Chương 7: Tự do?



Ánh nắng ấm áp xuyên qua khung cửa giấy tràn vào phòng. Phảng phất trong không khí mùi sách cũ cùng gỗ Trầm Hương, một cảm giác thanh tịnh mà cổ kính. Giữa gian phòng rộng rãi, đứng giữa những dãy bàn ghế đen bóng không biết đã được đặt từ bao giờ, một nam nhân chắp hai tay sau lưng, mắt nhìn xa xăm về phía trước.

Thở dài, giương đôi mắt sáng rõ, hắc bạch phân minh nhìn xa xăm. Dựng bốn bề xung quanh là hàng trăm kệ sách nối nhau liên tiếp, bên trên chất hơn vạn quyển sách. Có quyển bằng giấy, cũng có cổ thư khắc trên gỗ. Trong những quyển sách đó là lịch sử vạn năm của mảng lục địa Thiên Nguyên này, cũng là lịch sử ngàn năm của triều đại thống nhất đầu tiên- Ngô Hoàng triều. Lịch sử là dòng chảy vĩnh hằng, là những câu chuyện nhân gian truyền nhau qua miệng, là những bảng ghi chép cùng nhật ký của cổ nhân, những cảm nhận và dấu ấn của nhân loại lên thời gian. Trong gian phòng này, thời gian được hữu hình hóa thành vạn vạn chữ trên những trang giấy cùng thanh gỗ. Tuy không thể nào khách quan, vì mỗi tác giả- những con người có cảm nhận riêng- đều sẽ vô tình hay cố ý đưa cảm tính chủ quan của mình vào những ghi chép, những câu chuyện đó... Nhưng lịch sử vốn là như vậy.

Người nam nhân vẫn duy trì tư thế trầm mặc. Đôi môi mím lại, khẽ nhíu đôi mày đậm. Ánh lên trong đôi mắt kia là sự hoài niệm, tiếc thương... còn có một phần hận ý. Khẽ chuyển ánh nhìn lại mang một phần suy tư. Mái tóc dài được búi gọn, cố định bằng trâm gỗ mộc mạc. Dù chưa đến ba mươi nhưng tóc đã có điểm bạc. Một diện mạo nghiêm nghị, như thể phủ trên người hơi thở của thời gian. Vậy là đêm nay y sẽ ly khai kinh thành. Nam nhân chầm chậm ngồi xuống, nhắm mắt, nhớ lại việc xảy ra cách đây không lâu...

Ngày đó, y đang làm việc mà mỗi ngày trong suốt mười năm qua y vẫn làm, cũng là việc duy nhất đối với y còn ý nghĩa- sao chép sử từ sách trong Thư phòng Nguyễn gia sang bản sách mới toanh bìa thếp vàng để đem vào Quốc Sử Quán lưu trữ. Ngồi trên băng ghế đen trong chính gian phòng này, miệt mài ghi chép. Kỳ thực, y không cần phải tự tay làm vậy, thân là người thừa kế chức vụ Sử quan- Thiếu chủ của Nguyễn tộc- y chỉ cần chỉ đạo gia nhân làm rồi bản thân kiểm tra cùng đưa ra lời bình là được. Nhưng từ sau sự cố mười năm trước- Huỳnh gia bị bãi chức Gián Nghị và trục xuất khỏi Trung Nguyên, y bỗng nhận ra cái gì là nhân tình thế thái, cái gì là tình nghĩa huynh đệ. Bất quá, nghiền ngẫm mười năm, tất cả chỉ còn là hoài niệm. Y không còn cảm thấy hứng thú với những trò vui ồn ào náo nhiệt, càng không muốn tham gia vào những nơi đông người tụ tập. So với trước kia, những câu chuyện về nhân sinh, lịch sử, văn hóa,... hiện giờ càng làm cho y dễ chịu hơn. Không còn nỗi thất vọng với vị đại ca là Vương gia cao cao tại thượng kia nữa, cũng không còn băn khoăn tự hỏi vì sao ngày đó hắn lại bỏ mặc Huỳnh gia. Nhưng cũng có một chút hoài niệm cùng tiếc nuối, vì giờ đây vị tam ca lãnh đạm Lê Long và nhị ca hào hiệp sảng khoái Tăng Cẩm quyền cũng càng ngày càng xa cách. Mỗi người đều gánh vác trách nhiệm riêng, mang nỗi niềm riêng. Một người trở lại Liêu Đông làm gia chủ Tăng gia, thành thân, tiếp tục công cuộc bảo vệ và phát triển Tăng gia. Một người vì mâu thuẫn với nội tộc mà ly khai, tự lập nghiệp một vùng, trở thành Bang chủ Hắc Long bang, Đệ nhất Sát thủ "Long".

Nghe có người gõ cửa, y liền dừng bút, ngẩng đầu lên. Đoán hẳn là phụ thân đến gặp y. Vì trừ phụ thân, không có người khác dám đến làm phiền y mà không lên tiếng báo trước.

Đương nhiệm Sử quan- gia chủ Nguyễn gia, Nguyễn Vũ- đẩy cửa tiến vào. Mái tóc bạc trắng, dung nhan ngày thường tuy nghiêm nghị nhưng hồng nhuận nay lại trắng bệch, mày nhíu chặt đầy khẩn trương, ngồi xuống dãy ghế đối diện y. Phụ thân y nay đã sáu mươi, nhưng tiếng nói trầm thấp nghiêm trang vẫn đầy uy lực, vậy mà giờ nghe ra có phần run rẩy:

- Tiểu sử... Xảy ra chuyện lớn rồi! Ngươi phải trấn định mới được...

Cảm giác bất an liền dấy lên trong lòng y. Phụ thân là gia chủ Nguyễn gia- một trong Thập Đại gia tộc quyền khuynh thiên hạ- lại là Sử quan đứng đầu hơn hai trăm quan viên Quốc Sử Quán ba mươi năm, có chuyện kinh thế hãi tục nào chưa từng biết qua... Thậm chí ngày trước khi Huỳnh gia lâm nạn cũng chỉ nhíu mày thở dài rồi thôi, vậy mà nay lại có biểu tình như thế... Quả nhiên, nghe phụ thân đè thấp thanh âm, nói rằng Tăng gia trên dưới năm trăm mạng đều bị giết! Phụ mẫu cùng phu nhân của đương nhiệm gia chủ Tăng gia Tăng Cẩm Quyền cũng không tránh khỏi bị sát hại, hai nhi tử cùng bản thân Tăng gia chủ thì mất tích, chỉ e lành ít dữ nhiều.

Y không nhớ rõ ngày đó bản thân sau khi nghe xong mang biểu tình cùng tâm trạng gì, nhưng cảm giác như bị sét đánh qua thiêu đốt toàn thân cùng tim như dừng hẳn mấy nhịp thì cả đời này có lẽ y không bao giờ quên. Phụ thân phải sai hơn mười gia nhân mới kiềm chế được cơn kích động của y, lại lệnh trong ngoài gia phủ phòng giữ cẩn thận không cho y xông ra ngoài chạy đến Tăng gia trang. Y muốn tự mình đến kiểm tra, tận mắt chứng kiến... Y không thể tin nhị ca bản lĩnh vậy mà gặp đại nạn diệt gia! Càng tự trách cùng hối hận điên cuồng. Phải gần hai tuần sau y mới dần trấn tĩnh được một chút, lúc này đôi mắt đỏ ngầu như xung huyết, tóc tai bù xù, trông y không khác người bị tẩu hỏa nhập ma là mấy. Nhưng lý trí y vẫn còn đó, thời thời khắc khắc nhắc nhở y rằng nhị ca cùng nhi tử là "mất tích"! Sống thấy người chết phải tìm được xác, y không thể để bản thân hóa điên lúc này được.

Phụ nhìn y sửa soạn lại một thân nghiêm trang trấn định đến gặp mình, thừa biết bên dưới vẻ ngoài bình tĩnh kia là cuồn cuộn bất an cùng kích động. Nhưng ông cũng không muốn giấu y chuyện này. Chỉ có thể thở dài, đem sự tình điều tra được tỉ mỉ kể lại cho y, lại cùng y thảo luận về tình hình hiện tại. Suốt cả buổi y chỉ trầm mặc.

Phụ thân thấy y lâm vào trầm tư, liền biết con mình đây là đang vận dụng lý trí mà phân tích tình hình, liền thầm thở phào. Xem ra, con ông thật sự có thể tỉnh lại đối mặt với sóng gió sắp đến rồi...

Ngẫm kỹ sẽ thấy trong việc này đầy sơ hở, vô số tình tiết đáng ngờ. Một đại gia tộc như Tăng gia vì sao phải rời bỏ địa phương của mình đến Bảo quận? Tuy nói y thích chìm đắm trong những truyền kỳ cố sự của quá khứ nên việc theo dõi diễn biến hiện tại, cập nhật biến động thiên hạ đều là phụ thân cùng cấp dưới của ông đảm nhiệm... Nhưng không lý nào nhị ca y đến Trung Nguyên mà không gửi thư hay sai người đến nói cho y tiếng nào. Việc một đại gia tộc bị thảm sát là vô cùng chấn động, chỉ sợ chiến tranh không lâu nữa sẽ nổ ra... khi đó sinh linh đồ thán thiên hạ lầm than, việc này không người nào không biết, thế thì vì sao lại ra tay? Lại nói, là kẻ nào có năng lực làm việc này? Dĩ nhiên, Bảo quận- hay Trung Nguyên nói chung là địa bàn của Tứ Đại Hộ Quốc Gia Tộc, vì vậy không tránh khỏi bị hiềm nghi. Mà cho dù hung thủ là ai trong Tứ Đại Tộc đều phải là kẻ có thực lực cao, có lẽ là gia chủ hay thiếu chủ... nhưng người có địa vị cùng thực lực như vậy chẳng lẽ không nhận ra hành vi của mình sẽ khiến thiên hạ lên án, càng tạo một cái cớ cho các gia tộc khác trỗi dậy tiễu trừ... Mà ngay cả nếu như muốn diệt Tăng gia, vì sao hành sự thiếu cẩn trọng như vậy? Trước sau đầy sơ hở, lại không gọn gàng nhổ cỏ tận gốc, thực quyền cùng binh lực Tăng gia ở Liêu Đông đều không bị ảnh hưởng gì nhiều, là mối họa không thể khinh thường... Nay xem như đắc tội Tăng gia, cả Trung Nguyên đừng hòng yên ổn.

Y im lặng cẩn thận ngẫm nghĩ, liền cất giọng trầm khàn:

- Phụ thân, khoan hãy bàn đến danh tính kẻ chủ mưu, trước phải tìm hiểu lý do Tăng gia đến Trung Nguyên đã. Sau đó mới xét đến động cơ hung thủ, từ đó thu hẹp pham vi kẻ tình nghi. Việc này ngài hẳn đã an bài. Tốt nhất ngoài sáng phối hợp với Hình bộ tiến hành vừa điều tra vừa theo dõi, trong tối âm thầm tự hành động mới được. Bản thân nhi tử sẽ tìm kiếm tung tích nhị ca.

Nguyễn Vũ nghe vậy nhẹ gật đầu. Những việc này ông cũng đã nghĩ đến và phân phó người thực hiện. Nhưng đến nay chưa có tiến triển gì. Từ sau khi Thái hậu buông rèm nhiếp chính, Huỳnh gia ngã ngựa, trong "Tứ Đại Hộ Quốc Gia Tộc" thì thế lực hai nhà Ngô Lê như Mặt Trời ban trưa mà hai nhà Nguyễn Trần lại càng ngày càng thu liễm. Do vậy không đơn giản mà thu thập tin tức như trước nữa.

Thấy phụ thân gật gù nhưng mày vẫn nhíu chặt, y biết ông đang lo lắng điều gì, nhưng cũng không có biện pháp giải quyết. Đành tiếp lời:

- Phụ thân, là phúc thì không phải họa, là họa thì tránh chẳng qua. Nguyễn gia e không tránh khỏi đại nạn như Huỳnh gia ngày trước. Ngài thân là đương nhiệm gia chủ, khó mà...

Chần chừ một lúc, không đợi phụ thân tiếp lời y liền nói:

- Ngày mai ngài vào triều dâng tấu xin từ quan dưỡng lão, để ta tiếp nhận chức Sử quan đi. Có lẽ Thái hậu sẽ niệm tình ngài tuổi cao, lại một đời tận trung hoàn thành chức trách...

Nguyễn Vũ nghe vậy liền nhịn không được cười khổ ra tiếng. Lắc đầu, ông vỗ nhẹ lên vai con mình, chầm chậm nói:

- Tiểu sử à... cần gì nói những lời đó? Ngươi thừa biết ta không thể làm vậy mà. Ngươi trước kia dẫu vẫn thường lén trộm lệnh bài Thông Tri, nghịch ngợm thành thói... nhưng ngươi dẫu thế nào vẫn là con ta, ta chỉ mong ngươi có năng lực tự bảo vệ mình là đủ rồi. Không cầu ngươi ngày sau làm gì vĩ đại, chỉ cần an ổn vui vẻ mà sống... Vậy mà, ngươi về sau trải qua việc kia trở nên trầm ổn, bắt đầu biết suy tính trước sau, ta thực đã mãn nguyện rồi. Nguyễn gia khó bảo toàn, ta là gia chủ, dĩ nhiên phải có trách nhiệm với gia tộc này đến cùng. Vinh hạnh đời đời hay vạn kiếp bất phục, bất quá với chúng ta cũng chỉ là một dòng lưu lại trong sử sách mà thôi.

Dừng một chút, ông thấy y chấn động. Lại tiếp:

- Ta đã sáu mươi, một đời vậy là đủ, không còn gì đáng tiếc. Nhưng ngươi còn chưa tận hưởng nhân sinh, đã mười năm phong bế bản thân trong gia phủ này, trừ đọc sách, chép sách không còn thú vui nào khác... Như vậy cũng đủ rồi. Đừng tự trách chuyện năm xưa nữa. Ngươi khi đó không thể cứu được Huỳnh gia, nhưng hiện tại ngươi chẳng lẽ không muốn làm sáng tỏ thảm án Tăng gia? Chẳng lẽ ngươi đành lòng nhìn Nguyễn gia đến đây đứt đoạn? Chúng ta là người thủ hộ cho sự thật. Một khi Nguyễn gia không còn, liệu đoạn Lịch sử này có còn lưu lại về chúng ta? Ngươi phải có trách nhiệm bảo vệ sự tồn tại của chúng ta trong dòng lịch sử! Một gia tộc đời đời trung thành với sự thật, ngàn năm nghiêm cẩn dõi theo dòng chảy thời gian.

Càng nói, Nguyễn Vũ càng nâng cao giọng, ông muốn nhấn mạnh ý mình, muốn dẹp đi mây mù trong lòng con ông. Mà Tiểu sử y đang run lên nhè nhẹ. Trong thâm tâm y biết những điều ông nói là đúng. Lý trí y đang điên cuồng tìm kiếm cách để bảo toàn cho phụ thân, nhưng càng gấp càng loạn. Vành mắt đỏ ngầu, mũi cay cay.

Nguyễn Vũ nở nụ cười, gương mặt đầy nếp nhăn ngày thường chỉ có nghiêm khắc cùng cương nghị, nay lại nhu hòa đi mấy phần:

- Tiểu sử, ta biết ngươi hiểu được. Bản thân ta cũng mệt mỏi rồi. Gánh nặng với gia tộc là quá lớn, mà trách nhiệm với việc ghi nhận Lịch sử càng lớn hơn. Thân là gia chủ Nguyễn gia, ta không thể oán trách. Nhưng ngoài là gia chủ, ta còn là cha ngươi. Ta tuyệt không muốn ngươi phải chịu đựng sự gò bó này. Trách nhiệm lớn lao như vậy không hợp với kẻ đơn thuần như ngươi đâu! Ha ha! Ngay cả Hoàng Lăng mà ngươi còn dám lẻn vào chơi rồi ngủ gật trong đó, thì làm sao mà chịu được cảnh ngày ngày khom lưng nhìn sắc mặt Hoàng Đế, ghi lại buổi thiết triều không khí nặng nề như vậy? Nguyễn gia đối với ngươi không khác gì gông cùm, vậy thì ly khai đi. Ta xem như tặng cho ngươi món quà cuối cùng, tìm kiếm tự do của ngươi đi. Làm những gì ngươi thích, nhân sinh ngắn ngủi, đừng để mình hối tiếc điều gì.

Lúc này, y đã không còn vẻ trấn định nữa, y nắm chặt lấy tay phụ thân, mắt đỏ bừng, nghẹn ngào:

- Cha...! Ta nhất định làm rõ chuyện này! Thái... Thái hậu nhất định sẽ không đối với chúng ta...

Vỗ tay y trấn an, Nguyễn Vũ thừa biết Thái hậu đến cùng muốn làm gì. Không cần ôm hy vọng hão huyền rằng người sẽ tha cho Nguyễn gia, Trần gia năm xưa cũng là sớm nhận ra tham vọng cùng toan tính của Thái hậu mà đi khỏi Trung Nguyên, bất quá Nguyễn gia không thể làm vậy. Quốc Sử Quán do Nguyễn gia làm chủ, cũng là sợi xích trói chặt vận mệnh Nguyễn gia. Một ngàn năm đã trôi qua mà không gia chủ nào thoát được gông cùm này. Nhưng giờ, ông sẽ an bài cho con ông thoát ly gia tộc này. Chỉ có như vậy y mới được tự do thật sự.

Hơn hai tuần sau, trong một đêm không trăng không sao, kinh thành náo nhiệt dù về khuya nhưng tiếng người buôn bán mời khách, tiếng hát hò trong những tửu lâu, lẫn với lời thơ ngâm nga của những bậc công tử văn nhã,... vẫn xôn xao không dứt. Bỗng nhiên trên nền trời một vùng sáng lên. Quân tuần phòng khẩn trương chạy đi cấp báo, bốn tiếng tù và báo hiệu xảy ra đại sự lần lượt vang lên khắp bốn phía kinh thành, vang vọng chấn động trời đất... người dân hoảng loạn hò hét kéo nhau chạy về nhà. Có người hiểu biết, run rẩy chỉ tay về phía bầu trời ánh lên lửa đỏ rực rỡ:

- Đó... đó chẳng phải... là phía Nguyễn gia phủ sao?

Nguyễn gia phủ diện tích bằng một phần tám kinh thành. Vậy mà bị trận lửa khủng khiếp nuốt trọn. Lửa cháy suốt ba ngày ba đêm, tiếng những phủ đình sụp đổ cùng gỗ răng rắc gãy vỡ chẳng khác nào tiếng gầm gừ của một con quái thú hung tàn. Thư phòng Nguyễn gia cùng vạn cổ thư đã tồn tại ngàn năm nay hoàn toàn bị thiêu rụi. Trận lửa khủng khiếp như vậy nhưng rất may người trong Nguyễn gia rút ra nhanh hơn tốc độ lửa lan, nên không tổn thất nhân mạng. Nhưng sau khi kiểm lại, phát hiện vậy mà thiếu gia Nguyễn tộc không có trong đám người thoát thân ra ngoài! Nghe gia nhân nói thiếu gia ngày nào cũng ở Thư phòng xem sách, cũng thường ở lại đó đọc sách suốt đêm... Lửa lại cơ hồ bắt đầu ở Thư phòng, chỉ sợ...

Lão gia chủ Nguyễn gia, đương triều Sử quan Nguyễn Vũ vì quá đau thương mà khóc ầm lên mê man ngất đi, tỉnh lại lâm trọng bệnh nằm liệt giường, không thể dự buổi tiệc tẩy trần đón mừng Minh Vương gia Ngô Hoàng Thiên Ân hồi kinh, cũng không thể tham dự thiết triều suốt ba ngày sau đó. Đến ngày thứ tư, triều đường chấn động, Minh Vương dâng tấu tố cáo Sử quan Nguyễn Vũ lấy Thông Tri Lệnh Bài mang người tiến vào Tăng gia trang ở Bảo Quận tiến hành sát hại năm trăm mười hai mạng người, ghép vào tội lạm dụng chức quyền tội sát nhân. Lại nói trong quá trình điều tra phát hiện bảy đệ tử Hắc Long bang vì tìm ra manh mối mà bị người của Nguyễn gia diệt khẩu. Đồng thời nghi ngờ thiếu chủ Nguyễn gia dàn cảnh hỏa hoạn để bỏ trốn.

Hoàng Thượng nổi cơn thịnh nộ, cho Cấm quân bao vây truy bắt toàn bộ trên dưới ba trăm lẻ bảy người Nguyễn gia gồm cả gia nhân, tống hết vào Thiên lao chờ xét xử. Bãi chức Sử quan của Nguyễn Vũ, đóng cửa Quốc Sử Quán vô thời hạn. Một trăm năm mươi hai quan viên dưới quyền Sử quan Nguyễn Vũ bị bãi chức, tống giam ở Hình bộ chờ người điều tra. Trên triều có Lại bộ Thị lang cùng mười quan viên Tứ phẩm quỳ gối cầu Hoàng Thượng xét lại, liền bị người bắt lại ghép vào tội cấu kết loạn thần, cũng bị giam vào Thiên lao điều tra.

Hoàng Đế ban lệnh truy nã Thiếu chủ Nguyễn gia, không quan trọng sống chết. Người nào bao che chứa chấp xử tội đồng phạm. Sau đó còn xuống chiếu nói kẻ nào dám nói đỡ cho Nguyễn Vũ cũng xử đồng tội. Quan viên thổn thức, triều đường ảm đạm. Chỉ trong vòng chưa tới nửa năm mà hai đại gia tộc đều gặp đại nạn. Việc Quốc Sử Quán bị đóng cửa, trong một ngàn năm từ khi được thành lập đến nay, là lần đầu tiên... Lê-Ngô-Trần-Nguyễn là "Tứ Đại Hộ Quốc Gia Tộc" được đích thân khai quốc Hoàng Đế ngự phong, vậy mà nay Nguyễn tộc bị một kích ngã ngựa, Trần gia lại không ở Trung Nguyên.

Lòng người hoang mang cực độ... 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top