4444
Vứt bỏ “mô hình hạnh phúc kiểu mẫu”
Mặc dù nói xã hội này chấp nhận nhiều cách sống khác nhau, nhưng trong đó vẫn tồn tại một cách sống được cho là mô hình hạnh phúc kiểu mẫu. Công việc ổn định, kết hôn, lập gia đình, làm bố mẹ của hai, ba đứa con và sau này là trông cháu. Đấy chính là hạnh phúc kiểu mẫu mà chúng ta “nên” làm theo. Nếu bạn làm được hết điều đó, có nghĩa là bạn có thể hạnh phúc rồi đấy.
Định nghĩa hạnh phúc của Tâm lý học tích cực (nghe tên có vẻ kỳ, nhưng đây là ngành nghiên cứu nhằm tìm ra những niềm hạnh phúc mới), lại hoàn toàn khác với hạnh phúc mà bạn “nên” theo đuổi ở trên. Trong số các nhà nghiên cứu theo trường phái này, Sonia Ryu Bomi ASCII đã nhận định rằng: Hạnh phúc của con người được quyết định 50% bởi di truyền, 10% bởi môi trường và 40% còn lại do hành động hằng ngày. 10% môi trường này không chỉ là nơi ở mà còn bao gồm các yếu tố: giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau ốm, chưa kết hôn hay đã kết hôn…
Và khi so sánh với quan niệm hạnh phúc thông thường mà mọi người vẫn nghĩ, dường như hạnh phúc được tạo thành từ 90% môi trường và 10% di truyền mà thôi. Nếu nói như vậy thì bất cứ ai chỉ cần trúng sổ số, có nhiều tiền là đã hạnh phúc rồi. Hoặc cũng có thể kết cấu đó là 90% di truyền và 10% còn lại là môi trường. Nếu như vậy thì chỉ cần bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, vẻ ngoài xinh đẹp là kiểu gì 10% còn lại cũng sẽ nằm trong tay bạn thôi.
Hạnh phúc được quyết định bởi 50% di truyền
50% di truyền này không đơn thuần là vẻ bề ngoài, thần kinh vận động hay trí thông minh, mà theo một nghiên cứu về hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng được nuôi dạy ở hai môi trường khác nhau, người ta nhận ra rằng con người có “điểm chuẩn của hạnh phúc”. Điểm chuẩn này cũng giống như giới hạn chuẩn về cân nặng của mỗi người vậy, chúng ta ăn kiêng, giảm cân để cân nặng trở về mức chuẩn. Cũng tương tự như vậy, dù có trải qua việc vui đến đâu hay phải chịu những ngày tháng buồn khổ đến mức nào, hạnh phúc của một người sẽ tự động quay lại điểm chuẩn hạnh phúc của người đó.
Trong cấu tạo của hạnh phúc có 50% là do di truyền. Sự di truyền này khác với kiểu di truyền giúp bạn từ khi sinh ra đã đẹp trai, xinh gái, hay gu thời trang tốt hay kém, thông minh hay không thông minh…
Ngay từ bé đã có những đứa trẻ có cá tính riêng, có những bé luôn giữ nụ cười trên môi. Những đứa trẻ này có thể bắt chước điệu cười từ một ai đó hoặc có thể là chúng cho rằng cười là hạnh phúc nên lúc nào cũng cười. Có những người từ khi sinh ra đã luôn tươi cười. Cũng có những người luôn tích cực, lạc quan dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Điều này thường khi còn nhỏ như thế nào thì lớn lên vẫn giữ nguyên như vậy. Quả thực trên thế giới này, có người được thừa hưởng hạnh phúc do di truyền.
Môi trường chỉ ảnh hưởng 10%
Tại sao môi trường chỉ ảnh hưởng 10% đến hạnh phúc của chúng ta? Người ta cho rằng trường hợp có thể đảm bảo sự an toàn, ăn uống, chỗ ngủ của bản thân ở mức tối thiểu cũng đã may mắn hơn rất nhiều so với người không làm được điều đó. Đây đều là những hạnh phúc mua được bằng tiền. Và những yếu tố sau đây cũng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến hạnh phúc của chúng ta. Đó là: thu nhập, công việc, nhà ở, kết hôn hay không, có con hay không… Vậy tại sao “môi trường”, vốn được cho là ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc, lại chỉ chiếm có 10% mà thôi. Bạn có thấy điều này vô lý?
Dù bạn nhiều tiền đến đâu, hay bạn nghèo đến mức nào, dù bạn sống trong một lâu đài xa hoa ở phía nam, hay sống trong căn phòng có diện tích 4,5 chiếu tatami ở những vùng lạnh giá thì tất cả điều đó chỉ chiếm 10% hạnh phúc của bạn. Bởi chúng ta có thể quen với tất cả những điều kiện đó. Trước khi sống trong dinh thự xa hoa, bạn chỉ có thể tưởng tượng ra được một ngày đầu tiên khi bắt đầu sống ở đấy. Còn cảm giác sau một tuần, một năm sau khi đã quen với dinh thự này rồi thì bạn không thể nào tưởng tượng nổi. Bởi vậy nên mới nói, môi trường chỉ chiếm 10% mà thôi.
Số đen, số đỏ, đều chỉ là thói quen
Con người chúng ta có thể làm quen và vượt qua mọi kích thích dù đó là thành công lớn trong cuộc đời hay là thất bại ê chề hủy hoại sự nghiệp. Điều này đã được chứng minh qua kết quả của các cuộc điều tra liên quan đến hạnh phúc.
Thời gian đầu, chúng ta sẽ cảm thấy “kích thích” do sự “khác biệt” từ những việc này mang lại. Khi trúng sổ xố, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Khi bạn mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất đi người bạn yêu thương, bạn sẽ thấy đau khổ đến mức cuộc sống của bạn chỉ còn toàn bất hạnh mà thôi. Nhưng nếu nhìn từ vị trí của người khác, thì những niềm vui hay nỗi buồn này cũng chỉ là những kinh nghiệm tất yếu mà bất cứ ai cũng sẽ trải qua khi trưởng thành, và chúng ta sẽ quen với nó nhanh hơn chúng ta tưởng tượng.
Tốt nghiệp một trường học danh giá, làm việc trong một công ty tốt, kết hôn, có con, mua nhà, tiết kiệm tiền cho lúc tuổi già, chăm cháu… Đây chính là hạnh phúc kiểu mẫu của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta đạt được một mức độ nào đó, chúng ta sẽ dần quen với trạng thái này và nó không còn khiến ta cảm thấy hạnh phúc nữa.
Thế nên, chúng ta có thể thay đổi mọi thứ bằng 40% còn lại. 40% từ hành động của chính chúng ta. Đây là con số đáng tin cậy đúng không nào. Nếu nói tác động của hành động đến hạnh phúc chỉ là 10% thì chúng ta chẳng có chút động lực làm việc nào cả, thay vào đó thà ở nhà ngủ còn hơn. Ngược lại, nếu nói con số này là 90% thì kết quả này thực chẳng đáng tin chút nào. 40% vừa đủ để khơi dậy động lực cố gắng trong mỗi chúng ta.
Bạn không thể “trở nên hạnh phúc”
Trước đây, có người nói với tôi rằng: Sau này chỉ cần được như bọn trẻ là tôi đã hạnh phúc rồi. Có lẽ hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Hay nói cách khác, chỉ cần đạt được điều kiện gì đó là chúng ta “có thể trở nên hạnh phúc”.
Ví dụ, chỉ cần bạn đặt chân lên đỉnh núi mang tên “hạnh phúc” thì hạnh phúc của quãng thời gian sau này của bạn sẽ được đảm bảo. Hoặc cũng giống như một cuộc đua marathon, khi bạn về đích, chạy qua sợi dây băng cán đích là bạn có thể nhận được tấm huy chương hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng hạnh phúc không phải là đỉnh núi hay đích đến của cuộc đua.
Bởi vậy bạn không thể “trở nên hạnh phúc”. Dù là hạnh phúc đến trong tích tắc đi nữa rồi bạn cũng sẽ quen với nó và nó dần trở thành một phần hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Nếu bạn trúng sổ xố toto Big 600 triệu yên thì bạn quả là một người may mắn. Bạn có thể bỏ công việc nhàm chán hiện tại, xóa tan mọi lo lắng trong tương lai và sống thoải mái theo những gì bạn muốn. Lúc đó, có lẽ cuộc đời bạn sẽ thực sự “sang trang mới”.
Tuy nhiên, một lần nữa tôi lại nói lại rằng, trước lúc trúng 600 triệu yên, chẳng có ai tưởng tượng được cảm giác của một năm sau khi trúng giải. Khi đó, anh ta đã quen với cuộc sống “được sang trang mới” rồi. Điều này cũng giống như một người muốn có con, luôn nghĩ thứ mình thiếu bây giờ chỉ là đứa con thôi, sẽ chẳng tưởng tượng được ba năm sau anh ta có con sẽ như thế nào.
Hạnh phúc không phải là trạng thái mà bạn có thể “trở nên” như vậy. Hạnh phúc cũng không phải là một phần thưởng khi bạn có thể bắt chước theo đúng những kiểu mẫu có sẵn.
Không phải là trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc
Bạn không thể trở nên hạnh phúc, theo tôi, hạnh phúc chỉ là cảm nhận của bạn tại thời điểm đó thôi. Chỉ có những cảm nhận tức thời đó mới là hạnh phúc. Và thời điểm mà chúng ta trải nghiệm hạnh phúc cũng chỉ là thời điểm “hiện tại” mà thôi.
Nếu ngay cả hạnh phúc trong “hiện tại” cũng không cảm nhận được thì ngày mai, ngày kia hay một năm sau người đó cũng không cảm nhận được. Nếu có một ngày, thời điểm ngày mai, ngày kia hay một năm sau đến thì lúc đó nó cũng biến thành “hiện tại” rồi. Nói cách khác, chúng ta luôn có thể cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” bất cứ lúc nào.
Hạnh phúc là bản tự đánh giá bản thân
Trong cuốn sách này, tôi đã giới thiệu rất nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến hạnh phúc. Vậy người ta đo hạnh phúc của con người bằng cách nào? Chuyện này rất đơn giản. Đó là hỏi trực tiếp người tham gia nghiên cứu. “Nếu nhìn rộng ra một chút, bạn có thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình không?” Nếu người đó cảm thấy hạnh phúc, trong não họ sẽ xuất hiện các hạt vật chất. Chỉ cần đo lượng vật chất này là có thể biết người đó có hạnh phúc hay không. Tuy nhiên, dù thời điểm đo có thể kiểm tra lượng vật chất này, nhưng lại không thể biết về lâu dài họ có hạnh phúc hay không. Chúng ta cũng không thể đo mãi trong suốt một đời người được. Chính vì vậy, hạnh phúc là thứ mà chỉ có bạn mới tự đánh giá được.
“Hạnh phúc là tùy thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân mình. Hạnh phúc không phải là vật ngoài thân mà nó nằm bên trong con người chúng ta. Hạnh phúc do trái tim ta quyết định…” Có rất nhiều danh ngôn nói về hạnh phúc và câu nào cũng là những triết lý đúng đắn. Bởi bản thân hạnh phúc vốn là thứ mà chỉ có bản thân mình mới đánh giá được. Dù người khác thấy họ vất vả, đau khổ thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu người đó nói rằng: Tôi thực sự rất hạnh phúc. Bản thân tôi thật may mắn. Tôi thật biết ơn hiện tại… thì có nghĩa họ đang cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là lý do vì sao “hành động” quyết định 40% hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải là thứ bạn có được sau khi đáp ứng một vài điều kiện.
Hạnh phúc chỉ là “cảm nhận” trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.
Hành động, yếu tố quyết định 40% hạnh phúc, đã thay đổi sau khi thành người sống tối giản
Tôi biết được điều này là nhờ giảm tối đa đồ đạc trong nhà. Có lẽ tôi đã biết cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” rồi. Nếu môi trường chỉ chi phối 10% hạnh phúc thì dù có là căn phòng chất đầy đồ đạc hay một căn phòng trống rỗng của người sống tối giản cũng chỉ tác động được 10% mà thôi. Tôi có thể cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” bởi tôi nhận ra sau khi cắt giảm đồ đạc, “hành động” chi phối 40% còn lại này cũng thay đổi.
Từ khi tiến hành giảm bớt đồ, hành động của tôi cũng bắt đầu thay đổi. Tôi trước đây, một người vốn rất thất vọng với bản thân vì không thể cố gắng đạt được hạnh phúc kiểu mẫu, một người chỉ chăm chăm nhìn vào những thứ mình chưa có, nay đã trở thành ngưới sống tối giản. Tôi cảm thấy sự thay đổi này cũng là một lẽ tất nhiên.
Mỗi ngày tôi sống vui vẻ, hạnh phúc hơn nhiều so với trước kia. Tôi vốn là một người hướng nội, ít nói cười. Thậm chí đến giờ tôi vẫn hay bị nói là người trầm tính, chẳng biết đang nghĩ gì hay giống như robot. Nhưng tôi biết, con người tôi đang bắt đầu thay đổi từng chút một.
Giờ đây, khi không có nhiều đồ đạc nữa, tôi có nhiều thời gian nhàn hạ hơn. Mỗi ngày tôi đều có thể tận hưởng cuộc sống và chỉ cần như vậy thôi là tôi đã cảm thấy thỏa mãn rồi. Không còn so sánh bản thân với người khác nên tôi cũng không có gì phải tự ti về bản thân mình nữa. Tôi cũng chẳng còn chú ý đến ánh mắt hay cách nghĩ của người khác nên làm gì cũng quyết đoán hơn. Khả năng tập trung của bản thân được tăng cao, tôi có thể hoàn thành tốt công việc và làm những gì mình thích. Tôi cũng quen với việc không khoe khoang hay xấu hổ về bất cứ điều gì, nên giờ tôi có thể mạnh dạn làm những gì mình muốn, ví dụ như xuất bản cuốn sách của mình vậy. Giờ đây, tôi chỉ tập trung cho hiện tại của chính mình, không còn dằn vặt vì quá khứ hay bất an vì tương lai.
Và quan trọng hơn cả là sau khi cắt giảm đồ đạc, tôi đã biết “cảm ơn”. Tôi muốn cảm ơn, trân trọng “hiện tại” của mình, và sau này, tôi vẫn muốn nhìn “hiện tại” một cách tích cực như thế.
Lối sống tối giản không phải là “mục đích” mà là “phương tiện”. Nhờ có lối sống này mà tôi đã nhận ra rất nhiều thứ quan trọng với bản thân. Nhưng tôi cũng thấy mọi người không bắt buộc phải trở thành người sống tối giản. Sau khi nhận ra những điều quan trọng đối với bản thân, nếu bạn có thể trân trọng chúng cho đến mãi về sau thì dù bạn có sắm thêm bao nhiêu đồ cũng không thành vấn đề. Tôi và anh Numahata cùng lập một trang web tên là Minimal & ism. Minimal & ism có nghĩa là phát hiện ra những điều quan trọng (ism) sau khi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu (minimal). Người sống tối giản là người biết “cắt giảm” mọi thứ vì những điều quan trọng với mình. Tôi nghĩ là mình đã giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu và đã tìm thấy những thứ quan trọng cho mình.
Và điều quan trọng mà tôi đã tìm ra đó chính là “con người”. “Con người” mà tôi muốn nói ở đây không chỉ là gia đình, bạn bè, người đẹp hay thiên tài. Mà đó là những người cùng ý kiến hay khác ý kiến với tôi. Những người mà tôi gặp trong ngày hôm nay chính là mục đích của tôi.
Chính những người ở hiện tại, những người đang ở ngay trước mắt tôi mới là mục đích của tôi.
Nhờ có lối sống tối giản, tôi đã trở thành người biết cảm ơn, trân trọng và đã trưởng thành hơn.
Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn tới anh Numahata Naoki, người cùng làm trang web với tôi. Nhờ có những bài viết của anh mà lần đầu tiên tôi biết đến từ “người sống tối giản”. Sau đó tôi đã bị nó hấp dẫn. Trong những ngày bàn luận nhiệt tình, sôi nổi với anh Numahata, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ muốn tạo nên một trang web cho những người sống tối giản. Tôi vẫn luôn cho rằng bản thân mình không phải là người có thể gửi gắm thông điệp gì cho cả thế giới, nhưng trong lúc viết blog, tôi lại thấy say mê với niềm vui mà nó mang lại, và cuối cùng tôi đã quyết định viết cuốn sách này. Một điều tuyệt vời là nhờ lối sống tối giản, tôi đã có những người bạn thân thiết nhất.
Hiện tại tôi đang là biên tập viên ở công ty Wanibooks. Khi tôi nói muốn xuất bản cuốn sách của mình, thì chỉ có Wanibooks đồng ý xuất bản. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ: Xuất bản cuốn sách của riêng mình? Cậu ta có điên không? Cậu ta sắp chết à? Đến bản thân tôi lúc đầu còn nghĩ như vậy nữa là. Nếu là một công ty lớn hơn, đông người hơn thì có lẽ tôi sẽ không thể nói lên nguyện vọng của mình.
Tiếp đến tôi xin gửi lời cảm ơn tới Giám đốc Yokochi, người đã cho phép tôi xuất bản cuốn sách này, Tổng biên tập Aoyagi, người đã giúp tôi trong việc biên tập cuốn sách ngoài kế hoạch này và cấp trên của tôi, Trưởng phòng Ippouji phòng biên tập ảnh. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp trong công ty đã giúp đỡ tôi trong suốt một năm qua, khi tôi hầu như chỉ dành thời gian cho cuốn sách này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Steve Jobs và Apple. Nhờ có iPhone và MacBook Air do Steve Jobs tạo ra, tôi đã vứt được rất nhiều đồ đạc trong nhà và có thể viết bản thảo ở bất cứ đâu. Tôi cũng cảm ơn Word của Microsoft đã giúp tôi viết nên cuốn sách này. Nhờ có ứng dụng Tree2, tôi có thể nắm bắt ý tưởng của mình và Dropbox giúp tôi lưu trữ bản thảo. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhà phát minh kỹ thuật số, nhờ có sản phẩm của các bạn mà tôi có thể hoàn thành cuốn sách một cách thuận tiện nhất.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến cửa hàng Jonathan’s ở Meguro, đặc biệt là cửa hàng Jonathan’s ở Fudomae, trong những lúc tôi không nghĩ ra ý tưởng, tôi đã ở lì trong quán của các bạn một thời gian dài. Lý do tôi chuyển đến Fudomae một nửa là vì có cửa hàng Jonathan’s ở đó. Tôi cũng rất cảm ơn thư viện trung tâm Tokyo. Thư viện này có khu vườn rất đẹp và hầu như ngày nào tôi cũng đến đây. Mỗi lần nhìn những chú vịt, chú rùa bơi trong ao của thư viện, tôi lại thấy mình bớt căng thẳng và tìm được nhiều cảm hứng.
Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã gặp được rất nhiều người sống tối giản khác. Trước đó, tôi đã tự hỏi mình rất nhiều lần là có nên viết sự thay đổi của riêng bản thân mình hay không. Nhưng lúc tôi gặp họ, mọi người đều rất thân thiện và sẵn sàng chia sẻ với tôi mọi thứ. Sau khi giảm bớt đồ đạc trong nhà, dường như ai cũng sống tích cực hơn và luôn hướng về phía trước. Tôi xin cảm ơn các bạn, những người đồng ý cho tôi lấy tư liệu để viết nên cuốn sách này. Mặc dù nội dung cuốn sách chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, nhưng bạn đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Bản thân tôi đã tự coi mình là bạn bè với mọi người, hi vọng lúc nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau. Đặc biệt là anh Hiji, tôi đã đến tham dự “buổi gặp gỡ của những người sống tối giản ở Tokyo” do anh tổ chức, và buổi gặp mặt này đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều.
Sau nữa, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà thiết kế Keito Kuwayama. Cuốn sách này có thể xuất bản kịp tiến độ là nhờ có anh Keito Kuwayama đã hoàn thành sớm việc thiết kế cuốn sách, công việc cần có cảm hứng rất nhiều. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn khá ngạc nhiên khi anh ấy có thể hoàn thành công việc nhanh đến thế. Thực sự cảm ơn anh rất nhiều.
Tiếp đến tôi xin gửi lời cảm ơn đến anh Murakami TakashiAkira, người đã giúp tôi biên tập cuốn sách này. Mặc dù bản thân tôi cũng là một biên tập nhưng ngay từ đầu tôi đã không định tự mình biên tập cuốn sách này. Và thật may là tôi đã quyết định như vậy. Nếu tôi làm một mình thì có lẽ đến giờ nó vẫn chỉ là một tập bản thảo dở dang mà thôi. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ: Nếu chỉ viết mỗi ý kiến của mình thì sẽ thế nào nhỉ? Một bản thảo như thế này thì liệu có truyền tải được hết nội dung cho tất cả mọi người không nhỉ? Và anh Murakami đã phải hai lần động viên tôi: Bản thảo này hay đấy chứ. Và kể cả với vai trò là biên tập viên, anh ấy cũng làm việc rất cẩn thận và chưa bao giờ để bản thảo của tôi bị chậm tiến độ cả. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn anh rất nhiều.
Tôi cũng xin cảm ơn bạn bè, gia đình, những người đã giúp tôi quảng bá cuốn sách này. Và tôi cũng hi vọng bạn sẽ nghe một vài lời tâm sự thật lòng của tôi. Tôi rất xin lỗi mọi người, tôi đã vứt hết toàn bộ những món quà mọi người tặng tôi rồi. Trước lúc vứt chúng đi, tôi đã chụp ảnh toàn bộ. Mỗi lần vứt một món nào đi, tôi đều nhớ đến cảm giác hạnh phúc lúc tôi nhận nó và thực sự tôi đã cảm ơn những món quà đó rất nhiều. Lúc nhận những món quà đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, sau khi vứt chúng đi, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Thực sự, cảm ơn mọi người rất nhiều.
Và tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các độc giả của tôi. Cảm ơn các bạn đã đọc cuốn sách này. Tôi sẽ rất vui nếu các bạn có thể rút ra được một điều gì đó trong cuốn sách này. Và tôi cũng nghĩ là trong cuốn sách này còn khá nhiều điều chưa tốt. Nếu các bạn nhận ra bất cứ điều gì, hãy cho tôi biết nhé. Bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng lắng nghe. Và nếu các bạn thích, tôi luôn hoan nghênh bạn đến với “ngôi nhà kiểu mẫu cho người sống tối giản” của tôi. Mặc dù ngôi nhà của tôi chỉ là một “phòng trà” mà thôi.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến người cha đã khuất và mẹ của tôi. Những gì tôi đã viết ra dù là điều nhỏ nhất thì đó cũng là những suy nghĩ rất tự do của tôi. Đây cũng là điều mà bố mẹ đã luôn dạy cho tôi từ nhỏ: không áp đặt bất cứ điều gì, hoàn toàn để chính mình tự thực hiện. Và thực sự, bố mẹ đã để cho tôi tự làm mọi điều.
Con xin cảm ơn bố mẹ.
Và thay cho lời kết của cuốn sách này, tôi xin trích một câu thơ của nhà thơ Rumi:
“Nhưng tôi sẽ im lặng và tôi mong bạn sẽ lên tiếng.”
Danh sách 55 quy tắc vứt bỏ
Trước hết hãy “vứt bỏ” suy nghĩ: “Không bỏ được”
Vứt bỏ là một kỹ thuật
Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”
Xác định lý do không thể vứt bỏ
Không có chuyện không vứt được, chỉ đơn giản là không thích mà thôi
Bộ nhớ, năng lượng và thời gian của chúng ta đều là những thứ có giới hạn
Hãy vứt bỏ ngay bây giờ. Vứt bỏ chính là khởi đầu cho mọi thứ
Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu
Đầu tiên hãy vứt từ những loại rác rõ ràng trước
Vứt những thứ có nhiều
Vứt những thứ đã không dùng trong một năm
Vứt những món đồ vốn chỉ sắm theo cách nhìn của người khác
Phân loại đồ dùng cần thiết và đồ dùng mong muốn
Chụp ảnh những món đồ mà bạn khó có thể vứt đi được
Chuyển những kỷ niệm thành dữ liệu sẽ giúp bạn dễ ôn lại kỷ niệm hơn
Anh đồ đạc, người bạn ở chung phòng, đến cả tiền nhà cũng không trả
Hãy bỏ ngay ý tưởng “dọn dẹp”, “sửa sang” đi
Hãy vứt cái tổ mang tên “dọn dẹp”
Giữ nguyên không gian chết trong nhà
Hãy vứt ý tưởng “một lúc nào đó” mà chẳng bao giờ đến
Hãy vứt một thời lưu luyến
Vứt những món đồ lãng quên
Đừng trở thành nhà sáng tạo khi vứt đồ.
Hãy bỏ ý tưởng “lấy lại vốn”
Vứt “hàng dự trữ”
Cảm nhận sự rung động của con tim
Tận dụng các cuộc bán đấu giá để giảm bớt đồ
Tận dụng các cuộc bán đấu giá để nhìn lại các món đồ
Dịch vụ bán đồ tại nhà
Đừng nghĩ mãi về “giá lúc mua”
Cửa hàng chính là “kho chứa đồ” trong nhà bạn
Phố phường chính là phòng khách nhà bạn
Hãy vứt những thứ mà bạn không hiểu rõ về nó
Hãy vứt những món đồ mà bạn không nghĩ là sẽ mua một lần nữa
Bạn có nhớ hết những món quà mà bạn đem tặng không?
Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã mất và cảm nhận
Vứt đồ đi, những thứ còn lại mới là quan trọng
Cắt đứt gốc phát sinh trong chuỗi gia tăng dụng cụ
Nếu bạn không định xây viện bảo tàng, hãy vứt những bộ sưu tập đi
Mượn những món đồ mà bất cứ ai cũng có
Cho thuê những thứ cho thuê được
Đăng những món đồ bạn đã vứt và ngôi nhà của bạn lên mạng xã hội
Nếu bạn bắt đầu từ con số không? Nếu bạn bị mất trộm? Nếu bạn chuyển nhà?
“Giả vờ” vứt thử
Vứt những món đồ có màu sắc kích thích mắt
Mua một cái, giảm một cái
“Hiệu quả Concorde”/ Biết thêm về chi phí chìm
Nhìn nhận thất bại ngay lập tức. Hãy coi đó là tiền học của bạn
Hãy coi những món đã mua là đồ đi thuê
Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí
Thời điểm mà bạn đắn đo liệu có vứt đi được không chính là lúc bạn có thể vứt nó đi
Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay về với bạn
Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm
Lãng phí thực ra chỉ là cảm giác của chính bạn
Vứt đi chính là nhớ mãi.
Danh sách bổ sung 15 quy tắc dành cho người muốn giảm bớt nhiều đồ hơn nữa
(Toa thuốc cho căn bệnh “muốn vứt đi”)
Hài lòng không phải là “số lượng” của đồ đạc
Đồng phục hóa quần áo hàng ngày
Ít đồ đạc thể hiện cá tính
Sau khi nghĩ năm lần, hãy vứt đi
Vứt thử để kiểm tra xem có thực sự cần thiết hay không
Một chút bất tiện cũng là thú vui
Vứt cả những món khiến con tim bạn rộn ràng
Dù bạn có đang khỏe mạnh, cũng hãy chuẩn bị trước mọi việc cho mình
Giảm bớt đồ đạc không có nghĩa là giảm bớt con người bạn
Thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng thông thường của đồ đạc
Đừng nghĩ nữa, hãy vứt thôi
Đừng quan trọng việc “nhất định phải có ít đồ”. Đừng chỉ trích người có nhiều đồ
Muốn vứt đồ, muốn giữ đồ đều là những bệnh giống nhau
Lối sống tối giản là phương tiện, là lời mở đầu
Tự mình suy nghĩ về lối sống tối giản.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top