Lối Đi Của Nắng
Ngọc là bạn học cùng lớp với Nguyên và ở gần nhà Nguyên nhất. Từ tiệm hớt tóc đầu đường tới nhà Ngọc khoảng hơn năm mươi mét, Ngọc đến trường qua nhà Nguyên hay đi qua rạp hát Cao Đồng Hưng thì có thể nói hai quãng đường đó dài như nhau. Ngựơc lại nếu đi qua nhà Ngọc để đến trường có lẽ Nguyên đã mua đến ba, bốn lần đường. Tuy vậy, đi chung với Ngọc vui hơn nên Nguyên chẳng ngại gì đường đất, ngày nào cũng đánh một vòng qua nhà Ngọc để đi học chung.
Không những chỉ ngày đi học, ngay cả Chủ nhật Nguyên cũng hay sang nhà Ngọc để cùng đi nhà thờ với nhau. Đôi khi ở nhà thờ về, Nguyên ở lại nhà Ngọc chơi tới trưa mới về. Ngọc có một người anh họ học chung lớp, cũng thường đến chơi ngày chủ nhật, nên nhiều khi bộ ba rủ thêm một bạn nữa là có đủ 4 tay chơi đá banh bàn ngay dưới mái hiên nhà Ngọc.
Mấy Chủ nhật liên tiếp, Nguyên sang nhà Ngọc ở lì ra vì Nguyên không biết làm gì cho hết giờ. Trước đây Nguyên còn để giờ với Ánh, nhưng nay giờ đó Nguyên làm bài nên cuối tuần càng rảnh hơn. Mấy năm trước hễ cuối tuần cả gia đình đi thăm nhạc gia của ông Đức là Nguyên cùng đi, nhưng sau này Nguyên lớn hơn và xe không đủ chỗ nên ông bà Đức bảo Nguyên ở nhà. Mỗi lần như vậy bà Đức đưa tiền cho Nguyên bảo trưa đi ăn phở rồi đi xi-nê vì không có ngưòi nấu cho ăn, những lần như vậy Nguyên chạy đi ăn mì hay ăn phở buổi trưa rồi lại trở về nhà Ngọc.
Nhà Ngọc ở cao hơn mặt đường rất nhiều, từ mặt đường phải lên một số bậc đá, qua một sân rộng rồi mới đến hàng hiên nhà. Sân trước nhà Ngọc trồng hoa, vài cây na và một cây "xa-pô-chê" khá lớn, Ngọc bảo mấy cây trước sân có lẽ có từ lâu đời lắm vì khi gia đình Ngọc dọn đến đã có chúng rồi. Ngọc có hai người em gái, cô Đào và cô Hương, Đào kém Nguyên hai tuổi và Hương kém Nguyên 3 tuổi. Đôi khi không đủ tay chơi banh bàn, một trong hai cô cùng chơi cho đủ cặp. Những lần như thế Nguyên thích cặp 'bồ' với Hương hơn vì cô rất nhanh tay và không e dè, ngại ngùng như Đào.
Có những lần chán đá banh bàn, hai phe ra ngồi bậc đá trước sân chơi bài cào qua số đăng bộ xe chạy qua. Hôm nay, sau một chầu độ nước chanh muối, cả đám ra ngồi nghỉ và đánh bài cào. Trong lúc đợi xe đi qua, Nguyên lơ đãng nhìn những giọt nắng chảy qua đám lá, vờn vã với những đóa hoa thược dược đang lơ lửng trong gió. Đào bỗng nói với Nguyên:
- Eo ơi, anh Nguyên già rồi, có tóc trắng trên đầu rồi nè.
Nguyên đưa tay vuốt đầu, nói đuà.
- Chắc cũng gìa thiệt, tại lo lắng nhiều quá.
Đào bảo để Đào nhổ đi cho, Nguyên nghiêng đầu cho Đào nhổ sợi tóc trắng. Nguyên cám ơn, nói:
- May mà mới có một sợi, nhiều chắc ra đường người ta tưởng là ông già thì chết.
Nói đến đấy Nguyên chợt nhớ tới một người bạn, anh ta ở Giồng Ông Tố và chỉ trạc tuổi Nguyên nhưng đầu tóc trắng xóa như người ngoài ngũ tuần nên các bạn gán cho cái tên là Ông Già. Đào lấy tay bới trên đầu Nguyên như tìm xem có thêm sợi tóc bạc nào không. Bàn tay Đào thật êm dịu và nhẹ nhàng, Nguyên ước mong nếu được bàn tay nhẹ nhàn ấy vuốt tóc cho hàng ngày thì thú biết mấy. Nghĩ đến đấy Nguyên cảm thấy hổ thẹn cho chính mình vì từ ngày chơi với Ngọc đến nay Nguyên vẫn coi Đào và Hương như em mình và nếu đã coi hai cô như em Nguyên không có quyền nghĩ bậy bạ như vậy.
- Đào thấy còn sợi nào không? Nguyên hỏi.
- Chắc hết rồi, may mà anh chỉ có một sợi thôi.
Sau vài "ván" bài cào, Nguyên nói với Ngọc là phải về. Qua tiệm hớt tóc thấy có khách đang hớt nên Nguyên chào ông chủ tiệm rồi đi về nhưng chưa được mười bước thì Nguyên chợt đứng khựng lại. Ánh đang ở trước mặt và đang dọn đồ từ trên xe vào nhà, Nguyên đi tới vài bước nữa mới nhận ra người trước mặt không phải là Ánh, đó là người trong một gia đình đang dọn vào. Thế là xóm có thêm một gia đình mới, nhưng gia đình cũ rời đi hồi nào mà Nguyên không biết mặc dù hầu như ngày nào cũng đi qua nhà này.
Nguyên đi qua và nhìn thật nhanh người con gái mới đến một lần nữa, ở trên đời này sao lại có người giống người thế, người mới đến có thể là lớn hơn Ánh một chút nhưng nếu hai người đi với nhau người ta có thể lầm là chị em sinh đôi. Với vóc dáng ấy, chỉ khác mái tóc, người mới đến có tóc hơi nhạt một chút, không đen bằng tóc Ánh.
Về đến nhà, Nguyên còn đứng ngoài hàng hiên, chống tay hướng về phía nhà có gia đình mới đến. Nguyên nhớ đến Ánh, phải chi gia đình kia dọn đến ở nhà bà Đàm thì biết đâu Nguyên lại chẳng có cơ hội nói chuyện với cô hàng xóm để được nghĩ, để được nhớ đến Ánh. Như vậy thì thật không công bằng chút nào hết, nhìn một người để nghĩ về một người khác là chuyện thiếu đứng đắn và chân thật. Nhưng nếu có một lý do nào đó làm cho Nguyên cảm thấy được liên lệ, được gẫn gũi với Ánh là được rồi.
images/news/Image/2010/05/26/4.-Nang-chieu---Tuyet-Minh.jpg
Hôm sau, khi đi ngang qua nhà mới đến, Nguyên đã không cầm được lòng, liếc trộm vào phía trong nhà. Nhà mới dọn có khác, đồ đạc còn chất ra tới tận cửa. Trên suốt quãng đường dến trường Nguyên nghĩ mông lung. Rồi đây cô mới đến sẽ phải đi học, không biết cô sẽ đi về hướng nào, nếu đi về cùng hướng với Nguyên chắc Nguyên sẽ phải đi trước để đón đường, thế cũng tiện vì Nguyên chỉ việc đứng trước nhà Ngọc đợi bạn là xong. Còn ngược lại, nếu cô đi ngược về hướng nhà Nguyên ở có thể Nguyên phải đổi hướng đi một thời gian, làm thế nào để giải thích cho Ngọc biết đây nếu chuyện đó xảy ra.
Ba buổi sáng liên tiếp, đi ngang qua nhà mới đến là Nguyên không cầm được lòng, thế nào cũng phải liếc vào một chút. Hôm nay chủ nhật, như thông lệ, Nguyên cùng Ngọc đi nhà thờ rồi hai đứa trở về nhà Ngọc đá banh bàn. Mới đá được một đợt, Đào từ trong nhà ra hỏi Nguyên:
- Anh Nguyên mới có thêm hàng xóm phải không?
Lạ thật, sao Đào biết mà lại hỏi Nguyên cắc cớ như vậy. Nguyên giả bộ ầm ừ:
- Hình như có người mới dọn đến, mà sao Đào biết?
- Có hai chuyện khiến Đào biết: một là nghe Liên nói hai là Đào đã gặp chị ấy và chị ấy sẽ học cùng trường với Đào.
Đào nói là chị ấy ắt cô hàng xóm mới phải lớn hơn Đào và Liên. Trường Đào học chỉ là trường đệ nhất cấp, như vậy cô ấy chỉ tới mức đệ tứ là hết, điều này làm cho Nguyên yên tâm vì năm nay Nguyên cũng đang học đệ tứ. Và nếu cô hàng xóm cũng học đệ tứ, trong xóm chỉ có hai đứa học cùng cấp lớp lại càng dễ có lý do để nói chuyện hơn.
Liên và Đào học chung lớp, cả hai không thân nhau lắm nên mặc dù ngày nào Liên cũng phải đi qua nhà Đào để đến trường nhưng họ chưa hề đi chung với nhau. Không thân nhau mà tại sao có người mới đến mà Liên đã nói ngay với Đào?
Quả nhiên hôm sau thứ Hai, "cô hàng xóm mới" đi qua nhà Ngọc trên đường đến trường trong lúc Nguyên còn đang đứng đợi Ngọc đi học. Ánh nắng nhạt buổi sáng chiếu chênh chếch trên mái tóc hơi hung hung của cô làm Nguyên nhớ đến ngày nào khi Nguyên lặnh ngắm nhìn Ánh. Ở đâu ra mà có người giống người vậy? Nhìn theo cô mới đến đi qua, Nguyên thấy thực ra Ánh và cô mới đến có một vài điểm khác nhau, dáng Ánh có lẽ nhỏ hơn và nhờ nhận ra như vậy Nguyên đỡ hồi hộp hơn.
Thông thường khi về học Nguyên không về cùng với Ngọc như lúc đi. Sau những giờ học, Nguyên muốn nhanh chân về nhà, về cùng đường với Ngọc sẽ lâu đến gấp ba hay bốn lần. Hôm nay khi tan trường, Nguyên làm bộ hỏi Ngọc vài chuyện để về cùng đường. Về đến nhà Ngọc, Nguyên còn kéo dài thời gian hỏi thêm ít chuyện về môn Vật lý ngày hôm đó vì theo Nguyên tính: nếu cô mới đến tan học cùng giờ với Nguyên thì giờ này cô chưa thể về qua nhà Ngọc được, ít nhất là 5 phút sau.
Quả nhiên sự tính toán của Nguyên khá chính xác, cô mới đến và cả Liên nữa đang cùng đi về với nhau. Khi hai người đi qua, Nguyên giả vờ như không thấy, đợi hai cô đi chừng vài chục bước Nguyên mới rời Ngọc ra về. Đi sau hai người, Nguyên để ý kỹ thêm một chút nhưng vẫn quả quyết một Ánh thứ hai đang đi trước mặt Nguyên.
Đến nhà "cô mới đến", Liên dừng lại nói chuyện gì đó, đúng lúc Nguyên đi qua cũng là lúc Liên từ giã người bạn mới ra về, nên Nguyên và Liên như cùng đi với nhau.
- Người giống người nhỉ! Liên nói đủ cho Nguyên nghe thấy.
Nguyên giật mình, lặng thinh. Không ngờ cô bé này ranh mãnh thật, không ngờ Liên đã đi thấu trong tim Nguyên. Nguyên đi nhanh hơn một chút nhưng hai người cùng vào hai nhà một lúc. Nguyên mạnh dạn hỏi Liên:
- À Liên này, cái cô mới đến học cùng trường với Liên hả?
- Phải, có sao không?
Bao giờ cũng vậy, Liên nói với Nguyên thường là rất trống không. Nguyên trả lời:
- Không sao, muốn biết vậy thôi.
- Muốn biết tôi cho biết thêm luôn, chị ấy tên Kim, học đệ tứ trường tôi.
Nguyên cám ơn Liên trước khi vào nhà. Trong giờ cơm Nguyên ăn rất nhanh, lấy cớ là bận phải coi bài ngay sợ quên lời thầy giảng nên lên gác nằm lên giường với cuốn sách. Một tia nắng rọi thẳng vào trang giấy, quái lạ sao lại có nắng ở đây?
Thực ra tia nắng ấy đã có từ lâu, mấy năm nay rồi. Khi căn nhà lá được ông bà Đức sửa chữa lại ngay năm sau đó đã trở thành căn nhà tôn. Ngoài số tôn mới ông Đức còn mua một ít tôn cũ lợp phía sau để tiết kiệm một ít tiền. Tôn cũ đã lợp một lần, tuy có dấu đinh nhưng lợp ngược sóng là xong, không sợ dột. Một số lỗ đinh đã được trám lại nhưng vẫn còn nhiều lỗ không cần trám.
Tia nắng vờn lượn trên trang giấy mỗi khi Nguyên xê dịch cuốn sách hay mở qua trang khác. Ánh sáng phản chiếu hơi gắt vào mặt Nguyên, bình thường Nguyên đã rời đi ngay nhưng hôm nay không hiểu tại sao Nguyên muốn đùa giỡn với tia nắng như là một khám phá mới. Nguyên nhìn ngược lên mái tôn, tia sáng từ lỗ đinh chảy dài xuống cho Nguyên thấy hàng vạn, hàng triệu hạt bụi thật nhỏ bay lượn trong không gian. Trong một căn phòng nhỏ, tương đối kín như thế này mà lượng bụi còn lớn như thế chắc ngoài đường, bụi và khói xe đã chiếm hết những lít không khí mà con người hít vào phổi.
Nguyên xuống nhà, từ ngày các em lớn lên Nguyên được miễn việc rửa chén nhưng bù lại số "học sinh tại gia" đông hơn. Năm nay là năm thi của Nguyên nên ông Đức chia nhiệm vụ lại, Nguyên hướng dẫn bài vở cho hai con lớn của ông và hai đứa lớn ấy phải thay nhau hướng dẫn bài vở các em. Lối làm việc dây chuyền này rất phổ thông và hiệu quả trong biết bao nhiêu gia đình ở Việt nam
Chiều xuống, Nguyên ra trước cửa đứng. Từ ngày Ánh về Đà Nẵng có khi cả tuần Nguyên không ra đứng trước cửa. Ngày xưa, những chiều đứng trước cửa Nguyên cảm thấy thú vị và có ý nghĩa, nhưng nay thật vô vị, chỉ có xe cộ và người qua lại. Hôm nay không hiểu động lực nào đã mang Nguyên ra đứng đây, để nhớ lại những chiều có Ánh hay để có cơ hội nhìn thấy Kim, một Ánh thứ hai, có thể vì chuyện này hay chuyện kia mà Nguyên không thể nhận biết được.
- Gớm, lâu lắm mới thấy đứng đây.
Nguyên giật mình, thì ra Liên vẫn để ý đến Nguyên và coi bộ cô hàng xóm ranh mãnh này không tha cho Nguyên, có lẽ để trả thù, để trừng phạt cái tội Nguyên không hề để ý đến cô nàng chăng. Mà lạ thật, một thiếu nữ phải nói là sắc nước hương trời, ngay bên cạnh mà không làm cho Nguyên rung động hoặc chạnh lòng. Cảm tình với Liên thì không mà ghét Liên cũng không được vì Liên chưa làm gì đến độ Nguyên phải ghét.
- À, năm nay bận học thi nên ít ra đây.
- Vậy mấy tháng trước có phải là năm học này không?
Ghê thật, như thế Liên không phải là tay vừa, loạng quạng coi chừng chết với cô bé thôi. Nguyên chống đỡ:
- Nhưng càng ngày càng gần cuối năm hơn nên cần phải chú tâm hơn.
Rồi như để trả thù, Nguyên hỏi lại Liên:
- Bộ Liên hay đứng đó lắm sao mà biết tôi độ rày ít đứng đây?
Nguyên nghĩ: vỏ quít dày cần phải có móng tay nhọn mới được, vả lại một trái quít như Liên chưa chắc Nguyên đã phải dùng đến móng tay nhọn. Thêm vào đó Nguyên cũng cần phải lấy cảm tình của Liên vì chỉ có Liên và qua Liên, Nguyên mới có hy vọng biết tin tức Ánh. Phải chi Nguyên và Ánh lớn hơn vài tuổi nữa Nguyên sẽ hỏi thẳng bà Đàm, chẳng cần đến Liên. Nhưng ngay bây giờ Nguyên có thể hỏi bà Đàm cũng được, cứ như là hỏi thăm bà Hằng, dù sao cũng là chỗ quen biết, vả lại Nguyên đã từng giúp hai bà và với tình thân ấy có hỏi cũng chẳng sao. Hỏi thẳng bà Đàm còn làm cho Liên hết cắc cớ với Nguyên, nghĩ vậy, Nguyên hỏi Liên:
- Má Liên có nhà không, lâu lắm không sang thăm bác, à thím.
Nguyên luôn xưng hô với bà Đàm là thím và cháu, vậy mà hôm nay vô tình Nguyên gọi bà là bác, nhưng đã sửa kịp thời. Liên rất tinh ý, thấy ngay kẽ hở của Nguyên nên nói ngay:
- Bác có nhà, định sang thăm à?
Đâm lao thì phải theo lao, Nguyên đường đường bước qua nhà Liên. Trong thâm tâm là sang để hỏi tin tức Ánh nhưng sau khi chào bà Đàm, Nguyên thấy có cái gì chặn lại làm cho Nguyên không biết mở đầu ra sao.
- Lâu quá không qua, cháu sang hỏi thăm thím công việc hồi này ra sao?
Bà Đàm vô tình, bà không biết cậu bé hàng xóm để ý tới cháu mình, bà biết Ánh và Nguyên thường nói chuyện với nhau nhưng bà nghĩ đó chỉ là chuyện học hành và chuyện con nít. Thực sự Nguyên và Ánh cũng chỉ có thế mà nói, cũng chỉ chuyện học, cũng chỉ chuyện bạn bè. Bà Đàm cho Nguyên biết là sau khi hai chị em bà không bán hàng ăn ở bệnh viện nữa tính quay ra mở quán ăn riêng ở ngoài nhưng tình hình, thời cuộc cứ thay đổi luôn nên mẹ con bà Hằng phải về Đà nẵng, hiện nay bà Đàm làm cho một tiệm cơm một tuần mấy ngày.
Nhân cơ hội bà Đàm nhắc tới bà Hằng, Nguyên hỏi ngay:
- Không biết hồi này thím Hằng và cô Ánh ra sao? Khi đi cháu cũng chẳng biết.
Nguyên muốn nói là "tệ thật, mẹ con bà Hằng ra đi mà chẳng nói với Nguyên một lời nào". Nhất là Ánh, dù mẹ quyết định đột ngột như thế thì cũng phải có lời gì với Nguyên chứ.
- Cô ấy và em Ánh vẫn thường, hôm trước em Ánh viết thư vào nhờ Liên chuyển lời hỏi thăm cháu đấy.
Thật hả dạ, không biết là Ánh hỏi thăm thật hay bà Đàm chỉ nói xã giao, nhưng cũng cần hỏi cho ra lẽ vì có thể thật mà Liên không nói cho Nguyên biết.
- Cháu không thấy Liên nói gì, chắc cô ấy quên.
Như rình sẵn, nghe thấy tên mình, Liên từ trong buồng nói ra:
- Chưa có dịp nói, mẹ nói rồi thì thôi.
Vậy là Ánh còn nghĩ, còn nhớ đến mình. Nguyên cám ơn bà Đàm rồi chào bà, về nhà.
Thấy Nguyên ở bên bà Đàm về, Ngần hỏi ngay:
- Anh Nguyên lại sang cắt cổ gà nữa hả?
Nguyên cười, lòng thật vui:
- À không, lâu quá sang hỏi thăm bà Đàm một tý. Còn cô, cô đã chuẩn bị bài hôm nay chưa?
Đang tự nhiên thì lại bị nói chuyện bài với vở, Ngần nói ngược lại:
- Tại anh Nguyên đi chơi chứ đâu phải tại em.
Để khỏi lôi thôi rắc rối, Nguyên bắt Ngần mang bài ra học và không quên mang cuốn sách để trên bàn, vừa học vừa kèm em.
Vậy mà đã gần Tết, trong trường các bạn đã bàn tới tổ chức tất niên. Nguyên mong cho chóng tới Tết vì mẹ và các em sẽ đến ăn Tết chung với ông bà Đức. Di cư từ miền Bắc vào đây bên bố Nguyên chẳng có ai là thân thích nhưng bên mẹ Nguyên có họ hàng khá đông, và do hoàn cảnh đơn chiếc nên mẹ Nguyên thường về ăn Tết chung với gia đình em của mình, luôn tiện gặp gỡ họ hàng.
Trong năm Nguyên để giành được ít tiền, sẽ dùng để lì-xì cho đứa em út mua quần áo mới vì năm tới đây nó sẽ bắt đầu đi học. Ông Đức thỉnh thoảng bảo mẹ Nguyên bỏ đất Long Khánh về Saigon buôn bán nhưng mẹ Nguyên bảo:
- Cậu nói buôn bán, cần phải có vốn chứ đâu dễ gì. Vả lại chị làm ruộng làm rẫy quen rồi nên thấy ở vùng quê nó thoải mái hơn.
Sau khi Nguyên rời Xóm mới một thời gian ngắn thì có một người quen với bố Nguyên thời trước nhượng lại cho mẹ Nguyên mấy mẫu chanh và cà phê ở Long Khánh. Mới đầu ông Đức không bằng lòng cho mẹ Nguyên đi xa nhưng sau khi tính toán hơn thiệt ông thấy được, coi như mình thuê đất làm vườn mà thực ra mình chỉ là trung gian giữa chủ đất và người làm vườn nên cũng không vất vả lắm. Chỉ có một điều lo ngại là vắng vẻ, thân đàn bà với con nhỏ nhưng ông cũng an tâm vì mẹ và các em của Nguyên ở ngay bên cạnh gia đình người cô của người chủ đất.
Tối giao thừa ông Đức bao giờ cũng bắt cả gia đình đi dự lễ ở nhà thờ, về chúc tuổi nhau rồi muốn làm gì thì làm. Những năm trước Nguyên thường mở xòng bầu cua chơi với các em nhưng năm nay sau khi chúc Tết, đứa con lớn nhất của ông bà Đức bảo nó muốn làm chủ xòng vì các năm trước anh Nguyên hốt hết tiền của chúng. Nguyên thấy có lý, cho nó làm chủ xòng rồi Nguyên có quyền đi chơi nên xin phép mẹ và ông bà Đức ra Lăng Ông.
Đối với Nguyên, ngõ ngách nào ở Lăng Ông mà Nguyên chẳng biết. Mặc dù không tin vào số mạng lắm nhưng thỉnh thoảng Nguyên cũng vào xin xâm với các bạn, Nguyên biết một số bạn vào xin xâm cũng do vui mà thôi. Đôi khi quẻ hay lá thẻ xâm cũng làm cho đứa này hoặc đứa khác suy nghĩ nhưng chỉ chốc lát là quên ngay.
Người tứ phương đến Lăng thật đông, nghe nói lúc giao thừa còn đông hơn nhiều và giờ này họ đã đi hái lộc bớt, khách còn lại hầu hết là lớp trẻ, họ đến Lăng còn do động lực khác. Đây là lần đầu tiên Nguyên đến Lăng vào dịp Tết mà lại ngay đêm giao thừa. Nguyên đi lòng vòng giữa làn khói hương nghi ngút xem có gặp ai quen không. Lạ thật mấy trăm mạng trạc tuổi và cùng trường với Nguyên hầu như ngày nào cũng lảng vảng trong sân Lăng mà sao nay chẳng thấy ai.
Nguyên len lỏi vào được chỗ xin xâm, khói muốn nghẹt thở. Nguyên tính đứng xếp hàng để xin một quẻ xâm đầu năm xem sao nhưng thấy đông quá và mọi người nghiêm trang quá nên đi vòng qua phía bên phải của Lăng nơi có để những tờ giấy giải quẻ xâm. Nguyên nghĩ mình cứ nhắm vào một số nào đó vì biết đâu Đức Tả Quân đã xui khiến mình lấy tờ giấy đó. Nguyên cũng phải len qua một hàng rào người mới lấy được một tờ giấy màu xanh. Vừa quay trở ra thì đụng ngay Liên và Kim.
- Ủa hai cô cũng đi xin xâm hả, năm mới chúc mừng hai cô.
Liên nói ngay:
- Năm mới Liên cũng chúc mừng anh, năm nay thi đậu cao.
Lần đầu tiên Nguyên thấy Liên thật bặt thiệp, xã giao và dễ thương. Nhưng chưa hết, Liên đế luôn một câu:
- Lạ nhỉ, anh là người đi đạo mà cũng đi xin xâm à? Tình duyên trắc trở gì đây?
Nguyên muốn độn thổ, không ngờ cô bé này ác thiệt. Nhưng không thể thua Liên được, Nguyên nói:
- Tôi muốn đến xem cho biết và định xin một quẻ nhưng người ta đông quá, vậy chứ Kim và Liên đi xin gì vậy?
Kim ngạc nhiên nhìn Nguyên rồi nhìn Liên, tại sao anh chàng này lại biết tên mình, chắc là tại con nhỏ xí xọn này thôi. Biết là Kim đang nghi ngờ Liên tiết lộ danh tính mình cho Nguyên, Nguyên bồi luôn một câu.
- Hân hạnh được gặp Kim, Liên đã giới thiệu Kim cho tôi biết từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp gặp.
Thấy Kim và Liên muốn lấy bản giấy giải, Nguyên tình nguyện xông qua hàng rào người một lần nữa lấy cho hai cô hai tờ giấy rồi cả ba ra ngoài tìm chỗ sáng và yên tĩnh hơn để đọc. Nguyên ngấu nghiến đọc tờ giải xâm của mình, mọi sự đều xuông xẻ, điều này làm cho Nguyên yên tâm vì dù sao chăng nữa nếu tờ xâm nói xấu thì Nguyên cũng lo, Nguyên đã giao chuyện lấy số cho Đức Tả Quân.
Kim cũng đã đọc xong tờ giải của mình và tỏ vẻ lo lắng ra mặt. Liên có vẻ không hiểu một câu nào đó nhưng không muốn hỏi ai sợ họ biết 'số' mình, biết ý Nguyên hỏi ngay:
- Sao, số Kim và Liên tốt không? Không xem tôi cũng biết số hai người rất tốt, học hành tấn tới, cha mẹ yêu thương, gia đình hoà thuận, bạn bè mến trọng và..
Nguyên định đế một câu "và thế nào cũng gặp người yêu" nhưng sợ quá lố nên dừng lại ở đó. Kim còn đang suy nghĩ điều gì không để ý nhưng Liên theo kịp câu nói đứt quãng của Nguyên nên nói ngay:
- Và chị Kim thế nào cũng có người yêu.
Lúc ấy Kim mới quay sang Liên, nói:
- Rõ khỉ, chỉ thích chọc người khác.
Liên tỏ vẻ không bằng lòng:
- Mới đầu năm mà gọi người ta la khỉ, coi chừng đấy.
Thật không ngờ, một cô gái để thương thì Nguyên không thương nổi, mà ghét thì Nguyên cũng chẳng ghét được như Liên mà hôm nay đã lột xác, ăn nói chững chạc, có đầu có đuôi thì thật lạ. Nguyên rủ Kim và Liên đi hái lộc, hai cô đồng ý ngay, riêng Kim vẫn còn áy náy một chuyện gì đó.
Buổi học đầu tiên sau Tết, Nguyên đã bắt Ngọc đợi trước cửa nhà vì Nguyên đợi Liên vài phút rồi đợi Kim thêm vài phút nữa. Tự nhiên cả ba coi nhau như thân lắm, Liên nói chuyện lì xì cho Kim và Nguyên nghe còn Kim và Nguyên nói đã lớn rồi nên không còn được lì xì nữa.
Bây giờ Nguyên nghe rõ giọng nói của Kim hơn, Kim nói đúng giọng miền Nam trong khi giọng Ánh có sự pha trộn lẫn lộn 3 miền. Cũng dễ hiểu, Ánh có cha mẹ là người miền Bắc, được sinh ra ở miền Trung và khi bắt đầu đi học thì sinh sống ở miền Nam. Nguyên thấy cái giọng pha trộn ấy cũng có những điểm dễ thương như cái giọng êm ái miền Nam của Kim bây giờ.
Ngọc ngạc nhiên khi thấy ba người đi chung và chuyện trò qua lại như những người bạn thân nhau từ lâu. Ngọc không ngờ chỉ qua một cái Tết mà mọi sự thay đổi nhanh thế. Trong lịch sử loài người, có những sự việc hoặc một sự kiện trong một khoảng thời gian nhất định nào đó có thể mang đến cho người này, người khác hoặc cả nhân loại một sự thay đổi toàn diện.
Trên đoạn đường đến trường còn lại, Nguyên và Ngọc không nói với nhau, mỗi người đang có một suy nghĩ riêng. Thói quen của nhiều gia đình Việt Nam là tính tuổi theo ngày Tết thay vì ngày sinh, qua Tết là qua một tuổi, già, trẻ, lớn, bé gì cũng vậy. Trong thân nhân, gia tộc, gặp nhau ngày Tết để mừng tuổi hay chúc tuổi nhau, mừng đứa trẻ lớn lên, mừng người già thêm thọ. Ngọc và Nguyên mỗi người đều đã thêm một tuổi, và mấy ngày Tết vừa qua cả hai đã được mừng tuổi, chúc tuổi với những lời lẽ tốt đẹp và không quên chúc thi đỗ năm nay.
Kỳ thi trung học sắp đến, Nguyên cần phải đỗ bình trở lên mới được tiếp tục nhận học bổng. Ông Đức biết đều đó nên bảo Nguyên năm nay phải cố gắng hơn, giảm bớt cho Nguyên việc kèm cặp các em và cho Nguyên đi học luyện thi thêm. Nguyên biết với sức mình, các môn chính không có gì đáng sợ lắm, ngược lại các môn phụ lại là mối lo vì các môn này có thể kéo các môn kia xuống. Chỉ còn một cách phải lấy điểm cao với các môn học có hệ số lớn mới hy vọng đủ để bù cho những môn có hệ số nhỏ.
Nguyên xếp thời khóa lại cho riêng mình, ngoài giờ ở trường và ở lớp luyện thi, Nguyên và Ngọc học chung với nhau 2 buổi khoảng 4 tiếng, Nguyên học chung với Kim chiều chủ nhật khoảng 3 tiếng, giờ tự học Nguyên để 6 tiếng cho các môn phụ, 4 tiếng cho Anh văn và cố gắng giữ kỷ luật với chính mình.
Chuyện học chung với Kim cũng là chuyện bất ngờ vì chính Kim đề nghị. Kim nói là hơi yếu về Lý-Hóa và ghét nữa nên muốn có người học chung, Kim muốn học chung với Nguyên vì ở lớp luyện thi chỉ có Nguyên và Kim là người cùng xóm. Mới đầu cả hai còn bỡ ngỡ không biết phải bắt đầu thế nào, Nguyên đề nghị áp dụng cách học chung với Ngọc, Kim bằng lòng ngay.
Từ sau Tết cho đến khi thi xong đệ nhị lục cá nguyệt Nguyên không ghé chơi banh bàn với Ngọc. Hôm nay chủ nhật, cả nhà đi vắng và theo thông lệ Nguyên phải đi ăn trưa bên ngoài, lúc về Nguyên ghé vào nhà Ngọc rủ đá vài bàn giải trí. Trong tuần Nguyên sang học chung với Ngọc hai ngày và chỉ học hoặc nói chuyện tầm phào thôi chứ không đá banh. Thấy Nguyên đến rủ đá banh Hương hỏi:
- Sao lâu nay sao không thấy anh Nguyên sang đá banh ngày chủ nhật?
- Anh bận học thi, gần thi đến nơi rồi.
Nhưng Đào thì ranh mãnh hơn, cô nói theo:
- Anh Nguyên bận học thi với chị Kim ngày chủ nhật.
Nghe Đào nhấn mạnh chữ 'chị Kim' Nguyên biết là Đào đang chọc mình, Nguyên tỉnh bơ:
- Hôm nay thi xong lục cá nguyệt rồi, tương đối rảnh, có ai đá độ không?
Hương bảo anh Nguyên đá banh cù lần lắm nên không chịu cặp với Nguyên vì đá độ là phải chắc ăn mới đá chứ cầm chắc cái thua trong tay thì đá làm gì. Nguyên cho rằng như vậy không công bằng, hai người giỏi về cùng phe với nhau không được làm Đào tỏ vẻ không bằng lòng, nói với Hương:
- Bộ mày tưởng mày chì lắm hả, để rồi xem.
Ngọc cho Hương tấn công nên Đào muốn giữ hàng dưới để 'cầm châm' em, nhất định không để cho Hương 'sút' vô. Có lẽ hai chị em chơi riêng với nhau khá nhiều lần nên biết hết mánh khoé và chiến thuật của nhau. Cuối cùng phe Nguyên và Đào bại trận, Đào bảo không cần đi mua nước ở ngoài, Đào pha nước chanh muối ở nhà uống.
Trong lúc uống nước Ngọc và Nguyên nói về bài toán ngày hôm trước. Thấy đã tới giờ hẹn với Kim, Nguyên vào trong chào mẹ Ngọc rồi đi về. Mẹ Ngọc thích Nguyên lắm, bà bảo Ngọc có một người bạn chơi được, biết khi nào học là học, khi nào chơi là chơi. Mẹ Ngọc cũng rất vui khi thấy hai cô con gái của mình coi Nguyên như anh và làm quen được cái tính chăm học của Nguyên.
Kim đã chuẩn bị sẵn đợi Nguyên sang, Nguyên bảo là mới ở bên nhà Ngọc về, Kim nheo mắt cười, Nguyên không biết có chuyện gì và không để ý đến nữa, bắt đầu buổi học ôn bài tuần qua. Các trường tuy dạy chung một chương trình của Bộ Giáo dục nhưng sách giáo khoa thì mỗi trường mỗi khác và bài dạy có thể trường này nhanh hơn trường kia một vài tuần nên Kim và Nguyên chỉ dùng các bài học luyện thi để học chung.
Lúc Nguyên ra về, Kim tiễn Nguyên ra cửa và hỏi:
- Ngọc với Nguyên thân nhau lắm phải không?
- Phải, sao hôm nay Kim hỏi chuyện đó?
- Nguyên thân Ngọc vì là bạn học hay vì lý do gì khác?
Tự nhiên nghe Kim hỏi như vậy Nguyên lại càng không biết có chuyện gì, nhớ lại câu hỏi lúc mới gặp nhau chiều nay và qua ánh mắt của Kim lúc đó, Nguyên đoán ngay là hai sự kiện có liên hệ với nhau. Nguyên hỏi ngược lại Kim:
- Sao hôm nay tự nhiên Kim hỏi Nguyên những câu cắc cớ vậy?
- Có lý do của nó?
Nguyên lại càng sốt ruột, cái úp úp mở mở của Kim làm Nguyên muốn hỏi ngay cho ra lẽ:
- Vậy chứ Kim nghĩ Nguyên thân Ngọc vì lý do gì?
- Kim không biết, nhưng Kim nghe có người trong xóm nói là Nguyên thân Ngọc vì Đào.
Chết rồi, nếu chuyện này đến tai Ngọc hoặc Đào hay tệ hại hơn nữa đến tai bố mẹ Ngọc thì làm sao Nguyên còn mặt mũi đến nhà Ngọc. Nguyên luôn coi Đào và Hương như em, trong thâm tâm Nguyên chưa hề nghĩ đến Đào hay Hương. Thậm chí có một lần, Đào nhổ tóc trắng cho Nguyên, khi được tiếp nhận cái êm ái của bàn tay Đào trên tóc mình Nguyên đã nghĩ tầm bậy một giây nhưng Nguyên đã kịp xua đuổi ngay. Hơn nữa, người mà Nguyên đang tưởng nhớ là Ánh và Kim là một Ánh thứ nhì đang chiếm trọn thời gian, không gian còn trống của Nguyên.
Kim và Ánh, hai con người từ hai phương trời cách biệt, từ hai gia đình khác nhau nhưng trời lại cho hai người giống nhau để cho Nguyên sống trong mộng. Những lúc học chung với Kim Nguyên đã tưởng rằng đang ngồi với Ánh và khi nhớ lại những ngày chỉ bài cho Ánh Nguyên đã tưởng có thể lúc đó là đang cùng ngồi với Kim.
Ông trời ác độc quá, sao lại cho Nguyên biết Kim và Ánh để Nguyên luôn luôn sợ mình phạm tội vì đã nhập hai người làm một. Và lúc này đây, đứng trước tình huống như thế này, Nguyên phải giải thích như thế nào, chẳng lẽ lại nói là "Họ nói sai hết, Nguyên đang nhớ và biết rung động với một người hiện ở thật xa nhưng rất gần, gần đến độ Nguyên không phân biệt được thời gian và không gian". Nguyên hoảng hốt thực sự, nói với Kim:
- Chết, ai mà ác vậy, chuyện này đến tai gia đình Ngọc thì Nguyên phải ăn nói làm sao. Ai đã nói với Kim điều đó?
- Kim không thể nói ra được, nhưng miệng người đời, Nguyên phải cẩn thận hơn.
Nguyên cám ơn Kim, ra về. Nguyên muốn biết ai đã nói điều đó để bảo cho họ biết là họ lầm to, họ không được quyền vu oan giáo hoạ cho Nguyên. Nguyên sẽ buộc họ phải xin lỗi Nguyên và Kim vì đã vu khống cho Nguyên và nói dối Kim.
Từ sau hôm đó, mỗi lần sang nhà Ngọc Nguyên cảm thấy e ngại vì sợ chuyện đâu đó đã đến tai gia đình Ngọc. Mỗi tuần hai lần, Nguyên vẫn sang học chung với Ngọc nhưng tuyệt đối không nấn ná hoặc tiếp xúc với hai em của Ngọc, đặc biệt là với Đào. Nguyên trách lòng người giả trá, đã gieo oan, vu khống cho Nguyên làm cuộc sống an lành của Nguyên hiện tại bị xáo trộn. Còn Kim nữa, làm thế nào để giải thích cho Kim đây.
Nguyên muốn nói riêng với Kim nhưng không biết phải nói lúc nào, ở đâu. Ở nhà Kim thì không được mà trên đường đi học thì lúc nào cũng có Liên bên cạnh. Nguyên định thăm dò xem Liên có nghe được chuyện đó không nhưng cũng chẳng biết phải làm sao mặc dù cơ hội nói chuyện riêng với Liên không khó. Nhưng qua thái độ của Liên, Nguyên cảm thấy an tâm và nghĩ là Liên không biết.
Ngày thi đã gần kề, Nguyên vẫn chưa có cách nào để nói với Kim nhưng khi thấy tất cả mọi người trong gia đình Ngọc, và nhất là Kim, vẫn coi mọi chuyện như bình thường nên Nguyên tạm quên đi, để chăm chú vào việc học hơn.
Mấy ngày thi trôi qua thật nhanh, nhưng những ngày đợi kết quả sao thật dài. Các bài thi chính đều được các báo đăng tải bài giải làm cho Nguyên an tâm rất nhiều nên lại càng mong cho chóng tới ngày có kết quả hơn. Rồi ngày có kết qủa cũng tới, sự cố gắng, mong mỏi và mơ ước của Nguyên đã được đền bù, với kết qủa hạng 'bình' chắc chắn Nguyên sẽ được tiếp tục học bổng.
Sau khi báo tin cho nhà, Nguyên chạy sang nhà Kim, lúc ấy Kim chưa về. Nguyên không thể đợi được, về nhà lấy chiếc xe đạp đi lên hội đồng nơi Kim thi. Hơn lúc nào hết, Nguyên quên hẳn Ánh và chỉ còn nghĩ đến Kim thôi. Đối với Nguyên, như vậy là mình đã qua thêm một cái cửa ải của hệ thống thi cử Việt Nam. Nguyên nhớ trong một bài học, từ xưa đến nay dân tộc Việt Nam ta coi trọng bằng cấp và nhà vua hoặc chính quyền dùng các kỳ thi để chọn người ra phục vụ tổ quốc.
Hiện nay, mảnh bằng còn quyết định vai trò của con trai trong nghiệp lính, từ lính lên hạ sĩ quan và sĩ quan đều do mảnh bằng quyết định. Nói cho cùng ở đâu cũng vậy, không có cách nào có hiệu quả hơn để chọn người nên từ xưa đến nay, chính quyền chỉ còn cách dựa vào bằng cấp để bổ nhiệm nhân viên phục vụ đất nước.
Nguyên đến cổng trường đúng lúc Kim đang đi ra cùng một vài bạn. Khi thấy Nguyên, mấy người bạn của Kim từ giã để riêng tư cho hai người. Nhìn mặt Kim, Nguyên biết ngay là Kim đã đỗ nhưng cũng hỏi một câu rất ngắn gọn:
- Thế nào?
- Được có 'bình thứ' thôi, còn Nguyên?
- Được 'bình', có như vậy thì Nguyên mới tiếp tục được học bổng.
- Cũng nhờ Nguyên nên bài thi Lý
- Hóa Kim làm được, cám ơn Nguyên đấy.
Nguyên cảm thấy hãnh diện vì ít ra cũng đậu cao hơn Kim và còn được Kim cám ơn nữa, Nguyên nói:
- Nghe nói đậu 'bình thứ' là có thể xin vào đệ tam trường công, Kim có định xin vào Lê Văn Duyệt không?
- Kim cũng nghĩ đến điều đó khi thấy kết quả, nếu được thì cũng đỡ cho ba má Kim nhiều lắm.
Như ước muốn, Kim được vào đệ Tam Lê Văn Duyệt năm học 1964-1965. Vì phải đi học xa hơn và để thưởng cho Kim, ba má Kim mua cho Kim chiếc Vélo Solex. Thỉnh thoảng Kim mới dùng xe đi học và ngày đó Kim dẫn chiếc Vélo đi bộ với Nguyên một quãng rồi mới nổ máy đến trường. Nguyên đã thực sự quên hẳn Ánh vào đầu năm học đó.
Posted by: Pham Tuan Anh 0974670859
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top