Người Thầy

Tiết học đầu tiên của buổi chiều sắp bắt đầu. Chuông báo thức chuẩn bị reo lên thì tôi đã nhanh tay ngừng nó lại. Tôi định ngủ trưa một lát nhưng rốt cuộc lại không thể vào giấc.

Đêm qua là một đêm trắng đúng nghĩa. Ngay sau khi rời khỏi trung tâm bảo trợ xã hội, tôi liền bắt một chiếc taxi chạy qua đường theo chiều hướng về nội tỉnh.  Tôi không về nhà mà đi thẳng đến trường cho kịp tiết học bắt đầu vào lúc bảy rưỡi sáng. Chỉ ăn uống qua loa trong ít phút ngắn ngủi của giờ nghỉ trưa, tôi liền trở về văn phòng để tìm kiếm giấc ngủ. Tuy mệt mỏi là vậy, tôi vẫn còn đang thức cho đến tận bây giờ.

Tôi là giáo viên dạy môn toán học. Công việc thường ngày ở trường của tôi là soạn đề cương, giảng bài trên lớp cho học sinh rồi giao bài tập cho chúng làm. Ngày qua ngày, cũng đã được hơn mười năm nay, tôi vẫn theo đuổi nghề giáo suốt từ hồi tôi mới ra trường đến giờ. Nếu nói đây là một công việc nhàm chán thì cũng không hẳn. Được gặp gỡ các em học sinh, chia sẻ cho các em kiến thức mà mình có, đôi lúc là những hoạt động ngoài giờ lên lớp hay những lần đi dã ngoại mà nhà trường tổ chức, tôi tìm được niềm vui từ chính học sinh của mình. Chúng bước vào ngôi trường phổ thông khi còn là những đứa trẻ mới lớn và rời đi khi đã đủ trưởng thành. Là một phần trong quãng đời đẹp nhất của các em học sinh, tôi cảm thấy tự hào về trách nhiệm mà mình được phó thác. Tôi ở đây là một thầy giáo, và dĩ nhiên trước kia, tôi cũng từng là một học sinh giống như các em ấy. Bởi lẽ đó, tôi luôn trân trọng tất cả những học sinh của mình cũng như trân trọng nghề nhà giáo của bản thân.

Đôi lúc tôi tự hỏi mình có đang quá mềm mỏng với các em học sinh hay không? Nhưng nghĩ lại thì bản tính của tôi vốn ôn hòa, tôi không thể ép buộc bản thân mình phải tỏ ra thái quá trước bất kể một vấn đề gì dù lớn hay nhỏ. Chuyện có thể giúp đỡ tôi nhất định giúp đỡ. Chuyện bỏ qua được tôi vẫn chọn bỏ qua. Chuyện khó chấp nhận tôi vẫn chọn chấp nhận. Học sinh dù có ương ngạnh hay quậy phá đến đâu thì chúng vẫn những là học sinh của tôi. Tôi không thể bỏ mặc chúng được. Họ nói rằng giáo viên dạy toán thường thiên về lý trí hơn là cảm xúc. Hay rộng hơn đó cũng là câu nói ám chỉ bản tính của đàn ông. Tuy là vậy nhưng tôi biết rõ, tôi là người đặt nặng về mặt cảm xúc. Một thứ cảm xúc đã luôn chi phối tôi.

Thoát ra khỏi những vướng bận cuối cùng còn đang níu kéo lại bước chân. Tôi lặng lẽ bước vào trong phòng học lớp 12-1. Điều tôi sắp làm tới đây, chỉ đơn thuần là vì các em học sinh của mình.

*

"Mệnh đề đảo là gì?"

Tôi dùng phấn trắng vẽ một hình vuông thật lớn rồi viết một dòng chữ cạnh đó chiếm hầu hết phần diện tích còn lại trên nền tấm bảng đen.

Tôi nhìn xuống dưới lớp, các em học sinh đang ngơ ngác nhìn lên. Tôi vẫn im lặng.

Một lát sau, có giọng nói cất lên, một em học sinh đứng dậy thắc mắc.

-Đây có phải là bài học hôm nay đâu thầy.

Em ấy vừa dứt lời, lập tức xuất hiện những tiếng cười khúc khích xen lẫn tiếng rì rầm phát ra bên dưới lớp. Chẳng bận tâm gì thêm, tôi lẳng lặng lấy ra bao thuốc lá để trong túi áo. Cầm một điếu thuốc đặt trên môi rồi châm nó lên. Đám học sinh trong lớp thấy vậy ngơ ngác nhìn nhau. Có vài đứa vừa lén đưa điện thoại lên, có lẽ là để ghi hình lại hành động bất thường của tôi lúc này. Chúng xì xào thêm một hồi rồi im bặt. Cậu bé lớp trưởng cất giọng.

-Thưa thầy, không được hút thuốc ở trong lớp.

Tôi gườm mắt nhìn em ấy. Cộc cằn đáp lại.

-Tại sao?

Một vài đứa khác đồng thanh. Số còn lại thì nhìn tôi kiểu dè bỉu.

-Có bảng cấm hút thuốc đặt bên ngoài hành lang mà thầy.

-Đó là ở ngoài hành lang. Còn trong này đâu có cấm.

Vẻ mặt của chúng bắt đầu nhăn nhó. Biểu hiện khó chịu mỗi lúc lại lộ rõ hơn.

-Nhưng mà đây là trong lớp học đấy. Thầy đang bị làm sao vậy?

-Vậy các em nói xem, tôi phải hút thuốc ở đâu?

-Thầy có thể ra ngoài sân trường để hút.

-Nhưng ngoài đó cũng có bảng cấm đấy.

Đôi co một hồi, lúc này trông chúng có vẻ đã chán nản mà chẳng buồn nói gì thêm nữa. Tất cả sự bất mãn của chúng đang đổ dồn vào tôi. Tôi giơ đầu thuốc đang cháy đỏ trên tay lên trước mặt, chìa nó về phía trước để thu hút ánh nhìn từ chúng. Trở về với tông giọng bình thường, tôi đưa ra một câu hỏi.

-Nghe này...Các em đã bao giờ làm những điều bị cấm chưa?

-...

Cả lớp đang im lặng nhìn tôi. Vài đứa vừa rồi còn đang quay ngang quay ngửa bỗng chốc đã ngồi nghiêm chỉnh trở lại. Tôi tiếp tục gặng hỏi.

-Em nào có thể trả lời tôi được không?

Một học sinh ngồi ở dãy bàn cuối lớp đứng phắt dậy kèm một câu trả lời chớp nhoáng. Nó lập tức ngồi xuống khi còn chưa dứt lời.

-Chưa thầy ơi.

Tôi hờ hững đáp lại rồi đảo mắt nhìn xung quanh lớp học để tìm kiếm một cánh tay giơ lên.

-Thế à!...Tôi cần một câu trả lời là "Có". Em nào có thể xung phong được không?

Ngay lập tức, có một cánh tay vừa đưa lên. Tôi hướng ánh nhìn về vị trí của học sinh đó. Em ấy là Đình Luân.

-Có thưa thầy.

Việc có học sinh dám giơ tay nằm ngoài dự đoán của tôi từ ban đầu. Chăm chú nhìn em ấy vài giây. Tôi bèn tiếp tục.

-Bạn Luân, nói cho cả lớp biết về việc em đã làm dù cho điều đó có bị cấm.

-Em đã gian lận trong bài kiểm tra giữa kì.

Một câu trả lời rất dứt khoát. Nhìn ánh mắt em ấy hiện giờ, không có vẻ gì chỉ là một câu nói bông đùa.

-Tốt...Tại sao em làm vậy?

Thoáng chút ngập ngừng. Biểu lộ của Luân có phần hơi e ngại.

-Em...không muốn điểm thi lần này bị thấp hơn lần trước.

Lý do mà Luân đưa ra khiến tôi khá bất ngờ. Thì ra một học sinh giỏi cũng sẵn sàng gian lận để đạt điểm số cao. Xét riêng trường hợp của Luân thì lý do này thật khắc nghiệt.

-Vậy à...Điểm lần trước của em là tuyệt đối đúng không?

-Vâng...

-Lần đó em có gian lận không?

-Dạ không, thưa thầy.

-Được rồi. Hoanh nghênh em đã dám nói ra khuyết điểm của mình. Giờ em có thể ngồi xuống.

Quả là một cậu học trò bản lĩnh, tôi thầm nghĩ. Phải chăng có nguyên do nào đó đằng sau đã thúc ép em ấy phải gian lận? Kỳ vọng càng lớn thì tiêu chuẩn về điểm số càng cao. Có thể em ấy vẫn luôn bị chi phối bởi điều này.

Tôi tiếp tục hướng ánh nhìn xuống dưới lớp. Tất cả học sinh đã im lìm từ nãy đến giờ. Chỉ còn nghe thấy tiếng động ồn ào phát ra từ các lớp bên cạnh.

-Ngoài bạn Luân ra, còn em nào muốn thú nhận nữa không?

Đám học sinh cúi gằm mặt nhìn xuống bàn. Chúng né tránh ánh nhìn từ tôi. Với tình huống căng thẳng hiện giờ, có lẽ tôi không nên làm khó chúng thêm nữa. Tôi quay gót về phía bục giảng, dúi đầu thuốc đã cháy gần cạn vào chiếc ly uống nước đặt trên đó. Hắng giọng nói.

-Nếu không còn ai có ý kiến gì, chúng ta sẽ tiếp tục bài học.

Nhặt một viên phấn trắng được đặt trong khay, tôi viết lên bảng cái tên của một người. Chưa vội đề cập đến nó, ngay lúc này, tôi đang chỉ thước vào dòng chữ được viết từ khi tôi vừa mới bước vào lớp. Đó là một câu hỏi.

-Mệnh đề đảo là gì? Mời một em đứng dậy phát biểu định nghĩa này.

Già một phút trôi qua, không một học sinh nào chịu giơ tay. Có vẻ chúng còn đang chú ý đến cái tên mà tôi vừa mới ghi lên bảng. Tôi tiếp tục nói thêm.

-Đây không phải kiến thức mới. Khái niệm này các em đã được học ở lớp 10. Nếu không còn nhớ các em có thể trả lời theo cách hiểu của mình...Được rồi, vậy tôi sẽ gọi một bạn...Mời bạn Thục Anh.

*

-Em không nhớ.

Thục Anh đứng trơ ra đó, ánh nhìn lộ rõ vẻ cầm chừng.

-Em có thể nói theo cách mà em hiểu.

Ngập ngừng trong vài giây, câu trả lời của em ấy vẫn không thay đổi.

-Em...không hiểu nó là gì.

-Được rồi. Em ngồi xuống...Thầy sẽ giảng lại cho các em về lý thuyết này.

Cho mệnh đề "I suy ra II" thì mệnh đề "II suy ra I" được gọi là mệnh đề đảo của "I suy ra II". Mệnh đề I khi và chỉ khi II được gọi là mệnh đề tương đương. Khi đó, I và II có thể cùng đúng hoặc cùng sai. Xét tính đúng sai của mệnh đề đảo, khi mệnh đề "I suy ra II" là đúng thì chưa chắc mệnh đề đảo của nó là "II suy ra I" cũng là mệnh đề đúng.

-Nếu coi mệnh đề I là nguyên nhân và mệnh đề II là kết quả. Các em hiểu sự mâu thuẫn về tính đúng sai của mệnh đề đảo như thế nào?

Mặc dù vẫn đang tập trung nghe giảng, nhưng tuyệt nhiên, không thấy một ai đủ sẵn sàng để trả lời câu hỏi, có vẻ chúng cần thêm thời gian để suy nghĩ.

-Được rồi, để dễ hình dung, thầy sẽ lấy một ví dụ.

Vừa nói hết câu, tôi dùng phấn vẽ thêm một hình chữ nhật lên mặt bảng, ngay cạnh chỗ của hình vuông được vẽ sẵn từ trước đó. Sau khi đánh số cho độ dài các cạnh của mỗi hình, tôi quay xuống dưới lớp.

-Hình vuông này có hai cạnh kề cùng bằng 25 mét, còn hình nhữ nhật đây có hai cạnh kề lần lượt là 5 mét và 125 mét. Tính giúp thầy diện tích của mỗi hình.

Tiếng soàn soạt phát ra đồng loạt. Đám học sinh đứa nào đứa nấy lôi ra chiếc máy tính cầm tay và bắt đầu bấm số. Rất nhanh chóng, tất cả đều đã có kết quả.

-Diện tích cả hai hình đều bằng 625 thầy ơi.

-Chính xác...Vậy bây giờ, các em hãy coi hình chữ nhật này là một hình vuông có cạnh đều là 25 mét. Giờ thì diện tích của nó là bao nhiêu?

Vài học sinh ngồi bàn đầu đang nhìn vào hình chữ nhật, chúng đang cố hình dung nó thành một hình vuông tương tự như hình vuông tôi đã vẽ. Đoạn, có một nam sinh cất lời.

-Cũng là 625 thôi thầy.

-Cũng là 625...Điều đó có nghĩa là gì?

Ánh mắt em ấy chợt lóe lên như vừa nhớ lại phần kiến thức liên quan đến chủ đề này. Cậu bé nhanh nhảu phát biểu thêm.

-Tức là hai hình giống hệt nhau thì có diện tích bằng nhau.

Tôi vừa nói vừa chỉ thước trên mặt bảng về vị trí của hình chữ nhật vẫn còn đang nằm trên đó.

-Không sai. Vậy nếu ngược lại, hai hình có diện tích bằng nhau thì có giống hệt nhau không?

-...Không ạ.

Các học sinh trong lớp vừa nhốn nháo cả lên, tất cả đều khẳng định là "Không" cho câu hỏi này. Có vẻ chúng đã hiểu được phần lý thuyết tôi vừa giảng lại. Tôi chốt lại kiến thức thêm một lần nữa.

-Một mệnh đề đảo luôn tồn tại tính đúng sai. Nếu chúng ta suy xét nó cẩn thận thì đây chính là tính sai của một mệnh đề đảo.

Thấy tôi vừa dứt lời, một nam sinh khác ngồi ở gần chỗ tôi đứng, ngước mặt lên vẻ phân vân.

-Nhưng sao tự nhiên lại nhắc về bài cũ vậy thầy?

Tôi không ngoảnh nhìn về chỗ em ấy, vẫn đưa mắt bao quát xuống toàn lớp. Chậm rãi nói.

-Đây chỉ là phần mở đầu của bài học hôm nay. Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về cái tên này.

Tôi gõ thước vào vị trí mà đám học sinh vẫn đang chú ý quan sát từ nãy đến giờ.

-Đây là "Thiều Nhã", tên của em nữ sinh đã bị chết đuối tại hồ bơi. Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ về vụ này.

*

Cả lớp học bỗng chợt um xùm cả lên. Tiếng ồn hỗn tạp phát ra, tôi không nghe được chúng đang nói gì, chỉ biết tất cả đều bàn tán rôm rả. Rồi chúng nhìn lên trên bục giảng, thấy tôi đứng im lặng ở đó, từng đám bảo nhau giữ trật tự.

-Như các em đã biết, hai nữ sinh trong trường mình bị rơi xuống hồ bơi là Thục Anh và Thiều Nhã. Tôi sẽ đặt ra một giả thuyết. Không phải ngẫu nhiên mà hai bạn ấy bị đuối nước. Có một trong hai người này là nạn nhân của một vụ bắt nạt.

Những ánh mắt ở bên dưới đang hướng cả về chỗ ngồi của Thục Anh. Còn Thục Anh, em ấy đang trợn tròn mắt nhìn tôi. Không để bản thân bị phân tâm, tôi cứ vậy mà tiếp tục.

-Hình vuông này chính là mô phỏng của chiếc hồ bơi tại trường. Độ dài 25 mét tôi viết ở cạnh đây chính là kích thước thật của nó.

Ngắt nhịp một chút, tôi trở lại vấn đề.

-Khi tôi nhảy xuống để cứu Thục Anh, vị trí của em ấy ở ngay gần bờ. Còn Thiều Nhã, các em có biết vị trí của bạn ấy ở chỗ nào không?

Tôi không quay xuống lớp, tiếp tục dùng viên phấn đánh thêm một dấu "x" trên mặt bảng, đúng tại tâm của hình vuông. Dấu "x" vừa hiện lên trên đó, tôi mới chậm rãi quay đầu lại.

-Các em thử nghĩ xem, một người không biết bơi có thể nào tự nhiên mà lại chết đuối ở giữa hồ bơi hay không?

Tôi đánh mắt quan sát một lượt, nhìn trên gương mặt của từng học sinh một, nét mặt chúng đều có vẻ cầm chừng, như thể đang kìm nén lại sự phấn khích về một chủ đề quen thuộc vừa được nghe nhắc đến. Chỉ riêng Thục Anh, em ấy đang cúi gằm xuống. Áp lực từ mọi phía đang đổ dồn vào em ấy.

-Những ai tin đây là một vụ bắt nạt, hãy giơ cánh tay lên.

Vài giây sau, một loạt cánh tay đồng loạt đưa lên. Nhưng rất mau chóng, chúng nhìn nhau rồi rụt tay xuống để lại lác đác vài cánh tay còn giương cao.

-Những điều thầy vừa nói chỉ là giả thuyết, những ai đồng tình xin hãy tin vào lựa chọn của mình.

Cả lớp vẫn im bặt. Không còn thấy cánh tay nào đưa lên thêm nữa.

-Được rồi, các em còn lại bỏ tay xuống. Còn bạn lớp trưởng hãy đứng lên.

Cậu lớp trưởng của lớp này là Hải Vinh. Một trong những học sinh mà tôi tin tưởng nhất. Em ấy cũng là một trong số ít người đã kiên định giơ tay lên mà không hề rụt lại.

-Em đồng ý đây là một vụ bắt nạt ư?

-...Vâng, thưa thầy.

-Được rồi. Theo em thì ai là kẻ bắt nạt.

Hải Vinh chợt bối rối trước câu hỏi của tôi. Nét mặt xem ra còn đang dè chừng cho một câu trả lời.

-Chuyện này thì em không rõ...

-Vậy ai là người biết rõ. Em hãy nói cho thầy tên của người đó.

Cậu lớp trưởng đáp lại, tông giọng lần này đã lớn hơn.

-Em...Em không biết. Chẳng phải chính thầy đã phát hiện ra hai bạn ấy sao? Thầy phải là người biết rõ nhất chứ.

Đợi Hải Vinh nói hết câu. Tôi nhìn thẳng vào mắt em ấy, từ tốn nói.

-Không đâu. Em đang hiểu lầm rồi. Đúng, tôi là người đầu tiên phát hiện cả hai nữ sinh này. Nhưng, tôi không phải người đầu tiên phát hiện ra vụ đuối nước.

Hai mí mắt em ấy chợt căng ra. Ngẫm nghĩ vài giây rồi tiếp lời.

-Ý thầy là...?

Tôi khẽ gật đầu. Đưa ra lời giải thích.

-Hiểu một cách chính xác nhé...Thiều Nhã đã rơi xuống hồ bơi trước Thục Anh một khoảng thời gian.

Hải Vinh lập tức nói chèn vào khi tôi còn chưa dứt lời. Thái độ quả quyết.

-Vậy tức là trước khi thầy đến, người phát hiện ra Thiều Nhã là...

Em ấy chợt khựng lại, thấy vậy tôi gặng hỏi.

-Cứ nói tiếp đi, là ai?

Thoáng chút rụt rè, giọng nói của Hải Vinh dần nhỏ lại.

-Là...Thục Anh ạ.

-Tôi hiểu rồi...Em ngồi xuống đi.

Ngay lúc này, ánh mắt của tất thảy hơn ba mươi con người ngồi trong phòng đều đang chĩa vào Thục Anh. Đã đến lúc tôi phải tìm ra đáp án cuối cùng.

-Thục Anh...em có thể cho thầy hỏi được không?

Thục Anh vẫn cứ lầm lì ngồi ở đó. Xung quanh như có một sợi dây vô hình đang trói chặt em ấy lại. Tuyệt nhiên không nhúc nhích.

-Không cần phải đứng dậy đâu. Thầy biết cái lưng của em vẫn còn đau. Em có thể ngồi đó và trả lời.

Tôi chờ đợi. Chờ đợi đến cùng. Cho đến khi em ấy chịu cất lời.

-...Đúng...Em đã phát hiện ra bạn ấy.

-Thầy biết. Điều thầy muốn hỏi em là...ai là kẻ bắt nạt?

-...

-Đừng căng thẳng...Nghe này...Thầy tin em là người đã cố gắng cứu Thiều Nhã ngay khi phát hiện bạn ấy bị đuối nước. Nhưng sự thật là em đã ở đó trước thầy. Em có biết ai là kẻ đã bắt nạt Thiều Nhã không?

Dứt lời, tôi không nói gì thêm. Rơi vào khoảng không gian tĩnh lặng đang bao trùm lên cả lớp học. Không khí trong đây bí bách đến nghẹt thở.

Thục Anh sẽ nói ra gì đó hay em ấy sẽ tiếp tục giữ im lặng? Tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Một đáp án mà chỉ duy nhất em ấy có thể giải được.

Sau tất cả sự yên tĩnh cuối cùng. Một hành động đang xảy ra như làm nổ tung quả bóng hơi đã chịu đủ khí nén. Thục Anh vùng dậy. Ôm mặt và sải bước vội vàng ra bên ngoài căn phòng.

"Không biết em ấy sẽ đi đâu nhỉ?"

Tiết học cũng vừa kịp kết thúc. Tôi lẳng lặng bước ra khỏi lớp. Để lại toàn bộ xấp bài tập tôi đã mang vào lúc đầu buổi ở trên bục giảng. Tưởng như mình có thể cứ như vậy mà rời đi, bỗng có giọng nói từ đằng sau níu bước chân tôi lại. Đó là Đình Luân.

-Thầy đi đâu vậy?

-Tôi đi hút thuốc. Đến một nơi không có bảng cấm.

Khuôn mặt Luân chợt dãn ra, em ấy nhìn tôi không rời mắt. Đám học sinh đang vây kín lại phía sau lưng em ấy cũng chăm chú nhìn tôi. Có đủ thứ sắc thái đang biểu lộ trên gương mặt của chúng.

-Còn bài giảng khi nãy về mệnh đề đảo. Thầy muốn nói điều gì thông qua nó?

-Tôi đã giảng bài xong rồi. Các em hãy tự ngẫm lại đi.

Tôi quay gót rồi tiếp tục bước đi. Tự vấn bản thân một câu hỏi trong đầu.

"Không biết tôi sẽ đi đâu nhỉ?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top