Lựa Chọn
Vài ngày sau, cuộc sống thường ngày của tôi đã trở lại như thường lệ. Công việc cuốn tôi vào guồng quay của nó.
Sau khi giờ học cuối ngày kết thúc, tôi thu dọn đồ đạc rồi đi về chỗ đậu xe. Khung cảnh ngày hôm đó vô tình lọt vào tầm mắt, cũng là chỗ đậu xe ở ngay đây bên cạnh nhà thể chất. Nhắc mới nhớ, từ hôm vụ đuối nước xảy ra đến giờ, hồ bơi vẫn đóng kín cửa. Học sinh trong trường phàn nàn về việc có học sinh chết đuối ở đây nên chúng đều không muốn tham gia các hoạt động thể chất liên quan đến bơi lội.
Nhớ lại thì ngay sau hôm báo đài trong thị trấn đưa tin về vụ chết đuối, hội phóng viên, nhà báo đổ dồn về đây để tác nghiệp. Đã dăm bảy lần, tôi đứng trước ống kính máy quay trả lời phỏng vấn về vụ việc. Tin tức được đăng lên mục tin học đường của các đài truyền hình trong tỉnh, rồi sau đó thanh tra của phòng giáo dục đã về trường để làm rõ vụ việc. Nhà trường xác nhận với bên thanh tra rằng em nữ sinh Thiều Nhã đã vô tình bị ngã xuống hồ bơi và có một em học sinh khác tên Thục Anh đã phát hiện và sử dụng cây sào để cứu hộ. Trong lúc cố gắng kéo Thiều Nhã lên bờ thì Thục Anh bị trượt chân nên ngã xuống hồ bơi. Sau đó thì một thầy giáo tên Lưu đã vào phòng và nhảy xuống hồ để đưa hai em lên bờ.
Tôi đã ở đó, trong cuộc họp của nhà trường với bên thanh tra để đưa ra kết luận cho vụ việc. Hai bên đều thống nhất và đưa ra kết luận cuối cùng. Sau cuộc họp đó, mọi chuyện đã lắng xuống rất nhanh cho đến ngày hôm nay.
*
Đã một tháng trôi qua, em nữ sinh Thục Anh vẫn chưa trở lại lớp. Còn nhớ lần cuối gặp mặt, em ấy vẫn còn ở trong bệnh viện. Tuy cơ thể đã hồi phục hoàn toàn nhưng kể từ vụ đó nghe nói em ấy đã gặp vấn đề về tâm lý. Thục Anh là học sinh lớp tôi chủ nhiệm, gia đình em ấy rất khá giả, cha em ấy là chủ một doanh nghiệp lớn của tỉnh còn mẹ thì là chủ tịch hội phụ huynh của trường. Khi biết tin tôi là người đã cứu em ấy, gia đình họ rất lấy làm biết ơn. Mẹ Thục Anh thường xuyên gọi điện hỏi thăm tôi, thi thoảng vẫn cho người đến biếu xén quà cáp. Vài lần tôi từ chối, nhưng họ vẫn quan tâm chu đáo quá mức nên thành ra cũng đành nhận cho họ vui lòng.
*
Hôm nay là ngày nghỉ, trông ra bên ngoài qua ô cửa sổ, mặt trời đã nhô đến lưng chừng những tòa nhà cao ốc. Vào những ngày cuối tuần như thế này, tôi thường hay dậy muộn hơn các ngày thường. Đã vài năm trở lại đây, tôi vẫn giữ một thói quen đều đặn mỗi buổi sáng, ngay sau khi thức dậy. Ngồi tựa lưng trên chiếc ghế bập bênh, nhâm nhi một tách cà phê nóng và ngắm nhìn đàn cá cảnh bơi trong bể kính.
Tôi nuôi cá từ khi còn nhỏ, có lẽ tôi bị ảnh hưởng thú chơi này từ người cha của mình. Ông thích nuôi những dòng cá vàng kiểu Nhật, loài có những khối u nhọt nổi trên đầu, trông khá ngộ nghĩnh. Loài cá đó bơi rất chậm chạp vì vây và tay bơi quá ngắn so với thân hình mập mạp của nó. Cũng vì vẻ lù đù ấy mà nó thường bị các loài cá khác gây gổ. Mỗi người chơi cá cảnh đều có những dòng cá yêu thích của riêng mình. Cá nhân tôi thì ưa chuộng những loài cá nhanh nhẹn, bơi thành đàn và có thể chung sống cùng nhau. Trước đây, khi còn dạy học ở quê nhà, tôi sống cùng gia đình nên vẫn thường chăm sóc bể cá cảnh giúp cha. Sau khi chuyển công tác lên tỉnh, tôi dọn đến căn hộ đang ở hiện giờ. Nghe có vẻ khôi hài, nhớ lại thì ngày mà tôi chuyển đến đây, đồ nội thất đầu tiên mà tôi mua mới lại chính là chiếc bể cá này. Từ xưa đến nay người ta vẫn thường nói "Nuôi cá dưỡng tâm". Với tôi thì câu nói này cũng giống như những định lý trong toán học.
Sau khi cho cá ăn, tôi sửa soạn để chuẩn bị ra ngoài.
*
Giải quyết xong việc riêng, lúc này tôi đang trên đường lái xe đến nhà Thục Anh để thăm hỏi thì nhận được một cuộc điện thoại từ mẹ em ấy nói rằng gia đình họ đang đi du lịch ở vùng ngoại ô. Tâm trạng của Thục Anh đã phấn chấn hơn, nghe mẹ em ấy bảo rằng, sang tuần Thục Anh sẽ đi học trở lại. Vậy là tốt rồi, nhưng dù sao em ấy cũng đã nghỉ học khá lâu, từ giờ có lẽ tôi phải để tâm đến Thục Anh nhiều hơn.
Tôi quay đầu xe định trở về nhà thì bắt gặp một chiếc xe van đang đậu bên đường. Một người phụ nữ trẻ vừa mở cửa xe bước xuống. Tôi tiến lại gần hơn để xem xét tình hình. Thấy người phụ nữ đó đang lúi húi trước mui xe, tôi có phần ngờ ngợ. Thật tình cờ, đó chính là mẹ của Thiều Nhã.
-Ô...chị Diễm phải không?
-À vâng...anh là...à thầy Lưu, thầy đi đâu thế này?
-...Tôi đang đi ngang qua thì thấy chị. Xe có vấn đề gì vậy?
Trông dáng vẻ loay hoay, tuy mỉm cười nhưng hàng lông mày của cô ấy đang nhíu lại.
-Tôi vừa đậu xe ở đây để vào chợ mua đồ, lúc lên xe thì không khởi động được.
Tôi quan sát xung quanh thân xe. Hình thức xe còn khá mới. Bên cạnh đó, trông lớp sơn bóng mịn rất sạch sẽ, cứ như vừa mới chuyển bánh ra khỏi bãi rửa xe. Tôi tò mò không biết chiếc xe van này đang gặp trục trặc gì, có lẽ phải vào thử buồng lái xem sao.
-Phiền chị nhé, để tôi vào kiểm tra thử.
Một thoáng ngập ngừng. Diễm quay sang nhìn tôi, khẽ gật đầu.
-Dạ vâng...vậy nhờ thầy giúp.
Tôi nghiêng người ngó vào trong buồng lái. Phía sau thùng xe có khá nhiều hộp bìa các-tông đang xếp trồng lên nhau nhưng có vẻ trọng lượng của chúng đều khá nhẹ. Dù vậy, tôi có cố điều chỉnh cần số rồi dậm chân ga thế nào, chiếc xe chỉ nhích được một chút thì động cơ lại bị ngắt. Lát sau, loay hoay thêm một hồi mà buồng máy vẫn không chịu khởi động lại. Tôi nhoài người ra bên ngoài rồi đóng cửa xe.
-Xe chị bị chết máy rồi...Tôi biết gần đây có một ga-ra sửa xe, để tôi gọi cứu hộ giúp chị.
-Chết máy ạ?...Vậy nhờ thầy giúp tôi.
Trong lúc lấy chiếc điện thoại ra rồi tìm số đội xe kéo, tôi bèn hỏi chuyện chị Diễm cho bầu không khí đỡ trống trải.
-À...Hỏi không phải...chiếc xe van này là của chị à?
-Vâng.
-Ra vậy. Không phải xe của công ty là được. Giờ tôi gọi cứu hộ ngay đây...
Đã tìm được số máy, tôi bấm phím gọi rồi đưa điện thoại áp lên tai. Đoạn nhạc đang phát ra mất khá nhiều thời gian.
-Chị kinh doanh mặt hàng gì à?
-Ý thầy là?
-Vừa rồi ở trên xe tôi thấy có mấy thùng hàng.
-À vâng. Tôi làm môi giới cho một công ty dược phẩm.
-Ra vậy...À, họ bắt máy rồi...
Đầu dây bên kia là phòng quản lý của công ty cứu hộ đường bộ. Sau khi giao hẹn địa điểm với họ, tôi cùng Diễm nán lại ở một quán cà phê gần đó.
*
Hôm nay là ngày nghỉ nên đường xá cũng vắng vẻ, rất nhanh chóng, đội cứu hộ đã tới và để kéo chiếc xe van theo sau. Tôi mời Diễm lên chiếc xe của mình, chạy lên trước để dẫn đội cứu hộ về phía ga-ra xe hơi. Trông Diễm lúc này đang khá sốt ruột.
-Chị có bận đi đâu thì cứ lấy xe tôi. Xe chị sửa xong tôi sẽ lái về giúp chị.
-À không...vậy thì phiền thầy quá. Sửa xe xong tôi sẽ tự lái về. Thầy cứ về trước đi.
-Nay là cuối tuần mà, tôi cũng không bận gì.
Đội xe kéo làm việc rất khẩn trương, thoáng chốc, chiếc xe van đã nằm yên vị trong khu bảo dưỡng. Tay chủ ga-ra xem xét tình hình máy móc một hồi, rồi tiến về chỗ chúng tôi đang đứng.
-Xe ngập nước nặng quá, máy chết lịm, chắc phải ngày mai mới sửa xong. Nay cuối tuần đội thợ nhà em nó về quê hết, tối nay mới có người làm được.
Nghe tay chủ nói vậy, Diễm thoáng chút chần chừ. Nét mặt lộ vẻ lo lắng, cô cất lời.
-Phải để mai à...anh cố gắng sửa giúp tôi trong hôm nay được không?
-Mai chị ạ, chị cứ yên tâm, sửa xong thì em báo anh nhà.
Hai người chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau chợt phì cười. Lúc này tay sửa xe mới biết mình vừa nói hớ.
*
Căn hộ của gia đình chị Diễm hiện lên qua kính chắn chiếc xe tôi cầm lái. Nói đúng hơn thì đó là một dãy nhà ba tầng với nhiều căn hộ được bố trí sát sạt nhau sử dụng chung một lối hành lang có cầu thang lên xuống. Trông nơi này cũng giống như những dãy nhà ở trường học vậy.
-Thầy cho tôi xuống đây được rồi.
Tôi từ từ đạp phanh cho xe dừng lại bên cạnh lối lên cầu thang bộ. Lúc Diễm mở cửa xe để bước ra ngoài tôi chợt để ý thấy những túi đồ nặng trĩu mà chị ấy xách trên tay. Nhìn nhãn hiệu in trên bao bì có thể thấy chúng đều là đồ mua từ siêu thị.
-Chị mua nhiều thức ăn nhỉ?
Diễm khẽ nâng những túi đồ trên tay lên, đưa mắt nhìn vào chúng rồi đáp lại.
-À vâng...đây là chút hoa quả. Tôi dùng để thắp hương cho con gái.
Đoán trước được Diễm sẽ trả lời như vậy, như được mở cờ trong bụng, tôi tiếp tục.
-Vậy à? Nhân tiện đang ở đây, tôi có thể vào nhà thắp cho em ấy nén nhang không?
Diễm ngập ngừng trong giây lát.
-Vậy cũng được, tôi xin phép lên nhà trước để dọn dẹp. Thầy đậu xe vào trong bãi gửi nhé, nhà tôi ở số 203.
*
Sau khi cất xe xong, tôi trở lại dãy nhà rồi đi lên tầng hai theo lối thang bộ. Vì chỉ có ba tầng nên tòa nhà cũng không lắp thang máy thì phải. Dựa theo lối kiến trúc cũng như màu sơn, có lẽ tòa nhà đã được xây dựng từ khá lâu năm và chưa từng có dấu hiệu tu sửa lại. Bước tới phòng có gắn bảng số 203, tôi đưa tay lên bấm chuông cửa.
-Mời thầy vào trong nhà!
-Vâng...làm phiền chị rồi.
Vừa bước qua khung cửa ra vào có một hương thơm thoảng thoảng chợt sực lên mũi. Một mùi hương làm tôi ngay lập tức bị ấn tượng. Nó trái ngược hoàn toàn với cảm nhận khi tôi bước chân về nhà mình sau mỗi ngày làm việc. Dọc theo lối đi dẫn vào trong phòng, có lẽ là phòng khách, có rất nhiều đồ đạc được xếp dọc hai bên tường, tuy vậy chúng được đặt rất ngăn nắp.
-Mời thầy.
Chị Diễm rót trà từ ấm vào một chiếc tách rồi đặt nó trước mặt tôi. Có lẽ chị ấy đã pha trà từ trước khi tôi vào nhà.
-Cảm ơn chị.
-Thầy cứ tự nhiên nhé. Tôi vào bếp sắp ít hoa quả.
-Vâng, chị cứ mặc tôi.
Căn bếp nằm ngay sát bức tường ngăn cách với lối đi vào từ cửa nhà. Ngồi từ chỗ phòng khách trông sang có thể thấy Diễm đang đang lúi húi trong gian bếp phía sau một quầy bàn nhỏ, có lẽ được trưng dụng làm bàn ăn. Căn hộ không rộng rãi lắm nhưng cũng không quá chật chội, phù hợp cho một hộ gia đình ít người. Tôi đưa tầm mắt của mình nhìn xung quanh căn phòng. Trước hết là bàn uống nước nằm ở giữa gian phòng với bộ ghế sô-pha được sắp xếp theo hình chữ L đặt bên cạnh chiếc cửa sổ hướng về phía sau dãy nhà. Trước mặt tôi đây là bàn đặt ti-vi và kế bên đó là một chiếc bàn thờ nhỏ có di ảnh của Thiều Nhã.
Bên trong nhà, đồ nội thất hầu như chỉ ở mức tối giản, không thấy có bày biện những vật dụng trang trí dườm dà nên cảm thấy rõ sự trống trải. Ngoại trừ những khung hình được gắn san sát nhau trên những bức tường. Đó đều là ảnh chụp gia đình chỉ có hai mẹ con, một vài tấm hình là ảnh chụp lúc Thiều Nhã còn nhỏ, một vài tấm là khi em ấy lớn hơn một chút, số còn lại có lẽ là những tấm hình chụp chỉ mới đây. Trong số những tấm hình treo trên tường, có một tấm làm tôi khá ấn tượng. Khoảnh khắc Thiều Nhã đứng cạnh mẹ em ấy, trên tay cầm một chiếc cúp và cả hai người đều cười rất tươi nhìn thẳng vào khung hình.
Từ trong gian bếp, Diễm mang ra một đĩa hoa quả được bài trí cẩn thận rồi đặt vào ban thờ. Cô ấy ngồi ngay ngắn trên tấm đệm chân, đốt nén nhang rồi chắp tay cầu nguyện. Đoạn không lâu, Diễm cúi tạ rồi đứng dậy.
-Mời thầy.
Tôi di chuyển về phía góc trong cùng của gian phòng, nhận lấy thẻ nhang mà Diễm đưa cho, đốt ba nén nhang rồi chắp tay khấn vái.
*
-Thật ngại quá, đến chơi mà không mang quà bánh gì, mong chị thứ lỗi.
-Thầy đừng khách sáo thế. Được thầy bớt chút thời gian đến thăm nhà thế này là tôi vui rồi.
-Mấy lần rồi tôi định đến thắp lễ cho cháu nhà đấy chứ, nhưng cũng không biết địa chỉ nên đành thôi. Tôi cứ mong chị gọi điện cho tôi ...
-Tôi sơ ý quá, đợt rồi tôi cũng bận nhiều việc, thầy chưa có số tôi phải không?
-Vâng, tôi định hỏi người phụ trách trong trường nhưng cũng ngại nên đành thôi. Hay là để tiện liên lạc, để tôi lưu số chị lại?
-Vâng, vậy cũng được.
Tôi lấy máy điện thoại ra khỏi túi, vừa nghe Diễm đọc số vừa ghi nó vào trong danh bạ.
-Ổn rồi. Có việc gì đột xuất như ngày vụ hỏng xe ban nãy chẳng hạn, cứ gọi cho tôi. Nếu có thể tôi sẽ giúp chị, cũng không phiền gì đâu.
-Vậy nhờ thầy ạ.
Diễm là mẹ đơn thân đã từ rất lâu, sau khi chồng cô ấy mất vì bệnh. Diễm đã một tay chăm sóc cho Thiều Nhã từ ngày bé đến khi trở thành một nữ sinh cấp 3. Cô ấy chia sẻ rằng, cũng không có ý định tái hôn vì chuyện con gái đã lớn nên nếu có một người cha dượng có lẽ con bé sẽ rất khó xử. Việc không có người chồng bên cạnh trong suốt quãng thời gian dài chắc hẳn khiến cô ấy thiếu vắng phần nào không khí của gia đình. Đến nay, người con gái duy nhất của Diễm cũng không còn, nỗi cô đơn lúc này mà cô ấy phải gánh chịu quả thật khó mà đong đếm được. Một người phụ nữ không còn gia đình liệu có tự xoay xở được mọi biến cố phát sinh trong đời sống thường ngày không? Dù mạnh mẽ đến đâu, tôi e là rất khó khăn nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của cô ấy.
Nếu nói là sống một mình thì bao năm nay tôi vẫn sống một mình. Nói đúng hơn thì tôi là người độc thân nên cuộc sống tự thân của tôi có thể cảm thấy sự tự do. Nhưng Diễm thì khác. Cô ấy không dễ để tái hôn với một người đàn ông bởi xã hội này vẫn luôn đặt quá nhiều định kiến vào người phụ nữ.
*
-Thầy...thầy ơi.
Tôi giật mình. Có lẽ vừa rồi trong đầu tôi nảy ra khá nhiều suy nghĩ nên có hơi mất tập trung.
-À...xin lỗi tôi lơ đễnh quá. Chị vừa nói gì ấy nhỉ?
-Nếu không phiền, tôi có chuyện này muốn nhờ thầy.
-Vâng chị cứ nói.
Diễm ngừng lại một chút. Trông nét mặt cô ấy đang rất nghiêm túc nên tôi cũng chấn chỉnh lại thái độ của mình.
-Nhã nhà tôi, không phải bị tai nạn đơn thuần. Con bé đã bị giết ở hồ bơi đó.
Tôi thất thần sau khi Diễm vừa nói dứt lời như không thể tin những gì mình vừa nghe được. Tôi cố gắng cử động khuôn mặt dường như đang méo mó.
-Bị...bị giết ư?
-Chắc chắn là như thế. Có lẽ thầy đang thấy sốc nhưng hãy tin tôi. Đứa giết con gái tôi chính là học sinh mà thầy đã cứu mạng.
-Là...Thục Anh?
-Đúng vậy...chính là nó.
Diễm khẳng định bằng thái độ quả quyết. Cảm xúc cô ấy bộc lộ ra lúc này thật sự rất khẩn thiết. Có lẽ đã cố kìm nén tuy nhiên hai dòng nước mắt đã trào ra từ bao giờ, ánh mắt của Diễm như van xin.
-Tôi xin thầy...làm ơn...cầu xin thầy hãy lấy lại công bằng cho con bé.
Nhìn khuôn mặt khổ sở của Diễm lúc này, bất chợt, trong tiềm thức tôi nghĩ về Thục Anh. Lý do nào cô ấy lại nghĩ con bé đã giết Thiều Nhã. Đó không phải chỉ là vụ tai nạn hay sao?
-Sao chị lại nghĩ...
-Nó...chính nó đã dìm con gái tôi xuống nước...
Diễm khóc oà lên như thể cảm xúc giữ kín bao lâu nay đang vỡ tung ra theo từng tiếng nấc nghẹn ngào.
Thiều Nhã và Thục Anh, hai em nữ sinh tôi đã đưa lên khỏi hồ bơi vào tối hôm đó. Nhìn vào di ảnh của Thiều Nhã trên bàn thờ ngay phía góc phòng ở kia, trong tôi bỗng xuất hiện một cảm giác đã từng xuất hiện trước đây. Cảm giác tôi cảm nhận được ngay lúc tôi phát hiện cả hai em ấy đang vùng vẫy dưới hồ bơi. Đó chính là sự lựa chọn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top