Chương III: Chìa khóa và nợ máu

- Chắc mày cũng biết nợ máu thì phải trả bằng máu nhỉ?

-...

- Biết rồi thì làm gì đó đi chứ!

-...

- Như lấy thân đền bù cho tao chẳng hạn 😏

Đồng hồ đã gần điểm đúng giữa ngày, sân trường chói chang cũng chỉ còn thưa thớt vài bóng người vội vã ra về. Dưới mái tôn ở bãi đỗ xe, vẫn sót lại hai con người nhìn nhau bất lực:

- Rồi mày tính sao đây hả Hưng? _ Bảo lên tiếng trước, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh và ngột ngạt không chỉ bởi cái nóng.

- Thì... thì giờ chắc nhờ bác bảo vệ phá ổ khóa thôi chứ sao... _ Hưng lại lắp bắp lên tiếng, một mực không dám mắt đối mắt với Quốc Bảo, có lẽ cảm giác tội lỗi và xấu hổ đã xâm chiếm lấy nó. Bảo có cảm tưởng như người trước mặt đang ngắm trời ngắm mây hay đếm kiến chứ không phải đang nói chuyện với nó.

Nhướn mày nhìn Hưng, Bảo ngẫm nghĩ một lát. Trường Tạ Xuân Thu có hai cổng chính và phụ và ở mỗi cổng đều có một căn phòng nhỏ dành cho các bác bảo vệ làm việc và nghỉ ngơi. Đề phòng một trong hai nơi không có ai túc trực, Bảo đưa ra một ý:

- Thôi được rồi, tao chạy ra cổng trước, mày chạy ra cổng sau để gọi bác, lỡ có gì khỏi phải chạy ngược chạy xuôi.

- Ok _ Ngẫm thấy ý bạn hợp lí, Hưng liền đồng tình.

Hai thằng cứ thế mà chia nhau hành động, mặc cho nắng gắt miền biển dội không ngơi tay trên đỉnh đầu. Hưng được phân công chạy ra cổng chính. Đến nơi, Hưng chống hai tay lên đầu gối, thở hồng hộc để nhanh lại sức. Hai má nó vốn đã luôn hồng hồng giờ ửng đỏ gay, mồ hôi túa ra nhễ nhại. Đứng thẳng người, Hưng nhìn ngó xung quanh rồi lên tiếng gọi:

- Bác Nam ơi! ( tên của bác bảo vệ)

Từ trong căn phòng nhỏ, một người đàn ông dáng người thấp bé cùng làn da đen sạm, nhăn nheo khắc khổ từ từ bước ra. Hưng không biết chính xác nhưng nó đoán bác Nam năm nay cũng đã sống gần bằng một đời người. Tuy là cai trường, gương mặt bác lại ánh lên vẻ phúc hậu của một người ông trong gia đình. Có lẽ không chỉ Hưng mà gần như cả trường đều cảm thấy yêu quý người bác này từ ánh nhìn đầu tiên. Hưng thở phào, bởi nó sợ làm phiền người khác lúc giữa trưa như thế sẽ bị mắng to, nhưng nếu là bác Nam thì nó yên tâm hơn nhiều.

- Sao?_ Bác hỏi

- Dạ con, con lỡ xích xe của con và xe bạn vào chung, mà con quên chìa khóa. Bác.. giúp con với... _ Vừa nói, Hưng đôi lúc thấy hơi căng thẳng, nó nắm hờ lấy hai bên quần, thả ra, rồi lại nắm lấy chúng. Tuy đã tự trấn an, song, ánh mắt cùng điệu bộ lấp lửng vẫn tố cáo cái nhát gan của nó.

- Trời ơi, trường sắp đóng cửa rồi_ Bác lớn giọng, quan tâm nhiều hơn là trách mắng _ Mày học lớp nào?

- Dạ 9A_ Hưng đáp gọn lỏn

- Được rồi, để đi lấy cái búa cái đã.

Nép nép vào hiên nhà bảo vệ lấy chút bóng râm, Hưng theo hướng bác nhìn, thủng thẳng đợi vị cứu tinh ra tay...








May mắn thoát khỏi tình cảnh oái oăm, hai thằng cùng dắt xe mà chạy băng băng ra khỏi cổng sau trường, một là vì đã đến giờ đóng cổng trường, hai là mẹ chúng nó đang đợi cơm, rề rà một chút thì kiểu gì cũng bị nhị vị phụ huynh ép cung.

Người và xe vừa lọt qua cổng, Bảo liền phi lên yên xe, nhìn qua Hưng, càm ràm:

- Sao mày không dùng khóa số ấy?

Hưng cũng leo xe, đáp:

- Nhà có sẵn xích với khóa, nên mẹ đưa tao dùng luôn.

- Lần sau giữ chìa khóa đàng hoàng giùm cái _ Nói rồi, Bảo đạp xe, phóng mất hút.

- Hứ, chắc tao cần mày nhắc. _ Không biết do quê hay tức giận ( hoặc là cả hai), Hưng liền hét theo đáp trả. Hưng tuổi heo nhưng mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn phải ớt. Dù lần này là lỗi nó nhưng cái thái độ bề trên của Bảo khiến nó cay không chịu được, mối thâm thù mới chớm lên những đốm lửa đầu tiên nay như được châm thêm dầu, khiến nó không biết là trời nóng hay chính ngọn lửa trong nó đang truyền nhiệt ra bên ngoài.

Hậm hực leo lên con chiến mã hai chân, Hưng trối chết đạp qua khu chợ Phước Hải rồi men theo con hẻm nhỏ lênh láng nước, con hẻm mà luôn khiến Hưng ngỡ như ông trời đã khóc ầm mỗi ngày và dẫu nắng có chói chang thế nào thì cũng chẳng đủ để hong khô nỗi buồn của ngài. Bình thường khi mới tan trường, con hẻm luôn kẹt cứng học sinh và phụ huynh bởi bề ngang của nó cùng lắm chỉ chứa được hai xe một lượt. Nhưng phút tan tầm qua đã lâu, bây giờ nó có thể thỏa sức thả phanh trên cái dốc ngắn cuối hẻm rồi phi ra đường chính thật đàng hoàng và oai phong.

- Hehe, mình đúng là số dách! _ Vừa lượn như một tay lái điêu luyện, nó vừa hét to sảng khoái.

- Dách cái mả cha mày! _ Từ đằng sau, Hưng nghe vọng lên giọng cáu gắt của một người đàn ông.

Niềm vui còn chưa được phơi phới bao lâu đã bị cắt ngang phũ phàng, vội giật cương con chiến mã, Hưng ngoái lại đằng sau để rồi kinh hãi nhận ra hôm nay thật sự là một ngày xui xẻo với nó. Hóa ra đấy là bác Dinh, một người sống cùng khu đô thị với nó, nhưng vì hai nhà khá xa nhau nên nó cũng chỉ mang máng mặt mũi chứ chưa thăm hỏi lần nào. Lúc này bác đang ngồi trên một con xe đạp, đầu đội nón lá, trước giỏ xe chất đầy thịt thà rau củ, không biết tại sao nhưng nó đoán chắc không phải là đi chợ về bởi đâu ai đi chợ cái giờ oái oăm thế. Để ý kĩ hơn, nó thấy trên tay bác cầm một cái bánh đã được xé ra và điệu bộ của bác như đang ăn dở. Bác không ăn nữa không phải là do bỗng phát hiện cái bánh dở tệ hay hết hạn sử dụng, mà là là vì Hưng. Chính Hưng cùng màn drift xe căng đét của nó đã xui rủi hắt một ảng nước từ dưới đất lên cả xe lẫn người vị bác thân yêu. Nhưng sống ta cần có lòng khoan dung, và có lẽ Hưng đã được hưởng cái ân nghĩa ấy dễ dàng hơn nếu đống thức ăn trong giỏ xe của bác không bị làn nước bẩn làm ướt nhẹp.

Sau câu chửi thắm thiết, người đàn ông ấy đã "nẹt pô", mở đầu cuộc rượt đuổi. Không đợi tới lần chửi thứ hai, Hưng hít một hơi thật sâu rồi lập tức phóng đi như thể đang cầm lái một con xe 300 phân khối:

- Con xin lỗi bác. Bác tha cho con. Con không cố ý!!!

- Xin với chả lỗi, mày đứng lại, mày con ai?

- AAAAA

Sợ đến run tay lái, Hưng theo bản năng mà rẽ loạn xạ, dù có thấm mệt cùng cái bụng quặn thắt vì bị acid cào cấu, nó quyết không trốn về nhà. Hưng thà rong ruổi cả phố chứ không thể để người ta biết địa chỉ mà sang mắng vốn ba mẹ được, danh sách tội đồ của nó lại dài thêm thì khốn.

Thời gian là một thứ vô hình và trừu tượng, khó ai mà biết chính xác nếu không kè kè cái đồng hồ bên cạnh. Nhưng trong tình huống này, đối với Hưng, thời gian như làn gió nóng đang vụt qua hai má nó, nhanh và nhiều đến mức nó cũng không biết đã trôi qua bao nhiêu. Không dám ngoảnh lại nhiều, Hưng chỉ cắm đầu mà đạp tới. Nó bình sinh yếu bóng vía, chỉ cần căng thẳng lên là tim nó đập thùm thụp như sắp rớt khỏi lồng ngực, hành động hoàn toàn tự bộc phát mà chẳng có chút can thiệp từ lý trí. Với ý chí sinh tồn sắt đá và kém khôn ngoan, có lẽ nó định sẽ thế mãi đến lúc nào mệt lả thì thôi.

Cùng lúc đó, Quốc Bảo đã về tới trước nhà. Bảo và Hưng sống cách nhau ba bốn dãy phố, trong đó nhà Bảo xa trường hơn. Tuy nhiên không hiểu sao Bảo vẫn chưa vào nhà vội, vẻ lúng túng in rõ trên khuôn mặt đỏ ửng của nó. Đôi mày dính chặt vào nhau, Bảo tháo cặp để lên yên xe rồi chúi vào lục lọi. Nhưng dường như nó đã tự nhận thấy mục đích của nó là bất khả thi. Thở ra một hơi dài và bực dọc, Bảo gần như sắp đạp đổ con xe nếu đúng lúc đó cái điện thoại trong cặp không reo lên thông báo có tin nhắn. Lôi điện thoại đọc nhanh, nhưng dòng tin còn chưa thấm vào não, Bảo bỗng giật mình khi một giọng nói quen thuộc cất lên kèm theo tiếng chuông xe.

- Bảo, Bảo!! _ Hưng từ đằng xa phóng tới, từ từ giảm tốc độ cho đến khi vừa vặn dừng ngay trước Quốc Bảo.

- Sao chưa về nhà nữa?! _ Đang bực mình mà phải trông thấy cái bản mặt của thằng Hưng khiến Bảo càng thêm ngán ngẩm. Một câu hỏi tưởng chừng rất bình thường nhưng qua giọng điệu của Quốc Bảo thì chẳng khác gì đuổi khách.

- Cứu tao, cho tao tạm lánh vào nhà mày với! _ Trong phút khốn cùng nhất, Bảo đã xuất hiện như ánh sáng hi vọng phía cuối con đường của Hưng. Mắt nó sáng lên, long lanh như thể cún nuôi gặp chủ. Hưng trong giây phút ấy dường như cũng quên bẵng đi nỗi duyên hận tình thù mà nó tự dựng lên trong lòng với Quốc Bảo. Ghét thì ghét thật đấy, song tai ương đang rình rập sau lưng, nó dại gì màvì chút ái nộ lại chịu nộp mạng cho ác bá, thay vì vớ ngay cái phao cứu sinh siêu chất lượng được thả ngay trước mắt, thương hiệu Quốc đẹp-trai-lai-chó-hiếm-có-khó-tìm Bảo chứ!

- Không, sao tao phải cho mày vào? _ Đánh sập mọi hy vọng của Hưng, Bảo từ chối thỉnh cầu của Hưng một cách dứt khoát, không chút tình người. Ánh mắt Bảo tỏ rõ vẻ kiên quyết lẫn trêu ngươi. Kẻ khôn ngoan là kẻ phải biết nắm bắt cơ hội, và Quốc Bảo đã không ngần ngại chứng tỏ bản thân trung thành với châm ngôn ấy - nó đã chọn trả thù Gia Hưng ngay khi thời cơ chín muồi. Bảo không phải đứa thích thù dai, có thể vì nó dễ tính hoặc chỉ đơn giản là nó quá lười để giữ trong lòng những bực dọc, khó chịu, và nhiều khi chỉ đến chiều thôi là mọi ý nghĩ ghét bỏ Hưng của nó đã phai nhạt. Tuy nhiên, như cách con tác giả nhận định ở trên, hôm ấy thật sự là một ngày máu chó với Hưng. Hưng đã gặp lại Bảo ngay lúc nguy khốn, và cũng là ngay thời điểm điểm sự quẫn bách trong Bảo đang bị đẩy đến tột cùng.

Tim đập mỗi lúc một nhanh, tai như ù đi khi Hưng nhận lời khước từ của Bảo. Vốn đang sợ hãi nay càng tệ hơn khi cơ thể phát run từng đợt, Hưng nắm lấy vai Bảo, lắc mạnh, miệng liên tục cầu xin:

- Trời ơi, Bảo ơi, chuyện cũ tính sau đi được không? Mày cho cho tao trốn một chút, xem như là làm công tích đức, người ta dí sát mông tao rồi!

Bảo hừ lạnh, đáp câu xanh rờn:

- Tự làm tự chịu đi. Đừng có lôi tao vào nữa.

Không cho Hưng thời gian xin nốt câu thứ hai, nối tiếp ngay sau lời của Bảo là tiếng cửa bác Dinh.

- Thằng ranh con kia, đừng hòng chạy!

Hưng lập tức ngoái lại, dù chưa thấy bóng dáng nhưng nghe âm thanh chát chúa đang to rõ dần, nó cũng đủ hiểu bác ấy sắp tìm đến nơi rồi. Đầu xoay lia như một con cú mèo quan sát xung quanh, Hưng mừng rỡ khi nhận thấy gần cạnh nhà Bảo là một con hẻm nhỏ, không thèm để ý đến Bảo nữa, nó cong đuôi, cả người lẫn xe chạy vụt vào con ngõ nhỏ. Bảo tuy chưa nắm bắt được cụ thể tình hình, song bị tiếng nạt dọa tởn hồn, cũng khiến nó bối rối đến đớ người khi Hưng phóng xe lủi mất, để nó trơ trơ một mình.

Từ góc đường, một người đàn ông phi con chiến mã đến chỗ Bảo, nạt:

- Cuối cùng cũng dừng lại rồi hả?

Nhận thấy có gì đó sai sai, Bảo liền lên tiếng:

- Ủa bác, bác ơi, con...

Chưa kịp tròn câu vẹn chữ, người đàn ông kia đã xuống xe, thuyết giáo cho nó một trận, dù đứa cần nghe vốn dĩ không phải nó:

- Hừ, đi xe thì cũng phải biết nhìn trước ngó sau chứ. Đi xe cái kiểu đó có ngày té sấp mặt ra, gãy tay gãy chân rồi ai chịu con, cũng bố mẹ với mày chịu chứ ai. Chưa kể lỡ xe cộ, người dân đi qua, rồi đụng người ta thì tính sao?

Thở dài một hơi, vầng trán đôi phần được dãn ra, bác tiếp tục răn đe, nhưng với ngữ điệu bình tính hơn:

- Ban nãy, sau khi quay lại nhìn bác, mày không lại xin lỗi mà quay đít chuồn luôn. Sao vậy con? Mình làm lỗi thì phải xin lỗi chứ, dù có bị mắng thì cũng phải chịu chứ? Lỗi mình mà!

Nội tâm thấp thỏm của Bảo bỗng tĩnh lặng giữa dòng đời vạn biến. Tràn chửi của người đàn ông nọ tưởng chừng thật bình dân và khó nghe, nhưng khi chúng trôi tuột qua màng nhĩ của Bảo, từng câu chữ ấy laị chất chứa nguồn truyền cảm mạnh mẽ, mà có lẽ đến những bậc vĩ nhân cũng khó lòng giải đáp. Như một cơn mưa giông mùa hạ, lời nói kia đã ươm lên trong Bảo một mầm câu hỏi rất đỗi học thuật và địa lí: Sa mạc Sahara rộng bao nhiêu ngàn km2 vậy? Và liệu cái sa mạc được mệnh danh lớn nhất thế giới ấy có hoang vu và "trống rỗng" như đầu óc Bảo lúc này không?

Cái con mẹ gì vậy?

Hôm nay là cái ngày méo gì thế?

Sáng nay khi ra khỏi nhà, nó bước chân trái trước à?

Ngỡ ngàng, ngơ ngác là những tính từ quá nhẹ để mô tả trọn vẹn ánh mắt Quốc Bảo nhìn người bác kia, có khi còn là cái nhìn tương lai đen tối trước mắt.

Thấy thằng nhóc bị mình dọa đến điếng người, bác Dinh cũng mềm lòng đưa cuộc hội thoại đến hồi kết:

- Sao, xin lỗi đi chứ con.

-...

-...

- Dạ, con xin lỗi bác. _ Bảo chịu thua trước nghịch cảnh của số phận rồi. Bắt thang lên hỏi ông trời, kiếp sau cho con làm con cóc được không?

Bác Dinh sau khi nghe được lời xin lỗi cũng nhanh chóng rời đi, bỏ mặc một thân nam nhi lòng rỉ máu...








Sau khi nhận thấy đã cắt đuôi được đối phương, Hưng dần thả lỏng người và đạp xe về nhà. Khi xuống xe và đến trước cổng, nó nhận ra cổng đã được khóa lại.

- Quái lạ, không phải mẹ đang ở nhà hả ta?

Đành dỡ cặp khỏi lưng, Hưng chăm chú lục tìm cái chìa khóa nhà. Cái cần tìm thì chưa thấy mặt mũi đâu, Hưng đã phải hét lên đau điếng khi tấm lưng gầy va đạp mạnh vào cổng sắt. Cái cặp rớt bịch xuống rồi lăn đâu mất, nhưng nó không có tâm trạng để quan tâm chuyện đó, điều duy nhất nó ý thức được lúc này là phần xương ức của nó đang bị một cánh tay đè mạnh đến nghẹt thở, tay còn lại của người bí ẩn kia chống ngay bên cạnh vai nó.

- Mẹ mày thằng Bảo, mày làm gì vậy?

Tự khi nào, chiếc xe đạp của Quốc Bảo đã đậu trước nhà Hưng, hay nói cách khác, Bảo chỉ vừa ghé xuống ngay khi Hưng mới chôn mặt vào cặp được một lát.

Dí sát mặt mình vào, Bảo hơi hất càm lên, ánh mắt sắc lẹm đâm thẳng vào từng vị trí trên gương mặt tái xanh của thằng khỉ Gia Hưng.

- Hôm nay mày gây nghiệp hơi nhiều rồi đó con. 

- Đến lúc ĐỀN.BÙ cho tao đi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top