ba.
một ngày nắng nhạt màu nuốt trọn cái bỏng rát của mấy tuần ròng trước đó, gợn lên từ ngọn cỏ là cơn gió thốc như cuộn trôi mọi vết tích mùa hè giữa tôi và bác sĩ lewis. sắp trở thu, cũng có nghĩa rằng quỹ thời gian còn lại của chúng tôi chỉ đủ gói ghém trong hai tuần lễ. tôi bừng giấc trong nỗi trăn trở, nó phủ bóng lên tôi, như một điềm báo khiến tôi bất an, dẫu cho tôi vẫn hoài cố gắng gieo mầm hình ảnh mình vào tâm trí ông đi chăng nữa. có lẽ bởi vậy, dạo đây tôi dậy sớm hơn thường, rồi quen thói ở cạnh ông bất cứ khi nào được phép, thay vì lãng phí thời gian ít ỏi đó cho việc ngủ nghê hay những thứ vụn vặt khác.
hôm nay tôi và bác sĩ lewis đã lên kế hoạch cho một chuyến thăm nom trang trại ngụ tít ngoại ô của ông. cụ thể là vào một buổi nọ khi đang dùng trà chiều, ông ngỏ ý muốn rủ tôi cùng ủ một ít vang đỏ, bởi giống nho ông trồng đã vào mùa thu hoạch. đời nào tôi lại từ chối cơ chứ? thế là chúng tôi khởi hành ngay sau bữa ăn. ngồi trên chiếc xế bảnh choẹ mới cóng của ông bon bon trên xa lộ, bác sĩ lewis nhịp tay trên chiếc vô lăng da bọc, trông ông nhàn tản như không giữa hàng xe cộ kẹt cứng của ngày cuối tuần.
"có vẻ ta đã chọn phải ngày ai ai cũng đổ về ngoại ô hóng mát nhỉ." ông cảm thán trong khi kéo cửa kính bên cánh lái xuống, châm điếu thuốc rít vội một hơi. hoá ra ông chẳng nhẹ nhàng như vẻ bề ngoài, ông chỉ là một kẻ giỏi trong việc giấu giếm.
tôi ngã ra sau tựa đầu, mắt rong ruổi trên đầu thuốc tản hơi gác giữa hai ngón tay ông. vẻ phong trần lịch lãm thường nhật của bác sĩ lewis chẳng mất đi, dẫu cho ông khoác trên mình chiếc áo cộc tay mở cúc cùng mái đầu không sáp rủ ngẫu hứng. một nét đẹp chết người, tôi cho là vậy, vì niềm ưa thích nơi tôi đã hoá thành loài gặm nhấm, đang nhai ngấu ông như quả sồi trong cơn cồn cào.
"nó thế nào? thuốc lá ấy." tôi chỉ hỏi cho thoả thói tò mò, giống như cách ông buông lời giễu cợt về cái ùn tắc của xa lộ vậy.
"làm một hơi không?" ấy thế mà ông lại đáp tôi với một thái độ nhiệt thành. tôi bối rối trước lời mời mọc hấp dẫn, rồi cuối cùng vẫn nhận lấy điếu thuốc từ ông. thật ra tôi cũng đã từng thấy vài tên trạc tuổi mình phì phèo điếu thuốc sau sân bóng, nhưng để mà thử, thì vẫn là lần đầu đối với tôi.
tôi học theo ông, dúi đầu lọc vào miệng rít một hơi dài, cảm nhận được ụm khói trực trào nơi cuống họng rồi luồn lách sâu xuống phổi khiến tôi ho lên sặc sụa. bác sĩ lewis cười khoái trá, ông lấy lại điếu thuốc từ tôi, đặt môi hút hơi cuối trước khi dập tắt nó. yếu thì đừng ra gió, cậu bé. câu bông đùa của ông quyện theo khói thuốc, trôi tuốt khỏi không gian ngập ngụa tiếng còi xe inh ỏi.
chập chiều, cung đường dần thoáng đãng khi mắt tôi nhìn thấy mấy quả đồi trọc lốc phía xa xa, không gian giờ đây quá đỗi tĩnh lặng vì dường như đã trôi qua thì giờ mà ông có hứng ngồi lê đôi mách. gần như chán nản, bóng tối tụ sau mí mắt dần nặng trĩu, tôi lim dim trực ngủ trong cơn xóc nảy từ chiếc xe mang lại, bên tai tiếng radio được vặn nhỏ và điều hoà thì tăng lên, cơn buồn ngủ chộp được tôi ngay tức khắc. tới khi tôi mơ màng tỉnh giấc, chiếc xe đã dừng trước trang trại từ thưở nào.
"vừa lúc tôi định gọi cháu dậy. xóc lại tinh thần đi nào, ta sẽ phải hoạt động cơ chân nhiều đấy!" ông trở vào trong xe khi thân nhiệt còn ấm nồng dát nắng, bác sĩ lewis có vẻ vừa xuống để đẩy chiếc cổng gỗ gụ nặng trịch ngay trước mặt.
"hôm nay không có người trông coi sao?" tôi lơ mơ hỏi.
"tôi đề cao sự riêng tư của mình, vậy nên hôm nay họ được nghỉ phép." ông đạp chân ga dẫn tôi vào sâu trong trang trại, ngay khắc ấy, choán lấy tầm mắt tôi là vườn nho ôm trọn quả đồi dưới mặt trời đứng bóng.
chúng tôi đỗ xe và cuốc bộ tới một căn nhà nhỏ quét vôi trắng đơn sơ, dưới gốc olive thân xoắn vặn trồng ngay trước cửa, một thùng gỗ sồi chứa ắp những chùm nho chín mọng còn đẫm hơi sương đã nằm đó từ lâu. mỗi chúng đều căng đầy với lớp da đen lợt như viên chocolate hảo hạng dành cho những kẻ sành ăn, tôi mân mê thứ quả tròn trịa trên tay, mường tưởng khi chỉ vừa vùi nanh xuống, chúng gần như sẽ bục vỡ trong vòm miệng.
"đều là hàng tuyển đấy! tôi đã dặn họ chuẩn bị cho tươm tất trước khi ta ghé chơi." ông dợm bước tới với chiếc mũ rơm lục tìm trong cốp, rồi chụp nó lên đỉnh đầu tôi như một lẽ tất dĩ.
tôi ngước lên nhìn bác sĩ lewis đứng ngược sáng, len lỏi qua tán cây, ùa trên lưng, trên vai ông rát bỏng một màu nắng. và đôi mắt ông, đôi mắt hẹp dài tôi đã nắn nót nhiều lần trong cuốn nhật ký viết vội, đang đáp lại cơn bão lòng tôi bằng cái nhìn như ướm chảy vạn vật. thế là tôi vội lẩn ánh mắt đi để giấu nhẹm cái nhút nhát bị căng tức trong mình.
"ta sẽ làm gì với chúng thế?" tôi dặn lòng thôi tìm về mái tóc nâu rịn chút mồ hôi nơi phần da gáy nhạt màu ấy. bác sĩ lewis chẳng bảo gì, thay vào đó ông dẫn tôi đến chiếc bơm nước giếng ngoài trời. -trước hết ta cần rửa sạch chân mình đã- ông bảo vậy rồi dùng lực tay kéo cần gạt xối nước vào chân tôi.
sau khi đã đủ sạch sẽ để không mếch lòng ông, halston lewis bước đôi chân đắp dày những bó cơ của mình vào thùng nho trong sự ngỡ ngàng của tôi. tôi chỉ biết rằng chúng tôi sẽ cùng ủ rượu nho nhưng chưa nghĩ tới sẽ phải dùng cái cách nguyên thuỷ nhất để làm chúng. thấy tôi do dự, ông vươn bàn tay thô ráp ấp lấy ngón tay tôi buông ngang gấu áo, cái kiểu dịu êm tình tứ, ghém thêm một phần sức lực kéo tôi còn rũn rời bước lên mấy bước.
"đừng ngại ngần, mỗi trái nho đều được tôi chăm trồng trên phân bồ câu cùng nhớt của ốc sên. vả lại, ta đang dùng đôi bàn chân sạch sẽ để nghiền chúng thì nào có việc gì được chứ?"
ông chẳng cho tôi thời gian để làm đỏm mãi, bác sĩ lewis đặt tay sau hõm lưng tôi, như chạm lại như không, đẩy tôi rơi thẳng vào lời dẫn dụ bùi tai của ông. tôi đạp lên từng quả chín mọng, chúng tứa ra thứ nước đỏ sẫm len vào từng kẽ chân tôi ngay khi tôi yên vị. toàn thân tôi ngã gọn trong lòng bác sĩ lewis khi cả hai chen chúc trong cái thùng gỗ sồi bé tẹo, bàn tay lóng ngóng của tôi tì lên hai bả vai vững vàng của ông, cảm giác nghiền dưới chân là hổ đốn giữa xác và thịt nho nhơ nhác trong thứ rượu chưa ủ. chẳng ngoa nếu nói nhìn chúng không khác nào máu, tôi và ông như đang quấn quýt dưới bể tội lỗi, suy nghĩ này khiến huyết quản tôi sôi sục.
"đây là phương pháp tôi ưa nhất trong cả thảy cách lên men nho sao cho đúng điệu. cách thức này đậm chất thi vị, gang bàn chân mềm mại của con người sẽ không làm vỡ kết cấu của những hạt nho quý báu, chúng sẽ còn vẹn nguyên và để lại hậu hương dịu ngọt se chát như thành quả cho một buổi lao động miệt mài." có vẻ điều gì đó đã vô tình làm đẹp lòng ông, thành công khơi gợi trong ông cảm hứng tán gẫu.
tôi không đáp ông vì tâm trí tôi toàn bộ đều rơi vào đôi bàn chân hai đứa đang dậm chung chỗ, đây là cơ hội trời ban, để bàn chân tôi đi lạc lên trên mu bàn chân ông. cái chà nhẹ đầy ý tứ, chỉ vu vơ thôi và tôi mong ông hiểu là vậy, một lúc sau tôi rụt về vì ngượng, nhưng chỉ đôi ba giây như nghỉ giữa hiệp, rồi bàn chân tôi lại tìm kiếm bàn chân ông. lần này không giống trước nữa, bác sĩ lewis chẳng biết vô tình hay cố ý, ông đặt vòm bàn chân mình nằm lên chân tôi, rồi ấn xuống lúc mạnh lúc nhẹ, gần như mơn trớn từng ngón chân tôi bằng cái gót trơn nhẵn của mình. mặt tôi nóng ran hệt sắp chảy máu mũi, nếu thật vậy tôi sẽ đổ cho cái nắng hanh nóng đương phủ chụp lên cả hai. giữa cơn chuếnh choáng, tôi đánh liều gối trán lên tay mình còn gác trên vai ông, nhắm mắt sẵn sàng cho sự rời đi rất trí của bác sĩ lewis. nhưng không, có lẽ con tim ông đã chiến thắng khối óc, ông chọn để mặc cho tôi ỉ lại trong khi hai đứa vẫn vùi chân bỡn cợt dưới thùng rượu nho nhầy nhụa.
chỉ gần mười pound nho, chúng tôi mất hơn hai tiếng dưới cái oi ả để chắc chắn rằng mỗi trái nho đều được nghiền cho nát bấy. hoàn thành xong mẻ rượu chỉ đổ đầy một vại nhỏ, cặp đầu gối lẻo khoẻo của tôi run rẩy rồi phịch xuống trảng cỏ ngay sát bên, tôi gần như phát ốm khi nó thực sự bòn rút cả sức lực lẫn tinh thần tôi, bởi tôi luôn trong thế phải kìm lại cái tơ tưởng sẽ chết dở giữa vòng tay ông. bác sĩ lewis thì ngược lại, ông trông khoẻ khoắn và còn nhiều năng lượng lắm, hệt lão nông dân lành nghề với mớ việc xoàng xĩnh, hổ thẹn làm sao khi trông tôi còn giống đã quá lứa hơn cả ông trong mấy hoạt động cơ bắp này. sau khi đưa bình rượu quý vào hầm ủ, chúng tôi trở về thị trấn lúc trời đã chập choạng tối, mặt trời trượt dài xuống triền đồi và ngày cuối tuần lịm dần trên lối cũ.
hè năm sau tôi muốn cùng cháu khui chai vang ấy - giọng ông gõ bên tai khi tôi còn đang chìm trong niềm tiếc nuối lửng lơ, thanh âm đượm đà ngụp lặn giữa ca khúc vang đều đều trên radio, khiến tôi chẳng phân biệt được rằng trước mắt tôi là hư hay thực. chú nhớ đấy nhé - tôi đáp lời, choáng váng trước đôi mắt chân thật trong một thoáng ông quay sang nhìn. bỗng suy nghĩ tai hại nảy ra trong tâm trí tôi, rằng có lẽ, ông cũng mến tôi nhiều như tôi vậy.
chiếc chevy đen bóng dừng lại trong sân vườn, vừa kịp bữa tối, thế nhưng tôi và bác sĩ lewis không xuống xe ngay mà nấn ná lại thêm một lúc. chúng tôi dường như đã quá mỏi mệt sau chuyến du ngoạn vừa rồi, và cả một phần nhỏ bé nào đó đọng lại trong tôi, một phần ích kỉ, muốn khoảnh khắc gần gũi này lâu thêm một chút. chúng tôi lẳng lặng ủ ấm hai chiếc ghế lái trong không gian chật hẹp, bản nhạc tình "close to you" của cô ca sĩ tôi quên mất cả tên họ tình cờ thắp lên giữa hai đứa cái mù mờ không thể cắt nghĩa.
"hôm nay tôi vui lắm, thành thật đấy." tôi nói, xen vào giữa ông và tĩnh lặng.
"tôi cũng vậy, thành thật đấy." ông đáp, nhưng không phải theo kiểu bóng bẩy và khôn ngoan thông thường, ông chọn xâu chuỗi câu từ hệt như tôi vừa làm.
lòng tôi reo vui, dẫn ánh mắt tìm về gương mặt tôi hằng yêu. rồi bất chợt, tim tôi đánh thót khi nhận ra mình và ông đã sáp đủ gần để thấy đồng tử ông giãn nở. phải, là giãn nở, dẫu cho chẳng quá rõ rệt với một đôi mắt sẫm màu, nhưng chắc chắn là nó đang nở ra đầy kì diệu. do ông mắc chứng đồng tử adie(1) hay luôn như thế về đêm (giống loài mèo, tôi đoán)? tôi không ngừng lập ra trong đầu mọi khả năng mà người đàn ông tội nghiệp này có thể mắc phải chỉ trừ cái dễ dàng cũng như khó tin nhất. rằng ông đang yêu. và kẻ may mắn đó là tôi.
như một đứa trẻ dạt nhà tìm được về tổ ấm; nhộn nhạo và vài giọt hân hoan chảy dọc dưới da tôi, rót vào đôi mắt tôi vui sướng chẳng thèm giấu giếm. nhưng khác với những gì tôi mong chờ, bác sĩ lewis không để chúng bên tôi quá lâu, ông tham lam đến thế, ông cướp chúng khỏi tôi bằng cái ngoảnh mặt và rời đi vội vã như thể quở trách tôi đã nhìn thấy điều mà mình không nên thấy. gặp cháu vào giờ ăn - ném trả một câu cụt lủn, thờ ơ như cái đẩy cửa xe của ông, bỏ lại tôi ngơ ngác với con tim chết yểu trên đoạn cuối bài ca.
(1) đồng tử edie: là bệnh rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới đồng tử và hệ thần kinh tự trị, hiểu đơn giản nó là bệnh đồng tử nở to một cách bất thường.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top