Chap 14:

Sau ngày hôm đó, khi hồi tưởng lại, Tĩnh mới phát hiện ra điều Nghiên Nhi nói “Hết rồi! Tôi chết mất!” Câu nói đó đúng ra phải là của Tĩnh. Làm gì mà vấn đề trở nên rối rắm như vậy? Tĩnh cũng không biết, cô chỉ biết rằng sau cái màn cho “vỏ sò” thì hoạt động vui chơi của ba người gần như gắn liền nhau. Chủ yếu là do Nghiên Nhi, cô ấy không quyết định được, lại còn nói với Tĩnh: 

    – Chị có thấy là Khâm Nhược cũng tội lắm không? Hãy giúp anh ấy qua giai đoạn buồn phiền ...Dù gì thì chúng ta vẫn là bạn của anh ấy. 

    Thế là nhiều cuộc vui chơi của hai người đều có sự hiện diện của Khâm Nhược. 

    Thái độ của Khâm Nhược cũng khác đi như cái thắng. Con người trở nên vui vẻ hoạt bát ...tế nhị. Tĩnh không có lý do gì để ngăn Khâm Nhược tham gia. Nếu có, cô cũng bị Nghiên Nhi khước từ. 

    – Ân Tĩnh, chị là con người có trái tim rộng rãi, hào phóng như vậy thì không lẽ chị chẳng dung nạp được một người thất tình như Khâm Nhược. 

    – Nghiên Nhi! Chị không có trái tim rộng rãi, hào phóng. Tên Khâm Nhược kia rất chướng mắt, hắn là mối đe dọa lớn nhất của mối tình đôi ta ... - Nhưng chị biết làm sao nói ra đây? Trước ánh mắt ngưỡng mộ của Nghiên Nhi. Những câu nói “ích kỷ” kia của Tĩnh đã không lợi. 

    Rồi cuộc sống càng ngày càng bận rộn, nghiệp vụ cơ sở phòng mạch của Tĩnh ngày càng phát triển. Năm nay người ta bệnh nhiều quá. Bệnh gần như trở thành một thứ thời trang. Một hôm, Nghiên Nhi tan sở đến phòng mạch buột miệng: 

    – Đến bây giờ em mới biết tại sao mấy rạp hát ế quá! Thì ra tất cả khách đều dồn về phòng mạch của chị. 

    Bắt đầu chín giờ sáng phòng mạch mở cửa cho mãi tận mười một giờ khuya. 

    Tĩnh đã dành hết thời gian tốt nhất trong ngày để phục vụ bệnh nhân, bận rộn đến độ gọi điện thoại cũng không rảnh. 

    Ngày dài cứ nối tiếp trôi qua. Tĩnh chợt thấy sự hiện diện của Nghiên Nhi tới phòng khám khác xưa. Thỉnh thoảng mới đến, đôi lúc chỉ là cú điện thoại. 

    – Em biết chị rất bận nên không qua quấy rầy chị. Bao giờ đóng cửa phòng mạch, sang ngay với em nhé. 

    Dĩ nhiên, Tĩnh không muốn Nghiên Nhi đêm đêm đến phòng khám, ngồi giữa đám bệnh mệt mỏi, u sầu cũng là một điều khó thở. Nhưng mấy hôm nay ngày nào cũng vậy, khi đóng cửa phòng khám, sang ngồi nhà Nghiên Nhi thì Tĩnh đã thấy sự hiện diện của Khâm Nhược. Họ đang nói cười vui vẻ. Nhìn cảnh đó Tĩnh không khỏi cảm thấy bực dọc. Và chuyện chẳng đừng đã xảy ra vào một đêm cuối tháng chín. 

    Khi đóng cửa phòng mạch, sang nhà Nghiên Nhi thì đã mười một giờ rưỡi khuya. Hiểu mẫn có hẹn với người yêu đi vắng. Chỉ có Khâm Nhược và Nghiên Nhi ngồi cạnh nhau trên salon. 

    Cách nay mấy tháng, Hiểu Mẫn quen với một nhân viên thương mại của một hãng tư, nàng gọi cô nàng kia là Thuận Khê. “Thuận Khê” chỉ là một biệt hiệu. Mối tình có vẻ khắng khít. Nghiên Nhi đề nghị: 

    – Đưa cô ấy đến đây để mọi người xem mặt nào! 

    Hiểu Mẫn, nhìn Nghiên Nhi cười lắc đầu. 

    – Không, tôi không muốn cô ấy đến đây học đòi “Chuyện ba người”. 

    “Chuyện ba người”, câu nói của Hiểu Mẫn đã đánh thức Tĩnh, cô cảm thấy bực bội, bứt rứt. “Chuyện ba người” ...Cô, Nghiên Nhi, Khâm Nhược ...Cục diện rơi vào thế hồ đồ này từ bao giờ. 

    Vì vậy, tối hôm ấy, nhìn cảnh Khâm Nhược với Nghiên Nhi, ngồi cạnh nhau trong phòng vắng là máu dồn cả lên đầu Tĩnh. Suốt ngày bận rộn, mệt nhọc, chỉ để mơ ước có được một buổi tối êm ả, ấm cúng, vui vẻ bên Nghiên Nhi. Thế mà! ....Bây giờ trông thấy Khâm Nhược ...cô biết tất cả. ....Hết! Hết! ....Không còn gì nữa. 

    Tĩnh bực dọc: 

    – Khâm Nhược cậu đến từ bao giờ thế? 

    Khâm Nhược lộ vẻ thoải mái: 

    – Tôi đến đón Nghiên Nhi từ sở làm, chúng tôi cùng đi ăn lẩu cá, rồi còn mua thêm món này nữa ...Đây cô xem. 

    Tĩnh nhìn, một chiếc diều, một trái banh màu hồng đào! Khâm Nhược tiếp, vui vẻ: 

    – Cuối tuần này chúng ta đi thả diều. Cô biết đấy. Bây giờ là mùa thu, mùa thả diều cô biết không? 

    – Bây giờ đã là mùa thu rồi ư? 

    – Vâng. Và mùa thu ở đây đến khá trễ so với nơi khác, có điều những cây phong ở suối Namdea thì đã nhuộm đỏ rồi! 

    – Suối Namdea? Nó nằm ở đâu? 

    – Ối trời! – Nghiên Nhi nãy giờ vẫn nằm yên trên salon, mặc áo ngắn tay, quần sort. Đôi chân trần thon dài thả trên ghế. Trong khi cánh tay của Khâm Nhược cầm diều lại đụng mãi lên đấy. Vậy mà Nghiên Nhi vẫn tự nhiên còn nói – Ân Tĩnh, chị giống như người nhà quê lạc chợ vậy? Ngay cả suối Namdea mà cũng không biết? Suối ở Gangneung. Những ngày này mà đến đấy thưởng thức cảnh thu, thả diều thì tuyệt lắm. 

    Tĩnh nhìn thẳng Nghiên Nhi: 

    – Em có vẻ rành nơi đó quá nhỉ? 

    Nghiên Nhi vẫn hồn nhiên: 

    – Vâng, mùa này năm ngóai Khâm Nhược với em ở đấy ba ngày, Khâm Nhược đã lái xe đưa em không những chỉ nơi đó thôi mà còn đến vịnh Suncheon nữa. Vui lắm! 

    – Vì vậy, chúng tôi định cuối tuần này đến đấy lần nữa! – Khâm Nhược tiếp lời – Cũng may là tôi vừa hòan tất một chương trình, nên được nghỉ phép một tuần. 

    Còn Nghiên Nhi cộng với thứ bảy chủ nhật cũng được nghỉ năm bữa. Thế còn Ân Tĩnh cô thế nào? 

    Tĩnh nhìn Nghiên Nhi rồi nhìn Khâm Nhược. 

    – Kế hoạch mà mấy người đã dự tính có bao gồm cả tôi nữa à? 

    Nghiên Nhi nói nhanh: 

    – Dĩ nhiên là phải có, vì chị là khách mời chuyến đi này! Chúng em đã biết nơi đó rồi. 

    Tĩnh đứng trước salon nhìn Nghiên Nhi. 

    – Nghiên Nhi, em tưởng là tất cả những bệnh nhân của chị đều có thể kết hợp lại, tập thể ngưng hẳn bệnh để chờ bác sĩ đi chơi về à? 

    Mặt Nghiên Nhi tái hẳn, nàng cúi xuống lắp bắp: 

    – Làm bạn với bác sĩ khổ thật, không biết đến cảnh đẹp, không biết đến ngày nghỉ, ngày phép gì cả? 

    Giọng của Tĩnh pha mùi thuốc súng. 

    – Nghiên Nhi, em đã biết chị là bác sĩ ngay từ đầu rồi cơ mà? 

    – Vâng, bác sĩ vĩ đại thật! ....Bác sĩ lo cứu người. 

    – Nếu em thấy không thích nghề nghiệp của tôi. – Vừa nói Tĩnh vừa đưa tay kéo Nghiên Nhi ngồi dậy vì đôi chân trần của Nghiên Nhi vẫn nằm trong tầm hoạt động của Khâm Nhược - Thì cho tôi xin lỗi, tôi không thể vì em mà đổi nghề. 

    – Nhưng chị đã làm gì được cho em? Em chưa hề thấy! 

    Gian phòng ngập đầy không khí căng thẳng. 

    – Thế à? Nếu em thật sự không thấy thì đúng là em mù, em không nghe có nghĩa là em điếc. Và nếu em không thấy điều tôi đã làm cho em thì đúng là em điên. 

    Nghiên Nhi lộ vẻ cố chấp: 

    – Chị nói nghe hay lắm! Tôi nghĩ là có lẽ tôi đã mù – điếc – điên. Nhưng chị đã làm gì được cho tôi nào? Chị bảo là chị yêu tôi hơn tất cả, thế mà ...Thế mà tôi chỉ muốn chị nghỉ có mấy hôm, cùng tôi đến suối Namdea chơi ... 

    – Nghĩa là ...Cô sẽ không đi chơi với chúng tôi? Thôi được rồi Nghiên Nhi. – Khâm Nhược đứng dậy – Nếu Ân Tĩnh không có thời gian rảnh, chúng ta rủ Hiểu Mẫn với Thuận Khê vậy. Tôi cũng định làm quen với Thuận Khê lâu rồi. Và chúng ta sẽ lên núi thả diều, xuống suối câu cá. Anh đã nói với em, nếu Tĩnh không đi, chúng ta vẫn vui được cơ mà ... 

     Nghiên Nhi nhìn thẳng Tĩnh, tựa sát người cô. Giọng đột ngột dịu hẳn: 

    – Ân Tĩnh, chị đi với em đi? Chị bỏ em một mình sao? Treo bảng nghỉ ba hôm, bệnh nhân có thể sang phòng mạch khác. Ở thành phố này đâu phải chi có một mình chị là bác sĩ đâu? 

    Tĩnh bắt đầu cảm thấy mềm lòng. 

    – Nhưng em phải biết là đặt chuyện vui chơi trước công việc là một điều sai trái, thiếu lý trí. 

    – Lý trí? Không lẽ suốt cuộc đời chị lúc nào cũng phải lý trí cả sao? 

    – Em chính là sự thiếu lý trí nhất của chị, vì khi gặp em, cuộc sống của chị gần như bị đảo lộn hòan toàn. 

    – Đó là sự bất hạnh của chị? 

    – Vâng, - Tĩnh thở dài – Một sự bất hạnh. 

    – Chị có ân hận không? 

    – Không ... - Tĩnh lắc đầu. – Không bao giờ. 

    Nghiên Nhi cười sáng mắt lên. 

    – Vậy thì ...chúng ta cùng đi suối Namdea nhé. 

    Tĩnh hỏi ngược lại: 

    – Có nghĩa là ...em không thể không đi được à? 

    – Vâng, em đã vui sướng kế hoạch tính toán cả đêm qua. 

    Khâm Nhược chen vào: 

    – Ân Tĩnh, đừng giận! Vì dù sao Nghiên Nhi cũng đã chuẩn bị tươm tất rồi. 

    Tĩnh như bốc lửa. 

    – Như vậy có nghĩa là tôi đi hay không đi thì mấy người vẫn tiếp tục chứ gì? 

    Phải không? 

    Khâm Nhược im lặng. Nghiên Nhi chẳng đáp. 

    Tĩnh lớn tiếng: 

    – Phải không? Nói đi! Nghiên Nhi, mấy người vẫn đi chứ. 

    Nghiên Nhi ngẩng đầu lên. 

    – Chị làm gì dữ vậy? Chị nghĩ là nếu chị không đi thì em cũng phải không đi chứ gì? 

    – Phải. 

    Gian phòng chìm trong yên lặng. 

    Nghiên Nhi buông thõng cánh tay. Nàng quay lại ghế salon ngồi xuống. 

    Khâm Nhược vỗ nhẹ lên đầu nàng nói: 

    – Nghiên Nhi đừng có giận, Ân Tĩnh cô ấy nói chỉ để nói mà thôi. 

    – Khâm Nhược! 

    Như một quả bơm nổ to, Tĩnh hét lớn, bao nhiêu sự bực dọc tích lũy bấy lâu trong người như hỏa sơn bùng nổ. Tĩnh chỉ thẳng vào mặt Khâm Nhược. 

    – Khâm Nhược, mi cút ngay khỏi đây! Chuyện giữa tôi với Nghiên Nhi không cần anh, chúng tôi giải quyết lấy, không cần anh phải nói vô! Anh đi khỏi đây đi. 

    Quả bom như làm cả gian phòng muốn đổ sập. Mặt Khâm Nhược đỏ gấc, còn Nghiên Nhi xanh như một xác chết. Mắt Khâm Nhược đỏ ngầu, hắn cũng lớn tiếng: 

    – Hàm Ân Tĩnh, cô đuổi tôi phải không? 

    – Đúng. 

    Khâm Nhược quay sang Nghiên Nhi: 

    – Nào, còn Nghiên Nhi, em có đuổi anh không? 

    Nghiên Nhi trợn mắt bước nhanh tới chặn ngang mặt Khâm Nhược, mắt hướng về Tĩnh nói: 

    – Ân Tĩnh, chị lấy tư cách gì mà đuổi Khâm Nhược đi? Đây là nhà của tôi, Khâm Nhược là bạn của tôi, chị đâu có quyền. Chị tưởng yêu tôi là có quyền cắt đứt bạn bè, niềm vui và cả lẽ sống của tôi à? Chị quá lắm, quá lắm rồi. 

    Cơn giận dồn dập trong tim, những lời nói của Nghiên Nhi như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Tĩnh, lòng cô tan nát, cô giận dữ nói: 

    – Nghiên Nhi, chị không đủ tư cách để đuổi bạn em, chị cũng không đủ tư cách để nói bất cứ điều gì khiến em mất vui, khiến em buồn. Nhưng em phải biết rằng, biết thật rõ rằng ...cuộc đời em, chỉ nên có một người để yêu thôi. 

    Đừng bao giờ bắt cá hai tay. Bây giờ em hãy lựa chọn: 

    hắn hay là chị? Nếu em chọn hắn chị sẽ đi và ngược lại. 

    Thoáng một chút bối rối nhưng Nghiên Nhi vẫn hét lên: 

    – Chị muốn tôi chọn à? Chị là một tên bạo chúa, một thứ độc tài. Chị ích kỷ không hiểu tôi cũng không hiểu nghệ thuật sống, chị là một thứ gàn dở, chỉ biết có công việc của chị. Tôi với chị ở hai thế giới khác nhau. 

    Tĩnh thở hổn hển cắt ngang: 

    – Tốt lắm, vậy là em đã chọn. Khâm Nhược, tôi xin chúc mừng anh. Còn Nghiên Nhi lần sau có tự tử xin đừng gõ cửa phòng tôi. Chào tất cả! 

    Tĩnh xông ra khỏi phòng và đóng mạnh cánh cửa. Cô có cảm giác như trái tim của cô cũng vỡ tan theo tiếng cửa đóng sầm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top