện thời ông ấy không có gì để phát biểu cả và theo lời dặn của bác sỹ ông ấy không thể tiếp nhận phỏng vấn.”

Khi nói xong ông Chambers đỡ cánh tay Susanna và đưa nàng vào biệt thự.

Một loạt câu hỏi ồ lên ầm ĩ đuổi theo họ, Susanna lưu ý có vài câu là Anh ngữ, những cái kia là Ý, Pháp, và Đức.

Rồi người Mỹ của báo New York Herald hét toáng lên.

“Thế qúy cô xinh xắn đó là ai?”

Vào lúc này họ đã vào biệt thự, Susanna nghĩ chắc người phóng viên đó đang châm biếm mình.

Clint đóng cửa lại phía sau họ.

“Tôi mừng là ông vừa về tới thưa ông,” anh chàng tùy tùng nói. “Họ dai dẳng quá, tôi sợ là họ xông vào và khăng khăng đòi gặp ông chủ.”

“Anh biết là ông ấy ác cảm vụ đó đến cỡ nào mà,” ông Chambers đáp.

“Tuy nhiên hôm nay cũng không đến nỗi tệ bằng mấy ngày kia,” Clint nhận xét.

Susanna không hiểu tại sao anh ta lại nói như thế.

Họ đi dọc theo lối đi và nàng nhận ra ông Chambers đi thẳng đến phòng Fyfe.

Clint tiến lên trước mở cửa cho họ, và như thể quyết định nói trước, anh ta lên tiếng trước khi hai người họ kịp nói.

“Ông Chambers đuổi họ đi rồi, thưa ông, nhưng họ lì lợm kinh khủng!”

Khi nàng vào phòng Susanna nhìn Fyfe, như nàng đoán, chàng vẫn ngồi trong ghế bành gần cửa sổ. Rồi nàng khẽ kêu lên vừa ngạc nhiên vừa háo hức.

Mắt chàng hãy còn quấn băng, nhưng chỉ là một lằn băng thẳng bao quanh đầu, và tất cả mọi lớp băng từng làm chàng giống như xác ướp mà nàng từng thấy lần đầu đã được gỡ đi!

Cằm của chàng, phần dưới của má, nửa sóng mũi và cổ chàng đã thấy rõ ràng.

Bây giờ chàng thực sự trông như người sống.

Quên hết mọi thứ khác, nàng chạy băng qua phòng qùy xuống bên cạnh ghế của chàng và nói.

“Sao ông không... cho tôi biết? Làm thế nào mà tôi đoán được là chuyện này... sẽ xảy ra hôm nay?”

“Tôi muốn tạo cho cô một ngạc nhiên,” Fyfe trầm giọng trả lời.

“Tuyệt qúa! Thật là tuyệt! Trên mặt ông không có sẹo như ông từng mong đấy.”

“Clint bảo thế, nhưng cô có chắc không?”

“Hoàn toàn bảo đảm!” Susanna vừa nói vừa nhìn chiếc cằm trơn nhẵn của chàng.

“Giờ tôi cảm thấy mềm mềm vì râu đã cạo sạch,” Fyfe nói và đưa bàn tay lên, “nhưng tôi chắc chắn cảm thấy giống như người hơn, không còn cảm tưởng như hồn lìa khỏi xác nữa.”

“Ông đâu có bao giờ như thế chứ,” Susanna nói, “nhưng chuyện này vô cùng ngạc nhiên!”

Da chàng trông hơi hồng hồng, ngoài ra không có chỗ nào chứng tỏ là chàng đã bị phỏng. Giờ đây, nàng nghĩ, vấn đề duy nhất là giải phẫu mắt có thành công và mắt chàng được cứu hay không.

Nàng chưa kịp nói ra thì ông Chambers đã kể với chàng về đám phóng viên.

“Họ muốn ông phát biểu về những thử nghiệm kiểu xe mới.”

“Chính chúng ta còn chưa biết được cái gì nữa là.”

“Tôi đã nói là ông không có bình luận gì cả.”

“Đánh điện cho Stevens biết khi sẵn sàng thì phát ra một bản tường trình.”

“Tôi nghĩ ông tự làm thì tốt nhất,” ông Chambers nói. “Họ nói vẫn còn một số điều chỉnh cần phải làm, vì thế cứ để đám báo chí đợi đi.”

“Phải, ông nói đúng,” Fyfe tán thành. “Nếu họ nghĩ có bất cứ cái gì mới, thì chúng ta cứ bảo họ trở lại ngày hôm sau.”

“Tôi e là thế,” ông Chambers đồng ý. “Tôi cho rằng mình không thể nào hoàn toàn che dấu hết mọi chuyện được.”

“Tôi chỉ ngạc nhiên rằng họ không tìm được mình dạo trước,” Fyfe nói. “Ông đã biết là họ dai dẳng đến cỡ nào rồi một khi họ đánh hơi được tình tiết.”

“Có lẽ chúng ta gặp may,” ông Chambers nói, “và cho phép tôi nói là tôi thật là mừng rằng ông tiếp nhận vấn đề này bằng thái độ bình thản như thế.”

“Biết đâu tôi đã thu thập một số hiểu biết ngay trong cái thành phố của nhà thông thái này,” Fyfe đáp, “hay có lẽ Susanna đã dạy tôi đôi chút ý thức.”

“Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ điều sau chính là lời giải thích,” ông Chambers nhẹ nhàng nói rồi đi ra ngoài, nối gót theo ông là Clint.

Susanna hãy còn qùy bên ghế Fyfe.

“Tôi thật hoang mang và thắc mắc,” nàng nói, “tôi ngỡ tên ông là Dunblane.”

“Đó là họ của mẹ tôi và tôi lấy cái họ đó khi tôi muốn ẩn danh.”

“Vậy ông thực ra là Fyfe Falcon; chắc hẳn tôi đã nghe về ông rồi, nếu ông có xe hơi hiệu Falcon.”

Fyfe ngả đầu ra sau và bật cười.

“Danh tiếng đến thế à! Tôi luôn tin rằng mình là nhân vật quốc tế đấy chứ!”

“Vậy thì ít ra ông có thể vui lòng nói cho tôi biết ông quan trọng ra sao.”

Nàng kêu lên khe khẽ.

“Phải rồi! Ắt hẳn là ông đã đua bằng xe của ông! Hay ông là một trong những người đã lập kỷ lục tốc độ khủng khiếp trên bãi biển Daytona?”

“Đoán một lần đúng hết!” Fyfe thốt lên. “Tôi luôn nghĩ cô thông minh, thậm chí khi liên quan đến xe hơi!”

“Tôi thú thật là tôi không hề biết gì về xe cả,” Susanna đáp. “Ba tôi lúc nào cũng nhắc đến chuyện mua xe, nhưng thật ra ông ấy thích ngựa hơn, còn mẹ tôi thì đôi khi dùng loại xe điện Brougham, nhưng tôi nghĩ bà cảm thấy thanh lịch khi ngồi sau một đôi ngựa đẹp.”

“Đúng là báng bổ!” Fyfe kêu lên. “Bây giờ thì ‘bí mật đã bị tiết lộ’ cô đành phải nghe tôi ca tụng xe Falcon thôi, hễ cô chán thì cứ trút mọi trách cứ lên đầu các nhân viên báo chí vì họ đã moi tôi ra cho bằng được.”

“Ông đã sản xuất loại xe mới rất đặc biệt hả?” Susanna hỏi.

“Đó là kiểu sáu máy, bảy mươi hai mã lực,” Fyfe đáp, “tôi sẽ ghi danh nó vào cuộc đua năm tới từ New York đến Paris, và tự tay tôi lái.”

“Từ New York đến Paris?” Susanna lập lại. “Nhưng làm thế nào? Sao ông làm được?”

“Qua lối Seatle, Nhật, và Siberia,” Fyfe trả lời. “Khoảng mười hai ngàn dặm, và tôi đoán chừng tôi có thể thực hiện trong một trăm bảy mươi hai ngày.”

“Nhưng sao ông dám thử một thành tích phi thường như thế chứ? Chắc chắn là vô cùng nguy hiểm?”

Giọng nàng thoáng run khiến Fyfe đưa tay tìm tay nàng.

“Khi tôi rời New York thì thừa chết thiếu sống,” chàng nói, “và được mang tới London vì họ bảo tôi chỉ có bác sỹ giải phẫu London mới có thể cứu thị lực của tôi, tôi từng nghĩ rằng tôi chẳng còn cơ hội thấy cái quái gì nữa. Giờ thì tôi biết không những tôi có thể thấy mà còn lái xe mới của tôi nữa, như tôi từng dự định.”

“Sao ông có thể... chắc chắn như thế?” Susanna thì thầm.

Nàng cảm thấy người mình run lên với cảm giác lạ lùng xuyên xuốt thân thể vì chàng đang chạm vào tay nàng.

“Cô đã khiến tôi cảm thấy chắc chắn,” chàng trả lời. “Không phải cô đã tiếp hy vọng và lạc quan cho tôi bằng cách này hay cách khác từ lúc mình tới đây sao? Hiện giờ mình đang ở chặng cuối cô không thể nào bảo tôi rằng cô không tin là tôi thắng đến cùng chứ.”

“Vâng, dĩ nhiên là ông sẽ thắng!” Susanna khẽ nói.

Rồi như thể không chịu nổi khi nghĩ đến chuyện đó, nàng nói.

“Có phải ông lo lắng và khó chịu ngày đầu tiên mình tới đây khi tôi đọc về kiểu xe của Henry Ford, vì ông sợ xe của ông ta biết đâu sẽ thành công hơn xe của ông không?”

“Khi biết được ông ta cạnh tranh với xe của tôi thì đúng là kinh ngạc,” Fyfe đáp. “Bây giờ hiểu biết hơn, tôi nhận ra chúng tôi không ganh đua với nhau trong cùng thị trường. Tôi nghe được từ những nguồn tin tối mật là Ford dự định gia tăng sản xuất để giảm giá xe ông ta mỗi năm.”

“Cái đó có gây tổn hại cho ông không?” Susanna hỏi.

“Tôi không nghĩ thế,” Fyfe đáp. “Tôi đang chế tạo xe chất lượng cao – loại mà cô sẽ thấy hãnh diện khi ngồi trong đó.”

Lời chàng nói khiến Susanna buộc phải nghĩ đến lúc thấy nàng chắc chàng chẳng còn lòng dạ nào để tự hào về chuyện nàng ngồi trong xe của chàng.

Nàng đứng dậy nói.

“Mấy người phóng viên làm tôi quên mất hôm nay là ngày đặc biệt. Chúc ông sinh nhật vui vẻ, tôi có một món quà cho ông.”

Nàng đặt lên chân chàng gói quà nàng cầm trong tay trái.

“Sao cô biết sinh nhật tôi?” ông hỏi. “Tôi đoán Chambers nói cho cô biết.”

“Ông ấy bảo tôi ông hai mươi sáu tuổi.”

“Gần như là trung niên!” Fyfe nói. “Vì vậy tôi mong cô đối xử với tôi một cách tôn trọng nhé. Nhưng cô không cần phải mua quà cho tôi.”

“Tôi hy vọng... ông... sẽ thích.”

Chàng cẩn thận tháo lớp giấy gói, khi tháo xong chàng nói.

“Là một cái hộp, tôi nghĩ có họa hình thì phải.”

“Mở ra đi!” Susanna giục.

Chàng lần tay tìm cái chốt, khi chàng mở cái nắp có họa hình, điệu nhạc bắt đầu trổi lên và chàng reo lên mừng rỡ.

Ngắm nụ cười nở trên môi chàng, nàng nghĩ rằng trên thực tế chàng càng giống Lorenzo Vĩ Đại còn hơn là nàng thực sự kỳ vọng.

Cũng chiếc cằm mạnh mẽ, cũng khuôn miệng quả quyết, có lẽ bướng bỉnh, tuy nhiên vành môi lại có vẻ gợi cảm.

Trước ý nghĩ đó nàng nín thở vì biết rằng hầu như phụ nữ đeo đuổi Lorenzo và thấy ông ta quyến rũ, thì phụ nữ cũng đeo đuổi Fyfe.

Phần lớn mũi của chàng hãy còn ẩn sau lớp băng, nhưng tóc chàng có màu sẫm, dù hơi ngắn vì bị lửa xém nàng vẫn thấy mái phía trước gợn sóng chải ra sau trên vầng trán vuông vức.

Nàng đoan chắc khi thấy chàng toàn diện, về mặt nào đó có lẽ chàng mang tính cách Mỹ hơn, nhưng chắc chắn có nét tương tự với bức tượng sành bán thân của Lorenzo.

Như thể chàng cảm giác được sự xét đoán của nàng Fyfe hỏi.

“Cô đang nghĩ gì thế?”

“Nếu tôi nói ra sẽ làm cho ông tự cao tự đại!”

“Tôi không tin đâu. Tôi có cảm tưởng cô đang so sánh tôi với Lorenzo Vĩ Đại và đặc biệt bất lợi đối với tôi.”

Susanna thật sự không lấy làm ngạc nhiên rằng chàng lại có khả năng trực giác khi liên quan đến ý nghĩ của nàng.

Như thể do sự hướng dẫn của nàng, trong những tuần vừa qua chàng đã tập luyện “Tam Nhãn” để có khả năng lĩnh hội cao và chính xác đến độ đôi khi nàng quên bẵng là chàng thật ra đang mù.

Điệu nhạc trong chiếc hộp nhỏ kêu lanh canh chấm dứt nhạc khúc.

“Món quà xinh xắn lắm,” Fyfe nói, “và cô thật dễ thương, Susanna, khi tặng nó cho tôi. Tôi không cần phải nói với cô rằng tôi lúc nào cũng trân trọng nó.”

Nàng muốn hỏi chàng khi nàng rời khỏi chàng đôi lúc chàng có đem ra nghe và nghĩ đến nàng không, nhưng rồi nàng biết đó chỉ là một yêu cầu ngu ngốc.

Khi thế giới mộng tưởng này chấm dứt chàng sẽ trở lại thành một người hoàn toàn khác – cho xe của chàng, cho cuộc đua của chàng, cho cuộc chiến với các đối thủ của chàng không những trong trận đua mà còn vì sự ủng hộ của công chúng.

Đến lúc đó làm sao chàng còn mong muốn nhớ lại người phụ nữ chỉ là tiếng nói trong bóng tối?

‘Mình phải thực tế và vận dụng lý lẽ,’ Susanna thầm suy xét, ‘và đó có nghĩa là phải đối diện với sự thật rằng mình sẽ không bao giờ có ý nghĩa nào đối với chàng ngoại trừ chỉ là một ký ức, khi chàng sáng mắt.’

Ý nghĩ đó buồn thảm quá, và nàng nhất quyết không để nó phá hỏng khoảnh khắc qúy giá được ở bên chàng.

“Tôi có nhiều chuyện để kể cho ông về Ponte Vecchio,” nàng bắt đầu. “Dạo trước tôi không có thời gian vào các cửa hàng xem, mấy tiệm đó vui lắm! Có rất nhiều thứ chế tạo bởi các nghệ nhân Florentine mà tôi đoan chắc là trên thế giới không có cái nào tương đương!”

“Tôi cũng hay nghĩ như thế.” Fyfe nói. “Ngay sau khi tôi thấy được, tôi muốn mua cho cô một món nữ trang, Susanna, đó không chỉ bày tỏ lời cám ơn của tôi với tất cả mọi chuyện cô làm cho tôi mà còn để tăng thêm nhan sắc của cô.”

Từ ngữ của chàng mang đến đau đớn khiến Susanna phải nhắm mắt lại trong giây lát.

Tại sao nàng không nói cho chàng sự thật ngay từ lúc ban đầu? nàng tự hỏi mình cả ngàn lần rồi.

Sao nàng lại có thể giả vờ trở thành nhân vật khác, để bây giờ biết rằng chẳng bao lâu nữa chàng sắp đối diện với sự phát giác không những về diện mạo nàng mà còn về sự lừa dối hai chiều.

Tuy vậy nàng cảm thấy nhẹ nhõm khỏi phải nói bất cứ điều gì khi Clint vào phòng mang theo một bình nước trái cây, vì bây giờ thời tiết trở nên quá nóng, để thay cho món trà mà Susanna thường dùng khi mới đến biệt thự.

Đặt bình trên chiếc bàn kê ngoài hiên, Clint rót ra hai chiếc ly và để lên khay đưa cho Susanna trước rồi tới Fyfe.

“Cái này đựng thứ gì vậy?” Fyfe hỏi.

Trước khi Clint kịp trả lời Susanna kêu lên nho nhỏ.

“Ông ăn gian! Ông biết là ông phải đoán chứ.”

“Vẫn còn ra bài học cho tôi?” ông mỉm cười hỏi.

Nàng nghĩ mình chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì thật quyến rũ như lúc thấy môi chàng cử động.

“Đương nhiên rồi!” nàng trả lời. “Cho dù khi tháo miếng băng chót ra ông có khả năng nhìn trong bóng tối như mèo và biết ông ăn gì uống gì bằng cách sử dụng giác quan một cách đúng đắn thì vẫn có ích kia mà.”

“Được rồi, thưa cô giáo. Tôi sẽ nghe lời cô thêm một chút xíu nữa thôi,” Fyfe đáp.

Chàng nhấp một ngụm nước trong ly và nói.

“Mình chưa từng uống loại nước quả này. Tôi nghĩ mình phải thử hết bây giờ đi.”

“Đoán đi!” Susanna nhắc.

“Tôi biết – là đào!”

Susanna liếc sang Clint.

“Đúng đấy thưa ông. Đây là lứa đào trong vườn vừa hái vào hôm nay, thấy mình thu hoạch được khá không, giờ tôi nghĩ chắc ông phải ráng chịu đựng thứ quả này trong mỗi bữa ăn rồi.”

Anh ta vừa nói vừa đi ra ngoài, Susanna bật cười.

“Mọi cái Clint nói đều có chút gai góc trong đó,” nàng nói, “nhưng có lẽ cái đó làm cho anh ta trở thành rất độc đáo.”

“Tôi may mới có được anh ta,” Fyfe nói. “Tôi biết rằng – tôi cũng may mắn có được Chambers và đương nhiên là cô nữa, Susanna.”

“Tôi đem... may mắn cho ông à?”

“Bây giờ thì cô đang câu lời khen!”

Chàng dừng lại trong giây phút trước khi nói.

“Cô không hiểu được cảm giác khi những miếng băng nóng bức, gò bó đó được tháo ra như thế nào đâu. Đôi khi tôi cảm thấy chúng làm tôi ngạt thở và chỉ muốn xé toạc ra.”

“Làm như vậy kinh khủng lắm.”

“Phải, tôi biết. Bác sỹ nói rất rõ ràng là nếu tháo băng ra trước khi da hoàn toàn lành lặn thì tai hại lắm.”

“Bây giờ... như ông nói... ông sắp trở lại... như trước.”

Khi nhìn chàng nàng nghĩ rằng, trong quan điểm của nàng chàng thực sự rất, rất là khác so với lúc trước.

Vì nàng quen nhìn cái đầu quấn băng trắng to tướng trước mắt, cho nên nàng hầu như không nghĩ rằng chàng lại có gì khác biệt.

Nhưng hiện giờ chàng trở thành người đàn ông rất hấp dẫn; một người đàn ông làm cho nàng cảm thấy e thẹn khi nàng chưa bao giờ cảm thấy ngượng ngùng trước đây; một người đàn ông khiến nàng rung động một cách khác biệt với cách nàng phản ứng khi trước.

“Phải, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ trở lại y như trước,” Fyfe nói như thể chàng đang theo dòng tư tưởng nào đó, “tuy nhiên tôi hầu lưỡng lự trở lại với xã hội bên ngoài. Ở đây trong bóng tối tựa như sống trên hòn đảo giữa Thái Bình Dương vậy.”

Susanna cũng từng nghĩ như thế nhưng nàng biết điều đó không mang cùng một ý nghĩa đối với hai người họ.

‘Mình yêu anh ấy!’ nàng thầm nghĩ. ‘Nhưng không thể để anh ấy nhận ra bởi vì mình không chịu nổi lòng thương hại của anh ấy hơn là chịu đựng thấy ánh mắt kinh ngạc khi anh ấy trông thấy mình và nhận ra mình thực sự nhìn ra sao.’

Như thể ý nghĩ đó quá mức chịu đựng, nàng đặt ly xuống nói.

“Tôi đi coi xem sách từ Paris đã gửi tới chưa. Còn nhớ cái danh sách dài sọc mình đã liệt kê không? Tối thiểu thì hôm nay phải có vài quyển tới chứ, nhưng tôi không cách chi đợi được để xem sách của Gustave Flaubert tới hay chưa.”

Fyfe không ừ hử gì và sau một hồi nàng nói có phần do dự.

“Nhưng có lẽ bây giờ tôi đã biết ông là ai và ông cũng không phải giả bộ nữa tôi sẽ đọc cho ông nghe hết về xe hơi. Chắc chắn trong báo và tạp chí sẽ nói nhiều về đề tài đó.”

“Lạ thật,” Fyfe đáp, “nhưng khi cô vừa mới tới đây tôi không có thể nghĩ đến cái gì khác. Thậm chí làm thế sẽ làm tôi đau lòng, tôi cố tình không yêu cầu cô sau ngày đầu tiên để đọc về những chuyện đang xảy ra trong thế giới xe hơi, trước hết vì Chambers bảo tôi rằng xúc động nhiều sẽ làm trễ nãi sự bình phục của tôi, thứ hai là chuyện đó khiến tôi điên tiết vì không ở Mỹ và biết chính xác mọi chuyện đang diễn biến.”

Susanna lắng nghe nhưng không nói gì, và chàng tiếp tục.

“Hiện giờ tôi cảm thấy tôi có cả ngàn hứng thú đòi hỏi tôi chú ý tới, và lỡ như toàn bộ đế quốc Falcon sụp đổ thì đó là lỗi tại cô!”

“Adam thì lúc nào cũng đổ lỗi cho Eve mà!” Susanna vội nói.

Rồi nàng đỏ mặt vì nhận ra mình đã cho rằng mình là Eve của chàng, điều mà nàng không được quyền làm.

“Mình sẽ bàn về mấy cuốn sách của mình và mọi câu hỏi nảy lên trong đầu,” Fyfe kiên quyết nói. “Chúng thuộc về hòn đảo của chúng ta, Susanna, nơi đó không có đường xá và vì thế không có chỗ cho xe hơi chạy. Khi chúng ta lái thuyền ra khỏi nơi đó, tôi sẽ nói cho cô biết, và tôi mong cô tin tôi, rằng Falcon là loại xe tốt nhất và nổi bật nhất được thiết kế từ trước tới nay.”

“Tôi có quyền nghi ngờ cái đó,” Susanna đáp. “Là dân Anh, tôi đương nhiên nghĩ Rolls-Royce là loại xe hàng đầu trên thế giới, trong khi dân Pháp bảo đảm sẽ thách đấu lời phát biểu của ông bằng xe Dion-Bouton của họ.”

“Bây giờ đó là cái tôi phải trả lời...” Fyfe bắt đầu.

Chàng đang huyên thuyên thốt ra đủ mọi phẩm chất xứng đáng khen thưởng của xe Falcon thì ông Chambers bước vào phòng.

“Tôi có hai bức điện từ Mỹ,” ông nói, “và tôi cho rằng giờ Susanna đã biết bí mật ông là ai thì tôi có thể đưa mấy cái này cho ông trước mặt cô ấy.”

“Susanna chẳng hứng thú chút nào đâu, vì thế ông định không cho cô ấy biết thì cũng bằng thừa thôi,” Fyfe đáp. “Cô ấy chưa bao giờ nghe tới xe Falcon và chỉ ước được lái chiếc ‘Con Ma Bạc’ của Rolls-Royce!”

Mắt ông Chambers nhấp nháy tinh quái.

“Tôi thấy được đây sẽ là nguyên nhân tranh chấp thực sự. Thế tôi có cần gửi một chiếc Falcon cho cô ấy để chứng tỏ vì sao nó đáng được người ta ao ước không?”

“Chắc chắn không cần!” Susanna trả lời trước khi Fyfe kịp lên tiếng. “Chúng tôi vừa quyết định là sống trên đảo, vì thế lối thiết thực độc nhất rời khỏi đảo là bằng tàu.”

Nàng ra khỏi phòng trước lúc Fyfe kịp tìm câu cú trả lời, và khi bước xuống lối đi nàng vẫn nghe hai người đàn ông cười ha hả.

“Tất cả chúng ta đều vui vẻ,” nàng tự nói với mình. “Ôi Chúa ơi làm ơn, đừng cho anh ấy sáng mắt mau quá.”

Rồi nàng chợt cảm thấy khủng khiếp trước lời cầu xin ích kỷ đó.

CHAPTER 6

(6-1)

Susanna gập cuốn sách đánh sầm một cái.

“Đấy, xong rồi,” nàng nói, “vì lợi ích cho việc học tập của anh tôi nghĩ mình nên đọc cái gì đấy bằng tiếng Ý hay Anh đi.”

“Tôi không lo đến việc học hành của tôi,” Fyfe trả lời, “nhưng lo đến việc tiêu khiển, tôi thấy tiểu thuyết Anh hoặc nặng nề hoặc quá nhạt nhẽo mất hết cả thú vị và của Ý thì lại quá tình cảm!”

“Chắc anh đang nói đến phụ nữ chứ gì,” Susanna trêu. “Anh có ác cảm đối với phụ nữ đa cảm sao?”

“Đấy là một trong những câu hỏi không có câu trả lời đúng được,” Fyfe đáp. “Nếu tôi nói ‘có’ cô sẽ suy ra là tôi thích phụ nữ lạnh lùng, cứng nhắc, tất nhiên thường là người Anh, nếu như tôi nói ‘không’ cô sẽ nghĩ là tôi muốn ai đó nếu không kích động thì là đang diễn tuồng.”

Susanna bật cười ngặt nghẽo.

“Chắc anh từng quen với những phụ nữ rất kỳ cục.”

“Có lẽ đúng,” chàng đồng ý.

“Tôi đoán rằng vì ông là Fyfe Falcon họ ríu rít quanh ông như thiêu thân bay quanh ngọn lửa vậy.”

Do nàng đang cố tình khiêu khích bằng lối ví von sáo rỗng như thế, Fyfe rên lên nói.

“Dĩ nhiên là tôi muốn phụ nữ vỗ tay hoan nghênh thành tựu của tôi và nói là tôi tuyệt vời rồi. Có người đàn ông nào lại không muốn?”

“Có một số đàn ông thích thành thật hơn là tâng bốc chứ.”

“Tôi nghĩ rồi đây cô sẽ thấy tất cả đàn ông đều muốn được người khác chú ý nhiều đến mình, điều này họ hiếm có được.”

“Không đúng,” Susanna cãi lại. “Dù sao đi nữa, có lẽ anh đang nói trong cương vị người Mỹ, tôi thường nghe rằng Anh là thiên đường cho đàn ông, và Mỹ cho đàn bà.”

“Tôi thắc mắc cô nghĩ về Mỹ như thế nào,” chàng ngẫm nghĩ nói. “Mỹ căn bản hãy còn là một nước mới và trong nhiều phương diện còn hăng lắm. Tuy nhiên, đó là nơi lý thú và có cảm giác phiêu lưu mà tôi không hề tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.”

Cách chàng nói làm Susanna cảm thấy chàng đang mong về Mỹ, nàng nhói lòng nghĩ rằng khi chàng trở lại nàng sẽ không bao giờ gặp chàng nữa.

“Tôi thích Florence,” nàng dịu dàng nói.

“Florence, giống như phần lớn Âu châu, sống trong những huy hoàng của quá khứ.” Fyfe nói. “Rồi có ngày nó sẽ sụp đổ và chẳng còn có gì để trưng ra ngoài những cảnh đổ nát.”

“Tôi không nghe anh nói đâu!” Susanna phản ứng kịch liệt. “Florence còn đẹp hơn toàn bộ nước Mỹ gộp lại, và ngay cả hòn đá ở đây cũng có dấu vết lịch sử.”

“Lịch sử là tất cả những cái thuộc về quá khứ,” Fyfe bắt bẻ.

Nàng biết chàng cố tình trêu nàng. Tuy vậy nàng vẫn bấu víu vào Florence bởi lẽ đấy là hiện tại và họ đang ở bên nhau trong vùng đất đó.

Nàng ngó ra cửa sổ đến những cánh hoa màu sắc rạng rỡ trong vườn và những cây bách in bóng trên nền trời màu lam Thánh Nữ.

Bên dưới họ mái vòm của nhà thờ chính tòa dường như lấp loáng trong nắng và dòng Arno tỏa sáng khi trôi ngang qua cầu.

“Còn cảnh nào đẹp hơn thế nữa?” Susanna hỏi, gần như là thì thào.

“Đối với tôi nó chỉ là một mảng tối đen,” Fyfe nhận xét.

“Vậy thì tôi sẽ hỏi lại ông khi họ tháo băng cho anh,” Susanna nói, “và nếu anh tìm được nơi nào ở Mỹ để so sánh với nó thì tôi rất lấy làm ngạc nhiên!”

Nụ cười của chàng cho nàng thấy chàng thích thú với nhiệt tình của nàng, và sau một lát nàng nói bằng một giọng hoàn toàn khác.

“Khi nào bác sỹ định... tháo băng cho anh?”

“Tôi không rõ,” Fyfe đáp. “Nhưng họ không muốn làm điều gì hấp tấp.”

“Không! Không được! Dĩ nhiên là không!”

Lời phản đối thốt lên từ chính tim nàng.

Chàng không hề biết, nàng nghĩ, cứ mỗi sáng tỉnh giấc nàng lại nghĩ rằng có lẽ hôm nay sẽ là lần cuối nàng ở bên chàng, rằng đấy chính là ngày chàng sẽ thấy gương mặt nàng và không còn quan tâm đến nàng nữa.

Vì hơi sợ chàng sẽ cảm giác ra sự băn khoăn của mình, nàng đứng dậy ra đứng trên mé hiên.

“Tôi sẽ đi hái ít hoa cho anh,” nàng nói, “trời nóng đến nỗi mấy đóa hoa tôi vừa hái hôm kia thì giờ đã úa rồi.”

“Trong lúc cô hái hoa,” Fyfe nói, “thì gọi Chambers đến gặp tôi; tôi muốn viết thư cho một người bạn ở Mỹ.”

Mặc dù nàng tự nhủ là mình vớ vẩn, nhưng Susanna cảm thấy ghen tuông nhức nhối.

Có lẽ chàng biên thư cho người chàng yêu và tất nhiên người đó cũng yêu chàng.

Có phụ nữ nào có thể cưỡng lại chàng được đây, không phải chỉ vì chàng rất quyến rũ mà còn vì, giờ thì nàng đã phát hiện ra, chàng rất giàu nữa?

Tối qua Fyfe đã kể cho nàng ba chàng đã sáng lập hãng chế tạo xe Falcon chỉ trước lúc ông mất.

“Ba tôi đã có gia sản khổng lồ kiếm được từ xe lửa. Ông lúc nào cũng là người có tâm hồn du hành,” Fyfe nói, “và ngay từ lúc người ta đặt ra câu hỏi liệu xe có thể di chuyển mà không cần tới ngựa thì ông đã hứng thú ngay.”

“Chiếc xe đầu tiên được phát minh khi nào?” Susanna hỏi.

“Những cuộc thí nghiệm đã tiến hành tuốt từ hồi 1805,” Fyfe trả lời, “nhưng những chiếc đầu tiên chạy được không cần ngựa thật sự là xe kéo chạy bằng hơi với những cái chân máy.”

Chàng vừa bật cười vừa nói.

“Một đồng bào của cô, bác sỹ Church nào đó, trong năm 1833 có một chiếc xe kéo chạy bằng hơi khổng lồ và trang trí hết cỡ luôn đã chở năm mươi hành khách giữa London và Birmingham.”

Chàng mỉm cười trong lúc tiếp tục.

“Thế rồi cái chiêu cảnh cáo của dân Anh mở màn.”

“Ông nói thế có nghĩa là gì?” Susanna hỏi.

“Nghị viện đã ban một đạo luật suýt giết chết sự phát triển tất cả các loại xe không cần ngựa kéo bằng cách ấn định tốc độ bốn dặm một giờ và hai dặm một giờ khi chạy trong phố! Họ lại đòi hỏi mỗi chiếc xe phải có một người đi cách đầu xe sáu mươi yards để mang một lá cờ đỏ!”

“Thế người Mỹ không áp dụng biện pháp cảnh giác đối với loại quái vật dữ dằn như thế sao?” Susanna hỏi.

“Chúng tôi tiến bộ hơn nhiều,” Fyfe bật cười đáp. “Tay cầm cờ của tụi tôi phải đi trước hàng trăm yards! Người lái xe của xứ tôi cần phải có bằng kỹ sư, bằng đó đòi hỏi nhiều năm tập sự y như lính cứu hỏa vậy!”

Cả hai cùng phá lên cười và Fyfe tiếp tục kể cho nàng máy nổ được phát minh ra sao, tại hội chợ Paris năm 1865 người Đức đã triển lãm loại máy nổ không cần tay quay, và dần dà Daimler và Benz đã đặt nền móng phát triển cho loại ô tô có máy chạy bằng dầu xăng một cách thành công.

Susanna cảm thấy mình càng lúc càng thích thú với sự phát triển của loại xe chạy bằng máy. Nàng bắt đầu khâm phục trận chiến to tát mà những người có tâm huyết đã phải tranh đấu để vận động chính quyền nhận thức được rằng xe chạy bằng động cơ thực sự đã trở thành một phương thức vận chuyển tân tiến.

“Vào 1893,” Fyfe nói, “Benz chủ trương một loại xe với dự án sản xuất hàng loạt và bán rất đều, nhất là bên Pháp. Daimler thành lập một công ty chế tạo xe ở Đức, và ở Mỹ có những công xưởng sản xuất trong bang Ohio và Pennsylvania.”

“Ba tôi,” chàng nói tiếp, “nhất định chế tạo loại xe chất lượng cao, tuy nhiên vẫn vừa với túi tiền của giới thương gia trung bình.”

“Bây giờ tôi thấy được lý do tại sao,” Susanna xen vào, “trong khi hầu hết các cậu học trò thỏa mãn với những chiếc xe lửa đồ chơi thì anh lại muốn chơi với xe ô tô thật.”

“Cái đó đúng,” Fyfe mỉm cười nói, “tôi muốn thấy tôi có thể đi được bao xa.”

“Kết quả là tai họa đó!” nàng thốt lên. “Tôi mong rằng nó đã dạy ông bài học là trong tương lai tốt hơn là đi chậm và đi đến nơi đến chốn.”

“Chẳng có dạy với dỗ gì cả!” chàng đáp lại. “Như nhiều người khác, cô không hiểu rằng để chứng tỏ được khả năng của một loại xe và tạo hứng thú cho người ta mua thì nó phải tạo ra tiếng vang.”

“Nhưng cái đó nguy hiểm!”

“Chỉ đôi lúc thôi. Tôi chỉ là không may mắn lắm. Lần khác tôi chắc chắn sẽ hên hơn.”

Nàng thở dài bực bội.

“Nhưng anh không không ẩu đến nỗi quay lại liều mạng một lần nữa chứ.”

“Tôi sẽ không thử tốc độ nhanh quá trừ phi mắt tôi thấy thật rõ,” Fyfe trả lời, “nhưng không có điều gì ngăn cản được tôi tham dự vào những cuộc đua đường trường cả.”

“Tôi ghét phải nghĩ đến cả hai chuyện anh sẽ làm.”

“Cô có thực tình lo lắng lỡ như tôi lại bị tông xe không?”

Đấy là câu hỏi Susanna biết mình không dám trả lời, và nàng khéo léo chuyển đề tài không để cho chàng nhận ra. Nàng nghĩ là mình đã làm được như thế.

Giờ đây khi đi gọi ông Chambers, trong lúc bước dọc theo hành hiên mát rượi trang hoàng đẹp đẽ nàng cảm thấy mọi khía cạnh của nó đã khắc sâu vào tâm trí mình mãi mãi.

Nàng biết trong những năm tháng dài sắp tới chỉ cần nhắm mắt lại là nàng sẽ mường tượng rõ ràng như thể mọi tranh họa, mỗi món đồ đạc, mỗi tấm thảm màu trang trí trong biệt thự như hiển hiện ngay trước mắt nàng.

Nàng đi vào căn phòng mà ông Chambers dùng làm văn phòng nhưng ông không có mặt ở đó. Phòng nằm gần tiền sảnh và nàng nghĩ trước lúc đi chỗ khác tìm ông nàng sẽ coi xem người đưa thư đã giao gói sách đã quá hạn tới chưa.

Tiền sảnh trang hoàng bằng đồ đạc được chế tạo bởi các nghệ nhân Florentine hàng trăm năm trước và tường được tô điểm bằng gốm sứ đẹp một cách đặc sắc.

Florentines là thành phố của những nghệ sỹ tài hoa, và các tấm gương, những chiếc cốc, những chiếc vò, đèn, lò than, và mọi vật dụng khác họ làm ra đều mang vẻ đẹp không nơi nào trên thế giới có thể qua mặt.

Cái đẹp đã luân lưu trong huyết quản và chính là truyền thống của họ.

Susanna đã ngắm hết tất cả mọi thứ trong sảnh đường để chúng in sâu vào tâm khảm mình, tuy thế, cứ mỗi lần thấy các món đồ gốm, các bức tượng đứng gác cửa, và các chùm đèn mạ vàng treo trên trần mái vòm nàng lại cảm thấy rộn rã trước vẻ đẹp tuyệt vời ấy.

Cửa trước đã để ngỏ đón nắng vào và khi nàng nhìn xem nhân viên bưu điện có để gói đồ nào trên chiếc bàn chạm trổ hay không thì nàng nghe tiếng xe ngựa chạy lên đường lái xe vào nhà.

(6-2)

Thấy mấy con ngựa, nàng biết chúng là loại ngựa giống kém thường để cho thuê chứ không phải là loại cừ khôi mà nàng và ông Chambers lái đi Florence.

Nàng thắc mắc không hiểu ai đang đến viếng biệt thự, rồi khi xe tới gần hơn nàng liếc đến người đàn ông ngồi ở băng ghế sau.

Ông ta đội mũ cao và ngồi thẳng băng, như thể nghĩ rằng chiếc xe ông ta đang đi không xứng đáng với mình.

Mắt Susanna giương to, rồi kêu lên thất thanh nàng chạy ngược về lối cũ lúc nãy.

Nàng kéo cửa phòng ngủ của Fyfe và ùa vào đến chỗ chàng đang ngồi thường lệ trong chiếc ghế bành êm ái ngay cửa sổ ngoài hàng hiên.

Vào lúc đến bên cạnh chàng nàng thở không ra hơi, nhưng chàng cảm giác được nàng đang lo âu, và trước khi nàng toan lên tiếng chàng hỏi.

“Có vấn đề gì thế? Chuyện gì làm cho em lo lắng?”

“Ôi Fyfe ơi, Fyfe!”

Tiếng kêu phát ra tận đáy tâm can nàng. Khi chàng chìa tay về hướng nàng, nàng đưa hay tay siết chặt lấy, bám víu lấy bàn tay ấy như chiếc phao cứu nàng khỏi chết đuối.

“Có vấn đề gì?” Fyfe lại hỏi.

“Là ba... tôi! Ông vừa tới... đây! Chắc ông đã khám phá ra chỗ tôi đang ở và đến bắt tôi đi!”

Vẫn cầm tay Fyfe, trong lúc nói nàng sụp xuống qùy bên cạnh chàng.

“Cứu... tôi với! Hãy cứu... tôi!” nàng van nài. “Nếu tôi quay về với ông ấy... mama sẽ bắt tôi lấy người... chẳng có hứng thú gì với tôi... ngoại trừ tiền của tôi.”

“Đó là lý do em bỏ trốn sao?

“Vâng... tôi không làm chuyện đó được... nhưng họ sẽ bắt tôi phải làm. Họ sẽ... ép tôi kết hôn, và cái ý định đó hết thảy đều... khủng khiếp! Hèn hạ!”

Giọng Susanna vỡ òa, và Fyfe siết chặt tay nàng. Rồi chàng khẽ khàng nói.

“Em nói ba em vừa tới. Thế ông ấy có thấy em không?”

“Không. Tôi ở trong tiền sảnh rồi tôi đến gặp ông... ngay. Ôi Fyfe... tôi có thể... làm gì đây?”

Tiếng kêu của nàng đầy tuyệt vọng, nước mắt đầm đìa trên má Susanna nói.

“Nếu tôi... trở về. Tôi sẽ mất hết tất cả. Dù tôi... có phản kháng tới đâu... chẳng có một ai chịu nghe tôi... nói cả.”

Giờ đây nàng khóc nức nở không thể nào dằn được, tâm trí cứ nghĩ tới việc mẹ nàng ép nàng kết hôn với quận công, rồi nghĩ rằng nàng sẽ bị thiên hạ nhìn mình bằng thái độ khinh thị và rẻ rúng, những ánh mắt đó đã chiếm một khoảng lớn trong đời nàng trước khi nàng đến Florence.

Chưa bao giờ nàng có thể trò chuyện bình thường và không bối rối ngượng ngùng với một người đàn ông như nàng từng nói với Fyfe, và nàng biết không người đàn ông nào khác muốn nói chuyện với nàng bằng thái độ như thế vì nàng quá xấu.

Nàng không biết chàng có thể làm gì để cứu nàng.

Nàng tìm đến chàng vì nàng yêu chàng và bởi vì trong khoảnh khắc này chàng là thành trì kiên cố vững chãi trong đời nàng và duy chỉ có chàng đã lấp đầy đời sống đó.

“Nghe này, Susanna,” Fyfe khẽ khàng nói, “anh muốn em ra trốn ngoài vườn. Hãy lánh mặt cho đến lúc anh gọi em. Anh sẽ giải quyết chuyện này.”

“Ba... sẽ nhất định... đòi gặp em.”

“Hãy để mọi cái cho anh lo. Anh hứa là em không cần phải sợ đâu.”

“Ba sẽ giận... em lắm và... mẹ sẽ... nổi cơn thịnh nộ. Họ làm cách nào... tìm được em vậy?”

“Cứ làm theo lời anh,” Fyfe nói, “đi ngay đi. Còn không nếu ba em khăng khăng muốn gặp em thì ông ấy sẽ thấy em ở đây.”

Lời của chàng khiến Susanna vụt nhổm dậy như một con nai nhỏ đang hốt hoảng.

Dường như nghe thấy tiếng chân ba nàng bước dọc theo lối đi, nàng lo âu nhìn về ra cửa, rồi buông bàn tay đang nắm tay Fyfe chặt cứng ra rồi lẻn ra vườn.

Nàng băng ngang bãi cỏ và xuyên qua những bụi cây cho đến khi tìm thấy một chỗ ngồi kín đáo trong lùm cây nhưng có quang cảnh hấp dẫn trước mặt.

Nhưng duy chỉ một lần khi nàng tiến đến chỗ ngồi Susanna không hề cảm thấy hứng thú với vẻ mỹ miều bên dưới.

Thay vì thế, nàng đưa tay che mặt và ngồi tự hỏi một cách tuyệt vọng chừng nào thì ba nàng sẽ buộc nàng trở về với ông ấy.

Ngoài ra nàng đoan chắc ba rất giận nàng vì phải rời London giữa mùa lễ hội đi Ý tìm nàng.

Nàng run rẩy khi nghĩ đến mẹ nàng sẽ nói năng ra sao khi nàng về nhà.

Dù bà có giận đến chừng nào đi nữa, dù có trút lên bao nhiêu quở trách và giận dữ lên đầu nàng vì hành vi của nàng, các kế hoạch sắp sẵn cho tương lai của nàng sẽ không thay đổi mảy may.

Nếu không phải là quận công người nàng phải thành hôn thì cũng là một người đàn ông qúy tộc khác, kẻ sẽ thấy gia tài của nàng đủ hấp dẫn để chịu đựng sự khiếm khuyết của nàng.

“Sao mình chịu đựng nổi đây?” Susanna tự hỏi.

Nàng biết từ khi biết Fyfe và yêu chàng thì dự tính làm chuyện đó còn gian nan và kinh khủng hơn trước đây.

Lần đầu tiên trong đời nàng mới có khả năng ăn nói như một con người với người gần trạc tuổi nàng.

Cô Harding từng chỉ bảo và tạo cho nàng sự hiểu biết sâu sắc đã trở thành kiến thức mà vì đó nàng luôn luôn cảm kích. Nhưng cô Harding đã trên năm mươi, và lúc nào cô cũng là cô giáo còn Susanna là học trò.

Nhưng với Fyfe nàng có quan hệ tương đương.

Khi thì họ tranh luận, lúc thì cãi tay đôi, và giao đấu với nhau và thậm chí quan trọng hơn là cười đùa cùng nhau, đó là niềm hưng phấn và thích thú nàng chưa bao giờ biết đến dạo trước.

Giờ đây chuyện đó đã chấm dứt, không phải là vì Fyfe hết cần nàng nhưng vì nàng bị ép uổng phải quay về với đời sống bao vây nàng như một nhà tù, và nàng sẽ không thể nào trốn thoát cái lồng giam ấy.

Bất cứ người đàn ông nào mẹ buộc nàng phải lấy sẽ trở thành một phần tử theo đuổi khoái lạc phù phiếm trong cái xã hội mà phu nhân Lavenham sáng chói như một món nữ trang lóng lánh.

Những người đàn ông trong xã hội đặc biệt đó chỉ quan tâm đến thể thao còn đàn bà thì thích tán tỉnh ve vãn, và những chuyện tình cảm yêu đương choán đầy tâm trí họ đến cái độ chẳng còn thời giờ cho bất kỳ chuyện nào khác.

Vì chẳng có ai thích tán tỉnh mình Susanna biết tài sản duy nhất của mình là tài khoản ngân hàng to tát. Trong một thời gian ngắn sau nàng sẽ trở thành một bóng ma nhợt nhạt đi hết tiệc tùng ở nhà này sang nhà khác hay chiêu đãi khách trong tòa lâu đài công tước đã được tu sửa và trang trí lại bằng tiền của nàng. Rồi nàng sẽ thấy mình trở thành nữ chủ nhân đối với những con người không buồn mở miệng nói chuyện với mình trừ phi là họ muốn, còn nàng thì không hề hứng thú với những điều họ nói hay làm vì mọi phương diện đều xa lạ với sở thích của nàng.

“Chúa ơi,” nàng cầu xin, “hãy cứu con thoát khỏi những thứ đó đi! Hãy ban cho con cơ hội trốn thoát lần nữa, cho dù con có phải sống đơn độc hay phải lau chùi nhà cửa để kiếm sống cũng được!”

Nhưng nàng hiểu dù có cầu nguyện chuyện đó cũng không thể nào xảy ra.

Khi trở về với mẹ nàng, ý chí của nàng sẽ bị gọt đến độ cùn nhụt và nàng sẽ phải thành hôn trước khi biết chuyện gì đang xảy ra. Nàng ngờ rằng nguyên do ba đi tìm nàng là do mẹ đã sắp đặt mọi chuyện và bà ghét nhất khi thấy kế hoạch của mình bị cản trở.

“Tất cả mọi cái mẹ muốn,” Susanna tự nhủ, “là phủi trách nhiệm với mình, và dĩ nhiên việc cô con gái thứ của bà trở thành nữ công tước lại càng thêm nở mày nở mặt cho bà.”

Nàng vẫn nghe được tiếng nghẹn ngào của chị mình, vẫn thấy gương mặt xanh xao ủ dột của chị, và nàng cảm thấy mọi dây thần kinh trên cơ thể mình căng ra khi nghĩ đến những cái đang đón đợi nàng.

Nàng lấy tay ra khỏi mặt và tự hỏi mình còn phải ngồi trốn ở chỗ này bao lâu nữa theo lời Fyfe căn dặn.

Có lẽ Clint hay một người hầu nào đó đang đi tìm nàng để báo cho nàng biết ba đang đợi để dẫn nàng về lại London.

Giờ đây nàng không khóc ra nổi vì đã nàng đã qua giai đoạn phải nhỏ nước mắt.

Nàng nghĩ, lẽ ra nàng nên biết rằng câu chuyện thần thoại đã đến hồi kết thúc, hay đúng hơn con tàu đã tới để đưa nàng đi khỏi hòn đảo quyến rũ nơi nàng từng sống hạnh phúc với Fyfe sẽ là con tàu tù đày.

Khi lên tàu, toàn bộ chuỗi sự việc mà nàng không có cách nào để khống chế sẽ bắt đầu tiến hành.

Nàng tự hỏi thà chết còn hơn sống cuộc đời như thế có phải hay hơn không, nhưng nàng hiểu là mình không có can đảm để tự kết liễu mạng sống hay muốn làm như thế.

“Có lẽ mình nên nhảy xuống nước tự tử,” nàng nghĩ, “khi ra bơi tối qua còn hơn.”

Nàng vẫn ra bơi như thường lệ, bơi lên bơi xuống rất lâu, thưởng thức môn vận động cơ thể này cũng như vẻ đẹp của trăng sao và đom đóm.

Rồi lại đến ngồi trên bờ hồ nhúng chân xuống nước nghĩ đến Fyfe và nàng yêu chàng biết bao nhiêu.

Tối qua nàng tưởng tượng chàng là Lorenzo Vĩ Đại trong tiền kiếp, còn nàng là một trong những người đàn bà chàng từng chung thủy suốt hai năm.

Được Fyfe yêu, nàng tự bảo, hai năm, hai tháng, hay thậm chí là hai tuần cũng xứng đáng với những khổ sở, đau lòng tiếp theo đó.

“Mình yêu anh ấy... yêu anh ấy,” nàng thì thầm với các vì sao, “chính vì mình cầu xin có được tình yêu mình không bao giờ được tỏ ra vô ơn hay trách móc vì nó gây thương tổn cho mình.”

Trước khi bác sỹ tháo băng mắt cho chàng nàng tưởng tượng mình sẽ có can đảm yêu cầu Fyfe hôn nàng chỉ một lần thôi, dù nàng biết rõ chàng sẽ không bao giờ muốn làm điều đó sau khi đã thấy nàng.

Hình dung ra mình là Vệ Nữ, nếu chàng hôn nàng có lẽ chẳng có chuyện gì là quan trọng nữa vì nàng sẽ có được hồi ức của mình.

Cho dù có trở lại Anh và kết hôn với công tước, nàng tự nhủ, nàng vẫn biết môi nàng đã được Fyfe chiếm hữu và tim nàng đã thuộc về chàng nên nó không còn hiện hữu trong cơ thể để hành hạ nàng nữa.

Rốt cuộc sau khi ngồi ở đấy một lúc lâu nàng biết những gì mình tưởng tượng dưới trăng sao sẽ không bao giờ biến thành hiện thực.

Nàng không thể nào yêu cầu Fyfe hôn nàng vì làm thế sẽ phản bội lòng tin cậy của chàng đối với nàng.

“Mình sẽ không bao giờ được người đàn ông nào hôn nữa,” Susanna thoáng nghẹn ngào nghĩ thầm, “ngoại trừ việc có lẽ sẽ được hôn bởi người đàn ông đang tiêu tiền của mình! Ôi Chúa, giá mà con chết được!”

Nàng lớn tiếng nói ra miệng, nhưng rồi lại xấu hổ vì nàng biết tước đoạt mạng sống là tội lỗi, vì bản chất sự sống là điều hết sức qúy giá.

“Biết đâu có ngày mình sẽ được đền bù cho những khổ hạnh mình phải gánh chịu,” nàng tự nói với mình nhưng cũng không biết sự bù đắp ấy là gì.

Mọi bản năng trong khắp cơ thể nàng co cụm né tránh những cái mẹ nàng đã sách hoạch cho nàng, tuy nhiên cho dù thông minh cơ trí đến đâu nàng cũng không thể nghĩ ra được mình sẽ làm cách nào để tránh khỏi bị ép hôn hay trốn thoát lần nữa khi bị đưa về London trong nhục nhã.

Nàng chợt nghĩ biết đâu ba sẽ tỏ ra thô bạo hay bất đồng với Fyfe.

“Lẽ ra mình lúc đó mình nên ở lại và phân trần với ba rằng đấy không phải là lỗi của anh ấy và anh không hề biết được mình là ai,” nàng tự nhủ.

Rồi nàng nghĩ rằng cho dù mắt chàng đang bị băng và chàng suýt mất mạng trong tai nạn xe, Fyfe không phải là loại người để cho kẻ khác bắt nạt mình hay sợ sệt bất cứ ai.

CHAPTER 7

(7-1)

“Tôi xếp đồ vào rương cho cô, signorina,” Francesca nói bằng giọng Anh ngọng nghịu mà cô muốn học khá hơn khi làm tóc cho Susanna.

“Cám ơn cô,” Susanna nói nhỏ.

“Nếu signorina đi là ông giận lắm đó. Rồi signor (ông) phải làm sao đây?”

Francesca không nghe thấy tiếng trả lời, cô cũng không lấy làm ngạc nhiên vì Susanna đang đọc sách.

Vài quyển đã được bưu điện đem tới vào lúc trưa, nàng lật nhanh qua những trang sách để tìm mục gì đấy tạo thích thú cho Fyfe và để khơi lên cuộc tranh luận sôi nổi của họ.

“Tôi đang thắc mắc, signorina,” Francesca tiếp tục nói, cô chuyển qua tiếng Ý ấm áp, sinh động, “cô sẽ mặc cái gì để đi đây?”

Susanna chợt chú ý đến những chữ cuối.

“Đi? Ồ, mặc bộ áo lúc tôi đến đây,” nàng vội trả lời rồi quay lại với mấy cuốn sách.

“Nhưng signorina, tôi chưa sửa áo lại cái áo đó cho cô,” Francesca thốt lên. “Không thể nào, chắc chắn không thể nào làm mau như vậy được!”

Rồi cô nhận ra những lời mình nói như rơi vào khoảng không và cứ tiếp tục tự mình càu nhàu trong lúc bước vội tới tủ áo chọn một cái áo đầm cho Susanna mặc để đi Florence với ông Chambers.

Vì nàng có quá ít thời gian đọc, và hết sức muốn tìm cách giải trí và làm cho Fyfe vui, ngay sau khi tới biệt thự và nhận thấy Francesca là người hầu rất thạo việc, Susanna lập thành một thói quen. Nó tạo cho nàng cơ hội duy nhất có thể thực hiện được cái mà nàng gọi là “nghiên cứu.”

Ngay khi vào giường nàng đọc cho đến khi mọi nơi đều yên tĩnh và nàng cho là an toàn để lẻn ra vườn đi bơi.

Khi trở lại thường thường nàng rất buồn ngủ nếu không thì lại quá mê mải trong hạnh phúc ngây ngất không cách nào dứt ra được đến nỗi lên giường là ngủ ngay.

Rồi nàng lại thức dậy sớm và nằm đọc cho đến khi Francesca gọi nàng. Khi bước chân xuống giường thì nàng hoàn toàn giao phó mình vào đôi tay khéo léo của cô hầu mắt đen.

Francesca chính là người giúp nàng làm tóc, giúp nàng trước hết mặc những lớp nội y, tiếp theo là đến tủ áo chọn y phục cho nàng.

Mắt vẫn còn đọc sách, Susanna đưa một cánh tay hay giơ một chân lên xỏ vào áo, và lúc Francesca đã sửa soạn xong cho nàng, nàng sẽ đi từ phòng ngủ mình ra hàng hiên nơi ông Chambers sẽ đến dùng bữa sáng với nàng, thậm chí cũng không màng liếc vào gương.

Nếu nàng soi gương thì thật tình cũng chẳng có lợi ích gì, vì biệt thự được trang hoàng bởi đàn ông nên có rất ít gương, và những tấm gương đó rất cổ, mặt kính đã trở nên sai lạc vì cũ kỹ.

Thậm chí khi còn ở nhà, Susanna cũng hiếm khi soi gương, còn trong lúc ở biệt thự nàng hoàn toàn muốn quên đi diện mạo của mình.

Nàng muốn tiếp tục nghĩ mình như Vệ Nữ khi đi bơi hồ, và bởi vì mọi thứ chung quanh nàng đều xinh đẹp nàng không thể nào đành đoạn thấy mình mập mạp, xấu xí phá hỏng hết cảnh vật chung quanh.

Hiện giờ nàng vừa đọc sách vừa bước dọc theo lối đi, và chỉ khi đến sảnh đường chỗ ông Chambers đứng ngồi đợi nàng mới bỏ sách xuống bàn và cầm lấy cây dù ông chìa ra cho nàng.

“Hôm nay trời rất nóng,” ông nói để trả lời cho câu hỏi hiện lên trong mắt nàng, “nếu cô không đội nón thì cô sẽ cần đến đấy.”

“Ông biết là tôi ghét nón mà,” Susanna đáp, “và tôi thích cảm giác nắng chiếu trên đầu.”

“Nhưng cô không nên làm cháy da.”

“Fyfe đang ngủ à?”

Nàng hy vọng được hôn tạm biệt chàng, cho dù họ đi Florence chỉ có vài tiếng.

“Clint đã đưa ông ấy vào nghỉ, tôi nghĩ anh ta sẽ giận lắm nếu cô khuấy nhiễu ông ấy.”

Nàng khẽ thở dài.

Thật là khổ sở, nàng nghĩ, dù chỉ xa Fyfe có vài phút huống hồ là cả nửa buổi chiều.

Khi nàng vào gặp chàng sáng nay, nàng vẫn không ngờ được là hôm qua mình không hề nằm mơ khi chàng nói yêu nàng, đã ôm nàng vào lòng và hôn nàng cho đến khi cả căn phòng xoay tròn chung quanh nàng và quên hết mọi cái nàng muốn nói.

Nàng chỉ đành thì thầm, như từng làm dạo trước.

“Em yêu...anh!”

“Anh yêu em, em yêu,” Fyfe nói. “Tối qua anh nằm thức lâu lắm, nghĩ rằng mình là người may mắn nhất trên thế giới.”

“Anh rất là tuyệt... rất cừ khôi!”

Chàng bật cười nho nhỏ.

“Thế anh thực đã vươn đến đỉnh cao của Lorenzo chưa? Anh nghĩ rằng tính từ ấy chỉ áp dụng cho ông ta thôi chứ.”

Chàng lại hôn nàng, đoạn nói.

“Clint giận anh vì quá thao thức về em đến độ không ngủ như thường lệ.”

“Ồ... em xin lỗi! Em cũng không ngủ được, em cứ nghĩ chắc mình đang mơ.”

“Anh sẽ làm cho em tin rằng đó không phải là mơ trừ phi anh cũng đang mơ,” Fyfe trầm giọng nói.

“Anh phải nghỉ đi,” Susanna nói mau, “và không được thao thức quá.”

“Anh đang háo hức quá mà,” chàng nói. “Làm sao anh còn tâm trạng nào khác khi anh được ôm em, hôn em khi anh đã muốn làm từ lâu lắm rồi?”

Lời của chàng làm Susanna cảm thấy như mình đang bước trên những áng mây rực rỡ, nhưng nàng nói.

“Chúng mình phải ý thức mới được cho đến khi anh lành hẳn. Bây giờ em không đành lòng thấy anh trở bệnh lại đâu, khi trông anh có vẻ mỗi ngày một khỏe hơn.”

“Anh hứa với em,” Fyfe nói, “là anh sẽ ráng ngủ chiều nay.”

Susanna cảm thấy nhói lòng tiêng tiếc vì không được ở với chàng, nhưng nàng dịu dàng nói.

“Vậy mới phải, em sẽ không làm quấy rầy anh đâu.”

“Em cứ làm như thế đi bất cứ lúc nào anh nghĩ đến em.”

Chính vì yêu chàng quá đỗi Susanna luồn tay vào tay chàng khi nàng nói.

“Anh cần phải ngủ... nhưng làm ơn, em có thể ở với anh... cho đến lúc đó không?”

Nàng cứ như là một đứa bé, chàng nâng tay nàng lên môi trước lúc nói.

“Anh cam đoan với em anh không hề muốn xa em dù chỉ năm phút, nhưng anh thật khó lòng không gọi em nếu em ở trong nhà, anh muốn em đi Florence với Chambers và ngắm một số đồ qúy của thành phố.”

Chàng dừng lại trước khi nói tiếp.

“Ở cương vị chủ nhà anh thấy mình không tròn bổn phận vì em chưa được xem San Lorenzo, San Marco, Campanile của Gritto, điện Vecchio, hay Bargello.”

Susanna kêu lên.

“Ngưng! Ngưng lại đi! Nếu em xem hết mấy cái đó em sẽ xa anh mấy tuần luôn!”

“Anh chỉ trêu em thôi,” Fyfe nói, “nhưng em phải xem David của Michelangelo và Perseus của Cellini, để em nói cho anh biết em có thấy họ hấp dẫn hơn Lorenzo và tất nhiên là anh không!”

“Anh đã biết câu trả lời mà,” Susanna đáp.

“Khi ở đó em nên ghé mắt đến Vệ Nữ của Botticelli và Thánh Nữ của Lippi trước khi anh ở vào đúng vị thế để nói cho em biết em giống ai.”

Susanna sững người.

“Anh... biết chừng nào bác sỹ... sẽ tháo băng cho anh không?”

Nói những chữ đó thật là khó nhọc, từ ngữ rời môi nàng một cách miễn cưỡng.

Nàng nhẹ lòng khi Fyfe nhún vai.

“Anh đã bảo Chambers tìm hiểu xem khi nào họ định làm,” chàng đáp. “Ông ấy nghĩ có thể trong nhiều ngày hay thêm một tuần nữa.”

Susanna cảm thấy lòng tràn đầy thanh thản.

Nàng chưa phải xa chàng.

Nàng vẫn có thể gặp chàng và trò chuyện cùng chàng; chàng sẽ hôn nàng và nàng có thể sống thêm ít lâu trong cõi thiên đường đặc biệt dường như đang bao phủ họ bằng ánh sáng chói lóa.

Vì không dằn lòng nổi nàng nhích lại gần chàng thêm chút nữa đoạn hỏi.

“Nói cho em biết chính xác... chừng nào em có thể từ Florence về gặp anh?”

“Năm giờ nhé?” chàng trả lời.

“Lâu vậy à?” Susanna kêu ca.

“Anh thấy khó mà cãi được Clint khi anh ta bắt nạt anh phải tự chăm sóc cho mình,” Fyfe mỉm cười. “Anh ta luôn luôn đưa ra những lý lẽ có sức thuyết phục lắm vì sao anh nên làm theo cái anh ta muốn. Chính là hôm nay vì em mà anh muốn khỏe khắn.”

“Trong trường hợp đó,” Susanna nói nhỏ, “Clint nói... đúng đấy. Đương nhiên em yêu anh nhiều lắm nên không muốn làm bất cứ chuyện gì để làm anh bệnh.”

Nàng nói như để tự thuyết phục, dù tuyệt vọng biết rằng khi Fyfe thật sự khỏe hẳn nàng sẽ không bao giờ gặp chàng nữa.

‘Khi anh thấy được,’ nàng nghĩ, ‘mình sẽ ở trong tâm trí anh như anh đã hình dung mình, giống như Simonetta Vespucci hay Lucretia Buti, và anh sẽ không bao giờ, không bao giờ biết trên thực tế Susanna Lavenham nhìn ra sao.’

“Sao em lại nghĩ ngợi buồn bã vậy khi mình rất vui vẻ kia mà?” Fyfe hỏi.

Nàng giật mình thoáng chút áy náy.

“Sao anh biết em buồn?”

“Anh đang sử dụng Tam Nhãn, hay anh phải nói là anh luôn luôn dùng nó khi liên quan đến em.”

“Em đâu có buồn,” Susanna nói bằng giọng khẳng định. “Sao em lại buồn, khi em... ở gần anh và anh nói anh... yêu em?”

Nàng ngẩng lên nhìn chàng một cách nài nỉ khi nói thêm.

“Anh có thật yêu em... hơn anh yêu người nào khác không?”

“Bây giờ anh biết anh chưa từng yêu ai cả,” Fyfe nói. “Tất cả những người phụ nữ khác anh biết trong quá khứ đều làm anh thất vọng cách này hay cách khác. Anh thực tình nghĩ đó là vì họ thỏa mãn cặp mắt anh, nhưng tâm trí anh lại thấy họ thiếu sót trong nhiều phương diện khác.”

Môi chàng nhếch lên thành nụ cười mà nàng rất yêu trước khi chàng nói thêm.

“Anh biết em đang đợi anh nói những sự nhận thức đó của anh đã chín chắn dưới sự hướng dẫn của em, bảo cho anh biết em là mọi cái anh muốn và cần trong đời. Thực ra em là một nửa kia của anh!”

Vì quá cảm động, Susanan cảm thấy mắt mình ngấn lệ, nhưng nàng ép mình nói nhẹ nhàng.

“Em không bao giờ... mong được làm nửa kia của ‘Fyfe Vĩ Đại’ nhưng em mãn nguyện... rất mãn nguyện làm... một cái bóng của tim anh.”

“Không phải là cái bóng,” chàng đáp, “nhưng ở trong tim anh và là một phần của tim anh – thực ra, anh nghi rằng em không phải là nguyên trái tim đấy chứ!”

Trong lúc nói chàng lại kéo nàng vào trong lòng và hôn nàng.

Rồi khi hơi thở của nàng trở nên gấp gáp hơn nàng cảm thấy toàn bộ cơ thể mình phản ứng theo chàng, nàng giấu mặt vào vai chàng và tay chàng vuốt ve mái tóc nàng.

“Tóc em mượt như lụa vậy,” chàng nói. “Lụa Florentine làm ra ở đây, rồi mình sẽ cùng nhau đi mua khi đó anh có thể chọn màu nào hợp với em nhất.”

Susanna thấy không thể nào trả lời chàng rồi chàng tiếp tục.

“Nói cho anh biết tóc em dài cỡ nào. Anh sờ mớ tóc búi gọn gàng trên cái đầu nhỏ của em thì đoán chừng nó rậm, dài, và phủ vai em như đám mây mềm vậy.”

“Anh... làm em... mắc cỡ.”

“Anh thích em mắc cỡ,” chàng trả lời, “lúc đó anh có thể thấy được má em đỏ ửng.”

Mọi chữ chàng nói làm Susanna nhớ đến trong tâm trạng đau đớn rằng nàng còn rất ít thời gian.

Sao chàng lại nghĩ mái tóc màu sắc ảm đạm của nàng là đẹp đẽ chứ? Dù thực sự nó rất dài, lúc nào cũng nhìn thẳng đuột và khá giống cái đuôi chuột chứ chẳng có chỗ nào giống như mây óng ánh mà chàng đang hình dung.

“Khi anh sáng mắt,” Fyfe nói, “anh chỉ muốn nhìn em, em yêu qúy, nhưng có rất nhiều cái mình có thể cùng làm với nhau. Anh mừng là dù sao em mới xem Florence được đôi chút thôi. Anh muốn chỉ cho em những bức tượng và tranh họa ưa thích của anh.”

Chàng ấn môi vào trán nàng một hồi.

“Dạo trước những phụ nữ anh đưa đi xem lúc nào cũng ấu trĩ lạ lùng về nghệ thuật làm anh khó chịu. Anh biết đối với em anh không khi nào cảm thấy như thế.”

Susanna khẽ lẩm bẩm và chàng tiếp tục.

“Ở Florence, Paris, và New York – có cả triệu thứ cho mình thưởng thức. Anh cảm thấy rằng vì anh yêu em toàn thể thế giới đều dành cho mình để khám phá, nhưng không có em thì nó đối với anh cũng giống như bây giờ – chẳng có gì ngoài bóng tối.”

“Anh không... được nói... như thế,” Susanna phản đối.

“Đúng đấy,” chàng nói. “Em đã mang ánh sáng vào bóng tối của anh từ lúc đầu tiên ở London, em đã đọc cho anh nghe bằng giọng nói kỳ diệu của em. Nếu em bỏ đi, anh lại trở thành mù lòa với tất cả mọi thứ em đã dạy anh nhìn.”

“Đừng! Đừng!” Susanna kêu lên hốt hoảng. “Anh không được nói như thế! Anh là anh! Là người cừ khôi, độc lập, và sáng suốt! Anh không cần... em đâu.”

“Anh phải mất cả đời để nói cho em hiểu rằng anh cần em, muốn em đến chừng nào.”

Rồi chàng lại hôn nàng còn nàng không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài chàng và tình yêu dành cho chàng.

Rời Fyfe vào lúc ăn trưa thật là khó khắn nhưng chàng từng nói khi nàng vừa biết chàng.

“Tôi sẽ không để cho ai thấy tôi biến thành tên ngu trong lúc tôi ăn uống như một đứa bé. Nếu tôi cần uống nước thì cô phải ra ngoài.”

Chàng đã nói một cách gay gắt, gần như là thô bạo, vì trong những ngày đó chàng hãy còn chống trả với mù lòa và căm ghét sự bất lực của mình.

Susanna đã thoáng hy vọng rằng khi tháo băng ra khỏi miệng nàng có thể ở lại với chàng trong bữa ăn, nhưng chàng luôn luôn kêu nàng đi ra và nói rằng.

“Anh hãy còn cần người khác cắt thức ăn cho anh. Anh hãy còn đánh đổ đánh tháo và ăn uống không gọn gàng, nên anh muốn ăn riêng.”

Susanna hiểu được cảm giác của chàng, vì nàng biết chàng là người rất khó tính.

“Nói đến người này thì luôn luôn ngăn nắp, luôn luôn gọn gàng,” có ngày Clint đã nói với nàng như thế. “Cô à, rồi cô sẽ hiểu vì sao tôi thấy nhẹ cả người khi thấy mặt ông ấy không bị sẹo. Ông ấy không thể nào chịu đựng thấy mình xấu xí, và đó chính là điều duy nhất mà tôi sợ.”

(7-2)

Những điều Clint nói lại thêm thúc thêm một cú nữa vào lòng cương quyết của Susanna rằng nàng sẽ không bao giờ để cho chàng thấy nàng.

Đương nhiên, đẹp trai như chàng và cả đời vây quanh toàn là những cái đẹp đẽ như thế thì chàng chỉ muốn người đàn bà mình yêu cũng xinh đẹp.

Nàng đã sắp xếp kế hoạch của mình rất cẩn thận.

Nàng sẽ thu dọn đồ đạc vào rương để khi bác sĩ tới tháo băng, nàng sẽ nói với gia nhân rằng mình nhận được điện tín và phải đi London ngay lập tức.

Họ sẽ đem xe đến cửa, hành lý của nàng sẽ được đem lên, và nàng chỉ cần đợi bác sĩ ra khỏi phòng Fyfe để biết tự sự.

Nếu chàng thấy lại được, nàng sẽ rời đi ngay trước khi chàng có thời gian tìm nàng.

Mặt khác, nếu sự tình xấu nhất xảy ra và chàng bị mù, chàng sẽ cần nàng thì nàng nhìn ra sao thì cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Tất cả dường như rất đơn giản, nhưng nàng biết việc bỏ đi đối với nàng giống như bị đóng đinh vào thập tự giá, tuy nhiên trong lúc này nàng không còn lựa chọn nào khác.

Làm sao mà nàng có thể ở lại, nàng tự hỏi, để rồi thấy ánh mắt thất vọng của Fyfe dần dần chuyển thành khinh bỉ và ngạo mạn như mẹ nàng thường làm đối với nàng?

Còn nữa, cảm giác của chàng biết đâu sẽ trở thành căm ghét đơn giản chỉ vì nàng đã nói dối chàng và lừa gạt tính cả tin của chàng.

Trong lúc Fyfe nghỉ ngơi, việc nàng và ông Chambers đi Florence đã tạo cho nàng lý do để hỏi vay một số tiền.

“Tôi e là ông đã nói đúng và tôi đã tiêu khá nhiều trên món quà sinh nhật của Fyfe,” nàng nói. “Tôi rất cảm ơn nếu ông có thể cho tôi vay tiền lương, dù tôi nghĩ một hai ngày nữa mới đến kỳ phát lương.”

“Chắc chắn là được mà,” ông Chambers đáp, “nếu sau này cô muốn vay bao nhiêu tôi sẽ ứng trước cho cô chừng đó.”

Susanan muốn nói rằng không công thì không nhận lộc, nhưng nàng đáp.

“Một tháng lương với tôi là đủ rồi. Tôi nghĩ đem nhiều tiền trong người quá không hay.”

“Phải, đúng vậy,” ông đồng ý.

Giờ khi nàng bước lên xe ông trao cho nàng một phong bì mà nàng biết thế nào cũng có đủ tiền để mua vé tàu về Anh, hay lưu lại một khách sạn rẻ tiền ở Ý.

Nàng vẫn chưa thực sự quyết định, nếu mất Fyfe rồi, nàng sẽ về nhà hay tìm việc ở nước ngoài. Nàng hoàn toàn chắc chắn kiếm việc làm sẽ không gặp khó khăn vì nàng thạo ngoại ngữ, tuy nhiên ý nghĩ ở một mình và cô độc giờ đây còn đáng sợ hơn lúc nàng vừa quyết định bỏ nhà trốn đi.

Biết Fyfe và yêu chàng đã làm cho tương lai dường như, như chàng đã diễn tả, hoàn toàn và tuyệt đối tăm tối, vì chàng không còn ở đấy nữa.

“Mình phải làm gì đây?” Susanna tự hỏi cả ngàn lần rồi.

Nhưng nàng không thể tìm thấy câu trả lời và nàng tự bảo đấy là vì trong khoảnh khắc nàng chỉ có thể nghĩ đến Fyfe và những giờ phút tuyệt diệu, qúy giá khi nàng ở bên chàng.

“Mình sẽ đi đâu trước đây?” Nàng hỏi ông Chambers.

“Bất cứ chỗ nào cô thích,” chàng trả lời. “Tôi có chỉ thị nghiêm nhặt từ Fyfe là để cô ra khỏi biệt thự cho đến năm giờ. Nếu không, ông ấy nói là ông ấy sẽ phá vỡ hết mọi quy định của Clint và đòi cô phải ở bên cạnh.”

Susanna khẽ thở dài và Chambers nói tiếp.

“Tôi chưa bao giờ thấy Fyfe vui vẻ hay yêu đương đến thế.”

“Chắc từng có... nhiều phụ nữ trong đời anh ấy,” Susanna thấp giọng nói.

“Tôi không muốn sỉ nhục trí thông minh của cô bằng cách trả lời dối trá,” ông Chambers đáp. “Phụ nữ theo đuổi ông ấy từ khi ông ấy còn rất trẻ.”

“Tôi đoán... được.”

“Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Ông ấy không những đẹp trai và tài giỏi cực kỳ, mà còn là con trai một của người giàu nhất nước Mỹ.”

“Tôi không hề biết anh ấy giàu... đến thế!”

“Ông cụ Falcon, người cũng tài giỏi như con trai mình, đã đầu tư vào xe lửa trong thời kỳ trứng nước và mua luôn cả đất đai mà họ có thể đặt chân tới.”

“Trong khi đó Fyfe thích xe ô tô.”

“Ông ấy thích bất cứ cái gì tiến triển, di chuyển nhanh chóng, và để cho đầu óc mình kích thích và hoạt động, cũng như cô.”

“Ông không mong tôi... cạnh tranh với xe Falcon chứ.”

“Thì cô đã làm đúng y như vậy rồi còn gì,” ông Chambers mỉm cười nói, “và đó là tại sao tôi cảm kích cô. Cô đã cho ông ấy cái mà không người nào khác làm được trước đây.”

Susanna nhìn ông tỏ vẻ chất vấn và ông nói hết ý mình.

“Đó là kiến thức mà về mặt trí tuệ ông ấy có thể vượt qua được bất kỳ sự bất lực nào của thể xác, thậm chí là mù lòa.”

“Tôi nghĩ rồi từ từ... anh ấy cũng khám phá ra được, bằng chính khả năng của mình.”

“Tôi không dám chắc,” ông Chambers nói. “Nếu cô thấy được ông ấy ở trong tình trạng khi chúng tôi vượt Đại Tây Dương, thì cô mới biết ông ấy thà là chết còn hơn sống để đối diện với việc mình phải sống hết đời trong bóng tối.”

“Cái đó... chắc hẳn... không xảy ra đâu!” Susanna vội nói.

“Tôi cầu là sự lạc quan của chúng ta được vững chắc,” ông Chambers nói, “nhưng nếu nói về mặt bất hạnh, chuyện xấu nhất sẽ xảy ra, đến lúc đó tôi tin là với sự giúp đỡ của cô ông ấy sẽ tìm thấy một số chuyện hữu ích có thể làm được trên đời thậm chí không cần sử dụng đến đôi mắt.”

“Tôi đã nghĩ tới mặt đó,” Susanna nói. “Anh ấy chắc chắn có thể cố vấn và tham dự các buổi họp của công ty anh ấy.”

“Mình đều nghĩ tương tự như nhau,” ông Chambers nói, “nhưng tôi cam đoan trong thâm tâm, phần vì ông ấy luôn luôn gặp may và cũng bởi vì cô tạo cho ông ấy hy vọng và niềm tin nơi chính bản thân ông ấy, nên bây giờ có cơ hội hơn năm chục phần trăm là ông ấy sẽ qua ải một cách thắng lợi.”

“Tôi cũng cảm thấy như thế,” Susanna trả lời. “Tôi có cảm giác... rất mạnh mà tôi biết rõ trong lòng là anh ấy sẽ... thấy lại được cũng như tôi.”

Nàng nói một cách dự đoán và biết rằng Tam Nhãn của nàng không thể nào sai lạc khi liên quan tới Fyfe.

Dù mong ngóng trở về biệt thự, Susanna cũng không thể không hớn hở trước tượng David của Michelangelo.

Nàng cũng mê man bởi những công trình điêu khắc bao quanh phần mộ vĩ đại xây cho Lorenzo.

Trong chốc lát thật khó nghĩ đến Lorenzo mà không mong mỏi về Fyfe, và nàng nhận ra tính cách của chàng dường như chồng lên mọi cái nàng nhìn vào.

Đến bốn giờ thì ông Chambers dứt khoát muốn rằng, vì Fyfe đã nhắn ông làm thế, họ nên đến viện triển lãm Uffizi.

Ông thật tình không hiểu được tại sao Susanna không thiết tha ngắm gương mặt thanh tú của Vệ Nữ trong tranh Botticelli hay Đức Mẹ và Các Thánh của Lippi. Nhưng vì biết rằng ông Chambers sẽ không hiểu sao nàng lại từ chối làm theo lời yêu cầu, nàng đứng trước bức Vệ Nữ Đản Sinh tuyệt vọng nhìn đường nét mềm mại trái soan của Simonetta với đôi mắt xanh, và mái tóc đỏ ánh vàng buông trên bờ vai trắng của cô ấy.

Khi quay đi nàng thầm nghĩ nàng sẽ ghét cái ý tưởng về Vệ Nữ, bất cứ là Vệ Nữ nào cho đến hết đời.

“Giờ thì mình có thể về nhà!” ông Chambers mỉm cười nói. “Cô có mệt không?”

“Không mệt tí nào cả,” Susanna trả lời.

Ý nghĩ được gặp lại Fyfe làm cho mắt nàng long lanh, tim như đập nhanh hơn, khắp người thoáng lâng lâng náo nức vì trong lát nữa thôi nàng sẽ ở gần bên chàng, có lẽ trong vòng tay chàng cũng nên.

“Mình muốn anh ấy hôn mình,” nàng nghĩ. “Mình muốn cái đó nhất trên đời!”

Nàng cảm thấy ngựa đang leo đồi chậm rì muốn điên lên được nhưng rốt cuộc chúng đã tới bên ngoài biệt thự và không đợi người hầu ra khỏi khoang lái và mở cửa xe, nàng tự làm luôn.

Rồi nàng chạy bay lên bậc tam cấp.

Clint đang đợi trong khách sảnh.

“Ông chủ thức dậy chưa?” Susanna vừa thở hổn hển vừa hỏi.

“Cô à, ông ấy đang nóng lòng gặp cô,” Clint trả lời. “Nhưng tôi nghĩ là cô nên đi sửa soạn trước. Trong phòng cô đã để sẵn nước mát. Trong thành phố chắc giống như cái lò lửa.”

“Phải!” Susanna trả lời.

Nàng chỉ muốn đi thẳng đến chỗ Fyfe ngay.

Rồi nàng nghĩ nếu chàng hôn nàng có lẽ gò má nàng nóng bừng và chàng sẽ nhận ra tóc nàng bị gió sông Arno thổi tung một chút. Nàng đi vào phòng ngủ và thấy Francesca ở đó.

“Trong thành phố chắc nóng lắm hả signorina,” cô lập lại y như Clint. “Tôi đã lấy một bộ áo mát cho cô thay và trong bồn đã có sẵn nước cho cô.”

Vì bực bội từng giây từng phút không được ở cạnh Fyfe, Susanna hối hả tắm rửa và để Francesca thay áo cho nàng.

Cô hầu chải tóc nàng đâu vào đấy, rồi nàng chạy đi vì quá vội vã, Susanna băng ngang qua phòng và ùa xuống lối đi về hướng phòng ngủ của Fyfe.

Clint đang đợi ngay đó để mở cửa cho nàng, nàng đi vào phòng mắt sáng lên, môi nở nụ cười.

Rồi nàng khựng lại thình lình thấy rằng, không như nàng dự đoán, Fyfe không ở một mình nhưng còn có nhiều người khác ở trong phòng với chàng.

Nàng vô cùng ngạc nhiên nhìn họ, lòng thắc mắc không hiểu họ là ai và tại sao họ lại trang phục lạ lùng. Thế rồi Fyfe chìa tay ra, lúc này chàng đang đứng ở giữa phòng chỉ cách nàng một chút.

“Lại đây, Susanna!”

Nàng làm theo lời chàng và chàng cầm lấy tay nàng và giữ thật chặt.

“Em yêu à, vì anh,” chàng lên tiếng, “áy náy là đã nói dối với ba em, và bởi vì anh muốn nhiều hơn là anh có thể nói rằng em sẽ thuộc về anh, anh đã nhờ mục sư trong tòa đại sứ Mỹ để làm lễ cưới cho mình, ông ấy có quyền làm như thế.”

Susanna há hốc ngạc nhiên và hiện giờ nàng nhận ra một người đàn ông lớn tuổi trong phòng mặc theo kiểu tu sỹ và hai người đàn ông trẻ cũng mặc áo tu nhưng khác màu.

“Chỉ là một nghi lễ ngắn thôi cô Lavenham,” mục sư nói. “Và chắc cô đã nhận thấy rằng căn cứ trên luật Hoa Kỳ lễ cưới tôi cử hành cho cho hai vị là hoàn toàn hợp pháp.

Susanna cảm thấy như thể tiếng nói của mình đã tắc nghẹn trong cổ.

Nàng phải chặn việc này lại. Nàng không thể nào lấy Fyfe. Nàng phải nói cho Fyfe biết thế, và lý do vì sao.

Thế rồi chàng kéo nàng lên trước về phía mục sư, nàng biết mình không thể nói với chàng về bản thân mình trước mặt người lạ được.

Nàng có thể làm cách nào để giải thích đây, làm thế nào nàng có thể bảo chàng rằng nàng đã nói dối, rằng nàng không đẹp đẽ gì cả? Làm thế nào nàng có thể phá hủy tình yêu kỳ diệu và huy hoàng của họ bằng cách thú nhận sự lừa gạt riêng tư nhỏ mọn như thế chứ?

“Mình không thể lấy anh! Vì anh mình không thể nào cả,” Susanna kêu gào trong thâm tâm.

Nhưng con tim nàng bảo với nàng rằng nàng không thể gây tổn thương chàng, không thể nào làm cho chàng bẽ mặt và xấu hổ trước mặt vị mục sư của tòa đại sứ.

Trong lúc nàng đợi, lòng điên cuồng cố nghĩ ngợi xem mình nên làm gì thì mục sư đã mở quyển kinh ra và bắt đầu nghi lễ.

Buổi lễ rất ngắn, và khi Fyfe tuyên hứa bằng giọng trầm, thành khẩn dường như lan truyền sang cả Susanna. Nàng nghe chính tiếng của mình đáp lại ngập ngừng hầu như là tiếng nói của người xa lạ nào đó.

Dường như hiểu được tâm trạng xao động trong thâm tâm nàng, Fyfe nắm chặt tay nàng trong suốt thời gian họ hành lễ.

Bằng cách nào lạ lùng nào đó những ngón tay mạnh mẽ của chàng hình như đã cuốn sạch mọi thứ ngoại trừ tình yêu của họ.

‘Chính vì mình yêu anh nên mình phải cố cứu anh ra khỏi bản thân anh,’ nàng tự nhủ. Nhưng nàng chỉ còn nghĩ được rằng thân thể nàng cứ nhói lên hết lần này đến lần khác với ba chữ.

“Em yêu anh... em yêu anh...”

Một trong những người phụ lễ đưa cho Fyfe chiếc nhẫn mục sư đã làm phép trước khi chàng đeo vào cho nàng.

Nàng biết, khi giúp Fyfe bằng cách để ngón tay vào đúng chỗ, rằng nàng không nên làm chuyện này, rằng điều này là sai và khi biết chân tướng sự thật chàng sẽ tàn nhẫn ném nàng ra khỏi nhà và ra khỏi đời chàng vì nàng đã gạt chàng.

Tuy nhiên, thật quỷ quyệt làm sao, dưới bề mặt mọi thứ, lại là niềm hân hoan không thể ngờ khi biết rằng giờ đây nàng đã là vợ Fyfe và chính vì thế nàng sẽ không bị ép uổng lấy người khác.

Lễ kết thúc. Họ qùy xuống, mục sư chúc phúc cho họ, và khi họ đứng dậy Fyfe nâng tay Susanna lên môi chàng.

“Anh yêu em, em yêu!” chàng nói rất dịu dàng chỉ để nàng nghe.

Sau đó nàng dường như quá đỗi bàng hoàng để nhận thấy là buổi lễ vừa thực sự xảy ra.

Clint vào phòng với những ly champagne, và ông Chambers cũng đến gặp họ, cũng như toàn thể gia nhân trong biệt thự để chúc mừng họ bằng tiếng Ý. Susanna nghĩ họ đều vui vẻ như chính bản thân họ vừa mới kết hôn vậy.

Chỉ đến khi mục sư nói tạm biệt và ông Chambers tiễn ông ra cửa, và trong lúc gia nhân tản mát về chỗ ở của họ, thì Susanna mới thấy mình ở riêng với chồng nàng.

Họ đứng kề bên nhau khi chào tạm biệt mục sư, và khi Fyfe nghe tiếng cửa đóng chàng quay sang vòng tay ôm nàng

Trong khoảng khắc nàng nghĩ mình nên vùng ra khỏi tay chàng và kêu chàng phải nghe nàng nói, để nói với chàng nàng từ chối lấy chàng, nhưng không thể nào làm nổi.

Đến lúc đó đã quá trễ.

Chàng đang hôn nàng, và trên thế giới chẳng còn gì khác ngoài chàng...

Đối với Susanna hình như họ chỉ mới ở bên nhau có vài giây, dù thời gian đã lâu lắm, trước khi Clint đến bảo họ còn nửa tiếng nữa là bữa tối dọn lên.

“Trễ như vậy sao?” nàng thốt lên.

“Đã đến lúc ông chủ phải đi ngủ, thưa bà chủ,” Clint đáp.

“Đi ngủ à?” Susanna ngạc nhiên đáp lại. “Nhưng tôi nghĩ...”

“Ông hãy còn mệt, thưa bà,” Clint nói trước khi Fyfe kịp lên tiếng, “và tất cả mọi kích động này, như bà biết rõ đấy, không tốt cho ông đâu.”

Anh ta thấy vẻ thất vọng hiện trên mặt Susanna và nói thêm.

“Vẫn còn ngày mai mà, xin lỗi bà cho tôi được nói như thế, và nhiều năm trước mắt cho bà tâm sự, nhưng tôi không muốn để cho ông chủ mệt mỏi hay náo nức quá độ được, trong lúc này thì ông ấy đang trong tình trạng ấy đấy.”

“Cho chúng tôi năm phút để chúc ngủ ngon đi,” Fyfe ra lệnh, “rồi tôi sẽ để anh đưa tôi vào giường theo ý anh muốn.”

“Thưa ông được.”

Clint ra khỏi phòng và Fyfe kéo Susanna vào lòng chàng.

“Anh yêu em!” chàng nói. “Như Clint đã nói chúng mình còn nhiều năm để anh nói với em như thế và làm cho em tin lời anh.”

“Chuyện này... thật... có quá mức đối với anh không?” nàng lo lắng hỏi. “Làm sao mà em đoán được anh đã... sắp xếp chuyện rất ư... đặc biệt như thế khi anh kêu em đi Florence cơ chứ?”

“Anh không bao giờ nghĩ anh có thể giấu em một bí mật lớn như vậy,” Fyfe nói. “Anh có cảm giác Tam Nhãn của em đã bị hư và cần được sửa lại đấy.”

“Cho dù có cả ngàn mắt em cũng không bao giờ nghĩ anh sẽ làm chuyện thật tuyệt vời tuy nhiên lại quá khác thường như là cưới em nhưng thậm chí không hỏi em xem em có muốn... làm vợ anh không.”

“Em hối tiếc hay sao?”

“Không, không đâu! Em không bao giờ... tiếc hết,” Susanna trả lời, “miễn là anh... yêu em và luôn... yêu em.”

Khi nói thế nàng nghĩ chắc không thể nào đâu nhưng trong lúc gần bên chàng, và môi chàng đang dò dẫm môi nàng thì không thể nào nói năng gì hay nghĩ suy gì ngoài việc đấy là điều tuyệt vời trên tất cả tuyệt vời được làm vợ chàng.

Chàng hôn nàng cho đến khi Clint gõ cửa. Đoạn chàng nói.

“Khi em đi ngủ, em yêu qúy, hãy mơ đến anh như anh sẽ mơ đến em, ngày mai chúng mình sẽ dự tính tuần trăng mật nhé.”

Trong nhất thời nàng không thể nào trả lời chàng, vì giọng của nàng đã mất hút trong niềm ngây ngất mà những nụ hôn 

của chàng vừa dấy lên.

(7-3)

Trong nhất thời nàng không thể nào trả lời chàng, vì giọng của nàng đã mất hút trong niềm ngây ngất mà những nụ hôn của chàng vừa dấy lên.

Họ rời nhau ra, Fyfe nói “vào đi!” và khi Clint vào phòng, Susanna bước ra ngoài.

Nàng muốn được ở một mình, muốn suy nghĩ, nhưng Francesca đang đợi và nàng tự động mặc lại bộ dạ phục để ăn tối với ông Chambers.

Nàng lưu ý khi bước vào phòng ăn nơi họ sẽ dùng bữa tối rằng bàn đã được trang hoàng với hoa trắng.

Tim khẽ nhói lên nàng nghĩ rằng lẽ ra Fyfe đang ở ngồi đầu bàn, Fyfe sẽ là người cùng nàng dùng bữa tối trong đêm tân hôn của họ mới phải.

Vì nàng rất mến ông Chambers nàng không muốn ông biết những gì mình đang nghĩ, nên họ nói về xe Falcon và mẹ của Fyfe, bà đã mất khi chàng còn rất trẻ.

Thế rồi ông kể cho nàng biết Fyfe chưa bao giờ thực sự có một tổ ấm mặc dù chàng làm chủ nhà cửa nhiều nơi trên thế giới.

“Đó là cái tôi cảm thấy cô sẽ đem đến cho ông ấy,” ông Chambers nói. “Một mái nhà nơi ông ấy có căn có cội và nơi ông ấy sẽ an cư lạc nghiệp.”

Không cần ông nói thế Susanna cũng biết rằng Fyfe muốn có một gia đình, cái mà chàng luôn luôn thiếu thốn vì là con một.

Họ trò chuyện cho đến khi Susanna nghĩ chắc ông Chambers đã mệt, và nàng đề nghị họ nên rời phòng ăn.

Ông dường như sẵn sàng nói chúc nàng ngủ ngon, rồi nàng đi về phòng mình để Francesca thay áo cho nàng như cô vẫn thường làm và để chải tóc cho nàng trong lúc nàng đọc sách.

Lần đầu tiên nàng mới lưu ý rằng những chiếc rương của nàng, đã được sắp sẵn và để ở hốc tường trong phòng nàng, đã được đem đi.

“Gia nhân sẽ không cho rằng mình sẽ rời khỏi ngay bây giờ,” nàng tự nhủ, “nhưng đó là chuyện mình nên làm.”

Tuy thế, sao nàng lại có thể đi khỏi trong lúc này khi nàng đã lấy Fyfe đây? Đối với chàng mất một người vợ sẽ rất khác biệt với mất một nhân viên đọc sách.

‘Mình nên làm gì đây?’ nàng tự hỏi mình.

Rồi câu hỏi đã chuyển thành lời cầu xin nhưng dường như không có câu trả lời.

Vì đã từng làm thế mỗi tối, khi mọi nơi đều yên ắng nàng tự động trỗi dậy để đi ra hồ bơi. Khi kéo màn cửa mà Francesca đã đóng lại nàng thấy đêm sáng trăng y như lần đầu tiên nàng len lỏi ra vườn. Mọi vật tỏa sáng rạng rỡ trông rất yêu kiều, rất thanh khiết, và hình như thích hợp cho đêm tân hôn của nàng – ngoài việc nàng đang ở một mình.

Susanna đi chân trần xuyên qua cửa sổ, mặc chỉ mỗi tấm áo ngủ mỏng lúc vào giường. Trước khi rời phòng nàng làm cái việc như thường lệ – búi tóc lên đỉnh đầu, kẹp chặt để tóc khỏi bị ướt.

Rồi nàng đi ra bãi cỏ, cảm thấy nó vẫn còn ấm vì hơi nóng của mặt trời. Không gian thoang thoảng hương hoa, đặc biệt là thổ lan, Susanna cảm thấy tối nay mùi hương vây phủ nàng nhiều hơn dạo trước, chỉ vì mọi dây thần kinh trên cơ thể nàng đều đang thức tỉnh rộn ràng với tình yêu của nàng.

Bầu trời dường như có nhiều sao hơn bao giờ và không gian nhiều đom đóm hơn, chúng bay trước mặt nàng cho đến khi nàng tiến đến hồ bơi. Khi chúng tỏa ánh lung linh trên mặt nước nàng nghĩ chúng giống như những tia hoàng kim lấp lánh của rượu champagne.

“Giá mà Fyfe ở chung với mình nhỉ,” nàng khẽ thở dài thầm nghĩ.

Rồi nàng tự bảo nếu chàng ở đây chàng sẽ không nhìn mình bằng ánh mắt yêu thương nhưng có lẽ là với ánh mắt khủng khiếp.

Nàng cởi áo ngủ ném trên đất, và chậm rãi bước xuống hồ, vẫn giả tưởng như nàng thường giả tưởng, là Vệ Nữ vị thần có gương mặt đã được vẽ thành tranh mà nàng vừa ngắm cách đây có vài giờ.

Nàng bước càng lúc càng sâu hơn, rồi soải ra bơi trong đám đom đóm như thường làm trước đây. Đêm nay mắt nàng hầu như bị lóa bởi ánh trăng phản chiếu trên nước và sau một hồi nàng nhắm mắt và bơi trong ánh hạnh phúc bàng bạc, vẫn còn cảm nhận được những nụ hôn của Fyfe trên môi mình.

Nàng chắc hẳn đã bơi lên bơi xuống gần chục lần rồi trước khi dừng lại trong chỗ nước nông cuối hồ và đứng dậy, nước chỉ ngập đến dưới eo lưng nàng.

Trong lúc đó nàng ngước lên nhìn mặt trăng và nhớ lại trong đêm đầu nàng đã cầu nguyện với trời ban cho nàng tình yêu ra sao.

“Tôi rất biết ơn, rất rất là biết ơn,” nàng tâm sự với các ngôi sao. Nàng giơ tay lên như mình vẫn thường làm nhưng không phải là vì khẩn khoản van xin nhưng để cảm kích.

Trong lúc nàng làm như thế, đầu ngả ra sau, bất chợt nàng biết không chỉ có nàng ở đó. Có ai đấy đang đứng trong nước bên cạnh nàng và khi nàng khẽ hé miệng kinh ngạc, nhờ vào ánh trăng nàng thấy đó là Fyfe!

Trong khoảnh khắc nàng cứ ngỡ mình đang tưởng tượng ra chàng, vì đầu chàng không còn quấn băng và chàng đang nhìn nàng.

Khi quay lại, người nàng như hóa đá, tay chàng chìa về phía nàng, và nàng biết chàng là thật, rất thật khi chàng kéo nàng sát vào người chàng.

“Em yêu! Em yêu dấu của anh!” chàng nói. “Vệ Nữ của riêng anh người mà anh từng mong sẽ nhìn như thế này.”

Nàng kêu lên khiếp đảm và giấu mặt vào vai chàng.

“Đừng... nhìn em! Làm ơn... đừng nhìn em!”

“Tại sao lại không được, vì anh đã ngắm em một lúc rồi? Em là người đẹp nhất anh từng thấy.”

“Anh... thấy được sao? Anh thật có thể... thấy được sao?”

“Anh thấy được, nhưng anh phải đeo kính râm vào ban ngày. Đó là lý do tại sao, em yêu, anh muốn nhìn em tối nay dưới ánh trăng.”

“Nh-nhưng anh... không thể thấy em... rõ phải không?” Susanna khăng khăng hỏi.

“Anh có thể nhìn rất rõ,” Fyfe trả lời, “và anh không cho em trốn anh, bây giờ rốt cuộc anh đã có mắt để nhìn cũng như có tai để nghe.”

Trong lúc nói chàng đặt những ngón tay dưới cằm nàng và xoay mặt nàng lên.

“Bây giờ thì anh sẽ... nhìn thấy... mình thật sự nhìn ra sao,” nàng khổ sở nghĩ, và nhắm mắt để nàng khỏi phải thấy nét mặt thay đổi của chàng.

Nàng cảm giác chàng nhìn nàng rất lâu, nhưng chỉ là vài giây trước khi chàng nói.

“Em thật giống như giọng nói của em đã bảo cho anh biết em nhìn ra sao!”

“Em... em nghĩ chắc anh hãy... còn mù,” nàng ngập ngừng nói.

“Mở mắt em ra nhìn anh đi, em yêu qúy.”

Người tựa vào chàng run rẩy, nàng tuân lời chàng và thấy đôi mắt chàng như nàng từng hình dung, đang nhìn sâu vào mắt nàng như thể đang tìm kiếm tận trong tâm hồn nàng.

“Em... xin lỗi... rất xin lỗi,” nàng thì thầm, “em không... có ý dối anh... nhưng em muốn giả tưởng là em... đẹp... bởi vì anh nghĩ em như thế.”

“Thì em chính là đẹp mà!” chàng khẳng định nói.

Rồi như thể chàng không dằn lòng nổi, chàng kéo nàng vào sát hơn và môi chàng tìm kiếm môi nàng.

Trong khoảnh khắc nụ hôn của chàng đã quét sạch mọi ý nghĩ ngoại trừ tình yêu, và Susanna cảm nhận được những cảm giác chàng đã dấy động trong nàng đang di chuyển như một ngọn lửa xuyên qua ngực nàng vào môi nàng.

Vẫn giữ chặt nàng bằng miệng mình, Fyfe đưa tay rút những chiếc kẹp tóc để tóc nàng buông xuống vai.

Rồi chàng ngẩng đầu, tay choàng quanh nàng, kéo nàng ra khỏi nước.

Họ bước song song bên nhau nhưng nàng thậm chí không hề ngượng ngùng rằng cả hai người họ đều thân trần, nhưng chỉ bàng hoàng vì chàng đã nhìn nàng và không thấy nàng xấu.

Chàng dẫn nàng băng qua bãi cỏ rồi kéo nàng xuống cái mà nàng nhận ra là một tấm đệm lớn, êm ái có trải nệm bên trên, được che lại ba phía bằng những cây bách.

Susanna nhìn lên và thấy đầu Fyfe in bóng trên các vì sao. Ánh trăng soi sáng trên cả hai người họ và bên dưới họ đom đóm vẫn tung tăng bay lượn trên mặt nước.

Rồi Fyfe nằm xuống cạnh nàng và kéo nàng vào trong lòng.

“Anh có nhiều điều cần giải thích, em yêu,” chàng nói. “Đầu tiên, em hãy thứ lỗi cho anh vì đã kêu em ra ngoài khi bác sỹ đến chiều nay để tháo băng cho anh.”

“C-chiều... nay!”

“Anh không những muốn em biết sự thật về anh,” Fyfe nói, “mà anh còn cảm thấy khủng khiếp – phải, rất khủng khiếp – rằng em định trốn đi và bỏ lại anh.”

Nàng xoay mặt vào vai chàng.

“Sao... anh... biết được chuyện đó?”

“Trước tiên, anh đã sử dụng Tam Nhãn, và anh biết có điều gì đấy không hay, dù em không kể cho anh biết. Kế đến, anh thú nhận, anh được giúp phần nào bởi việc Francesca bảo Clint em đã nhờ thu dọn đồ vào rương.”

“Em... không muốn anh... thấy em,” Susanna nói nhỏ.

“Anh đã biết có chuyện bí ẩn về dung mạo của em,” Fyfe nói. “Em thấy đấy, em yêu, giọng nói của em rất tỏ lộ và nó có ý nghĩa rất lớn đối với anh nên giờ đây anh biết mọi biến chuyển trong đó, mọi bí mật em cố giấu anh.”

Chàng cười khẽ khi kéo nàng sát hơn nữa.

“Để anh bảo đảm với em, em rất khó lòng đánh lừa anh trong tương lai đấy, thực ra anh hoàn toàn đoan chắc em không thể nào làm như thế.”

“Em đâu muốn... lừa dối anh,” Susanna nói, “nhưng anh... nên cưới người đẹp đẽ, giống như mọi thứ đẹp đẽ chung quanh anh.”

“Anh đã cưới người đẹp rồi còn gì!”

Không cần nàng trả lời chàng cũng biết nàng không tin chàng, và sau một lúc chàng hỏi.

“Lần cuối em soi gương là khi nào?”

“Nếu như tránh được thì em không bao giờ soi hết,” nàng gay gắt đáp lại. “Em biết... rất rõ em sẽ thấy được... hình ảnh như thế nào.”

“Đó là chỗ anh nghĩ em đã lầm lẫn,” Fyfe nói, “vì từ những cái mọi người đã nói với anh, em đã thay đổi rất nhiều từ khi em ở đây với anh.”

“Làm sao... anh biết... và anh nói thế có nghĩa là sao?”

“Từ những điều họ thuật lại anh đoán là khi em đến Florence em khá mập.”

“Rất mập!” Susanna thì thầm.

“Thật là tội nghiệp vì em không đi cân lúc em vừa tới đây, em yêu à, để anh có thể kêu em đi làm bây giờ và thấy được sự khác biệt.”

Susanna ngẩng đầu lên khỏi vai chàng để nhìn xuống thân hình mình. Nàng chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ nhìn mình trước đây, vì khi bơi trong những đêm trước nàng không nghĩ mình là chính mình nhưng là Vệ Nữ.

Giờ đây nàng chắn chắn thấy được ngực mình đã nhỏ hơn dạo trước rất nhiều, eo nàng có vẻ rất thon, và bụng phẳng lì.

“Em đã... thay đổi à?” nàng hỏi.

“Francesca, cô ấy đã thu bớt lại áo cho em gần như mỗi ngày, đã bảo anh rằng tóc em đã có vẻ bồng bềnh mà dạo trước không khi nào được như vậy và dưới nắng còn có ánh vàng nữa.”

Susanna hít hơi trước khi thì thầm.

“Còn... mặt... em thì sao?”

“Để anh nói nhé, em yêu? Khá là thon, thuôn xuống chiếc cằm nhỏ, nhưng để anh bắt đầu từ trên đỉnh.”

Chàng hôn trán nàng.

“Trán của em y như ý anh muốn, giống như Thánh Nữ trong tranh Lippi, nhưng mắt em lớn hơn mắt của Simonetta. Gần như choán hết gương mặt nhỏ của em, và anh thích đôi lông mày cong bên trên.”

Trong lúc nói chàng đưa ngón tay đồ theo hàng mày. Rồi lướt xuống sống mũi thẳng xinh xắn của nàng.

“Có lẽ cái này không thấy rõ khi em mập, nhưng bây giờ thì hoàn toàn cân đối còn miệng em thì chính xác như vốn là thế – rất mời mọc để anh hôn.”

Chàng cúi đầu xuống nhưng Susanna đưa tay ngăn chàng lại.

“Anh... đang nói thật... với em... rất là thật chứ?”

“Anh thề có Chúa là em đẹp, rất đẹp, em yêu à, và chính vì em đã làm cho anh sáng suốt hơn về mọi thứ khác ngoài xe hơi, anh nghĩ anh biết đích xác chuyện gì đã xảy ra.”

“Nói cho em biết đi! Nói đi!”

“À, trước hết, từ lúc em tới đây em đã ăn uống kiêng khem như Chambers – không có đường – vì thế chất béo ắt hẳn mỗi ngày mỗi bớt đi.”

Chàng mỉm cười nói.

“Đối với một số người đường là chất độc.”

Khi chàng nói, Susanna áy náy nghĩ đến tất cả chocolate và đồ ngọt mà mình từng ăn trong quá khứ mỗi khi mẹ nàng khiến cho nàng cảm thấy thấp kém.

Phải, nàng đã dồn cho mình bằng những thứ làm cho nàng mập, và nàng nhớ luôn cả những phần cơm đầy tú hụ nàng từng ăn ở nhà.

Bữa sáng có đến ba bốn món khác nhau, và nàng còn ngấu nghiến những chiếc bánh pudding to tướng được dọn trong phòng học vào bữa trưa.

Roly-poly pudding nhồi với nho khô và mứt mật, và bánh xốp phủ một lớp mứt dâu.

Nàng chẳng lấy làm ngạc nhiên rằng mình đã mập, vì khi bụng no nàng không cảm thấy quá đau khổ hay quá tầm thường nhỏ nhoi nữa.

“Không những em xuống cân bằng cách đó,” Fyfe nói, “mà còn do mỗi tối em bơi ngược bơi xuôi trong hồ khi em luyện tập tất cả các bắp thịt toàn diện như bây giờ.”

Khi nói tay chàng chạm vào ngực nàng và vuốt dọc theo hông nàng, và nàng cảm thấy mình run lên trước cảm giác rộn rã của bàn tay ấy, nhưng nàng không dằn được phải buột miệng hỏi.

“Anh... biết... em bơi mỗi tối sao?”

“Tất nhiên là anh biết!” chàng trả lời. “Không có cái gì giấu giếm được hay bí mật khi em ở Ý. Người chăm sóc hồ bơi biết là hồ đã được sử dụng, còn Clint anh ta ngủ mắt nhắm mắt mở đã biết em lẻn qua vườn khi em nghĩ mọi người đã ngủ hết. Anh thường nghe tiếng em đi ngang qua cửa sổ phòng anh và mong ngóng được đi chung với em.”

Chàng mỉm cười và âu yếm nói.

“Đó là vì sao anh biết đây là nơi anh nên tìm em tối nay để kể cho em những bí mật của anh, để chúng mình sẽ không còn điều gì giấu nhau nữa.”

Chàng lướt môi mình lên gò má mềm mại của nàng trong lúc nói.

“Em là giọng nói trong bóng tối, em yêu, giọng nói ngọt ngào thanh tao, nhưng giờ anh có thể thấy em thì anh yêu những cái anh thấy!”

“Anh muốn nói... anh thực tình muốn nói là em... không còn xấu... và em không làm cho anh cảm thấy chán ghét sao?”

“Anh có thể trả lời phần cuối của câu hỏi đó rất dễ dàng thôi,” Fyfe đáp lại bằng âm điệu trầm ấm. “Nhưng anh hứa với em, em yêu, rằng anh đang nói thật khi bảo rằng em rất đáng yêu và anh chỉ sợ rất nhiều người con trai khác sẽ nói với em giống như thế.”

“Ngoài anh ra, có bao giờ anh nghĩ em muốn nghe bất cứ người nào khác nói sao?” Susanna đáp. “Ôi Fyfe, nếu anh thực tình nghĩ em đủ đẹp... cho anh... vậy thì em không cần phải xa anh!”

“Anh nhất định không để em bỏ anh đi đâu,” chàng đáp. “Anh rất giận em vì đã nghĩ đến việc làm như vậy. Thế em nghĩ anh có thể sống thiếu em sao? Sao em lại có thể quá tàn nhẫn, quá ác khi muốn bỏ lại anh sống trong bóng tối nữa?”

“Ôi anh yêu, em không muốn làm... như thế đâu,” Susanna kêu lên. “Em yêu anh thương anh! Anh thật tuyệt vời... uy nghi... và đã lấp đầy hết thế giới của em rồi. Em cứ không tin là em... xứng đáng với anh thôi.”

“Em là mọi điều anh mong muốn ở phụ nữ và anh cứ nghĩ mình không bao giờ tìm được,” Fyfe nói, “Toàn bộ cuộc sống của chúng mình với nhau, em yêu, sẽ đẹp đến nỗi em sẽ không bao giờ thấy có chỗ nào xấu xí nữa, đặc biệt trong gương mặt nhỏ nhắn, toàn hảo, dễ thương của em.”

Khi chàng nói môi chàng lại tìm kiếm môi nàng, và giờ đây, vì những lời lẽ của chàng đã đưa nàng vào cõi say đắm vượt qua hết mọi điều nàng từng biết trước đây, Susanna vòng tay ôm chàng trong lúc chàng kéo nàng mỗi lúc một sát hơn.

Nàng biết khi cảm thấy tim chàng đập sát người mình, khi cảm thấy thân thể mạnh mẽ ấm áp của chàng, rằng họ không những trở thành hợp thể với chính họ mà còn với các vì sao, với vẻ đẹp của khu vườn, và với những áng hương của thổ lan.

“Em là của anh!” Fyfe kêu lên, giọng chàng sâu lắng nồng nàn. “Của anh bây giờ và mãi mãi, và anh sẽ không bao giờ buông em ra!”

Thế rồi họ đã không còn là con người nhưng là thể siêu nhiên và là một phần của Chúa, đấng có vẻ đẹp kiện toàn và soi rọi ánh sáng chói lòa để dìu dắt nhân loại xuyên qua đêm tối đến bến bờ yêu thương.

THE END

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: