Quản lý tài chính
Kỹ năng quản lý tài chính - huyền chip
Mùa hè năm 2016, mình đi làm nghiên cứu ở Đại học Edinburgh, Scotland. Rảnh rỗi, mình đăng bài tuyển bạn trai chỉ với mục đích hài hước chứ không có gì đen tối cả. Thật không ngờ, mình nhận được email ứng tuyển từ một anh chàng chuyên gia tài chính. Mình ban đầu định từ chối vì nghĩ có ở Scotland lâu dài đâu mà hẹn hò. Nhưng mấy đứa bạn mình đọc email và xem resume (anh chàng làm riêng resume cho vị trí bạn trai với những kỹ năng như quan tâm chăm sóc, biết lắng nghe, tốt bụng) thì kêu rằng anh chàng này dễ thương quá, mình không thể từ chối. Thế là mình hẹn anh chàng ăn trưa như bạn bè.
Hôm đấy mình có hỏi anh chàng về việc anh ứng dụng những gì mình học vào trong cuộc sống như thế nào, anh trả lời là nó giúp anh chuẩn bị một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Anh nói, tiền đầu tư của anh mang về cho anh lợi nhuận 7.3% mỗi năm và mỗi tháng tiết kiệm 60% khoản thu nhập. Nếu không có gì thay đổi, anh có thể về hưu trong vòng 7 năm tới.
Lúc đấy, mình đã bị sốc toàn tập. Cả đời mình chưa gặp ai có thể nói về tài chính cũng như tương lai của mình một cách cụ thể như vậy. Khi nói về tài chính, mình thường chỉ nghe mọi người khoe kiếm được bao nhiêu tiền, tỉ này tỉ kia, giá nhà giá đất -- chưa từng nghe ai tính toán cụ thể việc tiền họ kiếm được sẽ giúp ích thế nào cho tương lai của họ. Mình cũng nghe nhiều người nói là muốn trở thành triệu phú trước năm 25, 30 tuổi nhưng chẳng thấy ai có kế hoạch nào khả thi cả. Một phần là do mình sinh ra và lớn lên ở quê, nơi việc chi tiêu được thực hiện dựa vào trực giác và thói quen hơn là khoa học. Một phần khác là vì tài chính là một điều nhạy cảm, chẳng ai thành công về mặt tài chính tự nhiên ngồi vạch ra cách họ chi tiêu thế nào để mình học hỏi cả.
Sau buổi nói chuyện với anh chàng đó, mình bắt đầu để ý hơn về kế hoạch tài chính của những người xung quanh. Mình đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một bộ phận lớn sinh viên mới khoảng 19, 20 tuổi đầu ở Stanford đã biết cách đầu tư, thậm chí đóng tiền vào quỹ lương hưu. Thằng bạn hàng xóm mình cũng như bạn cùng nhà của nó đầu tư qua một robo-advisor (hệ thống quản lý các khoản đầu tư tự động -- họ có cả chuyên gia và thuật toán giúp bạn phân bổ các khoản tiền đầu tư hợp lý nhất). Con bạn thân của mình mua cổ phiếu S&P 500 (cổ phiếu của 500 công ty có giá trị thị thường lớn nhất). Ai cũng có khoản tiết kiệm để có thể mua chiếc xe đầu tiên, để phòng lúc thất nghiệp hay bị ốm bất ngờ. Một con số không nhỏ có kế hoạch cụ thể để về hưu ở một độ tuổi nào đó. Với họ, nghỉ hưu không phải vì là họ lười làm việc, mà nó là cột mốc khi họ có đủ tiền để sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền -- họ có thể thoải mái làm những điều mình thích.
Nhận ra sự thiếu sót của bản thân, mình lập tức đọc thêm sách về quản lý tài chính cũng như nhờ anh chàng chuyên gia tài chính kia tư vấn. Sau đây là một số kinh nghiệm cũng kiến thức mình thu thập được. Mình cũng đang là người học thôi nhé, nên ai đó có bổ sung gì mình hết sức cảm ơn.
1. Không bao giờ quá sớm để nghĩ đến chuyện đầu tư
Điều đầu tiên thằng bạn mình muốn mình hiểu là tiền mặt là tiền chết. Nếu mình chỉ giữ không tiền mặt hay để nó trong tài khoản giao dịch (checking) ngân hàng, tiền của mình sẽ dần dần mất giá. Điều này càng nguy hiểm hơn ở một quốc gia nơi mà lạm phát cao như Việt Nam. Như người ta vẫn nói, hãy để tiền của bạn làm việc cho bạn. Khi có tiền, dù ít đến đâu đi chăng nữa, hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư để tiền có thể sinh lãi cho bạn.
Ngày xưa, mình cứ nghĩ đầu tư là cái gì đó to tát lắm. Nói đến đầu tư bất động sản mình nghĩ đến người siêu giàu. Nói đến chuyện đầu tư chứng khoán mình chỉ nghĩ đến mấy tít báo sàn bất động sản thủng đáy sợ chết đi được. Nhưng giờ mình mới nhận ra rằng có nhiều cách để đầu tư lắm. Ở Mỹ, mình có thể đầu tư chỉ một khoản nhỏ vài trăm đến vài ngàn đô vào những cổ phiếu an toàn như blue-chip, S&P 500, hay sử dụng những hệ thống tư vấn tự động như Wealthfront, Betterment để họ lên danh mục đầu tư cho mình. Mình không rõ lắm môi trường đầu tư ở Việt Nam thế nào nên không dám đưa ra lời khuyên cụ thể, nhưng mình nghĩ bạn có thể tìm hiểu về vàng, đất, chứng khoán, cũng như xin lời khuyên từ những người đi trước.
2. Có quỹ tiết kiệm cho lúc khẩn cấp
Khoản đầu tư nào hứa hẹn mang lại tiền lãi cao hơn cũng đồng nghĩa với việc rủi ro lớn hơn. Nếu bạn mang hết tiền của mình đi đầu tư, chẳng may đúng lúc bạn cần tiền, giá các khoản đầu tư của bạn lại bị tụt thì bạn không trông vào đâu được. Trước khi mang tiền đi đầu tư, mình cần phải có một khoản tiền để phòng lúc những không may như khi ốm đau, tai nạn, mất trộm, thất nghiệp, hay chỉ đơn giản là muốn có một thời gian theo đuổi đam mê của bản thân. Khoản tiền này nên gửi vào kênh an toàn như tài khoản tiết kiệm hay đổi sang những ngoại tệ mạnh như USD -- tiền lãi rất thấp nhưng độ rủi ro hầu như là không có.
Quỹ tiết kiệm bao nhiêu thì mới đủ? Lời khuyên mình nhận được thường là tính toán chi phí tối thiểu cho 6 tháng sinh sống. Ví dụ, nếu chi phí của bạn là 5 triệu/tháng, bạn nên có khoản tiết kiệm 30 triệu. Nếu bạn chưa có 30 triệu, hãy cố gắng góp nhặt để có đủ số tiền đó. Tiền tiết kiệm là khoản bạn không được động vào trừ khi bạn thực sự cần nó -- đừng tự nhiên rút tiền tiết kiệm ra đi mua con điện thoại xịn.
3. Bớt tiêu tiền vào những đồ xa xỉ
Không chỉ đồ đắt tiền mới là những đồ xa xỉ. Tất cả những đồ gì không thực sự cần thiết đều là đồ xa xỉ. Ví dụ, uống một cốc rượu bia cũng là đồ xa xỉ. Một điếu thuốc lá thôi cũng là xa xỉ. Nước ngọt, cà phê là xa xỉ. Mua điện thoại đời mới nhất thay vì mua một con điện thoại chỉ đủ xài là xa xỉ. Mua con xe máy cả trăm triệu là xa xỉ.
Mình được một bài học về sự chi tiêu hoang phí từ những đứa bạn bên này. Phần lớn tụi nó đều con nhà khá giả. Những đứa đã đi làm rồi thì thường làm cho các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, một năm lương thưởng cũng phải hơn $120k.. Mỗi lần hẹn nhau đi ăn tối, bọn nó chả bao giờ chọn một quán ăn đắt tiền mặc dù bọn nó hoàn toàn có đủ tiền để trả cho bữa ăn tối đó. Phải hiếm khi lắm bọn mình mới đi uống rượu bia vì đó được coi là thứ vừa đắt đỏ, vừa hại cho bản thân. Thằng bạn mình dùng một con máy tính đã 5 năm mặc dù nó làm cho Google. Cái này khá khác với những gì mình thấy khi ở Việt Nam. Ở Hà Nội cũng như Hồ Chí Minh, mình thấy trà sữa toàn tầm 50k, giá bằng hai bát phở, gần tương đương giá trà sữa nơi mình sống vốn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ, vậy mà quán nào cũng đông. Khách hàng toàn thấy học sinh cấp ba, đại học -- đối tượng chưa làm ra tiền để biết giá trị đồng tiền. Có người mặc dù vẫn còn phải vay tiền nuôi con vẫn sẵn lòng mua điện thoại iPhone X 30 triệu. Các quán nhậu thì thôi khỏi nói. Nhiều người đi ra quán nhậu vài lần một tuần, có khi ngày nào đi làm xong cũng đi nhậu.
4. Có ngân sách ăn tiêu cho từng khoản hàng tháng
Hàng tháng, mình có lên ngân sách sẽ tiêu bao nhiêu vào từng khoản nào. Ví dụ, mình giới hạn tiền ăn nhà hàng của mình vào khoảng $$$/tháng. Hết khoản đấy rồi, mình sẽ phải chịu khó nấu ăn ở nhà. Mình dùng thẻ cho hầu hết mọi thứ vì ngân hàng của mình tháng nào cũng tính toán cho mình xem mình đã chi tiêu hết bao nhiêu vào những danh mục nào. Thỉnh thoảng, mình sẽ xem xét bảng ngân sách đó để xem mình đã lãng phí ra sao. Cái này quan trọng lắm vì có đợt mình suốt ngày Uber, mỗi lần hết vài đô nên không để ý, nhưng đến cuối tháng xem tài khoản nhận ra mình tiêu đến hơn $400 vào Uber. Sau đó mình phải cẩn thận hơn về việc đi lại, chịu khó tìm lịch xe buýt, đạp xe nhiều hơn, và chỉ đi Uber khi thực sự cần thiết.
Ngân sách nó còn giúp mình nhận ra rằng sau khi đã trừ đi những khoản cố định, số còn lại chẳng đáng là bao. Nó cũng giúp mình lên kế hoạch tiết kiệm bao nhiêu trăm thu nhập. Một ngân sách cho một bạn độc thân có thể có hình thù như thế này.
Tổng thu nhập: 10T
Nhà: 3T (30%)
Điện nước: 1T (10%)
Điện thoại: 500k (5%)
Ăn ngoài: 1T (10%)
Đi chợ nấu ăn: 50k/ngày * 30 ngày = 1.5T (15%)
Cà phê: 500k (5%)
Xăng: 500k (5%)
Mua sắm linh tinh: 1T (10%)
Phụ sinh: 1T (10%)
Bạn có thể nhìn vào bản ngân sách và thấy rằng mỗi tháng bạn chẳng tiết kiệm được đồng nào, vậy nên phải cắt giảm chi phí gấp. Bạn có thể bớt ăn ngoài đi, tìm phòng trọ rẻ hơn, uống ít cà phê đi, bớt các khoản phụ sinh, bớt tiền mua đồ ăn hàng ngày, bớt mua sắm linh tinh, v.v.v. Mình có một nguyên tắc là không bao giờ tiêu nhiều hơn 30% khoản thu nhập của mình vào tiền thuê nhà.
Một cách suy nghĩ khá nguy hiểm mà bản thân mình cũng hay mắc phải là cho rằng mấy đồng bạc đáng là bao. Nhưng mấy đồng bạc đó, khi gộp lại sẽ có giá trị rất lớn. Một ngày bạn uống bớt một cốc cà phê đi sẽ tiết kiệm 15-20k. Một tháng bạn tiết kiệm 450 - 600k. Một năm nó sẽ là 5 - 7 triệu. Bạn có thể đóng góp số tiền đó vào quỹ tiết kiệm, mua tặng bố mẹ một món đồ gia dụng ý nghĩa, hay làm một chuyến đi du lịch ở đâu đó với gấu.
5. Chỉ có con khi bạn đã sẵn sàng để nuôi con
Sự khác biệt lớn nhất giữa bạn bè ở Việt Nam và bạn bè ở Mỹ của mình là ở Việt Nam, mọi người có con vì nó là điều tự nhiên -- đến tuổi thì các cụ giục có con. Ở Mỹ, bạn bè mình chỉ tính đến chuyện có con khi mà họ đã chắc chắn rằng mình có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Trước khi có con, họ sẽ dành cả năm trời để chuẩn bị tài chính nuôi thêm một miệng ăn.
Ai nuôi con rồi chắc cũng biết, nuôi con là một khoản chi phí khổng lồ cả về mặt tài chính lẫn thời gian. Vợ chồng son khi mới bắt đầu cuộc sống của riêng mình, chưa có gì mà lại phải nuôi con sẽ rất dễ phải chịu áp lực tài chính. Mình thường nghe mọi người nói: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ.” Mình chưa thấy ai tìm được cỏ ở đâu ra nuôi con cả. Trong quan sát của mình, mình chỉ thấy áp lực tài chính không chỉ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng mà đôi khi còn khiến họ trở thành gánh nặng cho ông bà cũng như làm khổ con của mình.
Dĩ nhiên, có con là một điều tuyệt vời, không thể mang yếu tố tài chính ra mà đánh giá được. Nếu bạn sẵn lòng gánh trên mình trách nhiệm đó ngay cả khi bản thân chưa sẵn sàng, đó là lựa chọn của bạn.
Còn mấy ý nữa mà bài dài quá rồi và mình phải đi làm việc đây. Chúc moi người may mắn! Nếu có nhiều người ủng hộ thì hôm nào có thời gian mình sẽ viết tiếp nha!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top