Coi như chưa hỏi
Nhưng chuyện có thể đã bắt đầu khá lâu sau đó mà tôi không hay biết gì cả. Bạn nhìn một người, nhưng bạn không thật sự thấy người đó, cứ như người đó nấp sau cánh gà. Hoặc là bạn thấy, nhưng chẳng nhận ra gì hết, chẳng "nắm bắt" được gì hết, và trước khi bạn nhận ra một sự hiện diện, hoặc thứ gì đó khiến bạn khó chịu, sáu tuần lễ mà bạn có đã trôi qua gần hết, và người đó hoặc đã đi rồi, hoặc sắp sửa rời xa, và bạn đơn giản là đang vật vã cố chấp nhận một điều gì đó, mà bạn không hề biết, điều đó đã được trù tính nhiều tuần ròng ngay trước mắt ta, có tất cả các triệu chứng của cái mà ta buộc phải gọi là Tôi muốn. Bạn sẽ hỏi rằng cớ gì tôi lại không biết? Tôi biết thế nào là khao khát khi tôi thấy được – vậy mà lần này, nó hoàn toàn vuột mất. Tôi cứ tìm kiếm nụ cười xảo quyệt thình lình làm mặt chị sáng bừng mỗi lần chị đọc được ý nghĩ của tôi, trong khi cái tôi thật sự muốn là da, chỉ da thôi.
Trong bữa tối thứ ba, tôi cảm nhận là chị đang nhìn mình chằm chằm trong khi tôi cắt nghĩa bản nhạc Bảy lời cuối của Chúa của Haydn mà tôi cải biên. Năm đó tôi mười bảy, người nhỏ tuổi nhất bên bàn ăn, và là người ít được kẻ khác lắng nghe nhất, tôi đã tập một thói quen là dồn càng nhiều thông tin vào càng ít chữ càng tốt. Tôi nói nhanh, điều này khiến người ta bị ấn tượng rằng tôi đã luôn kiệm lời, im như thóc. Sau khi giải thích xong, tôi nhận ra ánh mắt nhìn tôi tha thiết nhất đến từ bên trái. Nó làm tôi phấn khích và tự hào, rõ ràng là chị quan tâm – chị thích tôi. Vậy thì đâu có gì khó khăn như tôi tưởng. Nhưng rồi lúc nói xong, tôi quay sang đối mặt, nhìn vào mắt chị thì lại gặp cái nhìn chằm chằm lạnh lùng, buốt giá – cái ánh mắt ngay lập tức thành ra hằn học và trơ trơ gần như là ác độc.
Tôi hoàn toàn mất hứng. Tôi đã làm gì nên nỗi để bị như vậy? Tôi muốn chị lại tử tế với tôi, cười với tôi như vài ngày trước ở chỗ đường tàu hoang phế, hay khi tôi giải thích cũng trong buổi chiều đó rằng B. là thị trấn duy nhất ở Ý nơi corriera, tuyến xe buýt nội vùng có Chúa phù hộ, chạy suốt mà không bao giờ dừng lại. Lập tức chị bật cười và nhận ra lời ám chỉ mập mờ tới cuốn sách của Carlo Levi. Tôi thích cách tâm trí chúng tôi dường như song hành với nhau, cách chúng tôi lập tức suy ra được từ ngữ mà người kia chực nói, nhưng rốt cuộc lại giữ lại.
Chị sẽ là một người hàng xóm khó chịu đây. Tôi nghĩ, tốt hơn cả là hãy tránh xa chị ra. Nghĩ rằng tôi đã suýt phải lòng vì làn da trên bàn tay, trên ngực, bàn chân chị chưa từng chạm vào một mặt phẳng thô ráp nào từ xưa đến giờ – và cặp mắt chị, khi ánh mắt kia, cái ánh mắt dịu dàng nhìn vào bạn nhiệm màu như sự Phục sinh vậy. Bạn sẽ chẳng thể nào nhìn lại đủ lâu, nhưng cần phải nhìn lại để tìm cho ra tại sao bạn lại không thể.
Tôi hẳn đã trao cho chị cái liếc mắt nguy hại tương tự.
Hai ngày ròng, chúng tôi bỗng nhiên chẳng chuyện vãn gì với nhau.
Trên bao lơn dài chung của cả hai phòng ngủ chúng tôi diễn ra sự tránh né cùng tận: câu chào, thời tiết tốt nhỉ, những lời tán gẫu hời hợt.
Rồi không một lời giải thích, mọi việc trở lại như trước.
Tôi có muốn đi chạy bộ sáng nay không? Không, không hẳn. À, vậy thì đi bơi.
Ngày hôm nay, cơn đau, chuyện đốt lò, nỗi háo hức vì có người mới, niềm hạnh phúc cứ chấp chới cách ta chỉ một đầu ngón tay, chuyện dò xét ý tứ những người tôi có thể hiểu nhầm, và không muốn mất và phải dọ ý mọi nơi mọi lúc, cái sự khôn vặt tuyệt vọng mà tôi trao cho mỗi một người tôi muốn và khao khát được đáp lại, những bức màn tôi dựng lên như thể giữa tôi và thế giới không chỉ có một mà là nhiều lớp cửa trượt bằng giấy thông thảo(1) , sự thúc giục mã hóa rồi lại giải mã điều chưa bao giờ được mã hóa ngay từ đầu – tất cả những điều này bắt đầu vào mùa hè Lalisa tới ở nhà chúng tôi. Những việc ấy in dấu lên mỗi bài hát thịnh hành mùa hè đó, mỗi cuốn tiểu thuyết tôi đọc trong và sau những ngày chị ở, trên bất cứ gì từ mùi rau hương thảo những ngày nóng nực cho tới tiếng xào xạc điên cuồng của bọn ve sầu vào buổi chiều – những thanh âm và vị hương tôi lớn lên cùng và biết đến mỗi năm trong đời cho tới khi chuyện đó thình lình chộp lấy tôi, và đạt tới một sự chuyển điệu mãi thắm sắc màu những sự kiện mùa hè đó.
Hoặc có lẽ chuyện bắt đầu sau tuần đầu tiên chị ở, lúc tôi háo hức muốn xem chị còn nhớ tôi là ai không, khi thấy chị không làm lơ, và nhờ vậy, tôi có thể cho mình cái quyền xa xỉ là đi ngang qua chị trên lối ra vườn và không phải làm bộ rằng mình không biết có chị. Chúng tôi cùng chạy bộ sớm vào buổi sáng đầu tiên, xa tới tận B. rồi trở lại. Sáng sớm hôm sau chúng tôi bơi. Rồi ngày kế thì chúng tôi lại chạy bộ. Tôi thích chạy đua cạnh cái xe tải giao sữa khi nó còn lâu mới xong việc, hoặc gần tiệm tạp hóa và bánh nướng người ta hãy còn chuẩn bị mở hàng, thích chạy dọc bờ biển và lối đi riêng khi xung quanh còn chưa có mống người nào và ngôi nhà của chúng tôi trông như một ảo ảnh xa tít. Tôi thích những khi chân chúng tôi cùng nhịp, trái với trái, và chạm vào đất ở cùng thời điểm, để lại những dấu chân trên bờ biển mà tôi ước ao quay lại, và, trong bí mật, ướm chân mình vào chỗ chị đã để lại dấu vết.
Sự xen kẽ chạy bộ và bơi này đơn giản là "lịch" của chị hồi ở cao học. Chị có chạy ở đường Sabbath(2) không? Tôi đùa. Chị luôn tập thể dục, ngay cả khi chị bệnh; có phải nằm trên giường thì cũng tập. Chị nói, ngay cả khi đêm chị ngủ cùng với ai mới, sáng sớm hôm sau chị vẫn ra ngoài mà tập. Lần duy nhất chị không tập là khi người ta phẫu thuật cho chị. Khi tôi hỏi phẫu thuật gì,câu trả lời mà tôi đã tự hứa với lòng là không bao giờ xui chị thốt ra, nó tới với tôi như cú bật của hình nộm lò xo trong hộp, trên mặt nó là nụ cười ngớ ngẩn. "Để sau."
Có lẽ chị bị hụt hơi và không muốn nói quá nhiều, hoặc đơn giản là muốn tập trung bơi hoặc chạy. Hoặc có lẽ đó là cách chị khích lệ tôi tập trung như chị– hoàn toàn vô hại.
Nhưng có gì đó ngay lập tức trở nên lạnh lẽo và khó chịu trong cái khoảng cách len vào giữa chúng tôi tại những khoảnh khắc không ngờ nhất. Cứ gần như là chị làm vậy có chủ ý; cho tôi một chút, rồi một chút nữa, sau đó giật phắt đi bất kỳ dấu hiệu nào của tình bạn.
Ánh mắt sắt đá đó luôn trở lại. Một ngày nọ, trong khi tôi đang tập guitar ở cái chỗ đã trở thành "bàn của tôi"ở sân sau cạnh hồ bơi và chị đang nằm trên cỏ gần đó, tôi nhận ra ánh mắt kia ngay. Chị nhìn tôi chằm chằm trong khi tôi tập trung nhìn cần đàn, và rồi tôi đột nhiên ngẩng mặt lên để xem chị có thích đoạn tôi đang chơi,thì nó kìa: sắc lẻm, tàn độc, như một lưỡi dao lóe sáng lập tức rụt lại ngay khoảnh khắc nạn nhân bắt gặp nó. Chị cười nhạt với tôi như ý nói, Giấu làm gì nữa.
Tránh xa chị ta ra.
Hẳn chị đã nhận thấy tôi run, và để cố đền lại cho tôi, chị bắt đầu hỏi nhiều điều về guitar. Tôi quá cảnh giác, nên đáp lại chẳng vô tư gì mấy. Trong khi đó, nghe tôi khó nhọc trả lời, chị nghi ngờ rằng có lẽ tôi diễn đạt thiếu đi nhiều thứ. "Thôi khỏi giải thích chi. Cứ chơi lại lần nữa đi." Nhưng tôi tưởng chị ghét nó. Ghét nó? Sao cậu lại nghĩ vậy? Chúng tôi cãi qua cãi lại. "Cứ chơi đi, được không?" "Bản đó luôn hả?" "Bản đó luôn."
Tôi đứng dậy, bước vào phòng khách, để cửa sổ mái mở cho chị nghe tôi chơi bài đó trên đàn piano. Chị theo tôi đến giữa quãng và, tựa vào khung gỗ cửa sổ, nghe một lát.
"Cậu đổi rồi. Không phải bản đó. Cậu đã làm gì vậy?"
"Tôi chỉ đánh theo cách Liszt sẽ chơi nếu ông ta cải biên nó."
"Đánh lại lần nữa đi mà!"
Tôi thích cách chị giả vờ bực tức. Nên tôi bắt đầu đánh bản đó lần nữa.
Sau một lúc: "Tôi không tin nổi, cậu lại đổi nữa rồi."
"À thì đâu có bao nhiêu. Đây là cách Busoni chơi, nếu ông ta cải bản của Liszt."
"Cậu không chơi nhạc Bach theo đúng như Bach đã soạn được hay sao?"
"Nhưng Bach chưa từng soạn cho đàn guitar. Có thể ông cũng chưa từng viết nó cho đàn harpsichord. Thực ra thì ta còn không chắc đó là của Bach soạn."
"Thôi coi như chưa hỏi."
"Được rồi, được rồi, không cần phải bực vậy chứ," tôi nói. Đến lượt tôi giả vờ thuận lòng. "Đây là Bach do tôi cải biên mà không có Busoni và Liszt. Bản này của một Bach rất trẻ, được dành riêng cho anh trai của ông."
Tôi biết chính xác đoản khúc nào trong bản nhạc rõ ràng là đã khiến chị chú ý ở lần đầu, và mỗi lần tôi đàn, tôi như đang gửi cho chị một món quà nhỏ, bởi vì nó thực sự là dành riêng cho chị, như một biểu tượng cho điều gì đó rất đẹp đẽ trong tôi mà không cần phải thiên tài mới nhận ra, và điều đó thôi thúc tôi thêm vào một đoạn độc tấu nữa. Chỉ dành cho chị.
Chúng tôi – và hẳn chị đã nhận ra tín hiệu khá lâu trước tôi – đang tán tỉnh nhau.
–––––––––––––––
1 thông thảo (rice-paper): loại giấy làm từ lõi cây thông thảo, thườngdùng để dán các cửa trượt trong nhà của người Nhật
2 Sabbath: ngày thứ bảy trong đạo Do Thái, là ngày nghỉ ngơi và thờphụng Chúa, tương ứng với ngày chủ nhật trong đạo Thiên chúa
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top