tập 22+23
Tập 22 ; Ðảo Tiên
Vương Miễn tên chữ là Mẫn Trai, người Linh Sơn có văn tài, nhiều lần đứng đầu trường văn, tâm khá kiêu, hay trách mắng, nhiều người bị nhục. Một hôm tình cờ gặp một đạo sĩ, nhìn Vươm
Tướng ông cực quý nhưng bị nghiệp khinh bạc chiết trừ gần hết rồi. Trí tuệ như ông, nếu biết sửa mình mà tu đạo thì còn có thể được vào sổ tiêng
Vương cười nhạt:
- Chuyện phúc trạch thực tình còn chưa biết, trên đời này há lại có tiên sao?
Ðạo sĩ nói:
- Sao ông nhìn thấp thế? Chẳng cần tìm đâu xa, tôi chính là tiên đây!
Vương càng cười nhạo lời khoác lác ấy. Ðạo sĩ liền bảo:
- Tôi chẳng đáng nói gì. Nếu đi theo tôi thì vài mươi vị chân tiên, thấy ngay tức khắc.
Vương nói:
- Ở đâu?
Ðạo sĩ nói:
- Chỉ gang tấc!
Nói rồi kẹp gậy vào khoảng giữa hai đùi, đưa một đầu cho Vương bảo cưỡi như mình, dặn Vương nhắm mắt, xong quát lên một tiếng:
- Bay!
Vương cảm thấy gậy to ra như chiếc túi đựng năm đấu gạo, bay vụt lên không. Ngầm sờ vào gậy xem thì thấy vẩy cứng, xắp từng lớp, sợ quá không dám cựa quậy. Lát sau lại nghe quát:
- Ðỗ lại!
Tức thì rút gậy ra, hạ xuống một khu nhà lớn, lầu gác trùng điệp tiếp nối, như cung điện bậc đế vương. Có một đài cao hơn một trượng, trên đài có mười toà điện rộng rãi, đẹp đẽ không gì bằng.
Ðạo sĩ kéo khách lên, sai tiểu đồng bày tiệc mời khách . Trên điện đặt mấy chục bàn tiệc, bầy biện hoa mắt. Ðạo sĩ thay quần áo tề chỉnh đứng chờ.
Không bao lâu, khách từ không trung tới. Vật cưỡi hoặc là rồng, hoặc là hổ, hay chim loan, chim phượng, không một loại nào nhất định. Mỗi người đều có mang theo nhạc cụ.
Khách có con gái, có đàn ông, có người đi chân đất. Trong số đó chỉ có một cô gái đẹp cưỡi chim phượng sặc sỡ, ăn mặc kiểu cung cầm, có đứa hầu nhỏ ôm theo nhạc cụ, dài năm thước trở lại, không ra đàn cầm, cũng không ra đàn sắt, chẳng biết tên gọi là gì. Tiệc rượu bắt đầu, thức ăn quý bày xen nhau, bỏ vào miệng thơm ngon, toàn là những món khác thường.
Vương lặng lẽ ngồi im, duy chỉ chăm chăm nhìn người đẹp; đã yêu người lại muốn nghe nhạc, chỉ sợ nàng không đàn lần nào. Rượu tàn, một ông già khởi xướng :
- Ðược Thôi chân nhân nhã gọi tới, hôm nay có thể nói là ngày hội lớn, mọi người nên hết lòng vui. Xin mời những ai mang nhạc cụ giống nhau vào cùng một đội để hoà .
Thế là ai vào đội nấy, tiếng đàn tiếng sáo vọng tận sông Ngân. Riêng cô gái cưỡi phượng, tài đàn không có ai cùng sánh. Khi mọi âm thanh trên điện đã dứt, đứa hầu nhỏ mới mở túi gấm đặt ngang cây đàn trên kỷ, cô gái duỗi tay ngọc như chơi đàn tranh, âm lượng của nó vang gấp mấy lần đàn cầm; khi mãnh liệt khiến người nghe mở lòng mở dạ, khi êm đềm khiến hồn phách phiêu diêu. Ðàn khoảng chừng nấu chưa chín nồi cơm, cả điện lặng phắc, không một tiếng ho. Hết khúc, một tiếng trong vắt vang lên như gõ vào khánh đá. Cử toạ đều trầm trồ.
- Tài đàn của Vân Hoà phu nhân tuyệt diệu thay!
Mọi người đều đứng dậy cáo biệt; hạc kêu, rồng gầm, chỉ một lát đã tản đi hết. Ðạo sĩ đặt giường ngà chăn gấm chuẩn bị chỗ cho Vương ngủ. Còn Vương vừa thấy người đẹp lòng đã xao xuyến, sau lúc nghe đàn, càng mệt vấn vương. Vốn nghĩ tài mình, áo tía, đai xanh dễ như lượm cỏ; khi phú quý rồi muốn gì chẳng được. Chốc lát, trăm mối nghĩ suy rối như cỏ bồng. Ðạo sĩ dường như đoán biết, bảo Vương :
- Ông kiếp trước là bạn học với tôi, sau nhân vì chí không bền nên sa lưới tục. Tôi vốn không coi ông là người ngoài, thực lòng muốn đưa ông ra khỏi chốn vẩn đục. Không ngờ mê muội đã sâu, mơ màng không thể giác ngộ được. Nay sẽ đưa ông về, chưa hẳn không có ngày gặp lại; song muốn làm tiên trên trời thì phải đến kiếp sau .
Ðạo sĩ bàn chỉ phiến đá dài dưới chân bảo Vương nhắm mắt ngồi lên, lại dặn kỹ không được nhìn, sau đó lấy roi quất vào hòn đá. Ðá bay lên, tiếng gió rót ào ào bên tai, chẳng biết đã đi được bao nhiêu dặm.
Chợt nghĩ cảnh vật bên dưới chưa biết thế nào, Vương bèn trộm hé hai mí nhỏ như kẻ chỉ, thấy biển lớn bao la mênh mông tuyệt không bờ bến. Sợ quá nhắm mắt lại nhưng cả người đã theo đá rơi tõm xuống nước, chìm nghỉm như chim âu lặn. May trước kia Vương ở gần biển nên biết bơi bì bõm chút ít.
Chợt nghe tiếng người vỗ tay reo:
- Ngã nhào đẹp quá!
Ðang lúc nguy cấp, một cô gái cứu Vương lên thuyền, và nói:
- May thật, may thật! Tú tài trúng cấp rồi!
Vương nhìn, cô gái khoảng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp. Vương lên đến thuyền, rét run, xin đốt lửa sưởi. Cô gái nói:
- Theo tôi về nhà sẽ thu xếp ổn thoả. Nếu vừa , chớ quên sẽ thu nhé!
Vương đáp:
- Sao cô lại nói thế! Tôi là bậc tài tử ở Trung Nguyên, chợt gặp chuyện quẫn bách. Qua được đận này, xin lấy thân đền đáp, chứ đâu có không quên mà thôi!
Cô gái cầm sào đẩy thuyền đi nhanh như mưa bay gió cuốn, chỉ một loáng đã đến bờ. Cô gái mang từ trong khoang ra một bó sen mới hái, dẫn Vương đi cùng.
Chừng nửa dặm, vào thôn, thấy ngôi nhà cửa son mở về hướng Nam. Qua mấy lần cổng cô gái đi nhanh vào trước. Lát sau, một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi bước ra vái chào, mời Vương lên thềm, sai người hầu lấy mũ áo giầy tất cho Vương thay, sau đó hỏi đến nhà cửa quê quán. Vương đáp:
- Chẳng dám nói khoe, tài danh của tôi, chắc ông có nghe qua. Tôi từng được Thôi chân nhân quyến luyến rất mực, đã vời lên cõi trời. Song tự nghĩ công danh dễ như trở bàn tay, vì thế không muốn ẩn dật.
Người đàn ông kính cẩn nói:
- Nơi đây gọi là Ðảo tiên, cách xa hẳn cõi người. Tôi tên Văn Nhược, họ Hoàn, trải mấy đời sống nơi hẻo lánh, may mắn làm sao lại được gặp bậc danh tài.
Thế rồi ân cần mời rượu, lại thung dung nói:
- Tôi có hai đứa con gái. Ðứa lớn tên là Phương Vân, mười sáu tuổi, đến nay chưa gặp người xứng đôi, muốn cho cháu hầu hạ bậc cao nhân, được chăng?
Vương đoán hẳn là cô gái hái sen nên đứng dậy rời khỏi bàn tiệc cảm tạ. Ông Hoàn cho mời vài ba vị tuổi cao đức cả trong làng đến, nhìn quanh một lượt rồi sai gọi con gái.
Chốc lát, hương lạ nức thơm, hơn mười cô gái đẹp đỡ Phương Vân ra, rực rỡ dễ thương như bông sen tắm trong nắng sớm. Nàng vái chào rồi ngồi xuống, các cô gái xếp hàng đứng hầu, cô gái hái sen cũng trong số đó. Rượu vài tuần, một cô bé bỏ tóc xoã từ trong buồng chạy ra, mới chừng hơn mười tuổi mà dáng vẻ đã xinh đẹp, tươi cười dựa vào khuỷu tay chị, sóng mắt long lanh. Hoàn nói:
- Con gái không ở trong phòng, ra đây làm gì?
Rồi ngoảnh sang khách nói:
- Ðây là Lục Vân, con gái nhỏ của tôi. Cháu khá thông mình, nhớ được sách vở điển phần.
Nhân đó bảo ngâm thơ cho khách nghe. Cô bé bèn đọc ba chương Trúc Chi từ, giọng đọc êm ái dễ nghe.
Ông Hoàn cho phép Lục Vân ngồi cạnh chị, rồi nói:
- Anh Vương là bậc thiên tài, thơ làm trước đây hẳn rất nhiều, có thể cho kẻ hèn này nghe mà học hỏi chăng?
Vương hăng hái đọc một bài cận thể rồi kiêu hãnh nhìn mọi người. Trong bài thơ ấy có hai câu:
Một thân còn chút mày râu đó,
Cạn chén cho tan khối bất bình.
Ông già ngồi cạnh đọc đi đọc lại hai ba lần. Phương Vân bèn mách khẽ:
- Câu trên là Tôn Hành Giả rời động Hoả Vân, câu dưới là Trư Bát Giới qua sông Tử Mẫu.
Cử toạ đều vỗ tay. Ông Hoàn mời Vương đọc thêm bài khác, chàng bèn đọc bài thơ Chim Nước:
Ðầu dầm kêu kíu kít
Bỗng nhiên quên mất câu tiếp theo. Còn đang trầm ngâm thì Phương Vân ghé tai em thầm thì rồi che miệng cười.
Lục Vân thưa với cha:
- Chị ấy làm hộ anh rẽ câu tiếp theo đấy ạ. Câu thế này:
Mông chó vãi bùm bùm
Mọi người trong tiệc lại cười ồ. Vương cả thẹn, ông Hoàn lừ mắt nhìn Phương Vân.
Khi sắc mặt Vương đã bình tĩnh lại, ông mời Vương nói tài nghệ văn chương của mình.
Vương cho rằng người ngoài cõi trần hẳn không biết nghề văn bát cổ bèn khoe tài văn chàng đã chiếm giải quán quân; đầu đề là hai câu Hiếu thay Mẫn Tử Khiên ; phá đề là Thánh nhân khen lòng hiếu đức của bậc đại
Lục Vân quay sang nhìn cha nói:
- Thánh nhân không gọi học trò mình bằng tên tự. Câu Hiếu thay... ắt là lời của nhân gian.
Vương nghe được mất cả hứng. Ông Hoàn cười:
- Trẻ con biết gì! Không nói về điều ấy, chỉ bàn văn thôi.
Vương lại đọc tiếp. Cứ được vài câu hai chị em lại thì thầm với nhau, dường như bình phẩm về người, nhưng các cô nói lúng búng không nghe rõ.
Vương đọc đến đoạn hay, thuật lại cả lời bình, có nói rằng: Từng chữ, từng chữ đều thống thiết .
Lục Vân thưa với cha:
- Chị con bảo nên bỏ chữ Thiết đi.
Cử toạ đều không hiểu. Ông Hoàn sợ con nói năng khinh mạn không dám gạn hỏi.
Vương đọc xong, lại thuật lời tổng bình, trong có câu: Trống yết đánh một tiếng, muôn hoa đều nở .
Phương Vân lại che miệng nói vào tai em, hai chị em cười đến nỗi không ngẩng lên được.
Lục Vân lại nói với cha:
- Chị bảo trống yết phải đánh bốn tiếng.
Mọi người vẫn không hiểu. Lục Vân mở miệng định nói tiếp, Phương Vân nín cười quát:
- Con ranh mà nói, tao đánh chết!
Cử toạ càng nghi ngờ, bàn đoán riêng với nhau. Lục Vân không nhịn được lại nói:
- Bỏ chữ thiết đi, nói thống tức là bất thông . Ðánh bốn tiếng trống thì tiếng vang là Bất thông lại bất thông vậy.
Mọi người cười phá lên, ông Hoàn nổi giận quát con, nhân đó đứng dậy rót rượu, tạ lỗi mãi.
Vương ban đầu tự khoe là bậc tài danh, dưới mắt mình thực chẳng coi ai ra gì; đến lúc này thần khí tiêu tan sạch, mồ hôi đầm đìa.
Ông Hoàn bàn an ủi lấy lòng:
- Vừa nghĩ được một câu xin các vị trong tiệc cùng đối: Vương tử thân biên vô hữu nhất điểm bất tự ngọc .
Chưa ai kịp nghĩ thì Lục Vân đã đọc ngay. Mẫn ông đầu thượng tái trước bán tịch tức thành quy .
Phương Vân cười sặc lên véo vào sườn em ba bốn cái, Lục Vân giẫy ra bỏ chạy, quay lại bảo:
- Việc gì đến chị? Chị mắng anh ấy bao nhiêu thì không cho là trái; người ta nói hộ một câu không được phép à?
Ông Hoàn quát lên, cô bé mới cười rồi đi.
Các ông già láng giềng cũng cáo từ.
Ðám thị nữ dẫn đôi vợ chồng vào phòng ngủ, trong đó đèn nến giường màn đã sắp đặt tinh khôi, đầy đủ.
Vương nhìn phòng tân hôn, thấy sách đầy giá, không thiếu một loại nào, hỏi qua những chỗ khó, Phương Vân đều trả lời được trôi chảy, tường tận. Bấy giờ Vương mới thấy hết nỗi xấu hổ của kẻ đứng trước biển khơi.
Vợ chàng gọi Minh Ðang! thì cô gái hái sen ban chiều chạy đến, nhờ vậy Vương mới biết tên nàng.
Sau nhiều lần bị chế giễu nhục nhã, Vương sợ chốn khuê phòng cũng không được coi trọng. May sao Phương Vân tuy nói năng xấc xược nhưng trong chốn phòng the, tình vợ chồng rất đằm thắm.
Vương ở yên vô sự, bàn ngâm nga.
Vợ bảo:
- Thiếp có lời hay muốn nói, chẳng biết chàng có chịu lắng tai không?
Hỏi điều gì, thì bảo:
- Từ nay chàng đừng làm thơ nữa! Ðó cũng là một cách để che giấu cái vụng của mình vậy.
Vương lấy làm thẹn, bỏ hẳn chuyện bút mực. Lâu dần càng quấn quít với Minh Ðang, bèn nói với Phương Vân.
- Minh Ðang đối với tiểu sinh, có cái ơn cứu mạng, mong ít khi phải cau mặt, nặng lời với nàng.
Phương Vân bằng lòng. Thường mỗi khi vợ chồng vui chơi trong phòng, cũng cho nàng cùng dự.
Hai bên vì thế càng say nhau, thường liếc mắt, đưa tay thay lời.
Phương Vân thoáng biết, trách móc nhiều lần, Vương chỉ liến láu cãi ngượng cho qua chuyện.
Một đêm hai vợ chồng đối ẩm, Vương kêu vắng vẻ, khuyên vợ gọi Minh Ðang.
Phương Vân không nghe, Vương bảo vợ:
- Sách gì nàng cũng đọc, sao chẳng nhớ mấy chữ độc lạc nhạc nhỉ?
Phương Vân nói:
- Thiếp nói chàng bất thông, nay càng nghiệm. Cách chấm câu còn chưa biết hay sao? Riêng mình thì lấy người làm lạc thú, nhưng nói đến lạc thú, hỏi có ai không, lại đáp rằng không .
Chàng bật cười đành bỏ ý định .
Gặp buổi hai chị em Phương Vân y hẹn sang chơi nhà cô bạn hàng xóm. Vương được dịp liền dẫn ngay Minh Ðang vào, ái ân hết mực.
Ðến tối chàng thấy đau ở bụng dưới, hết đau thì dương vật sưng lên. Vương sợ quá nói với vợ.
Vân cười đáp:
- Chắc hẳn đã báo cái ơn của Minh Ðang rồi?
Vương không dám dấu, cung khai hết. Phương Vân bảo:
- Tự gây ra hoạ, thực không còn cách nào. Nếu không đau đớn, ngứa ngáy thì kệ thế cũng được.
Mấy ngày sau không khỏi, Vương lo lắng kém vui. Phương Vân biết nhưng không hỏi han gì, chỉ đăm đăm nhìn chồng, đôi mắt như hồ thu đầy đặn, sáng tựa sao mai. Vương nói :
- Nàng có thể gọi là người trong lòng ngay thẳng nên tròng mắt sáng .
Phương Vân cười:
- Còn chàng, có thể gọi là người trong lòng không ngay thẳng nên tròng mất sáng .
Bởi hai chữ mất , dân gian cũng đọc gần như chữ Mắt nên nàng đem chữ đó ra để đùa chồng.
Vương bật cười, van nài xin chữa cho. Nàng nói:
- Chàng không nghe lời nói phải, trước đây vị tất không nghĩ là em ghen, đâu biết rằng con hầu đó vốn không thể gần gũi được. Lúc trước thực rất yêu chàng, nhưng chàng chỉ như gió xuân thổi qua tai ngựa nên em ghét mà bỏ mặc. Nếu không đã chữa cho rồi. Nhưng thầy lang phải xem kỹ chỗ đau đã!
Bàn sờ tay vào trong áo rồi đọc chú rằng:
- Chim vàng, chim vàng, chớ đậu cành gai.
Vương bất giác cười rộ, cười xong thì bệnh khỏi.
Mấy tháng sau Vương vì cớ cha già con dại thường nhớ nhà không nguôi. Chàng đem tâm sự nói với vợ. Nàng nói:
- Về nhà thì không khó, chỉ không có ngày sum họp nữa thôi.
Vương nước mắt lã chã, xin nàng về cùng. Phương Vân nghĩ ngợi hồi lâu mới bằng lòng.
Ông Hoàn bày tiệc tiễn đưa, Lục Vân xách làn vào nói:
- Chị sắp ra đi, chẳng có gì tặng chị. Chỉ sợ khi đến Hải Nam không có nhà mà ở nên đêm qua đã làm hộ chị lầu gác, xin đừng chê bai là sơ sài.
Phương Vân cảm ơn em rồi nhận lấy. Ðến gần xem thì thấy dùng loại cỏ nhỏ kết thành lầu gác, toà lớn thì như quả thanh yên, toà nhỏ thì như quả quất, tất cả chừng hơn hai chục toà. Trong mỗi toà kèo cột rui mà đều phân minh đầy đủ; lại có giường phản ràm tường, mỗi thứ chỉ to bằng hạt vừng.
Vương xem như đồ chơi con trẻ, lòng thầm khen cô em vợ khéo tay.
Phương Vân nói:
- Nói thật với chàng, bọn em là tiên dưới đất, vì có túc duyên nên được theo bên chàng. Em vốn không muốn đặt chân tới cõi trần, nhưng chỉ vì chàng còn cha già, không nỡ trái lời. Ðợi khi cha đủ tuổi trời, chúng ta nên trở lại đây.
Phương xin vâng, ông Hoàn hỏi:
- Muốn đi thuyền hay đi xe?
Phương sợ sóng gió nguy hiểm xin đi đường bộ. Ra đến cửa thì ngựa xe đã chờ sẵn, vợ chồng từ biệt lên đường. Ngựa phi nhanh vun vút, chỉ thoáng chốc đã đến bờ biển, Vương trong lòng lo không có đường đi.
Phương Vân đem ra một tấm lụa trắng ném về phương Nam, lập tức hoá thành con đê dài, mặt đê rộng vừa một trượng, trong nháy mắt xe ruổi qua, đê cũng thu lại dần. Ðến một nơi, nước triều tràn qua, bốn phía mênh mông, Phương Vân bảo dừng lại. Nàng xuống xe lấy những đồ bằng cỏ ra, rồi cùng với bọn Minh Ðang mấy người sắp xắp bày đặt đúng theo phép tắc, chỉ trong nháy mắt đã hoá thành ngôi nhà lớn.
Vợ chồng cùng vào, cởi bỏ hành lý, thì toà nhà không khác chút nào với nơi đã sống trên đảo, giường ghế đều y nguyên như phòng tân hôn lúc trước.
Trời đã xẩm tối, nhân nghỉ lại qua đêm. Sáng hôm sau, Phương Vân bảo Vương còn về đón cha mẹ. Vương sai đóng ngựa ruổi về làng cũ.
Ðến nơi thì nhà cửa đã thuộc về nhà họ khác. Hỏi người làng mới biết mẹ và vợ đã chết, chỉ còn cha già. Con trai đam mê cờ bạc, ruộng vườn gia sản hết sạch, ông cháu không thể có chỗ trú chân, hiện nay tạm ở căn nhà thuê bên thôn Ðoài .
Vương lúc mới trở về, nghĩ về công danh vẫn còn vương vấn, kịp khi nghe tin nhà như vậy, âu sầu buồn bã, tự nghĩ giàu sang nếu có được thì so với những ảo ảnh trong khi hoa mắt nào có khác gì.
Chàng quất ngựa sang thôn Ðoài, thấy cha quần áo rách rưới, già sọm, thật đáng thương. Cha con gặp nhau khóc lạc cả tiếng; hỏi đến đứa con bất hiếu, còn đi đánh bạc chưa về.
Vương bèn chở cha quay về. Phương Vân lạy chào xong, nấu nước mời bố chồng tắm, đưa quần áo gấm cho ông thay, để ông nghỉ ngơi trong ngôi nhà thơm ngát. Sau đó nàng sai mời các ông bạn già cũ tới cùng cha trò chuyện, phụng dưỡng hơn cả các nhà thế tộc.
Một hôm con trai Vương tìm đến, chàng dứt tình không cho gặp, chỉ cho hai chục đồng vàng và sai người dặn: cầm lấy mà mua vợ, rồi lo làm ăn. Nếu còn đến nữa sẽ đánh chết tươi . Con trai khóc mà đi .
Vương từ khi trở về không hay tiếp khách, nhưng nếu bạn bà cũ tình cờ đến thăm thì đón tiếp lưu luyến, khiêm nhường, khác hẳn thuở trước. Riêng có Hoàng Tử Giới bạn đồng môn thuở trước cũng là một bậc anh tài lận đận, được Vương lưu lại rất lâu, thường kể cho nghe nhiều chuyện kín và biếu tặng rất hậu.
Ðược ba bốn năm Vương ông mất, Vương bỏ vạn bạc chọn đất chôn, làm ma theo đúng lễ.
Bấy giờ con trai Vương đã lấy vợ; con dâu quản chồng rất nghiêm, nhờ thế con cũng đỡ cờ bạc.
Ngày vào đám, nàng dâu mới đến chào bố mẹ chồng.
Phương Vân thoạt gặp con dâu đã thấy người giỏi việc nhà, bèn cho vợ chồng ba trăm đồng vàng để mua sắm điền sản.
Hôm sau chàng Hoàng cùng con Vương đến thăm thì lâu đài nhà cửa đã không thấy nữa, chẳng biết ở đâu.
Tập 23 ; Gái Thần
Thư sinh họ Mễ, người đất Mân, người kể chuyện này quên mất cả tên tuổi, quận ấp. Tình cờ lên quận, uống rượu say, đi giữ phố xá, nghe bên trong một toà nhà lớn có tiếng sáo, tiếng trống như sấm. Hỏi những người ở gần đấy thì nói là nhà ấy mở tiệc khao thọ. Thế mà ngoài cửa trong sân vẫn vắng vẻ lắm. Lắng nghe thì thấy tiếng sênh, tiếng hát vang lừng.
Ðang say, chàng rất lấy làm thích, cũng không hỏi là nhà ai, liền ra ngay đầu phố mua đồ mừng rồi đưa thiếp ý vãn sinh vào.
Có người thấy chàng mũ áo quê kệch, liền hỏi:
- Anh với ông cụ nhà này họ hàng thế nào?
Ðáp:
- Không đâu!
Người ấy nói:
- Nhà này từ nơi khác đến kiều cư ở đây, không rõ quan tước gì, nhưng rất sang trọng kiêu kỳ. Ðã không thân thuộc thì vào làm gì?
Chàng nghe mà hối hận, nhưng thiếp đã đưa vào rồi.
Chẳng mấy chốc, hai chàng trẻ tuổi ra đón khách, áo quần choáng mắt, dáng điệu phong nhã, vái chàng mời vào.
Thấy một ông già ngồi ngoảnh mặt về hướng Nam; phía Ðông, phía Tây bầy mấy trăm mâm cỗ;
Thấy chàng đến, đứng cả lên, làm lễ, ông già cũng chống gậy đứng dậy.
Chàng đứng lâu, đợi ông cụ rước mời, mà cụ vẫn không rời khỏi chiếu.
Hai chàng trẻ tuổi đỡ lời, nói:
- Phụ thân chúng tôi già yếu, đứng dậy vái rất khó, anh em tôi xin thay mặt tể ơn bậc cao hiền hể cố đến chơi.
Chàng khiêm tốn đáp tạ lại. Liền sai đặt thêm một cỗ ở phía trên, liền chỗ ông cụ. Một lát, nữ nhạc dạo ở dưới. Ðằng sau phòng tiệc, có bày chiếc bình phong bằng lưu ly, để che cho người trong nhà.
Trống sáo nổi lên rầm rĩ, khách trong tiệc không thể trò chuyện nữa.
Tiệc sắp tàn, hai chàng trẻ tuổi đứng dậy, mỗi người một cốc to mời khách, cốc đựng chừng ba đấu. Chàng có ý ngại nhưng thấy khách nhận nên cũng nhận. Chốc lát, trông bốn bên, chủ khách đều uống cạn cả. Chàng bất đắc dĩ phải cố uống hết. Chàng trẻ tuổi rót nữa, chàng thấy mệt quá, đứng lên mà cáo lui. Chàng trẻ tuổi cố nắm vạt áo giữ lại. Chàng say quá, ngã xuống đất, chỉ biết có người lấy nước lạnh rưới vào mặt; bàng hoàng tỉnh lại, dậy nhìn thì khách khứa đã đi hết, duy chỉ có một chàng trẻ tuổi xốc cánh tay đưa ra. Liền chào mà về. Sau đó chàng lại qua cổng, thấy đã dời đi chỗ khác.
Ở quận về, tình cờ đi qua chợ, một người từ trong quán bước ra, mời chàng vào uống rượu. Nhìn thì không quen, nhưng cũng cứ theo mà vào. Thấy trên tiệc đã có người làng là Bão Trang ngồi trước. Hỏi người đó thì ra họ Chư, làm nghề mài gương trong chợ. Hỏi:
- Sao biết đến nhau?
Ðáp:
- Người khao thọ hôm trước, ông có biết là ai không?
Chàng đáp:
- Không biết.
Chư nói:
- Tôi ra vào nhà ấy nhiều lần, ông cụ họ Phó, nhưng không rõ quê quán và quan tước ra sao. Lúc tiên sinh vào mừng thọ, tôi đang ở dưới thềm, cho nên nhớ được.
Chiều tối, bữa rượu tan. Bão Trang về đêm, bị chết ở dọc đường. Người bố của Trang không biết họ Chư, cứ kêu tên chàng mà kiện. Khám thấy xác Bão Trang có vết thương nặng, cho rằng chàng mưu sát, khép vào tội chết, chàng bị cùm xích đủ mọi đường. Vì chưa bắt được Chư, chưa có đủ chứng cứ nên việc kiện còn treo đấy.
Hơn một năm sau, quan trực chỉ đi tuần tra các nơi, xét biết chàng bị oan, mới tha cho ra.
Trong nhà, ruộng nương, của cải đã mất hết, mà mũ áo sinh viên đã bị lột, nhưng cũng mong có thể lấy lại được, nên lại xách khăn gói lên quận.
Trời đã về chiều, chân đi đã mỏi, liền ngồi nghỉ ở ven đường. Từ xa thấy một chiếc xe nhỏ đi lại, hai cô gái áo xanh đi kèm hai bên.
Ðã qua chỗ chàng rồi, bỗng bảo dừng xe lại. Không biết trong xe nói gì. Một lát thấy một nàng áo xanh đến hỏi chàng:
- Có phải chàng họ Mễ không?
Chàng giật mình đứng dậy nói phải.
Hỏi:
- Sao nghèo túng đến thế?
Chàng kể nguyên do. Lại hỏi:
- Ðịnh đi đâu bây giờ?
Chàng lại nói cho biết. Nàng áo xanh bỏ đi, ghé vào trong xe nói chuyện; một lát lại trở lại, mời chàng đến trước xe. Trong xe có một bàn tay thon thon thò ra vén màn, liếc trông thì ra một giai nhân đẹp tuyệt trần. Nói với chàng rằng:
- Chàng không may mắc phải cái vạ gió, nghe thấy mà buồn quá. Ngày mai, dinh quan Đốc Học chẳng phải là nơi kẻ hai bàn tay trắng có thể ra vào được. Giữa đường không biết lấy gì tặng...
Bèn rút ra một đoá hoa ngọc trai trên mái tóc đưa cho chàng, nói:
- Vật này có thể bán được một trăm đồng vàng, xin cầm lấy mà dùng.
Chàng chắp tay vái tạ. Ðịnh hỏi cửa nhà gia thế thì xe đi rất nhanh, đã cách xa rồi, không biết là ai nữa. Cầm hoa nghĩ ngợi, thấy trên có nạm ngọc trai, biết không phải vật thường, liền trân trọng cất giấu mà đi.
Ðến quận, đưa đơn vào, bị trên dưới vòi vĩnh hạch sách rất khó. Giở hoa ra ngắm, không nỡ bán đi, đành quay về. Về rồi mà không có nhà ở, phải dựa vào anh chị. May được anh là người hiền, trông nom lo liệu cho, nên nghèo mà vẫn không phải bỏ học.
Năm sau, chàng lên quận thi khoa đồng tử, nhầm đường lạc vào trong núi sâu. Gặp tiết thanh minh, người đi chơi rất đông. Mấy người con gái cưỡi ngựa đi tới, trong đó có một cô, chính là người ngồi trong xe năm ngoái. Thấy chàng thì dừng cương lại, hỏi đi đâu? Chàng cứ thực nói. Cô gái kinh ngạc hỏi:
- Khăn áo sinh viên chàng còn chưa lấy lại được ư?
Chàng thẹn, rút ở dưới áo đoá hoa ngọc trai ra, nói:
- Không nỡ bỏ vật này nên vẫn còn là đồng tử vậy.
Cô gái đỏ bừng mặt. Ðoạn bảo ngồi đợi ở góc đường, dong ngựa ung dung mà đi. Giây lâu, một con hầu ruổi ngựa tới, trao cho chàng một cái gói, nói:
- Nương tử bảo, ngày nay cửa quan Đốc Học chỉ là cái chợ, xin tặng hai trăm đồng bạch kim để làm vốn tiến thủ. Chàng từ chối, nói:
- Nương tử làm ơn cho tôi đã nhiều! Tự nghĩ thi đỗ khoa đồng tử cũng không khó, nên món tiền to này không dám nhận. Chỉ xin được nương tử cho biết họ tên, để vẽ một bức hình, đốt hương tưởng bái, thế là đủ rồi.
Con hầu không nghe cứ đặt tiền xuống đất mà đi. Từ đấy chàng chi dùng đầy đủ, nhưng chung quy vẫn không thèm lân la cầu cạnh ai. Sau đó được đỗ đầu vào trường học của huyện.
Liền đưa tiền cho anh trai. Anh khéo kinh doanh, trong ba năm, cơ nghiệp cũ lấy lại được hết.
Gặp lúc quan Tuần Vũ tỉnh Mân là học trò của ông nội chàng, thường giúp đỡ cho rất nhiều, hai anh em trở nên giàu to.
Nhưng chàng vốn là người thanh cao, cứng cỏi.
Tuy quen thuộc lâu đời với vị quan lớn, mà vẫn chưa từng đến yết kiến cầu xin gì.
Một hôm có một người khách mặc áo cừu, cưỡi ngựa đến cổng, cả nhà đều không ai quen. Ra xem thì ra công tử họ Phó. Chàng chắp tay mời vào, cùng nhau hàn huyên. Chàng sai bày rượu thết đãi. Khách lấy cớ bận từ chối, nhưng cũng không nói đến chuyện đi.
Rồi khi cơm rượu đã bày, công tử bèn đứng dậy xin nói chuyện riêng. Hai người cùng vào nhà trong, công tử liền lạy rạp xuống đất.
Chàng kinh ngạc hỏi chuyện gì, công tử ủ dột nói:
- Phụ thân mắc vạ lớn, muốn nhờ quan Tuần một chút, ngoài anh ra, không ai giúp được.
Chàng từ chối nói:
- Ông ta tuy là chỗ quen biết lâu đời, nhưng lấy việc riêng ra cầu cạnh với người, thực từ thuở sinh bình đến nay, tôi chưa hề làm bao giờ.
Công tử nằm phục xuống đất kêu khóc thảm thiết. Chàng nghiêm sắc mặt nói:
- Tiểu sinh với công tử chẳng qua chỉ một bữa tiệc mà quen biết nhau, sao lại cố ép người ta làm việc mất danh tiết như vậy?
Công tử hổ thẹn quá, đứng dậy từ biệt rồi đi.
Hôm sau nữa, đương ngồi một mình, có một nàng áo xanh đi vào. Chàng nhìn thì ra chính là người đưa tiền tặng mình ở trong núi ngày trước.
Chàng giật mình đứng dậy. Người áo xanh nói:
- Chàng quên đoá hoa ngọc trai rồi chăng?
Chàng nói:
- Dạ dạ, không dám quên.
Lại nói:
- Công tử đến đây hôm qua, tức là anh ruột nương tử tôi đấy.
Chàng nghe thấy, mừng thầm, giả cách nói:
- Ðiều đó khó tin lắm. Nếu được nương tử thân đến đây bảo với một lời, thì dẫu vạc dầu cũng xin nhảy vào; nếu không, không dám vâng lời.
Người áo xanh bước ra, nhảy lên ngựa mà đi. Canh khuya, lại trở lại, gõ cửa bước vào nói:
- Nương tử đã đến.
Nói chưa dứt lời thì cô gái rầu rĩ bước vào, ngoảnh mặt vào vách mà khóc, không nói một câu. Chàng vái chào, nói:
- Tiểu sinh không có nương tử, không lấy đâu ra có ngày nay. Có điều gì sai bảo, dám đâu không vâng lời?
Cô gái nói:
- Kẻ được người ta cầu cạnh thường hay khinh người, kẻ đi cầu cạnh người thường phải sợ người. Nửa đêm bôn ba, sinh bình nào đã biết cái khổ này, chỉ vì sợ người đấy thôi, còn biết nói gì?
Chàng an ủi nói:
- Sở dĩ tiểu sinh không nhận lời ngay là vì sợ xong việc này, được gặp nhau một lần nữa là khó. Làm cho nương tử đêm hôm phải xông pha sương tuyết, thực đã biết tội.
Liền cầm ống tay áo cô gái len lén xoa. Cô gái giận nói:
- Anh thực là người tệ, không nghĩ đến cái nghĩa ngày trước, lại còn muốn định thừa cơ người ta nguy ngập nữa. Tôi nhầm rồi! Tôi nhầm rồi!
Nói xong vùng vằng mà ra, lên xe toan đi. Chàng đuổi theo ra, tạ lỗi, quỳ xuống chắn đường. Người áo xanh cũng khuyên giải thêm. Cô gái ý đã nguôi nguôi, liền ngồi trong xe nói với chàng:
- Nói thực với chàng, thiếp không phải là người mà là thần nữ. Phụ thân làm quan Đô Lỳ Ty ở Nam Nhạc, ngẫu nhiên thất lễ với địa quan, sẽ đến tai Thượng đế; không có ấn tín của quan đầu hạt đây thì không thể gỡ được. Nếu chàng không quên nghĩa cũ, thì kiếm một tờ giấy vàng, vì thiếp mà xin cho một cái dấu.
Nói đoạn xe chuyển bánh đi.
Chàng trở về, lo nghĩ mà không thôi. Bèn mượn cớ điều trừ ma, nói với quan Tuần Vũ.
Tuần Vũ bảo làm việc đó giống như việc đồng cốt, bùa ngải, không chịu.
Chàng đem nhiều tiền đút cho những người tâm phúc của ông ta, chúng nhận lời nhưng chưa kịp có dịp nào tiện. Về đến nhà thì người áo xanh ngồi đợi ở cửa, chàng nói thực cho biết, bèn im lặng đi ra, hình như có ý oán chàng không hết lòng.
Chàng chạy theo tiễn nói:
- Về nói với nương tử, nếu việc không xong, tôi xin liều mạng chết theo.
Quay vào, suốt đêm trằn trọc, không tìm ra được kế gì. May gặp lúc trong dinh có người vợ lẽ yêu của quan muốn mua ngọc trai, chàng liền lấy đoá hoa ngọc trai đem cho.
Người vợ lẽ thích lắm, liền ăn cắp dấu đóng vào giấy cho chàng.
Mang về đến nhà, người áo xanh cũng vừa tới. Chàng cười, nói rằng:
- May không đến nỗi lỗi mệnh. Nhưng cái vật mà mấy năm nay, dù nghèo khó phải đi ăn xin cũng không nỡ bán, thì ngày nay lại vì chủ nó mà phải bỏ nó rồi!
Liền kể tình đầu, lại nói:
- Vàng vứt đi tôi cũng không tiếc, nhưng nhờ nói với nương tử, đoá hoa ngọc trai thì phải đền mới được.
Qua mấy hôm, Phó công tử đến nhà tạ ơn, biếu một trăm lạng vàng. Chàng sầm nét mặt nói:
- Sở dĩ làm như vậy là vì lệnh muội đã giúp đỡ tôi một cách vô tư mà thôi. Nếu không thì dù vạn lạng vàng cũng không dễ gì đổi danh tiết tôi được.
Cố ép, thì lời nói, nét mặt chàng càng gay gắt. Công tử thẹn mà đi, nói:
- Việc này chưa xong được.
Ngày hôm sau nữa, người áo xanh vâng mệnh cô gái, đem biếu chàng một trăm hạt ngọc trai, nói rằng:
- Thế này đã đủ đền đoá hoa ngọc trai chưa?
Chàng nói:
- Tôi trọng đoá hoa ấy không phải vì tham quý ngọc trai. Nếu không thì vật báu vạn dật tặng tôi ngày trước, tôi đã đem bán đi làm một anh nhà giàu rồi, còn cất giấu nâng niu, cam chịu nghèo khó làm gì nữa? Nương tử người thần, tiểu sinh nào dám mong gì khác kia. Nay may đã đền ơn sâu được trong muôn một, chết cũng không ân hận.
Người áo xanh để ngọc trai lên án, chàng liền vái rồi trả lại.
Qua mấy hôm nữa, công tử lại đến, chàng sai bày tiệc rượu. Công tử cũng bảo kẻ theo hầu xuống bếp nấu nướng. Hai người đối nhau uống rượu thỏa sức, vui như một nhà. Gặp khi có người khách biếu rượu nếp đắng, công tử khen ngon, uống luôn trăm chén, mặt đã hơi đỏ, bèn nói với chàng:
- Anh là người chính trực thanh cao, tôi và em trai tôi đều mê muội không biết sớm, thực đáng xấu hổ với kẻ quần thoa nhiều lắm. Phụ thân tôi cảm đức lớn, không thấy gì báo đền được, muốn cho em gái tôi kết duyên với anh, chỉ sợ anh hiềm nỗi u minh khác nẻo vậy.
Chàng mừng mừng sợ sợ, không biết trả lời thế nào. Công tử từ biệt mà về, nói rằng:
- Ðêm mai, mồng 9 tháng Bảy, lúc trăng lưỡi liềm vừa lên, Thiên Tôn có con gái gả xuống trần, đáy là giờ tốt, nên sửa soạn phòng hoa.
Ðêm sau, quả đưa cô gái đến, mọi cái không khác gì người thường. Sau ba ngày, cô gái đối với anh chị dâu, cho đến kẻ hầu người hạ, đều có quà tặng. Lại rất nết na, thờ chị dâu như mẹ chồng.
Mấy năm sau không đẻ, khuyên chàng lấy vợ lẽ, chàng không nghe. Vừa khi người anh đi buôn ở Giang Hoài về, mua cho chàng một người thiếp trẻ tuổi.
Thiếp họ Cố, tên là Bác Sĩ, dáng người cũng thanh nhã. Vợ chồng đều mừng. Chợt thấy trên mái tóc có cài đoá hoa ngọc trai giống hệt như vật cũ năm trước, rút xuống xem, quả đúng. Thấy lạ liền hỏi.
Ðáp rằng:
- Trước đây người thiếp yêu của quan Tuần Vũ chết, thị tỳ của bà ta ăn trộm bán ở chợ. Cha thiếp thấy rẻ mua về, thiếp rất thích. Cha thiếp không có con trai, chỉ có một mình thiếp, nên xin gì cũng được. Sau, cha thiếp mất, nhà cửa sa sút, thiếp phải sống gửi ở nhà bà họ Cố. Bà Cố là vai dì của thiếp, thấy ngọc trai, nhiều lần muốn đem bán. Thiếp nhảy xuống giếng toan tự tử, vì thế đến nay vẫn còn.
Vợ chồng cùng nói:
- Vật mười năm, lại về chủ cũ, chẳng phải là số ư?
Cô gái bàn rút ra một đoá hoa ngọc trai khác nói:
- Vật này đã lâu không có đôi rồi!
Nhân tặng cả cho người thiếp và tự tay cài lên mái tóc cho. Người thiếp lui xuống, hỏi gia thế cô gái rất kỹ, người nhà đều không dám nói. Nàng nói vụng với chàng rằng:
- Thiếp trông nương tử không phải là người trần. Ở khoảng mắt và lông mày có thần khí. Hôm qua, lúc cài hoa, thiếp được nhìn gần, thấy vẻ đẹp từ bên trong da thịt toát ra, không phải như người thường, chỉ hơn nhau ở chỗ trắng đen bên ngoài mà thôi!
Chàng cười. Nàng lại nói:
- Xin chàng đừng nói gì, để thiếp thử xem. Nếu là thần thì mình muốn gì, cứ ở chỗ vắng người, đốt hương cầu khắn là nương tử khắc biết.
Cô gái vốn có đôi tất thêu rất đẹp, Bác Sĩ vẫn thích mà chưa dám nói, ngay lúc ấy bèn vào buồng đốt hương cầu khấn. Cô gái bèn dậy sớm, bỗng mở hòm lấy đôi tất, sai con hầu đem cho Bác Sĩ.
Chàng thấy thế bật cười. Cô gái hỏi cớ sao, mới nói thật. Cô gái nói:
- Con bé ấy linh mẫn thật!
Nhân thấy Bác Sĩ thông minh, càng yêu thương. Mà Bác Sĩ càng cung kính, cứ tờ mờ sáng tất tắm gội để lên hầu.
Về sau, Bác Sĩ đẻ một lần hai con trai, hai người chia nhau nuôi.
Chàng đã tám mươi tuổi, mà diện mạo cô gái vẫn như người chưa lấy chồng. Chàng mắc bệnh, cô gái thuê thợ đóng cỗ quan tài rộng, to gấp đôi cỗ thường. Chàng mất, cô không khóc.
Các con vừa đi ra chỗ khác, thì cô đã tự chui vào áo quan mà chết rồi. Vì vậy cùng chôn chung. Ðến nay vẫn truyền tụng là ngôi mộ quan tài to
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top