Nụ hôn thứ hai, phần I: Liếm và hôn vào lòng bàn tay.

"Tay,
Ai vươn cao khát thèm mục ruỗng

Hôn,
Môi ai hôn lửa cháy tình sầu."


Khi mà trời Hà Nội bắt đầu nóng giòn cái độ vào mùa Hạ, con người ta cũng sẽ trở nên bất mãn với ti tỉ thứ ỉ ôi. Như là nắng trời nóng cháy, hay là cả người nhễ nhại mồ hôi, không thì cũng là que kem tan vội trên những ngón tay thon dài chưa kịp đưa lên miệng mà nhâm nhi quá nửa. Thì đây một chàng họa sĩ nghèo, lang thang khắp phố với lỉnh kỉnh nào là giá đỡ rồi lại thùng sơn, lưng áo sớm đã ướt mèm vì cái tiết trời nóng nực. Nhưng chàng ta có nề hà gì, vẫn cứ cười thật tươi khi tìm được bóng râm vừa tầm ngay cạnh một khung cảnh tuyệt đẹp. "Chỗ tốt!", ấy là chàng ta cứ thầm thốt lên với bản thân mình thế, rồi lại bắt đầu thả rơi đống đồ nặng trịch.

Nhưng lạ kì là, hôm nay có vẻ không giống với mọi hôm, khi đối diện với "chỗ tốt" của Tuấn Tài có thêm một người con trai gầy gò mộc mạc. Tuấn Tài chỉ kịp để ý đến người ta sau khi đã bày ra hàng đống thứ màu và cọ vẽ, thuận tiện lắc hông thêm vài vòng vì khuân vác nhiều mà lưng đã mỏi nhừ. Người con trai kia ôm trên tay mình một chiếc đàn cũ kĩ, mà vốn đối với con người mù tịt về âm nhạc như anh không tài nào biết được cây đàn ấy được làm từ loại gỗ gì. Cậu chàng gầy nhom, nước da tái nhợt xanh xao và bộ quần áo có vẻ như phủ đầy bụi năm tháng. Nhưng cậu chàng đẹp - Tuấn Tài tấm tắc trong lòng, cảm thán như bản thân mình đang ở trong một buổi triển lãm tranh ảnh - với chiếc mũi cao, đôi mắt buồn kéo lê hàng mi rậm rạp và đôi môi hồng chúm chím của người nọ đã khẽ cong lên một cách ngọt ngào khi những ngón tay thon dài nhẹ lướt trên mặt dây đàn. Tuấn Tài bất chợt mỉm cười, thản nhiên, ngây dại trước vẻ đẹp âm trầm khiến con người ta dễ dàng đổ rạp.

"Giá mà cậu ta đồng ý làm mẫu cho mình vẽ."

Một thoáng ý tưởng điên rồ, nhưng cũng chẳng làm Tuấn Tài ái ngại đi là bao.

"Xin lỗi vì có hơi đường đột thế này..." Tuấn Tài tiến đến gần, tự thả rơi mình vào đôi mắt buồn hun hút của người đối diện khi cậu chàng ngẩng đầu lên nhìn anh đầy ngơ ngác. "Nhưng tôi có thể vẽ cậu được không? Không cần phải làm gì nhiều, cậu chỉ cần ngồi thế này thôi..."

"À..." Trong một chốc lát, Tuấn Tài thấy rõ đôi gò má người trai bên dưới trở nên phiếm hồng. Và đôi chiếc rãnh cười ôm đồm hai bên má hằn sâu lên, đẽo gọt nên một khuôn miệng cười mà làm con người ta dễ dàng xao xuyến. "Nó ổn thôi, anh biết đó, tôi chỉ sợ bản thân mình làm vướng bận bức tranh của anh mà thôi."

.

Người con trai lạ ôm đàn trong bức tranh của Tuấn Tài, có tên là Thanh Tùng.

Từ độ vẽ em đến nay, Tuấn Tài cứ hay tìm đến em mỗi khi vác đồ nghề ra hè phố. Thanh Tùng năm nay vẫn rạng ngời cái tuổi đời hai mươi sáu, thích hát và ôm đàn, cũng ôm mộng về một buổi diễn đông nghẹt người mến mộ. Thi thoảng bất chợt Tuấn Tài nhìn vào mắt Thanh Tùng khi em huyên thuyên về những bản nhạc em tự viết hay là kể với anh về những loại đàn, đôi con ngươi đen láy của người nào cứ sáng lên, chớp nhoáng cái màu tuyệt vời của hạnh phúc. Và Tuấn Tài thốt lên, một cách thở than trong lòng, rằng là Thanh Tùng rõ đã trót trao nửa phần hồn của mình cho âm nhạc.

Mà Tuấn Tài lúc đó cũng chẳng rõ là vui mừng cho em, hay là chen chúc trong lòng tám phần ghen tị.

Ghen tị vì cái gì, thì cũng chỉ có người nào đấy biết.

"Nhà em ở khu nào đấy? Thấy em cứ ôm đàn ra đây mãi vậy?"

Tuấn Tài hứng chí hỏi tới lý lịch nhà người ta khi bẻ đôi cho em ổ bánh mì kẹp chả đầu xóm mà anh cầm theo, cũng không ngờ đến câu trả lời mà em trao sẽ khiến bản thân muốn tự vả miệng mình vài cái.

"À, em..." Thanh Tùng ái ngại mân mê nửa ổ bánh mì trên tay, treo lên một nụ cười buồn như nửa đời lạc lõng. Chắc cũng có lẽ vì thế, em cũng quên luôn phải cảm ơn anh vì nửa ổ bánh nì một cách đàng hoàng. "Em không có nhà, em lang thang thế này đã nửa năm rồi, cứ đụng đâu ngủ đấy thôi. Đến được khu phố này lại may mắn gặp anh."

"...Hả?"

Không khí trầm lắng, Tuấn Tài lặng thinh, cứng người sau câu trả lời chua xót. Gia cảnh anh khó khăn, ba mẹ mất sớm lại không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng anh còn có nhà, còn có nơi để về, còn có thể theo đuổi đam mê được sống đời họa sĩ. Nhưng Thanh Tùng, với một cơ thể còm nhom yếu ớt, em không có nhà, cũng không có người để tựa nương. Em cô đơn giữa lòng Hà Nội, lang bạt giữa cái nắng nóng ngột ngạt của trời thủ đô. Con người ta mà nói không có nhà, thì còn đau thương đến mức nào nữa? Đến lúc này Tuấn Tài mới chợt nhận ra, không phải em thích ôm đàn ra công viên ngồi hát mà là vì em không có nhà; chiếc nón em đặt dưới chân không chỉ đơn giản là đội trên đầu để tránh nắng. Anh bỗng chốc cảm thấy cổ họng mình khô khan, máy móc đưa tay vỗ lên lưng em vài cái.

"Xin lỗi em..."

"Pfft...Em ổn mà, đã quen rồi, cũng đâu còn là con nít."

Thanh Tùng cười giòn tan, đốt cháy nóng ran Tuấn Tài ở hai bên gò má. Anh mấp máy môi, nhưng những câu hỏi đau lòng sẽ chẳng tài nào thốt lên được.

"Em mệt lắm mà, phải không?"


.

Tuấn Tài dạo gần đây, hay thất thần ngắm nhìn Thanh Tùng ôm đàn hát.

Em ngồi ở bồn hoa đối diện, đắm chìm, say mê, với cây đàn và những bài ca chẳng bao giờ ngớt; thi thoảng lại chói chang lòng Tuấn Tài với nụ cười tươi rói mấy khi có ai đặt tiền vào trong chiếc nón đã sờn. Thanh Tùng hay cười lắm, cười nhiều đến xót xa.

"Anh Tài!" Em vẫy tay, lon ton chạy sang khi em vừa cất vội mấy đồng tiền lẻ. "Ngày nào cũng thấy anh ra đây, tranh chưa vẽ xong hả anh?" 

"Hả? À, ừ..." Tuấn Tài khua vội mấy cây cọ còn đang ngâm trong thùng nước, tỏ vẻ như mình bận rộn lắm không có thời gian nhìn lén người ta. "Còn chưa vẽ xong, góc bên này này."

Thanh Tùng gật gù, ghé sát sang phía anh ra vẻ mày mò từng đường tô nét bút. Tuấn Tài khẽ quẹt mấy giọt mồ hôi, gian manh nghĩ nghĩ.

"Vẽ xong bên này anh sẽ vẽ góc bên kia, vẽ xong góc bên kia anh sẽ chuyển sang vẽ chùm hoa dại. Biết đường nào đâu mà lần, vẽ mãi cũng chỉ để có cớ ra ngoài ngắm em mà thôi."

"À mà Tùng này...?" Tuấn Tài gọi với sang khi em đang thu gọn lại cây đàn và chiếc ba lô to đùng sờn rách. Rồi anh khẽ hít sâu vài cái, trịnh trọng.

"Dạ?"

"Hay là em về ở với anh đi?"

Đấy, khỏi phải nói Thanh Tùng cả kinh đến mức nào, suýt chút thì đánh rơi khỏi tay cây đàn hộp gỗ.

"...Dạ?"

"Hử...? Ấy không! Không phải...!" Tuấn Tài khua chân múa tay, cái hộp màu cũng vì thế mà khua lên lỉnh kỉnh. "Ý là anh...Anh ở một mình! Nhà cũng trống trải, mà cứ để em ở ngoài mãi thế này cũng không được. Anh em mình cũng nói chuyện qua lại gần hai tháng rồi, anh thấy quý em nên muốn giúp đỡ phần nào."

Anh cười tươi tắn, hằn lên một bên má lúm đồng tiền mà trong mắt Thanh Tùng bây giờ, nó sáng rực như là trăng là sao. Em ngần ngại gãi đầu, tay cứ bấu lên cần đàn một cách miễn cưỡng.

"Thôi, em không muốn làm phiền anh đâu. Tiền em để dành cũng không nhiều, không trả lại nổi cho a-"

"Anh không cần em trả tiền." Tuấn Tài bước đến, hối hả nắm lấy tay em như sợ rằng một cơ hội nào đó sắp vụt qua ngay trước mắt. "Anh quý em, anh coi em như...như là e-em trai của anh vậy đó!"

Cũng chẳng hiểu vì sao anh lắp bắp, cũng chẳng hiểu vì sao anh căng thẳng đến độ tay mướt mồ hôi, mà rồi cứ thế chăm chăm nhìn vào đối phương như chỉ trông chờ một câu đồng ý.

"Em sợ..."

"Không phải sợ, anh hứa không làm gì em!"

"Ý em không phải cái đó...Mà anh tính làm gì em ạ?"

"..."

Vậy mà tối đó trên đường về nhà của Tuấn Tài, đã có thêm một chàng thanh niên khệ nệ bê hộ anh chiếc hộp màu trên tay, nói cười khanh khách.

.

Từ hồi bắt đầu sống chung, Tuấn Tài cứ vậy ăn đủ bữa hơn trước. Mà thực đơn cũng chẳng trùng lắp ngày nào, phong phú lại đa dạng nhiều màu nhiều vẻ dù cũng chỉ đơn giản là rau xào với thịt luộc. Thanh Tùng không giỏi chuyện nấu ăn, thế nên em hay giành phần giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Căn nhà nhỏ thường ngày đóng cửa im lìm, nay lại mở toang đón gió vào những buổi chiều gió lộng. Lại bắt đầu có những bữa cơm đầy, tiếng nói cười rộn rã và tiếng đàn guitar âm ấm buổi chiều tà. Cũng có mấy khi hai người đổ cơn lười nhác, vậy là kéo nhau ở nhà, người thì ôm đàn, người lại cầm cọ. Tuấn Tài hay vẽ em ngồi hát, em lại hay trêu đùa mang anh vào những lời bài ca.

Cũng chẳng mấy chốc, Tuấn Tài nhận ra là mình đang yêu. Mà Thanh Tùng, cũng hay bẽn lẽn đặt chữ "Tài" bên cạnh chữ "thương" trong những bài ca mình viết.

Có một ngày vào buổi chiều nóng cháy, những bức tranh anh cứ giấu nhẹm mãi ở góc nhà được em lôi ra lau dọn, phủi bụi rồi lại ngồi xổm xuống ngắm nhìn xuýt xoa. Thanh Tùng lúc đó bỗng đứng phắt lên, chạy đến ôm lấy vai anh rung lắc.

"Anh, sao anh không mang tranh đi bán đi!?"

"Hả? Mấy cái tranh này ấy à, không ai mua đâu." Tuấn Tài xua tay, cười xòa cúi người điểm nốt chấm trắng lên tròng mắt người con gái Tây Nguyên.

"Anh nói gì vậy? Là kiệt tác, kiệt tác đó!"

Thanh Tùng reo lên, mang theo một tiếng cười giòn tan rồi sáng bừng lộ ra hàm răng trắng đều như sứ. Cũng chẳng rõ là em treo trên môi bao nhiêu mật ngọt, mà anh, cũng chỉ có thể chết lặng gật đầu chiều chuộng em ngay tức khắc.

Thế là từ đó, hai con người họ dắt díu nhau trên chiếc xe Dream cũ mèm của anh, mang theo nào là tranh rồi là giá vẽ, sơn màu. Tranh của Tuấn Tài được trưng ra bán chạy hơn anh tưởng, đều đều mỗi ngày vài bức tranh, mà giá thành lại vừa tầm chứ chẳng phải bán rẻ. Thế là cả hai có thêm nguồn thu nhập, Thanh Tùng thì suốt ngày cười tươi như hoa, đon đả chào mời những vị khách yêu thích thưởng thức nghệ thuật. Rồi mấy khi bán được tranh, em lại phấn khích đem tiền đến dúi vào tay anh mà cười giòn giã.

"Anh, anh thấy em có giỏi không?"

"Giỏi, em là giỏi nhất trong lòng anh rồi."

Mà cái này thì Tuấn Tài chỉ dám nghĩ, không dám thốt nên lời.

Thời gian trôi, Tuấn Tài một lần nữa trong ba mươi mấy năm cuộc đời, lại cảm nhận được tình cảm của gia đình len lỏi giữa con tim mình khô cằn sỏi đá. Và anh vui, cứ thế ôm trái tim mình ngủ vùi giữa một trời hạnh phúc.

"Tùng này?"

"Dạ?" Tùng nói với vào trong, khi tay còn bận bịu vắt khô chiếc quần ướt sũng.

"Chiều nay em muốn ăn gì?"

Em cười, nụ cười ngỡ như sẽ làm tàn úa khóm hoa hồng trước ngõ. Vì hổ thẹn, vì xuyến xao, vì chết cháy trong ánh mặt trời treo trên nụ cười em trong vắt.

"Chiều nay em thèm canh chua."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top