Loi khuyen
8 Lời khuyên về giữ gìn sức khỏe cho thai phụ
Khi mang thai, các thai phụ cần được chăm sóc hết sức chú đáo. Thai phụ biết đến nhiều lời khuyên từ sách báo, bác sĩ, người thân... Nhưng nếu thai phụ biết cách giữ gìn sức khỏe và tự chăm sóc bản thân mình, chính là yếu tố tiên quyết nhất để thai phụ và thai nhi khỏe mạnh.
Các lời khuyên về chăm sóc sức khỏe trước khi sinh
1. Chế độ dinh dưỡng
Thai phụ thường phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi ngày, cơ thể thai phụ cần thêm 300 gram lượng calo, đặc biệt khi thai nhi bắt đầu phát triển lên nhanh chóng. Trường hợp người mang thai quá ốm, hay là mang thai song sinh, cần một lượng dinh dưỡng hơn thế nữa. Nhưng khi thai phụ thừa cân thì nên có sự điều chỉnh lượng thức ăn dinh dưỡng sao cho hợp lý.
Ăn đủ chất rất quan trọng trong lúc mang bầu, bởi đó là phương cách tốt nhất cho thai nhi trong bụng phát triển khỏe mạnh.
* Cố gắng duy trì một chế độ ăn uống hợp lý trong lúc mang thai:
- Ăn thịt nạc
- Trái cây
- Rau xanh
- Ngũ cốc, bánh mì
Ăn đủ chất gúp thai phụ và thai nhi khỏe mạnh
-Thực phẩm giàu chất béo
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ đảm bảo sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi trong bụng.
Trước kỳ sinh nở thai phụ cần được dùng nhiều dưỡng chất giàu vitamin hơn nữa.
* Thức ăn giàu chất canxi:
Người mẹ ăn uống đầy đủ chất canxi sẽ cho ra đời một đứa con có xương chắc khỏe.
Những loại thức ăn có chứa nhiều chất canxi:
- Những thực phẩm được chế biến từ sữa: sữa tươi, phô mai và sữa chua.
- Thực phẩm chứa chất canxi: nước cam, sữa đậu nành, ngũ cốc.
- Các loại rau cải: cải xanh, cải bắp...
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đen...
* Thức ăn chứa nhiều chất sắt
Thai phụ cần khoảng 27 - 30 gram chất sắt mỗi ngày. Sắt chứa nhiều yếu tố cấu thành từ tế bào máu thực hiện việc tuần hoàn khí oxy đến các bộ phận trong cơ thể.
Thiếu chất sắt, cơ thể thai phụ sẽ không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Những thức ăn từ thịt chứa nhiều chất sắt hơn là thức ăn từ thực vật:
- Thịt bò
- Thịt gia cầm: gà , vịt...
- Thịt cá hồi
- Trứng
- Đậu hủ
- Cây đậu Hà Lan
- Các loại trái cây sấy: mít sấy, chuối sấy, trái cây sấy hỗn hợp.
- Các chất mật, đường.
- Bột ngũ cốc chứa nhiều chất sắt
Thực phẩm giàu Axit Floric*
Viện Nghiên cứu và phòng tránh bệnh tật (CDC) cho rằng mọi phụ nữ trước và khi đang mang thai cần khoảng 0,4 mgram các chất có chứa Axit floric mỗi ngày.
Ăn uống các chất có chứa Axit floric trong thời gian mang bầu từ 1 - 3 tháng đầu tiên sẽ giảm đến 70% nguy cơ suy nhược thần kinh ở thai nhi.
Vitamin các loại đều chứa chất Axit floric. Vì vậy trong quá trình mang bầu, thai phụ nên sử dụng đầy đủ các loại vitamin.
2 Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc rất tốt cho thai phụ
Giấc ngủ sâu rất quan trọng đối với một thai phụ. Cơ thể mang thai nặng nhọc dễ làm cho thai phụ cảm thấy mình nặng nề hơn. Khi thai nhi ngày mỗi lớn, thai phụ sẽ khó đi vào giấc ngủ.
- Nằm duỗi thẳng người trong lúc ngủ sẽ làm cho thai phụ thoải mái hơn. Điều đó còn rất tốt cho tim mạch và tăng cường thể trọng cho thai nhi hằng ngày
3. Uống nhiều nước
Nước luôn cần thiết và có lợi cho cơ thể. Trong lúc mang thai thì nước lại càng cần thiết hơn. Uống nhiều nước có thể làm giảm và ngăn ngừa các loại bệnh thường gặp như là táo bón.
4 Tập thể dục
Thai phụ dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục là cách tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần sảng khoái.
Các lợi ích của việc tập thể dục:
- Tránh tăng cân vượt mức
- Ít mắc các chứng bệnh thường gặp trong lúc mang thai như: đau lưng, sưng phù, táo bón.
- Dễ ngủ
- Khỏe hơn.
- Đẹp hơn
5. Những điều cần tránh
Khi mang thai, thai phụ cần lưu ý những điều sau:
- Không uống rượu, bia và những chất kích thích khác (như ca phê, thuốc ngủ, chất gây nghiện...)
Thai nhi rất dễ hấp thụ những chất truyền vào từ mẹ như rượu hay là khói thuốc. Thai nhi chưa có khả năng miễn dịch với các chất đó, nên dễ dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng đến não bộ.
Nếu thai phụ lỡ uống bia rượu hay hút thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong lúc mang thai, cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Ngay cả khi thai phụ không còn thói quen đó nữa, đứa trẻ chưa ra đời cũng có thể gặp những bất cập nào đó về sức khỏe.
6 Những loại thức ăn có hại:
- Các loại phô mai chảy nước, hay đã lên mốc, hoặc là tỉ lệ chất béo quá cao.
- Uống sữa chưa được diệt khuẩn hay có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
- Các loại rượu vang, rượu táo...
- Các loại trứng, thịt chưa được nấu kỹ, hay các món cá sống (sushi), và các loại sò, ốc...
- Thức ăn đã qua quá trình chế biến hoặc nấu quá kỹ như xúc xích nóng.
- Không nên ăn nhiều các loại cá biển như cá thu, hoặc các loại cá có xương hay thịt cứng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi.
7 Không sử dụng các loại dược phẩm (thậm chí ngửi mùi)
- Nên hỏi ý kiến của Bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ dược phẩm nào.
Hỏi ý kiến của Bác sĩ về các vấn đề sức khỏe
- Nếu thai phụ đã dùng thuốc hay điều trị bệnh trước quá trình mang thai, cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để hạn chế tối thiểu về sự ảnh hưởng đến thai nhi.
- Thai phụ bị cảm, sốt hay các chứng khác như đau lưng, nhức đầu... nên nhờ Bác sĩ tìm ra cách điều trị không cần dùng dược phẩm.
8 Tránh ô nhiễm
Sống gần nơi có bãi rác hay rác thải công nghiệp, nguồn nước bẩn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Kết luận
Trong suốt quá trình mang thai, từ tuần đầu tiên đến tuần thứ bốn mươi, chăm sóc thai phụ lẫn thai nhi là điều hết sức cần thiết. Các thai phụ đều phàn nàn "Không hề cảm thấy thoải mái hay khỏe khắn chút nào trong lúc mang thai, dù cho có được chăm sóc tốt đến thế nào chăng nữa". Do đó, giữ gìn sức khỏe và chế độ dinh dưỡng hợp lý, bài tập thể dục và những điều nên tránh... là những bí quyết hết sức rất đáng được quan tâm để cho ra đời một đứa trẻ khỏe mạnh và một bà mẹ vui vẻ.
Thanh Thủy (Theo KidsHealth)
Để sản phụ không phải sinh mổ ...
"Phụ nữ có thai đang ăn quá nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thai to, gây khó đẻ, phải mổ. Trong khi biện pháp này thường gây bất lợi cho sản phụ và trẻ sơ sinh". Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, cho biết.
Nhiều sản phụ cho rằng mổ đẻ sẽ giúp đứa con ra đời một cách nhẹ nhàng, sẽ làm trẻ thông minh và khoẻ mạnh hơn. Bên cạnh đó, người mẹ cũng tránh được nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi đẻ thường. Điều này có có đúng thưa Tiến sĩ?
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, đứa trẻ ra đời bằng phương pháp đẻ thường sẽ có sức đề kháng và đường hô hấp tốt hơn những đứa trẻ được mổ lấy ra. Đó là do trong quá trình được sinh ra, trẻ chịu sức ép của sự co bóp trong tử cung người mẹ nên phổi đã một quá trình thích ứng tốt. Bên cạnh đó người ta cũng nhận thấy những đứa trẻ sinh thường thông minh và nhanh nhẹn hơn những trẻ được sinh kiểu khác.
Về phía sản phụ sinh thường, tuy có phải chịu đau đớn trong thời kỳ rặn đẻ nhưng sẽ tránh được đau đớn sau thủ thuật mổ đẻ và những tai biến có thể xảy ra như: nhiễm trùng, dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung... Mặt khác, do phải uống một lượng lớn kháng sinh để chống nhiễm trùng nên khả năng tiết sữa của họ giảm nhiều, thậm chí không có nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ.
TS Trần Quốc Việt
Tuy nhiên, xu hướng mổ đẻ ở sản phụ vẫn đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Do ảnh hưởng bởi quá nhiều từ thông tin quảng cáo về các loại thức ăn bổ dưỡng cho thai phụ nên rất nhiều phụ nữ đã trở thành cái bồ đựng các loại thực phẩm. Thậm chí, rất nhiều người có thai "mắc phải" tâm lý không "chịu kém ai": Nghĩa là thấy bà bầu khác ăn, uống một loại sữa hay thực phẩm, thức ăn đắt tiền nào đó thì mình cũng phải dùng bằng được mà không cần biết mình nên ăn uống ở chế độ nào. Bên cạnh đó, cũng vẫn còn một số người có tâm lý chọn phướng án mổ đẻ để lấy giờ tốt.
Trên thực tế, nếu để sản phụ đẻ thường bác sĩ sẽ phải vất vả, mất nhiều thời gian hơn và xác xuất gặp tai biến trong chuyển dạ cũng nhiều hơn so với việc mổ đẻ. Đây có phải nguyên nhân khiến tỷ lệ mổ đẻ ngày càng cao ở các bệnh viện nói chung và Phụ sản TƯ nói riêng (tại Viện này, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới gần một nửa trường hợp sản phụ nhập viện phải mổ đẻ (3.851/8.424 ca)?
Phụ sản TƯ là bệnh viện tuyến đầu nên cũng nhận được nhiều ca khó từ tuyến dưới chuyển lên. Quả thực, đối với nhiều bác sĩ, mổ đẻ được xem là một giải pháp an toàn, bởi rất nhiều tai biến trong chuyển dạ là không thể tiên lượng được. Ngoài vấn đề phải mất nhiều thời gian để theo dõi sản phụ từ khi có cơn đau đẻ đến lúc trẻ được sinh ra, cán bộ y tế còn luôn phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những những tai biến có thể hiện khi chuyển dạ như sa dây rốn, tim thai suy...
Trong khi đó, khi thực hiện mổ đẻ thì bác sĩ rất nhàn, chỉ mất 30 - 40 phút, bác sĩ không phải theo dõi nhiều, người nhà tránh được sự chờ đợi căng thẳng. Tuy nhiên, phần thiệt thòi lại thuộc về sản phụ và đứa trẻ sinh ra.
Vì vậy, trừ những trường hợp có chỉ định mổ (do thai quá to hoặc có những bất thường trước sinh), đối với những ca yêu cầu mổ đẻ nhằm chọn giờ Bệnh viện thường từ chối nhu cầu trên và khuyên sản phụ nên đẻ thường.
Như vậy, để tránh phải mổ đẻ thì sản phụ nên chú ý đến chế độ ăn uống?
Đúng vậy, những phụ nữ đã có chế độ dinh dưỡng tốt thì không cần tăng khẩu phần ăn thông thường để tránh tình trạng tăng cân nhiều quá, gây khó đẻ. Ngược lại với những người vốn có chế độ dinh dưỡng kém, thể trạng yếu thì nên tăng cường lượng thức ăn đưa vào. Tốt nhất là họ nên có chế độ ăn bổ sung để tăng cường sức khoẻ tránh hiện tượng cả mẹ không có sức rặn đẻ còn con thì quá nhỏ và yếu.
Chế độ dinh dưỡng và mức độ tăng cân trong thời kỳ có thai thế như thế nào là hợp lý thưa Tiến sĩ?
Khẩu phần ăn cho phụ nữ mang thai cần đa dạng, phong phú, bảo đảm cung cấp đủ vitamin và các dưỡng chất khác. Phụ nữ mang thai không nên ăn uống kiêng khem; đặc biệt phải chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng như sắt, iốt, vitamin A...
Với những người đã có chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ từ trước đó, mức tăng trọng tăng trong thời kỳ mang thai vào khoảng 12,5 - 14kg là hợp lý. Cụ thể, cần tăng ít nhất từ 1kg đến 2,5kg trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tăng cân đều đặn và tăng nhanh nhất là ba tháng cuối cùng.
Lưu ý, những người có tầm vóc nhỏ bé cần năng lượng bổ sung ít hơn mức trung bình. Những người béo cũng nên tăng ít lượng chất béo, ngược lại, người gầy lại cần tăng lượng chất béo nhiều hơn mức trung bình. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần đi khám thai ít nhất 3 lần trong suốt quá trình thai nghén để sớm phát hiện những bất thường ở thai nhi, nếu có.
Theo Dân Trí
20 câu hỏi về thai nghén
1- Thời gian mang thai được tính như thế nào ?
Trên lý thuyết, thời gian mang thai kéo dài 9 tháng, hoặc 41 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, hoặc 39 tuần kể từ ngày thụ thai nếu bạn biết được chính xác ngày thụ thai.
2- Tại sao hai bên vú bị đau?
Ngay cả trước khi bạn biết là bạn có thai, hai bên vú của bạn đã bắt đầu to lên. Đó là do ảnh hưởng của sự thay đổi hóc môn trong cơ thể, chuẩn bị cho việc bài tiết sữa sau này. Hai bên vú sẽ trở nên nặng nề, căng lên và rất nhạy cảm. Ngay cả những sự vuốt ve nhẹ nhẹ cũng có thể làm cho bạn đau đớn. Thông thường thì đến cuối tháng thứ ba, hai vú vẫn to nhưng cảm giác căng và đau sẽ đỡ đi.
3- Có phải ai cũng có hiện tượng buồn nôn vào buổi sáng khi ngủ dậy ?
Không phải ai cũng có hiện tượng này và nếu có thì mức độ cũng rất khác nhau giữa mỗi người. Có người chỉ cảm thấy buồn nôn, nhưng có người thì nôn thực sự, có người chỉ cảm thấy khó chịu hoặc nôn buổi sáng, có người lại bị nhiều lần trong ngày. Thường thì hiện tượng này cũng sẽ giảm dần và hết vào cuối tháng thứ ba. Có vài mẹo nhỏ có thể giúp bạn giảm bớt được sự khó chịu này : Buổi sáng trước khi rời khỏi giường, bạn hãy nhấm nháp chút bánh mì khô hoặc bánh quy, hoặc có thể dùng bữa sáng tại giường. Trong ngày, bạn có thê chuẩn bị vài thứ đồ ăn nho nhỏ để nhấm nháp khi đói hoặc khi cảm thấy khó chịu.
4- Liệu có thể ăn được hết mọi loại thức ăn không ?
Bạn có thể ăn hầu hết các loại thức ăn nhưng không phải là tất cả. Hãy luôn ăn chín uống sôi, tránh những đồ ăn tái, tránh ăn rau sống và rau quả chưa được ngâm rửa sạch để tránh bị ngộ độc và nhiễm giun sán. Tránh những thức ăn chế biến sẵn. Tránh những đồ ăn quá béo hoặc quá ngọt. Tránh uống rượu bia.
5 - Các mốc khám thai ?
- Lần khám thai đầu tiên nên làm ngay khi phát hiện có thai, bạn hãy gặp một bác sĩ sản khoa để khám và nhận những lời khuyên đầu tiên về thai nghén.
- Lần siêu âm đầu tiên nên làm khi thai được 10-12 tuần, lần thứ hai nên làm vào lúc 4 tháng và lần thứ ba vào lúc thai được 7 tháng.
- Bắt đầu từ tháng thứ 4, mỗi tháng nên khám thai một lần.
6 - Có cần nghỉ ngơi nhiều hơn không ?
Tất nhiên là khi có thai bạn cần dành thời gian nghỉ ngời nhiều hơn rất nhiều, bởi vì các cơ quan trong cơ thể bạn phải hoạt động không ngừng để " tạo" ra con bạn. Bạn hãy lắng nghe yêu cầu cơ thể của chính bạn để tìm ra một chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Bạn cần ngủ nhiều hơn, ngay cả không ngủ được bạn cũng đừng cố gắng làm việc, hãy tranh thủ nằm dài và thư giãn vào khi nào bạn cảm thấy mệt.
7- Khi nào thì bạn sẽ cảm thấy bé sẽ động đậy ?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cả hai mẹ con bạn. Thường thì bà mẹ sẽ cảm thấy con mình động đậy vào lúc thai được 4 tháng. Nhưng có những bà mẹ cảm thấy điều này sớm hơn hoặc muộn hơn so với dự tính thông thường. Ban đầu bạn thường chỉ cảm thấy bé động đậy vào ban đêm hoặc khi bạn yên tĩnh, càng lớn bé sẽ càng động đậy nhiều và mạnh lên, nếu một ngày nào đó mà bạn cảm thấy bé không động đậy thì bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.
8 - Có nên siêu âm nhiều lần không ?
Nếu thai phát triển bình thường thì câu trả lời sẽ là không. Bạn chỉ nên làm siêu âm ba lần là đủ. Trong trường hợp cần thiết thì bác sĩ sẽ tự nói bạn đi siêu âm thêm. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy những đứa trẻ được làm siêu âm nhiều lần khi còn trong bụng mẹ có thể có chiều cao thấp hơn trẻ khác.
9 - Bạn có ngủ nhiều hơn không, giâc ngủ sẽ như thế nào ?
Thường thì sự mêt mỏi sẽ làm tăng nhu cầu ngủ của bạn, có những phụ nữ có thể ngủ ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên. Từ tháng thứ tư trở đi, khi em bé đã to hơn, bạn có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ngủ, tư thế ngủ tốt nhất lúc này là nằm nghiêng bên trái, bạn hãy dùng mấy cái gối chèn vào bên cạnh và giữa hai đầu gối cho dễ chịu.
Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, bạn có thể sử dụng vài mẹo nhỏ sau đây : ăn tối nhẹ nhàng, tắm nước ấm, uống một cốc sữa hoặc nước nóng, hoặc một cốc trà cây cỏ pha với đường hoặc mật ong. Nếu bạn cảm thấy vẫn khó ngủ thì nên nói với bác sĩ ngay.
Giấc ngủ của bạn cũng có thể bị cản trở vì những cú chuột rút (vọp bẻ), hoặc bị những cú ợ chua rất khó chịu. Để chữa chuột rút, bạn hãy nâng chân lên nhẹ nhàng, nhờ chồng xoa vuốt nhẹ vùng đau, bản thân bạn hãy cố căng cả bắp chân ra nhiều nhất có thể được. Để phòng chuột rút, bạn hãy cân đối thành phần ăn cho đủ các loại vi ta min B bằng cách ăn gạo lức, bột mỳ đen, mầm lúa mì hoặc các loại hạt khô như đậu đen, đậu xanh....
Để chữa những cú trào ngược ợ chua khó chịu, bạn hãy chất một đống gối phía sau lưng để ngủ trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Bạn hãy tránh ăn những đồ ăn chứa nhiều chất béo, tránh ăn các loại gia vị, ớt, dấm, tránh ăn súp hoặc các món rau sống vào bữa tối, nên ăn nhẹ và xa giấc ngủ.
10- Dùng thuốc như thế nào ?
Tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc cảm cúm khi dùng đều phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
11- Có nên tập thể thao không ?
Nếu bạn vẫn đang tập một môn thể thao nào đó từ trước khi mang thai, bạn có thể tiếp tục với điều kiện môn thể thao đó không quá nặng. Bạn hãy lắng nghe cơ thể mình để tìm ra các vận động thích hợp. Hai môn thể dục thích hợp nhất trong lúc mang thai là đi bộ và bơi, cả hai môn này đều rất tốt cho điều hoà , lưu thông khí huyết của cả hai mẹ con bạn.
12- Có nên ăn nhiều hơn không ?
Bạn không phải ăn bằng hai người mà là ăn cho hai người. Bạn hãy ăn nhiều hơn những thức ăn giàu năng lượng như thịt cá, chất bột, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đạm thực vật, ăn nhiều hoa quả và rau tươi nhất có thể được. Vào quý thứ nhất, mỗi ngày cơ thể bạn cần thêm khoảng 100 Kcal so với bình thường, sau đó là khoảng 250 Kcal mỗi ngày trong hai quý tiếp theo. Trọng lượng tăng lý tưởng trước khi sinh là 12 kg. Tất nhiên có thể tăng giảm một chút tuỳ từng người. Ngày nay, các bác sĩ đều khuyên các bà mẹ không nên cố gắng tăng quá nhiều cân trong quá trình mang thai vì có thể dẫn đến khó sinh do chất béo tích tụ ở vùng xung quanh xương chậu.
Để tránh bị táo bón, bạn nên ăn thật nhiều rau quả, tránh ăn cà rốt chung với cơm và chocolat trong cùng một bữa ăn, nên uống nhiều nước.
13 - Quan hệ tình dục trong khi mang thai như thế nào ?
Thông thường bạn vẫn có thể giữ mức độ sinh hoạt tình dục như trước khi có thai. Những co rút cuả bộ phận sinh dục ngoài thường không có ảnh hưởng gì đến em bé của bạn ở trong tử cung. Bộ phận sinh dục của người đàn ông cũng không thể chạm đến bé được. Cái chính là nên chọn tư thế thích hợp và dễ chịu cho cả hai người. Trong một số trường hợp đặc biệt, với những phụ nữ có cổ tử cung bị hé mở khi mang thai, có nghĩa là em bé không được bảo vệ vững chắc thì bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên thích hợp và bạn cần theo chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm ngặt.
Vào tháng cuối của thai kỳ, một số bác sĩ khuyên bạn nên dừng hoặc hạn chế quan hệ tình dục là để tránh việc có thể sinh trước kỳ do protaglandines có trong tinh trùng có thể làm cho cổ tử cung mở sớm hơn bình thường.
14- Có phải là khi mang thai thì phụ nữ dễ bị nhiễm nấm hơn không ?
Điều này đúng, do sự thay đổi độ PH của môi trường âm đạo. Nấm hay nhiễm là candida albican. Vì vậy nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu thì nên nói với bác sĩ ngay.
15 - Phương tiện di chuyển nào thích hợp nhất với phụ nữ mang thai ?
Ngoài sự di chuyển thường ngày, nếu phải đi xa, phưong tiện thích hơp nhất là máy bay, sau đó là tàu hoả rồi mới đến ô tô, khi đi trên máy bay hoặc tàu hoả, bạn hãy tranh thủ đi lại và khi ngồi thì nên gác chân lên cao một chút để bảo đảm sự lưu thông máu.
16- Vết nâu giữa bụng ?
Do tác dụng của hóc môn, bạn sẽ thấy hai đầu vú của bạn quầng thâm, giữa bụng bạn có một đường thẳng màu nâu, bạn đừng lo lắng gì nhiều, những vết này sẽ hết sau khi sinh và sau khi ngừng cho con bú.
17- Tại sao phụ nữ mang thai hay bị chảy máu cam ?
Khi mang thai, lượng hóc môn oetrogène tăng lên rất cao gây căng phồng các mạch máu, làm cho hệ thống mao mạch ở mũi vốn đã mỏng manh nay có thể phải chịu sức ép mạnh gây vỡ và gây ra hiện tượng chảy máu cam. Bạn đừng quá lo lắng, bạn hãy nhét một miếng bông gạc nhỏ vào bên mũi bị chảy máu, sau đó thì nằm nghỉ, thư giãn nhẹ nhàng.
18- Bạn có trở nên giàu xúc cảm hơn không ?
Đúng là bạn có thể trở nên mềm yếu hơn, dễ xúc động hơn, dễ phản ứng với mọi người xung quanh và với những ứng xử của người khác hơn, dễ cáu gắt hơn... mà chẳng hiểu do đâu. Bạn có thể thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác một cách nhanh chóng, những niềm vui đến rất nhanh nhưng cũng có thể có những ý nghĩ hết sức tăm tối. Bạn đừng lo, quá trình mang thai là một giai đoạn đầy xáo trộn, bạn có thể vừa rất vui nhưng cũng đầy lo lắng, bất an trong người. Khi bạn bắt đầu quen với việc mình có thai thì bạn sẽ cảm thấy yên ổn hơn. Nếu có gì quá, xin đừng ngại dãi bày với người thân, với bạn bè hoặc bác sĩ.
19- Tại sao lại muốn đi tiểu thường xuyên ?
Điều đó là dĩ nhiên rồi khi mà bàng quang quả bạn bị em bé trong bụng chèn ép, trong khi đó nhu cầu uống của bạn lại tăng lên, bạn hãy đi tiểu khi cảm thấy muốn đi, đừng cố gắng nhịn kể cả ban đêm để tránh bị các cơn co bất thường.
20 - Câu hỏi về khí hư ?
Sẽ là bình thường nếu bạn thấy có nhiều khí hư hơn, khí hư bình thuờng của phụ nữ có thai sẽ có màu trắng đục và hơi đặc. Nếu bạn thấy khí hư của bạn có màu sắc khác thường hoặc trở nên rất loãng thì cần đi khám bác sĩ ngay.
www.suckhoe360.com
Khi nào thì nên siêu âm?
Dù có siêu âm thai, bạn cũng sẽ khó phát hiện bệnh down và một số dị tật do bất thường nhiễm sắc thể khác nếu bỏ qua thời điểm 12-14 tuần.
Bác sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tỷ lệ thai nhi dị dạng ở Việt Nam hiện là 3%, hay gặp nhất là dị tật ở hệ thống thần kinh, đầu - mặt - cổ, ngực -bụng. Siêu âm là cách hiệu quả và đơn giản để phát hiện các khiếm khuyết này.
Theo bác sĩ Cường, có 3 lần siêu âm được coi là bắt buộc để xác định thai có bình thường hay không, đó là:
12-14 tuần: Ở thời điểm này, siêu âm giúp tính tuổi thai cực kỳ chính xác. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo khoảng sáng sau gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm (gây bệnh down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành...). Ngoài 14 tuần, việc đo này sẽ không còn chính xác nữa. Nếu khoảng sáng sau gáy tăng, vào tuần thứ 18, thai phụ cần được chọc ối để chẩn đoán bệnh down và siêu âm hình thái xem có dị dạng hay không.
21-24 tuần: Nếu người mẹ không quá béo, máy siêu âm tốt và trình độ bác sĩ ổn thì việc siêu âm lúc này có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải làm trước tuần thứ 28. Sau thời gian đó, nếu kích thích đẻ non thì thai dị tật vẫn có thể sống, và việc chẩn đoán trước sinh sẽ không còn ý nghĩa.
30-32 tuần: Lần siêu âm này giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc của não. Ngoài ra, siêu âm lúc 30-32 tuần cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung - một nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ.
Ngoài 3 lần xét nghiệm trên, bác sĩ Trần Danh Cường cũng khuyến cáo, tất cả các thai phụ nên làm xét nghiệm sàng lọc mang tên Triple test, giúp dự đoán nguy cơ dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Nếu kết quả dưới 1/125 thì có thể yên tâm là em bé hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm này chính xác đến 95,5%, tuy nhiên cũng chỉ có giá trị khi được thực hiện vào tuần thai 14-17. Chi phí cho một lần làm Triple test là 250.000 đồng.
Không phải phòng siêu âm nào cũng phát hiện được dị tật thai
Bác sĩ Cường khẳng định, không phải phòng khám nào có máy và bác sĩ siêu âm cũng có thể chẩn đoán dị tật thai nhi. Việc đo khoảng sáng sau gáy hay siêu âm hình thái đều phải được đào tạo chuyên môn riêng. Trong khi đó, các trường y ở Việt Nam hiện chưa có môn này.
Hiện nay các cơ sở chuyên về sản khoa hay trung tâm khám bệnh lớn thường có bác sĩ có chuyên môn về siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi. Còn những cơ sở y tế khác, đặc biệt là các tỉnh, rất ít bác sĩ đủ khả năng trong lĩnh vực này. Mặt khác, để siêu âm hình thái thai nhi, thời gian thực hiện ít nhất phải là 10-15 phút để rà soát hết các cơ quan. Trong khi đó, các phòng siêu âm thông thường hiện nay chỉ làm trong 5-6 phút, đo các chỉ số cơ bản như cân nặng, tim thai, chiều dài xương đùi, kích thước lưỡng đỉnh, ngày dự sinh...
Đó là nguyên nhân khiến khá nhiều trẻ dị tật nặng vẫn được sinh ra, nhất là tại các địa phương mà hệ thống y tế chưa phát triển. Nhiều bà mẹ mặc dù đi khám và siêu âm nhiều lần khi mang thai nhưng đến tận khi con ra đời mới biết trẻ có tật khó sống. Trường hợp hai bé sinh đôi có chung một thân mình, tim, cột sống và cơ quan sinh dục ra đời ở Hải Dương (đã tử vong cuối tháng 5) là một ví dụ.
Theo Vnexpress
CHẾ ĐỘ SINH HOẠT CỦA PHỤ NỮ MANG THAI (16/10/2007)
Để vượt qua thời kỳ mang thai một cách tốt đẹp, sinh một đứa trẻ khỏa mạnh, trong cuộc sống hàng ngày phụ nữ mang thai nên chú ý một vài điểm sau:
1- Sống có quy luật
Phụ nữ mang thai nên sinh hoạt có quy luật, cuộc sống có quy luật làm cho các hoạt động sinh lý của các hệ thống bên trong cơ thể càng điều hòa thống nhất, từ đó tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng chống bệnh tật, điều này cũng rất có lợi cho sức khỏe của thai nhi. Nếu cuộc sống không có quy luật sẽ ảnh hưởng của sức khỏe của mẹ và con.
Do đó trong cuộc sống hàng ngày việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập, công việc... của phụ nữ mang thai đều phải có giờ giấc, định lượng nhất định, để tạo ra cuộc sống có quy luật. Để thực hiện cuộc sống có quy luật thì việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, vận động, tắm giặt, vệ sinh... đều nên tuân theo một thời gian biểu hợp lý.
2- Giấc ngủ đầy đủ
Nếu giấc ngủ không đầy đủ sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, phụ nữ mang thai mỗi ngày phải ngủ từ 8-9 tiếng. Chồng và gia đình chồng nên đôn thúc, sắp xếp bảo vệ giấc ngủ của người mẹ. Nhưng cũng không nên ngủ quá nhiều, chỉ nên ngủ đủ để có thể không có cảm giác mệt mỏi.
3- Nhất định phải ngủ trưa
Phụ nữ mang thai nên kiên quyết ngủ trưa cho dù là mùa xuân, mùa hè mùa thu hay mùa đông cũng nên ngủ, dù chỉ một lát. Giấc ngủ trưa có thể làm cho tinh thần của người mẹ thoải mái, tiêu trừ mệt mỏi, hồi phục thể lực nhưng ngủ trưa không được quá hai giờ đồng hồ, thông thường từ 30 phút đến hơn 1 giờ là đủ.
Ngủ trưa cũng phải có quy luật không nên muốn ngủ thì ngủ, không muốn thì không ngủ hoặc ngủ trong thời gian quá dài, nên sắp xếp thời gian ngủ trưa xác định. Nếu không có điều kiện ngủ trưa có thể nằm nghỉ ngơi một chút, buổi tối nên ngủ sớm một chút. Khi ngủ trưa nên kê cao chân, thả lỏng toàn thân.
4 - Chú ý nghỉ ngơi
Cho dù là người phụ nữ có sức khỏe hay thể trạng yếu đều dễ dàng mệt mỏi hoặc có cảm giác mệt mỏi toàn thân trong thời gian mang bầu.
Quá mệt mỏi dễ dẫn đến giảm sút sức đề kháng của cơ thể, mắc các loại bệnh. Do đó nên sắp xếp thời gian hợp lý, tranh thủ nghỉ ngơi. Khi cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu sức cần nằm xuống nghỉ ngơi, hoặc nằm trên ghế duỗi thẳng chân. Dù là thời kỳ đầu, giữa hay sau khi mang thai đều nhất thiết phải nhớ. Cho dù là nghỉ ngơi trong vài phút. Nếu sau khi nghỉ ngơi vẫn cảm thấy mệt mỏi thì nên đi khám bác sĩ.
DạY CON Từ THủA TRONG THAI (15/9/2007)
Khi sắp phải làm việc gì quan trọng, chị Đông thường dỗ dành... cái bụng: "Con trai ngoan ơi, sáng nay mẹ bận lắm, con ngủ yên là giúp mẹ đấy!". Và quả thực, bé giữ trật tự hơn nhưng sẵn sàng "quậy" tưng bừng nếu mẹ mê làm việc, quên nghỉ ngơi.
Sau này, khi đến với buổi nói chuyện chuyên đề Thai giáo - Bí quyết sinh con khoẻ mạnh, thông minh do tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng trình bày, chị Ngọc Đông mới biết hoá ra, những gì mình hay thể hiện với đứa con trong bụng chính là nội dung của thai giáo, một môn khoa học.
Lần mang thai trước, dù chưa biết gì về chuyện thai giáo nhưng chị Đông có thói quen vuốt ve, âu yếm, thỏ thẻ với bào thai và đã sinh được cô công chúa xinh xắn, lanh lợi, biết nói chuẩn từ 9 tháng tuổi. Ở lần mang thai thứ hai này, vấn đề của chị là làm sao thuyết phục được chồng đồng lòng với vợ. Dù không cho rằng dạy trẻ trong thai là hoang đường (vì đã thấy hiệu quả qua con gái lớn) nhưng chồng chị còn lười chơi với con và ngại ngùng khi có mặt người khác.
Chị còn lúng túng vì lần này thai nhi là một cu cậu. Từ những kiến thức thu nhặt được, chị tự rút ra: "Mang thai bé trai thì mình hướng đến những loại nhạc, ý nghĩ và cảm xúc mạnh mẽ hơn".
Nhiều thai phụ và gia đình biết rõ thai giáo rất tốt nhưng vẫn hoài phí cơ hội dạy con trong 9 tháng 10 ngày đầu tiên với những lý do thường gặp: tất bật mưu sinh, trình độ hạn chế, một bộ phận thai phụ còn bị bạo hành hay mang thai ngoài ý muốn. Ngược lại, không ít bà bầu do "mê tín" và nôn nóng với tác dụng của thai giáo lại áp dụng thái quá gây ra những phản ứng phụ như: xoa bụng mạnh, nghe nhạc "quá liều" hay hăng hái khám phá những danh lam thắng cảnh xa xôi, hiểm trở ngay trong những tháng thai đầu làm dễ gây động thai...
Cho con dưỡng chất yêu thương
Một số phản xạ có điều kiện được tạo ra và ghi nhận bằng phương pháp siêu âm ba chiều cho thấy, khi còn nằm trong bụng mẹ bé đã có thể nghe, cảm nhận, hiểu, phản ứng, thậm chí còn học hỏi và nhớ được một số điều. Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM) cho rằng, nếu bố mẹ thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với bào thai bằng lòng yêu thương trìu mến, sẵn sàng đón nhận đứa con ra đời thì bé sẽ linh hoạt hơn, mau biết nói và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Hơi ấm và giọng nói của ba mẹ đã được bé ghi vào bộ nhớ, đến khi chào đời, những ấn tượng thân quen này sẽ khiến bé có cảm giác an toàn, gắn bó.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng lưu ý: Bối cảnh sống hằng ngày của cha mẹ suốt chín tháng thai kỳ đều có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, đều được ký mã vào gien gốc. Dây rốn là mũi tên hai chiều lưu chuyển cảm xúc một cách đầy đủ, tự nhiên, không chọn lọc giữa mẹ và bé. Một người mang thai có chỉ số cảm xúc thiên về dương tính: vui vẻ, hoạt bát, phấn chấn, bao dung, cảm thông... cũng sẽ truyền cho con những cảm xúc tích cực nhất. Thai giáo cũng là học cách làm mẹ, làm cha, học cách xây dựng hạnh phúc gia đình, làm giàu dưỡng chất yêu thương.
Bác sĩ Phan Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hoá gia đình TPHCM cũng khẳng định: Thực chất, thai giáo là biểu hiện tình cảm giữa các thế hệ, là bản năng tự nhiên gắn liền với khát khao làm cha làm mẹ. Ai cũng từng được thai giáo nhưng khác nhau ở mức độ, cách thức.
Theo ông, tình trạng cảm xúc của người mẹ phóng thích các hóa chất nội tiết vào máu: chất endorphine (phấn chấn, vui vẻ)... Chỉ mất vài giây sau khi người mẹ trải qua các cảm giác ấy, các chất hoá học tương ứng sẽ đi qua lá nhau đến thai nhi. Tuy nhiên, ở bé có khả năng tự miễn nên đôi khi những chuyển biến của con không thuận chiều với tác động bên ngoài. Kể cả thời điểm trong lòng mẹ lẫn khi đã chào đời, bé được cha mẹ dạy bảo nhưng sự tiếp nhận chỉ ở chừng mực.
"Để thai giáo hiệu quả, phải có nghệ thuật và giữ chừng mực vừa phải. Tác động nên tương tự nhau, đơn giản, đúng giờ, lặp đi lặp lại và mỗi hình thức phải phù hợp với từng thời kỳ thai", tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng đúc kết.
14 kỹ năng thai giáo cơ bản:
- Ru và hát
- Nựng nịu
- Dỗ dành
- Xoa vỗ bụng người mẹ thật dịu dàng với tâm trạng yêu thương
- Nghe nhạc thích hợp, du dương, nhẹ nhàng.
- Đọc và nói diễn cảm, rành rọt, chuẩn mực, tận dụng ngữ điệu tiếng Việt nhịp nhàng, nhiều thanh điệu.
- Nghĩ về và nghĩ đến thai nhi với tâm trạng trân trọng, chờ mong.
- Tư thế đi đứng, nằm ngồi đàng hoàng, vững vàng.
- Thầm kể, chuyện trò, khuyên nhủ thai nhi.
- Luôn luôn hỏi han bé: Hôm nay bé khỏe không, bé ngoan chứ? Bé có thấy bàn tay của ba sờ bé không?
- Miêu tả, bình phẩm tranh nghệ thuật,
- Quan tâm chăm sóc thai phụ, tránh căng thẳng, kịp thời hoá giải những ưu phiền, mặc cảm.
- Tạo không khí, khung cảnh, quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
- Đồng bộ cả nhà cùng làm thai giáo.
Xử TRÍ NHữNG RắC RốI KHI MANG THAI (9/2/2007)
Khi mang thai, hàng loạt những rắc rối nảy sinh khiến bà bầu lúng túng và mệt mỏi. Nếu biết cách, bạn sẽ phần nào thích ứng được với thay đổi khó chịu này.
TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng cho hay, những rắc rối mà thai phụ thường gặp nhất là tình trạng buồn nôn, nôn, bị chuột rút, táo bón, đầy hơi, đau lưng và hiện tượng phù nề chân... Hầu hết các bà bầu đều phải trải qua những hiện tượng này, tuỳ mức độ. Thai phụ có thể khắc phục tình trạng khó chịu trong thời kỳ thai nghén theo những cách sau:
• Buồn nôn, nôn
Buồn nôn, nôn vào buổi sáng là một hiện tượng rất phổ biến, đến 90% thai phụ phải trải qua. Cách khắc phục tình trạng này là buổi tối, trước khi đi ngủ, hãy vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Buổi sáng, khi mới thức giấc, không nên vội trở dậy mà hãy nằm trên giường và ăn nhẹ. Tốt nhất là ăn một ít bánh quy, nhất là bánh quy có vị gừng ngay khi vừa mới ngủ dậy. Sau đó từ 10 - 30 phút mới trở dậy đi làm vệ sinh răng miệng. Như vậy, sẽ giảm đáng kể tình trạng bị nôn, buồn nôn vào buổi sáng sớm.
Những người bị nghén nôn, buồn nôn rất nhạy cảm với mùi lạ, mùi dầu mỡ, khí than, khói thuốc. Do vậy, trong thời kỳ thai nghén, cần tránh hơi thuốc, khí than, tránh ăn thức ăn có mùi lạ sẽ làm bạn khó chịu.
Ngoài ra, bạn hãy điều chỉnh chế độ ăn hợp khẩu vị nhất trong thời kỳ thai nghén. Như thay đổi cách nấu nướng để ăn dễ hơn. TS Lâm cho hay, có nhiều thai phụ rất sợ "mùi" cơm nóng, khi đó, đừng ngại ngần hãy để cơm thật nguội ăn sẽ dễ hơn mà cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thậm chí, nếu sợ ăn cơm, bà bầu vẫn hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm khác như bún miến, mì tôm, ngô... vẫn đảm bảo cung cấp lượng tinh bột cần thiết trong ngày.
Bà bầu nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần một ít, không nên để bụng quá đói hoặc quá no vì hai trạng thái này đều làm dạ dầy khó chịu, dễ gây buồn nôn. Khi ăn cơm, không nên chan canh, hoặc giảm lượng canh tới mức tối thiểu. Không ăn quá nhiều đồ mỡ hoặc gia vị.
TS Lâm cho biết, gừng là một gia vị cực kỳ hữu ích với những thai phụ bị chứng nghén nôn, buồn nôn. Gừng có thể làm dịu cảm giác buồn nôn ở thai phụ. Chỉ cần 250mg gừng khô hoặc 1g gừng tươi dùng 3 - 4 lần trong ngày, hoặc ăn bánh quy có vị gừng, ngậm một lát mứt gừng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này, nhất là sẽ giảm được triệu chứng buồn nôn và khó chịu vào buổi sáng.
• Hoa mắt, chóng mặt
Bạn hãy nhớ, đừng ngồi dậy, đứng lên một cách đột ngột mà vận động từ từ để não khỏi thiếu máu. Triệu chứng này cũng cho thấy bạn đã bị thiếu máu do thiếu sắt. Hãy tăng cường ăn thức ăn giàu thịt cá trứng, sữa, đậu đỗ và nên ăn thực phẩm có bổ sung chất sắt, như bánh quy, nước mắm giàu sắt và uống viên sắt đều đặn.
• Khi bị chuột rút
Bị chuột rút cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở các bà bầu. Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất là bạn hãy tăng cường vận động thường xuyên cho đôi chân bằng phương pháp đi bộ.
Ngoài ra, muốn tránh bị chuột rút, đừng đứng, ngồi hay nằm quá lâu ở một tư thế. Còn khi bị chuột rút, bạn đừng chỉ nhăn nhó rồi chờ cơn co cơ qua đi, mà hãy cố gắng duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân, cơ sẽ duỗi ra.
Chuột rút cũng là triệu chứng của thiếu canxi, lúc này cần chú ý đến chế độ ăn có đủ các thực phẩm giàu canxi như sữa, bánh quy có bổ sung canxi... để đảm bảo đủ cung cấp cho cơ thể 1.000 - 1.200mg canxi/ngày. Trong nhiều trường hợp, thai phụ cần dùng các chế phẩm giàu canxi như thuốc... nhưng lúc này, cần phải dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
• Đầy bụng, táo bón
Hầu hết thai phụ đều bị tình trạng này, nhất là ở những tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân cơ bản là giảm nhu động ruột do những thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, còn phải đến các nguyên nhân khác gây táo bón như chế độ ăn, hoạt động thể lực, tâm lý... Tuy nhiên, bà bầu hoàn toàn có thể tự luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn để giảm hiện tượng táo bón mà không phải dùng thuốc nhuận tràng.
Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau, quả chín. Tránh các chất nóng, đồ hộp, đồ uống có ga. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm, nhai kỹ. Nên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Nhất là vào mỗi sáng ngủ dậy, hãy uống uống một cốc nước đầy, ngồi thở thật sâu, dùng lòng bàn tay mát - xa vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút sẽ có tác dụng kích thích các nhu động ruột, giúp việc tiêu hoá trở nên dễ dàng hơn.
• Đau lưng
Cần thường xuyên thay đổi vị trí, tư thế thay vì ngồi hay đứng lâu đều gây đau lưng. Nhất là cần có tư thế nằm ngủ đúng, không nên ngủ đệm mềm và chỉ nên gối đầu cao vừa phải. Mỗi ngày, hãy dành ít phút tập các động tác thể dục vặn lưng đơn giản sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng này. Ngoài ra, để giảm đau lưng bạn hãy nhớ, hãy tránh xa giày dép cao gót.
• Phù bàn chân và mắt cá chân
Nên ăn uống hợp lý và uống nhiều nước, không nên ăn mặn quá. Khi nằm nghỉ, hãy gác chân lên cao. Còn khi thấy phù nhiều bạn hãy nên đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý thích hợp.
(Theo dan tri)
GIảM ĐAU NGựC DO THAI SảN (31/7/2006)
Nếu ngực căng tức đau đớn, các bà mẹ nên ăn ít thực phẩm có chất mỡ, chất béo. Ăn nhiều rau cải, trái cây, gạo và đậu. Cách ăn uống này có tác dụng làm giảm kích thích tố oestrogen trong người bạn.
Nếu là phái nữ và đã từng sinh sản, hẳn bạn đã biết qua mùi vị của chứng đau ngực này. Đa số thai phụ sắp đến ngày sinh nở đều thấy ngực của mình càng ngày càng lớn lên, căng cứng và đau đớn khó chịu đến mức tìm một tư thế nằm ngủ hợp lý cũng khó khăn.
Cũng có thể bạn chưa từng sinh nở, nhưng mỗi tháng vào lúc sắp có kinh nguyệt, bạn cảm thấy ngực mình hơi bị sưng lên, khó chịu. Chiếc áo ngực thường ngày rất mịn màng, rất tiện nghi, nay lại gây đau mỗi khi bạn mang vào.
Chứng này xuất hiện do chu kỳ tự nhiên của các kích thích tố trong người bạn. Chúng kích thích tế bào của các tuyến sữa hoặc các tuyến chất lỏng khác trong vú, làm cho các tuyến này trương căng lên, kích thích các hạch khác trương căng theo để có thể cung cấp đủ máu nuôi các tế bào... Nhìn chung, sự trương căng này giống như phản ứng dây chuyền, từ đó vú bị sưng to hơn. Các tế bào thần kinh ở vú bị ảnh hưởng và tạo nên cảm giác đau đớn.
Hiện tượng này là tự nhiên và không thể tránh được; nhưng một số phương pháp có thể làm giảm sự đau đớn:
Thay đổi cách ăn uống: Giảm chất béo, tăng rau cải, trái cây, gạo và đậu. Cách ăn uống này làm giảm oestrogen, nguyên nhân chính tạo nên sự đau đớn.
Đừng để quá mập: Mức độ đau tỷ lệ thuận với độ béo. Chất mỡ quá nhiều trong cơ thể có tác dụng như các hạch chuyên sản xuất và dự trữ kích thích tố oestrogen.
Dùng các sinh tố: Chất prolactin cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên chứng đau vú. Muốn ngăn chặn sự phát triển của chất này, bạn nên uống các sinh tố B, C, và canxi.
Kiêng cà phê: Nhiều bác sĩ dựa trên kinh nghiệm của họ đã khuyên bệnh nhân không nên uống cà phê hoặc những thứ có chứa cafein như nước ngọt, kem, ca cao... và nhất là những thuốc làm giảm đau có cafein.
Giảm ăn muối: Chất muối có thể làm nặng hơn sự sưng nề. Cố gắng giảm lượng muối lại trước khi có kinh nguyệt khoảng 1 tuần lễ, bạn sẽ ít đau hơn.
Lạnh và nóng: Đây là phương pháp thần kỳ có thể làm dịu đi bất cứ chứng đau nhức nào. Dùng nước đá bọc trong bao plastic rồi đắp lên chỗ đau qua một lớp khăn lông chừng 5-10 phút; kế đó thay bằng một khăn lông nhúng nước nóng vắt khô chừng 5 phút, rồi trở lại lạnh. Làm như vậy nhiều lần trong ngày có thể xoa dịu sự đau đớn. Nó làm giảm hầu hết các bệnh sưng như đau lưng, bầm mắt, sưng vú, cho đến những vết bầm gây ra do nguyên nhân khác.
Theo Sức Khỏe Cộng Đồng
Mẹ và Bé trong 3 giai đoạn thai kỳ
Sự phát triển của bé và những biến đổi ở cơ thể mẹ Bé
Trong buồng tử cung của mẹ, Bé được bao bọc bằng một túi có chứa nước gọi là nước ối. Nhờ có túi ối nên dù mẹ có đi lại, va chạm, Bé vẫn được nâng đỡ nhẹ nhàng. Mẹ nuôi Bé thông qua rau thai (còn gọi là nhau thai). Rau thai bám vào thành tử cung, lấy chất dinh dưỡng và ôxy từ máu mẹ, đưa qua dây rốn vào máu của Bé. Nhờ vậy mà từ khối tế bào nhỏ xíu ban đầu, Bé dần dần thành hình và phát triển.
Mang trong mình một em bé, cơ thể mẹ dĩ nhiên phải trải qua nhiều thay đổi lớn. Cơ thể mỗi người mẹ thích ứng với việc mang thai theo cách riêng và mỗi lần mang thai có thể cũng khác nhau, do đó chúng tôi mô tả cả những thay đổi tất yếu và những hiện tượng chỉ một số phụ nữ gặp. Khi bàn về cơ thể mẹ bé, chúng tôi sẽ dùng từ "bạn" để gọi mẹ bé, mong rằng các ông bố không nhầm thành cơ thể mình.
Trước tiên, cần giới thiệu với các bạn cách gọi "thai bảy tuần", "thai ba tháng"... Đây là tuổi thai, tính từ ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối cùng. "Thai 12 tuần" có nghĩa là từ ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối đến nay được 12 tuần. (Dĩ nhiên em bé nhỏ hơn 12 tuần vì việc thụ thai xảy ra sau đợt hành kinh cuối cùng đó).
Ba tháng đầu
* Sự phát triển của Bé
Đến tuần lễ thứ sáu, bé mới chỉ là một cái phôi nhỏ như hạt gạo, nhưng đã có bộ não đơn giản, có miệng, có xương sống, dạ dày. Tim của phôi bắt đầu đập. Các chồi chân tay nhỏ xíu đã nhú.
Đến cuối tháng thứ hai, phôi đã có thể gọi là "thai nhi", dài khoảng 2,5 cm từ đầu đến mông, đầu nặng, chiếm một phần ba chiều dài. Thai nhi đã có các cơ quan nội tạng chủ yếu. Khuôn mặt hình thành, có mắt, mũi có chóp, lỗ mũi cũng đang dần dần hiện ra. Miệng đã có lưỡi. Tai phát triển. Tay chân dài ra, bàn tay bàn chân đã phân ngón, dù vẫn còn màng da kết dính. Sụn dần dần chuyển thành xương. Tuy vậy, trông thai nhi vẫn còn khác xa hình người.
Đến cuối tháng thứ ba, tất cả các nội tạng đã hoạt động. Bé có tay chân đầy đủ; móng tay, móng chân đã mọc. Mắt đã có mí che phủ, tai đã có vành. Cơ bắp phát triển, bé có thể co xoè ngón chân, nắm tay, nhăn mặt, mím môi, chép miệng, mút ngón tay, nuốt. Bé bắt đầu biết tè.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ Bé
Khi mang thai, bạn không hành kinh vì niêm mạc tử cung trở thành ổ của bé cho đến khi ra đời. Một số ít phụ nữ có ra một hai giọt máu khi trứng làm tổ, gọi là "máu ráo". Đó không phải là hành kinh.
Những tháng đầu thai kỳ, cơ thể phải làm quen với việc mang thai nên các hoóc môn sinh dục gia tăng. Vì thế, bạn có thể gặp các hiện tượng thường gọi là "nghén" như buồn nôn, nôn, khẩu vị thay đổi (thèm ăn một thức ăn nào đó), đi tiểu nhiều lần. Nghén nhìn chung chỉ kéo dài nhiều nhất là ba tháng.
Vú bạn căng lên, mạch máu nổi rõ, núm và quầng vú to ra, đậm màu, các tuyến sữa ở bên trong bắt đầu phát triển. Hệ tuần hoàn tăng giãn nhanh chóng, bạn có lúc thấy hơi nhức đầu, chóng mặt vì máu sinh ra không kịp. Bạn có thể thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Dịch âm đạo và nước bọt tiết ra thêm. Hoóc môn progesteron làm giãn cơ đường ruột nên nếu ít vận động, bạn có thể táo bón nhẹ.
Trong ba tháng này, bạn chỉ tăng cân ít. Thậm chí có một số ít bà mẹ còn sút cân đôi chút.
Ba tháng giữa
* Sự phát triển của Bé
Những tháng này bé lớn rất nhanh. Đến cuối tháng thứ tư, các khớp chân tay đã hình thành. Da bé mỏng, gần như trong suốt, nhìn được mạch máu ở bên trong. Lông mày, lông mi xuất hiện, một lớp lông tơ mỏng bao phủ người bé. Tim bé đập nhanh gấp đôi tim mẹ. Cơ quan sinh dục đã định hình, một số bà mẹ siêu âm đã có thể biết bé là trai hay gái.
Đến cuối tháng thứ năm, tóc bé đã bắt đầu mọc, mầm răng bên dưới lợi dần nhú. Cẳng tay cẳng chân hoàn thiện. Thời gian này bé đã ra vẻ hiếu động, bạn bắt đầu cảm nhận được những cử động ngộ nghĩnh của bé, nhưng các cử động này còn chưa thường xuyên.
Cuối tháng thứ sáu, các tuyến mồ hôi của bé đã hình thành dưới da. Bé co duỗi tay khá thường xuyên. Có lúc bé cử động nhiều, nhưng có lúc lại nằm yên. Bé biết ho và nấc. Khi đi khám thai, nếu cơ sở y tế có thiết bị nghe, ta đã nghe được tim bé đập.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ Bé
Cơ thể đã thích ứng với việc mang thai nên hiện tượng nghén nhìn chung giảm hẳn. Bạn ăn uống được và cảm thấy khoẻ hơn. Cơ thể bạn bắt đầu có nhiều thay đổi lớn. Ba tháng giữa, mỗi tháng bạn tăng gần 2 kg.
Đến tháng thứ tư, bụng bạn bắt đầu nổi rõ. Trong cả ba tháng giữa thai kỳ, tử cung bạn nặng lên khoảng 20 lần, khiến bụng ngày càng lớn. Da bụng giãn, trên da có thể xuất hiện các đường rạn màu hồng hoặc nâu (sau khi sinh sẽ mờ đi). Do sức nặng của tử cung, đôi lúc bạn có thể tức bụng, đau lưng, chân hoặc hậu môn bạn có thể bị giãn tĩnh mạch. Sức ép của tử cung cũng có thể khiến hệ tiêu hoá hoạt động chậm lại, gây táo bón, khó tiêu, rát dạ dày.
Cặp vú tiếp tục phát triển. Gần đến tháng thứ năm, nó có thể bắt đầu tiết ra ít chất dịch màu hơi vàng.
Các sắc tố hoạt động mạnh khiến đường từ rốn xuống vùng sinh dục có thể sẫm lại, các nốt ruồi, tàn nhang đậm màu hơn. Một số bà mẹ thấy da mặt xạm đi. Nhưng chỉ ít lâu sau khi sinh, các vết xạm sẽ biến mất.
Tổng lượng máu tăng lên, tim bạn to ra để có sức bơm máu đi khắp cơ thể. Chính vì vậy mà một số phụ nữ mang thai bị chảy máu cam, chảy máu lợi. Bạn ra mồ hôi nhiều hơn. Dịch tiết âm đạo có thể nhiều đến mức bạn cần lót băng vệ sinh.
Bạn cảm nhận được cử động của bé lần đầu tiên là vào khoảng tháng thứ tư hoặc tháng thứ năm (có người sớm, có người muộn, con sau thường lớn hơn con đầu). Đây là một giây phút đáng nhớ. Một bạn gái mang thai lần đầu kể:
"Tôi đang nằm ngủ thì thấy như có tiếng kịch, va ở trong bụng mình. Thế nhưng tôi không rõ lắm, không biết liệu đã phải là thai máy chưa. Hỏi bà chị gái thì biết là đến lúc thai máy. Tôi mới cảm thấy thực sự là có một sinh vật đang ở trong bụng mình, mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mình, cảm động lắm chị ạ".
(Thảo, 26 tuổi)
Rồi các cử động sẽ tăng dần. Bạn thường xuyên thấy con mình cựa quậy. Cử động của bé thường dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng cũng đôi lúc bé làm bạn đau. Có lúc, bé hoạt động liên tục, cũng có khi bé nghỉ hoặc ngủ. Ban ngày bạn đi lại nhiều, bé được đu đưa nhẹ nhàng nên bạn ít thấy cử động của bé. Ban đêm hay sáng sớm, khi bạn nghỉ ngơi, bé cựa quậy nhiều hơn, dễ cảm nhận hơn. Mỗi em bé cử động mỗi khác. Nếu sức khoẻ bạn bình thường, không hạ cân, không có thay đổi lớn thì không có gì phải lo lắng.
Ba tháng cuối
"Ba tháng cuối" là một khái niệm rất "co giãn". Thai kỳ bình thường giao động trong khoảng từ 38 đến 42 tuần. Vậy nên ba tháng cuối có thể là ba tháng, mà cũng có thể là gần bốn tháng.
* Sự phát triển của Bé
Đến cuối tháng thứ bảy, cơ thể bé đã có mỡ, não phát triển hơn và to ra nhiều. Bé có thể khóc. Bé biết đau, biết phân biệt sáng tối. Bé đã nghe, thậm chí có thể nhận biết được giọng nói của bố mẹ mình. Bé hiếu động hơn trước. Bố bé có thể cảm nhận được những cử động của bé khi đặt tay lên bụng mẹ bé. Điều này làm cho nhiều ông bố vô cùng sung sướng.
"Đến tháng thứ bảy, thứ tám, nó đạp ghê lắm. Nó đạp suốt ngày, con gái mà nghịch lắm. Tối tối về nhà là nghe nó đạp. Hễ vợ kêu: "ới anh ơi con đạp" thì bố lại ra: "Đâu nào, để xem nó đạp nào".
(Bình, 30 tuổi)
Cuối tháng thứ tám, mắt bé đã nhìn được. Các hệ sinh lý đã phát triển, chỉ có phổi là còn non.
Đến tháng thứ chín, bé nằm chật buồng tử cung. Bé đã sẵn sàng để chào đời: phổi hoàn thiện, lông tơ biến đi gần hết, hai tinh hoàn hiện ra nếu là bé trai. Đa số các em bé đến tuần thứ 32-36 đã ở vị trí đầu chúc xuống dưới, một số bé về vị trí này vài ngày trước khi sinh. Khi đầu đã chúc xuống khung chậu, bé có thể không còn "ngọ nguậy" mãnh liệt như trước.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ Bé
Trong ba tháng cuối, bạn tăng khoảng 5-6 kg. Bụng cứng, tử cung lớn và nặng. Vì sức ép của tử cung, bạn có thể tức bụng, đau lưng, giãn tĩnh mạch chân và hậu môn. Bạn có thể khó thở, các vấn đề về tiêu hoá có thể tăng lên. Chân bạn dễ bị chuột rút.
Mạch đập nhanh hơn. Vào khoảng tuần thứ 30, tim sẽ bơm máu vất vả nhất. Bạn có thể bị phù ở mắt cá và bàn chân do cơ thể tăng giữ nước. Bao thay đổi của cơ thể và sự lo lắng khiến bạn có những lúc khó ngủ.
Vài tuần trước khi sinh, bé chuyển vị trí, hạ xuống sàn chậu, không còn ép vào phổi và dạ dày, nhưng lại ép lên ruột và bàng quang. Bạn thấy dễ thở hơn. Có thể bạn ăn ngon miệng hơn, cũng có thể khó ăn vì hoạt động của ruột bị hạn chế. Bạn hay mót tiểu (có khi cả lúc không cần đi). Bạn cảm thấy vụng về khi đi đứng, có thể khó chịu hoặc đau do sức ép của đầu bé. Về cuối thai kỳ, tử cung có những cơn co nhẹ, là sự tập luyện, chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ sắp tới.
(Theo Vnexpress.net)
Phụ nữ có thai nên ăn uống như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của bào thai, khả năng tạo sữa, sự phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ sau này. Vì thế, người mẹ cần ăn nhiều hơn bình thường và chú trọng các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Tăng thêm năng lượng: người mang thai có nhu cầu năng lượng cao, đặc biệt là 3 tháng cuối. Nếu phụ nữ tuổi sinh đẻ cần 2.200 kcal/ngày thì thai phụ ở 3 tháng cuối cần thêm 350 kcal.
Bổ sung chất đạm và chất béo: cần tăng thêm 15 g chất đạm/ngày, chất béo phải chiếm 20% tổng năng lượng. Sử dụng chất đạm động vật như: sữa, thịt, trứng, thủy sản tôm, cua, cá, ốc... và các loại đạm thực vật có trong đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc.
Bổ sung các chất khoáng:
- Sắt: tình trạng thiếu sắt ảnh hưởng xấu đến sự tăng trọng của mẹ trong thời gian mang thai và cân nặng của trẻ sơ sinh, kèm theo những biến chứng sản khoa. Nên bổ sung 60 mg sắt/ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau đẻ 1 tháng. Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại và vừng lạc.
- Tổng lượng canxi tích trữ trong thời gian mang thai là gần 30 g, gần tương ứng với lượng cần thiết để tạo bộ xương cho thai nhi trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Cần 800-1.000 mg canxi/ngày trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, các loại rau xanh và sữa.
- Kẽm: thiếu kẽm là nguyên nhân gây vô sinh, sẩy thai, sinh non và sinh già tháng, chết gần ngày sinh và sinh không bình thường. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Lượng kẽm cần thiết là 15 mg/ngày.
- Iốt: thiếu iốt trong thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn, hoặc bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc câm, mắt lác. Cần dùng 175-200 mcg iốt/ngày. Sử dụng muối, bột canh có iốt và những thức ăn từ biển (cá, sò, rong biển).
Bổ sung các vitamin:
- Axit folic: thiếu axit folic sẽ dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Axit folic có vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai để hạn chế những khiếm khuyết của ống thần kinh. Nên bổ sung 300-400 mcg acid folic/ngày. Nguồn của acid folic là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Vitamin A: đối với người có tình trạng dinh dưỡng tốt, không cần gia tăng về vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Trong thời gian mang thai cần đảm bảo đủ nhu cầu 600 mcg/ngày. Sữa, gan, trứng... là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng được hấp thu và dự trữ.
Tất cả các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ... là những thức ăn có nhiều caroten còn gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
- Vitamin D: giúp cho sự hấp thu các khoáng chất như canxi, phốtpho. Nếu mẹ thiếu vitamin D, lượng canxi chỉ được hấp thu khoảng 20%, gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp liền lâu. Cần bổ sung vitamin D 10 mcg/ngày và dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời càng nhiều. Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như: phomat, cá, trứng, sữa.
Để dự phòng còi xương cho con nên uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000 UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000 UI.
- Vitamin B1: ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc, nhất là đậu đỗ để bổ sung đủ chất vitamin B1 cho cơ thể và chống bệnh tê phù. Nhu cầu vitamin B1 là 1,1 mg/ngày.
- Vitamin B2: có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu, bia. Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng giảm đi nhiều qua quá trình xay xát. Nhu cầu là 1,5 mg/ngày.
- Vitamin C: có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng. Vitamin C cần thiết hàng ngày cho phụ nữ có thai là 80 mg và bà mẹ cho con bú là 100 mg.
Một số lưu ý trong quá trình mang thai:
- Không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá...
- Giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, giấm, tỏi.
- Nên ăn nhạt, bớt muối, nhất là các bà mẹ bị phù thận, để giảm phù và tránh tai biến khi đẻ.
- Tránh dùng các thuốc kháng sinh như tetraxyclin làm hỏng răng, streptomyxin gây ù tai, nghễnh ngãng.
(Nguồn: Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống)
"Vượt qua"... ốm nghén
Written by Tuổi trẻ
Jul 28, 2007 at 02:11 PM
Đa số phụ nữ khi mang thai đều xuất hiện triệu chứng này. Các biểu hiện của nghén thường là: Buồn nôn, thay đổi sở thích ăn uống, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu... Bạn đang mang thai và rất khó chịu với chứng ốm nghén?
Các chuyên gia ở Hiệp hội bác sĩ gia đình Hoa Kỳ đưa ra một số lời khuyên giúp thai phụ vượt qua chứng ốm nghén gây khó chịu cho hầu hết các thai phụ này:
- Chia các bữa ăn chính thành những bữa ăn nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày. Cách ăn này giúp bạn không bao giờ cảm thấy quá no hoặc quá đói.
- Tránh xa những thức ăn giàu, nhiều chất béo.
- Không dùng những thức ăn mà mùi của nó làm bạn thấy khó chịu.
- Ăn nhiều hydratcarbon
- Khi bạn cảm thấy có mùi tanh, gây buồn nôn thì nên dùng những thức ăn mặn hoặc những thức ăn nhạt.
- Một số thai phụ cảm thấy phiền muộn, lo lắng vì thiếu sắt, vitamin trong giai đoạn trước khi sinh. Nếu bạn cũng nghĩ đó là nguyên nhân dẫn đến ốm nghén thì có thể trao đổi với bác sĩ của bạn về việc thay đổi vitamin.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tự mình giảm bớt những khó chịu do ốm nghén gây ra bằng việc dùng nước luộc gà, nước gừng, trà thảo mộc.
9 tháng 10 ngày
Written by BBC
Jul 12, 2007 at 02:17 PM
Hồi hộp, háo hứng, mong ngóng sẽ giúp bạn vượt qua những mệt mỏi trong suốt giai đoạn thai nghén. Nào, hãy cùng khám phá thế giới bí ẩn vô cùng đáng yêu trong chính cơ thể của bạn nhé!
Tuần 1 - 4
Quá trình thụ thai đã diễn ra và một quả bóng bé xíu xiu, tập hợp của các tế bào đang không ngừng phân chia và bám chắc vào dạ con.
Quá trình thụ thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối vì vậy trong vòng 3 tuần đầu tiên, người phụ nữ có thể chưa thực sự mang thai.
Tuần 5
Khối tế bào lớn rất nhanh và trở thành một phôi mầm. Đối với những chị em có chu kỳ đều đặn, dấu hiệu đầu tiên của quá trình mang thai chính là "đến tháng mà không thấy".
Que thử nhanh sẽ cho bạn biết chính xác những nghi ngờ của mình. Nếu que thử không lên 2 vạch, bạn có thể thử lại một vài ngày sau đó khi lượng hormone thai nghén trong nước tiểu tăng lên.
Tuần 6
Phôi mầm lúc này đã trở thành một bào thai thực sự. Nó có cỡ một hạt đậu với xương sống và hệ thần kinh nguyên thủy đã hình thành.
Bào thai đã có một hệ huyết mạch riêng và có thể thuộc một nhóm máu khác với nhóm máu của mẹ. Những mạch máu sẽ trở thành dây cuống rốn và trên phôi mầm những chiếc chồi bé xíu bắt đầu "nảy ra" (khởi thủy của các chi - chân, tay - sau này).
Tuần 7
Trái tim của bé bắt đầu tượng hình.
Ốm nghén vào buổi sáng và một số ảnh hưởng khác của giai đoạn đầu thai kỳ bắt đầu rõ ràng.
Nhìn chung trong giai đoạn này, các bà mẹ tương lai thường đi tiểu nhiều hơn, hay buồn nôn, nôn ói, dễ khóc và hay cáu kỉnh.
Đây cũng là thời điểm các bà mẹ cần được chăm sóc cẩn thận bởi bào thai sẽ tiếp tục phát triển hay không chính là ở trong 12 tuần đầu tiên.
Nếu bạn chưa nói với sếp và mọi người về tình trạng của mình thì đây chính là thời điểm tốt để nhận được sự giúp đỡ và thông cảm từ mọi người.
Tuần 8
Đây là thời điểm bạn có thể đi siêu âm lần đầu nếu bạn từng bị sẩy thai hay chảy máu bất thường.
Kỹ thuật siêu âm lần đầu này thường là dạng "đầu rò" (thiết bị siêu âm qua đường âm đạo) sẽ giúp phát hiện quá trình "làm tổ" có bị lệch vị trí hay không.
Đây cũng là thời điểm trái tim bé nhỏ của bé bắt đầu rộn ràng cất tiếng. Hệ thần kinh phát triển rất nhanh, đặc biệt là não bộ. Đầu lớn dần và mắt đang hình thành dưới da mặt. Tứ chi của bào thai đang phát triển không ngừng và đã ra dáng những bàn chân, bàn tay bé xíu. Tất cả các cơ quan nội tạng cũng đang phát triển và ngày càng phức tạp hơn.
Tuần 9
Bào thai dài khoảng 5cm với phần đầu và ngực phân chia bởi một nếp gấp. Những cơ quan lớn, mắt và tai đều đang phát triển.
Tuần 10
Siêu âm trong giai đoạn tuần 10 - 13 là yêu cầu bắt buộc của quá trình theo dõi thai kỳ.
Tuần 11
Cuống rốn đã có thể thực hiện hoàn chỉnh vai trò của nó là cung cấp dưỡng chất và "dẫn xuất" các chất thải loại ra khỏi bào thai. Thai nhi lúc này thực sự có hình dáng của một con người.
Tuần 12
Tuần này, mọi đe dọa sẩy thai đã được giảm thiểu. Đây là lúc nhiều phụ nữ vui mừng thông báo "tin vui" với bạn bè và đồng nghiệp.
Thai nhi lớn rất nhanh với chiều dài khoảng 8cm, nặng 60gr. Nhau thai lúc này đã khá hoàn chỉnh nhưng nó sẽ chỉ thực hiện được đầy đủ chức năng của mình ở tuần 14.
Đây cũng là thời điểm thích hợp để bà mẹ tương lai có thể nhìn ngắm lần đầu tiên đứa con yêu quý của mình qua màn hình siêu âm.
Tuần 13
Tử cung của người mẹ trở nên lớn hơn và bụng bắt đầu lộ.
Thai nhi đã có thể "ngoáy ngó" đầu rất dễ dàng.
Tuần 14
Một phần 3 chặng đường gian nan đã qua. Thời gian mang thai trung bình là 266 hoặc 280 ngày (phụ thuộc vào cách tính ngày đầu hay cuối chu kỳ kinh).
Tuần 15
Khuyết tật bị hội chứng Down sẽ được phát hiện trong tuần này. Xét nghiệm máu và "chọc ối" sẽ cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, những xét nghiệm chẩm đoán này có thể gây ra sẩy thai sau đó.
Tuần 16
Thai nhi giờ đã có các ngón chân và móng tay, có mi mắt và lông mày. Toàn bộ người bé lúc này xuất hiện một lớp lông tơ và nó sẽ phát triển tới tận tuần cuối cùng trước khi chào đời (đây được xem là dấu vết còn sót lại của thủy tổ loài người). Lớp lông tơ này có tác dụng bảo vệ làn da mỏng manh của bé khỏi môi trường nước ối xung quanh.
Tuần 17
Bào thai đã có thể "nghe ngóng" tiếng động từ thế giới bên ngoài. Đây cũng là thời điểm người mẹ đã ra dáng một bà bầu với cái bụng bầu không ngừng lớn lên.
Tuần 18
Tuần mà bào thai bắt đầu thể hiện sự "hiếu động" của mình. Người mẹ cảm nhận rất rõ những chuyển động của bé.
Tuần 19
Bào thai lúc này dài khoảng 15 - 20cm và nặng khoảng 300g. Những chiếc răng sữa đầu tiên đang hình thành dưới lợi.
Tuần 20
Một nửa giai đoạn "trông ngóng" đã trôi qua. Đây cũng là thời điểm các bác sĩ hẹn các bà mẹ tới khám và siêu âm định kỳ.
Toàn cơ thể bé lúc này sẽ phủ một lớp sáp mỏng (còn gọi là chất gây) giúp bảo vệ làn da của bé khỏi môi trường nước ối hiệu quả hơn.
Siêu âm lúc này cũng cho biết chính xác giới tính của bé. Tuy nhiên, tại tất cả các bệnh viện, các bác sĩ không được phép tiết lộ giới tính của thai nhi.
Tuần 21
Bà mẹ có thể cảm thấy thở gấp hơn vì tử cung lúc này đang chèn ép cơ hoành, "xâm lấn" không gian của phổi.
Bà mẹ cũng có thể đi siêu âm trong thời gian này để kiểm tra nội tạng và sự phát triển của bé.
Tuần 22
Sự phát triển của các giác quan: Vị giác được hình thành với sự "nảy chồi" của lưỡi và thai nhi có thể cảm nhận được qua sự đụng chạm.
Tuần 23
Khung xương tiếp tục phát triển và xương sọ bắt đầu cứng lại nhưng chưa hoàn chỉnh (thóp sau này).
Tuần 24
Khám thai và siêu âm để kiểm tra vị trí của thai nhi. Nếu vì một lý do nào đó, bé "đòi" chui ra trong thời điểm này thì cơ hội sống sót là khá lớn.
Một đứa trẻ 24 tuần tuổi có thể cứu sống nhưng nó có thể gặp vấn đề về hô hấp sau này. Nó cũng sẽ rất nhẹ cân và dễ bị nhiễm khuẩn.
Tuần 25
Tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đã hoàn chỉnh và đây là giai đoạn phát triển chiều cao và cân nặng của thai nhi.
Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng thai sản do huyết áp tăng cao. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nhưng có thể liên quan tới phản ứng của hệ miễn dịch của người mẹ với "vật thể lạ" (thai nhi) hoặc nhau thai. Nếu tình trạng trầm trọng, các bà bầu sẽ được chỉ định mổ đẻ để cứu mẹ.
Tuần 26
Da dẻ của thai nhi sẽ không còn trong suốt nữa mà ngày càng "đục" dần (không còn nhìn thấy các mạch máu nhỏ dưới da), giống với tình trạng khi bé được sinh ra.
Tuần 27
Lúc này, thai nhi dài khoảng 34cm và nặng khoảng 800g.
Tuần 28
Đi khám thai định kỳ.
Đối với một số bà mẹ trong máu có kháng nguyên Rh(-) (giống hồng cầu của khỉ) thì cần được xét nghiệm bởi hồng cầu của bào thai sẽ là Rh(+) kích thích cơ thể mẹ sản xuất kháng thể anti Rh, lần có thai đầu ít có tai biến cho thai nhi, nhưng lần sau, nếu thai vẫn là Rh(+) kháng thể anti Rh sẽ từ mẹ truyền qua con theo đường nhau thai và làm ngưng kết hồng cầu của thai. Tùy theo mức độ ngưng kết đưa đến sẩy thai hay thai chết.
Tuần 29
Một số phụ nữ bị chứng chân tê tê buồn buồn (có cảm giác như có con gì bò trong chân, thậm chí bị chuột rút hay nóng ở gót chân hoặc khó ngủ vào buổi tối và khiến người mẹ có cảm giác họ cần phải thức dậy và đi loanh quanh). Hiện chưa rõ chứng này có gây hại gì không nhưng rõ ràng nó làm các bà bầu rất khó chịu.
Tuần 30
Bạn có thể cảm nhận hoặc không cảm nhận được các cơn co dạ con nhẹ nhẹ bắt đầu ở thời điểm này. Tất nhiên là các cơn co này không làm bạn đau đớn.
Những cơn co này không tuân theo quy luật, không gây đau. Vậy nên nếu các cơn co dạ con gây đau và diễn ra từ 4 lần/giờ trở lên thì bạn cần đến bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu của chuyển dạ sớm.
Tuần 31
Thai nhi đã có thể nhìn và phân biệt được sáng tối.
Ngực của bạn giờ tiết ra một chất lỏng trong trong, dinh dính - đó chính là sữa non. Nguồn dinh dưỡng giàu calo này rất quý giá với bé và sẽ sớm chấm dứt, chuyển sang sữa bình thường chỉ vài ngày sau khi bé chào đời.
Tuần 32
Lúc này thai nhi dài khoảng 42cm và nặng 2,2kg. Nếu bé chào đời lúc này, bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuần 33
Từ bây giờ, bé đã nằm ổn định ở vị trí đầu chúc xuống dưới, sẵn sàng để chào đời. Nếu bé vẫn chưa xoay đúng thế thì đây là lúc các bác sĩ sẽ giúp bạn "vần" bé về đúng vị trí.
Tuần 34
Người mẹ có cảm giác ăn nhanh no hơn do bào thai chèn ép dạ dày. Tốt nhất hãy ăn thành nhiều bữa, bất cứ khi nào bạn thấy đói.
Tuần 35
Đây là thời điểm tốt nhất đểu thảo luận với bác sĩ nếu người mẹ có kế hoạch sinh mổ.
Tuần 36
Đầu bé đã sẵn sàng để "lọt" xuống khung xương chậu bất cứ khi nào.
Tuần 37
Phổi của bé giờ đã sẵn sàng để bé trở thành một cá thể độc lập.
Những tuần cuối cùng của thai kỳ là thời điểm bé đang tập trung để tăng trưởng về trọng lượng.
Tuần 38
Bé sinh ra trong tuần này không còn bị xếp vào diện "đẻ non" nữa.
Tuần 39
Mọi thay đổi về dáng vẻ và trọng lượng của mẹ sẽ kết thúc trong tuần này.
Tuần 40
Về lý thuyết, bé sẽ chào đời trong tuần này. Cổ tử cung của người mẹ đã sẵn sàng cho việc sinh bé khi nó trở nên mềm hơn.
Tuần 41
Đây là giới hạn cuối cùng cho những bé bướng bỉnh, không chịu chui ra.
________________________________________Nguồn: Dân trí
Buồn Nôn và Ói Mửa
Written by Bác Sĩ Sản Phụ - Thomas Tri Quach, M.D
Jun 21, 2007 at 12:08 AM
Buồn nôn và ói mửa trong thời kỳ đầu thai nghén được gọi là bệnh buổi sáng (morning sickness). Điều này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong ngày. Thông thường thì bị giữa tuần lễ thứ 6 và thứ 13 của thời kỳ thai nghén. Nếu quý vị có sức khỏe tốt trước thời kỳ thai nghén, trẻ của quý vị sẽ không bị ảnh hưởng của bệnh buổi sáng này.
Nếu quý vị bị bệnh buổi sáng thì nên:
Nghỉ ngơi hay ngủ ngày thường hơn.
Ăn từng bữa ăn nhỏ thường hơn để tránh bị bụng đói. Để bánh mì nướng, bánh mặn, bánh mì pretzel hay ngũ cốc khô cạnh giường ngủ. Như vậy thì quý vị có thể ăn trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng.
Uống nước giữa các bữa ăn, nhưng không uống trong lúc ăn.
Uống từng ngụm nước trong, như thạch jell-o, nước giải khát, nước táo, trà hay nước luộc, khi bị ói mửa. Khi cơn buồn nôn qua đi, tăng cường lượng nước đến ½ tách hay 120 mililít mỗi giờ.
Tránh các thực phẩm có dầu mỡ hay có nhiều gia vị.
Ghi xuống khi nào bị ói mửa và những gì làm cho mình bị nặng hơn, như một vài loại thực phẩm, mùi vị, sinh hoạt hay tinh thần căng thẳng. Cho bác sĩ biết thông tin này.
Gọi ngay cho bác sĩ nếu quý vị:
Không thể giữ lại nước hay thực phẩm trong bao tử trong 24 giờ.
Đau bao tử, sốt, chóng mặt, yếu đi nghiêm trọng hay cảm thấy như bị ngất xỉu.
Giảm cân hơn 5-10 cân Anh hay 2-5 kí lô.
Có nước tiểu màu vàng đậm hay không đi tiểu trong thời gian dài.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể quý vị không có đủ chất lỏng. Điều này có thể nguy hại cho cả quý vị và trẻ của quý vị nếu không được chữa trị.
Có thể cần phải cho chất lỏng và chất dinh dưỡng vào tĩnh mạch (IV). Bác sĩ có thể cho dùng thuốc mua tự do hay theo toa.
Bàn với bác sĩ hay y tá nếu quý vị có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào.
Mọi thông tin trên website đều mang tính chất tham khảo chứ không chẩn đoán hay điều trị bệnh. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khoẻ, bạn nên liên lạc trực tiếp với các bác sĩ của bạn để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.
________________________________________
Nguồn: Bác sĩ sản phụ
Sưu tầm: Thu Hiền
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top