CHAP 9

9.

Bóng tối đổ xuống các con hẻm trúc trắc của Nam Kinh. Trên những con phố tấp nập, các cửa hiệu đã lên đèn phô ra sự hào nhoáng của nó.

Những tòa nhà kiểu Tây lẫn Hoa san sát nhau, nhấp nhô những biển quảng cáo thuốc lá Nam Dương viết bằng chữ khải. Phòng trà, kĩ viện, phòng hút... ồn ào và nhộn nhịp những kẻ qua người lại. Bọn xe kéo tranh khách nhao nhao.

Một vài đám trẻ con đội mũ nồi loăng quăng trước cửa những nhà hát để mời chào vài món đồ vặt vãnh và rẻ tiền, từ vài bao thuốc lá Ai Cập, bật lửa, cho đến cả kẹo mạch nha. Lũ nít ranh này loanh quanh khắp xó, ai sai gì làm nấy, lanh lẹ như những con chuột nhắt.

Lơ là một chút, thậm chí có thể bị chúng móc sạch tiền lúc nào không hay biết. Thời buổi loạn lạc, ăn cắp như rươi.

Chiếc xe ô tô dừng lại trước cửa Hồng Lâu. Tôi bước xuống. Ánh đèn màu khoa trương ôm lấy tấm biển được thiết kế hình chữ nhật vuông vức, đặt ngang trên một mái vòm hơi cong thiết kế theo kiểu Gothic đã có vết rạn nhỏ. Ngay từ xa sự bóng bẩy đã có thể khiến người ta không thể rời mắt được.

Ngựa xe huyên náo. Người gác cổng mặc áo chẽn màu xám, kính cẩn cúi đầu, thông báo họ tên của các vị khách vừa tới. Âm giọng của anh ta có vẻ không phải là người gốc Nam Kinh, nghe nó gần giống dân của vùng Quảng Đông.

Tôi chỉnh lại áo khoác, là một chiếc áo bành tô kiểu Tây dài đến gần đầu gối. Thế nhưng khi bước qua cửa, người gác cổng vẫn nhận ra.

Anh ta dùng chất giọng ngai ngái của mình mà nói thật lớn, lưng cúi rạp xuống vuông góc với sàn nhà.

- Phác thiếu tá, Phác thiếu gia đến...

Tôi không nói gì, móc trong túi áo đưa cho anh ta vài đồng đại dương. Anh ta lập tức vui đến nỗi khi tôi đã bước vào sâu bên trong vẫn nghe thấy tiếng người đàn ông đó cảm ơn rối rít.

Xã hội chính là như vậy, cho dù nhân cách có ra sao, chỉ cần có tiền, tất sẽ được kẻ khác sùng bái và tôn trọng.

Người có quyền là người có thể ban ơn cho kẻ khác. Cha tôi từng nói như thế. Và ông, tự hào khi có thể ngồi ở trên cao và chiêm ngưỡng sự hèn mọn của những kẻ vẫn đang quỳ rạp dưới chân mình.

Tôi bước vào nội đường. Bên trong đã có nhiều nhân vật có chức sắc và máu mặt. Tôi đảo mắt quan sát, cha tôi ngồi ở một cái bàn lớn, bên cạnh còn có một tên sĩ quan mặc áo vàng.

Gã xun xoe và đon đả rót trà, trông chẳng khác gì một tên nô tài hết lòng nịnh nọt chủ nhân.

Vở diễn đầu tiên chính là vở Triệu Trinh Nữ Sai Nhị Lang. Tấm rèm căng ra màu đỏ đậm che lại hậu trường phía sau.

Có lẽ cũng sắp đến giờ diễn. Đây là một trong những địa điểm hưởng thụ và giải trí của những kẻ có tiền và không dứt được với các loại hình được xem là giá trị truyền thống Trung Hoa.

Chẳng bao lâu, trên sân khấu đã xuất hiện các con hát vận trang phục sặc sỡ, mắt phượng mày ngài, quét tay tạo dáng hoa lan chỉ, vừa phong tình, vừa lẳng lơ. Khi vừa lộ diện, từ dưới khán đài, tiếng vỗ tay tán dương vang lên không ngớt.

Tôi vốn không có nhã hứng, trước đây, vì Bạch Hiền thích, tôi đành phải miễn cưỡng đưa cậu đi xem. Lúc ấy, cậu hãy còn mặc một bộ trường sam, trông hệt như một cậu học trò nền nã mới tan học từ trường quốc ngữ.

Mái tóc của cậu cắt ngắn, khuôn mặt chưa hoàn toàn trưởng thành, trông đặc biệt sạch sẽ và thanh thuần. Nếu không nói, sẽ chẳng ai tin rằng cậu là con của Biện Kinh Vân, một cái tên có thể hô mưa gọi gió ở Nam Kinh, thậm chí còn khiến cho nhiều kẻ bần hàn khiếp sợ.

Mẹ Bạch Hiền là một người phụ nữ có gia giáo, có sắc vóc, có học thức. Bà là một người phụ nữ đoan trang, nhưng mang trong mình sự kiêu ngạo của một người đàn bà mang dòng dõi quý tộc của nhà Thanh.

Mẹ Bạch Hiền rất khinh bỉ con hát, vì vậy bà không thích cậu mê những vở kinh kịch, mỗi khi thấy cậu thuận miệng hát theo đều không ngừng trách mắng. Bạch Hiền nghe xong cũng sẽ lại đâu vào đấy, Biện Kinh Vân nếu có ở bên kiểu gì cũng sẽ bênh vực cậu vài câu.

Có lần, ông còn mời đoàn hát về nhà hát riêng cho cậu nghe, xem như làm quà sinh nhật cho đứa con trai mà ông yêu thương nhất.

Cũng giống Biện Kinh Vân, tôi cũng muốn dùng sự sủng ái của cả đời mình để nuông chiều theo sở thích của đứa trẻ này.

Bạch Hiền rất dễ thỏa mãn, rất dễ vui vẻ. Chỉ cần mua cho cậu một xâu kẹo hồ lô, đôi mắt cậu đã cười cong lại như một mảnh trăng.

Tôi xoa đầu cậu.

Bạch Hiền nhu nhu nói.

- Cuối tuần nào, anh cũng đưa em đi nghe kinh kịch được không.

Cậu vẫn thích làm nũng mỗi khi đòi hỏi. Khi ấy, Bạch Hiền vẫn chỉ là một thằng nhóc mười hai, mười ba.

Sự thối nát và ô hợp của xã hội dường như chẳng thể làm vấy bẩn đến đôi mắt ngây thơ và tâm hồn trong sáng ấy.

Có thể Biện Kinh Vân bao bọc cậu quá kĩ, hoặc cũng có thể, bình sinh đứa trẻ này thật sự rất đơn thuần.

- Ừ.

Tôi đáp ứng.

Bạch Hiền níu lấy tay tôi, ánh nắng mặt trời ngọt ngào phủ lên đôi má cậu.

Tôi vốn chẳng thích kinh kịch, thế rồi, vì một lời hứa nào đó đã khắc thật sâu, sau khi cậu rời khỏi Nam Kinh, cuối tuần nào tôi cũng đến đây, một mình cùng chiếc bàn trống yên lặng ở góc trong cùng...thậm chí còn thuộc hết từng lời, từng phân đoạn của các vở diễn.

Định Quân Sơn, Thanh Xà Bạch xà, Tam Quốc Chí...gần như tất cả đều không xem dưới năm lần.

*

Tôi không lại chỗ của cha mình. Có lẽ ông bận bịu với những mối quan hệ xã giao của mình, điều đó cũng chẳng thích hợp với tôi.

Trên sân khấu, một con hát mặc áo thanh y xướng một khúc nỉ non, ánh mắt lúng liếng, lả lơi, vừa tha thiết, vừa gợi tình. Tiếng hò reo tán thưởng từ bốn phía lại như được kích động, vang lên không dứt.

Một tên quân phiệt cao to từ bên ngoài cửa lớn đi vào. Hắn mặc một bộ quân phục của sư trưởng, bên hông đeo súng, khí chất tỏa ra rất bức người.

Sự xuất hiện của hắn khiến cho người ta có cảm giác dè chừng. Hắn cao khoảng hơn tám thước, ngũ quan rất sắc, mũi cao, viền môi đậm, trông khôi ngô, tản ra phong thái của người miền ngoài.

Hắn ngồi lại một cái bàn, phục vụ đem ra một ít rượu Tây. Tôi cảm thấy có gì đó rất khác lạ từ hắn ta, mặc dù, gần như sau đó, hắn chỉ nhàn nhã cắn hạt dưa, không làm gì khác.

Khi vở diễn kết thúc, trong âm thanh cổ vũ ồn ào, xôn xao cả nội đường, hắn đột nhiên nói lớn.

- Có thể diễn vở Định Quân Sơn không.

Quả nhiên giọng của hắn đặc sệt ngữ âm của vùng Thượng Hải. Điều này cộng với yêu cầu có phần ngông cuồng của hắn thành công lôi kéo sự chú ý của tất cả mọi người.

Tất cả đổ dồn ánh mắt về gã đàn ông không rõ lai lịch. Hắn ngả ngốn tựa lưng vào ghế nhún vai.

- Tôi muốn nghe.

Có lẽ khí chất hơn người tỏa ra từ bộ quân phục cũng như thần thái khiến cho những kẻ xung quanh dù chẳng biết hắn là ai cũng không thể coi thường.

Vẫn không có ai lên tiếng.

Viên sĩ quan ngồi cạnh cha tôi kéo ghế đứng dậy. Gã cố gắng tỏ ra lịch thiệp, mặc dù bản chất bên trong chỉ là một kẻ rách nát, ham hư vinh.

- Cho hỏi vị đây là...

Hắn chẳng thèm để tên sĩ quan vào mắt. Hoặc có lẽ, hắn ta cho rằng kẻ này chẳng cùng đẳng cấp để có thể đối thoại với mình.

Hắn ta đứng dậy, không thèm để ý đến sắc mặt của gã sĩ quan kia đã trở nên đông cứng, bằng một thứ biểu tình tiếu tiếu phi tiếu, không nhanh không chậm nói.

- Ở đây, ai là Phác Thiên Long.

Tôi có chút ngạc nhiên. Có lẽ, ở cái đất Nam Kinh này, chẳng ai có đủ can đảm để gọi thẳng tên của cha tôi như thế, hoặc nếu có, kẻ đó cũng đã chết rồi.

Cha tôi không nổi giận, ông lúc nào cũng mang cái khuôn mặt nhàn nhạt, chẳng rõ vui buồn. Nó khiến cho người khác chẳng biết ông nghĩ gì, cũng chẳng thể nhìn thấu tâm tư.

Ông vẫn đang cầm cái tẩu thuốc, bình thản châm lửa.

- Chàng trai trẻ, cậu muốn tìm tôi sao.

Hắn ta nhếch môi cười, cao ngạo đi tới bàn của cha tôi.

Hắn nói, tựa như một lời giới thiệu.

- Tôi là Ngô Diệc Phàm.

Tôi chưa từng nghe qua cái tên này.

Cha tôi ngước mắt nhìn hắn, đôi mắt sâu và đầy sạn ẩn sau đôi kính lão gọng vàng. Ông trả lời.

- Tôi không biết cậu.

Ngô Diệc Phàm vẫn giữ nguyên sự ngạo mạn của mình, không tỏ ra yếu thế.

- Tôi biết ông.

Cha tôi nhún vai. Ông cười nhạt, rít một hơi thuốc. Mọi người xung quanh im ắng khác thường, có lẽ họ đều tò mò về diễn biến của cuộc nói chuyện bất ngờ này.

- Cậu muốn gì.

Ngô Diệc Phàm rút bao da quăng xuống bàn một khẩu súng.

Cao Khải, tên tay chân của cha tôi ngồi bên cạnh thấy biến lập tức bật dậy, chĩa vào người hắn một khẩu Thập Lục Thức đã lên cò.

Cha tôi đưa tay ra hiệu cho Cao Khải không được manh động. Bản thân ông cũng chẳng tỏ ra sợ hãi hay ngạc nhiên.

Từng tuổi này, ông từng nói với tôi, đối với một kẻ từng bị chĩa súng vào thái dương không dưới mười lần, từng bị chặt mất một ngón tay cái, thì chẳng còn điều gì là đáng sợ nữa.

Cha tôi nhìn Ngô Diệc Phàm, sắc mặt không dao động, hỏi.

- Cậu muốn gì.

Ngô Diệc Phàm không trả lời. Hắn có vẻ như đang chờ đợi điều gì khác.

Đúng lúc đó, từ trên lầu, vọng lại âm thanh rất quen thuộc.

- Ngô Diệc Phàm, anh thật sự đã thất lễ rồi.

Tiếng nói này khiến tôi giật mình sửng sốt. Từ phía những bậc thang, Biện Bạch Hiền chậm rãi bước xuống.

Cậu xuất hiện ở đây, ngay tại Hồng Lâu này, quan sát tất cả mọi thứ từ chỗ ngồi giành cho thượng khách ở lầu hai trong suốt buổi tối có quá nhiều thứ để xem.

Bạch Hiền mặc áo gi lê, bao bên ngoài chiếc áo sơ mi màu trắng thẳng nếp và sạch sẽ của cậu đã xăn lên, đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền.

Phía sau lưng cậu ấy là một vài gã mặc áo chẽn và đội mũ nồi, trông giống như người ở trong bang hội.

Sự hiện diện của Biện Bạch Hiền làm cha tôi khẽ díu mày. Còn cậu thì hoàn toàn thản nhiên.

Cậu khoan thai bước từng bước tới chỗ bàn của cha tôi và Ngô Diệc Phàm, phong thái có phần đủng đỉnh. Có lẽ là cậu cố tình làm cho mọi thứ trở nên nhởn nhơ, khiến cho người ta hoặc khó chịu, hoặc kiêng dè.

Ngô Diệc Phàm nhìn cậu. Sự kiêu ngạo và lãnh khốc trong đôi mắt của hắn hoàn toàn biến mất. Cả cái khí chất bức người kia, khi đặt ở bên cạnh vẻ thư sinh của Bạch Hiền cũng trở nên thu liễm lại.

Bạch Hiền nhìn cha tôi.

- Chào Phác tiên sinh, ngài còn nhận ra đứa con trai này chứ.

Ngày còn nhỏ, khi quan hệ của cha tôi và Biện Kinh Vân vẫn còn chưa quá gay gắt, ông có lần đã gọi Biện Bạch Hiền là con trai khi cậu đến nhà chơi.

Tất nhiên, ông cũng từng gọi Ngô Thế Huân như thế, chỉ là trong mắt người đàn ông ấy, tất cả giống như một con cờ, mọi thứ bên ngoài đều chỉ là phù phiếm.

Đồng tử của cha tôi có chút chuyển biến. Tôi không rõ, hiện tại ông đang cảm thấy như thế nào.

Đứa trẻ mà năm đó ông muốn giết, sau ba năm, đã trở về và đứng trước mặt ông, thậm chí còn hỏi rằng ông có còn nhớ nó không bằng sự tự tin đến kiêu ngạo.

Bạch Hiền không đợi cha tôi trả lời, cậu mỉm cười lịch thiệp, đôi môi mỏng cong lên, nửa nhu nhuận, nửa thâm sâu.

- Phác lão gia, tôi là Biện Bạch Hiền, con trai ruột của Biện Kinh Vân.

Nhắc đến ba chữ Biện Kinh Vân, màu mắt của cha tôi trở nên tối sẫm. Ông đặt tẩu thuốc lên mặt bàn, vẫn giữ nguyên sự bình tĩnh ban đầu.

Bạch Hiền nghiêng mình cầm lấy chai rượu Nữ nhi hồng thượng hạng vốn đã được mở sẵn trước đó.

Cậu cầm khẩu súng của Ngô Diệc Phàm ném xuống ban nãy, không chút bận tâm đến thái độ bất mãn của Cao Khải, lặng lẽ tháo đạn dốc toàn bộ những viên kim loại nhỏ vào trong bình.

Tất thảy đều ngạc nhiên, ngay cả tôi cũng chẳng biết cậu ấy đang muốn làm gì.

Bạch Hiền rót đầy rượu vào hai cái chén uống rượu tráng men lớn kiểu Trung Hoa. Cậu cung kính trước mặt cha tôi vừa chân thành, vừa giả tạo.

- Chẳng hay, nhân dịp gặp mặt này, Phác tiên sinh có thể uống cùng hậu bối một chén không.

Cha tôi dĩ nhiên không phải là kẻ dễ dàng bị qua mặt.

Trước sự thách thức của Bạch Hiền, ông điềm nhiên không tỏ ra khó chịu, gục gặc đồng ý, khuôn miệng xếch một đường nhạt.

- Được thôi, đã lâu rồi không gặp, Biện thiếu gia quả nhiên đã trưởng thành không ít.

- Phác tiên sinh đã quá khen rồi.

Tôi đứng yên chứng kiến cuộc đối thoại của họ như một kẻ ngoài lề.

Mọi thứ lọt vào tai tôi giống như một lời tuyên chiến ngạo nghễ. Nó thật sự khiến tôi khổ sở. Giá như một trong hai không phải là cậu ấy, hoặc kẻ mà cậu muốn đối đầu không phải là Phác Thiên Long, cha ruột của tôi.

*

Biện Bạch Hiền bước ra ngoài, theo sau là Ngô Diệc Phàm. Hắn rất cao, thân hình to lớn so với vóc dáng thon gầy của cậu ấy hoàn toàn tương phản. Khi trông thấy ánh mắt của tôi, cậu ấy liền dừng lại.

Tôi hít một hơi sâu, chậm rãi nói.

- Biện Bạch Hiền, em lại muốn làm gì nữa đây.

Bạch Hiền cười mũi trả lời.

- Anh nghĩ xem tôi muốn làm gì.

Tựa như một cơn thịnh nộ của thủy triều.

Đêm hôm đó, trong cơn say, tôi từng cầu xin cậu ấy chạy trốn cùng mình.

Bây giờ, tôi mới hiểu mọi thứ thật ngu ngốc và nực cười như thế nào.

Đứa trẻ này quay trở lại Nam Kinh không phải để trốn chạy như những năm trước đây, cậu ấy quay lại là để trả thù tôi.

___

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: