Chương 1
Tôi là Vũ Đông Nghi, sinh viên năm tốt của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội ngành Việt Nam học, công dân chăm chỉ của đất Hà thành, con nhà người ta trong lời các bác hàng xóm,
đang chuẩn bị tự sát.
Lý do cũng không quá dài đâu.
Tôi chán đời.
Đừng vội nói tôi là đồ bất hiếu khi để cho bố mẹ mình người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, họ đã chết vào thời điểm dịch bùng lên dữ dội nhất rồi nên không còn để mà tiếc thương cho tôi đâu.
Mà kể ra cũng lạ, bố mẹ tôi sống ở Hưng Yên cùng vài người chú bác họ bên nội, còn đèo bồng thêm cả vợ chồng con cái của bọn họ, nhưng từ lúc phát bệnh cho đến khi tôi hay tin, vỏn vẹn chỉ có bốn năm ngày. Toàn bộ quá trình đều vội vội vàng vàng rất đáng nghi.
Cơ mà khi đó tôi không thể nghĩ nhiều đến vậy, nói đúng hơn là tôi đã đau đến trống rỗng, mơ hồ.
Bố tôi là viên chức nhà nước, còn mẹ tôi là giáo viên dạy Sử. Hầu hết sinh hoạt phí trong nhà đều đến từ đồng lương ba cọc ba đồng của ông bà, thậm chí tiền chi tiêu hàng tháng của tôi còn chẳng được năm trăm. Dẫu thiếu thốn là thế, tôi chưa bao giờ oán trách họ. Ngược lại, tôi thấy biết ơn. Vì ít nhất, hoàn cảnh ấy giúp tôi xây dựng được khả năng tự chủ, biết quý trọng đồng tiền mình làm ra và học cách không phụ thuộc vào ai.
Tôi thi đỗ vào ngôi trường mơ ước, học đúng ngành mình thích, còn tìm được cả công việc tốt để trang trải cuộc sống, bắt đầu những ngày tháng tận hưởng đồng tiền mà mình tự làm ra. Trong một khoảng thời gian ngắn tôi đã tưởng rằng cuộc đời mình cuối cùng đi vào quỹ đạo, rằng mọi thứ đang dần viên mãn. Nhưng rồi, như một cơn bão không báo trước, biến cố ập đến.
Cái chết đột ngột của bố mẹ khiến mọi kế hoạch của tôi tan thành mây khói. Tôi phải tạm ngừng việc học, bảo lưu kết quả để trở về quê lo liệu hậu sự. Trong lòng, tôi đã tự nhủ sẽ chỉ tập trung làm tròn trách nhiệm của mình, không để ý đến những chuyện ngoài lề hay dính dáng đến những người họ hàng mà tôi chẳng mấy thân thiết. Nhưng đời không như mơ.
"Nghi vừa về à cháu?"
Mùi bia nồng nặc xộc thẳng vào xoang mũi khiến tôi choáng váng một hồi lâu. Tôi không ngửi được mùi bia, rượu thì không sao nhưng bia thì nhất định không được. Ngày bé, tôi từng nôn bằng hết thức ăn trong bụng chỉ vì ngửi được mùi bia trên người của bố khi ôm ông sau tiệc tất niên.
"Con ranh kia, bác cả mày hỏi sao mày không thưa?"
Tiếng gầm như xé toạc không gian khiến tôi giật nảy mình, còn chưa biết nên đáp lại như thế nào thì một chai bia thủy tinh từ đâu đã bay thẳng vào đầu. Cơn đau nhói lập tức truyền khắp hộp sọ, vị kim loại pha lẫn chút máu ập đến miệng khiến mắt tôi hoa lên, cả thế giới như chao đảo. Tôi cắn chặt răng để ngăn tiếng rên bật ra, bàn tay run rẩy đưa lên ôm lấy vết đau, cố gắng giữ cho bản thân không gục xuống vì cơn choáng váng. Lúc này đây, thay vì phản kháng, tôi chỉ biết hít sâu, kìm nén cảm giác uất ức đang cuộn trào rồi cúi xuống, cố giữ bình tĩnh, lặng lẽ dọn dẹp những tàn tích còn vương vãi từ buổi tiệc thâu đêm của họ, nuốt trọn nỗi tức giận vào trong.
Bác cả không phải anh ruột của bố tôi.
Bố mẹ của ông ta, tức là ông bà nội của tôi, thật ra là ân nhân cứu mạng bố.
Tôi tò mò, gặng hỏi mãi mới biết được chuyện này. Năm đó, dịch kiết lỵ hoành hành, và bất hạnh thay, bố mẹ ruột của bố đều mất vì mắc phải. Mẹ kể rằng khi hay tin, bố đã tuyệt vọng đến mức nhất quyết ra sông Hồng để tự tử, muốn xuống suối vàng tận hiếu với cha mẹ mình.
"Ngày xưa xóm giềng với nhau thì thân thiết lắm, nhà còn san sát nhau nên hễ có biến là người ta biết ngay. Mẹ đi hái thuốc thì thấy bố nên hô hào tìm trợ giúp. Mọi người ra đông lắm con, tuy vậy chỉ có mỗi ông nội là bất chấp nguy hiểm lao xuống cứu bố. Lúc ông con vớt bố lên, trông bố thảm lắm. Tinh thần thì bất ổn, mắt thì nhắm tịt vì dính bùn, quần áo tả tơi mà quơ quào khắp nơi."
Sau đó, mọi chuyện diễn thì như mô típ thường gặp của mấy bộ phim chiếu đài hồi đó thôi. Ông bà nội thương tình nên đã nhận bố tôi làm con nuôi, bố cũng động lòng với mẹ nên hỏi cưới bà về.
Giờ, bố đã đi xa, mang theo những ước nguyện chưa thành và những lời cảm tạ chưa kịp thốt. Ký ức của bố về ân tình đó được khảm sâu trong lòng. Tôi nhớ, ngày còn bé, bố lúc nào cũng luyên thuyên bên tai tôi rằng bố sống là để báo ơn cho gia đình ông bà nội, rằng bố nợ họ nhiều quá. Nợ họ từng miếng cơm manh áo đến từng mảnh yêu thương.
Ông luôn nói rằng: "Ân tình nào phải là gánh nặng, con à. Nó là phước phần, là cơ duyên khiến chúng ta được kết nối với nhau trên đời."
Tôi hiểu ân tình ấy giờ đây là của tôi. Tôi phải thay bố, giữ gìn và báo đáp, không chỉ bằng hành động mà còn bằng cả trái tim. Để mỗi bước đi trong đời, tôi biết mình không chỉ sống cho bản thân, mà còn vì những điều ông từng trân quý.
Hôm đám tang, lật giở những trang nhật ký của bố, tôi đọc được những dòng chữ xiêu vẹo ở trang cuối cùng, đọc được những nét mực nhòe đi ở vài chỗ như bị thấm nước. Chẳng cần suy nghĩa, tôi biết chắc rằng đó là những giọt nước mắt cuối đời của bố – một người đàn ông mạnh mẽ nhưng mang trong lòng biết bao cảm xúc mà cả đời chẳng mấy khi bộc lộ. Bố viết rằng ông còn luyến tiếc thật nhiều điều, nhưng day dứt nhất vẫn là chưa thể trọn vẹn báo đáp ân tình cho gia đình ông bà nội. Phận làm con, tôi hiểu rằng mình không chỉ mang trong mình dòng máu của bố, mà còn phải gánh trên vai cả những món nợ mà bố chưa thể trả. Phận làm con, tôi phải nhận lấy ân tình ấy và sống trọn vẹn để ông không còn điều gì phải day dứt.
Tôi biết mình không thể thay đổi quá khứ, không thể sửa chữa những điều mà bố từng tiếc nuối. Nhưng tôi có thể sống tiếp cuộc đời của ông cùng lòng biết ơn mà ông đã khắc sâu trong tâm hồn tôi từ những thuở còn thơ bé. Gia đình ông bà nội từng là điểm tựa của bố, nên giờ đây tôi phải là điểm tựa cho họ, như cách bố đã luôn là. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đền đáp ân tình ấy – không chỉ vì họ, mà còn vì chính bố, vì tình yêu và lòng kính trọng tôi dành cho ông.
Nhưng tôi không biết mình phải gánh hộ bố bao lâu mới đủ, hay phải làm gì để xứng đáng ân tình nặng như sơn ấy.
Lúc đó tôi chỉ vừa chạm ngưỡng tuổi đôi mươi, vẫn đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của một đời người. Nhưng thay vì được sống cho mình và được tận hưởng những ngày tháng rực rỡ của tuổi thanh xuân, tôi phải nai lưng ra làm đủ thứ nghề để nuôi năm sáu cái miệng ăn như hổ đói để rồi nhận lại những lời đay nghiến, mắng nhiếc, thoá mạ đến cùng cực.
Tôi không rõ bản thân đã sống tiếp những ngày sau đó như thế nào, không nhớ mình đã làm những gì để có thể tiếp tục tồn tại cho đến giờ phút này, giờ phút mà tôi đứng trên cây cầu độc mộc ở đầu làng nơi quê hương mà tôi yêu thương nhất, lòng trĩu nặng khao khát kết thúc tất cả.
Hai năm là quá đủ, hai năm sống trong cay nghiệt là quá đủ.
Như cách bố từng muốn dùng để đối mặt với sự tàn nhẫn của cuộc đời, tôi chọn cách kết liễu mạng sống của mình.
Nhưng lần này, tôi biết mình sẽ không được bất kì ai ôm vào lòng để trấn an.
Và tôi cũng biết, màn đêm đặc quánh sẽ nuốt chửng vệt tồn tại mong manh này của tôi vĩnh viễn.
uỳnh
Nước ngập đầy mũi và miệng khiến tôi theo bản năng mà quơ quào lung tung, nhưng càng cố thì lại càng chìm.
Trong hững phút giây cuối đời như kéo dài vô tận, các giác quan của tôi nhạy cảm đến lạ, cũng vui.
Khoảnh khắc chập chờn giữa thực và mơ, tôi thoáng thấy vầng trăng khuyết hắt ánh bạc mờ ảo lên bầu trời đêm, ngửi được mùi đất quyện ẩm hơi nước dọc theo bờ kè, thấy vị chát đắng của nước sông lan tỏa khắp khoang miệng,
còn nghe thấy cả những tiếng gọi đến từ mơ hồ...
"Vũ Đông Nghi!"
Tôi choàng mình mở mắt ở trong bóng tối mịt mù, u ám bao trùm tứ phía. Cảm giác mơ hồ dấy lên, dòng suy nghĩ trong tôi bắt đầu thả trôi, nơi đây là mơ sao? Hay là thực? Nếu là thực thì tôi vừa nằm mơ thấy mình nghĩ quẩn mà gieo mình xuống sông sao?
Không biết nữa.
Cảm giác bị bóp nghẹt bởi áp lực của nước mà tôi vừa trải qua lúc nãy rất thật, chân thật đến mức khiến tôi hoài nghi rằng vừa rồi không phải là mơ. Nghĩ đến đây tôi chợt rùng mình, không lẽ đây là tầng sâu nhất dưới địa ngục trong lời của các cụ hay ngồi chơi cờ ở quán cà phê đầu ngõ sao?
Không đúng, vừa nãy tôi có nghe ai đó gọi tên mình mà.
"Vũ Đông Nghi!"
Đây rồi, chính là giọng nói này.
Tôi nhoài người ngồi dậy, nhìn xung quanh. Bóng tối bao trùm lấy mọi thứ, dày đặc và đến mức nghẹt thở. Tôi muốn giơ tay lên để kiểm tra tầm nhìn cũng không thể thấy được. Tôi cảm thấy có hơi hoang mang. Nơi đây đến tột cùng có thể là đâu được chứ? Tôi đã cố bước thử vài bước nhưng dường như đôi chân này đã nhũn ra, run rẩy vì ngâm trong nước quá lâu khiến tôi không thể bước đi một cách hoàn chỉnh.
Hết cách tôi chỉ đành cắn răng, tập tễnh đi đừng bước nhỏ đi về phía trước tìm lối thoát.
"Con có biết mình vừa làm gì không?"
Đi được khoảng chục bước, phía sau lưng tôi vang lên tiếng nói quen thuộc khiến tôi giật thót. Tôi điếng người, tim đập dồn dập quay ngoắc ra đằng sau.
Mẹ?
Nhìn thấy bà, tôi trố mắt ra nhìn. Đây không phải là mẹ tôi sao? Không đúng, trong trí nhớ của tôi, mẹ tuy vì lao lực mà tiều tuỵ nhưng không có già đến vậy. Trước khi mẹ mất hai ngày, tôi còn gọi thấy hình trên Zalo với bà cơ mà. Bệnh tật có khiến bà xuống sắc nhiều, nhưng không đến mức thế này.
Nhưng nếu đây không phải là mẹ thì là ai đây?
Nhìn sơ, người phụ nữ trước mặt tôi nom có vẻ đã ngoài sáu mươi, hàm răng màu đen bóng vì tục nhuộm răng mà đã lâu tôi chưa được thấy, đôi môi đỏ sẫm giống như người thường nhai trầu, da dẻ lốm đốm đồi mồi cùng vết chân chim nơi đuôi mắt. Quanh thân bà tỏa ra vầng hào quang có màu vàng nhạt dìu dịu khiến tôi liên tưởng đến Địa Mẫu cai quản Địa Phủ của đạo Mẫu.
Chừng đó thôi cũng đủ chứng minh rằng bà ta không phải mẹ, mẹ tôi khi mất cũng chỉ ngoài bốn mươi, da dẻ vẫn được bảo dưỡng tốt nhờ thói quen dưỡng da trước khi ngủ quanh năm của bà. Vả lại phụ nữ hiện đại như bà không phải kiểu người sẽ nhai trầu và nhuộm răng.
Còn chưa kể đến trang phục, loại đồ bà ta đang mặc rõ ràng là áo giao lĩnh*, loại có vạt ngắn, cổ cong võng, có quây bên ngoài, chiếc thường bên ngoài ngắn hơn thường bên trong, để lộ hai lớp váy, ống tay áo là dạng trực cư có xuất hiện vào thời nhà Lê. Trước đây tôi từng góp mặt trong một dự án phục dựng trang phục Lê triều của câu lạc bộ Việt phục, tìm hiểu rất sâu để cạnh tranh với trường khác nên nhớ rất rõ.
Bà đứng trước mặt tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt uy nghiêm như muốn đem cả tâm tư tôi phơi bày.
"Đồ ngu." - Nói đoạn, bà phẩy tay áo, để lộ những hoa văn in chìm đầy kiểu cách. "Mệnh phú quý mà không biết hưởng, lại đi kết liễu cuộc đời mình như vậy."
Tôi ngẩn ngơ nhìn bà. Phú quý ư? Bà đang nói tôi có mệnh phú quý sao? Một người từ nhỏ đến lớn chưa từng được nếm trải cảm giác có hơn hai triệu bạc trong ví như tôi lại được nói là có mệnh phú quý sao?
"Nhớ cho rõ, Tuyên Tông Uy Hoàng Đế, ngày mười một tháng hai năm Hoằng Đức thứ mười chín."
Tôi nhíu mày nhìn người phụ nữ kia, cố gắng tiêu hoá từng thứ bà ta nói.
Tuyên Tông Uy Hoàng Đế? Hoằng Đức?
Lê Thiều?
Tôi không biết vì sao mình phải nhớ những thứ này. Nhưng cứ cho là tôi phải nhớ đi, vậy thì bà ta là ai mà ra lệnh cho tôi phải nhớ chứ?
đùng
Một tiếng nổ lớn vang lên thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi. Cơ thể tôi bị một lực rất mạnh đẩy về phía sau khiến lục phủ ngũ tạng bên trong người như đảo lộn. Một nguồn năng lượng to lớn luồng qua từng ngóc ngách trong đại não rồi len vào từng mạch máu khiến tôi phải ghì chặt ngực mình, co người, nhắm nghiền mắt lại để kiềm chế cơn buồn nôn đang trào dâng. Đầu óc tôi chao đảo như muốn tan ra từng mảnh, cơ thể đau đến ứa nước mắt.
Không biết thời gian trải qua bao lâu, cơ thể tôi dừng lại, tôi mơ hồ cảm thấy bản thân lơ lửng giữa không gian đen kịt, sâu thăm thẳm.
"Bống yêu của mẹ."
Giọng nói dịu nhẹ mà tôi đã không được nghe trong hai năm ròng lại một lần nữa vang lên bên tai. Tôi mở mắt ra, mờ ảo nhìn thấy được hình bóng của mẹ trước mặt, mọi cảm giác đau đớn lập tức không còn nữa, tôi vỡ oà lao vào lòng bà. Lúc này đây, tôi không cần biết mình đang gặp phải loại bất trắc gì, cũng màng đến thân thể vừa trải qua một hồi đau đớn kịch liệt. Tôi chỉ biết trong giây phút này, tôi là người hạnh phúc nhất thế gian khi được nằm trong lòng mẹ.
"Bống nhớ phải ngoan, có biết chưa?"
Vừa nói, mẹ vừa xoa đầu tôi như trước kia.
"Nếu làm không được thì thôi con nhé, không phải cố, không phải cố."
-
*giao lĩnh:
(ảnh lấy từ bài đăng của Tấc Xen)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top