Ba * Thời đại hoàng kim
Ngày 3 tháng 12 năm 2022, vòng 1/8 Giải Bóng đá Vô địch Thế giới. Argentina tiếp đón Australia, Messi có lần ra sân thứ 1000 trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Ngày 16 tháng 10 năm 2004 diễn ra trận đấu giữa Barcelona và Espanyol trong khuôn khổ La Liga. Phút thứ 83, Messi vào sân thay Deco, trở thành cầu thủ trẻ tuổi thứ ba lịch sử ra sân thi đấu cho Barca tại La Liga - 17 tuổi 3 tháng 22 ngày. (*)
Lò đào tạo trẻ La Masia, một trong những cơ sở đào tạo cầu thủ trẻ tốt nhất châu Âu, thậm chí còn từng nắm giữ địa vị độc tôn trong suốt một thời gian dài. Ống kính được bố trí bên cạnh sân cỏ loang lổ xanh vàng, đám trẻ chạy thoăn thoắt, mồ hôi nhễ nhại. Người cầm máy không rời mắt khỏi mỗi một bước chân của chúng, mong muốn bắt trọn những hình ảnh quý giá về quá trình trưởng thành của những siêu sao tương lai này.
"Tên cháu là Francesc Fàbregas, năm nay 16 tuổi. Ước mơ của cháu là một ngày nào đó có thể ghi được một bàn thắng như thế này ở Camp Nou."
"Cháu tên Gerard Piqué, ừm... Sau này cháu muốn thi đấu cho Barca."
"Còn cháu? Cháu tên gì?" Ống kính chuyển sang đứa bé cuối cùng. Trận đấu này cậu đã tỏa sáng với một hat-trick, ngoại hình bình thường, có phần tùy tiện, đang chuẩn bị rời khỏi sân tập.
"Cháu tên là Messi." Cậu bé có hơi ngại, cúi đầu rồi lại ngẩng lên. Cậu mỉm cười, đôi mắt lấp lánh. "Lionel Messi."
"Ước mơ của cháu là gì? Cũng muốn thi đấu cho Barca à?"
"Đúng vậy." Cậu kiên định gật đầu. Ngoài sân có hai cậu nhóc khác đang đứng chờ, nên cậu vội nói thêm: "Cháu còn muốn thi đấu cho đội tuyển Argentina nữa."
Ngày 17 tháng 8 năm 2005, tân binh Messi có lần ra mắt đội tuyển quốc gia Argentina khi được thay vào sân ở phút thứ 63 trong trận đấu với Hungary. Tuy nhiên, chỉ 92 giây sau, cậu đã nhận thẻ đỏ vì vung khuỷu tay vào mặt cầu thủ đối phương. Hình phạt này khiến Messi khóc không ngừng, áo đấu xanh trắng chưa kịp dính mồ hôi đã bị nước mắt của cậu làm cho ướt đẫm, chẳng mấy chốc cổ áo đã ướt thành một mảng xanh thẫm. Trên xe buýt về khách sạn, Scaloni ngồi cạnh cậu, gắng sức an ủi cậu em đồng hương Rosario.
"Năm sau có World Cup, năm sau nữa là Copa America, con đường của em còn dài lắm." Scaloni đưa cho cậu hộp giấy, nào ngờ Messi ôm chặt hộp giấy, lại tiếp tục khóc nức nở.
"Em năm nay mới 18, anh dám cá, đến lúc 38 tuổi em sẽ quên sạch chuyện này cho mà xem."
"Còn lâu," Messi vẫn thút thít. "98 tuổi em vẫn sẽ nhớ."
Scaloni bật cười: "20 năm sau thì biết."
"Lúc đó em chả đá bóng nữa rồi."
"Sao em biết được?"
"Đến Maradona 36 tuổi cũng giải nghệ rồi còn gì." Messi tiếp tục dụi mắt.
Scaloni cười cười. Anh không nói nữa, miệng khẽ ngâm nga một khúc nhạc. Đó là một bài dân ca Rosario.
"Khi em từ biệt quê nhà
Xa dần trên đại dương xanh thẳm
Đừng quên ngẩng đầu nhìn ngắm
Vòm trời và những miền xa
Vầng dương chìm vào sóng gợn
Mà bóng đêm trong trẻo
Tỏa lan ánh trăng dịu dàng
Biển khơi như mặt gương lấp loáng
Tiếng gió đùa nghịch bên tai
Em đã lưu lạc nơi xa, xa mãi
Nhưng ánh trăng quê nhà mãi còn đó nơi em..."
Xe buýt đi rất chậm, về đến khách sạn cũng là lúc trời đã tối. Bầu trời xanh thẫm như được gột rửa, vầng trăng sáng treo nghiêng trên đỉnh đầu, ánh trăng bàng bạc chiếu vào trong xe.
"Em xem kìa." Scaloni khẽ gọi, nhưng Messi không trả lời. Anh quay đầu lại mới thấy, hình như Messi khóc mệt, không biết đã thiếp đi tự lúc nào, đầu còn dựa lên vai anh.
Ngày 30 tháng 6 năm 2006, trong trận tứ kết, Argentina thất bại 2 - 4 trước Đức trên chấm 11m và bị loại khỏi World Cup. Scaloni và Messi ngồi trên băng ghế dự bị, đều không được trao cơ hội thi đấu. Sau trận đấu này, Scaloni không còn được triệu tập lên đội tuyển nữa. Đây là kì World Cup đầu tiên và cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Đây cũng là lần đầu tiên Messi tham dự World Cup, nhưng Scaloni biết, cậu nhóc này khác anh nhiều lắm. Con đường của Messi còn rất xa, rất dài, còn anh sớm đã tới cực hạn. Giờ đây, chờ đợi anh phía trước chỉ còn là thời kì sa sút như đã dự liệu và quãng thời gian ngắn ngủi cho đến ngày lặng lẽ chấm dứt sự nghiệp thi đấu.
Ngày 15 tháng 7 năm 2007, cặp song hùng Nam Mỹ Brazil - Argentina đối đầu trong trận chung kết Copa America. Đây là kì Copa America đầu tiên của Messi. Năm ấy, Argentina thế như chẻ tre, thẳng tiến vào chung kết với thành tích năm trận toàn thắng. Ngược lại, đối thủ Brazil không may thiếu vắng những siêu sao Ronaldinho và Kaka, phải nhờ tài cầm quân của huấn luyện viên Dunga mới nhọc nhằn vào tới chung kết.
Chỉ 4 phút sau tiếng còi khai cuộc, Baptista đã mở tỉ số cho Brazil. Argentina tấn công bế tắc, phút thứ 40 lại dính đòn phản công. Hiệp một kết thúc với tỉ số 2 - 0 nghiêng về Brazil.
Sau kì World Cup trước đó một năm, Pekerman từ chức giữa làn sóng chỉ trích dữ dội. Người kế nhiệm Basile đã từng dẫn dắt Argentina giai đoạn 1991 - 1994 và giành được hai chức vô địch Copa America năm 1991 và 1993.
Bước sang hiệp hai, phút thứ 59, Basile tung Aimar vào sân thay cho Cambiasso. Phút thứ 69, Brazil ghi bàn thắng thứ ba. Không còn thuận buồm xuôi gió, tinh thần của các cầu thủ Abiceleste tụt xuống thê thảm, họ đá như thể chân đeo chì, phối hợp càng lúc càng hỗn loạn. Trận đấu nhanh chóng kết thúc, Brazil thành công bảo vệ ngôi vương với chiến thắng 3 - 0.
Argentina không thiếu những nhà cầm quân đại tài, càng thừa thãi binh hùng tướng mạnh. Nhưng trớ trêu thay, chính Basile - người đã từng hai lần đưa Argentina lên đỉnh Nam Mỹ, cũng đành bất lực với trọng trách phá bỏ lời nguyền 14 năm tay trắng. Năm tháng qua đi, cổ động viên ngày một bất mãn, tiếng tụng ca trong dân chúng cũng ngày một vang dội. Họ mong nhớ vô cùng vị anh hùng dân tộc năm xưa, người từng khiến cả Anh và Tây Đức phải cúi đầu khuất phục - Diego Maradona.
Ngày 28 tháng 10 năm 2008, Hiệp hội bóng đá Argentina công bố Maradona sẽ đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Thời điểm đó, Argentina đã trải qua 22 năm chờ đợi kể từ chức vô địch World Cup gần nhất. Và, phía trước còn 14 năm, cho đến ngày đoàn quân xanh trắng một lần nữa nâng cao chiếc cúp vàng danh giá này.
Trong 22 năm ấy, tỉ giá hối đoái của đồng peso Argentina với đôla Mỹ đã tăng từ 0.99 lên 3.39, còn GDP Argentina từ vị trí thứ 20 đã rớt xuống thứ 27 trên bảng xếp hạng thế giới. Chủ nghĩa Peron đã thất thế, nhưng ảnh hưởng mà nó để lại vẫn còn đó như một bóng ma. Cuối những năm 90, với sự phá sản của cuộc cải cách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mới, phong trào cánh tả ngày một dâng cao, đường lối chính trị dân túy khiến Argentina không ngừng đi xuống.
Ở một đất nước như vậy, trải qua ách thống trị của chế độ độc tài, thất bại trong chiến tranh Falkland, hàng chục năm nền kinh tế trượt dài trên bờ vực suy thoái, một người hùng sân cỏ có thể đem lại điều gì đây?
Năm 1986, nhờ hiệu ứng của chức vô địch World Cup trên đất Mexico, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Argentina đạt tới 7.1%. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khủng hoảng nợ công manh nha xuất hiện ở một số nước Mĩ Latinh và khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ khiến cán cân nội các vốn chông chênh của Argentina nhanh chóng bị phá vỡ. Tháng 11 năm 2001, chính phủ Argentina đột ngột tuyên bố thất bại trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài, một tháng sau lại tiếp tục tuyên bố vỡ nợ quốc gia. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, rất nhiều người trung lưu Argentina bỗng chốc trở nên bần cùng, một công nhân ở Rosario tên là Jorge Messi cũng lâm vào cảnh ngộ khốn khó. Ông phải lo toan cho cả thảy bốn đứa con, trong đó có cậu con trai mắc bệnh thiếu hormone sinh trưởng. Khủng hoảng kinh tế khiến ông chịu ảnh hưởng nặng nề, không còn đủ khả năng chi trả số tiền chạy chữa khổng lồ đó.
Tháng 9 năm 2000, Messi tới La Masia thử chân, tài năng của cậu bé lập tức chinh phục các huấn luyện viên và chuyên gia, nhưng chi phí trị bệnh cho cậu khiến câu lạc bộ do dự. Jorge cùng con trai ở Barcelona chờ suốt ba tháng không có kết quả, ông có ý định đến Real Madrid thử vận may.
Ngày 14 tháng 12 năm đó, khi ban lãnh đạo câu lạc bộ còn chưa thống nhất ý kiến, giám đốc kĩ thuật Rexach đã ra một quyết định điên rồ. Ông hẹn Jorge tại một quán cà phê, viết nội dung hợp đồng trên một tờ giấy ăn, hoàn thành việc kí hợp đồng với Messi. Kể từ giờ phút ấy, tên tuổi Messi đã gắn liền với Gã khổng lồ xứ Catalan.
Ngày 15 tháng 10 năm 2009, Maradona dẫn dắt đội hình Argentina với nhiều ngôi sao đẳng cấp nhọc nhằn vượt qua vòng loại World Cup. Khi đó, người dân Argentina chưa hề ý thức được sự chông chênh trong mỗi trận đấu của đội tuyển, họ vẫn đắm chìm trong giấc mơ đẹp đẽ, rằng đây chỉ là khởi đầu của một hành trình thần thánh. Trong tiềm thức của họ, Maradona không khác nào hiện thân của chúa trời. Bất cứ thứ gì liên quan đến ông đều là những khái niệm thiêng liêng, dù là bàn thắng mở tỉ số ghi bằng tay trái vào lưới tuyển Anh, hay cả bức chân dung Che Guevara được ông xăm trên cánh tay phải.
Borges từng nói: "Chủ nghĩa dân tộc chỉ có chỗ cho sự khẳng định, mọi tín điều đều tuyệt đối không chấp nhận bị phủ định hoặc hoài nghi."
Kì World Cup 2010 tại Nam Phi đã đến. Argentina toàn thắng ba trận đấu vòng bảng, ghi 7 bàn, để thủng lưới 1 bàn, hiên ngang tiến vào vòng 1/8 với vị trí đầu bảng. Trước ngày khai mạc, từng có những lời xôn xao bàn tán, thắc mắc vì sao đội tuyển Argentina không chiêu mộ các nhân lực hàng thủ vừa góp công lớn vào cú ăn ba của CLB Inter Milan. Nhưng sau ba trận đấu vừa rồi, không còn ai cả gan chỉ trích Maradona nữa.
Ngày 3 tháng 7 năm 2010, tại Cape Town, Argentina tiếp tục chạm trán đối thủ 4 năm trước từng loại họ trên chấm 11m – đội tuyển Đức. Góp mặt trong đội hình xuất phát là Messi, Tevez, Higuain và Di Maria, cùng với Aguero và Milito trên băng ghế dự bị, đủ thấy Argentina sở hữu một hàng công thực sự đáng gờm. Nhưng, chỉ 3 phút sau tiếng còi khai cuộc, đội quân xanh trắng đã phải nhận bàn thua đau đớn. Từ phía cánh trái, tuyển Đức triển khai tấn công, hàng thủ bạc nhược của Argentina chỉ mải miết theo kèm Klose mà bỏ quên Thomas Müller đang rình rập trong vòng cấm. Tỉ số được mở 1 - 0 cho Đức.
Ngày 10 tháng 3 năm 2009 diễn ra trận đấu đầu tiên của Argentina với Maradona trên cương vị huấn luyện viên trưởng. Tâm điểm chú ý của trận cầu đó, ngoại trừ Diego, thì chính là số 10 lần đầu xuất hiện trên lưng chiếc áo đấu xanh trắng của Messi. Kể từ khi Riquelme từ giã đội tuyển, mọi người vẫn luôn tranh cãi kịch liệt về cầu thủ sẽ kế thừa số áo biểu tượng này. Có người nói chiếc áo nên được trao cho một tiền vệ tấn công giống như Riquelme, cũng có kẻ quả quyết cho rằng chỉ có người lãnh đạo của đội tuyển mới đủ tư cách tiếp nhận số áo này. Cuối cùng, Maradona dứt khoát đưa ra quyết định: "Messi chính là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Dù ở Barca, Argentina, Cameroon hay bất cứ nơi nào khác, cậu ấy luôn là người giỏi nhất."
Năm đó, khoác trên mình chiếc áo số 10 của FC Barcelona, Messi tỏa sáng rực rỡ ở cả hai đấu trường quan trọng La Liga và Champions League, nắm vai trò hạt nhân tuyệt đối trong đội hình chiến thắng cú ăn sáu vô tiền khoáng hậu của Gã khổng lồ xứ Catalan. Khi được hỏi về chiến thuật sử dụng Messi, huấn luyện viên Pep Guardiola mỉm cười: "Chuyền bóng cho cậu ấy, hiểu được sự tĩnh lặng của cậu ấy, xây dựng đội bóng xung quanh cậu ấy. Và, đừng bao giờ thay cậu ấy ra khỏi sân."
Ở Barcelona, anh là một kẻ ngoại lai, nhưng cổ động viên Camp Nou hết mực yêu thương đứa trẻ lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của họ. Còn trong mắt người Argentina, anh là một kẻ tha hương đã nhiều năm không trở về tổ quốc. Họ lạnh nhạt và bài xích xuất thân La Masia của anh, so với một Messi đã bị "bóng đá châu Âu mài mòn đi ý chí kiên định", họ dành nhiều tình cảm hơn cho Tevez - cầu thủ bước ra từ Boca Juniors. Anh cũng nhiệt tình đáp lại sự ủng hộ ấy, kiêu hãnh tự xưng là "Cầu thủ của nhân dân".
Tỉ số 1 - 0 được bảo toàn đến giờ nghỉ giữa trận. Maradona không có bất kì sự điều chỉnh nào về mặt chiến thuật. Messi mệt mỏi ngồi ở góc phòng thay đồ uống nước. Suốt hiệp 1, anh rất khó phối hợp với đồng đội, thường xuyên bị vây kín ở bên cánh phải mà không được hỗ trợ. Tuy mang trên mình chiếc áo số 10, nhưng hiển nhiên, anh chưa bao giờ là hạt nhân của đội bóng.
Bước sang hiệp hai, sự rệu rã nơi hàng tiền vệ của Argentina càng lộ rõ. Phút thứ 68, nhận đường chuyền của Podolski, Klose đệm bóng dễ dàng vào lưới trống nâng tỉ số lên 2 - 0. Lúc này Maradona mới bắt đầu đưa ra một số quyết định điều chỉnh nhân sự trên sân. Chỉ mấy phút sau, Schweinsteiger đi bóng vượt qua tuyến giữa lỏng lẻo của Argentina rồi tạt ra cho trung vệ Friedrich ghi bàn thắng thứ ba. Ngoài đường biên, Aguero sắp được thay vào sân hoảng loạn nhìn Maradona cầu cứu. Diego chỉ còn biết lặng lẽ vùi đầu vào lưng anh, không thể đưa ra bất kì ý kiến chỉ đạo hợp lí nào.
Phút thứ 89, Klose tiếp tục lập công. Anh chạy đến gần Maradona như thể khiêu khích, thực hiện cú nhảy santo ăn mừng bàn thắng quen thuộc của mình. Đối với các chiến binh xanh trắng, trận đấu này không khác nào một màn tra tấn. Argentina kết thúc hành trình World Cup năm đó với kết quả thảm bại 0 - 4 nhục nhã.
Nửa tháng sau, Liên đoàn bóng đá Argentina tuyên bố bãi nhiệm Maradona khỏi chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Maradona lớn tiếng chỉ trích chủ tịch liên đoàn Grondona, rằng quyết định này chủ yếu xuất phát từ ân oán cá nhân giữa hai người chứ không phải vấn đề chuyên môn. Nhưng trên đất Argentina, thất bại lần này cũng không hề làm sứt mẻ vị thế của Maradona. Thêm một lần thất bại, mọi người càng thêm hoài niệm vị "Chúa Trời" năm xưa. Bằng sức mạnh vô song của mình, Người đã dẫn dắt Argentina đến đỉnh vinh quang. Người là vị chúa của bóng đá, vị chúa của thế kỉ.
Schopenhauer viết: "Tự hào dân tộc là niềm kiêu hãnh dối trá nhất. Bởi nếu một người cảm thấy tự hào vì dân tộc của mình, điều đó cho thấy bản thân kẻ đó không có bất cứ thứ gì đáng để tự hào. Nếu có, anh ta đã chẳng phải bấu víu lấy chút vinh dự được chia năm xẻ bảy cho anh ta và cả trăm triệu đồng bào khác."
Nơi mảnh đất đang ngày một lún sâu này, rất nhiều người từ lâu đã không còn hi vọng vào cuộc sống. Bóng đá chẳng phải mũi tiêm trợ tim, mà chỉ là một liều thuốc giảm đau, đem đến hiệu lực nhất thời nhưng không thể kéo dài mãi. Không ai biết phải làm sao để cứu vớt đất nước này. Người ta chỉ đành kí thác niềm hi vọng cuối cùng của mình cho bóng đá - đây có lẽ là cơ hội duy nhất để họ có thể đường hoàng xuất hiện trên vũ đài thế giới, và xa hơn nữa, phát ra âm thanh của riêng mình.
Mọi người dân Argentina đều có tư cách để tự hào về nền bóng đá của tổ quốc mình, chỉ trừ những cầu thủ, dù chinh chiến cho đội tuyển quốc gia nhưng chưa một lần chạm tay vào chức vô địch. Một khi khoác lên mình tấm chiến bào này, ngày nào chưa giành được chiến thắng, ngày đó 'quyền được tự hào' của họ vẫn còn bị tước đoạt một cách tàn nhẫn.
Trong vòng 14 năm từ 2008 đến 2022, tỉ giá hối đoái của đồng peso Argentina với đôla Mỹ tăng phi mã từ 3.38 lên 176.74, Argentina cũng từ vị trí thứ 27 tụt xuống thứ 62 trên bảng xếp hạng GDP thế giới. Trước Copa America 2021, lời nguyền trắng tay đã trừng phạt Argentina suốt 28 năm ròng rã. Mọi người cứ nhớ tiếc không thôi một thời đã qua, những năm 80 của thế kỉ trước, huy hoàng, lịch sử, vinh quang, cổ kính, cùng với chính đất nước này, chỉ là một thứ 'everglow' rực rỡ mà thôi. Tỏa sáng vĩnh hằng, đẹp đẽ vô song, nhưng không thể trở lại, cũng chẳng thể sao chép.
Trong "The Abyss" (Vực thẳm), Yourcenar đã viết: "Những năm tháng hoàng kim trong tâm khảm ngươi ấy, giống như Damascus hay thành Constantinople. Trông từ xa là cảnh tượng đẹp đẽ, nhưng phải bước đi trên những con đường ngõ phố của nó, mới thấy được người bệnh hủi lê lết và đám chó chết nằm la liệt."
Nhưng thời đại hoàng kim của người Argentina đã đi xa lắm. Giữa hiện thực tối tăm, mỗi khi nhớ về những tháng ngày đã qua, bức họa kí ức đẹp đẽ lại hiện lên trước mắt họ, thậm chí so với lịch sử thực sự còn lóng lánh huy hoàng hơn gấp bội. Có lẽ, chỉ có chút ánh sáng yếu ớt phản chiếu từ quá khứ này mới có thể điểm tô cho bức nền cuộc đời họ chút màu sắc ấm áp. Vùng đất của bạc (Terra Argentea), Paris phương Nam, Maradona.
Ngày 25 tháng 11 năm 2020, Maradona qua đời vì suy tim mãn tính, hưởng thọ 60 tuổi.
Bốn ngày sau, ngày 29 tháng 11, FC Barcelona tiếp đón Osasuna trên sân nhà trong trận đấu thuộc vòng 11 La Liga. Sau khi ghi bàn, Messi cởi bỏ chiếc áo đấu đỏ lam quen thuộc, để lộ chiếc áo số 10 của Newell's Old Boys, hai tay hướng lên trời, tỏ lòng tôn kính tới Maradona.
Ngày 28 tháng 3 năm 2019, Higuain nhận phỏng vấn của FOX Sports, tuyên bố rời khỏi ĐTQG Argentina. Từ năm 2014 đến năm 2016, anh chưa từng ngơi nghỉ bước chân, nhưng đôi vai anh càng lúc càng trĩu nặng. Tội danh "Ba trận chung kết bỏ lỡ ba cơ hội đối mặt" đè ép khiến anh ngạt thở. Chẳng ai nhớ, trận tứ kết World Cup 2014, anh chính là người hùng ghi bàn thắng duy nhất cho Argentina trước đội tuyển Bỉ.
"Sứ mệnh của tôi ở ĐTQG Argentina đã kết thúc. Từ nay, tôi sẽ theo dõi những trận đấu của đội tuyển qua sóng truyền hình. Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ cảm thấy hài lòng với quyết định này của tôi."
"... Bây giờ, mọi người có thể không cần lo cho tôi nữa."
Phỏng vấn kết thúc, anh bình tĩnh chuẩn bị rời đi. Một phóng viên người Argentina ở phía dưới ngơ ngác, vội đuổi theo. "Pipita-" Người phóng viên buột miệng hô to, Higuain ngoảnh đầu lại nhìn.
Cậu ta muốn nói: "Pipita, chúc anh may mắn." Nhưng lời này nói ra như thể một câu rủa, vì vậy cậu thở hổn hển, không thốt nên lời. Cậu ta biết lúc này biểu cảm khuôn mặt của mình nhất định trông rất kì quặc khó coi.
"Không sao đâu." Higuain kiên nhẫn chờ đợi. Anh cười, có vẻ đã lờ mờ đoán được người phóng viên kia muốn nói gì. "Tạm biệt."
"Pipita... Cảm ơn anh." Higuain đã đi xa, người phóng viên mới mở miệng ấp úng. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, cậu ta đã không kìm nổi nước mắt. Những hình ảnh về đội tuyển Argentina trên đất Brazil năm ấy - lứa cầu thủ đã cùng nhau tiến vào đến trận chung kết World Cup, lại lóe sáng trong tâm trí cậu.
Mùa giải 18/19 khép lại, Higuain giã từ môi trường đỉnh cao ở châu Âu, gia nhập câu lạc bộ Inter Miami thuộc giải MLS. Ở vùng đất xa lạ này, không ai quen biết anh, cũng chẳng còn ai thù ghét anh, chửi rủa anh, đe dọa anh và gia đình của anh nữa.
Kì nghỉ hè năm đó, Messi tới Miami nghỉ mát. Higuain mời anh tới thăm nhà. Hai người hàn huyên một hồi, đều là mấy chuyện lặt vặt, không nhắc đến bóng đá. Messi hỏi đến các trường học lân cận, Higuain chỉ nhìn anh cười cười.
"Sao thế?"
"Ở đây có rất nhiều trường tư thục, trường quốc tế tốt, dạy song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha." Higuain nhấp một ngụm mate. Sau khi Messi đồng ý tới chơi, Higuain đặc biệt chọn mua một hộp trà mới và tìm bình uống mate cất trong nhà đã lâu không dùng tới. "Cậu mà cũng phải lo chuyện tìm trường à?"
"Muốn hỏi trước để biết qua tình hình thôi." Messi cắn ống hút, anh băn khoăn một lát rồi ngẩng đầu: "Pipita, cậu mua trà ở đâu thế?"
"South Beach có chợ bán trà, lá trà ở đó đều là nhập trực tiếp từ Argentina sang." Higuain bật cười. "Sao, ổn đấy chứ? Lần sau tớ đưa cậu tới đó dạo một vòng."
Messi gật đầu, thật lòng hưởng ứng: "Được."
Tọa lạc tại cực Nam nước Mĩ, phía Đông Nam tiểu bang Floria. Hơn 50% cư dân sử dụng tiếng Tây Ban Nha, vùng đất của những người Mỹ Latinh di cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, của các phi vụ giao dịch chất cấm, của các bãi biển rợp bóng dừa, đẹp say lòng người. Một đảo Thiên Đường ẩn náu trong khe hẹp.
"Sống ở đây thoải mái lắm." Higuain nhìn ra cửa sổ. Bầu trời quang đãng, trên đường mọi người dạo bước thong thả. Hè phố không chằng chịt biểu ngữ "Ai chịu trách nhiệm cho tỉ lệ lạm phát 100%", cũng không có những cuộc ẩu đả dữ dội chỉ vì một trận bóng đá.
Một đảo Thiên Đường ẩn náu trong khe hẹp, không ai hỏi đến, bị gạt ra bên lề thế giới phồn hoa.
Hai người ngồi trong phòng khách. Phần lớn thời gian, họ không nói gì; phần nhỏ còn lại là trò chuyện lặt vặt. Messi bảo, như vậy giống khi tập hợp tuyển, đá xong một trận, hôm sau chẳng ai muốn động đậy. Họ nằm dài bên bể bơi khách sạn, nói vài chuyện nhạt nhẽo vô vị, câu được câu chăng.
Chẳng nhớ trận vừa rồi thắng hay thua, đối thủ tiếp theo là ai, tâm điểm của kì chuyển nhượng sắp tới, ai là vua kiến tạo, bao giờ giành được cúp - những suy nghĩ ấy trôi nổi như mây, không xuất hiện được bao lâu đã mau chóng tan biến. Cuối cùng, vấn đề được mọi người thảo luận hăng say chỉ có "Tối nay ăn gì" và "Ngày mai nghỉ đi đâu chơi".
"Tớ nhớ lúc đó Kun còn nhờ cậu dạy tiếng Pháp, nhưng cậu bảo cậu không biết."
"Đến bây giờ tớ vẫn không biết mà." Higuain tỏ vẻ bất đắc dĩ, anh ngả người ra sau, vùi mình vào sô pha. "Thật ra ở đây đến tiếng Anh cũng chả có đất dụng võ đâu."
"Vậy sao?" Messi nổi hứng lên. "Giờ tớ biết một ít tiếng Anh rồi đó."
"Đừng giỡn nữa." Higuain xua tay.
Messi ngồi thẳng lên, nghiêm trang nói vài câu hỏi đáp tiêu chuẩn thường thấy trong sách giáo khoa. Higuain thầm nghĩ, Leo thời đi học có khi còn chưa bao giờ nghiêm túc đến vậy.
"Cậu... sắp rời Barca sao?" Chần chừ đã lâu, Higuain rốt cuộc lên tiếng.
"À." Messi cười cười. "Rồi cũng đến lúc phải đi thôi mà."
Họ ngồi từ giữa trưa đến chạng vạng tối, Messi nói đã đồng ý đưa Mateo đi xem biểu diễn ánh sáng. Higuain tiễn anh ra về, không quên cầm theo hộp trà kia.
"Tớ uống không quen lắm." Anh hào phóng dúi hộp trà vào tay Messi.
Messi trầm ngâm nhìn hộp trà một lúc, rồi nhận lấy và ra về. Mới đi được vài bước, anh bỗng quay trở lại. "Cảm ơn cậu, Pipita." Anh nhắc lại: "Cảm ơn."
"Chào nhé, lần sau gặp." Higuain vẫy tay đáp lại. Anh tựa vào cửa, nhìn theo bóng lưng Messi xa dần, cuối cùng hòa vào bóng đêm như mực. Dù chẳng nhìn rõ nữa, nhưng anh vẫn đứng đó, kiên trì dõi theo bóng dáng của Messi, tuy chậm rãi nhưng không ngừng tiến về phía trước.
Ngày 10 tháng 12 năm 1987, Higuain sinh ra ở Pháp, vì thế anh sở hữu hai quốc tịch Pháp và Argentina. Cuối năm 2006, anh được huấn luyện viên trưởng ĐTQG Pháp Domenech triệu tập, dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai đội tuyển. Higuain không chút do dự, lập tức từ chối Pháp, kiên nhẫn chờ đợi cuộc gọi từ đội tuyển Argentina. Mãi đến năm 2009, dưới sức ép dư luận, Maradona mới triệu tập anh về thi đấu cho Argentina trong các trận đấu thuộc vòng loại World Cup. Mùa giải đó Higuain đã ghi được 22 bàn thắng cho Real Madrid. Ở bất cứ đội tuyển nào, một tiền đạo với thành tích như vậy đều xứng đáng có được một vị trí cố định trong đội hình xuất phát.
Ngày 10 tháng 10 năm 2009 diễn ra vòng đấu áp chót của vòng loại World Cup khu vực Nam Mĩ. Argentina, lúc này đang xếp thứ năm, gặp đội bóng cuối bảng là Peru. Nếu không giành chiến thắng, cơ hội để Argentina có được tấm vé tham dự vòng chung kết xem như đã xa vời.
Suốt hiệp đấu thứ nhất, Messi rồi Di Maria tích cực xâm nhập vòng cấm nhưng vẫn vô duyên với bàn thắng. Sau giờ nghỉ giữa trận, Maradona thay Perez bằng lão tướng Palermo. Anh hừng hực ý chí vào sân thi đấu, mặc mưa gió vẫn đang tầm tã đổ xuống. Phút 47, Aimar tung ra một đường chọc khe, Higuain thành công phá bẫy việt vị, cú dứt điểm bằng chân phải đưa bóng găm thẳng vào góc xa khung thành. Argentina dẫn trước Peru 1 - 0.
Phút 90, tình thế giằng co càng dữ dội. Peru lợi dụng sai lầm của hàng thủ Argentina, đường tạt tìm đến vị trí của Hernan ngay trước khung thành, bàn thắng bằng đầu giúp Peru cân bằng tỉ số 1 - 1.
Nhưng đó vẫn chưa phải điều điên rồ nhất trong trận đấu này. Phút bù giờ thứ 2, toàn bộ đội hình Argentina dồn lên tấn công, liên tục thực hiện các đường tạt. Palermo chờ sẵn trong vòng cấm, chớp thời cơ đệm bóng vào lưới. Chiến thắng 2 - 1 giúp Argentina giành trọn 3 điểm quý giá, nhảy lên vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng, lấy lại quyền tự quyết ở vòng đấu cuối cùng.
Mưa như trút nước, sân cỏ đã ướt đẫm nước mưa từ bao giờ. Giữa màn mưa trắng xóa, Maradona cuồng nhiệt ăn mừng, ông dang rộng hai tay, quỳ rạp trên mặt đất. Những giọt mưa ào ào xối lên các cầu thủ trên sân, Higuain, Palermo và Aimar ôm chặt nhau, từng vệt nước nối tiếp nhau chảy dài trên mặt - nước mưa, mồ hôi và cả nước mắt.
Có ai xem trận đấu này mà không xúc động? Có ai nhìn Maradona mà kìm được không bật khóc? Ai lại không tin tưởng đội tuyển Argentina này, tin tưởng những chiến binh trẻ tuổi ấy, tin rằng họ có thể đem về hết thảy vinh quang và tột cùng hạnh phúc cho đất nước này chứ?
Higuain đứng lặng ở cửa hồi lâu, mãi tới khi vầng trăng đã treo cao mới dùng dằng quay bước. Anh thấy tiếc nuối vô cùng. Tiếc cho chính anh, cho đất nước này và những người dân nơi đây, cũng từng sáng lên niềm hi vọng. Nhưng chút hi vọng nhỏ nhoi ấy đã bị năm tháng tàn nhẫn mài mòn đến gần như tiêu biến. Đầu tiên là nguội lạnh thành thất vọng, rồi biến thành tuyệt vọng. Cuối cùng thay đổi hoàn toàn, chỉ còn lại hận thù mãnh liệt, chẳng thể tìm thấy dấu tích của tình yêu, kì vọng, nước mắt, mồ hôi, và cả những giọt nước mưa tuôn đổ năm xưa.
Nhưng cái gọi là hi vọng, vốn là thứ vũ khí để những người lâm vào cảnh tuyệt vọng phản kháng lại hiện thực khổ đau. Bất kể kết cục ra sao, Higuain nghĩ, những năm tháng ngắn ngủi mà đẹp đẽ ấy, cũng là thời đại hoàng kim anh đã từng có được.
Sau trận chung kết Copa America 2016, Messi tuyên bố rời khỏi đội tuyển quốc gia. Lúc ấy, Liên đoàn bóng đá Argentina sớm đã mục ruỗng. Kể từ khi nguyên chủ tịch Grondona qua đời, toàn bộ Liên đoàn vẫn luôn trong tình cảnh hỗn loạn, không chỉ nợ lương nhân viên công tác, mà ngay đến những phương tiện tập luyện cơ bản nhất của đội tuyển cũng không đủ kinh phí bảo đảm. Thậm chí, trước thềm Copa America, Liên đoàn còn yêu cầu các cầu thủ từ chối tham gia giải đấu. Liên đoàn Bóng đá thế giới đã cảnh cáo Liên đoàn bóng đá Argentina, nếu còn tiếp tục không thanh toán các khoản chi phí, ĐTQG Argentina có khả năng sẽ bị gạch tên khỏi các giải đấu chính thức nằm trong phạm vi quản lí của FIFA.
Maradona nhanh chóng đứng ra ủng hộ Messi: "Tôi đứng về phía Messi. Đám lãnh đạo hèn nhát đó đã bắt cậu ấy một mình đối mặt với tình cảnh hiện tại, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng."
"Đám chóp bu AFA, từ Segura đến Veron, tôi sẽ không tha cho một tên nào hết."
"Không thể cứ lấy Messi ra làm tấm bia che đậy mọi vấn đề của Liên đoàn. Chức chủ tịch AFA không thể do đám tay chân của Grondona nắm giữ được nữa, quả bom hẹn giờ ông ta để lại rồi sẽ nổ tung trong tay bọn chúng."
Maradona chưa từng bận tâm việc bản thân ông là một hình ảnh biểu trưng. Ông thân thiết với Fidel Castro, công khai đối đầu gay gắt với Grondona sau khi bị cách chức huấn luyện viên trưởng hậu World Cup 2010. Lúc thì ông khen ngợi Messi hết lời, tán dương anh là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới; lúc lại phê phán đội tuyển quốc gia, cho rằng các cầu thủ thi đấu không tốt là bởi thiếu vắng một người lãnh đạo thực sự giống như ông.
Ông sở hữu cá tính ngang tàng, dần dần trở thành một biểu tượng, rồi sau đó, biến thành một cái bóng. Thời đại của ông càng lùi xa, những chi tiết cũng ngày một phai nhạt và mất đi dáng vẻ vốn có.
Ngày 18 tháng 4 năm 2007, trong trận đấu lượt đi vòng bán kết cúp Nhà Vua gặp Getafe, sau khi nhận bóng từ giữa sân, Messi đi bóng vượt qua năm cầu thủ rồi ghi bàn ở một góc sút hẹp. Hai tháng sau, ngày 9 tháng 6, anh lại ghi một bàn thắng bằng tay trong trận đấu với Espanyol. Dư luận đồng loạt dậy sóng. Việc tái hiện "Bàn thắng thế kỉ" và "Bàn tay của Chúa" với sự tương đồng quá lớn như vậy khiến mọi người xôn xao bàn tán, suy đoán con đường phát triển của Messi, và khả năng tài năng trẻ người Argentina này có thể duy trì phong độ để tiếp tục tỏa sáng.
Có người hỏi Messi lúc rê bóng qua người có nghĩ tới Maradona hay không. Anh "À" một tiếng mới trà lời: "Tôi vẫn luôn đá như thế này."
Lại có người muốn biết suy nghĩ trong đầu Messi khi tái hiện "Bàn tay của Chúa", anh xấu hổ xoa xoa tóc, thật thà nhận lỗi: "Làm vậy là không đúng, tôi rất hối hận."
Anh không phải một hình ảnh biểu trưng, cũng không có ý định trở thành đối tượng để người khác thần thánh hóa. Sau khi anh giã từ đội tuyển, cuối cùng người dân cũng chú ý tới tình trạng mục nát của Liên đoàn. Dưới sự đốc thúc của họ, Bộ Thể thao đã tiến hành một cuộc cải tổ, cấp kinh phí và giải quyết các vấn đề về cơ cấu nội bộ của Liên đoàn. Lúc này, người ta bắt đầu kêu gọi Messi trở về. Đây có lẽ là lần đầu tiên họ ý thức được tầm quan trọng của Messi với ĐTQG, thậm chí là cả đất nước Argentina.
Ở khắp các ga tàu điện ngầm, đèn hiệu "Chúng tôi cần anh, Leo" được thắp sáng; trước cửa các tiệm cà phê ven đường là những tấm bảng đen nhỏ viết "Messi, xin hãy trở về"; rất nhiều người tập họp lại, tổ chức xuống đường kêu gọi. Đài truyền hình trong nước cũng sản xuất một bộ phim ngắn dành riêng cho Messi.
Năm 2015, thực hiện thành công quả penalty đầu tiên trong trận chung kết Copa America; năm 2014, ghi bàn thắng muộn đem lại chiến thắng trước Iran ở vòng bảng World Cup; năm 2010, toàn thắng ba trận vòng bảng ; năm 2009, lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo đấu xanh trắng với số 10 trên lưng. Và còn, ngày 16 tháng 6 năm 2006, Messi lần đầu tiên ra sân thi đấu tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Đó là phút thứ 75, Pekerman tung Messi vào sân thay cho Maxi Rodriguez. Messi mặc chiếc áo đấu màu lam đậm, sửa sang lại trang phục, rồi bước lên đập tay với Rodriguez.
Tân binh Messi mới 19 tuổi được thay vào sân, mặc áo số 19, bắt đầu thi đấu kì World Cup đầu tiên trong đời cầu thủ. Trong vỏn vẹn 15 phút còn lại, anh ghi bàn thắng khai nòng, thực hiện đường kiến tạo đầu tiên.
Màn hình nhanh chóng chuyển cảnh. Bầu trời, biển cả, quốc kì, áo đấu, buồn bã và mênh mang, mồ hôi và nước mắt, một màu xanh thăm thẳm bao trùm hết thảy. Thăm thẳm là vực sâu không thấy đáy, xanh là nước mắt tích tụ thành sông.
Ở cảnh phim cuối cùng, có giọng thuyết minh vang lên: "Còn nhớ ước mơ thuở ban đầu chứ?"
Bởi tuổi đời của thước phim đã là nhiều năm về trước, khung hình xuất hiện những đường nhiễu xám, nhưng xuyên qua lăng kính thời gian, hình ảnh vẫn có thể nhìn rõ. Đó là khung cảnh La Masia ngày trước, đằng sau là mặt cỏ xanh um. Messi còn để tóc dài, đeo một chiếc ba lô huấn luyện, tay kẹp quả bóng, có mấy người bạn đang đứng đó chờ anh.
"Còn cháu? Cháu tên gì?"
"Cháu tên là Messi, Lionel Messi."
"Ước mơ của cháu là gì?"
"Thi đấu cho đội tuyển Argentina."
Khung hình giật giật vài giây rồi chuyển thành màu đen. Phim ngắn kết thúc, nhạc nền cũng đã phát đến giai điệu cuối...
"Khi em từ biệt quê nhà
Xa dần trên đại dương xanh thẳm
Đừng quên ngẩng đầu nhìn ngắm
...
Em đã lưu lạc nơi xa, xa mãi
Nhưng ánh trăng quê nhà mãi còn đó nơi em..."
Ngày 12 tháng 8 năm 2016, 47 ngày sau trận chung kết Copa America, Messi trở lại đội tuyển quốc gia. Anh sẽ còn tiếp tục dẫn dắt Argentina tham gia World Cup 2018, Copa America 2019, Copa America 2021, và cả, World Cup 2022.
Lúc trước, khi Messi tuyên bố rời khỏi đội tuyển, Scaloni cập nhật một dòng trạng thái trên Twitter. Hình ảnh đính kèm là Messi trên sân bóng bị bao vây bởi năm cầu thủ đối phương, thầy viết: "Bức ảnh này đã chứng minh tất cả, đừng đi, Lio..."
Ở kì World Cup 2018 trên đất Nga, màn thể hiện của thủ môn Argentina có thể nói là bạc nhược. Chẳng ai hay biết, trên khán đài có một thủ môn tên là Martinez đang cùng anh trai mình theo dõi đội tuyển thi đấu. Anh nói với người anh trai: "Bốn năm nữa, World Cup 2022, vị trí thủ môn chủ lực sẽ là của em."
Tháng 7 năm 2018, Scaloni nhận lời tiếp quản ĐTQG Argentina - đội bóng đã trải qua ba thất bại liên tiếp tại các giải đấu lớn, vừa bị loại khỏi World Cup ở vòng 16 đội.
Ngày 12 tháng 10 năm 2018, Scaloni và trợ lí tới River Plate xem giò các cầu thủ trẻ ở đây, họ ngồi trên khán đài thảo luận về các ứng viên. Đội dự bị River Plate đã giành chiến thắng với cú đúp được ghi bởi một cầu thủ trẻ tên là Alvarez. Còn 15 ngày kể từ đó, cậu sẽ có trận đấu ra mắt đội một với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp.
Mọi chuyện, mới chỉ, sắp sửa, bắt đầu.
Ngày 3 tháng 12 năm 2022, Argentina gặp Australia ở tứ kết World Cup tại Qatar. Đây là trận đấu thứ 1000 trong sự nghiệp cầu thủ của Messi.
Toàn đội đứng chờ ở lối vào đường hầm, Messi đứng đầu hàng, Martinez đứng sau anh. Vẻ mặt hai người đều vô cùng nghiêm túc. Chợt, cô bé nhặt bóng đứng cạnh Messi rón rén kéo vạt áo đấu của anh. Messi quay sang nhìn.
Cô bé giơ hai ngón tay cái, kề sát hai bên má phúng phính. Em nở nụ cười tươi rói, để lộ hàm răng sún đáng yêu.
Messi nhoẻn cười, Martinez đứng sau thấy vậy cũng cười. Dịu dàng xoa đầu cô gái nhỏ, Messi nghe thấy em nói: "Leo, cố lên!"
Phút thứ 35 của hiệp một, Messi ghi bàn thắng mở tỉ số, giúp Argentina vượt lên dẫn trước. Đây là bàn thắng thứ 9 của anh tại các kì World Cup, cũng là lần đầu tiên anh ghi bàn tại vòng knock out sau năm lần tham dự giải đấu này.
Sang hiệp hai, phút 57, Alvarez tận dụng sai lầm của thủ môn đối phương, nhanh chóng cướp bóng và dứt điểm, nâng tỉ số lên 2 - 0 cho Argentina.
Phút 77, Goodwin của Australia dứt điểm ngoài vòng cấm, bóng đập chân cầu thủ Argentina lăn vào lưới, rút ngắn khoảng cách xuống còn 1 - 2. Trận đấu còn chưa đầy 20 phút, chưa kể thời gian bù giờ kéo dài, bởi vậy 30 phút cuối trận luôn là thử thách gian nan đối với một Argentina thiếu vắng nhân sự chất lượng trên băng ghế dự bị. Khung thành của Martinez đối mặt với sức ép liên tục, nhưng anh đã trụ vững đến cùng. Argentina tiến vào tứ kết với chiến thắng 2 - 1 nghẹt thở.
Những giây phút cuối cùng của trận đấu, Martinez ôm gọn bóng, cả thân hình nằm rạp trên mặt đất. Otamendi lao tới ôm chầm lấy anh: "Dibu, anh yêu cậu chết mất, cậu đúng là một thiên tài."
Đây là thời đại hoàng kim của Martinez, Alvarez, Messi, cũng là của Aguero, Higuain, Maradona. Đây là thời đại hoàng kim mà mỗi một người dân Argentina, đều tự hào sở hữu.
tbc.
(*) Nguyên văn là "... cầu thủ trẻ tuổi thứ hai lịch sử ra sân thi đấu cho Barca tại La Liga..." . Tuy nhiên, sau thời điểm tác phẩm này được đăng tải lên AO3 (tháng 2 - tháng 3/2023), Lamine Yamal đã ra sân trong trận đấu với Real Betis vào ngày 29/4 và trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất lịch sử Barca tham gia thi đấu tại La Liga. Trong quá trình dịch mình đã sửa lại chi tiết này để sát với thực tế.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top