[Long fic] Khác - tg DHTCC
Tớ chỉ up lên đêy để mình đọc trên đt cho dễ thôi
I love Yaoi!!!!
Khác
Tác giả: DHTCC
Một cái gì đó khác...
Sau khi thử nghiệm viết một cái truyện tưởng tượng và kết quả cuối cùng là thất bại thảm hại do mình chả tưởng tượng ra cái gì nữa để mà viết tiếp, câu chuyện này được phát triển dựa trên thực tế cuộc sống của tôi, bằng những gì mà tôi - một sinh viên trường Luật đã biết...
Đôi chỗ trong truyện khá là khó hiểu vì là những quy định của pháp luật...
Truyện dành tặng cho những ai yêu Hà Nội, nhưng cũng xin lỗi nếu mình không thể diễn tả được hết những vẻ đẹp và nét riêng của Hà Nội...
Chap 1.
Đáng ghét ! Thật đáng ghét ! Nó muốn hét lên một câu tục tĩu nào đó cho vơi bớt đi những cảm xúc thật khó chịu ở trong lòng. Nhưng nó không biết làm thế nào...
Đáng ghét ! Thật đáng ghét ! Sao nó lại sinh ra trong một gia đình quá gia giáo và nề nếp, để đến những lúc thế này, bức bối lắm mà một câu chửi đổng cũng không biết...
Mà nếu biết, thì nó - một giảng viên đại học, cũng có dám buông ra một câu chửi hay không ? Và dù có dám quẳng cái mô phạm sư phạm sang một bên đi chăng nữa, thì nó biết chửi ai đây ? Có chăng nó cũng chỉ có thể chửi chính bản thân nó, hay chửi ông trời mà thôi: sao ông lại sinh nó ra không giống như những đứa con trai khác ? sao ông lại bắt nó phải làm gay ?
.
Nó cầm chiếc điện thoại vừa bị quăng ra nằm chỏng chơ giữa bàn lên, và dù muốn hay không thì cái tin nhắn đáng ghét nó vừa nhận được vẫn một lần nữa đập vào mắt nó:
" Xin lỗi. Tôi không đến được. Đang ở nhà Mai Hương. Cậu cứ ăn đi nhé ! "
Nó muốn gọi điện lại mà quát ầm lên rằng: sẽ đến chỗ Mai Hương sao lúc chiều lại nhắn tin bảo rằng sẽ về với nó, làm nó cả buổi giảng cứ như người mất hồn, và vừa hết giờ là vội vội vàng vàng chạy xuống tổ bộ môn xin thầy tổ trưởng phân công người khác đứng lớp hộ nó 2 tiết cuối, rồi nháo nhào lấy xe, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa..., và để cuối cùng nhận được là cái tin nhắn này đây !
Nhưng nó lấy tư cách gì để đòi hỏi ở Khánh đây ? Hai người không phải họ hàng thân thích, lại càng không phải vợ chồng của nhau; chỉ những cuối tuần được ra khỏi trường, Khánh đến tìm gặp nó trong vài tiếng đồng hồ trước khi về thăm nhà. Mối quan hệ giữa nó và Khánh chỉ có vậy, và cũng chỉ có nó, Khánh, trời và đất biết về mối quan hệ ấy mà thôi.
Nó lướt tay trên bàn phím điện thoại:
" Ừ, không sao đâu ! Hai người đi chơi vui vẻ ! Cho tôi gửi lời hỏi thăm cha mẹ Mai Hương "
Ừ, không sao đâu ! Nó vẫn có thể nhắn được một cái tin tỉnh bơ và nhẹ nhàng, để người ngoài có đọc được thì cũng chỉ nghĩ đó là tin nhắn giữa hai người bạn thân như thế sao ? Ừ, không sao đâu ! Nó vẫn có thể viết được cái câu như thế sao khi mà đôi mắt đã trở lên đỏ hoe và bỏng rát ?...
.
Nó, Khánh, và cả Mai Hương nữa, đều học chung với nhau trong một lớp chọn của một ngôi trường cấp ba danh tiếng của thành phố Hà Nội.
Ngồi cạnh nhau suốt 3 năm học, lại học thêm cùng nhau nữa, nó và Khánh thân thiết vô cùng. Rồi điều gì đến cũng phải đến, một tối mùa đông năm lớp 12 rét mướt, hai đứa đã trao cho nhau nụ hôn đầu tiên trong cái nhà xe tối om ở lớp học thêm... Rồi từ đó, những đôi mắt nhìn nhau trìu mến, rồi một bàn tay cứ nắm chặt một bàn tay, tình cảm của hai đứa cứ lớn dần lên qua từng ngày. Cũng may mắn là được ngồi cạnh nhau ở góc dưới cùng của lớp nên trong suốt một năm học không ai có thể nhận ra những hành động lạ kỳ của chúng...
Nó đã ngỡ câu chuyện tình của mình sẽ cứ mãi êm đềm như thế. Nào đâu trước ngày bế giảng mấy hôm, Khánh cho nó xem một lá thư do một cô bạn cùng lớp viết giãi bày tình cảm với Khánh - người ấy chính là Mai Hương. Đọc những lời văn vừa rụt rè tế nhị vừa bay bổng chứa chan của cô bạn cùng lớp, nó thấy tự hào và hãnh diện quá chừng, vì chàng trai được ca ngợi hết lời trong lá thư ấy chính là Khánh - người đã và sẽ thuộc về nó mãi mãi. Nhưng lúc ngước lên và nhìn thấy đôi mắt buồn của Khánh, nó chợt giật mình... Nó biết tâm hồn nhạy cảm của Khánh không muốn làm một người bạn như Mai Hương buồn, và nó biết: là đứa cháu trai duy nhất của một dòng họ lớn, Khánh sẽ phải chịu những áp lực gì khi ở bên nó... Nụ cười đang định nở ra trên môi nó đã biến mất không còn một chút dấu vết, nó chỉ lặng yên nhìn thật sâu vào đôi mắt đen huyền trước mặt - vẫn là những cái nhìn trao nhau giữa vẫn hai con người ấy, mà giờ sao nặng nề và buồn đến vậy ?
Khánh bị cha mẹ - cả hai đều là sỹ quan công an, bắt thi vào Đại học An ninh nhân dân. Nó muốn được ở bên Khánh, muốn nhiều lắm, nhưng nó cũng biết đôi kính cận trên sống mũi là một rào cản không thể vượt qua giữa nó và ngôi trường An ninh. Từ bỏ giấc mơ trở thành bác sỹ - một giấc mơ đã theo nó từ năm lớp 5, nó quyết định thi vào trường Luật, với một tính toán hết sức đơn giản thế này: hết bốn năm học trường Luật, nếu cố gắng để đạt bằng giỏi, nó có thể xin làm giảng viên trường An ninh, và được ở gần Khánh trong năm cuối Khánh học trong trường...
Sau kỳ thi, với cùng điểm số tròn trẵn 26, Khánh vừa đủ điểm vào trường An ninh, còn nó thì nằm trong top thủ khoa trường Luật, và cả Mai Hương nữa, cũng 26 điểm tròn trẵn, cô vào học ở trường Kinh tế quốc dân...
.
Nó vừa tốt nghiệp đại học cách đây 5 tháng với tấm bằng xuất sắc. Không biết vì muốn có được những cơ hội học tập và nghiên cứu chuyên sâu về luật học, hay do ít được gặp Khánh vì Khánh phải ở nội trú trong trường, hay do đã thường xuyên có những lần phải thất vọng như tối nay, cái ý định ban đầu lúc mới thi vào trường Luật của nó đã phai nhạt từ lúc nào không biết, nó chấp nhận lời mời ở lại trường làm giảng viên. Và chỉ sau 3 tháng học nghiệp vụ sư phạm, nó trở thành giảng viên đứng lớp trẻ nhất trong lịch sử trường Luật ở tuổi 22.
Nó thuê một căn hộ chung cư trên đường Trần Duy Hưng để ra ở riêng, dù cha mẹ nó không hài lòng một chút nào, căn nhà cũ trên đường Thụy Khuê cũng không xa trường Luật là bao, và vợ chồng anh trai nó cũng đã dọn ra ở riêng được bảy tám năm nay rồi. Nó biết bỏ cha mẹ lại mà ra ở riêng như thế là có lỗi lớn lắm, nhiều lần về thăm mà thấy căn nhà cũ lạnh lẽo và trống trải đến đáng sợ. Nhưng ý nghĩ ở lại với cha mẹ còn làm nó thấy sợ hơn. Nó sợ nếu vẫn tiếp tục ở chung thì một lúc nào đó nó sẽ không thể giấu được thân phận thật của mình; nó không biết cha mẹ nó có thể chịu được cú sốc khi phát hiện ra đứa con út bé bỏng ngày nào của ông bà là một thằng đồng tính hay không ?
Việc dọn ra ở riêng thế này cũng tiện hơn cho những lần Khánh ghé qua...
Chap 2.
" You raise me up, so I can stand on mountains
You raise me up, to walk on stormy seas
I am strong, when I am on your shoulders
You raise me up… To more than I can be "
[You raise me up - Secret Garden]
Những giai điệu vang lên từ chiếc điện thoại làm nó giật mình tỉnh dậy. Hóa ra nó đã ngủ quên ngay trên bàn, bên cạnh những món canh, món xào đã nguội ngắt. Đôi mắt vẫn ngái ngủ, nó úp điện thoại lên tai, và trả lời trong trạng thái vô thức:
- Vâng, Nguyễn Anh Tuấn xin nghe !
Một tiếng cười đáp lại làm nó tỉnh ngủ ngay lập tức:
- Khánh à ? Cậu đang ở đâu đấy ?
- Ở ngay ngoài cửa này, mở cửa cho tôi vào đi ! Sao đèn đóm tối om thế, làm tôi... - Khánh dập máy khi nghe thấy tiếng mở khóa lách cách, mà nói tiếp qua khe cửa - ... cứ tưởng cậu đi đâu rồi chứ ?
Hé mở cánh cửa gỗ, vừa thò đầu ra ngoài thì... môi nó đã biến mất trong đôi môi tham lam của Khánh; tay Khánh đẩy nó vào trong phòng, xô cánh cửa đóng lại, rồi ôm lấy nó, chặt cứng...
.
Khánh nằm vật ra giường. Thở. Đôi mắt mệt mỏi. Và mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt. Nó đưa tay lên lau những giọt mồ hôi trên ria mép Khánh, rồi dùng đầu ngón tay vẽ nhẹ lên viền đôi môi đầy đặn của Khánh, và cứ mãi nhìn vào đôi mắt đen huyền trước mặt.
- Cậu sẽ ở lại chứ ? Chiều mai mới phải về trường mà...
Khánh gạt nhẹ tay nó xuống gối, rồi nhỏm người ngồi dậy:
- Không được rồi... mai ở quê... có đám cưới của bà chị họ...
Nó muốn gào lên: " Sao lần nào cũng là đám cưới của bà chị họ ? Chả nhẽ tôi không thể bằng được những bà chị họ của cậu sao ? "; nhưng nó vẫn lặng yên mà nhìn mãi vào mắt Khánh. Khánh đứng dậy khỏi giường, với tay lấy gói thuốc trong túi áo quân phục, rồi bắt đầu châm lửa... Nó không nói gì cả, chỉ lặng lẽ kéo tấm chăn lên chùm kín đầu. Đôi mắt nó đầy ắp nước. Ôi ! Khánh luôn biết quan tâm và tế nhị vô cùng của ngày xưa đâu rồi ? Khánh luôn chăm sóc và bảo vệ nó của ngày xưa đâu rồi ? Khánh luôn biết nhận ra những biểu hiện nhỏ nhặt nhất mà người khác không thể nhận ra ở nó đâu rồi ? Chả nhẽ Khánh đã quên... đã quên mất một điều mà người bạn nào của nó cũng biết: nó bị viêm xoang mãn tính và bị dị ứng với khói thuốc lá hay sao ? Một mình sau tấm chăn, không còn gì đủ sức để ngăn dòng nước đang trào ra từ khóe mắt của nó nữa. Đắng. Vị đắng cứ dâng lên trong cổ họng...
.
Trở ra từ phòng tắm với bộ quân phục màu xanh sẫm đã được mặc cẩn thận trên mình, Khánh cất tiếng nhè nhẹ:
- Tuấn, cậu ngủ rồi đấy à ?
- Chưa...
- Cậu sao thế ?
Cái giọng nói đầy nước mắt đã tố cáo với Khánh rằng nó đang khóc. Khánh kéo tấm chăn ra khỏi đầu nó.
- Cậu sao thế ? Sao lại khóc như trẻ con thế này ? - Khánh đưa bàn tay mảnh dẻ nhưng đã chai sần vì những giờ luyện võ lên gạt dòng nước mắt đang lăn trên má nó.
- Hãy ở lại... một đêm thôi... một mình ở đây... lạnh lẽo lắm...
Yên lặng.
- Tôi... xin lỗi... Tôi phải về thôi... Tuần này tôi đã hứa với mẹ sẽ về nhà... Sắp hết giờ xe buýt rồi...
Nó lặng đi trước câu nói quá tàn nhẫn của Khánh. Khánh sợ cha mẹ đến thế sao ? Khánh có còn nhớ hơn 4 năm trước, khi nó báo với cha mẹ sẽ thi trường Luật, nó đã bị cha nó mắng ra sao không ? Ông muốn nó nếu không thi vào Y thì cũng phải là Bách Khoa, là Xây dựng, chứ không phải là trường Luật để tốt nghiệp ra trường chả biết kiếm việc đâu mà làm. Lần đầu tiên trong mười tám năm sống trên đời, nó bị cha mắng. Đau đớn lắm chứ ! Nhưng vì Khánh, nó đã vượt qua được. Vậy mà sao Khánh lại... ?
Nó ngồi yên trên giường. Đôi mắt đã khô. Lúc Khánh chuẩn bị bước ra khỏi cửa ra về, nó mới gọi nho nhỏ:
- Khánh...
- Sao ?
- Cậu... yêu tôi chứ ?
Khuôn mặt Khánh cứng lại trong giây phút, rồi nở một nụ cười:
- Tình cảm của tôi dành cho cậu từ xưa đến nay cậu luôn là người hiểu rõ nhất, phải không ?... Thôi ngủ sớm đi, cuối tuần mà !
Chap 3.
- Tuấn này !
- Dạ !
- Em đã bao giờ nghe nói đến Ban 17 của Quốc hội chưa ?
Hơi lạ lạ một chút, nhưng cuối cùng thì nó cũng nhớ ra:
- Là Ủy ban soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp phải không thầy ?
- Đúng rồi đấy ! - Rồi thầy Hải im lặng, nhìn nó bằng đôi mắt nghiêm nghị làm nó thấy bối rối. Nó không còn là sinh viên để phải trả lời những câu hỏi thi vấn đáp nữa, nhưng đứng trước những người đồng nghiệp mà mới chỉ mấy tháng trước nó còn phải gọi là thầy cô, nó vẫn cảm thấy có đôi chút hồi hộp. Không thể hiểu nổi tại sao đang ngồi trong văn phòng bỗng dưng thầy Hải trưởng khoa lại kêu nó ra nói chuyện riêng, và giờ sau một hai câu hỏi vẩn vơ lại chẳng nói gì hết nữa, nó đành lên tiếng thắc mắc:
- Có chuyện gì không thầy ?
- Luận văn tốt nghiệp của em viết rất khá, thế nên tôi đã làm một việc sai nguyên tắc một chút, là phôtô nó ra một bản và gửi cho giáo sư Duy Minh chủ nhiệm Ban 17...
Nó nhìn thầy bằng đôi mắt hồi hộp. Sao thầy Hải cứ thích dừng lại ở những đoạn cao trào để buộc nó phải lên tiếng hỏi thế này nhỉ ?
- Rồi sao nữa ạ ?
- Giáo sư đề nghị em làm thành viên của Ban !
- Gì ạ ?... Thầy... có thể nhắc lại... được... không ạ ? - Nó không tin nổi vào tai mình: nó, 22 tuổi, mới ra trường, và sẽ-được-tham-gia-viết-bản-Hiến-pháp-mới ?
- Em... Là... Thành... Viên... Của... Ban... 17. Nghe rõ rồi chứ ? - Thầy Hải mỉm cười trước cái vẻ mặt vẫn chưa thể hết ngạc nhiên của nó.
- Thật... thật không ạ ?
- Tôi nói dối em làm gì ? Giáo sư Duy Minh vẫn nổi tiếng là con người hay có những suy nghĩ khác thường mà.
- Vậy giờ... em làm sao ạ ?
- Vậy giờ... - thầy cười - Ban giám hiệu đã đồng ý với đề nghị của tôi cho phép em tạm nghỉ giảng dạy để tập trung vào việc nghiên cứu, cả việc học cao học của em nữa cũng đã được bảo lưu. Giờ em có thể về để thu xếp, từ sáng mai bắt đầu lên Văn phòng quốc hội làm việc.
- Hôm nay em được nghỉ ạ ? Cảm ơn thầy, em về ạ ! Em chào thầ...yyyy... - nó chạy biến vào những hành lang. Thầy Hải nhìn theo nó, chỉ biết lắc đầu, mỉm cười, và thầm nghĩ: " Đúng là... trẻ con ! "
.
Nó vừa hý hửng dắt xe ra khỏi nhà xe giáo viên thì thấy chị Thủy đang đi xe vào. Chị Thủy học hơn nó hai khóa, hiện cũng đang là giáo viên trong trường, nhưng ở khoa Dân sự, chứ không phải ở khoa Hành chính - Nhà nước như nó. Hai chị em quen nhau qua những phong trào hoạt động của Đoàn.
- Chị Thủy !
- Tuấn à ? Sao chưa hết tiết đầu đã về thế này ? - chị nhìn nó, rồi mỉm cười - để chị đoán tại sao nhé ! Cho chị đoán mấy lần đây ?
Nó cũng cười. Cái bà chị này, bụng mang dạ chửa to đến thế kia rồi mà vẫn chưa hết được cái tính cách của bà bí thư đoàn trường.
- Một lần đoán thôi, thử xem số chị hôm nay đỏ đến đâu ?
- Eo ôi, em chị keo kiệt nhỉ ? Cho có mỗi một lần thôi ! Nhưng cũng được ! Có phải nó có liên quan đến thầy Duy Minh ở Ban 17 không ?
- Sao... sao chị biết ? - Nó không ngờ thông tin lại có thể lan truyền nhanh đến thế.
- Sao lại không biết chứ ? Lịch sử lập hiến đã mấy lần có được người vừa trẻ vừa tài lại được cái đẹp trai như Tuấn tham gia chứ ?
- Chị này... cứ nói xỏ em thôi...
- Xỏ xiên gì chứ ? Chị mà chưa chồng con thế này thì Tuấn có mà biết tay với chị ! Mà cô bạn em bao giờ thì về nước nhỉ ?
- Dạ... bạn ấy... vẫn chưa học xong chị ạ ! - nó nói hơi ngập ngừng. Trong bốn năm học đại học, để che giấu mối quan hệ của mình với Khánh, và để thoát khỏi những cái nhìn đắm đuối liên tục được ném về phía mình, nó đã phải "tạo nên" một-cô-bạn-gái-đang-du-học-ở-nước-ngoài - Mà thôi, cũng sắp vào tiết mới rồi đấy, chị vào đi, em về đây ! - nó cố trốn tránh đề tài đang được nhắc tới.
- Ừ... Mà Tuấn này - chị gọi khi nó đã chạy xe qua được một đoạn - đừng tưởng mỗi mình là nhất nhé ! Nghe nói là còn một người nữa, cùng khóa với em, cũng được thầy Duy Minh chọn vào Ban đấy! - chị cười cố ý trêu nó, rồi nổ xe chạy vào trong.
Nó đứng lại trước cửa nhà xe. Những gì chị Thủy vừa nói cũng làm nó ngạc nhiên không kém lúc nghe thầy Hải thông báo nó được chọn vào Ban 17. Năm vừa rồi là lần đầu tiên sau mười ba năm trường Luật mới có sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, một là nó với đề tài về cải cách hệ thống chính trị, và một người nữa với đề tài về chuẩn hóa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế... Nó giật mình. Chả nhẽ người mà chị Thủy vừa nhắc đến chính là Hoàng sao ?
Chap 4.
Sau bữa ăn mừng với cha mẹ và gia đình anh trai, nó trở về căn hộ trong trạng thái hơi chuếnh choáng say. Cha nó vốn làm nghề xây dựng, còn anh trai nó là seller cho một tập đoàn thương mại lớn của Đức tại Việt Nam - chỉ cần nói vậy cũng có thể biết tửu lượng của hai người này khá đến mức nào. Với nguyên áo sơmi và quần dài, nó nằm vật ra giường, cố ngủ, nhưng đôi mắt vì đã nhuốm chút hơi rượu, trở nên khô rát, làm nó cứ phải mở mắt ra nhìn lên trần. Nó không bật đèn - thói quen của nó vào buổi tối là như vậy. Có thể chiêm tinh học nói đúng khi bảo rằng những người thuộc cung Bảo bình như nó thích bóng đêm. Nhưng tự nhiên sao hôm nay cái bóng đêm này lại lạnh lẽo và nặng nề đến vậy ?
Nó lấy điện thoại và nhắn tin cho Khánh. Giờ là chín giờ tối. Khánh đã về phòng trong ký túc sau buổi điểm danh đêm. Chiếc điện thoại rung lên báo cho nó biết rằng Khánh đã nhận được tin nhắn. Nhưng sao năm phút... mười phút... mười lăm phút... rồi nửa tiếng... Khánh vẫn chưa nhắn lại ? Khánh không mừng cho nó hay sao ? Nó cảm thấy tủi thân, dù đây không phải lần đầu nó nhắn-tin-vào-cõi-hư-không như thế...
Tự nhiên nó nghĩ đến Hoàng. Ừ, phải, nó vẫn chưa biết người thứ hai, bằng tuổi nó, được nhận vào Ban là ai, có phải là Hoàng không ? Hoàng học cùng lớp với nó, và cuối năm thứ nhất đã cùng nó tham gia nghiên cứu khoa học về đề tài tổ chức bộ máy nhà nước của các nước trên thế giới, nó viết phần lý luận chung, còn Hoàng - với khả năng thông thạo năm ngoại ngữ, lo phần dịch tài liệu. Phải nói là hai đứa khá thân thiết nhưng cũng lâu rồi, từ khi tốt nghiệp đến giờ chúng không còn liên lạc gì với nhau nữa.
Nó tìm danh sách bạn bè trong điện thoại rồi dừng lại ở cái tên "Hoang de". Nó mỉm cười trước cái tên ấy. Nó xuất phát từ hai tiếng đầu tiên trong nick yahoo của Hoàng là "Hoàng đế...", nhưng vì có khuôn mặt quá trẻ con mà bạn bè gọi chệch đi thành Hoàng "đệ", và thỉnh thoảng có người dịch nó thành Hoàng "dê"...
Nó nhấp tay vào nút Gọi.
Tút... tút... tút... - Máy báo bận. Nó dập máy và lại gọi lại - một lần, rồi hai lần. Vẫn những âm thanh cũ. Chà, chắc lại đang tán gái rồi đây. Với khuôn mặt trẻ con rất đáng yêu, lại là đội trưởng đội bóng rổ của trường, ngay trong năm thứ nhất nó đã thấy Hoàng thay năm, sáu đời bạn gái, kể gì đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp ra trường và có công việc khá là trong mơ do được mẹ kéo về làm ở Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia.
Nó vứt điện thoại ra đầu giường mà định cố ngủ, nhưng đúng lúc ấy những giai điệu của bài "You raise me up" lại vang lên. Nhìn qua màn hình ngoài nó có thể nhận ra người gọi chính là " Hoang de "...
- Vâng, Nguyễn Anh Tuấn xin nghe !
- ( cười )... làm quan to rồi, thế bao giờ mới định khao anh em đây ?
- Quan to gì chứ ?
- Ông không biết thật, hay là đang giả vờ không biết đấy ? Sáng nay tôi cũng mới nhận được thông báo. Không tin được! Nên mới chạy ngược lên 37 Hùng Vương xem danh sách cụ thể. Thế mới phát hiện ra Nguyễn Anh Tuấn - Trường Đại học Luật Hà Nội cũng trong Ban ... ( cười )
- Vậy cậu chính là người thứ hai kia à ?
- Người thứ hai nào ? À, tuổi trẻ tài cao chứ gì ? Nên nhớ rằng cùng lắm cậu chỉ là thiên tài thôi, còn tôi là THIÊN TÀI - viết hoa và in đậm nhé !
- Thôi, xin, lớn tướng rồi mà vẫn như trẻ con ấy !
- Thì thôi ! Mà vừa buôn với ai lâu thê, tôi gọi mấy lần đều máy bận ?
- Ơ... thế... - nó ngập ngừng - hóa ra cậu gọi cho tôi à ? Thế mà tôi cứ tưởng...
Yên lặng. Và Hoàng là người lên tiếng trước, với một câu hỏi chẳng ăn dơ gì:
- Sáng mai cậu cũng bắt đầu lên Ban đúng không ?
- Ừ ! Sao ?
- Cứ đợi ở nhà nhé !
Và dập máy.
Nó thắc mắc về câu nói cuối cùng đầy lấp lửng của Hoàng. Nhưng nó chẳng thể thắc mắc được lâu, cơn buồn ngủ đã ập xuống nó lúc nào không biết...
Chap 5.
" You raise me up, so I can... "
Chiếc điện thoại chưa kịp vang lên hết câu, nó đã vơ lấy và úp lên nghe.
- Vâng, Nguyễn...
- Nguyễn Nguyễn cái gì ? - tiếng Hoàng vang lên - Nghe giọng là biết chưa ngủ dậy rồi ! Thế có định đi làm không hay cứ ngủ đến trưa đây ?
Nó giật mình. Thôi chết ! Vì kỳ này chỉ có giờ giảng vào buổi chiều nên nó có thói quen ngủ nướng vào buổi sáng; và do tối qua bị say nên cũng quên luôn việc đặt đồng hồ báo thức.
- Đợi... đợi tôi một tí... Cậu đang ở đâu đấy ?... Đã muộn lắm chưa ?... Mấy... mấy giờ rồi ?... - Nó vội vội vàng vàng lao ra khỏi giường.
- Trước cửa phòng 603 nhà E khu chung cư Trần Duy Hưng. Chưa. Sáu giờ.
- Cái gì ?
- Chưa nghe rõ à ? Cậu hỏi tôi đang ở đâu và tôi đã...
- Tôi không nói chuyện đó ! Sao cậu...
- À ! Sao tôi biết phòng cậu à ? Tôi đã...
- Không ! Sao cậu dám gọi tôi dậy lúc mới sáu giờ ?
- ...
- Cậu đến đây làm gì ? - Nó hỏi trong khi đang loay hoay mở cửa.
- Chả nhẽ cậu không thể mời người đồng nghiệp trong mấy tháng tới này vào phòng cũng như mời một bữa sáng hay sao ? - Cánh cửa gỗ đã mở, chỉ còn khung cửa xếp, nhưng Hoàng vẫn chưa bỏ máy.
- Cậu hay tôi mới là người vừa ngủ dậy mà vẫn đang mơ thế nhỉ ? Sao tôi lại phải lo bữa sáng cho cậu ?
- Bởi vì tôi sẽ đưa cậu đi làm - khi bước vào phòng, Hoàng mới dập máy xuống.
- Sao tôi lại cần cậu đưa đi ? - Nó nhìn vào cái vẻ mặt chắc nịch của Hoàng.
- Vậy không lẽ cậu định đạp xe đạp từ đây lên trên đấy ?
Nó ngẩn người ra. Đúng là nó chỉ đi xe đạp, suốt bốn năm học đại học và cho đến tận giờ khi đã đi làm. Đơn giản vì nhà nó khá gần trường, vì nó thấy chiếc xe địa hình rất hợp với dáng nó ( ặc ặc ), và nó không mua xe máy cái chính vì nó muốn dành tiền vào một việc khác...
- Ờ, thôi vậy... - nó đành xuống nước - có người tự nguyện làm xế đưa đón trong cái thời buổi xăng dầu này cũng tốt chứ sao ?
- Thế đi chuẩn bị gì ăn sáng cho tôi đi !
- Thế xế muốn ăn gì nào ?
- Hmm, mỳ tôm thì sao ?
- Tôi có bao giờ ăn mỳ tôm đâu ? - nhăn mặt.
- Thế xôi hay bánh bao thì sao ?
- Cậu chạy xuống tầng một mua nhé ! - cười ranh mãnh.
- Thế có cơm nguội không vậy ?
- Không ! Tối qua tôi ăn ngoài !
- Hix... thế hàng sáng cậu thường ăn gì thì giờ cho tôi một suất ấy là được...
- Pasta nhé ! - Đề nghị được đưa ra sau cái nhíu mày suy nghĩ.
Một cái nhún vai thay cho lời đồng ý, Hoàng đi theo nó vào bếp; dĩ nhiên vào chỉ để nhìn nó nấu thôi, vì Hoàng đã bao giờ phải đụng tay tới chuyện bếp núc đâu...
.
Hoàng nhìn nó với đôi mắt săm soi mất một lát, rồi buông một câu kết luận:
- Cậu trông chả có dáng gì của ông giảng viên đại học cả ! Trẻ con quá !
Nó nhìn lại mình trong tấm gương lớn trang trí trong phòng khách, và mỉm cười. Ừ, chính nó muốn tạo cho mình cái dáng trẻ con ấy mà ! Nó biết người nó nhỏ nhắn, da dẻ cũng được cái trắng trẻo, thế nên nếu cho nó đứng cạnh một học sinh lớp 11, 12 thì chắc chẳng ai nghĩ rằng nó đã 22 tuổi và là giảng viên đứng lớp của một trường đại học lớn đâu, mà sẽ nghĩ rằng nó và thằng nhóc đứng cạnh là hai người bạn cùng lớp thôi. Và cũng vì thế nên nó quyết định tạo luôn cho mình một cái dáng vẻ hoàn chỉnh của một... đứa trẻ con: tóc bới rối trông rất nghịch ngợm, đi xe đạp, mặc quần vải đen, sơmi trắng, giày thể thao trắng, và một cái balô to sụ ở sau lưng nữa... Đã không ít lần nó vào lớp, cầm mic nhắc giữ trật tự mà đám sinh viên ngồi dưới vẫn nhao nhao nói chuyện vì cứ tưởng nó chắc là người ở bên Đoàn sang thông báo chuyện đóng góp, ủng hộ gì đó. Nhưng những lần như thế nó rất vui, vì chúng làm nó biết trong mắt mọi người nó còn trẻ, rất rất trẻ, trẻ như... trẻ con ấy. Nó không muốn bị coi là già. Và chính nó cũng tự biết rằng, sự thật là nó đang cố trốn chạy hiện tại, để được sống mãi với cái tuổi 17, 18 - quãng thời gian đẹp nhất mà nó còn được ở bên Khánh...
Nghĩ đến Khánh tự nhiên lòng nó trùng xuống. Không, không được, không được nghĩ tiếp nữa. Phải đi thôi, phải đi ngay trước khi đôi mắt săm soi của người đang ngồi trước mặt nó đây nhận ra nét buồn bối rối của nó. Phải đi ngay thôi ! Nó thở ra một hơi dài cố lấy lại bình tĩnh:
- Đi được chưa ? Cũng muộn rồi đấy !
Chap 6.
Số 37 Hùng Vương - hay gọi tên chính xác hơn là Văn phòng Quốc hội hiện ra là một tòa nhà xấu xí và thô kệch. Bố nó vừa là kiến trúc sư, vừa là kỹ sư xây dựng, nên nó cũng biết không ít các công trình xây dựng khác nhau, vả lại chính nó cũng có chút ít khiếu hội họa từ bé, nên dĩ nhiên một tòa nhà hình hộp vuông vức trong mắt nó rõ ràng là chả có tí thẩm mĩ nào.
Nó xuống xe đứng đợi trước cổng trong khi Hoàng đi gửi xe.
Gần mười lăm phút rồi vẫn không thấy Hoàng quay lại. Chắc là tiếc tiền nên vào gửi xe trong bãi xe ở Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi, ở đấy thì cứ gọi là đông chặt người luôn. Hơn tám giờ rồi, cứ chần chừ mãi thì nó cũng muộn mất. Nó đành liều đi vào trong.
- Này nhóc, đi đâu đấy ?
Nó quay ra phía tiếng nói. Đó là một anh chàng bảo vệ, à không, phải nói đúng là một anh chàng an ninh còn khá trẻ, quân hàm vẫn chưa có sao hay vạch, chắc cũng chỉ tầm như Khánh. Không được, nó lại nghĩ đến Khánh rồi.
- Tôi... đến làm việc.
- Làm việc ? - anh chàng cười to - Nhóc học lớp mấy rồi ?
Ôi, khỉ thật ! Lúc này thì nó ghét cái dáng vẻ trẻ con quá mức của nó lắm rồi ! Đúng là nó chả có giấy giới thiệu hay quyết định công tác gì cả. Thầy Hải bảo nó đến thì nó đến thôi, chứ cũng quên toi mất chuyện vào các khu văn phòng nhà nước thế này đâu phải chuyện đơn giản. Nó ấp úng không biết phân bua kiểu gì...
- Chúng tôi là người mới ở Ban 17. Đồng chí có thể xem lại danh sách, chắc chắn có ảnh của chúng tôi - Hoàng xuất hiện sau lưng nó từ lúc nào không biết nữa.
Anh chàng an ninh không nói gì mà chỉ hơi quay đầu về phía phòng trực và hất cằm với một người khác đang ngồi bên trong. Chưa đến một phút sau người này cũng đi ra, tay cầm hai chiếc thẻ màu vàng chanh nhạt đưa cho nó và Hoàng.
- Nguyễn Anh Tuấn - giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, và Lê Huy Hoàng - cán bộ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia -Câu nói này có lẽ là để xác minh cho người đồng đội của anh ta chứ không phải cho hai con người được nhắc tới, rồi anh ta mới quay ra nói với hai đứa - Hai đồng chí giữ lấy cái thẻ này, từ giờ ra hay vào khu Văn phòng chỉ cần xuất trình thẻ là được. Nhưng giữ gìn nó cẩn thận nhé, mất là phiền lắm đấy !
Đến lúc này thì cánh cổng sắt mới trượt sang bên một khoảng nhỏ vừa đủ để hai đứa đi qua. Sau khi trèo hết bậc tam cấp và vào bên trong tòa nhà, nó mới thở phào. Thế mà lúc nãy nó lo quá, may mà có Hoàng. Sao Hoàng có thể điềm tĩnh đến thế nhỉ, nó thì lúc ấy cứ cuống hết lên, muộn giờ rồi mà không biết làm sao xin vào được. Nhìn bóng hai đứa đang trải dài trên nền đá lát sáng bóng, tự nhiên nó thấy cái dáng áo trắng của nó thật nhỏ bé khi ở bên cạnh Hoàng...
.
Theo như hướng dẫn từ bản sơ đồ tòa nhà, hai đứa sẽ làm việc ở tầng 7, hành lang phía bắc - một vị trí rất đẹp vì có thể nhìn thấy toàn cảnh quảng trường Ba Đình. Lúc hai đứa đến được phòng họp thì cũng đã gần tám rưỡi, và chúng là hai người đến sau cùng của cuộc họp.
Căn phòng chỉ có tầm hai mươi người. Trừ nó và Hoàng thì tất cả đều ít nhiều có những mảng màu bạc trên mái tóc. Điều đó không có gì lạ, và chuyện đa số người trong phòng đều là nam giới cũng thế. Chỉ có ba người có mái tóc dài. À và cả nó nữa chứ nhỉ, không phải nam cũng không phải nữ, nó là một thằng đồng tính.
Nó nhận ra thầy Hải đang ngồi ở dãy bàn thứ hai, nhưng đã bắt đầu vào cuộc họp, nên nó không dám đi lên chào thầy, cuối cùng nó vẫn ngồi cạnh Hoàng ở dãy ghế dưới cùng.
Hoàng huých nhẹ tay nó, thì thầm:
- Viện phó của tôi đấy - giáo sư, tiến sĩ Đặng Duy Minh...
Nó nhìn về phía bục diễn giả. Một người đàn ông tầm trên dưới sáu mươi đang đứng ở đó - một thân hình cao gầy, mái tóc pha hai màu đen - bạc hơi dài, ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn có cái sống mũi cao và đôi mắt màu đen nhạt - sau này khi tiếp xúc nhiều hơn với giáo sư, nó mới biết đó thực ra là màu nâu sẫm. Nó dám chắc rằng khi còn trẻ, giáo sư phải rất đẹp trai.
Theo đúng những thủ tục của một cuộc họp thông thường, đầu tiên luôn là màn giới thiệu đại biểu.
Trước khi Quốc hội muốn thông qua một đạo luật nào đó, một ban soạn thảo luật sẽ được thành lập, và thông thường thì một ủy viên của Ủy ban pháp luật sẽ là trưởng ban. Nhưng riêng với Hiến pháp thì khác. Ban soạn thảo Hiến pháp mới sẽ có trưởng ban là đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội, một phó ban là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, và một phó ban khác là một đồng chí bên Trung ương Đảng. Dĩ nhiên thì cả ba người này chỉ làm công tác quản lý và góp ý thôi, còn việc biên soạn chính vẫn phải giao cho những nhà chuyên môn, do đó mới sinh ra cái chức danh Chủ nhiệm, và giáo sư Duy Minh là người giữ chức danh này. Thế nên, trong thời gian còn làm việc ở đây, giáo sư mới thực sự là "sếp" của nó - nó thầm nghĩ trong đầu như vậy.
Với sự giới thiệu của giáo sư, nó biết trong ban, trường nó có 3 người, là nó, thầy Hải trưởng khoa, và cô Dung - hiệu phó; bên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia có 5 người, riêng Viện Nhà nước và Pháp luật đã có giáo sư Duy Minh, Hoàng và giáo sư Khiêm - một nhà nghiên cứu cũng rất nổi tiếng mà nó chắc chắn rằng chưa một cuốn sách nào của ông mà nó chưa đọc; ngoài ra thì bên Bộ Tư pháp có 3 người, khoa Luật Đại học Quốc gia có 3 người, trường Luật thành phố Hồ Chí Minh có 2 người, và Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, mỗi nơi có 2 người nữa, tổng cộng cả Ban 17 có 25 người.
Rồi đến khi phân công công việc, lúc trên đường đi hai đứa cũng đã chí chóe đoán già đoán non xem ai sẽ được phân công tham gia viết phần nào. Nhưng đến khi giáo sư tuyên bố chính thức thì một lần nữa nó lại thấy thực sự bất ngờ, vì chương quan trọng nhất của bản Hiến pháp - "Chế độ chính trị", lại chỉ do 2 người viết, một là chính giáo sư, và người thứ hai kia là nó - Nguyễn Anh Tuấn...
Chap 7.
- Ơ... này... Cứ đờ ra như mất hồn thế ?
- À... à... ừ, sao thế ?
- Họp xong rồi thì về phòng làm việc đi chứ ! Cậu cứ "phiêu" như thế từ lúc phân công công việc đến giờ cũng gần một tiếng rồi đấy !
- Đâu mà... - nó cố chữa thẹn - Thế cậu được phân viết đoạn nào ?
- Chà đoạn nào cả ! Tôi trong tổ đọc thẩm định. Cậu phải thừa biết rằng tôi chỉ biết Hiến pháp là Constitution, ngoài ra chả biết cái mô tê gì cả !
Nó phì cười trước cái vẻ mặt thộn ra như thật của Hoàng. Chuyên môn của Hoàng là luật quốc tế, nhưng bảo chả biết gì về luật quốc gia thì đúng là nói quá ! Từ năm thứ hai, sau khi bỏ hết đám bạn gái, Hoàng chí thú vào chuyện học hành hơn hẳn. Và cũng từ đấy, tổng kết kỳ nào trong khoa trong lớp cũng là nhất nó, nhì Hoàng, và thỉnh thoảng cũng có lần nhất Hoàng, nhì nó... Nhưng dù sao thì nó cũng chắc chắn rằng số lần nó hơn điểm vẫn nhiều hơn...
- Cậu làm ở phòng này, 727. Còn tôi ở phòng 730. Mà... - Hoàng ghé sát vào tai nó nói nhỏ - tôi mới về Viện nên cũng không rõ, nhưng nghe mọi người kháo nhau là cái ông Duy Minh này khó ưa lắm, tài nhưng mà kiêu, lại hay đột xuất có những trò quái gở nữa...
Nó đẩy Hoàng ra, cười:
- Thì quái gở như việc cho tôi với cậu vào Ban là cùng chứ gì ?
- Tôi cứ nói trước để có gì cậu còn chuẩn bị tinh thần !
- Cậu cứ đi lo việc của mình đi. Rắc rối quá !
Nó đẩy Hoàng đi tiếp rồi bước vào phòng. Nói cứng thế thôi chứ thật ra thì trong lòng nó cũng hơi lo. Cái việc biên soạn này nhanh thì cũng phải dăm ba tháng, lâu có khi đến cả năm. Nếu đúng là cái lão "sếp" này khó ưa quá thì cũng mệt đấy. Nó biết tính nó nhiều lúc cam chịu đến lạ, nhưng cũng nhiều lúc "nổi hứng bất tử" lắm, lỡ vì một lần như thế mà bị kiếm cớ để đẩy khỏi Ban thì đúng là xấu hổ cho cái danh "tuổi trẻ tài cao" của nó lắm !
Nó nhìn quanh phòng, lão "sếp" - í nhầm, phải gọi là giáo sư chứ,... giáo sư chưa vào. Căn phòng có một bàn uống nước, và chỉ độc một bàn làm việc. Thế thì hai con người, nó và giáo sư, sẽ ngồi làm việc kiểu gì đây ? Giáo sư chắc chắn sẽ ngồi ở bàn làm việc rồi, vậy chả nhẽ suốt mấy tháng trời nó sẽ phải lom khom, lúi húi đọc đọc, chép chép ở cái bàn nước thấp lè tè này à ? Nó nhăn mặt. Ở trường tuy không có bàn làm việc riêng, nhưng ít nhất nó cũng không phải ngồi viết ở bàn uống nước. Mà thôi kệ đi, chuyện đó tính sau. Giờ theo đúng phép tắc ở một cơ quan nhà nước, nó phải đi pha trà để chuẩn bị cho chút nữa "sếp" vào đã...
Cánh cửa hé mở, giáo sư bước vào. Nó đứng dậy đưa tay ra định bắt tay giáo sư, nhưng ông thản nhiên như không nhìn thấy, bước thẳng vào phía trong và đặt chiếc cặp lên bàn làm việc.
" Lão này đúng là kiêu thật ! Không thèm bắt tay mình... " - nó thầm nghĩ trong đầu như thế, nhưng vẫn cố niềm nở bước tới chào hỏi:
- Chào giáo sư ạ ! Cháu là...
- Ta phải biết rõ cháu là ai trước khi chọn cháu vào đây chứ ! - Ông nhìn nó, nhưng cái nhìn ấy không ẩn chứa mỉa mai, cũng không phải ghét bỏ, nó chỉ lạnh lùng và vô cảm như ngữ điệu mà ông đang dùng vậy. Nó thấy sởn lạnh. Người đàn ông đang đứng trước mặt nó không giống với bất kỳ ai mà nó đã từng gặp. Thông thường người ta sẽ xã giao mà chào hỏi lại nó, còn nếu như người ta khinh ghét nó thì ánh mắt nhìn nó đã phải khác, chứ không như đôi mắt sắc lạnh đang nhìn nó bây giờ - cái nhìn thẳng nhưng lại như không hề quan tâm là đang nhìn cái gì, và cái nhìn như không quan tâm ấy lại như đang xuyên thấu hết tâm can người đối diện.
- Làm việc thôi ! - câu nói của giáo sư làm nó giật mình thoát khỏi sự mê hoặc từ đôi mắt ấy.
Nó bước một bước lại phía chiếc bàn làm việc, nhưng rồi đứng lại. Như hiểu nguyên nhân, giáo sư chỉ tay về chiếc ghế ở sát góc phòng:
- Cháu kéo cái ghế ra đây. Ta với cháu dùng chung bàn. Ở đây cũng không còn phòng nào nữa nên đành phải cố gắng vậy. Mà phần "Chế độ chính trị" này công việc cũng nhẹ nhàng, nên chắc không cần phải ở trong văn phòng này nhiều đâu.
Chap 8.
" How ? "
" What's how ? "
" Can you stand the professor ?"
" Still alive, not dead "
" That sound's good ! See ya at 5 p.m "
Nó mỉm cười. Đúng là ngốc, không đợi Hoàng về thì nó đi bộ về nhà chắc, thế mà cũng phải nhắc. Chợt nó bắt gặp cái nhìn của giáo sư - vẫn cái nhìn lúc sáng. Nó lại lạnh người. Đúng là trong giờ làm việc mà cứ dán mắt vào cái điện thoại để nhắn tin thì bị sếp lườm là phải.
- Cháu... xin lỗi - Nói xong rồi nó mới nhận ra rằng yên lặng trong trường hợp này mới thực sự là vàng, nó càng bối rối hơn.
- Đấy là Hoàng, đúng không ? Sáng ta thấy hai đứa đi cùng nhau...
- Dạ, tại bọn cháu học cùng... - nó dừng lại khi nhớ ra rằng chắc giáo sư đã biết chuyện đó rồi. Nó liếc sang chỗ ông. Ông vẫn nhìn nó với đôi mắt làm nó cảm thấy sợ ấy. Liệu nó có thể bảo giáo sư đừng nhìn nó nữa được không nhỉ ?
- Thôi, cũng muộn rồi ! Hôm nay nghỉ sớm đi, ngày đầu tiên mà - Giáo sư kết thúc cuộc-nói-chuyện-khó-khăn rồi nhanh chóng đứng dậy xếp tài liệu vào cặp và ra về. Sự vội vã ấy càng làm tăng sự tò mò trong tâm trí nó về ông.
.
- Đợi tôi lâu chưa ?
- Hơn một tiếng rồi ! Giáo sư cho tôi về từ lúc bốn giờ !
- Ông Duy Minh này cũng không khó tính lắm nhỉ ?
- ...
- Thế cậu làm gì từ lúc đó đến giờ ?
- Đi vòng quanh khu Quảng trường !
- ...
- Gì mà nhìn tôi như thế chứ ? Chứ tôi phải làm gì cho hết thời gian đây ?
- Thế giờ...
- Sao ?
- Ra Quảng trường với tôi lần nữa nhé !
.
- Avenue Brière de I' Isle
- Gì cơ ?
- Tên cũ của đường Hùng Vương này đấy, Avenue Brière de I' Isle.
Nó liếc nhìn Hoàng, chỉ thoáng qua và chưa đến một giây thôi. Hoàng chưa bao giờ làm nó hết ngạc nhiên thì phải.
- Tôi không thích cái tên ấy.
- À... ừ... tôi cũng không thích, chỉ là... biết thôi...
- Cậu yêu Hà Nội lắm phải không ?
- ...
- Tôi cũng thế ! - Nó dừng lại, nhưng Hoàng vẫn im lặng. Nó lại kể tiếp - Bắt đầu từ năm lớp mười hai, khi tôi được biết thế nào là yêu. Và đó đúng vào mùa thu, mùa thu của hoa sữa trên con đường mà hai đứa chúng tôi đi học. Tự nhiên từ đấy yêu hoa sữa, yêu mùa thu và yêu Hà Nội kinh khủng !
- Giờ cậu vẫn yêu người ấy chứ ?
Yêu Khánh ư ? Phải, sau từng ấy năm nó vẫn yêu Khánh. Và giờ nó có còn hy vọng gì vào tình yêu ấy nữa không ? Nhạt nhòa hết cả rồi ! Khánh mãi mãi là một bóng mờ mà khi nó cố gắng để đuổi kịp thì cũng sẽ tan biến ngay đi chỉ sau một cái chạm nhẹ... Tình cảm Khánh dành cho nó giờ chính nó cũng không còn chắc chắn nữa. Đã lâu rồi Khánh lảng tránh nói lời yêu với nó. Tại sao ? Ừ, tại sao nhỉ ? Vì Mai Hương sao ? Vì Khánh đã yêu Mai Hương rồi sao ? Thật nực cười ! Khánh đã từng thề thốt với nó rằng Khánh nhận lời với Mai Hương chỉ vì không muốn để cô buồn, và cũng để che giấu đi mối quan hệ mà chắc chắn cha mẹ và xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận giữa Khánh và nó. Thế mà giờ chuyện giả đã thành chuyện thật, và phở đã được dùng để ăn chính thay cơm rồi đấy ! Mà không đúng, với Khánh, nó mới chính là món tráng miệng để ăn kèm, khi đói thì người ta ăn nhiều, còn lúc đã no người ta chỉ dùng tí chút, có khi còn bỏ qua không động tới... Ôi, không ! Không ! Không ! Nó không muốn suy nghĩ tiếp nữa ! Khánh không thể là một con người như thế !...
.
- Cậu mệt à ?
- À... tôi đói rồi. Chúng ta về đi ! Gió lạnh rồi !
Trời đã ngả sang tối. Đường phố đã lên đèn. Đến lúc ấy nó mới nhận ra nó và Hoàng đã rẽ sang đi trên đường Hoàng Diệu từ bao giờ rồi. Quay trở lại đường Bắc Sơn, hai đứa đi giữa những tia sáng lung linh màu ngọc bích của ánh đèn đường chiếu rọi qua tán lá, và thấy phía xa xa Quảng trường Ba Đình đang lấp lánh ngàn vạn những giọt sương trải dài tới chân Lăng Bác uy nghiêm... Bao suy nghĩ trong lòng nó dịu hẳn lại. Hình như mùa thu Hà Nội còn điều gì khác nữa chứ không phải chỉ có riêng mình hoa sữa ?
Chap 9.
Đúng như giáo sư Duy Minh đã từng nói, công việc của ông và của nó cũng nhẹ nhàng thật. Về cơ bản thì nội dung của chương này vẫn giữ nguyên so với bản Hiến pháp trước, nhưng cũng có nhiều điểm nó và giáo sư đã phải tranh luận với nhau khá gay gắt, khi thì dẫn ra không biết bao nhiêu tác phẩm kinh điển hay văn kiện Đảng, cũng nhiều khi lại đưa ra những quan điểm mới mẻ của riêng mình. Và lần này cũng là một lần như vậy...
.
- Tôi cần mượn sách !
- ...
- Ơ, này ! Có định giúp tôi không đấy ?
- Có chứ ! Sao lại phải hỏi thế ?
- Cậu không hỏi tôi cần sách gì thì về nhờ mẹ mượn cho kiểu gì ?
- Cậu nhờ thẳng mẹ tôi ấy !
- Gì ? - mắt nó trợn tròn. Mẹ Hoàng làm ở Viện Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia, nên hồi còn học trong trường, hai đứa có cả một kho sách khổng lồ để mượn, bao gồm cả những bản dịch viết tay, chưa từng được biên tập và xuất bản. Nhưng tất cả những lần ấy nó đều nhờ Hoàng mượn hộ, chứ cũng chưa từng một lần gặp mặt mẹ Hoàng.
- Về nhà tôi ăn cơm tối nhé ! Hôm nay cả bố cả anh tôi đều phải trực đêm, nhà còn có hai mẹ con thôi.
- Nhưng...
- Nhưng gì chứ ? Cậu về thì cũng ăn cơm một mình mà ! - Thấy nó có vẻ cũng đã xiêu xiêu, Hoàng tiếp - Thế giờ tôi đưa cậu đi chợ, cậu mua sắm rồi về nấu nướng nhé !
- Mơ à ? Mới làm có mấy tuần, đã nhận lương đâu ?
- Thế người nào muốn nhờ mượn sách ấy nhỉ ? - cười ranh mãnh.
.
Những tô cơm với năm màu trắng, đen, đỏ, vàng, xanh xếp xen kẽ được đặt lên trên bàn.
- Cháu khéo tay thật đấy ! Bác có con gái thì cũng chưa chắc nó đã nấu đưọc như thế !
- Bác cứ khen quá ! Cũng vì công việc của cha mẹ cháu bận rộn nên hai anh em nhà cháu cũng đều biết nấu nướng từ bé.
- Thì cũng như nhà bác thôi, nhưng như thằng Hoàng đây này, có biết làm gì đâu, việc gì cũng tới tay bác cả !
- Mẹ này, cứ nói xấu con mãi thôi ! Ít nhất thì ăn xong con cũng biết rửa bát mà ! Mà ăn cơm thôi chứ nhỉ ? Món này gọi là gì hả Tuấn ?
- Cơm rang ngũ sắc, tôi tự sáng chế đấy - cười.
- Đây là món chay phải không cháu ?
- Dạ ! Cũng vì cháu không biết sở thích của bác thế nào nên mới nấu món này. Mát và cũng dễ ăn lắm ạ ! - nó lại cười. Đây là món sở trường yêu thích nhất của nó mà. Món này thực chất là năm món cơm rang khác nhau, lần lượt là đậu phụ, mộc nhĩ - nấm hương, cà chua - bí ngô, trứng và khổ qua - bí đao, tất cả được thái nhuyễn và rang với cơm. Nó sáng chế ra món này sau tiết Ngũ hành và Y thuật phương Đông của môn Lịch sử Văn minh thế giới. Nó đã nấu món này rất nhiều lần nhưng lại chưa từng dám nói nguồn gốc này cho ai, vì đây quả là một sáng tạo to lớn đưa lý thuyết vào thực tiễn đời sống ( ặc ặc ặc )...
.
...
- Ôi tội nghiệp cái ông Duy Minh, ngạo nghễ cả đời để rồi vẫn thua tài lớp trẻ ! Và cháu dám nói thẳng ngay rằng ông ấy đã sai ?
- Vâng. Cháu chắc chắn vì đã được đọc nguyên tác bằng tiếng Pháp, chứ không như giáo sư, phải đọc lại từ bản dịch tiếng Anh.
- Vậy là cháu cần bản dịch chính xác của nó chứ gì ?
- Dạ !
- Thế để bác tìm đã, rồi một hai hôm nữa sẽ bảo Hoàng gửi cho cháu.
- Dạ ! Cám ơn bác ạ !
- Thế là những việc chính của tối nay đã xong rồi nhé ! Cơm đã ăn và mượn sách đã nhờ rồi nhé ! Giờ mẹ ở nhà để con đưa Tuấn về !
- Còn sớm mà ! Để Tuấn ở lại chơi thêm lát nữa !
- Thôi bác ạ, cháu cũng xin phép, làm việc cả ngày rồi, quần áo cũng chưa thay giặt được gì...
Lúc nó đứng ngắm những giò phong lan treo trên hàng rào ngoài sân để đợi Hoàng dắt xe ra, một chiếc mũ bảo hiểm được đặt lên đầu nó, và thoảng bên tai nó là lời thì thầm của Hoàng:
- Đúng là làm việc cả ngày rồi, nhưng cậu vẫn thơm như... mứt vậy !
Chap 10.
Nó yên lặng ngồi sau xe Hoàng. Và Hoàng cũng chỉ chăm chú nhìn con đường phía trước mặt. Sự yên lặng cứ tiếp diễn mãi cho đến tận khi chiếc xe dừng lại trước tòa nhà chung cư, và cũng chỉ bị phá vỡ bởi mấy lời xã giao ngắn ngủn:
- Cảm ơn nhé ! Chào !
- Ừ, tôi về đây. Chào !
.
Nó đi dọc hành lang và bước vào trong thang máy. Tám giờ tối của một ngày cuối tuần, chỉ có một mình nó. Lạnh. Hai tuần rồi kể từ sau cái tin nhắn chúc mừng muộn màng đến mấy ngày, Khánh chưa liên lạc gì với nó. Mai là thứ bảy, Khánh có về không nhỉ ?
Cánh cửa thép của thang máy hé mở, làm nó thấy trong hành lang, trước cửa phòng nó, một bóng áo quân phục xanh...
- Đến lâu chưa ? Sao tuần này được nghỉ sớm thế ?
- Cậu vừa đi với ai về vậy ? Đó không phải anh Hưng cũng không phải bố cậu !
- À, một người bạn thôi. Học cùng nhau, giờ lại làm cùng trên Ban, mà nhà lại cũng gần nữa, nên ngày nào cũng đưa đón tôi đi làm. Bao giờ rảnh tôi sẽ sắp xếp giới thiệu hai người với nhau, nhé !
- Không cần đâu ! Từ mai cậu làm vé tháng xe buýt đi nhé !
- Tại sao ? - nhíu mày.
- Tôi không muốn thấy cậu đi cùng hắn ta nữa !
Khánh đang ghen ư ? Người nó nóng ran lên. Khánh đang ghen vì nó ư ? Vậy là trong Khánh nó vẫn có một ý nghĩa nhất định. Trái tim nó như muốn vỡ tan ra vì vui sướng, khiến nó toan nhận lời. Nhưng lý trí của nó - lý trí của một nhà luật học đã ngăn nó lại: tại sao nó phải nghe theo lời Khánh ?
Nó cố phân trần cho Khánh hiểu:
- Cậu ấy chỉ là bạn thôi mà. Tôi tưởng cậu phải hiểu rằng tôi luôn chỉ có...
- Không ! Tôi không cần biết ! - Khánh thô bạo đè chặt nó vào tường, và nhìn nó bằng một đôi mắt giận dữ làm nó khiếp sợ - Tôi không muốn thấy cậu gần gũi với bất kỳ một người đàn ông nào khác !
Rõ ràng là Khánh đang ghen vì nó. Nhưng nó không cảm thấy hạnh phúc. Nièm vui sướng nhen nhóm lên lúc trước đã tan biến hoàn toàn. Giờ cơn ghen của Khánh chỉ làm nó thấy lợm giọng. Khánh lấy quyền gì để cấm đoán nó. Trong khi chính Khánh đã bỏ rơi nó bao nhiêu lần để đến với Mai Hương ?
Bị một cánh tay ghì chặt lên ngực và với một cái đầu đang lấp đầy bởi những giận dữ, nó cảm thấy khó thở. Nó cố đầy Khánh ra. Nhưng nó đâu có được rèn luyện võ thuật như Khánh. Nó chi có thể ú ớ:
- Khánh... đau tôi...
Những âm thanh tuy yếu ớt ấy nhưng cũng đủ làm Khánh giật mình và buông tay ra. Nó gục xuống sàn, nước mắt bắt đầu hoen ra trên mi...
Yên lặng.
- Tôi... tôi về đây... - giọng nói đôi chút ái ngại, nhưng Khánh vẫn quay người đi.
- Khánh...
Đã bước vào trong thang máy, và thoáng quay đầu lại.
- Tôi có thể không đi cùng cậu ta nữa, nhưng... cậu có dám nói yêu tôi không ?
Yên lặng. Cánh cửa bằng thép đóng sập lại nặng nề, như một đôi môi nín chặt. Nó bắt đầu khóc, trên tấm thảm hành lang màu đen thẫm...
Chap 11.
- Hôm nay sinh nhật Thùy Chi lớp mình đấy !
- Ừ - hờ hững.
- Tối qua nó gọi điện cho tôi mời cả hai đứa mình tối nay đi hát. Cậu có đi được không ?
- Chả biết nữa. Hôm nay trong người đang thấy khó ở.
- Chỉ là khó ở thôi mà chứ có phải đau ốm gì đâu! Cậu cũng cần vui chơi gì đó đi chứ, cứ ru rú trong nhà mãi sao được ?
Cười gượng gạo.
- Vậy xem như là đã đồng ý tối nay đi cùng tôi rồi đấy nhé ! Giờ thì xem nồi mỳ của cậu đi, sôi rồi kìa !
Nó quay lại phía bếp, dùng đũa đảo đảo những sợi mỳ vàng óng trước khi vớt chúng ra đĩa, và rưới nước sốt lên - hôm nay là nước sốt cà chua, khoai tây nghiền và nấm hương trộn đều với húng bạc hà - một trong những món sốt chay khoái khẩu do nó sáng chế cho món pasta...
.
- Lớp trưởng ! Hát đi chứ ! Sao hôm nay im thế ?
- Nó mệt ! Vừa cãi nhau với sếp xong ! - Hoàng trả lời hộ nó. Lời thanh minh tỏ ra hoàn toàn hiệu quả vì ai cũng biết nó bình thường thì hiền lành thật, nhưng khi đã đụng tới chuyện học thuật thì... Hoàng giằng lấy mic - Thằng Tuấn không hát thì tao hát hộ cho !
Cả đám nhăn mặt, vì ai cũng biết Hoàng hát dở tệ !
Dù bên tai bị tra tấn bởi những âm thanh ngang phè phè, nó vẫn thầm cảm ơn Hoàng vì đã giúp nó được ở yên lặng một mình trong góc phòng không bị ai phiền nhiễu. Một chai Ken đã mở nắp được đặt ở trên bàn. Nó với tay lấy và bắt đầu uống...
Chiếc điện thoại bên hông nó rung lên.
" Lần đầu tiên thấy cậu đi cùng lớp mà uống đấy ! Không biết vì chuyện gì nhưng cho tôi uống cùng với được không ? "
Tin nhắn của Hoàng. Nó ngước lên nhìn. Hoàng đang ngồi ở phía cuối dãy ghế đối diện với nó, tay cũng đang cầm một chai bia đã mở nắp và hơi giơ lên ngỏ ý như đang mời nó. Nó cười. Chính nó cũng không hiểu vì sao nó cười - một nụ cười không chứa đựng niềm vui hay hạnh phúc. Đó là nụ cười của một người đang khóc...
Nó lại bắt đầu uống, uống như cuồng như điên, hết chai này đến chai khác. Và nó say. Cũng dễ hiểu thôi vì từ xưa đến nay đã bao giờ nó uống quá được một chai đâu. Rồi nó gục đầu vào thành ghế và thiếp đi, mặc cho những tiếng hát, tiếng nhạc thật ồn ào và ầm ỹ ở bên cạnh...
.
Nó mở mắt. Đầu đau như búa bổ và cổ họng thì bỏng cháy như có hàng ngàn con kiến lửa giận dữ đang cắn xé ở trong đó. Lần đầu tiên nó biết thế nào là say thực sự. Nó ngồi dậy. Chiếc đồng hồ phòng ngủ báo cho nó biết bây giờ là ba giờ sáng. Căn phòng tối om nhưng với một người thuộc cung Bảo Bình như nó thì bóng tối không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nó đứng dậy và đi ra bếp để kiếm nước uống.
Những ngụm nước lạnh làm nó thấy tỉnh táo, đôi mắt đỡ nhức buốt và cổ họng dễ chịu hơn.
Lúc qua phòng khách để trở lại giường, với những ánh sáng yếu ớt của bầu trời đêm rọi vào qua khung cửa sổ bằng kính, nó giật mình khi nhận ra rằng trên ghế sofa có một người đang thiu thiu ngủ.
Nó tiến lại gần. Đó là Hoàng.
Những ánh sáng xanh yếu ớt từ khung cửa sổ bằng kính đang nhảy nhót trên mái tóc cắt ngắn, trên mí mắt đang khép ngủ, trên đôi môi đầy đặn. Khuôn mặt đầy chất nam tính của Hoàng sáng rực lên trong tâm trí nó. Không hiểu một ma lực nào xui khiến nó muốn cúi xuống và đặt lên đôi môi kia một nụ hôn...
Chap 12.
Hôm nay đã là ngày thứ ba liên tiếp giáo sư Duy Minh không đến văn phòng. Nếu là một hay hai tuần trước thì nó cũng chẳng quan tâm lắm đâu, nhưng vì theo lịch trình thì sang đầu tuần sau đã là hạn nộp bản dự thảo lần đầu của các tổ, nên nó lo là phải. Theo quy định thì trước khi đưa ra cho cả Ban xem xét và góp ý thì trong mỗi tổ phải thống nhất ý kiến với nhau trước, nên nếu muốn nộp dự thảo thì ít nhất nó cũng cần phải có một chữ ký của giáo sư vào đó đã.
Hỏi thăm Hoàng, rồi hỏi thăm cả giáo sư Khiêm cũng không ai biết vị Viện phó của họ, tức là ông giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Duy Minh địa chỉ nhà ở đâu. May mắn là cuối cùng một cô nàng trẻ tuổi mới về làm ở Phòng Tổ chức cán bộ của Văn phòng Quốc hội, không biết vì lý do gì đã rất nhiệt tình lục lọi tìm kiếm suốt cả buổi sáng, để đến giờ nghỉ trưa thì đưa được cho nó một dãy số điện thoại nhà riêng. Cảm ơn cô gái bằng một nụ cười làm cô đỏ hết cả mặt và mồ hôi chảy tràn ra trên trán, nó trở về phòng làm việc và nhấp số gọi 116...
.
Đường Lý Nam Đế, ba giờ chiều.
Hóa ra cái địa chỉ mà nó có được từ người trực tổng đài 116 không phải là một ngôi nhà. Thực chất thì đó là một con ngõ nhỏ. Là một người lớn lên ở Hà Nội thì chuyện này với nó cũng không có gì là quá lạ. Thời đầu thế kỷ 20, những gia đình giàu có ở Hà Nội thường xây nhà theo lối này, phần đất mặt đường được cắt riêng ra làm nơi buôn bán, và người chủ nhà chỉ để lại một lối đi nhỏ dẫn sâu vào bên trong, đó mới là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Nhưng qua những biến cố khác nhau của lịch sử, những ngôi nhà-ngõ ấy cũng thường biến thành những con ngõ nhỏ thật, với nhiều gia đình khác nhau cùng sinh sống.
Thế này thì quả là khó cho nó để tìm ra đâu mới là nhà của giáo sư !
Hỏi thăm mấy người trong ngõ, nhưng hình như ông Duy Minh, giáo sư, tiến sĩ, Viện phó Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia là một người xa lạ mà họ hoàn toàn không quen biết. Đến khi nó phải miêu tả ngoại hình của giáo sư thì một bác gái mới nhận ra, và sau khi chỉ nhà cho nó, còn hỏi lại:
- Cái ông ấy là giáo sư, tiến sĩ, Viện phó gì gì cơ à ? Nhìn thì ra dáng trí thức lắm, nhưng ai trong khu này chả nghĩ cùng lắm là nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí gì đó thôi, ngờ đâu...
Bất đắc chí. Nó mỉm cười trước cụm từ mà lâu lắm rồi nó mới được gặp lại. Giáo sư đúng là có đôi chỗ khác người, như những cái nhìn làm nó thấy ớn lạnh, hay đôi khi cũng bảo thủ y như nó trong khi tranh luận, nhưng để bảo ông có cái vẻ của một nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí thì nó hoàn toàn không thể nghĩ ra được. Sau lời cảm ơn, nó tiếp tục đi sâu hơn vào trong ngõ theo hướng đã được chỉ.
Theo con ngõ lát gạch mộc đã bạc phếch và rêu phong vì nắng mưa, nó đến một khoảng sân rộng, và không thể không ngạc nhiên khi trước mắt nó là một lũy tre. Giáo sư đã kiếm được một góc thật yên ả giữa lòng thành phố để làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ làm việc và quây quần bên gia đình. Đến giờ nó mới chợt nhận ra rằng cuộc sống riêng của giáo sư là cả một tấm màn bí ẩn với tất cả mọi người, với cả đồng nghiệp và hàng xóm của ông. Có điều gì ở đây không nhỉ ? Liệu việc nó đến nhà ông thế này có là đúng không nhỉ ?
.
Nó gõ cửa một gian nhà nhỏ nằm nép mình bên cạnh lũy tre. Gần năm phút sau giáo sư mới ra mở cửa. Giáo sư gầy hộc, khuôn mặt trắng bệch và đẫm mồ hôi, hai mắt thâm quầng. Giáo sư đang trong cơn sốt. Nó vội vàng đỡ giáo sư vào trong nhà. Qua một phòng khách toàn sách là sách, giáo sư chỉ cho nó phòng ngủ của ông.
Đặt ông nằm ngay ngắn trên chiếc giường đơn bằng sắt đã cũ mèm mà chắc tuổi đời có đến bằng vài ba lần tuổi của nó. Nó cẩn thận đắp chăn lên cho ông rồi dùng tay rờ trán để kiểm tra thân nhiệt. Nóng gắt !
- Không phải lo... Sốt rét rừng thôi mà... Từ hồi còn là lính Trường Sơn... năm nào chả thế này vài lần...
Nó thấy run lên trước sức mạnh của ông. Sốt rét rừng, lính Trường Sơn, và giờ cô độc một mình trong căn nhà tàn tạ. Từ trước tới giờ nó chưa từng nghĩ một con người tài hoa kiêu bạc như ông lại có một cuộc sống thế này. Không ti vi, không máy tính, không tủ lạnh hay điều hòa, có lẽ trong ngôi nhà toàn sách là sách này thứ có giá trị nhất chính là chủ nhân của nó - một trong những người xuất sắc nhất của lịch sử lập hiến Việt Nam...
Sau khi giục giáo sư uống thuốc và đợi ông ngủ say, nó vội vàng ra chợ để kiếm cái gì đó nấu nướng cho ông. Hôm nay nó đi xe máy của Hoàng. Mà chết thật, với tình trạng của giáo sư thế này, sao nó có thể bỏ ông mà về ?
- Hoàng à ?
- Ừ, có tìm được giáo sư không ?
- Giáo sư đang ốm, nên có lẽ hôm nay tôi phải ở lại đây thôi. Chút nữa hết giờ cậu chịu khó đi xe buýt về được không ? Nếu mai giáo sư khỏe lên tôi sẽ trả xe cho cậu.
- Có cần tôi đến giúp một tay không ? Có mình cậu ở đó thôi à ? Thế vợ con của giáo sư đâu ?
- ...
- Nhà giáo sư ở đâu ? Lát tôi đến ?
- Thôi, không cần đâu. Mình tôi là đủ rồi. Cậu đến cũng như không mà - cười.
- ... Bắt đầu từ tối nay tôi sẽ bảo mẹ dạy tôi nấu nướng !
- Ơ... tôi... không có ý gì đâu... Giận tôi à ?
- Không... ý tôi là... tôi muốn... sau này... nếu cậu ốm, tôi có thể chăm sóc được cho cậu...
Câu nói của Hoàng làm trong lòng nó bừng lên một cảm giác rạo rực khó tả, giống hệt như cảm giác của cái đêm hôm nào khi Hoàng đưa nó về phòng trong cơn say... Đêm ấy không biết vì lý do gì nó đã muốn hôn Hoàng, nhưng cuối cùng thì lý trí nó đã chiến thắng - thường thì luôn như vậy, nó chỉ dám nhìn Hoàng say ngủ mà thôi...
Một điều gì đó thật khác lạ đang dần lớn lên trong nó phải không ?
Chap 13.
Hà Nội,
Một đêm mùa đông,
Lá tre xạc xào trong gió bấc.
Tuy còn sốt cao nhưng giáo sư đã ngủ ngon. Dù thế nó vẫn không dám ngủ. Nó không muốn để khi một đợt lên cơn lạnh nào đó kéo đến giáo sư sẽ phải chống trọi một mình. Nhưng ngồi mãi bên cạnh giường ông cũng không phải là một ý kiến hay, mệt mỏi và buồn chán sẽ làm nó ngủ gục ngay lập tức. Nó quyết định sẽ dọn dẹp lại căn phòng khách bừa bộn sách vở của giáo sư.
Căn phòng này làm nó nhớ tới những gian hàng bán sách trên phố Đinh Lễ. Khắp nơi trong phòng chỉ có sách, sách và sách, người mua và người bán đều phải trèo lên, dẫm lên sách mà đi trong phòng. Điểm khác biệt duy nhất là: những quyển sách trong căn phòng khách này phần lớn đều đã được chủ nhân của chúng lựa chọn khá tỉ mỉ chuyên về vấn đề luật học, thậm chí nó còn nhận ra một số quyển sách đã có tuổi đời đến hàng trăm năm, và giá trị của chúng không hề nhỏ nếu được bán cho những nhà sưu tập...
Sau khi dọn dẹp những chồng sách được vứt lung tung trên mặt chiếc lò sưởi giả - một chi tiết minh chứng rõ ràng cho phán đoán ban đầu của nó là ngôi nhà được xây từ thời thuộc Pháp, một vài khung ảnh lộ dần ra. Và khung ảnh được đặt trang trọng nhất ở vị trí chính giữa làm nó ngạc nhiên không thể thốt lên lời. Chàng trai trong bộ quân phục bộ đội với chiếc mũ tai bèo vắt vẻo sau gáy trong bức ảnh đen trắng đã ố vàng vì nắng mưa ấy chính là... nó.
Cái gì thế này nhỉ ?
Hàng tỉ tế bào thần kinh trong bộ não của nó hoạt động hết công suất chỉ để cố gắng giải đáp cho câu hỏi ngắn gọn ấy. Sản phẩm của quá trình cắt ghép và chỉnh sửa ảnh ư ? Không thể nào ! Màu ảnh bàng bạc cũng như những vết ố vàng quá thật để có thể dễ dàng khẳng định ngay rằng bức ảnh này đã chụp từ rất nhiều năm về trước. Vậy chàng trai trong ảnh là... kiếp trước của nó ư ? Đừng bao giờ cố thuyết phục một con người duy vật như nó tin vào cái điều mê tín ấy ! Vậy thì, chỉ còn lại một phương án cuối cùng thôi, người trong ảnh phải là một người họ hàng thân thích nào đó của nó... Vậy đây chính là bác Thanh của nó sao ?
Bác Thanh là anh trai của cha nó, là lính Trường Sơn và đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên. Nhiều người trong gia đình bảo nó giống bác Thanh, nhưng giống đến mức như thế này thì thật đáng sợ ! Chẳng trách mỗi lần thấy nó về quê là bà nội lại ôm nó vào lòng mà khóc. Nó gợi đến trong bà hình ảnh đứa con trai đầu lòng đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được mộ...
Nó chợt giật mình !
Nó từng nghe phong thanh đâu đó rằng giáo sư đã quyết định chọn nó vào Ban chỉ sau năm phút đọc hồ sơ. Nó đã không tin chuyện đó. Nó tự biết nó rất có năng khiếu luật học; nhưng nó cũng thừa biết những chuyện đấu đá nhau trong ngành này, nên để một người này cảm thấy phục một người kia là rất khó khăn, và chỉ trong có năm phút thì là một điều hoàn toàn không tưởng. Nhưng hôm nay thì nó không thể không nghi ngờ rằng chuyện đó là có thật, và liệu có phải nó được nhận vào Ban chẳng qua vì nó rất giống với bác Thanh của nó lúc còn sinh thời ?
Điều gì có thể khiến giáo sư làm một việc trái nguyên tắc đến thế nhỉ ? Vì bác Thanh thôi sao ? Bác Thanh có ý nghĩa quan trọng đến vậy với giáo sư sao ?
Chả nhẽ giữa hai người... ?
Không. Nó không thể tin vào chuyện đó !
Chap 14
- Giáo sư... cháu muốn hỏi một chuyện được không ạ ? - Nó quyết định phải làm rõ mọi vấn đề khi thấy ông đã khỏe lên nhiều vào sáng ngày hôm sau.
Ánh mắt mấy phút trước còn ấm áp là thế mà chỉ sau một câu nói bỗng trở lại với vẻ sắc lạnh ngày thường. Ông đặt cốc nước cam đang cầm trên tay lên chiếc bàn ở cạnh giường.
Một khoảng lặng trong căn phòng yên tĩnh.
- Cháu muốn hỏi ta về Duy Thanh phải không ? - ông lên tiếng bằng một giọng nhỏ và trầm, như một âm thanh được vang vọng lại từ một nơi chốn xa xôi nào khác - Sáng tỉnh dậy thấy nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, ta chắc chắn rằng cháu đã thấy bức hình ông ấy rồi. Nên việc cháu hỏi về nó sẽ chỉ là sớm hay muộn mà thôi...
- Hai người... yêu nhau phải không ? - tiếng " yêu " được phát ra từ cổ họng nó một cách run run.
Lần đầu tiên nó thấy giáo sư cười - một nụ cười to, bật lên thành tiếng - một nụ cười thật sự sảng khoái.
- Vậy là cháu không biết rằng trước khi gặp ông ấy ta đã có vợ và một con gái... Và cháu cũng không biết rằng vào thời của chúng ta có những tình bạn còn bền chặt hơn cả tình yêu... - Lặng yên. Ông nhìn nó. Nó cũng nhìn ông. Quả thật những điều ông vừa nói là những điều nó chưa hề nghĩ đến, nhưng từ một nơi sâu thẳm nào đó nó vẫn tin tưởng chắc chắn rằng tình cảm giữa hai con người này không thể chỉ dừng lại ở tình bạn mà thôi. Như bắt gặp được sự quả quyết trên gương mặt của cậu trai trẻ đang ngồi đối diện, giáo sư bối rối cụp mắt xuống nhìn đôi bàn tay mình được đặt trên tấm chăn mỏng đang đắp ngang mình. Cái giọng nhỏ và trầm ban nãy lại một lần nữa vang lên - Nhưng quả thực là... ông ấy yêu ta và ta... cũng yêu ông ấy...
.
Tốt nghiệp trường Bưởi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của đất nước, chàng trai trẻ Duy Minh và bạn bè đã cùng nhau viết đơn xin được lên đường ra trận. Hai năm lăn lộn ở tuyến lửa Khu Bốn với chỉ vài lần ngắn ngủi được về thăm nhà, anh được gia đình xếp đặt một cuộc hôn nhân với người con gái mà anh không hề yêu. Rồi đơn vị được điều động sang Nam Lào, rồi vào Tây Nguyên. Ở đây anh nhận được lá thư của gia đình báo rằng anh đã có một đứa con gái. Và ở đây cũng chính là nơi anh gặp được Duy Thanh.
Anh không thể nào quên lần đầu gặp cậu nhóc kém mình hai tuổi có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo mặc nắng mưa và thiếu thốn, nụ cười luôn nở trên môi mặc đạn bom và cái chết luôn cận kề ấy. Đơn vị trước của cậu bị lọt ổ phục kích, tất cả chỉ có tám người còn sống sót. Vừa trở về sau lần đối mặt với cái chết như vậy, nhưng khi được chuyển về đơn vị mới, trước người chính ủy viên đại đội là anh, cậu vẫn cười. Nụ cười của cậu đã tiếp thêm cho anh bao ý chí và hy vọng về ngày trở về, về miền Bắc xa xôi, và về Hà Nội...
Cả đơn vị không ai không quý mến cậu nhóc đáng yêu, vui tính và có giọng hát thật trong trẻo ấy, nhưng anh có lẽ là người quan tâm tới cậu nhất. Anh thích được nhìn thấy nụ cười của cậu, và thường cố chọc ghẹo cậu để được nhìn thấy nụ cười lấp lánh ấy...
Rồi một ngày gặp lại người bạn cấp ba mới trở lại chiến trường sau thời gian nghỉ phép, anh bàng hoàng nghe tin cả gia đình mình đã chết trong trận ném bom Hà Nội của B52, cả cha mẹ, cả người vợ trẻ mới có nghĩa chứ chưa có tình, cả đứa con gái tuổi mới lẫm chẫm biết bò mà anh chưa một lần gặp mặt... Anh đã khóc, lần đầu tiên trong hơn ba năm ra trận; anh đã khóc, bên dòng sông Ba hùng vĩ, dưới ánh xanh leo lét của những ngọn pháo sáng, và trong vòng tay chia sẻ của Duy Thanh...
Trận đánh ở đèo Tô Na, thượng lưu sông Ba đã để lại trong anh những dấu vết không bao giờ có thể xóa nhòa. Một quả bom nổ ngay gần vị trí của đơn vị. Trước khi kịp nhận thấy lửa, khói đen và bùn đất, một bóng người đã lao đến xô ngã và che cho anh khỏi những mảnh vỏ bom. Nhưng một mảnh thép đã kịp nằm lại trong trái tim anh, và cho đến mãi tận bây giờ vẫn còn nằm nguyên trong đó... Một tuần sau anh tỉnh dậy trong bệnh xá quân y sư đoàn, và biết được rằng chính Duy Thanh là người cứu sống anh, khi cậu đã lấy thân mình hứng chịu gần hai chục vết cắt từ những mảnh vỏ bom...
Một đêm trăng sáng, khi thấy sức khỏe đã khá hơn, anh đến thăm cậu - vẫn đang trắng lốp trong những lớp bông băng. Anh khẽ hỏi cậu vì sao dám liều lĩnh cả tính mạng của bản thân mình vì anh như thế, cậu đã trả lời rằng vì cậu yêu anh. Tình yêu ư, giữa hai người con trai, giữa hai người đồng chí ? Sự hoang mang và lo sợ nổi lên trong lòng người chính ủy viên đại đội. Anh cố trốn tránh tình yêu của cậu, dù chính anh cũng tự biết rằng, trong thâm tâm mình, tình cảm anh dành cho cậu thật sự khác biệt so với những người bạn, những người đồng đội khác...
Thật không may rằng còn có một người khác trong đơn vị nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người trong đêm hôm ấy. Để khi trở về đơn vị, họ rỉ tai kể chuyện cho nhau, và họ bắt đầu xa lánh Duy Thanh. Cậu lạc lõng và cô đơn giữa chính những người mà từng một thời là những người thân thiết nhất, cậu vẫn hát bên lửa trại những đêm tập kết hành quân chiến thuật những bài hùng ca quen thuộc, nhưng trong chất giọng lại ngập tràn một nỗi niềm đau nhói. Anh đã không dám làm bất cứ điều gì để bảo vệ cậu. Anh còn cố gắng để cách xa cậu hơn. Để những đêm khi mọi người đã ngủ, nằm trên võng mình mà nhìn về chiếc võng phải mắc riêng một chỗ cách xa những người khác của cậu, anh lại chỉ trực trào nước mắt, và vết thương trong tim lại buốt nhói lên...
Rồi trong những ngày chuẩn bị của chiến dịch Tây Nguyên, khi anh - một chính ủy viên bị triệu lên sư đoàn nhận lệnh thì cũng là lúc Duy Thanh bắt đầu mắc sốt rét rừng. Và sau hai tuần, khi anh trở về thì mới hay tin rằng, mấy hôm trước người ta đã để Duy Thanh nằm lại... Đó chính là cái chết nhân đạo của những người lính Trường Sơn, khi đơn vị vội hành quân, khi thuốc men đã hết và không thể liên lạc được với y tế cấp trên, người mắc bệnh sốt rét thường được để lại giữa rừng với một chút thức ăn và nước uống, với hy vọng mong manh rằng người đó có thể tự khỏi hay may mắn gặp được một đơn vị khác đi ngang qua... Anh đã giận dữ đấm văng viên đại đội trưởng xuống đất: việc chuyển Duy Thanh lên y tế sư đoàn không phải là quá khó khăn, và bản thân đơn vị cũng chỉ phải di chuyển để tránh bị phát hiện chứ không phải là hành quân...
Anh lao vào rừng với một hy vọng mong manh nhưng đang cháy bỏng trong tim. Mười bảy tiếng đồng hồ xuyên rừng già âm u và qua bóng đêm lạnh giá, anh tìm được cậu, yếu ớt và run rẩy. Ôm cậu vào lòng, anh bật khóc. Lần thứ hai trong năm năm trên chiến trường, anh - một người chính ủy viên - một người không bao giờ được rơi nước mắt, đã bật khóc như một đứa trẻ. Cậu đã cố mỉm cười, đưa tay gạt những dòng nước trên má anh, và xin anh một nụ hôn đầu đời. Anh cúi xuống trao cho cậu tất cả tình yêu của mình. Và Duy Thanh ra đi. Phải, cậu đã ra đi mãi mãi, trong nụ hôn, trong vòng tay, và trong nước mắt của anh; cậu ra đi trong bóng đêm đang bao trùm lên rừng già, trong tiếng súng dậy vang khắp muôn phương mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên lịch sử...
.
Kỷ niệm đọng thành từng hạt và cứ tuôn chảy trên má ông. Thật nhẹ nhàng, nó ôm ông vào lòng, và cũng bắt đầu khóc. Hai tâm hồn, hai thế hệ, nhưng dường như những éo le đã đưa họ đến thật gần với nhau...
- Tuấn... hãy nói yêu ta như năm xưa Duy Thanh đã từng nói, được không ?
Thoáng yên lặng.
- Cháu yêu giáo sư... như yêu một người bác của mình...
Lại một khoảng lặng.
- Ừ, ta cũng chi mong được như vậy... Cháu không căm ghét ta vì cái chết của Duy Thanh đã là hạnh phúc cho ta lắm rồi... Ta đã quá hèn nhát... Ta đã không dám bảo vệ ông ấy...
- Giáo sư - nó giữ chặt hai vai ông, rồi nhìn thẳng vào đôi mắt màu nâu đẫm nước ấy - Bác không có lỗi gì cả ! Không ai có lỗi trong cái chết của bác Thanh hết ! Chính những định kiến cổ hủ đã tước đoạt đi hạnh phúc của hai người, và đẩy bác ấy tới cái chết...
- ... ( nấc nghẹn ngào )
- Bác Thanh chắc chắn cũng không muốn bác cứ tự dằn vặt mình mãi vì những gì đã qua lâu như vậy đâu. Như đợt ốm này của bác cũng vậy, nó chỉ là cảm lạnh thôi, chứ hoàn toàn không phải là sốt rét, trùng sốt rét không thể sống quá một năm rưỡi trong cơ thể người. Chính những ám ảnh trong quá khứ đã khiến bác cảm thấy những đợt lên cơn lạnh. Đừng tự làm khổ mình hơn nữa, bác của cháu...
Chap 15.
- Món này hơi mặn...
- Ừ, tại chai tương nếp mới, chưa nếm thử mà tôi đã cho quen tay như chai cũ, nên nó mới mặn thế này...
- Cái này gọi là " cơm rang tương nếp " à ?
Cười.
Nó đảo đảo tô cơm nóng hổi của mình cho nguội bớt. Những hạt cơm tròn căng, bóng bẩy và mùi thơm thì thật thích mũi, nhưng để có được cái màu nâu óng ấy thường phải cho khá nhiều tương nếp, vì thế mà món này thường hơi mặn nên tốt nhất là ăn cùng nó với vài miếng dưa chuột. Đây cũng là một món ưa thích của nó.
- Sao cậu không mở nhà hàng nhỉ ? Cậu...
- Nấu ăn còn giỏi hơn con gái chứ gì ? - nó mỉm cười, đã không biết đến lần thứ bao nhiêu rồi có người khen nó câu này.
- Không chỉ nấu ăn đâu... Cậu... còn có nhiều thứ hơn cả con gái nữa...
Nó ngước mắt nhìn Hoàng, và tự nhiên thấy nóng bừng hai má. Nó xấu hổ ư ? Lần đầu tiên nó có cái cảm giác này. Ngay cả buổi đứng lớp đầu tiên, trước gần hai trăm cặp mắt đổ dồn về phía mình, nó cũng không cảm thấy ngượng nghịu như thế... Nó bối rối, rồi cố đánh trống lảng:
- Ăn đi, sắp muộn giờ rồi đấy !
Rồi yên lặng. Chỉ có tiếng những chiếc thìa va vào thành bát lách tách. Đến lúc thu dọn chén bát, nó mới lại lên tiếng:
- Cậu cứ đi trước đi. Hôm nay tôi không lên Văn phòng đâu... - rồi không cần chờ câu hỏi " Tại sao ? " được cất lên, mà chỉ cần thoáng thấy ánh mắt của Hoàng, nó đã tiếp tục - Giờ viết xong rồi, nộp dự thảo rồi, chỉ còn có mỗi tổ đọc thẩm định của cậu làm việc, chứ tôi đến Văn phòng làm gì ? Lát nữa tôi ra trường, cũng lâu rồi, không biết ở trường có chuyện gì mới không...
.
Sân trường Luật. Chín giờ sáng mùa đông. Lạnh ngắt...
Đang giờ lên lớp nên văn phòng khoa cũng chỉ có mỗi thầy Trung phó khoa ngồi trực. Thầy vừa rót được cho nó một cốc trà ấm, và hỏi thăm được vài câu xã giao, thì ngoài hành lang cô Hiền đã hớt hải chạy vào:
- Tôi phải xin nghỉ hai tiết sau thôi anh Trung ạ ! Con bé nhà tôi... - cô dừng lại khi nhìn thấy Tuấn,
nó khẽ chào và cô gật đầu đáp lễ, rồi lại nói tiếp - Con bé nhà tôi bị sốt. Cô giáo nó vừa gọi điện cho tôi.
- Nhưng cả khoa bây giờ còn ai nữa đâu ? - Thầy Trung đăm chiêu. Rồi cả thầy và cô Hiền đều quay ra nhìn nó...
Rõ khỉ ! Thời gian nó nghỉ dạy để lên Văn phòng quốc hội đã gấp đôi thời gian nó đứng lớp trước đây ấy chứ. Giờ nó lại chưa chuẩn bị giáo án. Và nhất là Luật Hiến pháp không phải là môn của nó, nó dạy môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật cơ mà. Nhưng dù gì thì khi nhắc đến chuyện đứng lớp nó đã thấy ngứa nghề. Và dù gì thì chính nó cũng là thành viên ban soạn thảo Hiến pháp mới cơ mà. Mấy hôm trước nó đã hỏi thẳng giáo sư rằng có phải ông nhận nó vào Ban chỉ vì nó quá giống bác Thanh hay không, ông đã cười mà bảo nó rằng nếu như vậy thì ông đã chỉ mất năm giây để xem ảnh chứ không phải tới năm phút để đọc hồ sơ và cân nhắc...
Hôm nay là giờ thảo luận ôn tập chuẩn bị thi hết môn. Nhanh thật - nó thầm nghĩ, vậy là đã sắp hết một học kỳ rồi đấy, thế mà số buổi nó đứng lớp tính chi li ra chắc mới chỉ được vài ba lượt của mười đầu ngón tay. Nó còn chưa biết chắc lựa chọn nghề giáo có hợp với nó không, nó còn chưa biết chắc nghề giáo có phải là cuộc sống của nó không ? Sau này sẽ ra sao nhỉ ?
Nó bước vào giảng đường, đặt balô lên bàn. Im phăng phắc. Một sự im lặng đáng ngạc nhiên. Một sự im lặng nó chưa bao giờ từng gặp khi vào giảng ở một lớp mới như thế này: sinh viên năm thứ hai thì ngoan ngoãn hơn năm thứ nhất mà nó vẫn quen dạy hồi trước sao ? Nó nhìn xuống. Một rừng mắt ngước lên nhìn nó, cái nào cũng to tròn, mở ra hết cỡ và đen xì ! Khỉ ! Nó bắt đầu ra mồ hôi tay rồi ! Phải mất mấy lần thở sâu để lấy lại bình tĩnh, nó mới có thể bắt đầu buổi thảo luận... Mãi sau này nó mới biết cái thái độ lạ lùng của bọn trẻ lớp này là hệ quả của việc ảnh và thông tin nó được chọn vào Ban 17 đã lan truyền xôn xao trên khắp forum của trường...
.
Hết giờ. Nó thở phào nhẹ nhõm. Bọn trẻ con ở lớp này cũng không đặt được ra nhiều câu hỏi phức tạp cho nó lắm. Ngồi nán lại ở bàn giáo viên đợi cho lũ nhóc ấy đi về trước ( nó có thừa kinh nghiệm rằng cố chen ra cùng với đám sinh viên đang đói ngấu lúc mười hai giờ trưa thì dễ bị đè cho bẹp ruột lắm ), thì có một thằng nhóc tiến lại và hỏi nó một câu mà đấy mới thực sự là đối thủ đáng gờm trong cả buổi giảng ngày hôm nay. Sau ba mươi giây suy nghĩ, nó bắt đầu giải thích:
- Vậy em đã đọc " Bàn về Khế ước xã hội " của Rousseau và " Tinh thần pháp luật " của Montesquieu chưa ? Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng trong hai tác phẩm ấy các tác giả đã trình bày thế này...
Thằng nhóc gật gù ra điều đã hiểu và cảm ơn nó. Còn nó thì mỉm cười thích chí vì bản thân đã không hề nao núng trước một câu hỏi móc máy như vậy. Dám đặt ra câu hỏi " tại sao " cho một vấn đề thuộc về nguyên tắc mà ai cũng công nhận, kiểu " tại sao 1+1=2 ? " như thế này, thằng nhóc chắc chắn sẽ có một tương lai không tồi đâu !
" Tại sao khi các cơ quan nhà nước biểu quyết lấy ý kiến thì lại theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số ? " - nó vừa đi ra nhà để xe giáo viên vừa lẩm nhẩm lại câu hỏi của thằng nhóc khi nãy. Và chợt nó dừng lại, bối rối. Ừ, tại sao nhỉ ? Tại sao thiểu số lại phải luôn phục tùng đa số ? Quyền lợi, ước mơ, hy vọng và cuộc sống, dù chỉ của một cá nhân thôi cũng không phải là cái đáng để trân trọng hay sao ? Nó đã giải thích cho thằng nhóc ấy bằng những gì mà người ta đã viết ra từ bao thế kỷ trước, bằng những gì mà xã hội đã áp đặt lên nó từ lúc nó mới sinh ra. Những điều ấy liệu có đúng ? Hay đã đến lúc cần phải nghĩ khác ?
Chap 16.
Sinh nhật nó vào một ngày cuối tháng Một, gió mùa về, mưa và cái lạnh cắt da cắt thịt bao trùm lên tất cả.
Tối hôm qua cả gia đình nó đã có một buổi tiệc nho nhỏ trên Sofitel Plaza mừng sinh nhật nó, dĩ nhiên là do anh trai của nó chi. Nếu buổi tiệc do nó tổ chức sẽ là một bữa cơm thân mật với những món do chính tay nó nấu; đồng lương nhà nước cùng với chính sách tự thắt lưng buộc bụng không cho phép nó bước chân vào những nơi xa xỉ như thế. Còn việc tổ chức một buổi liên hoan với bạn bè cũng không phải là điều nó thích thú, tính nó không ưa đàn đúm, nhậu nhẹt, nhất là liên hoan mừng sinh nhật, bởi với một nhà luật học như nó, ngày sinh chỉ đáng chú ý tới khi người ta cần xem xét kẻ phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa mà thôi.
Cũng vì thế mà buổi tối mưa gió ngày hôm nay nó dự định sẽ nằm dài ở nhà, xem ti vi hoặc lướt web, đọc vài mẩu tin về chứng khoán hay mấy bài phân tích tình hình thời sự quốc tế. Cho đến lúc một giai điệu quen thuộc vang lên:
" You raise me up, so I can stand on mountains
You raise me up, to walk on stormy seas
I am strong, when I am on your shoulders
You raise me up… To more than I can be "
Màn hình ngoài chiếc điện thoại cho nó biết người gọi chính là Khánh. Nó thấy phân vân không biết có nên bắt máy hay không. Cuối cùng thì nó cũng đã có quyết định của mình.
- Vâng, Nguyễn Anh Tuấn xin nghe !
- ... - tiếng cười quen thuộc - Mở cửa cho tôi đi ! Có quà sinh nhật cho cậu này !
Hé mở cánh cửa gỗ, vừa thò đầu ra ngoài thì... môi nó lại biến mất trong đôi môi tham lam của Khánh; tay Khánh lại đẩy nó vào trong phòng, xô cánh cửa đóng lại, và Khánh lại ôm lấy nó, chặt cứng...
.
Nó đẩy Khánh ra, kèm theo một cú đấm vào giữa mặt Khánh. Bản năng nhà võ giúp Khánh dễ dàng tránh được. Cườm tay của nó chỉ sượt qua và để lại một vết đỏ trên má Khánh. Giữ lấy bàn tay vừa lỡ đà của nó, Khánh dằn nó vào trong lòng mình, và rít lên:
- Tại sao cậu lại làm thế, Tuấn ?
- Nói yêu tôi đi, nếu cậu muốn tiếp tục những gì mà cậu đã bắt đầu !
Khánh rùng mình.
Nó cũng rùng mình vì những gì nó vừa nói ra. Sự hiếu thắng trong tranh luận của những nhà luật học ! Lần này nó đã thắng tuyệt đối, với chỉ một câu nói thôi cũng đã buộc được người đang đứng trước mặt nó đây phải im lặng. Nhưng chiến thắng ấy không ngọt ngào một chút nào cả, mà ngược lại, chỉ làm cho tim nó nhói đau lên...
- Tôi và cậu... kết thúc rồi Khánh ạ...
- Vì người lần trước đưa cậu về có phải không ?
- Phải thì sao mà không phải thì sao ? Cậu cũng đâu còn tình cảm gì với tôi ?
Im lặng.
- Thôi... tôi về đây...
- ...
- Mai Hương xin được việc rồi, cuối tuần này sẽ tổ chức... Mà thôi... tôi về đây...
Nó vẫn đứng trơ lại ở giữa phòng, nhìn Khánh biến mất sau cánh cửa gỗ, và nhìn Khánh ngã xuống sàn hành lang sau một tiếng " Bốp " rất mạnh... Nó nhào ra cửa. Hoàng đã đứng đó từ bao giờ, đôi mắt đang nhìn Khánh nằm trên sàn vằn tia máu.
Khánh sau cú bị tấn công bất ngờ, đã kịp trấn tĩnh, và đang đứng dậy:
- Mày là thằng nào ? Sao lại đánh tao ?
- Tao đánh mày vì Tuấn ! Vì mày không biết gần bốn năm qua lúc nào trong mắt Tuấn cũng có một nỗi buồn; vì mày không biết rằng những lần mày làm Tuấn thất vọng, Tuấn đã uống nhiều đến mức nào, và trong cơn say đã khóc, đã gọi tên mày ra sao...
Nó bước trỏ lại phòng. Ngoài kia là tiếng của hai con người đang lại lao vào nhau. Nó không quan tâm.
Nó thả mình xuống sàn, lưng dựa vào cánh cửa gỗ. Nó khóc...
.
" Cốc, cốc, cốc "
- Tuấn ơi ! Mở cửa ra đi ! Có nghe tôi nói không đấy ! Mở cửa ra đi !...
Hết gọi cửa rồi đến gọi điện.
Nó rút dây điện thoại bàn và tắt máy điện thoại di động, rồi nhảy lên giường, lấy chăn gối che kín đầu. Nó vẫn khóc, khóc mãi, khóc mãi, cho đến khi thiếp ngủ đi...
.
Sáng hôm sau nó tỉnh dậy. Rét buốt !
Quàng thêm lên người chiếc áo khoác, nó vào bếp định nấu đồ ăn sáng, nhưng hộp mỳ pasta của nó đã trống trơn. Ném chiếc hộp giấy rỗng vào thùng rác, thôi thì lâu lâu xuống tầng một ăn cái gì đó cũng được vậy. Nó mở cửa phòng. Nặng trịch. Hoàng đang tựa lưng trên cánh cửa gỗ, ngủ co ro trong chiếc áo khoác. Nhẹ nhàng đưa Hoàng vào phòng, đưa lên giường và đắp cho Hoàng chiếc chăn ấm, nhìn gương mặt vẫn còn đọng những vết máu khô từ cuộc xô xát tối qua, nó lại như muốn trào nước mắt.
Nó biết tình cảm của Hoàng dành cho nó chứ, nó đâu phải là thằng ngốc. Nhưng nó không thể đáp lại tình cảm của Hoàng được, kể cả bây giờ, khi nó đã khẳng định chia tay với Khánh, khi nó đã chắc chắn tình cảm mình dành cho Hoàng đã cao hơn một tình bạn rất rất nhiều rồi...
Chap 17.
" Sao lại phải làm thế hả Tuấn ? "
Nó gập điện thoại lại. Đúng là... tại sao nó lại làm như thế nhỉ?
.
Sau khi để Hoàng nằm lại trên giường, nó mua cho Hoàng một gói xôi để trên bàn ăn rồi ra khỏi phòng. Kỳ thực thì cả buổi sáng nó chỉ ngồi trong quán cà phê đối diện với tòa nhà chung cư của nó, để đến gần trưa, lúc Hoàng đi ra sau khi có lẽ đã hết hy vọng nó sẽ về phòng, nó mới uể oải nhấc mình dậy để ra về... Gói xôi vẫn ở đó, đã nguội lạnh, bên cạnh là mầu giấy với lời nhắn lại của Hoàng: " Cảm ơn, nhưng tôi sẽ chỉ ăn những món do tôi, mẹ tôi hay chính tay cậu nấu mà thôi ".
Đến tối Hoàng lại đến. Nhưng chỉ cần nhìn thấy tấm chăn mỏng được xếp đặt gọn gàng bên ngoài cánh cửa gỗ là đủ để Hoàng hiểu rằng đừng cố sức vô ích, vì chắc chắn nó sẽ không mở cửa cho Hoàng vào phòng đâu. Điện thoại bàn thì nó đã rút dây nối, điện thoại di động thì nó đã đưa số của Hoàng vào danh sách từ chối nhận cuộc gọi; mấy lần Hoàng mượn máy người khác để gọi cho nó, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng Hoàng ở đầu dây thôi là nó dập máy ngay lập tức...
Rồi sáng nay nó ngủ dậy thật sớm, nấu nướng bữa sáng rồi đi làm bằng xe buýt, và không quên đặt lại trước cửa phòng một đĩa pasta.
.
Tin nhắn vừa rồi cho nó biết Hoàng đã đến, và đã thất vọng ra sao khi thấy nó đã đi rồi. Nó tựa đầu lên tấm kính cửa sổ xe buýt. Thở dài ! Tại sao nó lại làm như thế nhỉ ? Ừ, tại sao nhỉ ? Chính nó cũng không thể tìm được ra câu trả lời. Nó chỉ mông lung cảm thấy giữa nó và Hoàng có một rào cản vô hình nào đó. Đó không phải là Khánh, chắc chắn là không phải. Bởi hai ngày qua là đủ cho nó nhận ra rằng: tình cảm giữa nó và Khánh đã héo úa và tàn lụi từ lâu rồi, chỉ là do cả hai không dám đối diện với sự thật ấy, và do những kỷ niệm dịu dàng của một thời học sinh đã níu kéo hai người ở lại với nhau mà thôi. Thế cái rào cản vô hình kia là gì ? Nó không biết. Tâm trí nó chỉ có thể mường tượng ra rằng cái đó giống như những tấm gương - hai con người ở hai chiều của gương có thể nhìn thấy nhau, có thể chạm vào nhau, có thể đi bên nhau đến suốt cuộc đời; nhưng vượt qua gương để thuộc về nhau, dù chỉ là một giây phút thôi cũng là điều không thể. Tại sao lại thế nhỉ ? Có phải vì hai con người ấy quá giống nhau không ?
.
Nó xuống xe ở bến gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, nó phải đi bộ từ đây đến khu Văn phòng Quốc hội, đơn giản vì trục đường Hùng Vương không có một tuyến xe buýt nào cả.
Hôm nay cả Ban 17 sẽ nghe báo cáo bản dự thảo lần đầu của Hiến pháp mới. Vì là một ngày quan trọng như vậy nên nó mới phải cố đến Văn phòng, nếu không đã nghỉ nằm nhà, vừa ấm áp hơn vừa đỡ phải mang bộ mặt bí xị này ra cho mọi người nhìn.
Nó trốn trong phòng làm việc của nó và giáo sư. Giáo sư không thấy đâu cả. Nó cố bấm từng giây một cho đến giờ họp của cả Ban. Nhưng hoàn toàn trái với ý muốn của nó, người ta báo rằng sẽ phải hoãn cuộc họp ấy đến buổi chiều. Thế đấy, cái kế hoạch tránh mặt Hoàng của nó đã hoàn toàn đổ bể. Và vì không còn một kế hoạch dự phòng nào khác, nên khi Hoàng tìm thấy nó đang trốn sau những quyển sách che kín mặt và những giá sách cao quá đầu trong thư viện, chẳng hiểu lúng túng thế nào mà nó lại buông
ra một tiếng ừ nhận lời khi Hoàng rủ nó đi xuống Điện Biên Phủ uống cà phê...
Hai đứa đi bên nhau trong im lặng. Chúng bước đi trên thảm lá vàng trải dài trên mặt đất. Chúng bước đi giữa hai hàng sấu già cao vút và đang thẫm đen lại vì ướt đầm mưa lạnh. Giữa cái khoảng không gian chỉ rực lên hai sắc vàng và đen ấy, chúng bước đi bên nhau. Thỉnh thoảng chúng nhìn nhau, suy tư như đang định nói điều gì, nhưng từ đôi môi ấy chỉ thoát ra một làn hơi mỏng. Không một âm thanh. Chỉ có cái lạnh bao trùm lên tất cả. Rồi:
- Tôi kể cho cậu nghe một câu chuyện nhé Tuấn ? - nó không gật mà cũng không lắc đầu. Hoàng tiếp
- Ngày xửa ngày xưa, có một cậu nhóc đỗ vào trường đại học theo mong muốn của cả cha và mẹ nó. Còn nó ?Nó cũng không biết mình có thích trường đó không, vì với cái tuổi còn trẻ con của mình, nó đã hiểu được hết bản thân nó đâu ? Với tí năng khiếu thể thao, nó tham gia vào đội bóng đá, rồi bóng rổ, rồi điền kinh của trường. Nó gặp may và giành được vài chiến thắng. Rồi bạn bè, nhất là đám bạn gái cứ vây lấy nó. Vài ba lần bốc đồng, và thế là ngay trong năm đầu tiên nó đã có tới bốn năm mảnh tình vắt vai. Dù rằng tới tận cô nàng cuối cùng nó vẫn chả hiếu thế nào là yêu. Rồi thì năm học cũng hết, nó phải thi lại đến vài môn. Và đúng cái ngày nó lên văn phòng khoa xem lịch thi lại, nó gặp cậu bạn học giỏi nhất lớp. Với tính sĩ diện của trẻ con, lúc cậu bạn ấy hỏi sao lại ở đây, nó đã nói dối không ngượng mồm rằng nó đang xem danh sách đề tài nghiên cứu khoa học để hè này làm thử chơi ! Và bất ngờ với nó làm sao, khi cậu bạn học giỏi và chưa từng chơi với nó bao giờ mà nó vẫn nghĩ là khinh khỉnh và tự kiêu ấy, đã rủ nó cùng tham gia vào nhóm nghiên cứu của cậu. Cả mùa hè nó ở bên cậu bạn ấy, ban ngày trên thư viện, buổi tối trên mạng, và đêm trước khi đi ngủ là qua tin nhắn điện thoại. Nó nhận ra rằng cậu bạn ấy rất thông minh và tinh tế, nó nhận ra rằng cậu bạn ấy rất tình cảm và biết quan tâm tới mọi người. Nó nhận ra rằng mỗi khi không gặp cậu nó nhớ cậu rất nhiều, và khi gặp được cậu rồi nó thấy vui vui đến lạ kỳ... Chỉ có cậu là không cười nhạo những sai lầm ngu ngốc của nó, chỉ có cậu là biết tìm ra, động viên và khuyến khích những mặt mạnh của nó. Nó thay đổi, nó tốt lên, hoàn toàn nhờ cậu. Nó biết rằng nó lớn lên được chỉ khi có cậu ở bên mà thôi...
- Vậy trong mắt nó cậu bạn ấy là một thiên thần đúng không ?
- Phải, một thiên thần.
- Người ta chỉ là thiên thần khi người ta chết đi rồi thôi. Ngốc ạ ! - nó cố trêu Hoàng, khi sự thực là đôi mắt nó đã đỏ hoe. Xưa nay vẫn thế, chưa bao giờ nó để bản thân mình khóc trước mặt một người khác, dù là giọt nước mắt lúc buồn đau hay khi hạnh phúc...
- Vậy thì cậu sẽ không là thiên thần nữa, cậu sẽ chỉ là cậu của tôi thôi...
Hoàng ôm nó vào lòng, chặt, thật chặt.
Khuôn mặt hai người đã ở rất gần nhau, có thể cảm nhận được rõ từng hơi thở nhau, có thể thấy được mùi hương trên cơ thể nhau, thấy được sắc hồng dần lên trên gò má nhau...
- Này... đang ở giữa đường đấy...
- Tôi không quan tâm...
- Nhưng tôi quan tâm, Hoàng ạ - nó đẩy Hoàng ra, đôi mắt bối rối cụp xuống nhìn thảm lá vàng trải dưới chân - Chúng ta sống trên thế giới này không chỉ có một mình ! Khi mọi người chưa nhìn chúng ta bằng những đôi mắt khác thì việc chúng ta ở gần bên nhau luôn là điều đáng ghét và kinh tởm. Hiện tại có là gì đâu nếu tương lai không có lối thoát hả Hoàng ?
Chap 18.
( phần 1 )
Vẫn căn phòng họp ấy với hơn hai chục con người ấy, đa số là nam, ba người phụ nữ; điều duy nhất khác biệt so với hôm đầu tiên đến đây là giờ nó đã biết không chỉ có nó, trong căn phòng này còn có hai người nữa cùng mang giới tính khác như nó, là Hoàng và giáo sư Duy Minh.
Sau vài thủ tục nhỏ để bắt đầu buổi họp, tổ đọc thẩm định lên báo cáo về kết quả của quá trình " bới lông tìm vết " khắp bản dự thảo của mình. Rồi tổ nào viết chương nào sẽ cử người lên trình bày bảo vệ quan điểm của mình, để những thành viên khác trong Ban xem xét, cho ý kiến. Mấy chương đầu của bản dự thảo thì không có nhiều vấn đề cần bàn cãi lắm, vì chủ yếu là những nguyên tắc chung chung, bất di bất dịch. Nhưng không khí của cuộc họp bắt đầu nóng lên khi vào chương 5 - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, và người làm nên điều đó chính là Hoàng.
- Tôi xin phép có ý kiến ! - Hoàng đứng dậy sau cái gật đầu của vị Trưởng ban đồng thời chính là đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Hoàng ngập ngừng im lặng một lúc chứng tỏ sự bối rối và phân vân của mình, và nó bắt gặp ánh mắt Hoàng quay ra tìm mình. Nó nhìn lại Hoàng, và khuôn mặt ủ dột của nó giãn dần ra. Nó mỉm cười với Hoàng. Và nó bắt gặp trong đôi mắt đang nhìn mình ấy lấp lánh lên một ánh sáng ấm áp và trìu mến. Hoàng cũng cười lại với nó, trước khi tiếp tục - Vâng ! Tôi có nhận thấy là trong chương này, tổ soạn thảo vẫn giữ nguyên Điều 63 so với bản Hiến pháp hiện hành. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại !
- Cậu có thể nói rõ hơn được không ? Bất hợp lý ở chỗ nào và phải giải quyết nó ra sao ? - đồng chí Trưởng ban hỏi.
- Theo số liệu thống kê không chính thức thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng một trăm nghìn người đồng tính, lưỡng tính hoặc đã chuyển đổi giới tính. Điều 63 của bản dự thảo này quy định về bình đẳng giới, nhưng lại chỉ công nhận có hai giới tính là nam và nữ. Tôi muốn hỏi là vậy thì một trăm nghìn người có giới tình khác ấy, được đặt ở đâu trong bản dự thảo Hiến pháp này ?
Nó nhìn Hoàng ngỡ ngàng. Vậy đây chính là con đường đi của Hoàng sao ? là lối thoát để đi xuyên qua rào cản của những tấm gương sao ? Nó là một trong những con người may mắn được tham dự vào cái công việc có thể làm thay đổi toàn bộ xã hội này - là viết lại Hiến pháp, nhưng sao trước đây nó chưa từng nghĩ tới việc công khai bênh vực cho những người đồng tính như nó nhỉ ? Hay là nó không dám ? Nó đã từng giận rất nhiều sự yếu đuối vì lo sợ bị phát hiện là người đồng tính của Khánh. Nhưng giờ nó mới nhận ra sự thực rằng chính nó cũng luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ấy. Từ xưa đến nay, nếu có khi nào chợt nghe một câu nói mỉa ai đó " Đồ pédé ! Rõ ghét ! ", nó chỉ cố cười ngượng ngập để che dấu, chứ chưa từng một lần dám lên tiếng rằng đồng tính không phải là cái xấu ! Cả cái xã hội này, sẽ chỉ cần dựa vào một câu ấy của nó thôi, cũng có thể hò hét ầm ĩ lên rằng " À, mày cũng bệnh hoạn như nó chứ gì ? Nếu không sao mày lại phải bênh vực nó ? ". Thế đấy, một xã hội không biết lắng nghe, và sẽ chẳng bao giờ có thể thấu hiểu...
Nhưng giờ, một tia hy vọng mong manh để thay đổi cái xã hội đang bao trùm trong đêm đen này đã mở ra cho nó - một con người may mắn. Và giờ, cái con người may mắn ấy, là nó, đã quyết sẽ không bao giờ dừng bước khi chưa đến được nơi tận cùng để xé tan đi những rào cản đã đứng đó từ suốt bấy lâu nay, để ánh sáng của hy vọng sẽ tràn lan khắp... Nó ngước lên nhìn Hoàng đang đứng đó, và Hoàng cũng cúi xuống nhìn nó. Hai ánh mắt giao nhau, và cả hai đứa cùng mỉm cười.
Nhưng nụ cười mới chỉ phớt qua thôi trên đôi môi của hai đứa đã nhanh chóng biến mất, khi chúng nhận ra rằng tổ biên soạn chương này đã cử được người lên quan vệ quan điểm của họ - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - người đàn bà thép của ngành luật học Việt Nam. Cái biệt danh ấy không phải tự nhiên mà có. Mọi người trong ngành gọi bà như vậy không chỉ vì bà giỏi, mà còn vì sự hiếu thắng đến mức cố chấp, và sự quyền biến đã đạt đến độ gọi là xảo quyệt của bà.
Bà đặt tập tài liệu lên bục diễn giả, rồi nhìn vào khuôn mặt con trẻ có thể búng ra sữa của Hoàng, rồi nhích mép lên một chút để mỉm cười.
- Đúng là giáo sư Duy Minh đã không nhầm khi đưa thêm lớp trẻ vào Ban 17 này, phải không ạ ? Luôn luôn đòi hỏi những thay đổi cấp tiến - nó trau mày lại trước hai chữ " đòi hỏi " của bà - Vâng, và giờ tôi xin thay mặt cho tổ soạn thảo phần Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân giải đáp cho thắc mắc của cậu... tên gì ấy nhỉ ? Tôi còn chưa biết... À, vâng, cậu Hoàng... Mong cậu thông cảm cho, tôi chắc là cũng nhiều người trong Ban cũng chưa biết tên cậu...
Mụ cáo này đang cố tình hạ thấp Hoàng trước các thành viên trong Ban - nó thầm nghĩ vậy, nhưng nó vẫn mỉm cười, bởi nó biết bà phó giáo sư đã đi quá lố rồi. Thảo nào không ai ngạc nhiên khi đến tuổi này rồi bà vẫn phải ở vậy.
- Về vấn đề người đồng tính, khi biên soạn chương này chúng tôi không phải không quan tâm đến. Và thực tế cũng không phải đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc đó cũng đã có ý định đưa ra cho Quốc hội xem xét việc công nhận giới tính thứ ba, nhưng sau đó do có nhiều ý kiến phản đối nên đã bị bác đi. Khi biên soạn chương này, chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường với đa số các đại biểu Quốc hội khi đó là: việc công nhận giới tính thứ ba đi trái lại với các phong tục truyền thống và các chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta.
- Nhưng những gì cũ kĩ và lạc hậu thì phải bị thay thế đi chứ ! Không phải cái gì từ xưa để lại cũng là tốt đẹp và phù hợp với xã hội ngày nay !
Chap 18.
(phần2)
Bà phó giáo sư lại nở một nụ cười nhếch mép nữa. Còn nó thì giật mình trước câu phản bác của Hoàng. Hoàng mắc bẫy của mụ cáo này rồi. Chính nó cũng đã tưởng rằng bà ta ngốc nghếch khi hạ thấp Hoàng, nhưng thực ra đó là những lời cố ý để khắc sâu ranh giới giữa hai thế hệ trẻ và già trong Ban, và khi Hoàng lên tiếng phê phán những cái cũ kỹ thì chắc chắn đã làm phật lòng không ít người. Nó cảm nhận thấy rõ ràng tiếng tim đập gấp hơn và áp lực của những dòng máu đang đổ dồn lên bộ não mình. Đến lúc của nó rồi đây...
- Tôi xin phép được có vài ý kiến như thế này ạ ! - Nó đứng dậy, hơi khom mình cúi chào những ánh mắt vừa quay về phía nó - Trước hết phải nói rằng tôi không đồng ý với quan điểm vừa nêu ra của đồng chí Hoàng đây ! Sự thực là nếu không có những cái cũ, những cái đi trước thì ngày nay cũng chẳng có cái gì cả. Thế nên phủ nhận những cái cũ là không nên, cái chúng ta cần là cải tiến nó cho phù hợp với thời đại ngày nay. Quay trở lại vấn đề chính của cuộc thảo luận thì tôi vẫn phải nói rằng tôi đồng tình với quan điểm phải sửa đổi lại Điều 63. Tiện thể đang nói về những giá trị truyền thống, tôi xin lấy một minh họa như thế này. Đã là người Việt Nam chắc chắn không ai không biết đến cô Thị Mầu phải không ạ ? Vâng, đanh đá, chua ngoa và lẳng lơ có tiếng ạ ! - nó đưa mắt khắp phòng để nhìn những nụ cười và những cái đầu đang gật gù của các thành viên khác - Nhưng Thị Mầu đâu chỉ có thế đúng không ạ ? Thị Mầu còn là biểu tượng cho khát vọng được sống, được yêu hết mình của cha ông ta nữa ! Tôi muốn nhắc tới cô Mầu trong chèo cổ ấy bởi tôi muốn so sánh rằng, những người đồng tình ngày nay chính là những cô Mầu hiện đại. Họ không giống với đa số mọi người, họ khác những người khác, nhưng họ đã và đang dám sống và dám yêu với tất cả bản thân mình. Sẽ không ai trong chúng ta ngày nay muốn làm những lý trưởng, những chánh tổng của thời xưa để bắt tội họ, cạo đầu họ, thả họ chết chìm giữa dòng sông, phải không ạ ? - rồi nó xuống giọng dần, nhỏ thật nhỏ, nhưng trong sự im lặng của căn phòng thì nghe vẫn rất rõ ràng - Yêu không phải là một cái tội, và dù có là tội đi chăng nữa, thì họ cũng không đáng bị đối xử như vậy...
Nó ngồi xuống ghế. Và lần đầu tiên, dưới chiếc bàn cao che khuất tầm mắt của mọi người, Hoàng nắm tay nó, và tặng nó một nụ cười mỉm.
Căn phòng vẫn im phăng phắc, và một tiếng vỗ tay vang lên như đánh thức mọi người tỉnh lại. Đáng tiếc nó lại là cái vỗ tay từ phía người đàn bà đang đứng trên bục diễn giả.
- Nói rất hay, cậu trai trẻ ạ ! Nhưng tôi muốn hỏi rằng, tại sao ngày xưa lại có cái tục gái chửa hoang thì cả làng phạt vạ ? Tình yêu thì nó đẹp thật đấy, nhưng bản thân cái đẹp cũng chỉ là một ý thức xã hội, tức là mỗi thời sẽ có một quan điểm khác nhau. Bởi vậy quan trọng phải xem xem nó có phù hợp với xã hội đương thời hay không. Theo tôi biết thì tất cả các nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, thì chưa có một quốc gia nào công nhận giới tính thứ ba cả.
Nó lại đứng dậy, và lần này nhìn thẳng vào mắt của người vừa nói xong ấy mà nở một nụ cười tự tin:
- Vâng, pháp luật là để điều chỉnh xã hội, và quan trọng nhất khi xây dựng pháp luật là xem xem cách điều chỉnh ấy có phù hợp với xã hội hay không. Nhưng phù hợp hay không phù hợp cũng chỉ tồn tại trong ý thức con người, lúc này nó phù hợp nhưng lúc khác nó lại không phù hợp. Bởi vậy lập pháp không phải lúc nào cũng là chạy đúng theo xã hội, mà nhiều khi phải đưa vào trong luật pháp những lý tưởng để định hướng xã hội trong tương lai. Bởi vậy không thể vì xã hội chưa công nhận những người đồng tính, mà bảo rằng luật pháp cũng không được công nhận giới tính của họ. Luật pháp cần phải đi trước, để cho cả xã hội biết rằng những người đồng tính cũng bình đẳng như những người dị tính. Luật pháp cần phải đi trước, để bảo vệ những người đồng tính khỏi những kỳ thị và bất công của xã hội. Luật pháp cần phải đi trước, để cho mọi người thấy rằng một xã hội mà mọi thành viên trong đó đều được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là không quá xa xôi.
Chap 18.
( Phần 3 )
Khuôn mặt của bà phó giáo sư dần sa sầm lại, nhưng với bản lĩnh của mình, bà ta có thể ngay lập tức chấn tĩnh lại, gượng nở một nụ cười và tiếp nối ngay được cuộc tranh luận:
- Vậy giờ cứ cho rằng việc công nhận giới tính thứ ba là đúng đi, thì chúng ta sẽ lại phải giải quyết một vấn đề nảy sinh sau đó, là buộc phải công nhận quyền kết hôn giữa những người ấy. Mà chúng ta đều biết rằng những gia đình đồng tính như thế không thể có khả năng tái sản xuất ra con người. Vậy có nghĩa là công nhận giới tính thứ ba sẽ gián tiếp đẩy xã hội tới chỗ thui chột và diệt vong.
- Tái sản xuất ra con người ? Vâng, một công việc rất quan trọng để duy trì xã hội, và là một công việc mà những gia đình đồng tính không thể thực hiện được. Nhưng bù lại, những gia đình đồng tính sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình tái sản xuất ra sức lao động của xã hội. Một cá nhân được gắn bó với người mình yêu, chắc chắn tinh thần sẽ thoải mái và sức khỏe sẽ dẻo dai hơn, nhờ đó năng suất lao động của người đó cũng sẽ được nâng cao. Nếu chỉ vì nhu cầu tái sản xuất ra con người mà buộc anh ta phải chung sống với một người phụ nữ mà anh ta không hề có cảm giác, thì anh ta cũng không thể lao động tốt. Hơn thế, thế là xúc phạm tới người phụ nữ là vợ của anh ta, và chắc chắn những đứa con sinh ra trong một gia đình như thế cũng sẽ rất thiệt thòi khi khó có thể được hưởng sự chăm sóc, thương yêu như những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bình thường khác. Như vậy, việc cố gắng phủ nhận giới tính thứ ba có nguy cơ tạo ra cho xã hội một lớp trẻ không được phát triển lành mạnh; mà ngược lại, nếu công nhận giới tính của họ và tạo điều kiện cho họ được nhận con nuôi, là đã giúp cho nhiều trẻ em bị bỏ rơi trong các trại trẻ mồ côi có được điều kiện được chăm sóc và phát triển tốt hơn. Và cuối cùng, tôi cũng xin chú ý rằng, cả nước chỉ có khoảng trên dưới một trăm nghìn người đồng tính, chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong dân cư, và việc họ không sinh con không ảnh hưởng nhiều tới tốc độ tăng dân số của cả nước.
Phát biểu xong nó ngồi xuống ghế. Chóng mặt quá ! Những mạch máu ở hai bên thái dương nó giật lên đầy giận dữ. Hàng triệu tế bào thần kinh trong bộ não đang ngốn một lượng năng lượng khủng khiếp, để đảm bảo mọi thứ nó nói ra đều phải thật rành mạch, đầy đủ và chính xác. Cái chứng viêm xoang trong căn phòng điều hòa kín mít này tự nhiên làm nó thấy khó thở khủng khiếp. Nếu cuộc tranh luận này còn kéo dài thêm nữa chắc chắn nó sẽ gục mất...
Nhưng trời không chiều lòng người, hay có lẽ thực ra là bà phó giáo sư Nguyễn Minh Châu không thể dẹp lòng tự ái và sự hiếu thắng của mình xuống được. Trên bục diễn giả, người đàn bà ấy vẫn tiếp tục:
- Chúng ta đều biết rằng tình yêu đồng tính mang lại một cảm giác vô cùng khó chịu ở những người có tư tưởng bảo thủ. Mà cũng chính cậu Tuấn đây cũng vừa thừa nhận rằng, những người đồng tính chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong dân chúng. Vậy nhà làm luật sẽ phải theo ý kiến của bên nào, đa số bảo thủ hay thiểu số đồng tính ? Và chúng ta đều biết theo cơ cấu Quốc hội gồm năm trăm đại biểu, thì có nghĩa là với dân số nước ta hiện nay, phải một trăm bảy mươi ngàn người mới có một ghế đại biểu, thế nên con số xấp xỉ một trăm ngàn người đồng tính không có nhiều ý nghĩa lắm, phải không nào ?
Một giọt mồ hôi lăn nhanh từ cuối chân mày chảy dài trên gò má nó. Ngột ngạt và khó chịu ! Bộ não nó đang cố gắng hết sức để nhanh chóng tìm ra và sắp xếp các vấn đề lại một cách hợp lý nhất. Nhưng tâm trí đã mệt mỏi và khóe mũi đã cay xè và khô rát...
Nó định cố đứng dậy. Nhưng Hoàng đã nắm lấy cổ tay nó, kéo lại.
Trong một tích tắc thoáng qua, nó nhìn vào đôi mắt Hoàng. Và...
" Cậu mệt rồi. Để tôi, Tuấn ! "
" Nhưng cậu... "
" Bốn năm được ở bên cậu mỗi ngày là không đủ để tôi hiểu cậu hay sao ? Và từng ấy thời gian là không đủ để cậu tin tôi hay sao ? "
Bối rối. Chưa bao giờ trong những cuộc tranh luận học thuật nó biết đến hai tiếng " nhường nhịn ". Có phải kiêu hãnh và hiếu thắng đã là một phần trong máu thịt của dân Luật học như nó không ?
Giọt mồ hôi đã đọng lại trên cằm và bắt đầu buông rơi vào khoảng không. Long lanh...
" Được rồi. Nhưng hãy nhớ rằng... Tôi yêu cậu ! "
" Sao ? "
" Tôi yêu cậu ! "
Cuộc đối thoại chớp nhoáng qua ánh nhìn giữa hai người kết thúc khi Hoàng đứng dậy, với đôi mắt lấp lánh niềm vui.
- Vâng, tôi xin phép được thay đồng chí Tuấn tiếp tục trao đổi với phó giáo sư Châu về vấn đề này ạ! Nhưng đầu tiên, ngoài lề một chút, tôi muốn hỏi làm sao mà bà phó giáo sư lại biết đến tên của đồng chí Tuấn ? - người đàn bà nghe xong câu hỏi ấy thì như hóa đá lại, khuôn mặt trắng bệch ra rồi nhanh chóng tím đen lại. Còn nó phải cố lắm mới giữ được mình chỉ giật lên một tiếng cười trong cổ họng. Hai năm trước trong kỳ thi Olympic Luật học, nó đã trả lời rành rọt, và hơn thế, còn chỉ ra điểm bất hợp lý trong câu hỏi của vị giám khảo giữa một hội trường gần hai nghìn người. Và vị giám khảo ấy không ai khác chính là người đang đứng trên bục diễn giả vào lúc này. Thế nên nếu cái tên Nguyễn Anh Tuấn là những gì cuối cùng hiện lên trong đầu trước khi bà nhắm mắt qua đời thì cũng không phải là chuyện gì quá lạ. Sau một nụ cười mỉm đầy ranh mãnh, Hoàng tiếp tục - Trở lại với cuộc thảo luận, tôi thấy rằng ý kiến của phó giáo sư đưa ra có thể tóm gọn lại là: những người đồng tính chỉ là thiểu số trong xã hội, và họ bị những người bảo thủ có số lượng lớn hơn nhiều phản đối, nên những người đồng tính phải chấp nhận thua thiệt. Tôi hiểu thế không sai chứ ạ ? Thiểu số phục tùng đa số. Không ai chối cãi nguyên tắc đó. Nhưng có phải ước mơ được sống bình đẳng như những người khác, được tự do thể hiện bản thân mình, được tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc của thiểu số những người đồng tính là chống lại đa số còn lại của xã hội ? Một xã hội lấy sức mạnh của số đông để chà đạp lên những con người ít ỏi khác biệt có phải là một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới ? Và ngoài ra còn một điều cần phải xem xét nữa là: đâu mới là đa số, và đâu mới là thiểu số, giữa một bên là những con người cũ kỹ muốn giữ lấy những nề nếp xã hội cổ hủ, lạc hậu, với một bên là những người đồng tính và những người thấu hiểu, cảm thông với họ ? Tôi luôn giữ cho mình một cái nhìn lạc quan đầy màu hồng. Đó có thể là một hạn chế do kinh nghiệm và tuổi tác còn non dại. Nhưng nó giúp tôi luôn tin rằng xã hội này thật tốt đẹp, và những con người hiểu biết, tiến bộ luôn luôn là đa số; nó giúp tôi có một niềm tin sâu sắc rằng nếu quy định này được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp thì đa số đông đảo mọi người sẽ chấp nhận và ủng hộ nó.
- Niềm tin cảm quan của cậu đâu phải là căn cứ...
- Đủ rồi đấy bà Châu ! - giáo sư Duy Minh, vẫn lặng yên trong chỗ ngồi ở góc phòng từ đầu cuộc họp, đã đứng dậy và lên tiếng cắt đứt đợt phản kháng yếu ớt của bà phó giáo sư - Tôi nghĩ trong vấn đề này mọi chuyện đã được giải quyết xong. Nên đồng tình hay không nên đồng tình với việc sửa đổi Điều 63 này, chắc chắn mọi thành viên trong Ban đã có được câu trả lời rõ ràng cho riêng mình. Chúng ta dừng ở đây được rồi !
- Nhưng mọi người không nhận thấy hai đứa thanh niên như thế cùng ăn hiếp một bà già như tôi sao ? - bà đã không thể giữ được bình tĩnh nữa từ sau cú khiêu khích của Hoàng. Nhưng chợt trong đôi mắt bà lóe lên một ánh sáng - Hai đứa chúng nó...
- Phải ! Chúng tôi đồng tính. Và chúng tôi yêu nhau !
Chap 19
.
( Phần 1 )
- Hai đứa có nhận thức được việc mà mình vừa làm không ?
- ... ơ - ấp úng - sao hả bác ?
- Ta cũng không rõ lắm. Nếu như những gì hai đứa đề nghị thực sự được Quốc hội đồng ý thông qua trong bản Hiến pháp mới, thì hai đứa là những người dũng cảm nhất mà ta từng biết. Còn nếu như đề nghị này thất bại, ta chắc chắn hai đứa sẽ là những kẻ ngốc nghếch và đáng thương nhất mà ta từng gặp.
- Thế có nghĩa là...
- Là hai đứa đã tự đặt cược chính cuộc sống tương lai của mình vào lời đề nghị hôm nay.
- ...
- Ta cũng muốn hai đứa biết rằng cuộc sống trước đây đã kết thúc rồi. Ít nhất là từ giờ đến ngày Điều 63 sửa đổi được Quốc hội thông qua, những lời xầm xì, sự xa lánh, thậm chí là cả sự khinh ghét nữa sẽ luôn bám theo cả hai. Hai đứa có thể vượt qua được không ?
- Cháu nghĩ là được, chỉ cần hai chúng cháu luôn ở bên nhau, phải không Tuấn ?
- ... - ngập ngừng - Để tôi nói chuyện riêng với bác Minh được không Hoàng ?
Gật đầu và bước ra khỏi phòng.
- Có chuyện gì hả Tuấn ?
- ... Thực sự cháu không biết cái ngày mà chúng ta trông đợi ấy bao giờ mới trở thành hiện thực. Cháu sợ rằng nó sẽ là quá xa xôi...
Ông nhìn kỹ vào mắt nó. Vẫn cái nhìn từ đôi mắt màu nâu sẫm ấy, của con người cao gầy, mái tóc pha hai màu đen - bạc hơi dài, ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn ấy, nhưng sao nó thấy ấm áp đến lạ lùng ?
- Không được sợ và không việc gì phải sợ, Tuấn ạ ! Cháu không đơn độc đâu ! Giờ cháu đã có Hoàng ở bên cạnh, và rồi cháu sẽ có sự ủng hộ từ tất cả những người đồng tính, cũng như từ tất cả những người cảm thông và chấp nhận đồng tính. Cháu phải tiếp tục, vì con đường mà cháu và Hoàng hôm nay đã lựa chọn không chỉ là lựa chọn của hai đứa, nó đã và sẽ là ước mơ của tất cả những ai khao khát công bằng và bình đẳng trong cái xã hội này...
Nó bật khóc. Đúng, nó phải tiếp tục ! Nó đâu còn có một sự lựa chọn nào khác. Số mệnh đã đưa đẩy nó vào trường Luật, đã giúp cho nó gặp được Hoàng trong cái chiều mùa hè của năm thứ nhất ấy; rồi một lần nữa cũng chính số mệnh đã đưa đẩy cho bộ hồ sơ của nó vào tay bác Minh, để nó và Hoàng lại có thể gặp lại nhau một lần nữa. Số mệnh ! Nó chưa bao giờ tin vào số mệnh. Nhưng liệu có phải chính số mệnh đã run rủi mà đặt lên vai nó và Hoàng cái trách nhiệm này ? Hay là không có số mệnh nhỉ ? Hay là nếu không phải nó và Hoàng thì cũng sẽ phải có một ai đó đứng lên làm cái công việc này nhỉ ? Bác Minh nói đúng, đây không phải là công việc của một người, của nó hay của Hoàng, đây là công việc của tất cả mọi người - của tất cả những người đồng tính, của tất cả những ai khát khao được sống thật với chính bản thân mình, của tất cả những ai yêu chuộng lẽ phải, yêu chuộng công lý và công bằng.
.
Giải phóng con người đâu phải ở nơi nào đó quá xa xôi, nó ở chính trong từng cử chỉ, từng lời nói, từng việc làm của mỗi cá nhân con người. Có xiềng xích và gông cùm nào vững chắc hơn những xiềng xích và gông cùm do chính mình làm ra và tự mình giam hãm mình trong đó ? Xã hội có thể kỳ thị những sự khác biệt, chính vì những sự khác biệt ấy cũng chấp nhận mình là khác biệt. Sự khác biệt ấy cần phải lên tiếng. Cần phải có một tiếng nói. Tiếng nói ấy không cần phải là một tiếng thét, bởi vì nó là chân lý, mà chân lý thì chỉ cần những lời thì thầm cũng là đủ để vang vọng mãi: KHÔNG HỀ CÓ MỘT SỰ KHÁC BIỆT NÀO GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI.
.
- Bác sẽ luôn ở bên chúng cháu chứ ? Chúng cháu luôn cần một người dẫn đường như bác...
Im lặng.
- Sáng nay ta đã nộp đơn xin nghỉ khỏi Ban rồi, đó chính là lý do cuộc họp phải hoãn đến buổi chiều. Từ khi gặp cháu ta đã nhận ra rằng, những công việc ta chưa làm được cho xã hội này giờ đã có lớp trẻ như cháu, như Hoàng tiếp tục, và ta cần phải có thời gian cho chính bản thân mình. Ta sẽ trở lại Tây Nguyên để tìm Duy Thanh. Ta đã để ông ấy đợi chờ quá lâu rồi...
Chap 19.
( Phần 2)
- Sao lúc ấy cậu dám nói trước mọi người như thế ?
- Không biết !
- Còn đùa được nữa ?
- Chẳng phải cậu cũng thích nghe câu ấy còn gì ?
- Ai thèm chứ ?
- Bảo không thèm sao ôm người ta chặt thế ?
- Thế tại ai biết trời còn có hơn 10 độ thôi mà còn cứ chạy xe như điên thế ?
- Vì hôm nay có người ngồi sau nên adrenaline tiết ra nhiều hơn đấy chứ... Mà này, rét à ?... Thế đi ăn kem nhé !
Không đợi câu trả lời, chiếc xe đã nhanh chóng quay đầu và lao về phía đường Thanh Niên.
.
- Kem về rồi đây !
Dừng xe lại cạnh chiếc ghế đá giữa vườn hoa mà nó đang ngồi chờ, đưa cho nó chiếc kem cốm - vị mà nó thích nhất, rồi Hoàng cũng ngồi xuống bên cạnh và từ từ cắn chiếc kem sô-cô-la. Không ai nói một câu nào nữa. Kể cả khi hai chiếc kem đã biến mất hoàn toàn vào dạ dày của hai đứa, thì im lặng vẫn là thứ bao trùm lên khoảng không đang nhá nhem tối dần ấy. Nó đưa mắt nhìn ra mặt hồ, sương lên mờ mờ ảo ảo, ngọn tháp ở chùa Trấn Quốc chỉ còn là một vệt nhòe không rõ hình dáng...
- Cậu đang nghĩ gì thế ?
- Mọi chuyện... rồi sẽ thực sự qua đi chứ ?
Lại im lặng.
- Cậu có biết vườn hoa này ngày xưa tên là gì không Hoàng ?
- ...
- Thời Thuộc Pháp nó tên là Square Eckert, đặt theo tên của viên đốc lý tàn ác nhất của Hà Nội thời đó. Nhưng giờ hãy nhìn xung quanh xem, cậu có còn thấy dấu vết gì của một thời đen tối ấy không ?
Hoàng lặng đi. Và lần đầu tiên trong đôi mắt trước mặt ấy, nó nhìn thấy đầy ăm ắp nước. Không thể ngăn nổi mình, nó ôm lấy Hoàng vào lòng. Chưa từng bao giờ nó có được một thứ quý giá, một thứ mà nó nâng niu trân trọng, một thứ mà nó sẽ không bao giờ đánh đổi hay trao cho người khác, như người con trai đang ở trong vòng tay của nó bây giờ...
Bầu trời sập tối. Một trận gió giật lên, cuốn lá xanh trút xuống ào ào trước khi những hạt mưa lạnh buốt buông rơi... Tự nhiên đang nổi giận, có phải thế không, khi hai đứa con trai của Người đang dám chống lại những quy luật khắc nghiệt từ muôn đời nay do chính Người đặt ra ? Nhưng Người sẽ phải thất bại thôi - nó mỉm cười. Chỉ cần có Hoàng ở trong vòng tay như thế này, không có điều gì là nó không dám làm, không có khó khăn nào là nó không dám vượt qua. Tất cả, tất cả chỉ để có Hoàng trong vòng tay nó như thế này mãi mà thôi...
.
- Tuấn...
- Sao ?
- Cho tôi... hôn cậu nhé !
Chap 20
( Phần 1 - đã sửa đổi, bổ sung )
Đường Thụy Khuê,
Ngôi nhà có giàn hoa tigôn trải dài từ tầng thượng tới sân trước,
Một người phụ nữ đẫy đà có nước da trắng sáng và mái tóc xoăn thành từng lọn dài mở cánh cổng sắt ra:
- Tuấn đấy à ? Chào cháu ! - bà gật đầu đáp lễ sau câu chào của cậu thanh niên đi cùng đứa con trai út của mình - Hai đứa ăn tối chưa ? Vào nhà đi !
- Mẹ, đây là Hoàng, còn đây là mẹ tôi.
- Con cứ dẫn bạn vào nhà đi, mẹ khóa cổng lại đã.
- Cứ để cổng đi mẹ ! Anh Hưng sắp đến bây giờ đấy. Con vừa gọi cho anh ấy rồi.
Khuôn mặt người phụ nữ hơi cứng lại trong giây phút, ánh mắt bà thoáng đôi chút lo âu, nhưng bà vẫn kịp chấn tĩnh để dẫn hai người thanh niên vào trong nhà.
- Bố đâu rồi mẹ ?
- Bố đang tắm. Cũng chỉ vừa mới về đến nhà thôi ! Nghe nói hôm nay bên công trường đổ móng mà. Hai đứa cứ ở đây để mẹ lên gọi ông ấy cho.
.
Hai đứa ngồi yên lặng cạnh nhau trên chiếc tràng kỷ bằng gỗ đen bóng. Trước mặt chúng là một bức tường, không phải là một bức tường trống trơn, cũng không phải là bức tường được trang trí bằng những khung tranh, khung ảnh. Trên bức tường ấy là dầy đặc những tấm giấy khen, bằng khen của hai anh em Tuấn. Trên bức tường ấy, nó thấy lại đầy đủ hai mươi tư tấm giấy khen của mười hai năm học phổ thông, thấy lại từ tấm bằng khen vẽ tranh lúc học mẫu giáo đến tấm bằng khen giải nhất Olympic Luật học hai năm về trước. Một cái gì đó cứ nghèn nghẹn lại ở cổ họng nó...
.
" Đừng lo, Tuấn ạ ! Tôi ở ngay đây thôi ! "
Thấy được những lời ấy qua đôi mắt của người ngồi cạnh, nó thở một hơi dài, rồi quay ra nhìn vào bố mẹ và anh trai đang ngồi trước mặt:
- Cả nhà, con... đồng tính !
Im lặng.
Một tiếng khóc bật lên. Người phụ nữ tựa đầu lên vai chồng mình. Cả thân bà run lên. Nức nở và sụt sùi.
Chưa bao giờ nó làm mẹ khóc, và chưa bao giờ nó thấy sự hụt hẫng đến nhường ấy trên nét mặt của bố. Tim nó giật lên, và thực sự thấy khó thở. Ngước mắt lên nhìn bức tường sau lưng ông bà dày kín những tấm bằng khen, sao nó thấy như có ngàn vạn những nết vứt trên những khung kính ấy. Giá như trong hai mươi ba năm qua nó không cố tỏ ra chăm ngoan như thế; giá như trong hai mươi ba năm qua nó cũng nghịch ngợm và lêu lổng, để vài lần ông bà đánh mắng nó, thất vọng về nó giống như những đứa trẻ khác; giá như ông bà không đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó như thế; giá như nó bình thường như những con người khác, thì có lẽ sự thật này không làm bố mẹ thất vọng đến thế... Nó là một đứa con chẳng ra gì. Nó là một thằng con bất hiếu.
" Mẹ... con xin lỗi " - nó thì thầm những lời ấy nhưng thực sự không thể cất nổi ra thành tiếng. Nuốt nước bọt một cách khó nhọc, những nỗi niềm từ trong lòng cứ ứ nghẹn lại nơi cổ họng...
Anh Hưng có lẽ là người còn giữ được bình tĩnh hơn cả.
- Hai đứa, đi theo anh...
Nó không muốn để lại bố mẹ như thế. Nhưng nó cũng biết nếu cố ở lại trong phòng thì cũng không thể làm được gì. Nặng nề và uể oải, nó nhấc mình khỏi ghế. Hoàng cũng đứng dậy đi theo nó, và trên khuôn mặt cũng không giấu nổi vẻ căng thẳng. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt nhìn của nó, Hoàng vẫn cố nở một nụ cười.
Khi ra đến ngoài sân, anh Hưng nắm lấy hai vai nó, nhìn thẳng và hỏi:
- Em đã suy nghĩ kĩ trước khi đến đây chưa ?
Nó gật đầu. Anh Hưng buông tay, thở dài:
- Anh cũng biết được chuyện này được vài năm nay rồi...
- Làm... sao... anh...
- Anh em với nhau từ bé, sao mà không nhận ra được chứ ?
- Anh... không sợ hay ghét em sao ?
- Ban đầu thì cũng khó hiểu, nhưng sau thì cũng nhận ra, mày vẫn là thằng em suốt ngày chí chóe đòi ăn và tranh tivi với anh mà, phải không ?
- Anh...
Như hiểu ý ngập ngừng trong lòng nó, anh chủ động ôm nó vào lòng. Chưa bao giờ nó thấy người anh trầm tính và ít nói của nó vĩ đại hơn thế. Giờ là lúc nó cần nhất những con người thấu hiểu và cảm thông.
- Lúc đó anh đã hy vọng mày chỉ bị vài vấn đề về tâm lý thôi, nhưng hôm nay, nếu đã suy nghĩ kỹ trước khi đến đây, anh tin mày đã chắc chắn hiểu rõ được bản thân...
Anh cũng đã nói chuyện này với bố mẹ hai năm trước rồi...
Nhìn ngỡ ngàng.
- Lúc đầu thì... bố mẹ cũng... khó chấp nhận lắm. Nhưng sau anh và chị Trang thuyết phục mãi thì cũng xuôi xuôi. Cũng vì thế nên anh chị mới sinh những ba đứa, cốt để cho ông bà vui đấy chứ...
- Anh...
- Thôi, không ôm nữa ! Nhầu hết cái sơmi của anh ! ( ặc ặc )
.
- Thế đây là...
- Em tên Hoàng !
- Chắc là... - cười.
- Bạn của em anh ạ !
- Fiance anh ạ !
- Thế là hôm nay định đến ra mắt bố mẹ luôn chứ gì ?
- ...
- Thế vào nhà đi, chắc bố mẹ đã bình tĩnh lại rồi đấy !
- Nhưng, anh Hưng ! Nếu bố mẹ đã biết trước, sao hôm nay... ?
- Thì nghe khẳng định trực tiếp thì vẫn sốc chứ sao ? Yên tâm đi, có gì anh sẽ đỡ lời cho. Vào nhà đi !
.
- Cậu thấy sao ? - Sau một lúc khá lâu yên lặng ngồi ở yên sau, nó mới lên tiếng hỏi.
- Cũng may bố mẹ đã biết trước rồi nên không phản ứng mạnh lắm. Nói thật chứ lúc cậu bảo về nhà nói chuyện với bố mẹ, tôi run đến gần chết ngất được. Thật không biết nói gì về những việc mà anh Hưng đã làm cho hai đứa mình ! - rồi khe khẽ trong cổ họng - Giá như anh Hải nhà tôi cũng được như thế...
- ...
- Mà cậu nghĩ bố mẹ có chấp nhận thằng son-in-law là tôi không ? Ông bà tra hỏi tôi đủ thứ, may mà lúc ấy anh Hưng bảo phải về để cho thằng cu út đi ngủ thì mình mới có cớ để trốn ra đấy...
- À đây, nhắc mới nhớ ! Vụ fiance là thế nào hả ?
- Chả phải chúng mình sắp cưới à ?
- Bao giờ ?... - ngập ngừng - Ít nhất... đã có ai hỏi và... đã có ai đồng ý đâu cơ chứ ?
Phanh gấp. Nó ngã chúi vào lưng Hoàng.
- Thế bây giờ tôi... cầu hôn cậu nhé !
- Không !
- ... Sao ?
Lém lỉnh.
- Để tôi nói cơ ! Bị cầu hôn thì... cứ như là con gái ấy...
- Không được, thế tôi càng phải nói !
- Không ! Tôi !
- Không !
...
- Hay là oản tù tì nhé ?
Chap 20
( Phần 2 - Đã sửa đổi, bổ sung )
- Đến rồi đây !
- ...
- Run à ?
- Ừ... ừm, cũng có tí chút...
- Thế để tôi vào trước nhé !
Dựng xe ở trong sân bên cạnh một chiếc ôtô, Hoàng đưa mắt nhìn nó:
- Bố tôi có nhà đấy !
Nó chưa gặp bố Hoàng bao giờ, và cũng ít được nghe về ông, nhưng nó biết ông là một sĩ quan cao cấp của Bộ Công an, thường đi công tác luôn nên cũng ít khi ở nhà. Phải nói thật rằng nó không có nhiều thiện cảm với ngành công an, nhất là từ năm lớp 12, khi Khánh bị bố mẹ - cả hai đều là sĩ quan công an, bắt phải thi vào trường An ninh...
Dù trên đường đi, với những-thắng-lợi-bước-đầu là sự chấp nhận của bố mẹ và sự ủng hộ của anh Hưng, nó đã cảm thấy tự tin hơn nhiều. Nhưng khi đến trước ngôi nhà có dãy hàng rào sắt treo đầy những giò phong lan này nó vẫn cảm thấy lo lắng tột độ. Liệu gia đinh Hoàng có thấu hiểu và cảm thông với hai đứa, liệu gia đình Hoàng có chấp nhận nó không ? Nó sẽ phải làm gì và nói gì nhỉ ? Mọi suy tính trong đầu nó từ lúc trước giờ đều bay biến cả đi rồi...
Nó lo lắng cũng đúng thôi. Thứ nhất vì cả bố và mẹ Hoàng đều có vai vế trong cơ quan mà hai người công tác, không giống như bố mẹ nó - chỉ là những người dân thường. Mà nó biết, đã là lãnh đạo thì người ta có lòng tự trọng cao lắm, không biết bố mẹ Hoàng có thể không mặc cảm chuyện này mà chấp hai đứa được không ? Thứ nữa là gia đình Hoàng nó vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiếp xúc. Nó mới gặp mẹ Hoàng trong lần đến mượn sách, bà khá cởi mở và dễ tính. Nhưng bố và anh trai của Hoàng thì nó còn chưa từng biết mặt. Gặp người lạ đã là ngại ngùng, gặp gia đình của người mà mình đã có ý sẽ chung sống đến tận cuối cuộc đời còn ngại ngùng hơn gấp bội. Nhìn bóng Hoàng đi phía trước, nó không khỏi thán phục Hoàng vì có thể vượt qua được sức ép tâm lý này khi bước vào nhà nó khi nãy.
Bóng Hoàng khuất đi sau cánh cửa.
- Chào bố mẹ ạ ! Con về rồi đây !
" Bốp "
- Con đã làm gì ạ ?
- Mày còn phải hỏi nữa ? Cô Thư vừa gọi cho mẹ mày rồi !
Cô Thư ở bên Viện Tôn giáo tín ngưỡng thuộc Học viện, là bạn của mẹ Hoàng và cũng là thành viên của Ban 17, tức là buổi chiều nay cũng đã chứng kiến toàn bộ cuộc tranh luận cũng như đã nghe được rõ ràng những lời thừa nhận của hai đứa. Vậy là cả nhà đã biết thông tin trước khi hai đứa đến, nhưng sự biết trước ấy lại chưa đủ lâu như ở nhà nó để mọi người có thể kịp bình tĩnh.
Nó chạy vội đến đẩy cánh cửa gỗ ra. Hoàng đứng đối diện một người đàn ông tầm trên dưới năm mươi tuổi - có lẽ là bố Hoàng, cạnh ông là một người thanh niên cao và gầy - có lẽ là anh Hải. Khuôn mặt cả hai đầy sự giận dữ, và khi nhìn thấy nó, thì sự giận dữ như càng được nhân lên.
- Mày còn dám đưa nó vào cái nhà này à ? - một tiếng rít lên và kèm theo đó là một cú đấm nữa. Hoàng không hề cố trốn tránh hay che đỡ, chỉ "Hự" lên một tiếng chấp nhận.
Còn nó thì lắp bắp không thể thốt được lên lời:
- Bác... Hoàng... đừng...
- Mày... chính mày đã biến con tao thành loại quái đản như thế này...
- Con không quái đản ! Và con không xấu hổ khi mình đồng tính !
- Mày im đi ! Mày không xấu hổ khi người ta khinh rẻ và phỉ nhổ vào mày nhưng tao và mẹ mày xấu hổ. Rồi trên Bộ người ta sẽ nhìn tao như thế nào ? Bọn nó có còn nghe lệnh tao - một thằng không biết dạy con ra sao cho nó thành một thằng đàn ông hay không ? Rồi ai người ta lấy anh mày ? Tao sẽ đưa mày đi viện, nếu không chữa được cái bệnh biến thái của mày thì cũng không để mày ở ngoài mà làm ô danh cái nhà này được ! Hải, giữ nó lại !
Hoàng nhanh chóng bị người anh trai của mình giữ chặt. Cố vùng vẫy nhưng hoàn toàn chỉ là vô ích.
Còn nó ? Bố Hoàng đã đến gần nó và bắt đầu vung tay...
- Chính mày đã hại con tao ! Chính mày đã hại cả cái nhà này ! Sao lũ chúng mày không chết hết đi !
Chưa ai đánh nó bao giờ.
Một dòng nước mắt chảy tràn trên má. Nhưng không phải một dòng nước mắt vì đau. Nếu có phải thì cũng không vì những nỗi đau trên mặt, trên bụng, trên lưng hay từ một nơi nào trên da thịt, thể xác. Nếu dòng nước mắt ấy chảy vì một nỗi đau thì đó là một nỗi đau ở tận sâu thẳm trong lòng.
Xã hội này vẫn thường phán xét dựa trên những điều vô căn cứ - một sự phán xét cay nghiệt của những ông tòa mù quáng. Sự thật trở thành cái gì đó quá xa xôi. Dù cho sự thật ấy có là cuộc sống, là ước mơ của không ít những con người; sự thật ấy là: đồng tính không phải một bệnh dịch lây truyền bẩn thỉu, và những người đồng tính cũng không phải những kẻ tội đồ đáng ghê tởm. Nhưng nào có ai quan tâm đến sự thật ? Người ta đâu có cần biết đến sự thật ! Làm gì có sự thật cho những con người bị xã hội ruồng bỏ ?
Tự nhiên nó cười.
Những nỗi niềm uất nghẹn trong lòng đột nhiên tan biến thành vị dịu ngọt của chiến thắng. Phải, trong cuộc đấu này nó là người chiến thắng. Sự thật thuộc về nó. Mù quáng, hay lòng tham, hận thù, hay mặc cảm có thể che đậy được sự thật, nhưng không bao giờ có thể xóa nhòa được sự thật. Trong phiên tòa của ngày hôm nay nó có thể là kẻ thất bại, nhưng trong sự mãi mãi của thời gian - nơi chỉ có sự thật là tồn tại và công lý là thước đo duy nhất, nó luôn là người chiến thắng.
Người đàn ông ngỡ ngàng trước nụ cười của chàng thanh niên - một nụ cười chỉ có thể có trong một tâm hồn cứng rắn nhưng đã thanh thản đến vô cùng.
Ông dừng tay lại. Thở dốc.
- Bác đã thấy thoải mái chưa ạ ? Nếu rồi cho con xin phép được thưa chuyện, chúng con đã định sau khi luật được sửa đổi, xin hai bác cho chúng con được cưới nhau...
Nín thở.
Đôi mắt trước mặt nó thoáng mờ đi, nhưng rồi lại nhanh chóng bừng lên giận dữ:
- Không ! Khi nào thằng Hoàng còn là con tao thì tao không bao giờ chấp nhận kiểu quan hệ bệnh hoạn của chúng mày !
- Vậy thì tôi cũng không cần một người bố như ông nữa - Hoàng đã vùng thoát được khỏi anh Hải, và lao đến đỡ nó đang ngã dựa vào tường.
- Chúng ta đi khỏi đây thôi Tuấn !
Bỏ mặc lại sau lưng hai người đàn ông, bỏ mặc ngoài tai những tiếng thét giận dữ. Nó, thật yếu ớt trong vòng tay Hoàng, đang gượng bước từng bước chân để ra ngoài. Bên ngoài ngôi nhà này, một đêm đông lạnh buốt vẫn đang chờ để được nuốt trọn hai đứa vào trong lòng...
Chap 21 (Hết )
- Cậu... đang đi đâu thế ?
- Đưa cậu vào viện ! Cậu sây sát và chảy máu thế cơ mà...
- Không cần đâu, về nhà tôi đi !
- Ít nhất cũng phải khám thương tích đã ! Tôi không tin cậu đến như thế này vẫn chưa đủ 11% để kiện ông ấy ra tòa !
- Ông ấy là bố cậu đấy, Hoàng ạ ! - thở dài.
- Tôi không cần một người bố như thế ! Gia đình cậu đã chấp nhận hai chúng ta rồi, thế là đủ ! Giờ bố mẹ cậu cũng là bố mẹ tôi rồi.
- Giờ thì có thể như thế... nhưng sau này, có thể là vài năm nữa... sẽ ra sao hả Hoàng ?
Im lặng.
- Thế cậu tính sao ?
- Tối mai chúng ta sẽ lại đến. Nếu vẫn chưa thể nói chuyện và thuyết phục được gia đình cậu thì cả tối ngày kia, ngày kìa, và những ngày sau nữa, đến khi nào mọi người chấp nhận được chuyện này thì thôi...
- ... Nếu... ông ấy lại đánh cậu nữa thì sao ?
- Thì tôi sẽ lại được cậu đưa về như thế này... Càng ấm chứ sao ?
Lại im lặng. Nhưng sự im lặng ấy không phải là một cái gì trống rỗng. Đó là một-sự-im-lặng-đã-được-lấp-đầy.
Hoàng đưa tay tìm lấy bàn tay nó. Những ngón tay đan vào nhau, chặt, thật chặt. Và trong gió rét, trong mưa buông, trong ánh đèn vàng loang loáng dọc hai bên đường, một lời thì thầm vang lên khe khẽ:
- Tôi yêu cậu...
End
----------------------------
- Này, chuyện dành dụm tiết kiệm đến đâu rồi ?
- Chắc cũng đủ rồi...
- Thế cuối tuần chúng mình đi mua nhé !
-Cái Smart dành cho hai người đấy nhé !
- Ừ ! Smart ! Và chỉ cho hai người !
- ... ( cười )
- Mà cậu còn có ý định nhận con nuôi nữa không đấy ?
- Có chứ ! Một đứa con gái ! Mình đã bàn rồi còn gì ?
- Thế để con bé ngồi đâu trong cái xe cho hai người ấy ?
- ...
- Này nhé ! Con bé sẽ ngồi trên lòng cậu trong khi tớ lái xe !
- Đừng mơ đi ! Tiền mua xe là của tớ cơ mà !
- Còn nhớ điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình không ? " Tài sản hình thành trong thời gian sống chung là tài sản chung của hai vợ chồng ". Tớ có một nửa cái xe ấy đấy !
- Thôi ! Không phải mang luật ra dọa tớ đâu !
- Rồi, tớ sẽ không nói nữa... nhưng với một điều kiện !
- Gì ?
- Hôn tớ đi !
- Nỡm ạ !
--------------
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top