LOG Chương4: Qtri vận chuyển

   Chương 4.    QUẢN TRỊ VẬN CHUYỂN

4.1.   Khái quát về vận chuyển trong logistics

4.1.1.Khái niệm, vai trò và vị trí của vận chuyển

Vận tải là hoạt động kinh tế có mục đích của con người nhằm thay đổi vị trí của hàng hoá và con người từ nơi này đến nước khác bằng các phương tiện vận tải. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng. “Nói đến thương mại phải nói đến vận tải, thương mại nghĩa là hàng hoá được thay đổi người sở hữu, còn vận tải làm cho hàng hoá thay đổi vị trí”.

Vận chuyển hàng hoá, xét theo quan điểm quản trị logistics, là sự di chuyển hàng hoá trong không gian bằng sức người hay phương tiện vận tải nhằm thực hiện các yêu cầu của mua bán, dự trữ trong quá trình sản xuất-kinh doanh.

Dưới góc độ của toàn bộ nền kinh tế, sự cần thiết của vận chuyển hàng hoá xuất phát từ sự cách biệt về không gian và thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng, mà chủ yếu là quá trình tập trung hoá và chuyên môn hoá của sản xuất và tiêu dùng, do đó yêu cầu vận chuyển tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Hệ thống vận tải là cầu nối để xoá đi những mâu thuẫn khách quan đó.

Khi so sánh nền kinh tế của các nước phát triển với các nước đang phát triển sẽ nhận thấy rõ ràng vai trò của vận chuyển hàng hoá trong việc tạo ra trình độ kinh tế phát triển cao. Đặc trưng của các nước đang phát triển là quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hoá diễn ra gần nhau, phần lớn lực lượng lao động ở khu vực sản xuất nông nghiệp (70% ở Việt Nam), và tỉ lệ dân số sống ở thành thị thấp. Với sự hiện diện của hệ thống vận chuyển tiên tiến, đa dạng, vừa khả năng thanh toán và luôn sẵn sàng phục vụ, toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế sẽ có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi theo cấu trúc của nền kinh tế công nghiệp phát triển. Hay nói cách khác, một hệ thống vận chuyển chi phí thấp và năng động sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường toàn cầu, tăng tính hiệu quả của sản xuất và giảm giá cả hàng hoá.

Dưới góc độ chức năng quản trị Logistics trong doanh nghiệp, hoạt động vận chuyển hàng hoá được ví như sợi chỉ liên kết các tác nghiệp sản xuất-kinh doanh tại các địa bàn khác nhau của doanh nghiệp. Vận chuyển để cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm và hàng hoá đầu vào cho các cơ sở trong mạng lưới logistics. Vận chuyển để cung ứng hàng hoá tới khách hàng đúng thời gian và địa điểm họ yêu cầu, đảm bảo an toàn hàng hoá trong mức giá thoả thuận. Do vậy, vận chuyển hàng hoá phải thực hiện cả 2 nhiệm vụ logistics trong doanh nghiệp: nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và giảm tổng chi phí của toàn bộ hệ thống.

Quản trị vận chuyển là một trong ba nội dung trọng tâm của hệ thống logistics trong doanh nghiệp, có tác động trực tiếp và dài hạn đến chi phí và trình độ dịch vụ khách hàng, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bất kì lợi thế cạnh tranh nào của doanh nghiệp nói chung và của logistics nói riêng cũng đều có mối liên hệ mật thiết với hệ thống vận chuyển hàng hoá hợp lí.

IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ gỗ nội thất có xuất xứ từ Thuỵ Điển, đã xây dựng được mạng lưới toàn cầu với hơn 180 cửa hàng tại 23 quốc gia chủ yếu dựa trên chiến lược vận chuyển hiệu quả. Chiến lược cạnh tranh để tạo sự khác biệt của IKEA được xây dựng trên nền tảng – sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lí, khách hàng tự phục vụ và bầu không khí mua sắm dễ chịu trong cửa hàng. Kiểu thiết kế sản phẩm theo module, dễ tháo lắp, cho phép IKEA vận chuyển sản phẩm gỗ nội thất hiệu quả hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất truyền thống, thường có thói quen vận chuyển sản phẩm thành phẩm, cồng kềnh, kém an toàn và không khai thác hết trọng tải của phương tiện. Đồng thời khách hàng cũng dễ dàng tự vận chuyển đồ gỗ dưới dạng module về nhà và tự lắp ráp theo mẫu tại nhà. Bên cạnh đó, qui mô lớn của cửa hàng (diện tích gấp vài lần sân vận động) cho phép vận chuyển các lô hàng thẳng từ nhà sản xuất tới điểm bán lẻ bằng phương tiện chi phí thấp như tàu thuỷ và tàu hoả. Chiến lược vận chuyển đó đã góp phần giúp IKEA định vị được sản phẩm đồ gỗ nội thất có giá thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và được kinh doanh thống nhất trên toàn cầu.

Seven-Eleven (7/11), tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, đã xây dựng hệ thống vận chuyển đáp ứng nhanh để đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Tháng 3/2007, 7/11 đoạt được vị trí dẫn đầu về chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới với 28123 điểm bán trên 18 quốc gia, lớn hơn McDonald 1000 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng tiện ích 7/11 với mật độ dày đặc trên thị trường các đô thị lớn tại Nhật Bản, Mỹ, Đài loan, và Thái Lan luôn có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo tươi mới trong ngày. Hệ thống vận chuyển luôn bổ sung dự trữ kịp thời với tần số vài lần trong ngày và hàng hoá luôn sẵn có để phục vụ đúng nhu cầu khách hàng. Hàng hoá được phối hợp vận chuyển từ nhiều nhà cung ứng khác nhau tới mạng lưới cửa hàng bán lẻ trên cùng một tuyến đường, vừa cho phép chở đầy xe, giảm chi phí vận chuyển, vừa đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường.

Công ty kinh doanh trực tuyến lớn nhất thế giới, Amazon.com, thì hợp tác chặt chẽ với dịch vụ vận chuyển bưu kiện để đáp ứng đơn đặt hàng trên phạm vi toàn cầu. Với vài  trung tâm phân phối lớn tập trung dự trữ cho các khu vực thị trường trọng điểm, Amazon trì hoãn thực hiện các đơn hàng của nhiều khách hàng cho đến khi tạo nên lô hàng đủ lớn để tập trung vận chuyển tới các đầu mối và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh từ các đầu mối tới địa chỉ khách hàng. Amazon thoả mãn được lứa tuổi trẻ, thích mua hàng trực tuyến với sự lựa chọn đa dạng và sẵn sàng chờ 2-3 tuần để có được sản phẩm mong muốn với mức giá hợp lí và dịch vụ đáp ứng tận nơi cư trú.

Nhìn chung, vận chuyển hàng hoá có ảnh hưởng to lớn đến quá trình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nên các nhà quản trị phải luôn quan tâm, cân nhắc và lựa chọn tối ưu về mạng lưới, phương thức vận tải, tuyến đường, đơn vị vận tải,v.v để có được quyết định đúng đắn, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất kinh doanh.

4.1.2.Đặc điểm của hoạt động vận chuyển hàng hoá

Vận chuyển hàng hoá là sản phẩm dịch vụ nên khác với sản phẩm vật chất khác, vận chuyển hàng hoá có các đặc điểm nổi bật như tính vô hình, tính không tách rời, tính không ổn định và tính không lưu giữ được.

Dịch vụ vận chuyển hàng hoá có tính vô hình bởi người ta không thể nhìn thấy được, không cảm nhận được, không nghe thấy được… trước khi mua nó. Người ta không thể biết trước được là chuyến hàng đó có được vận chuyển đúng lịch trình hay không, có đảm bảo an toàn hay không, và có đến đúng địa điểm hay không… cho tận tới khi nhận được hàng.

Chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hoá thường không ổn định do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan gây ra. Bên cạnh những yếu tố không kiểm soát được như điều kiện thời tiết và điều kiện giao thông, những yếu tố đa dạng về người lái xe, chất lượng phương tiện, bến bãi… cũng gây tác động không nhỏ đến tính không ổn định của dịch vụ vận tải. Giám sát thường xuyên và chặt chẽ là nội dung cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ ổn định và đồng đều.

Dịch vụ vận chuyển không thể lưu kho được. Nhu cầu về vận chuyển hàng hoá thường dao động rất lớn. Trong thời kì cao điểm (các mùa mua sắm) thì đơn vị vận tải phải có nhiều phương tiện hơn gấp bội để đảm bảo phục vụ. Ngược lại, khi vắng khách vẫn phải tốn các chi phí cơ bản về khấu hao tài sản, duy tu bảo dưỡng phương tiện, chi phí quản lí, v.v. Tính không lưu giữ được của dịch vụ vận chuyển khiến nhà quản trị cần thận trọng khi thuê đơn vị vận tải cam kết đúng chất lượng dịch vụ vào mùa cao điểm và khai thác cơ hội giảm giá vào mùa thấp điểm.

Đó là những đặc điểm của dịch vụ vận chuyển với nhiều nét tương đồng so với các loại hình dịch vụ khác. Bên cạnh đó nhà quản trị logistics cần nhận đạng được những tính chất đặc biệt của dịch vụ vận chuyển hàng hoá để tối ưu hoá hoạt động này trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Vận chuyển hàng hoá liên kết rất nhiều thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng tổng thể. Đây là quá trình tác động về mặt không gian lên đối tượng chuyên chở mà nhiệm vụ của nó là phải khái thác hiệu quả các nguồn lực khi dịch chuyển hàng hoá từ điểm khởi đầu của nó tới điểm tiêu dùng cuối cùng. Trong đó các chỉ tiêu đặc thù của dịch vụ vận chuyển hàng hoá là tốc độ, thời gian, tính an toàn, tính ổn định, tính linh hoạt, … cần được chú ý để đáp ứng tốt yêu cầu của bạn hàng/khách hàng.

Cùng với các hoạt động logistics khác, vận chuyển đóng góp một phần giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp. Trước hết, vận chuyển đáp ứng yêu cầu của khách hàng về vị trí – rõ ràng sản phẩm chỉ có giá trị khi nó đến được tay người tiêu dùng ở đúng nơi người ta cần đến nó. Thứ hai, vận chuyển đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian. Chính việc lựa chọn phương án, tuyến đường vận tải và cách tổ chức vận chuyển hàng hoá sẽ quyết định tời việc lô hàng có đến nơi kịp hay không. Nếu vận chuyển chậm trễ, hoặc hàng hoá đến vào những thời điểm không thích hợp sẽ gây phiền phức cho khách hàng và có thể làm tăng thêm chi phí dự trữ. Giá trị gia tăng ở đây chính là việc bạn hàng/khách hàng nhận được sản phẩm đúng nơi và đúng lúc.

4.1.3.Các thành phần tham gia vận chuyển hàng hoá

Như đã phân tích ở trên, dịch vụ vận chuyển là một loại sản phẩm đặc biệt và do đó có nhiều thành phần tham gia, bao gồm: người gửi hàng và người nhận hàng; đơn vị vận tải; Chính phủ và công chúng

Người gửi hàng (shipper, còn gọi là chủ hàng): là người yêu cầu vận chuyển hàng hoá đến địa điểm nhất định trong khoảng thời gian cho phép. Thành phần này thực hiện các hoạt động như tập hợp lô hàng, đảm bảo thời gian cung ứng, không để xẩy ra hao hụt và các sự cố, trao đổi thông tin kịp thời và chính xác,.... Mục tiêu của người gửi hàng là sử dụng dịch vụ vận chuyển sao cho có thể tối thiểu hoá tổng chi phí logistics (gồm chi phí vận chuyển, dự trữ, thông tin, và mạng lưới) trong khi đáp ứng tốt mức dịch vụ khách hàng yêu cầu.

Bởi vậy, người gửi cần hiểu biết về những cơ hội và khó khăn của các phương án vận chuyển khác nhau, đồng thời cần có kĩ năng đàm phán và thương lượng để có được chất lượng vận chuyển cao với các điều khoản hợp lí. Người gửi và đơn vị vận tải cần xây dựng được mối quan hệ hợp tác, gắn bó trên cơ sở hai bên cùng có lợi và phát triển bền vững. 

Người nhận hàng (consignee, còn gọi là khách hàng): là người yêu cầu được chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm, đúng thời gian, đúng số lượng, chất lượng và cơ cấu với mức giá thoả thuận như theo đơn đặt hàng đã thông báo với người gửi. Người nhận hàng quan tâm tới chất lượng dịch vụ trong mối tương quan với giá cả.

Đơn vị vận tải (carrier): là chủ sở hữu và vận hành các phương tiện vận tải (ô tô, máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ,...) vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận và nhanh chóng hoàn trả vốn đầu tư. Mức độ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ vận tải sẽ quyết định giá cả, tính đa dạng và chất lượng dịch vụ của từng loại hình vận chuyển hàng hoá. Đơn vị vận tải phải đạt được tính chuyên nghiệp cao trong việc nhận biết nhu cầu của người gửi và người nhận, hỗ trợ ra quyết định về phương án và lộ trình vận chuyển tối ưu, quản lí tốt nguồn lực và nâng cao hiệu quả chuyên trở hàng hoá.

         Đơn vị vận tải và người gửi hàng phải trao đổi kĩ lưỡng với nhau về các phương án để nâng cao năng lực vận chuyển. Trong đó cần rút ngắn thời gian vận chuyển bình quân, tăng hệ số sử dụng trọng tải của phương tiện, nâng cao hệ số sử dụng phương tiện theo thời gian, nâng cao hệ số sử dụng quãng đường xe chạy có hàng, tăng vòng quay của xe, cải tiến thủ tục giấy tờ và lề lối làm việc, v.v.

Chính phủ: thường là người đầu tư và quản lí hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông cho con đường vận chuyển (đường sắt, đường bộ, đường ống) và các điểm dừng đỗ phương tiện vận chuyển (sân bay, bến cảng, bến xe, nhà ga, trạm bơm và kiểm soát,...). Với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và hội nhập kinh tế thế giới, chính phủ xây dựng và qui hoạch các chiến lược giao thông dài hạn cùng các chính sách và luật lệ nhằm cân đối tổng thể và hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Dịch vụ vận chuyển hàng hoá có nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc dân, môi trường xã hội, môi trường sinh thái và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, bởi vậy chính quyền thường can thiệp và kiểm soát ở nhiều mức độ khác nhau. Sự can thiệp của chính phủ thể hiện dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp như: luật và các văn bản dưới luật; chính sách khuyến khích hoặc giới hạn quyền sở hữu các phương tiện vận tải; giới hạn hoặc mở rộng thị trường; qui định giá; hỗ trợ phát triển ngành GTVT, v.v.

Chính sách đổi mới kinh tế của Việt Nam từ 1986 đến nay đã có tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành GTVT. Có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu hàng hoá vận chuyển giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân theo xu hướng khu vực kinh tế vận tải tư nhân ngày càng phát triển. Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, nhưng ngành GTVT nói chung và vận chuyển hàng hoá nói riêng đang phát triển theo hướng tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Công chúng: Là thành phần rất quan tâm đến hoạt động vận chuyển hàng hoá nói riêng và giao thông vận tải nói chung vì vận chuyển liên quan đến chi phí, môi trường và an toàn xã hội. Công chúng tạo nên dư luận xã hội và gây sức ép để chính phủ và chính quyền các cấp ra các quyết định vì mục tiêu an sinh của địa phương và quốc gia.

Như vậy, trong vận chuyển hàng hoá phát sinh mâu thuẫn giữa những lợi ích cục bộ của người gửi, người nhận, người vận chuyển, và lợi ích xã hội tổng thể (chính phủ và công chúng) dẫn đến sự đối lập, điều hoà và hạn chế dịch vụ vận tải.

4.2.   Phân loại vận chuyển

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các loại hình vận chuyển ngày càng đa dạng và phong phú. Doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá có thể tuỳ ý sử dụng rất nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Có thể phân loại vận chuyển hàng hoá theo một số tiêu thức như: Loại phương tiện vận chuyển; mức độ điều tiết của nhà nước và theo mức độ phối hợp giữa các phương tiện. Mỗi loại hình vận chuyển đều có những ưu thế và hạn chế riêng mà nhà quản trị logistics cần biết để có sự lựa chọn đúng đắn.

4.2.1.Phân loại theo đặc trưng con đường /loại phương tiện vận tải

Có các loại hình vận chuyển đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, và đường ống. Đặc điểm cơ bản của các phương tiện này như sau:

4.2.1.1.       Đường sắt (railway)

Đường sắt có chi phí cố định cao (tàu, nhà ga, bến bãi) và chi phí biến đổi thấp. Thường thích hợp với các loại hàng có trọng lượng lớn, khối lượng vận chuyển nhiều, và cự li vận chuyển dài. Ví dụ các nguyên vật liệu như than, gỗ, hoá chất và hàng tiêu dùng giá trị thấp như giấy, gạo, thực phẩm và với khối lượng cả một toa hàng.

Mặt hạn chế của vận chuyển đường sắt là kém linh hoạt. Tàu hoả chỉ có thể cung cấp dịch vụ từ ga này tới ga kia (terminal-to-terminal), chứ không thể đến một địa điểm bất kì (point-to-point) theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tàu hoả thường đi, đến theo lịch trình cố định, tần suất khai thác các chuyến không cao, tốc độ chậm. Chính vì có những đặc trưng như vậy, nên mặc dù có giá cước tương đối thấp, đường sắt vẫn ít được áp dụng trong logistics như một phương thức vận tải độc lập, mà thường được phối hợp sử dụng với các phương tiện khác.

Tại Việt Nam hiện nay, thị phần vận chuyển hàng hoá của đường sắt rất thấp 3,7% (tấn.km- số liệu năm 2006). Nguyên nhân chủ yếu là do ít tuyến đường, ít điểm đỗ đón trả hàng và chất lượng dịch vụ bao gồm cả phần vận chuyển cơ bản cũng như dịch vụ bổ trợ tại các bến bãi còn rất kém.

4.2.1.2.       Đường thuỷ (waterway)

Đường thuỷ có chí phí cố định trung bình (tàu thuỷ và thiết bị trên tàu) và chi phí biến đổi thấp (do khả năng vận chuyển khối lượng hàng lớn nên có lợi thế nhờ quy mô), do đó đây là phương tiện có tổng chi phí thấp nhất (1/6 so với vận tải hàng không; 1/3 so với đường sắt;1/2 so với đường bộ). Thích hợp với những thứ hàng cồng kềnh, lâu hỏng, giá trị thấp (vật liệu xây dựng, than đá, cao su) và hàng đổ rời (cà phê, gạo), trên các tuyến đường trung bình và dài.

Tuy nhiên, đường thuỷ có hạn chế là tốc độ chậm, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết và các tuyến đường vận chuyển có hạn (phụ thuộc vào mạng lưới sông ngòi và bến bãi). Cũng như đường sắt, tính linh hoạt của vận chuyển đường thuỷ không cao, mức độ tiếp cận thấp.

Đối với vận chuyển thương mại quốc tế, đây lại là phương tiện thống trị, đặc biệt là khi có sự ra đời của các loại tàu biển lớn, hiện đại có khả năng chinh phục được thiên nhiên ở mức độ nhất định. Hiện nay có khoảng hơn 50% giá trị tính bằng tiền và 90% khối lượng hàng giao dịch trên toàn cầu là sử dụng đường thuỷ. Vận chuyển đường thuỷ đặc biệt quan trọng đối khu vực Bắc Âu và Trung Âu, bởi nơi đây được thiên nhiêu ưu đãi với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, kết hợp với hệ thống hải cảng hoàn hảo do con người tạo dựng, tàu bè có thể dễ dàng tiếp cần với các trung tâm dân cư lớn. Điển hình là cảng Rotterdam (Hà Lan), một trong những cảng bận rộn nhất trên thế giới. Cùng với quá trình toàn cầu hoá, vận tải thuỷ sẽ ngày càng phát triển và phổ biến. Tuy nhiên, chi phí vận tải đường biển hiện tại của Việt Nam vẫn nằm trong số 5 nước cao nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hoá VN.

4.2.1.3.       Đường bộ (motorway)

Đường bộ có  chi phí cố định thấp (ô tô) và chi phí biến đổi trung bình (nhiên liệu, lao động, và bảo dưỡng phương tiện). Ưu điểm nổi bật của đường bộ là có tính cơ động và tính tiện lợi cao, có thể đến được mọi nơi, mọi chỗ, với lịch trình vận chuyển rất linh hoạt. Bởi vậy đây là phương thức vận chuyển nội địa phổ biến, cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đáng tin cậy, an toàn, thích hợp với những lô hàng vừa và nhỏ, tương đối đắt tiền với cự li vận chuyển trung bình và ngắn.

Theo thống kê, lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ tăng đều qua mỗi năm, với rất nhiều loại hình dịch vụ đa dạng bởi số lượng nhà cung cấp đông đảo. Phương thức vận chuyển này thực sự là một bộ phận quan trọng của mạng lưới logistics của nhiều doanh nghiệp vì khả năng  đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.

4.2.1.4.       Đường hàng không (airway)

Đường hàng không có chi phí cố định cao (máy bay, và hệ thống điều hành) và chi phí biến đổi cao (nhiên liệu, lao động, sửa chữa bảo hành). Có tốc độ nhanh nhất, an toàn hàng hoá tốt, nhưng vì chi phí rất cao, nên thường chỉ thích hợp với những mặt hàng mau hỏng, gọn nhẹ, có giá trị lớn, nhất là khi có yêu cầu vận chuyển gấp. Dịch vụ tương đối linh hoạt, có tính cơ động cao, có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chuyên chở hàng hoá về mặt thời gian giao hàng, khối lượng chuyên chở và số lượt bay trên một tuyến đường Sự hấp dẫn của dịch vụ vận tải hàng không chính là vận tốc vượt trội của nó so với các phương tiện khác trong suốt hành trình, đặc biệt đối với khoảng cách xa. Trong thương mại quốc tế, đường hàng không vận chuyển khoảng 20% giá trị hàng hoá toàn cầu.

Bên cạnh cước vận tải cao, hàng không còn bị hạn chế bởi thủ tục kiểm tra hàng hoá và chứng từ khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Mức độ tiếp cận thấp, chỉ dừng ở các sân bay mà thôi. Hơn nữa, khối lượng vận chuyển bị hạn chế bởi dung tích khoang chứa hàng và sức nặng của máy bay.

4.2.1.5.       Đường ống (pipelines)

Đường ống có chi phí cố định rất cao và chi phí biến đổi thấp nhất. Đây là con đường hữu hiệu và an toàn để vận chuyển chất lỏng và khí hoá lỏng (xăng dầu, gas, hoá chất). Chi phí vận hành không đáng kể (rất ít  chi phí lao động), và gần như không có hao hụt trên đường, ngoại trừ trường hợp đường ống bị vỡ hoặc rò rỉ.

Cho tới nay thì vận chuyển bằng đường ống mới chỉ rất giới hạn bởi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và thiết kế phức tạp, (xây dựng đường ống, trạm bơm, trạm điều khiển và kiểm soát). Vận tốc trung bình của phương tiện này khá chậm, chỉ khoảng 5-7 km/giờ, nhưng bù lại bởi khả năng vận chuyển liên tục 24 giờ cả ngày lẫn đêm, và cả 365 ngày trong một năm, và đặc biệt không hề chịu ảnh hưởng của thời tiết.

Bảng xếp hạng (bảng 3.1) thể hiện sự so sánh giữa các loại phương tiện vận chuyển hàng hoá theo 6 tiêu thức về tốc độ, tính liên tục, độ tin cậy, năng lực vận chuyển, tính linh hoạt và chi phí. Tuy nhiên bảng xếp hạng này hoàn toàn chỉ mang tính tương đối, việc lựa chọn loại đường vận chuyển /phương tiện nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể  như đặc điểm mặt hàng, qui mô lô hàng, yêu cầu về địa điểm và thời gian giao hàng của khách hàng của từng lô hàng vận vận chuyển khác nhau

4.2.2.Phân loại theo đặc trưng sở hữu và mức độ điều tiết của nhà nước

Theo tiêu thức này, có thể phân loại thành các loại hình vận chuyển như vận chuyển riêng, vận chuyển hợp đồng và vận chuyển công cộng.

4.2.2.1.       Vận chuyển riêng (private carrier)

Là loại hình vận chuyển trong đó các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh có phương tiện vận tải và tự cung cấp dịch vụ vận chuyển cho riêng mình. Lí do chính để một doanh nghiệp sở hữu phương tiện vận tải riêng là để đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng và tính ổn định của quá trình sản xuất-kinh doanh, mà các dịch vụ này không phải lúc nào cũng có thể thuê được các hãng vận chuyển bên ngoài. Các đơn vị vận tải thường có nhiều khách hàng và không thể luôn thoả mãn các yêu cầu vận chuyển đặc biệt của mỗi khách hàng (chẳng hạn: vận chuyển nhanh với độ tin cậy cao; xử lí hàng hoá phức tạp), nhất là vào những thời kì cao điểm của thị trường vận tải.

 Những đặc điểm về chất lượng dịch vụ như: mức độ tin cậy cao; chu kì hoạt động ngắn; phản ứng nhanh chóng; kiểm soát chặt chẽ và mức độ tiếp xúc với khách hàng cao là ưu điểm của bộ phận vận chuyển nội bộ. Nếu như khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn và đều đặn, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa công xuất của các phương tiện thì chi phí vận chuyển có thể thấp hơn so với thuê ngoài, tuy rằng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, và có thể nảy sinh thêm một số vấn đề về lao động và quản lí. Hầu hết các phương tiện vận chuyển riêng do doanh nghiệp tự sở hữu là ô tô trọng tải vừa và nhỏ do mức đầu tư không quá cao, do tính linh hoạt và cơ động của phương tiện này, và đồng thời cũng là công cụ quảng cáo di động rất hữu hiệu của doanh nghiệp trên đường phố.

Việc sử dụng vận chuyển riêng không chỉ đơn thuần là quyết định về vận tải, mà còn là quyết định về tài chính và tổ chức. Đây là quyết định có tính chiến lược và dài hạn, cần có sự cân đối tổng thể về năng lực phục vụ khách hàng với năng lực tài chính và mục tiêu của doanh nghiệp.

4.2.2.2.       Vận chuyển hợp đồng (contract carrier)

Người vận chuyển hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng có chọn lọc. Cơ sở hợp đồng là sự thoả thuận về chi phí và dịch vụ giữa người vận chuyển và chủ hàng mà không bị nhà nước chi phối và quy định cước phí.

Ưu điểm của vận chuyển hợp đồng là có khả năng cung cấp nhiều loại dịch vụ đơn lẻ và trọn gói khác nhau theo đúng yêu cầu của khách hàng về lịch trình, địa điểm và thời gian. Các đơn vị vận tải này còn có thể đáp ứng cả những dịch vụ đặc biệt trong quá trình vận chuyển như dịch vụ bảo vệ (sản phẩm tươi sống được bảo quản đông lạnh, sản phẩm dễ vỡ được bao gói và chằng dây an toàn); dịch vụ vận chuyển liên tuyến (khi đơn vị vận tải chỉ hoạt động trong địa bàn nhất định nhưng chịu trách nhiệm chuyển giao cho hãng vận chuyển khác và đảm bảo trách nhiệm pháp lí về hàng hoá từ đầu đến cuối); dịch vụ bốc dỡ, chất xếp hàng hoá, làm các thủ tục giấy tờ hải quan. v.v.

Vận chuyển hợp đồng có 3 loại: hợp đồng dài hạn, hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng vận chuyển từng chuyến. Hợp đồng dài hạn được kí kết từ một năm trở lên với khối lượng hàng hoá vận chuyển được phân bố cho từng quý. Thường được áp dụng khi khối lượng và tần số vận chuyển tương đối đều đặn và ổn định. Khối lượng từ 5000 tấn/ trở lên đối với đường sắt và đường thuỷ; trên 1000 tấn/năm đối với đường bộ.

Hợp đồng vận chuyển ngắn hạn được kí kết trong một quý hoặc một tháng. Đối với những lô hàng cần vận chuyển đột xuất hoặc không nằm trong kế hoạch thì chủ hàng và đơn vị vận tải sẽ kí kết hợp đồng từng chuyến.

Trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta, vận chuyển hợp đồng được bắt đầu phát triển rộng rãi từ những năm 1990, nhưng vẫn mới chủ yếu là các phương tiện ô tô và tàu thuỷ nhỏ. Do hạn chế nhiều về tài chính và phương tiện, cũng như tuyến đường và hàng hoá vận chuyển, nên số lượng khách hàng và khả năng cạnh tranh bị giới hạn đáng kể so với các công ty vận chuyển công cộng. Còn ở các nước kinh tế phát triển, thì cả đường hàng không và đường sắt đều có sở hữu tư nhân nên thị trường dịch vụ vận chuyển hàng hoá được mở rộng và linh hoạt hơn rất nhiều.

4.2.2.3.       Vận chuyển công cộng (common carrier)

Các công ty vận chuyển công cộng có trách nhiệm cung cấp dịch vụ vận chuyển phục vụ công dân và nền kinh tế quốc dân với mức giá chung do nhà nước quy định mà không có sự phân biệt đối xử. Đây là loại hình chịu sự kiểm soát nhiều nhất từ phía chính quyền và công chúng.

Quyền hạn vận chuyển công cộng có thể cho mọi hàng hoá, hoặc giới hạn chuyên môn hoá cho từng đối tượng. Đồng thời đơn vị vận tải được định rõ địa bàn hoạt động, các điểm dừng đỗ cố định, và lịch trình không thay đổi trong một khoảng thời gian nhất định. Công ty vận chuyển công cộng không được quyền từ chối trong phạm vi địa bàn và mặt hàng được qui định, cho dù việc vận chuyển đó có thể không đem lại lợi nhuận. Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn hàng hoá trên lộ trình, phải đảm bảo giao hàng hoá nguyên đai, nguyên kiện như khi nhận hàng. Vì vậy nhà quản trị logistics không cần mua bảo hiểm hàng hoá khi sử dụng dịch vụ vận chuyển công cộng.

Ở Việt Nam loại hình vận chuyển này vẫn chiếm ưu thế do nhà nước giữ độc quyền một số loại hình giao thông công cộng. Ví dụ, Tổng công ty đường sắt, Việt Nam Airline, Tổng công ty đường sông, Tổng công ty vận tải thuỷ, Tổng công ty đường bộ, v.v). Chất lượng dịch vụ thấp, loại hình dịch vụ không đa dạng và ít linh hoạt, thủ tục hành chính phức tạp v.v… là những tồn tại phổ biến trong vận chuyển công cộng tại Việt Nam, gây cản trở không nhỏ đến sự phát triển của logistics tại các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

4.2.3.Phân loại theo khả năng phối hợp các phương tiện vận tải:

Có hai loại hình – vận chuyển bằng một loại phương tiện hoặc có thể kết hợp nhiều loại phương tiện trong một chuyến hàng.

4.2.3.1.       Vận chuyển đơn phương thức (single-mode transportation)

Cung cấp dịch vụ sử dụng một loại phương tiện vận tải. Loại hình này cho phép chuyên doanh hoá cao, tạo khả năng cạnh tranh và hiệu quả. Mỗi loại phương tiện vận tải đều có những ưu thế và hạn chế riêng như đã trình bày ở trên.

Nhược điểm của vận chuyển đơn phương thức là khi phải vận chuyển trên nhiều tuyến đường khác nhau lại phải tiến hành giao dịch với từng người vận chuyển. Và hệ thống các nghiệp vụ thương lượng và quản lí nhiều loại phương tiện như vậy là khá phức tạp và sẽ làm tăng chi phí. Đường hàng không là ví dụ điển hình cho kiểu vận chuyển này, bởi máy bay chỉ chở hàng từ sân bay này đến sân bay khác, còn người chủ hàng phải chịu trách nhiệm vận chuyển hàng từ nơi xuất phát ra sân bay, và từ sân bay tới điểm nhận hàng cuối cùng.

4.2.3.2.       Vận chuyển đa phương thức ( Intermodal transportation)

Một công ty vận tải sẽ cung ứng dịch vụ phối hợp ít nhất hai loại phương tiện vận tải, sử dụng một chứng từ duy nhất và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình vận chuyển hàng hoá.

Trong những năm gần đây, vận tải đa phương thức không ngừng phát triển nhanh chóng. Những lợi ích rõ ràng về kinh tế và quá trình toàn cầu hoá là các động lực chủ đạo cho loại hình vận chuyển này nở rộ. Đặc điểm chủ yếu của vận chuyển đa phương thức là sự tự do chuyển đổi phương tiện giữa các hình thức vận tải khác nhau. Các dịch vụ vận chuyển đa phương thức có được là do sự hợp tác giữa các hàng vận tải để phối hợp những dịch vụ riêng lẻ của họ lại với nhau. Các đại lí vận tải, các trung tâm môi giới thường được sử dụng để phối hợp các phương tiện và tạo ra các loại dịch vụ trọn gói, cung ứng sự thuận tiện cho chủ hàng.

Người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến loại hình vận chuyển đa phương thức bởi ưu thế trọn gói giao dịch và giá cả hợp lí của nó. Vận chuyển đa phương thức lợi dụng được ưu thế vốn có của mỗi loại phương tiện, và do đó có thể cung ứng dịch vụ vận tải thống nhất với tổng chi phí thấp nhất. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong vận tải hàng hoá nói riêng và trong logistics nói chung.

Trong đó, việc tiêu chuẩn hoá và thống nhất bao bì logistics, đặc biệt là quá trình côngtenơ hoá là một yếu tố quan trọng làm thay đổi diện mạo của ngành vận tải trong thế kỉ 20. Malcomlm McLean, người sáng lập tập đoàn vận tải SeaLand, được coi là người đầu tiên phát minh ra côngtenơ và đã rất thành công trong việc thương mại hoá sử dụng côngtenơ vào những năm 1950, ở New Jersey (Mĩ).

Côngtenơ (container) là các loại thùng chứa hàng đặc biệt (thùng tải), có kích thước được tiêu chuẩn hoá (độ dài 20ft = 6,1m; 40ft = 12,2m và 45ft = 13,7m), có kết cấu bền chắc để có thể sắp xếp tiện lợi và vững vàng trên các tàu côngtenơ, toa xe lửa hay xe tải chuyên dụng và cho phép sử dụng nhiều lần.

Sức chứa côngtenơ (của tàu, cảng, v.v.) được đo theo TEU (twenty-foot equivalent units). TEU là đơn vị đo của hàng hoá tương đương với một côngtenơ tiêu chuẩn 20ft (dài) * 8ft (rộng) * 8ft (cao). Kết hợp với mâm tải (pallet), việc sử dụng côngtenơ trong vận chuyển hàng hoá có những ưu điểm nổi bật sau:

      Giảm bớt và đơn giản hoá các khâu thao tác trung gian trong quá trình vận chuyển; Rút ngắn thời gian bốc dỡ, chất xếp hàng hoá khi chuyển tải; Giải phóng nhanh phương tiện vận tải (do công việc bốc dỡ, chất xếp nặng nhọc và tốn thời gian đã được cơ giới hoá); Hàng hoá được đưa từ cửa tới cửa rất thuận tiện.

      Đảm bảo an toàn hàng hoá, tránh đổ vỡ, hao hụt, xáo trộn, mất cắp... trong quá trình giao nhận, vận chuyển nhờ có vỏ bọc bền chắc của côngtenơ; Đỡ tranh chấp khiếu nại do tổn thất hàng hoá giảm bớt; Tiết kiệm chi phí bao bì; Tận dụng được dung tích của phương tiện do giảm được những khoảng trống.

Có nhiều khả năng phối hợp dịch vụ vận tải đa phương thức: đường sắt và đường bộ; đường sắt và đường thuỷ; đường sắt và đường hàng không; đường sắt và đường ống; đường bộ và đường hàng không; đường bộ và đường thủy;  đường bộ và đường ống; đường thuỷ và đường hàng không; đường thuỷ và đường ống; đường hàng không và đường ống. Tuy nhiên không phải phương án nào cũng có tính khả thi.

Có 2 loại hình vận chuyển đa phương thức hiện đang được sử dụng phổ biến nhất, đặc biệt trong vận tải quốc tế. Đó là vận tải liên hợp đường sắt - đường bộ (piggyback) và vận tải liên hợp đường thuỷ - đường bộ (fishyback). Việc phối hợp giữa đường hàng không - đường bộ (birdyback) cũng thường được sử dụng đối với hàng hoá có giá trị cao, có trọng lượng và dung tích nhỏ. Dưới đây mô tả chi tiết hơn về 2 loại vận tải liên hợp đường bộ - đường sắt đang được khai thác phổ biến nhất trong ngành vận tải hàng hoá : 

      Xe moóc chở trên toa trần (TOFC = trailer-on-flatcar): Là hình thức vận chuyển xe tải kéo moóc trên những toa trần của ngành đường sắt. Loại hình này thường được áp dụng trong trường hợp đoạn đường vận chuyển xa hơn so với các tuyến đường bộ thông thường. TOFC kết hợp được tính linh hoạt và tiện lợi của vận chuyển đường bộ với tính kinh tế của vận chuyển đường sắt trên các tuyến đường dài. Cước phí thường thấp hơn so với vận chuyển hoàn toàn bằng xe tải và tạo cơ hội cho phương tiện này nâng cao tính kinh tế của mình. Bên cạnh đó, vận chuyển đường sắt mở rộng cơ hội tham gia vận chuyển thêm nhiều loại hàng hoá vốn chỉ thường sử dụng xe tải. Chủ hàng cũng có lợi do sự thuận tiện của dịch vụ vận chuyển từ cửa đến cửa trên quãng đường dài với giá cả hợp lí. Những ưu thế này đã làm cho TOFC trở thành dịch vụ vận chuyển phối hợp thông dụng nhất.

      Côngtenơ chở trên toa trần (COFC = container-on-flatcar): Với dịch vụ TOFC, toàn bộ xe moóc được vận chuyển trên một toa tàu hoả. Tuy nhiên, xe moóc gồm 2 phần: côngtenơ hay là thùng hàng hoá và khung gầm của xe moóc. Nếu chỉ vận chuyển duy nhất phần côngtenơ thì có thể tiết kiệm được phần tải trọng không có ích của khung gầm xe (kết cầu gầm, khung và bánh xe). Dịch vụ như vậy được gọi là COFC (côngtenơ trở trên toa trần)

4.2.3.3.       Vận tải đứt đoạn ( separate transporation):

Là loại dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi đi đến nơi đến bằng hai hay nhiều phương thức vận tải, sử dụng hai hay nhiều chứng từ vận tải và nhiều nhà vân chuyển phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong một hành trình vận chuyển. Là loại dịch vụ vận tải làm tăng chi phí nhưng hay gặp trong các thị trường vận tải không thống nhất, kém liên kết và phát triển. Các doanh nghiệp cần hạn chế tối đa sử dụng loại dịch vụ này.

4.2.4.Các phương án vận chuyển khác

4.2.4.1.       Đại lí vận tải (freight forwarder)

Trên thị trường dịch vụ vận chuyển hàng hoá hiện nay có khá nhiều đại lí cung cấp dịch vụ cho các chủ hàng trong khi chỉ sở hữu rất ít hoặc thậm chí không sở hữu bất kì phương tiện vận tải nào. Công việc của họ là tập hợp một khối lượng lớn các lô hàng nhỏ từ một hoặc nhiều chủ hàng khác nhau và giao tới các địa điểm theo yêu cầu. Đại lí vận tải có nhiệm vụ giống như các nhà bán buôn trông kênh phân phối. Họ có cước phí cạnh tranh được với cước phí của dịch vụ vận chuyển lô hàng nhỏ không đầy xe tải LTL (less than truck-load). Họ khai thác tính qui mô trong vận tải và sự chênh lệch nhau giữa cước phí vận chuyển khối lượng lớn so với lô hàng nhỏ để bù lại phụ phí hoạt động. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp dịch vụ lấy hàng và giao hàng cho các chủ hàng. Đôi khi, họ có thể vận chuyển nhanh hơn với dịch vụ đầy đủ hơn so với các đơn vị vận tải thuần tuý.

Các đại lí vận tải có thể cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá trong nước hoặc quốc tế tuỳ thuộc vào phạm vi hoạt động của mình. Họ còn có thể phân loại thành đại lí vận tải hàng không hoặc vận tải dưới mặt đất tuỳ thuộc vào loại hình phương tiện sử dụng. Khi tham gia vận chuyển quốc tế, đại lí vận tải thường cả cung cấp dịch vụ thông quan, hoàn tất giấy tờ xuất nhập cảnh, tạo được sự tiện lợi tối đa cho các chủ hàng, đặc biệt là đối với các chủ hàng nhỏ, thiếu kinh nghiệm marketing quốc tế.

4.2.4.2.       Môi giới vận tải (transportation broker)

Môi giới vận tải là những người trung gian đưa chủ hàng và đơn vị vận tải đến với nhau bằng việc cung cấp kịp thời những thông tin về cước phí, tuyến vận tải và năng lực vận chuyển. Họ có thể sắp xếp quá trình vận tải song họ không có trách nhiệm thực hiện việc này.

Các chủ hàng và các hãng vận tải sử dụng dịch vụ môi giới vì nhiều lí do khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là do sự đa dạng và phức tạp của thị trường vận tải trong những năm gần đây. Người môi giới có thể giúp hãng vận tải tìm được khách trở hàng cho lượt về, tránh tình trạng vận chuyển “rỗng”, vì vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng trọng tải.

Còn đối với chủ hàng thiếu kinh nghiệm, hoặc thiếu nhân sự/thời gian thì dịch vụ môi giới vận tải đặc biệt hữu ích. Nếu doanh nghiệp không có bộ phận quản lí vận chuyển hàng hoá, và lại có tần số vận chuyển không lớn thì có thể dựa vào dịch vụ môi giới để tìm kiếm, thương lượng và kí kết hợp đồng với hãng vận tải thích hợp.

4.2.4.3.       Dịch vụ vận chuyển bưu kiện (small package carrier)

Đối với nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, bán hàng qua catalog, kinh doanh mĩ phẩm, phân phối sách và đĩa nhạc,… thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển bưu kiện là phương án lựa chọn quan trọng. Hàng hoá bị giới hạn về trọng lượng (không quá 70 pounds) và kích thước (không quá 130 inches). Tốc độ nhanh, thời gian ngắn, an toàn hàng hoá tốt và chi phí cao là đặc điểm của loại hình dịch vụ này.

Trên thế giới, các công ty như FedEx, UPS, DHL, Airborne Express, Emery Worldwide… đã rất thành công trong lĩnh vực vận chuyển bưu kiện với phạm vi hoạt động toàn cầu. Họ thường có mạng lưới kho tập hợp/giao hàng tại các trung tâm thương mại quốc tế lớn. Họ có hệ thống thông tin quản lí năng động, có thể thiết kế, vận hành và giám sát các tuyến đường vận chuyển hữu hiệu, cũng như cung cấp thông tin kịp thời tới khách hàng. Họ sở hữu và phối hợp nhiều loại phương tiện tốc độ cao như máy bay, canô và xe tải để đảm bảo chất lượng tương ứng với nhu cầu vận chuyển an toàn và cấp bách của chủ hàng. Nhu cầu đối với loại hình dịch vụ này ngày càng mở rộng khi quan điểm cung ứng tức thì JIT (just-in-time) ngày càng được ứng dụng phổ biến.

4.3.   Các quyết định cơ bản trong vận chuyển

4.3.1.Chiến lược vận chuyển hàng hoá

4.3.1.1.       Xác định mục tiêu chiến lược vận chuyển

Chức năng vận chuyển hàng hoá cần được thiết kế và vận hành phù hợp với chiến lược cạnh tranh chung và chiến lược logistics của toàn doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào nhiệm vụ dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp cùng với mạng lưới các cơ sở logistics (điểm bán lẻ, kho bãi, trung tâm phân phối) và các nguồn lực hiện có khác mà xây dựng các phương án vận chuyển khác nhau nhằm đáp ứng cao nhất những đòi hỏi của thị trường với tổng chi phí thấp nhất.

Xuất phát từ 2 nhóm mục tiêu căn bản của logistics: chi phí và dịch vụ khách hàng, chiến lược vận chuyển phải lượng hoá được các chỉ tiêu trong kế hoạch hành động của mình.

      Mục tiêu chi phí: Là một trong những mục tiêu hàng đầu của vận chuyển.Nhà quản trị phải đưa ra những quyết định vận chuyển nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí của cả hệ thống logistics. Chi phí phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt phụ thuộc hệ thống logistics nhằm sử dụng các giải pháp để tối thiểu hoá tổng chi phí của cả hệ thống. Điều này có nghĩa, tối thiểu hoá chi phí vận chuyển không phải luôn luôn liên quan đến tổng chi phí logistics thấp nhất. Ví dụ như để tối thiểu hoá chi phí vận chuyển, người ta thường vận chuyển với qui mô lớn, sử dụng phương tiện như đường sắt hay đường thuỷ, điều này có thể tạo nên chi phí dự trữ cao hơn, và chưa chắc tổng chi phí logistics đạt mức tối ưu.

      Mục tiêu chất lượng dịch vụ khách hàng: Thể hiện năng lực đáp ứng nhu cầu khách hàng về thời gian, địa điểm, qui mô và cơ cấu mặt hàng trong từng lô hàng vận chuyển. Trong vận chuyển hàng hoá, dịch vụ khách hàng được thể hiện ở 2 khía cạnh đặc thù và quan trọng nhất, đó là thời gian và độ tin cậy.

      Trình độ dịch vụ khách hàng chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời gian vận chuyển. Trong một chu kỳ thực hiện đơn đặt hàng, thời gian vận chuyển chiếm nhiều nhất, và do đó tốc độ vận chuyển có liên quan đến việc đáp ứng kịp thời hàng hoá cho khách hàng, đến dự trữ hàng hoá của khách hàng. Tốc độ và chi phí vận chuyển liên quan với nhau theo 2 hướng. Thứ nhất, các đơn vị vận chuyển có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh hơn thì cước phí sẽ cao hơn; thứ hai, dịch vụ vận chuyển càng nhanh, thời gian dự trữ trên đường càng giảm. Do đó, chọn phương án vận chuyển phải cân đối được tốc độ và chi phí vận chuyển. Thông thường, các doanh nghiệp chọn mục tiêu chi phí khi vận chuyển bổ sung dự trữ, còn khi vận chuyển cung ứng hàng hoá cho khách hàng thì chọn mục tiêu tốc độ.

      Độ tin cậy trong vận chuyển hàng hoá thể hiện qua tính ổn định về thời gian và chất lượng dịch vụ khi di chuyển các chuyến hàng. Sự dao động trong thời gian vận chuyển là khó tránh khỏi do những yếu tố không kiểm soát được như thời tiết, tình trạng tắc nghẽn giao thông, v.v. Tuy nhiên dao động cần được giảm đến mức thấp nhất trong quá trình di chuyển xác định đối với các lô hàng giao, nhận. Độ ổn định vận chuyển ảnh hưởng đến cả dự trữ của người mua, người bán và những cơ hội, rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên bên cạnh việc đảm bảo tốt tính ổn đinh trong vận chuyển, chủ hàng cũng cần có được sự linh hoạt trong môi trường kinh doanh đầy biến động, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển đột xuất và cấp bách của khách hàng.

Lưu ý: Luôn có sự đánh đổi giữa mục tiêu chi phí và chất lượng dịch vụ vận chuyển. Để đạt được mức độ đáp ứng khách hàng cao (hàng có mặt đúng lúc, đúng chỗ, đa dạng chủng loại, không thiếu dự trữ) thì thường phải vận chuyển với tần số lớn, khối lượng nhỏ.... và như vậy chi phí vận chuyển nói riêng và chi phí logistics nói chung sẽ tăng. Vì vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược vận chuyển cần phải khéo léo đạt được sự cân đối giữa chi phí vận chuyển và chất lượng dịch vụ. Trong một số trường hợp, chi phí thấp là cần thiết; ở tình thế khác, dịch vụ là quan trọng hơn để  đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng hàng hoá cho khách hàng. Quá trình thiết kế và quản trị phối thức vận chuyển hợp lí là trách nhiệm hàng đầu của nhà quản trị logistics.

4.3.1.2.       Thiết kế mạng lưới và tuyến đường vận chuyển

Mạng lưới và tuyến đường vận chuyển cần được thiết kế để đảm bảo sự vận động hợp lí của hàng hoá trong kênh logistics theo những điều kiện nhất định. Có nhiều phương án vận chuyển khác nhau: vận chuyển thẳng đơn giản; vận chuyển thẳng với tuyến đường vòng; vận chuyển qua trung tâm phân phối; vận chuyển qua trung tâm phân phối với tuyến đường vòng và vận chuyển đáp ứng nhanh.

      Vận chuyển thẳng đơn giản (direct shipment network):

Với phương án vận chuyển thẳng, tất cả các lô hàng được chuyển trực tiếp từ từng nhà cung ứng tới từng địa điểm của khách hàng như trong hình 4.3. Đó là những tuyến đường cố định và nhà quản trị logistics chỉ cần xác định loại hình phương tiện vận tải và qui mô lô hàng cần gửi, trong đó có cân nhắc tới mức độ đánh đổi giữa chi phí vận chuyển và chi phí dự trữ hàng hoá.

Ưu điểm chính của vận chuyển thẳng là xoá được các khâu kho trung gian, đẩy nhanh quá trình dịch vụ khách hàng, và quản lí đơn giản. Các quyết định vận chuyển mang tính độc lập tương đối, và có thể giảm được chi phí vận chuyển trong trường hợp cự li ngắn do giảm được số lần xếp dỡ hàng hoá.

Phương án vận chuyển thẳng được coi là hợp lí nếu nhu cầu tại từng địa điểm khách hàng là đủ lớn để vận chuyển đầy xe (TL) hoặc khi vận chuyển những mặt hàng cồng kềnh, trọng lượng lớn như đồ gỗ, máy giặt, tủ lạnh. Nhưng nếu mỗi địa điểm chỉ cần khối lượng hàng nhỏ (LTL) thì phương án này sẽ làm tổng chi phí vận chuyển tăng, do cước phí cao cộng với chi phí lớn cho việc giao nhận nhiều lô hàng nhỏ.

      Vận chuyển thẳng với tuyến đường vòng (direct shipping with milk runs)

Tuyến đường vòng (milk run) là  hành trình vận chuyển trong đó xe tải sẽ giao hàng từ một nhà cung ứng tới lần lượt nhiều khách hàng hoặc gộp các lô hàng từ nhiều nhà cung ứng tới một khách hàng (hình 4.4). Việc phối hợp các lô hàng như vậy cho một tuyến đường của một xe tải sẽ khắc phục được hạn chế nói trên của vận chuyển thẳng, làm tăng hiệu suất sử dụng trọng tải xe.

Thiết kế tuyến đường vòng đặc biệt phù hợp khi mật độ khách hàng dày đặc, cho dù khoảng cách vận chuyển là dài hay ngắn. Điển hình là doanh nghiệp trên thị trường đồ ăn nhanh như Frito-Lay hay McDonald khi họ cần đáp ứng mạng lưới kinh doanh nhượng quyền của mình những lô hàng nhỏ trong ngày. Còn doanh nghiệp Nhật bản như Toyota thì ứng dụng phương án vận chuyển thẳng với tuyến đường vòng từ nhiều nhà cung ứng nguyên liệu để phù hợp với dây chuyền sản xuất JIT của mình.

      Vận chuyển qua trung tâm phân phối (all shipments via distribution center)

Trong phương án này, các nhà cung ứng không vận chuyển trực tiếp tới địa điểm của khách hàng, mà vận chuyển thông qua một trung tâm phân phối (DC) trong một khu vực địa lí nhất định (hình 4.5). Sau đó, trung tâm phân phối này chuyển những lô hàng tương ứng đến từng khách hàng trên địa bàn hoạt động của mình.

DC tạo nên một khâu trung gian giữa nhà cung ứng và khách hàng để thực hiện 2 nhiệm vụ: dự trữ và chuyển tải. Sự hiện diện của DC có thể giúp giảm chi phí của toàn bộ chuỗi cung ứng logistics khi các nhà cung ứng ở xa khách hàng và chi phí vận chuyển lớn. Cả 2 nguyên tắc vận chuyển -- lợi thế nhờ qui mô và lợi thế nhờ khoảng cách đã được – đã được triệt để khai thác ở phương án vận chuyển qua trung tâm phân phối.

Siêu thị Wal-Mart (siêu thị giá rẻ của Mỹ có mạng lưới bán lẻ toàn cầu) đã rất thành công khi đặt mua những lô hàng lớn tại các nước có lợi thế cạnh tranh ở từng nhóm hàng khác nhau và sử dụng các DC để dữ trữ, phân lô và chuyển tải cho mạng lưới cửa hàng của mình.

Như vậy, xác định một phương án vận chuyển hợp lí phải gắn liền với các quyết định chiến lược trước đó về qui hoạch mạng lưới các cơ sở logistics trong đó có các trung tâm phân phối, kho bãi, phân xưởng sản xuất và cửa hàng bán lẻ.

      Vận chuyển qua trung tâm phân phối với tuyến đường vòng (shipping via DC using milk runs)

Người ta thường thiết kế tuyến đường vòng để vận chuyển từ trung tâm phân phối đến các khách hàng khi lô hàng theo nhu cầu của khách hàng tương đối nhỏ, không chất đầy xe tải (LTL). Như vậy sẽ phải phối hợp nhiều lô hàng nhỏ với nhau để khai thác tính kinh tế nhờ qui mô và giảm số lần vận chuyển không tải. Còn DC được sử dụng để tập hợp các lô hàng lớn được vận chuyển từ các nhà cung ứng ở khoảng cách xa tới và dự trữ tại đó .

Tập đoàn Seven-Eleven (7/11) sử dụng phương thức vận chuyển này để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các đơn hàng cho hệ thống cửa hàng tiện ích dày đặc của mình trên các đô thị lớn của các khu vực thị trường trọng điểm.

      Vận chuyển đáp ứng nhanh (tailored network)

Đây là phương thức vận chuyển phối hợp nhiều phương án kể trên để tăng mức độ đáp ứng và giảm chi phí trong hệ thống logistics. Trong từng tình huống khác nhau, chủ hàng sẽ phải quyết định có vận chuyển qua trung tâm phân phối hay không, vận chuyển đầy xe hay không đầy xe, theo tuyến đường vòng hay tuyến đường thẳng. Mục tiêu cao nhất là đáp ứng yêu cầu về thời gian, địa điểm, khối lượng và cơ cấu hàng hoá vận chuyển tới khách hàng. Bên cạnh đó có cân nhắc đến chi phí tổng thể cho cả phương tiện, dự trữ, bốc xếp và an toàn hàng hoá. Phương án này đòi hỏi trình độ quản lí cao, có khả năng phối hợp hiệu quả trong các tình huống phức tạp và có hệ thống thông tin nhạy bén, kết nối trực tiếp với các nhà cung ứng và mạng lưới khách hàng.

4.3.1.3.       Lựa chọn đơn vị vận tải

Cùng với quyết định về phương án và tuyến đường vận chuyển là quyết định về phương tiện và đơn vị vận tải phù hợp. Căn cứ vào việc phân tích nhu cầu dịch vụ khách hàng, vào đặc trưng dịch vụ và chi phí của từng loại phương tiện, vào khả năng cung ứng của đối thủ cạnh tranh… từ đó lựa chọn đơn vị vận tải thích hợp với mục tiêu chiến lược và mạng lưới vận chuyển đã thiết kế.

4.3.1.3.1.    Tiêu thức lựa chọn:

Lựa chọn đơn vị vận tải thường được phân tích theo các tiêu thức cụ thể như chi phí, thời gian, độ tin cậy, khả năng tiếp cận, công suất, tính linh hoạt và an toàn hàng hoá.

      Chi phí vận chuyển: bao gồm nhiều khoản mục, và cần cân nhắc đến tổng chi phí

      Cước vận chuyển: Chi phí lớn nhất và dễ nhận thấy nhất, tính bằng đơn vị tấn-km.

      Chi phí tại bến (xe, cảng, tàu): phí thuê bến bãi, bốc dỡ chất xếp hàng hoá (có thể được tính trọn gói, cũng có thể tính riêng ngoài cước vận chuyển)

      Phí bảo hiểm: tuỳ thuộc giá trị lô hàng và phương tiện giao thông

Chi phí vận chuyển dao động tuỳ thuộc vào loại hình hàng hoá (hình dạng, trọng khối), khối lượng và khoảng cách vận chuyển. Ngoài ra còn có thể có những chi phí cho dịch vụ đặc biệt như chi phí thủ tục thông quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

      Thời gian vận chuyển: bao gồm tổng thời gian vận chuyển trọn gói từ khi chủ hàng gửi từ điểm xuất phát tới tận địa điểm khách hàng yêu cầu (transit time door to door), trong đó gồm có các yếu tố:

      Tốc độ: đối với những quãng đường dài (500 km trở lên) thì tốc độ của phương tiện vận chuyển quyết định lớn nhất đến thời gian giao nhận hàng

      Thời gian bốc dỡ và chất xếp hàng hoá sang phương tiện vận tải khác: nhiều khi, để chuyển hàng đến đúng địa điểm yêu cầu, người ta cần đến nhiều phương tiện vận chuyển, và thời gian dừng lại để chuyển hàng sang phương tiện khác cũng cần được tính đến. Điều này còn tuỳ thuộc rất nhiều vào khả năng cơ giới hoá ở từng điểm đỗ. Bởi vậy, với những quãng đường ngắn (dưới 100 km) người ta thấy rằng thời gian trên đường và thời gian bốc dỡ là gần ngang nhau, và ô tô với các bao bì được tiêu chuẩn hoá (kiện, côngtenơ) và thiết bị dỡ hàng có thể sẽ là phương sách tối ưu để tiết kiệm thời gian giao nhận hàng.

Phương tiện vận chuyển máy bay có tốc độ cao nhất, nhưng bên cạnh đó cần phải tính đến thời gian chờ đến đúng chuyến bay. Và thông thường máy bay không thể chở đến tận kho của khách hàng, mà chỉ có thể hạ cánh ở sân bay nhất định, từ đó lại phải bốc dỡ hàng sang phương tiện khác để đi đến đúng địa điểm (thường là chuyển sang ô tô) nên tổng thời gian vân chuyển sẽ không nhỏ.

      Độ tin cậy (reliability): thể hiện qua tính ổn định về thời gian và chất lượng dịch vụ chuyên chở hàng hoá trong những điều kiện xác định. Những yếu tố tác động đến độ tin cậy là thời tiết, tình trạng giao thông, số lần dừng lại trên tuyến, thời gian tập hợp và giao nhận hàng hoá trên đường. Khả năng sai lệch thời gian vận chuyển là thước đo sự không chắc chắn của quá trình thực hiện vận chuyển hàng hoá. Nếu độ tin cậy thấp, thời gian vận chuyển không ổn định, lúc nhanh lúc chậm, sẽ gây nên tình trạng lúc thừa hàng lúc thiếu hàng, khiến khách hàng bị thụ động trong kinh doanh và buộc phải tăng mức dự trữ bảo hiểm cao hơn. Đối với nhiều khách hàng, người ta coi tiêu thức về độ tin cậy quan trọng hơn là thời gian vận chuyển để có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất-kinh doanh của mình.

      Năng lực vận chuyển (capability): cho biết khối lượng hàng hoá và địa bàn hoạt động mà đơn vị vận tải có thể chuyên trở được trong một khoảng thời gian nhất định thể hiện qua số lượng phương tiện vận tải và các thiết bị đi kèm. Năng lực vận chuyển còn thể hiện ở khả năng tiếp cận đến đúng địa điểm và vị trí theo yêu cầu của khách hàng. Vận tải đường bộ có chi phí tương đối cao nếu vận chuyển khối lượng lớn trên quãng đường dài nhưng lại rất linh hoạt và có khả năng đáp ứng được đến đúng địa điểm theo yêu cầu, đến tận cửa kho hàng hoá của khách hàng.

      Tính linh hoạt (flexibility): khả năng đáp ứng nhanh chóng và kịp thời của đơn vị vận tải trong những tình huống ngoài kế hoạch và hợp đồng vận chuyển. Chẳng hạn khối lượng vận chuyển lớn hơn nhiều so với dự kiến; vận chuyển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; v.v.

      An toàn hàng hoá (cargo safety): thông thường các đơn vị vận tải chịu trách nhiệm về những va đập, đổ vỡ hàng hoá trên đường, trừ trường hợp thiên tai bất ngờ. Về phía chủ hàng thì cần có những bao bì bảo vệ thích hợp cho hàng hoá của mình chống những dao động va đập trên đường vận chuyển. Vận tải đường ống là an toàn nhất đối với hàng hoá và gần như không có hao hụt; thứ hai là đường thuỷ; thứ ba là đường hàng không; thứ tư là đường bộ; và phương tiện vận chuyển có tỷ lệ hao hụt cao và kém an toàn nhất là đường sắt.

4.3.1.3.2.    Qui trình lựa chọn đơn vị vận tải

Đơn vị vận tải có ảnh hưởng rất lớn đến các tiêu chuẩn dịch vụ và chi phí đối với doanh nghiệp. Cần phải đánh giá người vận chuyển theo nhiều tiêu thức để lựa chọn. Quá trình lựa chọn người vận chuyển tiến hành theo các bước sau đây:

      Xác định các tiêu thức và tầm quan trọng của mỗi tiêu thức

Trên quan điểm marketing, phải phân tích các tiêu thức đánh giá nhà cung cấp theo định hướng người nhận hàng, tức là định hướng khách hàng, chứ không phải định hướng người chủ hàng, người thuê dịch vụ vận tải. Hai khía cạnh chính cần xem xét là dịch vụ và chi phí, trong đó có thể triển khai thành 6 tiêu thức (chi phí, thời gian, độ tin cậy, năng lực vận chuyển, tính linh hoạt và an toàn hàng hoá) như mô tả ở phần trên.Tầm quan trọng của mỗi tiêu thức được xác định theo hệ số phù hợp với quan điểm của người nhận hàng. Có thể xếp hạng mức độ quan trọng theo thứ tự: hệ số 1 là quan trọng nhất, hệ số 3 là ít quan trọng nhất.

      Lựa chọn đơn vị vận tải

Với những đơn vị vận tải mà doanh nghiệp đã từng kí hợp đồng vận chuyển thì có thể đánh giá thực lực chất lượng dịch vụ và chi phí cụ thể theo như bảng 3.2. Trong đó, kết quả thực hiện theo từng tiêu thức của từng đơn vị vận chuyển được đánh giá bằng cách cho điểm với thang từ 1 đến 3, với 1 là tốt nhất và 3 là kém nhất. Điểm đánh giá này phải phán ánh cả yếu tố số lượng và chất lượng.

Tổng số điểm đánh giá được xác định bằng cách nhân điểm thực hiện tiêu chuẩn với hệ số quan trọng để được điểm đánh giá từng tiêu chuẩn, sau đó, cộng điểm đánh giá các tiêu chuẩn sẽ được tổng số điểm. Người vận chuyển nào có tổng số điểm đánh giá thấp nhất là người có năng lực vận chuyển đạt yêu cầu cao nhất.

Với những đơn vị vận tải mà doanh nghiệp chưa từng sử dụng dịch vụ của họ thì có thể thu thập thông tin qua các bạn hàng, qua báo chí hoặc hiệp hội vận tải. Để từ đó có được sự lựa chọn khách quan và xác đáng. Ngoài việc đánh giá các tiêu chuẩn chi phí và dịch vụ, cần cân nhắc cả những yếu tố như tính hợp tác và mối quan hệ của doanh nghiệp với đơn vị vận tải.

      Giám sát và đánh giá dịch vụ lựa chọn

Công tác giám sát và đánh giá là hết sức cần thiết sau một khoảng thời gian nhất định (1 tháng/3 tháng/6 tháng) để rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc lựa chọn dịch vụ vận tải khác phù hợp hơn. Việc đánh giá có thể căn cứ theo những tiêu thức đã nêu trong bảng 3.2, kèm với nhận xét của người nhận hàng (khách hàng) về đơn vị vận tải. Việc đánh giá đồng thời phải thống nhất với mục tiêu chiến lược vận chuyển trong mối tương quan với mạng lưới và tuyến đường vận tải được hoạch định trước đó.

4.3.2.Phối hợp trong vận chuyển hàng hoá

Ngày nay, hoạt động vận chuyển hàng hoá trong doanh nghiệp khá đa dạng, phức tạp, tương tác với nhiều chức năng logistics khác và có thể tiếp cận ở nhiều mức độ khác nhau. Có lúc nhằm mục đích cung ứng vật liệu đầu vào và bổ sung dự trữ cho quá trình sản xuất-kinh doanh. Có lúc đặt mục đích cao nhất là cung ứng hàng hoá phục vụ khách hàng. Thêm nữa thị trường dịch vụ vận tải cũng hết sức phong phú và sôi động với nhiều đơn vị có lợi thế cạnh tranh trên từng địa bàn hoạt động. Bởi vậy để đạt được mục đích tối ưu hoá hoạt động vận chuyển hàng hoá nói riêng và hệ thống logistics nói chung trong doanh nghiệp, nhà quản trị phải có tầm nhìn chiến lược và khả năng phối hợp nhiều phương án vận chuyển khác nhau. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và mạng internet, khả năng đưa ra các quyết định phối hợp vận chuyển ngày càng mở rộng.

4.3.2.1.       Phối hợp vận chuyển căn cứ theo mật độ khách hàng và khoảng cách 

Doanh nghiệp cần cân nhắc đến mật độ khách hàng và khoảng cách từ doanh nghiệp/trung tâm phân phối tới địa điểm giao hàng khi thiết kế mạng lưới vận chuyển để từ đó có các phương án phối hợp khác nhau trên từng khu vực. 

Khi doanh nghiệp phục vụ số lượng khách hàng lớn với mật độ dày đặc xung quanh một trung tâm phân phối thì phương án tốt nhất là sử dụng đội vận chuyển riêng để chủ động cung ứng và khai thác tối đa công suất phương tiện với tuyến đường vòng. Trong trường hợp mật độ khách hàng đông nhưng khoảng cách xa DC thì vận chuyển riêng với tuyến đường vòng là lãng phí bởi lượt về không hàng của đội xe. Lúc này việc sử dụng dịch vụ vận chuyển công cộng cho quãng đường dài tới kho/DC gần khu vực khách hàng sẽ hiệu quả hơn. Từ kho/DC thì có thể sử dụng đội xe vận chuyển riêng (nếu có) hoặc vận chuyển hợp đồng theo tuyến đường vòng để rải hàng tới mạng lưới khách hàng cần cung ứng. Khi mật độ khách hàng trong một địa bàn thưa thớt thì việc sử dụng vận chuyển hợp đồng với đơn vị vận tải nhỏ (không đầy xe = LTL) thì sẽ tối ưu hơn. Bởi đơn vị này có thể phối hợp các lô hàng của các chủ hàng khác cho cùng một tuyến đường. Còn vận chuyển bưu kiện thường được coi là phương án lựa chọn hợp lí khi mật độ khách hàng rất thấp mà khoảng cách vận chuyển lại xa.

4.3.2.2.       Phối hợp vận chuyển theo qui mô khách hàng

Doanh nghiệp phải tính đến qui mô và địa điểm khách hàng khi thiết kế mạng lưới và tuyến đường vận chuyển. Khi đáp ứng những đơn hàng lớn thì có thể vận chuyển đầy xe hoặc đầy toa tàu (TL/CL), còn với những khách hàng nhỏ thì nên sử dụng đơn vị vận tải nhỏ, vận chuyển không đầy xe (LTL) hoặc vận chuyển theo tuyến đường vòng.

Khi cung ứng hàng hoá cho khách sẽ có 2 loại chi phí: chi phí vận chuyển và chi phí giao nhận hàng. Trên cùng một quãng đường thì chi phí vận chuyển là không đổi cho dù là khách hàng lớn hay nhỏ, nhưng chi phí giao hàng đối với khách hàng nhỏ sẽ lớn hơn nếu tính trên từng đơn vị hàng hoá. Bởi vậy nếu giao hàng cho tất cả khách hàng (bất kể qui mô lớn hay nhỏ) theo cùng một tần số thì sẽ không phải là phương án tối ưu. Do đó người ta thường phân loại khách hàng theo qui mô: lớn (L), vừa (M) và nhỏ (S), rồi sử dụng tuyến đường vòng để cung ứng cho khách hàng với tần số khác nhau.

Ví dụ, có thể bổ sung dự trữ cho khách hàng lớn 6 lần/2 tuần; khách hàng vừa là 3 lần/2 tuần và khách hàng nhỏ là 2 lần/2 tuần. Nếu trên một địa bàn vận chuyển doanh nghiệp có 1 khách hàng lớn (L), 2 khách hàng qui mô vừa (M1, M2) và 3 khách hàng qui mô nhỏ (S1, S2, S3) thì có thể phối hợp vận chuyển để đáp ứng nhu cầu khách hàng như sau: (L, M1, S1); (L, M2; S2); (L,M1,S3); (L,M2,S1); (L,M1,S2); (L,M2,S3). Như vậy mỗi chuyến hàng vẫn vận chuyển được đầy xe, khách hàng lớn thì được giao hàng nhiều lần hơn, tương ứng với mức tiêu thụ hàng hoá và chi phí giao nhận hàng của họ.

4.3.2.3.       Phối hợp vận chuyển và dự trữ hàng hoá

Các phương án phối hợp giữa vận chuyển và dự trữ hàng hoá cần được cân nhắc tuỳ thuộc vào qui mô nhu cầu thị trường và loại hình sản phẩm (xem bảng 3.4). Đối với những mặt hàng có giá trị cao và có nhu cầu đặt hàng lớn thì có thể chia nhỏ dự trữ chu kì để tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển chi phí thấp để bổ sung loại hình dự trữ này. Bên cạnh đó, có thể phối hợp vận chuyển dự trữ bảo hiểm của nhiều mặt hàng thuộc nhóm này để giảm chi phí dự trữ, đồng thời sử dụng phương tiện vận chuyển nhanh để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. Còn với những mặt hàng giá trị cao mà nhu cầu thị trường thấp thì nên  phối hợp vận chuyển tất cả các lô hàng để giảm chi phí dữ trữ hàng hoá.

Đối với các mặt hàng giá trị thấp thì vận chuyển càng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong cạnh tranh xuất khẩu. Chi phí vận chuyển những nhóm hàng như cát, đá, sỏi, than, xi măng, sắt, thép, cà phê, cao su... có thể chiếm đến 50% giá trị lô hàng. Vì vậy thiết kế tuyến đường và tổ chức vận chuyển tối ưu sẽ góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cụ thể, với các mặt hàng có tốc độ lưu chuyển cao, nhu cầu thị trường lớn mà có giá trị thấp thì không nên phối hợp vận chuyển các lô hàng dự trữ các loại mà nên vận chuyển qua trung tâm phân phối gần với khách hàng để tiết kiệm chi phí vận chuyển.  Với những mặt hàng giá trị thấp, nhu cầu thị trường cũng thấp thì nên phối hợp khi vận chuyển dự trữ bảo hiểm để giảm chi phí vận chuyển, và có thể sử dụng phương tiện chi phí thấp để bổ sung dự trữ chu kì.

4.3.3.Hệ thống chứng từ trong vận chuyển hàng hoá

Trong hợp đồng mua bán (trong nước cũng như quốc tế) bao gồm nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản về vận chuyển. Các điều khoản này trực tiếp hay gián tiếp qui định trách nhiệm của người bán và người mua trong việc thanh toán cước phí đối với đơn vị vận tải và có trách nhiệm tổ chức chuyên chở hàng hoá trên tuyến đường xác định. Bên nào thanh toán trực tiếp cước phí vận chuyển và tổ chức chuyên chở hàng hoá được gọi là bên có “Quyền về vận tải”.

Trong thương mại quốc tế, người nhập khẩu cũng như người xuất khẩu đều mong muốn giành được “Quyền về vận tải” bởi một số thuận lợi như: được tự do lựa chọn phương tiện và tuyến đường cùng với các dịch vụ đi kèm phù hợp với điều kiện của mình; chủ động trong việc tổ chức chuyên chở và giao nhận; tăng thu và giảm chi phí ngoại tệ. Tại Việt Nam, do năng lực vận tải quốc tế không đáp ứng được nhu cầu chuyên chở hàng hoá của các công ty xuất nhập khẩu trong và ngoài nước nên thường không giành được quyền vận chuyển. Chủ yếu các hợp đồng kinh doanh được kí theo điều kiện mua hàng theo CIF và bán hàng theo FOB, tức là thuê tàu nước ngoài để vận chuyển hàng hoá.

Còn trong kinh doanh nội địa, việc vận chuyển do bên nào đảm nhiệm tuỳ thuộc vào nguồn lực thực tế và năng lực quản lí vận chuyển của các bên. Căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng mua bán, việc chuyên chở hàng hoá sẽ được tổ chức hợp lí theo tuyến đường và thời gian xác định.

Kèm theo quá trình vận chuyển đó là các chứng từ, văn bản khác nhau nhằm xác nhận tính pháp lí, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia (người gửi, người nhận và đơn vị vận tải). Biểu hình 3.6 mô tả sự dịch chuyển của dòng chứng từ/thanh toán trong kênh vận chuyển của hệ thống logistics. Đây là trường hợp mà người gửi (người bán) là người giành được “Quyền về vận tải” và trực tiếp tổ chức chuyên chở hàng hoá.

4.3.3.1.       Hệ thống chứng từ trong vận chuyển nội địa

         Có 3 chứng từ cơ bản trong vận chuyển hàng hoá nội địa là vận đơn, hoá đơn vận chuyển, và khiếu nại vận chuyển.

         Vận đơn (bill of lading = B/L): là bản hợp đồng hợp pháp giữa người thuê vận chuyển và đơn vị vận tải về việc vận chuyển một khối lượng hàng hoá nhất định tới địa điểm cụ thể và không có nguy hiểm, trong đó ghi rõ các điều kiện hợp đồng. Vận đơn có hiệu lực bắt đầu từ ngày phát hành. Nó chứng nhận rằng số lượng hàng hoá được liệt kê trong vận đơn hoàn toàn phù hợp với đơn hàng.

         Vận đơn có các chức năng cơ bản như sau:

    - Là biên lai nhận hàng của đơn vị vận tải, trong đó liệt kê danh mục hàng hoá cùng khối lượng và giá trị của chúng. Đơn vị vận tải có trách nhiệm đối với toàn bộ hàng

hoá ghi trong vận đơn và sẽ giao cho người cầm vận đơn hợp pháp ở địa điểm đến.

     - Là chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng hoá ghi trong vận đơn, cho nên có thể dùng để cầm cố, vay mượn, chuyển nhượng, mua bán, v.v.

Có nhiều loại vận đơn, trong đó có thể kể đến 2 loại phổ biến đó là: vận đơn biên thẳng và vận đơn yêu cầu.

      Vận đơn biên thẳng (straight B/L): là vận đơn chỉ đích danh tên và địa chỉ của người nhận hàng. Chỉ duy nhất người nào có tên trên vận đơn mới được nhận hàng. Nó là chứng từ không thể đàm phán, không được chuyển nhượng bằng cách kí hậu.

      Vận đơn yêu cầu (order B/L): ngược với vận đơn biên thẳng, với vận đơn yêu cầu thì hàng hoá được nhận theo yêu cầu của một người. Chứng từ này có thể được chuyển nhượng bằng cách chuyển yêu cầu tới người khác, ngoài người được ghi trên vận đơn gốc. Với việc thay đổi người đứng tên cho hàng hoá đã cho phép người thuê vận chuyển nhận được khoản tiền thanh toán cho hàng của họ ngay cả trước khi nó đến được địa điểm đã định, bằng cách chuyển nó sang sang ngân hàng để thanh toán. Ngân hàng này sau đó lại chuyển vận đơn sang ngân hàng của người nhận hàng. Thủ tục này tương tự như cách thức rút tiền thông qua hệ thống ngân hàng. 

Hoá đơn vận chuyển (freight bill): là chứng từ do đơn vị vận tải phát hành và kí kết với người thuê vận chuyển để thanh toán cho dịch vụ chuyên chở hàng hoá. Trong hoá đơn vận chuyển ghi rõ cước phí (thường không được liệt kê trong vận đơn), nơi xuất phát, nơi đến của lô hàng, khối lượng vận chuyển, loại hàng và các pháp nhân có liên quan.

Cước vận chuyển có thể được thanh toán từ người thuê vận chuyển hoặc yêu cầu cho bên nhận hàng. Các điều khoản liên quan đến thanh toán phí dịch vụ bao gồm cước phí cơ bản, phụ phí, phụ thu cùng với các điều kiện trả tiền trước hoặc trả tiền sau. Trong dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt, chi phí phải được trả trước khi hàng gửi đi, còn vận chuyển đường bộ thì có thể trả sau trong vòng 7 ngày sau khi nhận được biên lai.

Khiếu nại vận chuyển (freight claim): thông thường đơn vị vận tải có thể phải đối diện với 2 kiểu khiếu kiện là trách nhiệm pháp lí của người vận chuyển và mức cước phí:

      Khiếu nại về việc mất mát, hư hỏng hay trễ hẹn: đơn vị vận tải phải có trách nhiệm trong việc vận chuyển hàng hoá đúng hạn mà không gây ra thiệt hại hoặc mất mát gì. Vận đơn xác định một cách chi tiết giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển. Những thiệt hại do trễ hẹn mà không đưa ra được lí do xác đáng sẽ phải được đền bù theo mức độ giá trị thiệt hại của hàng hoá do sự chậm trễ gây ra.

      Chi phí quá cao: do có sự nhầm lẫn trong biên lai thanh toán về mức cước vận chuyển (ví dụ như việc dùng bảng phân cấp cước không đúng dẫn đến việc tính cước sai; nhầm lẫn trong việc tính quãng đường vận chuyển; sai sót trong tính toán) và sự khác nhau trong việc vận dụng các nguyên tắc và trong việc sử dụng biểu cước. Các biên lai này thường được kiểm tra để có thể phát hiện các nhầm lẫn trước khi thực hiện thanh toán, và sau đó sẽ phát hành lại một biên lai khác.

4.3.3.2.       Hệ thống chứng từ trong vận chuyển quốc tế

         Điểm khác biệt cơ bản giữa vận chuyển hàng hoá quốc tế so với nội địa là số lượng lớn hơn nhiều của tập chứng từ và hoá đơn sử dụng trong xuất nhập khẩu hàng hoá đi kèm với hoạt động vận chuyển. Điều này phần nào phản ánh tính phức tạp, đa dạng, và nhiều rủi ro của thương mại quốc tế. Dưới đây là một số chứng từ và mục đích của chúng:

      Chứng từ dùng trong hoạt động xuất khẩu:

      Vận đơn: hợp đồng vận chuyển hàng hoá giữa người thuê vận chuyển và đơn vị vận tải

      Hoá đơn cảng: được sử dụng để chuyển giao hàng hoá giữa trong và ngoài nước

      Hướng dẫn giao hàng: để cung cấp các chỉ dẫn chi tiết cho đơn vị vận tải trong nước khi thực hiện chuyển hàng ra nước ngoài

      Khai báo xuất khẩu: được yêu cầu từ phía bộ thương mại của nước xuất khẩu để làm nguồn thông tin thống kê kim ngạch xuất khẩu

      Tín dụng thư: chứng từ có giá trị bảo đảm việc thanh toán cho chủ hàng với khối lượng hàng của họ.

      Chứng nhận của lãnh sự quán: được sử dụng để quản lí hàng hoá vận chuyển tới nước đó.

      Chứng nhận về nguồn gốc của hàng hoá: để đảm bảo chắc chắn với nước nhập khẩu về xuất xứ của hàng hoá đó.

      Hoá đơn thương mại: hoá đơn giữa người bán và người mua.

      Chứng từ bảo hiểm: bảo đảm với người nhận rằng hàng hoá sẽ được bảo hiểm trong suốt quá trình vận chuyển.

      Thư chuyển giao: bản danh sách các chi tiết của hàng hoá và các chứng từ đi kèm

      Chứng từ dùng trong hoạt động nhập khẩu:

      Thông báo đến: thông báo thời gian đến theo dự tính của chuyến hàng cùng một số chi tiết về chuyến hàng

      Giấy khai báo hải quan: tài liệu mô tả hàng hoá, nguồn gốc của nó, mức thuế hỗ trợ xúc tiến cấp giấy phép hải quan cho hàng không phải nộp thuế ngay,…

      Chứng nhận của đơn vị vận tải và yêu cầu giải phóng hàng: dùng để chứngnhận với hải quan về chủ hàng hay người nhận hàng.

      Giấy yêu cầu giao nhận: được đưa ra từ phía người nhận hàng với đơn vị vận chuyển đường biển, yêu cầu giao lại hàng cho người vận chuyển trong bờ.

      Chứng nhận giải phóng hàng: bằng chứng cho biết cước vận chuyển đã được thanh toán

Các bộ chứng từ như vậy được dùng để hỗ trợ cho các bên gửi và nhận hàng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít kinh nghiệm trong kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá, thường phải sử dụng dịch vụ của các công ty môi giới và đại lí vận tải để hoàn tất các thủ tục khá phức tạp và rắc rối này.

-------------------------------------------------------------------

Tóm tắt chương 4

Chương 4 phân tích vai trò và đặc điểm của các loại hình và phương thức vận chuyển hàng hoá khác nhau, cùng với các quyết định cơ bản của quản trị vận chuyển hàng hoá trong hệ thống logistics của doanh nghiệp.

Với sự phát triển đa dạng, phong phú của các phương thức vận chuyển, việc phân loại vận chuyển hàng hoá có thể chia ra theo nhiều đặc điểm khác nhau. Theo đặc trưng con đường/ phương tiện vận tải thì có các loại hình vận chuyển đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, và đường ống. Theo đặc trưng sở hữu và mức độ điều tiết của Nhà nước thì có thể phân loại thành các loại hình vận chuyển như vận chuyển riêng, vận chuyển hợp đồng và vận chuyển công cộng. Còn theo khả năng phối hợp các loại phương tiện vận tải thì có vận chuyển đơn phương thức và đa phương thức. Tuỳ vào các yếu tố về dịch vụ, chi phí, khoảng cách, khối lượng vận chuyển và yêu cầu của khách hàng mà doanh nghiệp lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp.

Bên cạnh đó, quản trị vận chuyển không chỉ giới hạn ở quyết định đơn giản về phương thức vận chuyển, mà còn phải lựa chọn được đơn vị vận tải thích hợp, đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu về chất lượng dịch vụ trong mối tương quan với chi phí; còn cần có sự cân nhắc ở mức độ phức tạp hơn về thiết kế mạng lưới và tuyến đường vận chuyển; về sự phối hợp vận chuyển tuỳ thuộc theo mật độ khách hàng và khoảng cách; qui mô thị trường và dự trữ hàng hoá.

Cùng với quá trình vận chuyển và lưu thông hàng hoá hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh về giá đồng thời nâng cao dịch vụ khách hàng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: