Tang Gia
-Chị Diễm, tôi hiểu việc mất con gái khiến chị hết sức khổ tâm. Nhưng bên thanh tra đã kết luận đó là một vụ tai nạn. Tại sao chị lại nghĩ rằng Nhã bị giết?
Diễm bình tĩnh trở lại, cô ấy im lặng một hồi rất lâu rồi mới cất lời đáp.
-...Tôi cũng đã có mặt ở hồ bơi đó.
-Chị đã ở đó sao?
Ánh mắt chúng tôi giao nhau, nhìn thái độ của cô ấy không có vẻ gì là đang mất bình tĩnh như khi nãy.
-Có thể thầy không nhận ra, sau khi nghe tin báo từ nhà trường, tôi đã lái xe đến. Đội cấp cứu nói rằng con bé bị đuối nước trước học sinh kia một thời gian.
-Đúng là như vậy.
-Họ cũng nói thêm, con bé nhà tôi được thầy tìm thấy ở khoảng chính giữa hồ bơi trong khi học sinh kia chỉ bị rơi xuống ở ngay gần bờ. Thầy không thấy điều đó kì lạ sao?
Tôi im lặng suy nghĩ, những gì Diễm vừa thuật lại trùng khớp với những lời tôi đã nói với đội cấp cứu khi họ đến. Tuy nhiên, tôi đã bỏ sót những chi tiết này, nói đúng hơn là tôi đã không đề cập đến những chi tiết của vụ việc trong cuộc họp với bên thanh tra phòng giáo dục. Chưa kịp đáp lời, cô ấy lại tiếp tục.
-Thầy thử nghĩ xem. Nhã nhà tôi không biết bơi, tại sao nó lại bị chết đuối ở giữa hồ được nếu chỉ vì vô tình bị ngã xuống nước.
Như đã nhận ra điểm bất thường, tôi cảm thấy sự bối rối bên trong mình. Điều Diễm vừa nói quả thật là một tình tiết đầy mâu thuẫn.
-Vậy thì cây sào đó...
-Đến giờ thầy mới nhận ra sao? Đúng là thế. Cây sào đó, chính học sinh kia đã dùng nó để dìm con gái tôi xuống, đẩy con bé ra giữa hồ bơi. Đó chắc chắn là hành vi giết người.
Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, kì thực tôi không nghĩ mọi chuyện lại thành ra như lời mà Diễm nói. Tuy vậy, sau khi nghe được những lời vừa rồi từ cô ấy, dù không muốn tin nhưng tôi cũng đã ngờ ngợ ra phần nào.
-Tại sao trong cuộc họp của trường chị không nói gì cả?
-Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đã trình bày với ban giám hiệu, nhưng...họ muốn tôi giữ im lặng và đề xuất một khoản bồi thường.
-Chị đã nhận khoản bồi thường?
-Không đời nào? Làm sao tôi có thể chấp nhận cái chết oan uổng của con gái mình.
-Vậy chị đã trình báo công an chưa?
-...Tôi không thể trình báo được. Nếu làm vậy...chắc chắn nhà trường và gia đình học sinh kia sẽ không để tôi yên.
-Cho nên chị muốn tôi đứng lên đính chính lại vụ việc?
-Đúng vậy...chỉ có thầy...chỉ có thầy mới làm rõ được chân tướng vụ việc. Vậy nên xin thầy...
Diễm lại trở về trạng thái mất bình tĩnh như ban nãy, hai hàng nước mắt còn chưa kịp khô bỗng chợt ướt đẫm. Những lúc thấy cô ấy như thế này, tôi càng thêm khó xử.
-Được rồi, xin chị hãy bình tĩnh.
Suy nghĩ trong tôi mỗi lúc lại càng thêm hỗn độn. Tôi chưa từng có manh nha về vụ việc tại hồ bơi khi đó xảy ra do Thục Anh có ác ý hay gì cả. Bỗng chợt, Diễm nắm chặt lấy tay tôi. Có thể cảm nhận hơi nóng bừng bừng đang thấm vào da thịt từ hai bàn tay đang nắm chặt của cô ấy.
-Vậy...xin thầy giúp đỡ mẹ con tôi.
Không lâu sau khi trấn an Diễm khỏi nỗi đau buồn bỗng chợt bộc phát, tôi xin phép ra về. Khi bước qua lối đi dẫn ra ngoài cửa chính, tôi định hỏi cô ấy điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Tôi lấy xe trong bãi gửi rồi trở về nhà trong nỗi băn khoăn không ngớt.
*
Nỗi day dứt về sự lựa chọn ở hồ bơi khi đó còn chưa nguôi trong lòng, đến lúc này, trong tôi lại nhen nhóm lên một sự lựa chọn khác không kém phần khó xử. Thiều Nhã và Thục Anh, rốt cuộc ai mới là người mà tôi cần bảo vệ. Nếu vụ đuối nước chỉ đơn thuần là tai nạn, sự lựa chọn của tôi e là có thể chấp nhận được. Tuy vậy, sau khi ngồi lại cùng những lời Diễm nói khi ấy, giọng cô ấy còn đang văng vẳng bên tai. Trong tâm thức tôi, những lời van xin đầy ám ảnh của cô ấy vẫn không ngừng lặp đi lặp lại.
Thục Anh, em nữ sinh lớp tôi có thật đã dìm chết Thiều Nhã? Nếu thực sự là thế, vậy thì tôi đã cứu mạng nữ sinh giết người và thậm chí suốt bấy lâu nay còn bao che cho em ấy. Nhớ lại về Thục Anh tôi lại bất giác nghĩ đến gia đình em ấy. Tôi đã nhận quá nhiều quà cáp từ gia đình họ, nếu bây giờ tôi đứng lên đính chính lại mọi chuyện liệu làm vậy có phải lẽ không? Mặc dù họ gọi tôi là ân nhân nhưng tôi cảm thấy chính mình mới là người mắc nợ họ. Tôi không thể báo công an được, việc trình báo khi chẳng có căn cứ gì là quá khinh suất. Nhưng tôi không tài nào chối bỏ lời cầu xin của Diễm về cái chết oan uổng của con gái cô ấy. Càng suy nghĩ sâu hơn, trong tôi càng thêm phần khó xử. Lúc này, tôi chẳng khác nào đang bị mắc kẹt giữa một lằn ranh hư ảo.
Những lúc tâm trạng căng thẳng như thế này, tôi lại ngồi trước bể cá để tìm kiếm chút thư giãn.
Một hồi sau, tôi mới có thể thoát ra khỏi nỗi khổ tâm của riêng mình. Tôi nhận ra, điều cần thiết phải làm bây giờ là tự mình tìm ra sự thật.
*
Tuần học tiếp theo, quả thật Thục Anh đã tới lớp như lời mẹ em ấy nói. Tôi bắt đầu chú ý đến em ấy nhiều hơn. Thục Anh là một nữ sinh với vẻ ngoài thân thiện, cách hành xử của em ấy với mọi người cũng khiến họ cảm thấy thoải mái, dễ gần. Ở trong lớp em ấy là một nữ sinh thu hút mọi sự quan tâm từ những học sinh khác. Phong thái điềm nhiên toát lên vẻ thanh cao, đúng chuẩn hình mẫu một cô tiểu thư nhà giàu. Tuy vậy, sau vụ việc đó cho đến lúc này, dễ thấy Thục Anh đã trầm tính hơn nhiều. Có lẽ do ảnh hưởng tâm lý khiến em ấy chưa thể bình tâm trở lại như ngày trước. Thậm chí việc đi lại của Thục Anh vẫn còn khá khó khăn. Nhắc mới nhớ, khi bị trượt chân xuống hồ bơi khi đó, vùng lưng của em ấy đã bị đập mạnh vào thành bể gây tổn thương đến khớp xương ở cột sống. Suy đi tính lại, từ hôm em ấy trở lại lớp, nhìn tình cảnh của Thục Anh hiện giờ tôi vẫn chưa thể quyết định tiếp cận em ấy để hỏi chuyện.
*
Sau mỗi giờ học, thông thường luôn có một nhóm học sinh khoảng 3-4 người đứng đợi Thục Anh ở ngoài hành lang, chỗ cửa sau của lớp học. Theo những gì quan sát được thì đó là một nhóm học sinh tôi không quen mặt, chúng là những học sinh của lớp khác trong trường. Vài lần tôi thoáng lướt qua chúng, dựa vào hình thức bên ngoài cũng như cách nói chuyện có thể thấy đó là một nhóm học sinh có điều kiện cũng như có số má ở trong trường...
Tôi vừa giảng vừa viết bài lên bảng mà không sao bỏ được hoàn toàn những suy nghĩ về Thục Anh ra khỏi đầu. Bất chợt, có thứ gì đó vừa chạm vào lưng tôi nghe cái bộp. Một thứ gì đó tròn như quả bóng rơi lăn lóc xuống sàn ngay cạnh gót giày. Tôi giật mình ngoảnh lại phía sau. Dưới lớp học, toàn những gương mặt lạ lẫm. Phải rồi, hôm nay giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi đang dạy đây là cô Phương đã xin nghỉ vì chuyện gia đình. Thật tình cờ lớp của cô ấy lại chính là lớp mà Thiều Nhã từng theo học. Tôi ngơ ra đó vài giây, những học sinh bên dưới vẫn chăm chú chép bài, chẳng có dấu hiệu rằng ai đó vừa bày trò quậy phá. Dãy bàn phía trong cùng gần cửa sổ có một bàn học để trống. Chắc hẳn Thiều Nhã từng ngồi ở đó.
Đoạn không lâu, tôi chậm rãi nhìn xuống dưới sàn. Có một mảnh giấy viết bị vo tròn nằm ngay cạnh gót giày. Tôi phớt lờ mảnh giấy bất thường đang nằm ở đó, quay về phía mặt bảng và tiếp tục giảng bài. Lát sau, cứ cách một quãng, lại có một mảnh giấy vo tròn mà ai đó ném lên bục giảng. Tôi cũng chẳng lấy làm lạ gì, đó là trò quấy phá giáo viên mà đám học sinh vẫn hay làm. Có lúc tôi định làm lớn chuyện để hỏi cho ra lẽ nhưng nghĩ đến quyền lợi của học sinh, tôi đành thôi. Phải tỏ ra điềm nhiên như chẳng có chuyện gì dù trong lòng cố chịu đựng sự bức bối.
Nhưng tôi đã nhận ra, một vài trong số những học sinh ngồi dưới lớp chính là đám bạn mà Thục Anh thường giao du.
*
Sau khi về đến nhà, tôi cơm nước tắm giặt rồi trở vào phòng làm việc. Mở chiếc cặp ra, bên trong đó là một trong những mảnh giấy mà tôi đã nhặt lại sau khi kết thúc lớp học. Mảnh giấy vẫn còn nguyên trạng như lúc nó bị ném vào lưng tôi, tôi chưa thử đọc nó. Lấy nó ra khỏi cặp và duỗi phẳng, trên nó là những dòng chữ nguệch ngoạc "Thầy giáo qua lại với mẹ nữ sinh vừa mới mất...". Đọc thêm một đoạn không dài, tôi liền siết chặt mảnh giấy nhăn nhúm vào trong lòng bàn tay, ném thẳng nó vào thùng rác. Đó hoàn toàn là những lời lẽ mang tính xúc phạm nhắm vào tôi của đám học sinh trong lớp đó. Không lẽ chúng biết chuyện tôi và mẹ Thiều Nhã đã gặp gỡ nhau sau khi em ấy mất. Tuy vậy thì những lời được viết trong mảnh giấy thật quá cay độc...
Nhớ lại khuôn mặt đám học sinh có quen biết với Thục Anh đã xuất hiện ở trong lớp học đó, trong tâm thức, không hiểu tại sao tôi mặc định gán cho chúng chính là những kẻ đã ném những mảnh giấy đó vào người tôi. Sau một thoáng mất bình tĩnh, tôi quyết định không nghĩ thêm về chuyện này nữa. Dù sao cũng chỉ là một buổi dạy thay. Tôi thề sẽ không bao giờ trở lại lớp học đó.
*
Từ sau buổi dạy thay hôm ấy, tôi cảm nhận rõ sự đe dọa dù chỉ thoáng nhìn thấy đám học sinh đó, mỗi khi chúng đợi ở phía sau cửa lớp và cùng Thục Anh ra về. Nhờ đó mà tôi có thể hình dung phần nào mối liên hệ giữa Thục Anh và Thiều Nhã. Theo cách nghĩ của tôi, rất có thể hai em ấy và đám học sinh ngổ ngáo kia đã từng xảy ra vấn đề. Việc một học sinh trong lớp vừa mới mất không lâu mà chúng lại trưng ra thái độ nhởn nhơ như chẳng có chuyện gì, vẫn ngang nhiên bày trò quậy phá nhắm vào tôi và người mẹ của bạn học mới mất. Biết không chừng, thật sự có uẩn khúc nào đó đằng sau chuyện này.
-Nay thầy đi xe buýt ạ?
Tôi giật mình quay sang, lúc này đã tầm trời tối, ánh điện phía xa rọi vào mắt làm tôi bất chợt choáng váng. Tôi nheo mắt quan sát phía bên cạnh mình.
-Luân đấy à? Sao giờ này em còn ở đây?
-Em vừa ở lại trường một chút, không ngờ lại gặp thầy ở đây.
-Ừ... thầy để xe ở chỗ bảo dưỡng nên đành đi xe buýt về.
Vừa lúc đó tuyến xe buýt cập bến, tôi và Luân bước lên xe. Dường như đã quá giờ tan tầm, tôi để ý đồng hồ đeo tay, lúc này trên chuyến xe chỉ có lác đác vài người. Tôi đi theo luân như kiểu em ấy đang dẫn tôi theo vậy. Cũng đã khá lâu rồi tôi mới bước lên xe buýt, có lẽ là từ thời sinh viên. Hai thầy trò đi về phía đuôi xe, ngồi ở băng ghế ngay cạnh cửa xuống.
-Trông thầy dạo này mệt mỏi nhỉ?
Tôi chậm rãi nhìn sang Luân trong lúc chưa biết đáp lại ra sao. Thường ngày tôi vẫn gặp em ấy trên lớp học, tuy vậy đây là lần đầu tiên mà hai thầy trò ở riêng với nhau như này.
-Trông thầy mệt mỏi à...chắc là vậy.
Luân không tiếp lời. Em ấy cúi xuống dưới sàn, ngay dưới chân, chỗ em ấy đặt chiếc túi đeo. Sục sạo một hồi, Luân lấy ra thứ gì đó trong túi.
-Hình như là trò đùa của ai đó, nhưng em đoán là thầy đã đọc thứ này.
Thứ đang nằm trên tay Luân là một mảnh giấy được gấp lại, tuy vậy nhìn nó rất nhăn nhúm như thể đã từng bị vò nát. Tôi chợt nhận ra nó. Luân đưa nó cho tôi ngay khi tôi còn chưa kịp hình dung nốt nhưng suy nghĩ trong đầu.
Tôi nhận mảnh giấy từ tay Luân, mở nó ra đọc như thể điều đó là lẽ tất nhiên. Nội dung giống hệt với đoạn mà tôi đã từng đọc khi đó. Nhưng khác ở chỗ, lần này tôi đã đọc toàn bộ nội dung viết trên mảnh giấy.
-Sao em lại có mảnh giấy này?
-...Ngay khi nãy...em tình cờ nhìn thấy nó trong lúc trực nhật sau giờ học.
Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi tiếp tục.
-Tức là em nhặt được mảnh giấy này ở phòng học lớp mình?
-Đúng là vậy...việc đó có vấn đề gì hả thầy?
-...Ừ...không có gì đâu, như em nói đấy, chỉ là trò đùa thôi ấy mà...
Im lặng một hồi, khi còn đang băn khoăn về chuyện tại sao mảnh giấy được ném bởi học sinh ở lớp đó lại xuất hiện ở trong lớp học của tôi, bất chợt có một điều tôi muốn hỏi Luân ngay lúc này, điều mà từ lâu nay tôi vẫn còn thắc mắc nhưng chưa có cơ hội.
-Luân này, em với nữ sinh Thiều Nhã đó, hai đứa có quen biết phải không?
Phản ứng của Luân không tỏ vẻ gì là bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Có lẽ em ấy mang một bí mật nào đó về mối quan hệ với Thiều Nhã mà tôi chưa từng biết đến. Ánh mắt hai thầy trò giao nhau, nhìn Luân chẳng có chút dao động.
-Em có quen bạn ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top