Chương 20: Cuối đời
Sau Tết, Thái hậu Thái phi dời cung, hơn mười vị tần phi có địa vị thấp đều phải tới Phục Long Tự để cầu phúc cho Tiên đế. Trong số đó, người trẻ nhất chưa tới ba mươi nhưng họ sẽ phải sống quãng đời còn lại trong cô quạnh.
Tổ chế là như vậy, ta chỉ có thể cho người sửa sang lại Phục Long Tự, thay hết đồ đạc trong chùa, lo liệu đầy đủ ăn mặc cho họ. Ta còn đặc biệt dặn dò quản sự cô cô của ta, hàng tháng gửi một nửa lương bổng của ta đến chùa để họ có thêm sinh hoạt phí. Ta sợ họ cô đơn, mà đúng lúc mấy tháng trước hai con mèo mẹ trong đám mèo của Gia Lạc vừa sinh ra một bầy mèo con, ta liền tặng cho mỗi người một con để bầu bạn. Nếu có ai không thích mèo, muốn chó cũng được, ta sẽ sai người tìm cho họ, không khó khăn gì.
Ngày họ đến từ biệt ta, ai nấy đều dập đầu rất chân thành, ôm mèo và chó không giấu được nụ cười, khiến ta thấy yên tâm phần nào.
Theo lý mà nói, làm vậy là không hợp quy tắc nhưng bây giờ con trai ta là Hoàng đế rồi, ai dám nói gì?
Ngày đầu tiên Trường Tư đăng cơ, nó liền tuyên bố, để tỏ lòng thương tiếc, trong vòng ba năm không tuyển tú nữ. Các đại thần như Công vương, Thuận vương, Hàn tướng quân, Ôn thừa tướng, Trung thư lệnh đều cho rằng đó là quyết định đúng đắn. Trường Tư và Uyển Uyển cứ thế tự nhiên thể hiện tình cảm trong cung. Uyển Uyển muốn dọn đến ở Vị Ương cung nhưng nó không chịu, cứ giữ nàng lại ở Vĩnh An cung, ra ngoài lúc nào cũng nắm tay nàng. Mỗi lần Uyển Uyển đến chỗ ta ngồi chơi một lát, nếu không thấy nàng đâu, Trường Tư lập tức vội vã chạy đi tìm.
Thế cũng tốt, ta thầm nghĩ, mong rằng có thể kéo dài mãi mãi.
Ôn Quý Thái phi lại rất thông suốt: "Con cháu có phúc của con cháu, mỗi người có duyên phận của mình. Ngươi còn lo lắng gì nữa? Cứ để bọn chúng tự lo. Chúng ta lo được cho bản thân là tốt rồi!"
Nàng quả thực nhìn thấu mọi chuyện. Tiểu Tứ đã có con, Trường Ức và Khang Lạc đều đã mang thai, chỉ có Tiểu Ngũ vẫn là một kẻ độc thân. Vương Thái phi thỉnh thoảng vẫn lo lắng nhưng Ôn Quý Thái phi và Tống Thái phi thì hoàn toàn không bận tâm.
Vương Thái phi than thở: "Tiểu Ngũ hồi bé đáng yêu biết bao! Thằng bé đẹp đẽ, ai gặp cũng thích, sao lớn lên lại ngốc nghếch thế này?"
Ôn Quý Thái phi đáp: "Thành hôn thì có gì hay? Hồi đó ta cũng không muốn thành hôn. Ta đồng ý vào cung là vì nếu không được sủng ái thì chẳng khác gì chưa cưới chồng. Tiểu Ngũ không muốn thành hôn thì thôi! Thà không cưới còn hơn làm hại một cô gái nào đó."
Tống Thái phi thì nói: "Tất cả đều tùy duyên mà thôi. Trong câu chuyện mới của ta, Tiểu Ngũ đã cưới một tiểu tiên nữ rồi đấy nhé!"
Đức Thái phi bế đại tôn tử Tiểu Thanh Mi khuyên nhủ: "Đừng thế chứ, Tiểu Ngũ cũng không còn nhỏ nữa. Cưới vợ sớm, sinh con sớm, chúng ta còn có thể giúp trông nom. Nếu để lâu nữa, chúng ta sẽ không còn đủ sức mà chăm."
Ôn Quý Thái phi cười: "Chăm, chăm cái gì mà chăm! Ta thà ôm một con mèo rồi đi đến Phục Long Tự còn hơn!"
Đức Thái phi nói rằng mèo sao có thể tốt bằng chó, thế là cuộc trò chuyện hoàn toàn đi chệch hướng.
Uyển Uyển lén nói với ta rằng, nghe nói hôm qua Ngự sử đã chỉ trích Tiểu Ngũ trên triều đình là người vô phép tắc, lãng phí thời gian vô ích. Đêm qua Tiểu Ngũ ngồi trên nóc nhà Ngự sử, gõ bát hát cả đêm bài Liên hoa lạc, giờ còn đang ngủ bù. Trường Tư muốn đánh hắn một trận.
Ta còn chưa biết nói gì thì Tiểu Ngũ đã khóc lóc chạy vào Từ An cung, gọi "Mẫu hậu cứu mạng!" Trường Tư và Tiểu Tứ mỗi người cầm một cây gậy đuổi theo sau, tội nghiệp Trường Niệm nhảy cẫng lên phía sau, la lớn: "Tứ ca, Lục ca, đừng đánh, đừng đánh! Đánh Tiểu Ngũ thì huynh ấy sẽ bỏ nhà theo đám bạn ăn mày mà đi ăn xin mất!"
Tiểu Ngũ làm gì có gan đi ăn xin, hắn cứ trốn trong Từ An cung ăn uống no nê, đợi đến khi Trường Tư nguôi giận lại mặt dày đến cầu xin khoan hồng. Trường Tư chẳng biết làm sao, đành tha cho hắn. Tiểu Tứ muốn dạy dỗ hắn vài câu, Tiểu Ngũ liền muốn hát một đoạn Liên hoa lạc khiến Tiểu Tứ sợ quá bỏ chạy.
Uyển Uyển đã có thai, Trường Tư suy nghĩ hồi lâu, bắt đầu vừa lo liệu quốc sự vừa học cách thay tã từ Tiểu Tứ. Kỹ thuật thay tã của Tiểu Tứ là do Đức Thái phi dạy, hắn cũng đã làm cha nên rất thành thạo. Trường Tư rất ngưỡng mộ. Được Trường Tư kính nể, Tiểu Tứ liền bắt tay vào biên soạn cuốn [Cẩm nang nuôi dạy con dành cho nam giới]. Các lão Ngự sử trong triều lên tiếng chỉ trích hắn nhưng Nhị ca của Uyển Uyển là Triệu đại nhân lại tranh luận với họ, trích dẫn kinh điển, thao thao bất tuyệt, khiến đối phương bị mắng cho không còn mặt mũi.
Cuối cùng, Trường Tư nói rằng muốn trị quốc trước tiên phải tề gia, mà tề gia thì quan trọng nhất là dạy dỗ con cái. Ngài yêu cầu các đại thần về nhà viết bản cảm nhận về việc giáo dục con cái, hôm sau cùng thảo luận. Nếu có ai chưa kết hôn, chưa có con ư? Đúng là số khổ, vậy hãy viết kế hoạch nếu kết hôn thì sẽ dạy con ra sao.
Trường Tư kể chuyện này cho ta nghe, ta thở dài: "Thật hiếm có khi các vị lão thần ở triều đình lại để mặc con làm loạn như vậy."
Trường Tư nói: "Các đại thần trong triều đều là do Tiên hoàng đích thân chọn lựa, từng người đều được uốn nắn kỹ lưỡng, rất có chừng mực. Họ biết rõ cái gì nên quản và cái gì không nên can thiệp. Về quốc sự tuyệt đối không ai dám đùa giỡn, còn chuyện nhà của hoàng gia thì họ sẽ không dễ dàng xen vào."
Tiên hoàng, Tiên hoàng...
Ta nói: "Con cũng phải chăm chỉ trị quốc. Phải biết rằng, giang sơn này rồi sẽ giao lại cho đứa bé ngoan ngoãn trong bụng của Uyển Uyển."
Uyển Uyển dụi đầu vào vai ta, nũng nịu: "Mẫu hậu, nó không ngoan đâu, hôm qua nó còn đạp con!"
Cả triều đình đang học cách trở thành một người cha tốt, thật kỳ lạ là Tiểu Ngũ lại không gây rối. Ta bảo Trường Niệm đi theo dõi hắn, cuối cùng nàng báo lại rằng gần đây Tiểu Ngũ suốt ngày lởn vởn trước cửa nhà vị Ngự sử đã dâng sớ chỉ trích nó.
Gần đây Tiểu Ngũ suốt ngày quanh quẩn trước cửa nhà vị Trương Ngự sử, người từng dâng sớ chỉ trích nó.
Thật quá đáng! Người ta chỉ mới đàn áp hắn một lần, hắn đã ngồi trên mái nhà hát Liên hoa lạc suốt một đêm, thế là coi như đã huề rồi, còn muốn trả thù nữa sao?
Trường Niệm nói: "Không phải đâu, A nương, nghe nói nhà Trương đại nhân có một nữ nhi mười bảy tuổi, vị hôn phu đã mất từ nhỏ, mọi người đều bảo nàng là 'vọng môn quả'*, mà... Ngũ ca, ngũ ca nói cô ấy xinh đẹp."
*Goá chồng trước khi cưới
...Duyên phận thật là kỳ diệu, thực sự rất kỳ diệu. Ta đem chuyện này kể với Ôn Quý Thái phi và Tống Thái phi, Ôn Quý Thái phi liền bắt đầu chuẩn bị may đồ cho nhi tức phụ tương lai của mình. Đến khi động tay kim chỉ mới phát hiện không biết kích cỡ, nàng lập tức gọi Tiểu Ngũ vào hỏi.
Tiểu Ngũ ngập ngừng đáp: "Mẫu phi... con không biết ạ..."
Tống Thái phi hỏi: "Con vẫn chưa ôm cô ấy à?"
Tiểu Ngũ: ...Chưa.
Ôn Quý Thái phi tức giận: "Sao con lại vô dụng như vậy? Tống mẫu phi của con viết bao nhiêu cuốn thoại bản, đầy rẫy các tình tiết mà con vẫn không học được sao?"
Tống Thái phi tiếp lời: "Đúng rồi! Con lớn lên nghe thoại bản của ta đấy!"
Tiểu Ngũ phân trần: "Con đã thử rồi! Con hát Liên hoa lạc cho nàng nghe, nàng sợ quá khóc rồi. Con nhảy vào phòng nàng từ cửa sổ, nàng cũng khóc. Con còn gọi mấy người bạn giả làm kẻ xấu..."
Xong rồi, đứa trẻ này ngốc thế này, e là sẽ độc thân cả đời mất thôi.
Cuối cùng Tống Thái phi đích thân bày kế, Gia Lạc và các tỷ muội phải vắt óc tìm cớ mời Trương gia cô nương đến phủ trò chuyện. Gần một năm sau, Tiểu Ngũ mới đắc ý dắt tay tân nương của mình vào cung cho chúng ta "mở mang tầm mắt".
Tức phụ Tiểu Ngũ là một nữ tử rụt rè, nhút nhát, nói năng nhỏ nhẹ, đứng cạnh Tiểu Ngũ, tên "bạo quân" ấy, khiến chúng ta không nhịn được mà liên tục dặn dò: "Nếu Tiểu Ngũ bắt nạt con, nhớ vào cung nói với chúng ta nhé!"
Chúng ta vây quanh nàng mà hỏi đông hỏi tây. Đức Thái phi vừa hỏi vừa tính toán, rồi reo lên đầy phấn khởi: "A! Con là cháu gái của tỷ tỷ bên ngoại của chị dâu của đại cô tử của muội muội ta đó!"
Nàng liền cụng ly với Ôn Quý Thái phi: "Chào thông gia!"
Tức phụ Tiểu Tứ đang mang thai đứa con thứ ba, Đức Thái phi lén nói với ta: "Nếu là con gái thì tốt quá."
Nàng mỉm cười: "Ta luôn thích con gái, trắng trẻo, mềm mại, hôn một cái là thấy tan chảy. Không giấu gì ngươi, hồi chưa vào cung, ta chỉ muốn tìm một nam nhân làm quan nhỏ, không cần nhiều tiền, sinh bốn đứa con, hai trai hai gái, gia đình hòa thuận ấm no. Buổi tối thắp đèn, hắn dạy bọn trẻ học, còn ta may vá quần áo cho chúng... Không giấu gì ngươi, thỉnh thoảng ta vẫn mơ về điều đó."
Nói đến đây nàng bật cười: "Thật chẳng ra gì, đời người dài như vậy, mà ta chỉ ước mong có một căn nhà nhỏ với hai ba gian phòng, đúng là quá không có chí lớn."
Có lẽ trời nghe được lời chúng ta nói, tức phụ Tiểu Tứ lần này sinh ra một tiểu nha đầu mũm mĩm.
Đây là đứa cháu gái đầu tiên của chúng ta, ai nấy đều vui mừng phát điên. Gia Lạc, Trường Ức, Khang Lạc cùng nhau đến phủ Công vương thăm cháu gái nhỏ, càng nhìn càng thèm muốn. Khang Lạc và Trường Ức chỉ sinh con trai đầu lòng thì thôi, tội nghiệp Gia Lạc đã xuất giá chín năm mà sinh bốn đứa con trai, bị bọn chúng hành hạ đến mức tuổi còn trẻ đã rụng tóc. Giờ nhìn thấy tiểu cô nương dễ thương, thơm phức kia, nàng ôm vào lòng không buông tay, khăng khăng đòi đổi bốn đứa con trai của mình để lấy con gái của Tiểu Tứ.
Tiểu Tứ nghiêm trang đáp: "Tam tỷ tỷ, Tử viết..."
Kết quả là chẳng đổi được con, Gia Lạc còn bị giáo huấn một trận, khiến tóc rụng thêm. A Cẩn thấy xót xa, định đánh Tiểu Tứ nhưng bị mấy lời "Thi, thư" làm cho choáng váng, cuối cùng quay về nhà cùng Gia Lạc thành đôi phu thê hói đầu.
Đức Thái phi mãn nguyện ôm đứa cháu gái nhỏ, chỉ muốn nhét nó vào túi để mang theo bên mình, không rời nửa bước. Đứa trẻ chưa tròn trăm ngày, nàng đã bắt đầu kiểm tra kho của mình để xem có gì có thể chuẩn bị làm của hồi môn cho đứa cháu gái yêu quý.
Cô bé lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, ba tuổi đã biết ngọt ngào gọi Đức Thái phi là "Tổ mẫu", rồi dịu dàng hôn nàng một cái. Đức Thái phi mãn nguyện nhắm mắt xuôi tay.
Nàng luôn là người hài lòng với cuộc sống, đến lúc sắp ra đi cũng nói với ta: "Cả đời ta cũng coi như rất tốt, chưa phải chịu khổ, bình an đến ngày hôm nay, lại có con cháu tiễn đưa, ở chốn cung đình này cũng coi như đã quá viên mãn rồi. Nhưng mà..." Nàng cười nhẹ, "Nhưng mà ta vẫn nhớ tới căn nhà nhỏ của mình. Kiếp sau chúng ta đừng gặp nhau trong cung nữa. Kiếp sau..."
Nàng nói đến đây liền mỉm cười, dung mạo đẹp như tranh vẽ: "Kiếp sau... ta sẽ trồng cây thường xuân trong sân nhà. Nếu có một ngày ngươi đi ngang qua một căn nhà với tường rào phủ kín thường xuân, nhớ gõ cửa xin ta một bát nước nhé."
Như sợ ta quên, nàng nắm tay ta, lặp lại lần nữa: "Nhớ đấy, đi ngang qua nhà ta thì phải gõ cửa xin nước uống."
Năm thứ năm sau khi Trường Tư lên ngôi, Uyển Uyển sinh hai đứa con trai, các huynh trưởng của nàng đều được trọng dụng, nàng vững vàng ngồi ở Trung cung. Có triều thần đề xuất tuyển tú nữ nhưng lần này trong cuộc tuyển chọn có vài cung nữ tranh giành, gây ra cái chết của một người. Hoàng thượng nổi giận, ra lệnh điều tra, kết quả phát hiện có người hạ độc, có kẻ nhận hối lộ, có kẻ trong lời nói bất kính với Triệu hoàng hậu... Hoàng thượng nhân cớ đó xử lý vài vị đại thần trong triều, người thì bị xử trảm, người bị lưu đày, người bị bãi quan, việc tuyển tú cũng dừng lại từ đó. Các triều thần hiểu rõ lòng vua, thêm vào việc Trung cung đã có con, từ đó rất hiếm ai nhắc đến việc tuyển tú nữa.
Khi Trường Niệm tròn hai mươi tuổi, không biết vì sao đứa trẻ vốn luôn ngoan ngoãn nghe lời bỗng dưng lại nổi loạn, nhất quyết đòi ra biên ải tòng quân. Các ca ca tỷ tỷ của nó không cản được, cuối cùng đến than thở với ta. Ta thở dài, nói: "Cứ để nó đi đi."
Trường Niệm quỳ trước mặt ta, khuôn mặt đầy vẻ áy náy. Nhưng ta thì lại nhìn thoáng hơn, ta nói với nó: "Cứ đi, đi đây đi đó cũng tốt. Đến Liêu Tây gặp Chu lão tướng quân, thay ta hỏi thăm ông ấy. Ông là cữu cữu của tam tỷ con, cũng là tam ca của Trung Mẫn Hoàng quý phi, phi tử của Tiên đế. Con còn nhớ Trung Mẫn Hoàng quý phi không? Khi con nhỏ, bà ấy thường làm nhiều món ngon cho con. Bà ấy ra đi khi con mới tám tuổi thôi."
"Con nhớ nói với ông ấy, tam tỷ con hiện giờ sống rất tốt, rất yêu thương tam tỷ phu của con. Đừng quên điều này."
Trường Niệm đáp: "Con nhớ mà, nhất định sẽ thay mẫu hậu nhắn nhủ."
Ba năm sau, Trường Niệm trở về kinh thành trong vinh quang sau chiến thắng dẹp loạn, mang theo bên mình một cô gái mặc áo đỏ, lúc nào cũng hoạt bát, ồn ào. Cô gái múa thương đỏ dũng mãnh, luôn líu lo bên cạnh Trường Niệm, dù Trường Niệm không đáp lại nhưng môi vẫn khẽ mỉm cười.
Cô gái họ Chu, lần đầu vào cung đã tặng ta một con dao găm thượng hạng. Nàng còn quay sang Uyển Uyển hồn nhiên nói lớn: "Ngươi thật sự rất xinh đẹp! Đẹp như vậy chi bằng cùng ta về Liêu Tây! Ở trong cung có gì vui đâu!"
Trường Tư và Trường Niệm cùng đen mặt.
Cuối cùng, nàng không đưa Uyển Uyển về Liêu Tây mà ở lại kinh thành và trở thành tiểu nhi tức phụ của ta.
Khi con gái của Tiểu Tứ lên tám tuổi liền vô tình nhắc đến chuyện về biểu ca ở nhà cữu cữu. Vương Thái phi nghe xong kéo nó lại hỏi kỹ chuyện bên ngoại. Khi biết được con trai út của họ vừa sinh đứa thứ hai và sắp tổ chức tiệc đầy tháng, nàng vui mừng làm hẳn một bàn toàn món yêu thích của cô bé.
Từ hôm đó, nàng ngã bệnh và không thể gượng dậy nữa.
Vào mùa xuân, khi nhìn những tán liễu xanh ngoài cửa sổ, nàng nói với ta và Tống Thái phi: "Chúng ta nhập cung vào ngày này, cách đây ba mươi lăm năm."
Ba mươi lăm năm rồi, ba mươi lăm năm, con người như cát bụi, ngay cả mùa xuân cũng đã già cỗi.
Giọng của Vương Thái phi nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng: "Gặp được các ngươi, ta rất vui. Giờ đây, con cháu đầy đàn, ta cũng vui lắm."
Dừng lại một lúc lâu, nàng khẽ nói: "Không biết ông ấy còn nhớ đến ta không."
Cuối cùng, một giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt nàng.
Ta chợt nhớ lại nhiều năm trước, khi chúng ta còn trẻ, nàng đã từng ngẩng cao đầu tại Vị Ương cung tâm sự với ta, kiêu hãnh không để rơi một giọt lệ.
Khi Vương Thái phi ra đi, người bạn thân nhất của nàng là Tống Thái phi cũng ngã bệnh. Đến mùa thu, nàng cười nói với ta: "Thật xin lỗi, ta chết thì không sao, nhưng để lại một cuốn thoại bản viết dở cho các ngươi, các ngươi không được giận đấy nhé."
Ôn Quý Thái phi tức giận, nhéo má nàng: "Chết rồi mà còn bày trò! Con nhóc chết tiệt!"
Ta nói: "Ngươi viết xong thoại bản rồi hãy đi, được không?"
Nàng nhắm mắt lại, rồi đột nhiên hỏi: "Các ngươi có biết trong cung này, ta ghen tị với ai nhất không?"
"Ta ghen tị với tỷ tỷ Vương gia nhất, đến lúc chết mà vẫn còn có người để thương nhớ."
"Trong cung này có biết bao người, cả đời không kịp yêu ai, cũng chẳng kịp được ai yêu, rồi cứ thế kết thúc cuộc đời mình."
"Thoại bản của ta có kết thúc hay không có quan trọng gì đâu... Trong cung này có bao người, chính mình còn chẳng có nổi một câu chuyện, thế mà đã hết đời rồi."
"Ta thật sự ghen tị với nàng, ta thật sự rất ghen tị với nàng!"
Cả đời nàng viết biết bao nhiêu câu chuyện tình yêu dữ dội cho các cô gái, nhưng bản thân nàng chẳng có gì cả, chỉ có một tiếng thở dài bi ai vào lúc sắp lìa đời.
Cứ thế, những người cũ trong cung lần lượt ra đi. Trường Tư sợ ta và Ôn Quý Thái phi cô đơn, không chỉ ngày ngày cùng Uyển Uyển và lũ trẻ đến bầu bạn, mà còn thường xuyên cho các huynh đệ tỷ muội của nó vào cung ở lại. Tiểu tôn tử, tiểu tôn nữ chạy quanh bên chúng ta, cãi nhau rồi lại làm hòa. Chúng ta chỉ mỉm cười nhìn, nhìn rồi chúng lớn lên lúc nào không hay. Một ngày nào đó, bọn chúng bắt đầu gọi ta là "Lão tổ tông."
Ôn Quý Thái phi cho đến lúc chết vẫn không rời cây kim sợi chỉ.
Tối hôm trước ngày nàng ra đi, trăng sáng rực rỡ, nàng mang tác phẩm thêu mới cho ta xem, đó là một bức bình phong thêu hai mặt, tám cô gái trẻ với những biểu cảm khác nhau, sống động như thật.
Ở trung tâm là Tiên Hoàng hậu, ôm một tiểu cô nương trong lòng, nghiêng người tựa vào ghế dài, mỉm cười lắng nghe. Bên cạnh là Hiền phi ngồi trên ghế đá, tay cầm sổ sách. Bên phải là Thục phi cầm khay, trên khay là món ăn sở trường của nàng: thịt viên om cua. Vương Thái phi cúi xuống bày biện đồ ăn, còn ta thì nhìn Thục phi cười, ánh mắt sáng như sao. Phía bên trái, Tống Thái phi khoanh tay sau lưng, rõ ràng là dáng vẻ quen thuộc khi kể chuyện, còn Đức phi thì lo lắng, tay kéo lấy ống tay áo của Ôn Quý phi, mà Ôn Quý phi thì xoay lưng về phía chúng ta, chỉ thấy nàng cầm khung thêu, ngẩng đầu lên nhìn Tống Thái phi.
Thêu trên góc phải bức bình phong là một dòng chữ nhỏ:
"Quân mai tuyền hạ nê tiêu cốt, ngã ký nhân gian tuyết mãn đầu."
(Dịch: Chàng nằm dưới suối vàng xương tan thành đất, ta nơi trần gian tóc đã bạc phơ.)
Tóc đã bạc phơ, tóc hai chúng ta đã trắng từ lâu rồi. Trong bức thêu này, chúng ta vẫn còn trẻ biết bao! Nàng chỉ vào bức bình phong, cười nói: “Nếu trăm năm sau có ai treo tất cả tác phẩm thêu của ta lên để người đời chiêm ngưỡng, ắt hẳn hậu thế sẽ khen ngợi rằng ta là một thiên tài.”
Đêm đó, trước khi đi ngủ, nàng còn dặn cung nữ thân cận giúp nàng phân chỉ thêu sẵn, để ngày mai nàng có thể dùng.
Nhưng nàng không bao giờ tỉnh lại nữa.
Ta nghĩ, đây là sự dịu dàng lớn nhất mà ông trời dành cho nàng, để nàng ra đi mà không phải chịu chút đau đớn nào. Cũng là sự dịu dàng lớn nhất dành cho ta, vì ta có thể tự nói với mình rằng nàng đang ngủ, rằng nàng vẫn còn ở đây.
Không biết bao nhiêu năm trôi qua, khi ta già đi, trí nhớ dần kém, ta bắt đầu nhầm lẫn tên các cháu chắt. Một ngày nọ, ta chỉ vào Gia Lạc và hoảng sợ kêu lên: “Thục phi nương nương, sao người già rồi? Người có tóc bạc rồi!”
Năm đó Gia Lạc đã sáu mươi mốt tuổi, từ lâu đã làm tổ mẫu, nhưng nàng nghĩ ta đang đùa nên đáp lại: “Con già rồi mà.”
Ta không vui, kéo tay áo nàng làm nũng: “Ngươi không già đâu! Ngươi vẫn đẹp lắm, đẹp lắm, đẹp lắm!”
Lúc đó, nàng mới nhận ra ta có điều bất thường, nàng hỏi: “...Mẫu hậu, người vừa gọi con là gì?”
Ta đáp: “Thục phi nương nương, ngươi bị ngốc à? Chúng ta dẫn Gia Lạc đi gặp Hoàng hậu nương nương có được không?”
Ta chỉ vào tiểu tôn nữ năm tuổi của Gia Lạc và nói: “Gia Lạc sao lại gầy đi thế này? Có phải nó lại lén nhịn ăn cơm không?”
Cả Từ An cung đều nhìn nhau ngơ ngác. Gia Lạc run rẩy đỡ ta dậy, nhẹ nhàng nói: “Đúng vậy, nó không nghe lời.”
Ta làm ầm lên đòi gặp Hoàng hậu, đòi mặc chiếc váy mới do Ôn Chiêu nghi làm cho ta, rồi lại hỏi Tống mỹ nhân đã xuất bản cuốn sách mới chưa, sau đó lại bảo rằng Đức phi không dẫn Tiểu Tứ và Tiểu Ngũ qua chơi sao?
Bọn trẻ vây quanh ta, vỗ về ta. Cuối cùng, chỉ khi gặp Uyển Uyển, ta mới ngoan ngoãn ngồi xuống, chờ “Thục phi nương nương” làm đồ ăn cho ta.
Gia Lạc vốn nấu ăn không giỏi, bưng lên món Thịt viên om cua có chút cháy, ta hỏi: “Thục phi nương nương, sao thịt viên này lại ngọt? Trước đây đâu có ngọt?”
Gia Lạc lúng túng đáp: “À... Đây là món mới con sáng tạo.”
Ta nói: “Đem nó đến Vĩnh An cung đi! Món này không ngon.”
Trường Tư bước vào cửa đúng lúc nghe được câu nói này, cười khổ. Thấy con đến, ta liền nắm chặt tay, kéo con lại gần: “Cuối cùng con cũng đến!”
Nó không hiểu chuyện gì, ta liền kéo nó đến trước mặt Uyển Uyển, rất trang trọng giới thiệu: “Đây mới là Kiều Kiều Nhi của ngài, đừng để lạc mất. Đây là Tu ca ca của người, không phải hoàng thượng đâu.”
Ta đặt tay hai người họ vào nhau: “Hai người phải nắm tay nhau, đúng rồi, như thế.”
Ta vui mừng vỗ tay: “Thế là tốt rồi, từ nay không được cãi nhau nữa!”
Trường Tư và Uyển Uyển nhìn nhau, cười đáp: “Vâng.”
Ta lại kéo Trường Tư hỏi: “Hai người hòa giải rồi à? Vậy ta có thể về nhà được không? Ta nhớ tổ mẫu quá.”
Ta òa khóc: “Ta muốn về nhà, ta muốn tổ mẫu…”
A Cẩn vội đến bên cạnh, ta nhìn thấy nó ấy liền nín khóc: “Đại ca, huynh đến đón Tiểu Liễu Nhi về nhà phải không?”
Nó đáp: “Phải.”
Ta sang nhà Gia Lạc ở mấy hôm, vẫn chẳng hiểu vì sao đại ca lại sống cùng Thục phi nương nương. Nhưng Tiểu Tứ, Tiểu Ngũ, Trường Niệm, Trường Tư và Khang Lạc ngày nào cũng đến thăm, ngày tháng rộn ràng đến mức ta quên cả thắc mắc.
Tiểu Liễu Nhi hôm nay đến nhà này ăn bánh, mai đến nhà kia xem thỏ con, hôm sau lại theo ai đó đi dạo phố, ngày ngày trôi qua thật vui vẻ! Một chiều tháng mười, ta cùng bọn trẻ trở về cung, cả gia đình cùng nhau ăn cơm. Đang ăn, ta bất ngờ gục xuống.
Khi tỉnh lại, đầu óc ta trở nên tỉnh táo, ta nói với Trường Tư: “Con nói sẽ yêu chiều Uyển Uyển mười năm, hai mươi năm, không được thất hứa đâu. Nếu con thất hứa... Uyển Uyển, nếu hắn thất hứa, con cũng đừng buồn. Cứ mặc kệ hắn, sống cuộc đời của mình thật tốt là được.”
Trường Tư vừa cười vừa khóc: “Con đã năm mươi tư tuổi rồi, a nương. Thái tử cũng đã cưới thái tử phi rồi, sao con có thể thất hứa được.”
Ta lại nhớ ra một chuyện: “Những tác phẩm thêu của Ôn Quý Thái phi, ngoài những cái được chôn theo nàng, vẫn còn vài món ở trong cung của ta. Thay vì để ở đây, năm này qua năm khác không biết lúc nào sẽ bị vứt đi, chi bằng hãy đặt chúng trong lăng mộ của ta, giữ gìn cẩn thận. Nếu trời thương xót, có lẽ một ngày nào đó sẽ được thấy ánh sáng, để người đời chiêm ngưỡng. Các con đừng quên nhé.”
Con cháu đồng loạt quỳ xuống, khóc lặng lẽ gọi ta. Ta bảo chúng từng người đến trước mặt ta, ta nhìn từng đứa một lần nữa. Sau khi nhìn xong, ta bỗng thấy lòng mình thật thanh thản, chỉ vào khung cửa sổ nói:
“Các con nhìn xem, trời đã sáng rồi.”
Năm đó ta tám mươi tuổi, đã năm mươi sáu năm trôi qua kể từ ngày ta vào cung.
(Hoàn chính văn)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top