LỜI NÓI ĐẦU: BẠN NÊN TỐT BỤNG, NHƯNG CỨNG RẮN

Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh.( Ralph Waldo Emerson)

Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Nhưng vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.

Tôi có một người bạn làm dự án giáo dục mầm non ở Bắc Kinh, vì công việc anh thường phải chạy đi chạy lại giữa các thành phố trên cả nước từ sáng sớm. Tinh mơ hôm ấy, tôi bắt đầu lướt Wechat theo thói quen, đã thấy anh ấy đăng một status thế này:

Hổn hà hổn hển bắt kịp chuyến tàu sáng sớm, lưng áo ướt đẫm. Mãi mới tìm được chỗ của mình thì một ông cụ ngoài tám mươi đã ngồi đó.
"Ông ơi, vé của ông không phải ghế này đúng không ạ?"
"Ừ, đi gấp quá nên tôi mua vé đứng. Lên kịp chuyến nào đi chuyến đó thôi."
"Ông xuống ở đâu ạ?"
"Thạch Gia Trang, cũng không xa lắm. May quá tàu sắp chạy rồi mà ghế này vẫn chưa có ai ngồi."
Tôi muôn nói lại thôi, lặng lẽ rời đi, cứ để ông cụ yên tâm ngồi vậy.


Nhân tính ẩn giấu một thứ cảm xúc dịu dàng mà mạnh mẽ là lòng tốt, có thể khiến những người xa lạ chưa tin tưởng nhau hạ hàng rào phòng bị trong lòng xuống. Đúng như Rozov từng nói: "Dòng chảy ấm áp đầy xúc động từ lòng tốt của nhân loại có thể chữa lành các vết thương tâm hồn và thể xác."

Lòng tốt là một loại lương tri, một loại bản tính, nó đứng trên cả đạo đức.
Thế nhưng, tôi không chỉ mong một lần gặp phải những tình cảnh như, thầy giáo nhận xét học sinh "Em ấy rất tốt tính", nào ngờ phụ huynh của đứa trẻ đáp lại với vẻ dửng dưng: "Trong xã hội hiện nay, tốt tính có tác dụng gì chứ? Chỉ có kẻ bất tài nhất hạng mới tốt tính thôi!"

Tôi muốn nói rằng, không phải tốt bụng không hay, mà là cách chúng ta nhìn nhận lòng tốt hiện nay chưa đúng, đến nỗi có một thời gian, câu danh ngôn của Emerson "Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh" tràn ngập trên Wechat, loáng cái đã chọc trúng chỗ đau ngầm của ngần ấy con người.

Tôi quen một gia đình nọ. Họ chưa bao giờ xung đột và tranh chấp trực tiếp với ai, cũng chưa bao giờ tùy tiện mở miệng nhờ người giúp, nhưng quen giúp người. Câu cửa miệng của nhà đó là " Tôi hiểu, tôi biết", họ chưa bao giờ từ chối yêu cầu của người khác, kết quả thường dễ dãi với người ta, làm khó chính mình.

Do đó, cách hiểu của tôi đối với " lòng tốt cần thêm đôi phần sắc sảos" là, một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới tránh khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.

Lại có câu chuyện của một người bạn này.

Cô làm việc trong ngành chứng khoán, trông rất dịu dàng, nhưng đằng sau nét dịu dàng ẩn giấu sự cứng rắn. Cô làm việc nghiêm túc, đối nhân xử thế cũng vô cùng thỏa đáng.

Ví như, khi đồng nghiệp nhờ giúp đỡ, cô sẽ tìm hiểu tình hình cụ thể trước, sau đó nói: "Tớ rất muốn giúp cậu, nhưng tớ cho rằng nếu bây giờ làm vậy thì thật ra là hại cậu. Những chuyện này đều là thứ cậu cần phải học. Cho nên, cậu tự giải quyết đi, tớ tin rằng cậu làm được."

Lúc nói những lời này, thái độ cô thành khẩn, giọng điệu hết sức chân thành, đồng nghiệp nghe xong không hề oán trách, ngược lại sau đó còn cảm kích cô.

Khi có người vay tiền, thông thường nếu chưa hiểu rõ ý đồ của đối phương, cô sẽ từ tốn nói: "Vậy à, để tớ về nhà bàn bạc với người nhà đã nhé, có được không?"

Sau khi tìm hiểu tình hình cụ thể, nếu đối phương muốn vay tiền đầu tư, cô sẽ từ chối: "Xin lỗi nhé, tớ quả thực không rành về hạng mục đầu tư của cậu, chút ít tiền của tớ có thể vay thật sự chẳng thấm tháp vào đâu. Hơn nữa, cậu cũng biết hoàn cảnh gia đình tớ rồi đấy, nhà có cả người già lẫn trẻ nhỏ, phải giữ lại khoản dự phòng,không dư dả để giúp cậu nhiều được. Tớ tin rằng cậu sẽ thông cảm."

Thông thường người kia sẽ không lằng nhằng nữa, cũng không cảm thấy mất mặt. Nếu đối phương thật sự gặp chuyện cấp bách cô sẽ đồng ý cho vay. Đồng thời, cô còn thỏa trước với đối phương về kỳ hạn và phương thức trả nợ. Cô cho rằng đó là cách làm có trách nhiệm đối với bản thân và cả người khác.

 Chẳng hạn, theo tôi biết, trước đây khi cho em gái ở Melbourne vay tiền mua xe, cô cũng giúp em mình lên sẵn kế hoạch trả nợ, khuyên em lúc nào nên đổi công việc mới, lúc nào nên bắt đầu để dành tiền, rồi lúc nào bắt đầu trả nợ. Cô cho rằng như vậy vừa giúp được em gái, vừa thúc đẩy em gái trưởng thành.

Ban đầu, có lẽ một vài đồng nghiệp, bạn học hoặc bạn bè thân thuộc cảm thấy con người cô quá đỗi dửng dưng và lý trí, không thoải mái cho lắm, có người thậm chí cho rằng cô cư xử có phần quá "lạnh lùng".

Tuy nhiên, theo tôi quan sát được, bao nhiêu năm qua, tuy cô cũng từ chối yêu cầu của vài người, nhưng các mối quan hệ rất tốt. Người bên cạnh cảm thấy cô là một người đáng tin cậy, bởi vậy khi thật sự gặp phải chuyện khó khăn đều muốn cô giúp đỡ. Kết quả này hoàn toàn khác với gia đình tôi quen nói trên, luôn tốt bụng giúp người nhưng tốn sức mà chẳng đâu vào đâu.

Bạn có thể tốt bụng, song đừng ban phát lòng tốt một cách vô nghĩa. Nếu được năm tháng trui rèn thêm vài phần sắc sảo, bạn sẽ đối nhân xử thế thành thục hơn, sống ung dung hơn.
Hiểu rõ điều đó, nên tôi mong có thêm thật nhiều người tốt bụng biết cách tỉnh táo hơn trong việc thể hiện lòng tốt.

Nếu không khi thật sự gặp chuyện, chúng ta chỉ có thể ôm ấm ức vào lòng chịu tổn thương. Vì trên đời này có quá nhiều "lòng tốt IQ thấp" khiến tôi muốn phê phán.

Ví như "lòng tốt" thiếu thường thức - Bà cụ hàng xóm hảo tâm giới thiệu đủ "phương thức dân gian" chưa được kiểm chứng cho người bệnh, người nhân từ thả con rùa cạn vào ao nước trong công viên để phóng sinh...

Ví như "lòng tốt" cưỡng ép đối phương kiểu ràng buộc đạo đức - Mã Vân giàu nứt đố đổ vách, thì ông ta nên quyên vài trăm triệu cho xx! Chẳng qua chỉ va quệt một tí vào chiếc xe xịn của ông ta thôi mà, ông ta lắm tiền như thế thì không nên bắt chủ xe đạp đền tiền. 

Ví như "lòng tốt" không thông cảm cho bên bị hại mà chỉ thông cảm cho kẻ yếu - Bạn có một người bạn cùng phòng mỏng manh yếu ớt, xưa nay chưa từng làm việc nhà lại hay vứt rác bừa bãi, bạn không nhịn được nổi cáu, liền có người tới khuyên bạn đừng chấp nhặt bạn bè.

Ví như "lòng tốt" kiểu xuê xoa, viện cớ "chỉ muốn tốt cho bạn" - Chồng rượu chè cờ bạc, lại còn gia trưởng, một hôm anh ta "ăn phở", vậy mà có người khuyên vợ "Tốt xấu gì cũng là vợ chồng, nên tha thứ cho anh ấy một lần".

Ví như "lòng tốt" giúp đỡ người vô tội vạ để rồi chuốc lấy hiệu quả ngược - " Thăng gạo ơn, đấu gạo thù"

(Đây là thành ngữ Trung Quốc, có nghĩa là nếu bạn dành cho người khác sự giúp đỡ rất nhỏ lúc nguy nan, người đó sẽ cảm kích bạn; nhưng nếu sự giúp đỡ quá lớn, khiến người đó trở nên ỷ lại, một khi ngừng giúp đỡ, ngược lại sẽ khiến người đó oán hận), không muốn nói thẳng ngay từ đầu, kết quả liên tục cho họ hàng vay tiền giúp họ vượt qua khó khăn, song khi đòi nợ lại bị họ ghét.

...

Tôi không thể đưa ra định nghĩa nào cho lòng tốt, nhưng tôi muốn nói, tốt bụng hay không do chính cách bạn lựa chọn, phải biết rằng :

Chúng ta không sống để thỏa hiệp, bạn nhượng bộ cang nhiều,không gian hít thở càng hẹp; cuộc sống cũng phải để xuê xoa, bạn càng nhún mình hạnh phúc càng xa.

Bạn không cần đặt mình ở vị trí quá thấp. Thứ thuộc về bạn phải tích cực giành lấy; thứ không thuộc về bạn, hãy quyết đoán từ bỏ. Chuyện không muốn làm thì không cần ép buộc bản thân; chuyện đã nhịn từ lâu thì không nên nhịn từ lần này đến lần khác.

Đừng để người khác chà đạp giới hạn của bạn nữa. Một mực nhường nhịn hoặc lấy lòng, đó không phải tốt bụng mà chỉ là thái độ nhu nhược bạn không muốn thừa nhận. Cũng chớ u mê làm những "việc thiện" mà người khác không thích, không cảm kích, bản thân bạn làm không tốt, và cũng không thích làm.

Chỉ có thể thẳng lưng, thế giới mới cho bạn những thứ thuộc về bạn.

Nếu cuộc sống của bạn chỉ là nhìn mặt lựa ý thiên hạ, sau đó thỏa mãn với sự tạm bợ trước mắt, nếu người xung quanh phớt lờ sự tồn tại của bạn, nếu bạn chỉ được công nhận nhờ sự hy sinh bản thân để người khác toại nguyện, thì hãy ghi nhớ một câu mà tôi muốn nói với bạn: Bạn nên tốt bụng, nhưng cứng rắn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #mộnhanca