Anh Đổ Rác
Anh Đổ Rác.
Tôi không nhớ tên y lắm. Không ai trong xóm nhớ tên y. Nên mọi người chọn gọi là thằng/anh/chú Đổ Rác, tùy vào tuổi tác cấp bậc của họ so với y.
Y hơn tôi gần chục tuổi, sinh ra đã có chút khiếm khuyết về trí tuệ, không được sáng láng nhanh nhẹn lắm, nên bố mẹ y cũng không cho đi học, đến khi lớn hơn có sức khỏe một chút thì cho đi làm nhân viên vệ sinh môi trường – hay dân dã gọi là đổ rác. Từ khi tôi còn nhỏ đã thường xuyên thấy y đẩy cái xe rác đi qua các ngõ, gào lên bằng cái giọng ồm ồm, “Đổ rác đi chú Hiển bác Phương ơi!”, đều đặn năm giờ chiều mỗi ngày, găm sâu vào thành một phần kí ức tuổi thơ của tôi như thế. Tôi từng hỏi mẹ vì sao người ta không cho anh Đổ Rác cái kẻng, gõ leng keng như những ngõ xóm khu phố khác mà lại để y mỗi chiều kêu la loạn xạ lên như vậy, vừa ồn vừa tốn hơi; rồi mẹ mới kể, chẳng biết đùa hay thật, rằng thì là mà bố y cũng đã từng sắm cho y cái kẻng thật, nhưng thay vì gõ gọi đổ rác thì y tâm hồn trẻ thơ hiếu động cứ khua gõ ầm ĩ cả ngày, rút cùng bố y phải dẹp đi, không cho na theo cái kẻng ra đường nữa…
Về cơ bản thì anh Đổ Rác là một người lương thiện. Y sinh ra với không chút tà tâm, và gần như chưa hề lớn lên, nên cũng mãi mãi chẳng có tà tâm trong đầu. Cuộc đời y loanh quanh ở khu tập thể giáo viên nhỏ của tuổi thơ tôi, lớp từng lớp người ta trưởng thành, đến và đi, nối tiếp nhau, chỉ có y là cứ mãi ở đó, đeo theo cái tên gọi vốn là một động từ. Trẻ con thì hay trêu ghẹo, “Anh Đổ Rác anh Đổ Rác ơi,” người lớn thì lúc nào cũng gầm gừ, “Học hành cho cẩn thận không là học dốt lớn lên sẽ làm nghề giống anh Đổ Rác đấy!” Nhưng y chẳng biết người ta nói mình thế, mà có biết y cũng không để bụng; y chỉ biết cười hề hề, mỗi ngày vui vẻ làm tốt việc của mình, tối về ăn mấy bát cơm đầy rồi ra đầu ngõ tập hút thuốc lào với bố tôi và các bác các chú. Y quen thế rồi, mọi người ai cũng quen thế rồi.
Không, không hẳn là “mọi người ai cũng”.
Đợt này, bên ủy ban hay tổ dân phố gì đó mới có thêm một cậu trai làm việc giấy tờ các kiểu. Không biết là con nhà ai, hay người ở đâu tới, mặt lúc nào cũng vác ngược lên song song với mặt đất bầu trời. Chẳng ai quan tâm lắm, cho đến một ngày mà năm giờ chiều sắp điểm, thứ mọi người đều quen và đúng ra sẽ nghe thấy là giọng ồm ồm gọi đủ mọi người như điểm danh khu dân cư của anh Đổ Rác, nhưng thứ vang lên lại là cái giọng lạ lẫm đó.
“S-số nhà bốn mươi sáu đâu rồi nhỉ? Có ai ở nhà không? Số nhà bốn hai nữa! Ra kí vào giấy … đi này! Trời ơi nhanh cái chân lên cô chú ơi, còn bao việc, còn bao nhà!”
Rồi giọng nói phiền hà đó dừng lại ở cuối ngõ, âm lượng to hơn, ngữ điệu cáu kỉnh hơn.
“Ơ cái nhà ba mươi bảy, không ra kí đi à! Có kí cái giấy mà cũng lâu la! Quyền lợi của mình chứ ai!”
Lục tục mất năm mười phút sau, tiếng kéo cửa sắt mới vang lên, và anh Đổ Rác đầu bù tóc rối thò ra, ngờ nghệch cười một cái, “Kí tá cái gì đấy anh cán bộ ơi!”
Để y mở cửa chào khách, hẳn là do bố mẹ y nay không có nhà. Nghe bảo hai cụ sang nhà họ hàng nào đấy ăn cưới xa xa.
Cậu trai giấy tờ kia sốt ruột lắm rồi, cầm xấp tài liệu gần như dí vào mặt anh Đổ Rác, hét lên, “Trời đất ơi! Nhìn đi! Không biết đọc à?”
Tôi ở cách đó tầm chục mét, nghe câu đó, thấy chột dạ.
Quả thực anh Đổ Rác không biết đọc.
Y đâu có được đi học bao giờ. Chiều tối làm việc xong, y hay ngồi la cà quán nước, bên cạnh việc nhờ các bác các chú dạy hút thuốc lào (mãi không thành công), thì còn hay nhặt nhạnh tờ rơi, phiếu quảng cáo, bảo lũ trẻ đọc cho nghe xem xanh đỏ tím vàng gì mà nhiều chữ thế. Một chữ bẻ đôi cũng không biết là thật.
Anh Đổ Rác nghệt cả mặt ra. Làm sao bây giờ? Mà cậu trai giấy tờ có vẻ như “còn bao việc” thật, không đợi y trả lời cái câu hỏi tu từ của mình, đã dí xấp tài liệu vào tay y, kèm cái bút bi Thiên Long bấm sẵn, “Đây đây anh kí hộ tôi, không cần đọc hết, kí và ghi rõ họ tên, xong việc tôi còn đi nhà khác!”
Anh Đổ Rác nghĩ nghĩ một vài giây, rồi dứt khoát cầm bút phệt thẳng một dấu thập (+) vào phần chữ kí, xong xuôi đưa lại cho cậu trai giấy tờ.
Y vẫn như thế, ai cũng biết, mấy lần cuối tuần cuối tháng xác nhận công việc với bên vệ sinh môi trường đều chỉ đánh một dấu thập như thế, nghe nói là thầy giáo trong khu dạy anh ta cách đó, tiện cả đôi đường. Ừ thì ai cũng biết cũng quen như thế, trừ người mới ở cái khu này, trừ cái cậu trai giấy tờ đó. Nên khi nhận lại trang giấy có độc một kí hiệu, cậu trai giấy tờ nổi xung lên.
“Cái anh này! Bị điên à! Cộng trừ cái gì? Kí đi, kí – và – ghi – rõ – họ – tên – ra! Đừng có đùa, tôi không có rảnh rỗi anh hiểu không!”
Anh Đổ Rác gật đầu một cái, ra chiều vẫn không hiểu vì sao cậu trai giấy tờ cáu kỉnh.
“Ơ hay! Đừng làm mất thời gian của nhau! Bố mẹ ngày xưa không dạy dỗ à! Kí như một người bình thường đi!”
Đến đây thì vì một lí do nào đấy, cuối cùng anh Đổ Rác cũng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Lần đầu tiên tôi thấy y mang bộ dạng như thế, đầu y bắt đầu cúi gằm, đám tóc lòe xòe không cắt tỉa nhiều rủ xuống che hết cả vầng trán và nửa tầm mắt. Hai tay y những đầu ngón tay bắt đầu cấu véo lẫn nhau, ngón chân cái to cộ giữa bàn chân đất thô kệch di di xuống nền gạch kêu kin kít; và y càng thêm cuống quýt, định nói rồi lại thôi, lời không bật ra cứ lúng búng ở trong miệng.
Cậu trai giấy tờ muốn phát điên. Trời ơi bận lắm bận nhiều, còn gặp phải thứ dở hơi dở hồn! Cậu trai giấy tờ đứng đó quát tháo thêm một lúc nữa rồi đùng đùng bỏ đi, không thèm lấy chữ kí của nhà số ba mươi bảy nữa. Nhưng anh Đổ Rác thì vẫn đứng đó, như bị dính cứng trước thềm cửa nhà.
Tôi đoán là y đang đấu tranh dữ dội trong nội tâm. Chắc y cũng định nói câu đó, cái câu thật thà và hồn nhiên mà y vẫn hoài bô bô vỡi những gương mặt y đã quen trong cái khu xóm nhỏ này, rằng “Mình có biết cái chữ đâu”, rồi cười hề hề. Nhưng y nhận ra đây là “người lạ”. Là người không mang cái tên nào y thuộc trong bộ nhớ, và cũng chẳng biết y mang cái tên “anh Đổ Rác”. Chắc là “người lạ” thì không nói thế được... Từng câu chữ mà những người hàng xóm hay nói về y cứ dồn dập đổ về trong đầu. “Đổ Rác” là cái gì đó thấp kém và đáng sợ lắm, “Đổ Rác” là điều mà không đứa trẻ con nào nên lớn lên trở thành, “Đổ Rác” là làm xấu mặt những người liên quan. Số nhà ba mươi bảy có một người “Đổ Rác”. Nhà bác trai bác gái có thằng con trai “Đổ Rác”. “Đổ Rác”, và không biết chữ nữa. Y đoán là không phải lúc nào mấy cô chú hàng xóm cũng có ác ý khi nói về y như thế; nhưng “người lạ” mà nói, thì chắc chắn là có. Có rất nhiều. Y có cố bao biện, giả dựng, ẩn thân sau cái dấu thập mỏng manh vô nghĩa kia, cũng không che giấu nổi.
Chắc là anh Đổ Rác tủi thân. Chắc là anh Đổ Rác buồn lắm. Tôi nghĩ thế. Tôi chứng kiến hết, nhưng tôi không làm gì, vì bố mẹ tôi không thích tôi lo chuyện bao đồng, và vì kể cả tôi có liều mạng lo chuyện bao đồng, thì chính tôi cũng chẳng biết anh Đổ Rác tên là gì. Ừ nhỉ, anh Đổ Rác rút cục tên là gì? Có ai từng gọi y tử tế bằng một cái tên chưa?
Mọi người cứ nói anh Đổ Rác thiểu năng và ngu ngốc, anh Đổ Rác không biết gì cả, không biết suy nghĩ. Nhưng rồi tôi nhận ra không biết ai mới là những kẻ “không biết suy nghĩ” đây – khi mà dù người ta chẳng bao giờ và cũng chẳng thèm nhớ tên y, thì anh Đổ Rác vẫn thuộc tên từng người, mỗi chiều nhiệt thành đi đến từng nhà, gọi dõng dạc từng cái tên một, không thiếu một ai cả?
Anh Đổ Rác có một đôi mắt rất trong, đôi mắt của một đứa trẻ. Hàng ngày tiếp xúc với rác bẩn, nhưng mắt y chưa vẩn đục bao giờ. Y biết những điều nên biết, và không bao giờ tọc mạch những điều không nên. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên, tôi thấy đôi mắt ấy tối đi một chút, trong cái giờ phút ấy – giờ phút mà có lẽ sẽ còn khiến tôi ám ảnh và suy nghĩ hoài, giờ phút anh Đổ Rác đứng trước cửa vẽ một dấu thập vào giấy tờ kí tá cho “người lạ”, rồi chẳng phải vì những chửi bới của người đó mà vì chính khoảnh khắc y vô tình nhận ra điều gì đó, y không kiềm nổi lúng túng loay hoay, và rơi vào một khoảng lặng dài như miên man ra mãi.
Có lẽ rồi y sẽ dần nhận ra thế giới này chẳng có đơn thuần và dễ dàng như y tưởng. Kể cả y có chôn cả đời ở nơi khu tập thể như ao tù giếng đọng này, cái “safe zone” của y vẫn không thể nào được đảm bảo. Vẫn sẽ có những “người lạ” bước vào, không dùng bạo lực vả cho y những đòn trời giáng mà đầu óc ngây ngô của y không đủ sức gánh vác tiếp nhận. Tôi cứ suy nghĩ mãi, rồi y sẽ ra sao. Nhưng mẹ tôi, những người hàng xóm quanh tôi, chỉ “hóng hớt” chuyện đó, nhắc đến nó trong chừng hai bữa cơm, rồi lại thôi. Họ bảo anh Đổ Rác chẳng nghĩ nhiều đến thế đâu, mai rồi lại đâu vào đấy. Và chính họ cũng chẳng nghĩ nhiều đến thế, nhắc chừng dăm ba câu, câu chuyện phiếm trên mâm cơm đã chuyển qua giá xăng, thời tiết… – những thứ quan trọng và gần gũi hơn, chứ hơi đâu mà lo lắng về tâm sinh lí của một thằng đổ rác mà tên còn không ai nhớ được.
Hôm sau, và nhiều hôm sau nữa, năm giờ chiều, y lại xuất hiện, cái giọng ồm ồm lại cất lên, dõng dạc vui vẻ nhiệt thành đọc tên từng nhà một, như thường lệ, như chẳng có gì đổi thay. Y vẫn là anh Đổ Rác.
Credit: Thuỳ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top