Phần 1 Nếu không phải bây giờ thì khi nào?
"Later!" Hai chữ đó, giọng nói đó, thái độ đó.
Trước giờ, tôi chưa từng nghe ai dùng hai chữ "later" để tạm biệt. Nó có vẻ khắc nghiệt, cụt lủn, xua đuổi, thốt lên với sự bất cần ẩn giấu của những người không quan tâm là sẽ gặp lại hoặc nghe tin về ta nữa hay không.
Đó là điều đầu tiên tôi nhớ về chị, và đến tận hôm nay tôi vẫn còn nghe câu đó. Later!
Tôi nhắm mắt, nói câu đó, và trở lại nước Ý vào nhiều năm trước, bước dọc con lộ rợp bóng cây, nhìn chị xuống xe taxi, áo sơ-mi xanh dương thùng thình, cổ áo rộng phanh ra, kính râm, mũ rơm, chỗ nào cũng thấy da. Đột nhiên chị bắt tay tôi, dúi vào tôi cái ba-lô, lấy va-li ra khỏi cốp xe, hỏi bố tôi có nhà không.
Có thể chuyện đã bắt đầu ở ngay nơi đó, ngay lúc đó: cái áo, tay áo xắn lên, đôi gót chân tròn của chị thụt ra thụt vào đôi giày vải bạt đã sờn, háo hức muốn thử đi vào lối sỏi dẫn tới ngôi nhà của chúng tôi, vừa bước đi đã vội hỏi, Đường nào ra bãi biển?
Một vị khách trọ hè. Lại thêm một nỗi chán.
Rồi gần như không nghĩ ngợi gì, lưng chị đã quay sang chiếc xe, chị vẫy bàn tay đang rảnh và thốt một câu vô tư Later! với người hành khách khác trong chiếc xe, rất có thể người này đã chia tiền cuốc xe từ ga tới. Không thêm tên tiếc hay lời đùa bỡn gì để làm dịu đi cái sự chia ly xáo động, không gì cả. Hai chữ tống tiễn của chị nhanh nhảu, bạo dạn, và cụt lủn – ta có nói gì đáp lại chị cũng chẳng cần.
Bạn thấy đó, tôi nghĩ đây sẽ là cách chị tạm biệt chúng tôi khi tới lúc. Sẽ là hai chữ Later! ẩu tả, cộc cằn.
Từ giờ tới đó là sáu tuần lễ, chúng tôi sẽ phải chịu đựng chị ta.
Tôi thật là khiếp sợ. Loại sợ không cắt nghĩa được.
Dẫu vậy, tôi có thể học cách thích chị ta. Từ cái cằm tròn trịa cho tới cái gót cũng tròn trịa. Rồi sau vài ngày, tôi sẽ học cách ghét chị ta.
Đây, chính con người có bức ảnh trên tờ đơn đăng ký vài tháng trước đã hiện ra cùng bao nhiêu hứa hẹn cho những mối thân tình chớp nhoáng.
Nhận khách trọ hè là cách bố mẹ tôi giúp các giảng viên đại học trẻ chỉnh sửa bản thảo trước khi xuất bản. Cứ sáu tuần mỗi mùa hè, tôi phải dọn trống phòng ngủ của mình, chuyển xuống căn phòng kế dọc hành lang, căn phòng này nhỏ hơn, xưa là của ông tôi. Trong những tháng mùa đông, khi chúng tôi ở thành phố, nó trở thành căn phòng kho tạm, phòng trữ đồ, cũng như phòng áp mái, nơi có tin đồn là người ông có cùng tên với tôi vẫn nghiến răng trong giấc ngủ vĩnh hằng. Khách trọ hè chẳng phải trả tiền bạc gì, được hưởng mọi thứ trong nhà, và về cơ bản thì được làm bất cứ gì họ ưng, miễn là họ dành chừng một giờ mỗi ngày để giúp ba tôi viết thư từ, và giấy tờ nhiều loại. Họ trở thành người nhà, và sau mười lăm năm như vậy, chúng tôi đã quen với từng cơn mưa bưu thiếp và quà cáp không chỉ vào mùa Giáng sinh mà trải dài suốt năm từ những con người giờ đây hết lòng tận tụy với gia đình tôi, và sẵn sàng đi chệch khỏi lộ trình châu Âu của họ để cùng gia đình mình tạt qua B. một hai ngày, và hồi tưởng về nơi ăn chốn ở xưa.
Lúc dùng bữa thường có hai hoặc ba vị khách khác, có khi là láng giềng hoặc họ hàng, có khi là đồng nghiệp, luật sư, bác sĩ, những kẻ giàu có và nổi danh ghé tới thăm ba tôi khi trên đường tới nhà nghỉ hè của riêng họ. Thậm chí đôi lúc chúng tôi đón mời một cặp đôi khách du lịch vãng lai vào phòng ăn gia đình, những người này đã nghe nói về căn biệt thự cũ xưa, và đơn giản chỉ muốn ghé qua xem chơi, họ rất đỗi thích thú khi được mời dùng bữa cùng chúng tôi, kể chúng tôi nghe về họ, trong khi dì Mafalda dù được báo vào phút chót vẫn dọn ra những món thường lệ của dì. Ba tôi, một người kín đáo và rụt rè khi một mình, thích nhất là có vài chuyên gia danh giá đang nổi lên trong lĩnh vực nào đó giúp chuyện vãn bằng vài thứ tiếng, trong khi mặt trời hè nóng rẫy cùng một vài ly vang ngọt rosatello(1) đẩy con người rơi vào trạng thái lờ đờ khó tránh khỏi. Chúng tôi gọi phần việc đó là chuyện nhàm sau bữa chiều – và qua một dạo, hầu hết các vị khách sáu tuần của chúng tôi cũng vậy.
Có lẽ chuyện bắt đầu không lâu sau khi chị tới, ngay giữa một trong những bữa ăn trưa thê thảm đó. Chị ngồi xuống cạnh tôi, và rốt cuộc tôi nhận ra rằng, dù làn da chị có hơi rám nắng sau ít ngày ở Sicily mùa hè đó, màu da lòng bàn tay chị cũng xanh xao, mỏng mảnh như làn da ở lòng bàn chân, hầu, dưới cánh tay – những chỗ này không bị phơi ra nắng nhiều, gần như màu hồng nhạt, lấp lánh và trơn láng như bụng thằn lằn. Kín đáo, trong sáng, non tơ, giống như màu ửng hồng trên gương mặt một vận động viên hoặc thoáng bình minh sau một đêm giông bão. Bấy nhiêu cho tôi biết nhiều điều về chị mà tôi sẽ chẳng biết hỏi thế nào.
Có lẽ chuyện bắt đầu trong những giờ bất tận sau buổi ăn trưa, lúc mọi người thơ thẩn trong những bộ đồ tắm cả bên trong và ngoài ngôi nhà, thân thể nằm ườn ra khắp nơi, giết thì giờ cho tới khi ai đó rốt cuộc đề nghị chúng tôi xuống chỗ rặng đá để bơi. Họ hàng, anh em họ, láng giềng, bạn, bạn của bạn, đồng nghiệp hoặc đơn giản là bất kỳ ai gõ cửa nhà chúng tôi rồi hỏi mượn sân quần vợt – ai ai cũng được chào mời vào thơ thẩn và bơi và ăn và được dùng cả căn nhà nghỉ, nếu họ ở lại đủ lâu.
Hay có lẽ chuyện bắt đầu trên bãi biển. Hoặc ở sân quần vợt. Hoặc trong lúc chúng tôi đi bộ cùng nhau lần đầu vào cái ngày đầu tiên, lúc tôi được nhờ dẫn chị đi xem nhà và chung quanh, và việc này dẫn tới việc kia, tôi đã đưa chị qua cánh cổng bằng sắt rèn cũ xưa đến tận bãi trống bát ngát ở khu đất heo hút gần với dọc đường ray xe lửa bỏ hoang từng nối B. với N. "Đâu đây có một nhà ga bỏ hoang à?" Chị hỏi, nhìn qua tán cây dưới ánh mặt trời bỏng rát, có thể là đang tìm chuyện để hỏi con trai chủ nhà. "Không, chưa từng có nhà ga nào cả. Con tàu đơn giản chỉ dừng lại thôi." Chị tò mò về con tàu; vì đường ray có vẻ hẹp quá. Tôi giải thích rằng đó là con tàu hai toa có phù hiệu hoàng gia. Bây giờ đám du mục gypsy sống trong đó. Từ hồi mẹ tôi còn con gái tới đây nghỉ hè thì họ đã sống vậy rồi. Mấy người đó kéo các toa tàu vào sâu trong đất liền. Chị có muốn xem toa tàu không? "Có lẽ để sau." Thái độ dửng dưng lịch sự, cứ như chị nhận thấy lòng sốt sắng sai chỗ của tôi nhằm làm vui lòng chị, và đẩy tôi ra xa một cách ngắn gọn.
Nhưng tôi lại đau.
Qua chuyện khác, chị bảo rằng chị muốn mở một tài khoản tại một trong những ngân hàng ở B., rồi tới gặp dịch giả tiếng Ý được nhà xuất bản ở Ý giao việc dịch cuốn sách của cậu.
Tôi quyết định đưa chị tới đó bằng xe máy.
Đi xe thì chuyện trò cũng chẳng hơn gì lúc đi bộ. Dọc đường, chúng tôi dừng lại uống nước. Quán cà phê(2) tối thui, vắng ngắt. Chủ quán đang lau sàn bằng dung dịch hăng mùi amoniac. Chúng tôi vội vã bước ra ngoài. Một con chim sáo lẻ loi đậu trên một cây thông Địa Trung Hải hót vài tiếng, tiếng hót lập tức chìm lỉm giữa cơn xào xạc của bọn ve sầu.
Tôi nốc một hơi dài nước khoáng từ trong chai, chuyền sang chị, rồi lại uống nữa. Tôi đổ một ít vào lòng bàn tay, chà mặt, rồi đưa mấy ngón tay ướt chải tóc. Nước không đủ lạnh, không đủ hơi ga, để lại chút khan khát mơ hồ.
Ở đây thì người ta làm gì?
Chẳng gì cả. Chờ mùa hè hết thôi.
Vậy thì mùa đông người ta làm gì?
Tôi mỉm cười, nghĩ tới lời đáp mình sắp nói ra. Chị hiểu ý và bảo, "Đừng có nói là người ta chờ mùa hè lại tới?"
Tôi thích người ta đọc được ý nghĩ mình. Chị nhận ra cái gọi là chuyện nhàm sau bữa chiều sớm hơn những người trước đây.
"Thực ra, mùa đông thì nơi này rất u ám, tối tăm. Chúng tôi về hưởng Giáng sinh. Chứ không thì đây chỉ là thị trấn ma."
"Mà dịp Giáng sinh ở đây, mọi người làm gì ngoại trừ nướng hạt dẻ và uống rượu nóng đánh trứng?"
Chị đang châm chọc. Tôi cười đáp lại như trước. Chị hiểu ý, không nói gì, cả hai cười vang.
Chị hỏi tôi làm gì. Tôi chơi quần vợt. Bơi. Ra ngoài buổi tối. Chạy bộ. Cải biên nhạc(3). Đọc.
Chị nói là chị cũng chạy bộ. Chạy sớm lúc sáng. Ở đây thì chạy chỗ nào? Thì chạy dọc theo lối đi bộ. Nếu chị ta muốn thì tôi chỉ ngay.
Tôi vừa bắt đầu thích chị trở lại thì câu nọ đốp thẳng vào mặt tôi. "Có lẽ để sau."
Tôi nói tới chuyện đọc sau cùng, bởi nghĩ rằng với thái độ ngoan cố, trơ trơ mà chị đã phô ra, việc đọc sẽ có vẻ cũng nằm chót danh sách của chị. Vài giờ sau, lúc tôi nhớ ra chị vừa viết xong một cuốn sách về Heraclitus và rất có thể "đọc" không phải là chuyện vô bổ trong đời chị, tôi nhận ra mình cần phải khôn khéo sửa lại lời nói, và cho chị biết rằng sở thích của tôi cũng rất giống chị. Tuy nhiên, chuyện làm tôi khó chịu không phải là việc sửa lại ý niệm về mình, mà là những nỗi nghi ngại không mời mà tới. Tôi rốt cuộc nhận ra rằng từ trước tới giờ, tôi đã cố gắng và thất bại trong chuyện khiến chị thích mình, mà hoàn toàn không nhận ra, thậm chí chẳng chịu công nhận.
Khi tôi mời – bởi mọi vị khách đều thích ý này – đưa chị tới San Giacomo rồi đi lên đỉnh tháp chuông chúng tôi đặt biệt danh là To-die-for, lẽ ra tôi nên biết mà đứng yên đó, chứ không quay lại. Tôi tưởng mình sẽ đưa chị đi vòng quanh đơn giản bằng cách đưa chị lên đó, rồi để chị ngắm nhìn thị trấn, nhìn biển, và nhìn vào vĩnh cửu. Nhưng ôi. Để sau!
–––––––––––––––
1 Rosatello: một loại rượu vang ngọt của Ý
2 Bar-tabaccheria: kiểu quán cà phê có bán thuốc lá, tem thư, v.v...
3 Cải biên nhạc (transcribe music): Được hiểu là sự điều chỉnh lại hình thức thể hiện của một tác phẩm âm nhạc, phục vụ cho những mục đích đặc biệt, theo những yêu cầu của một dàn nhạc, nhạc cụ hoặc giọng hát thực tế của một ca sỹ, v.v... Hầu hết là các trường hợp phối khí lại hoặc chuyển sang khóa nhạc khác và không nhất thiết phải là sự sáng tạo một tác phẩm phái sinh, cũng được hiểu là cải biên âm nhạc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top