Chương 4

"Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lao."

Không ngờ, đến tận bây giờ Liên mới cảm thấy thương nhớ cái "hương vị" ngọt ngào mà dễ mất đi như thế. Cô càng không thể ngờ chỉ trong một đêm mà bản thân lại mất mẹ, mất đi cả tuổi thơ ấm áp, mất đi chút hơi ấm mẫu tử cuối cùng. Giờ đây bỏ lại trong tâm hồn người thiếu nữ chỉ là mớ hỗn độn đau thương.

Trong đêm, phủ ông Huyện đã gấp rút treo các dãy khăn tang. Màu trắng ấy phủ đến đâu, dường như nơi ấy lại cô tịch đến đau lòng.

Liên ngồi gục cạnh quan tài mà nức nở, tiếng khóc của cô làm cho những người xung quanh không kiềm nổi sự xót xa. Bà Huyện thương cháu, sót con mà nhủ: "Liên ơi, con khóc đến ngất mẹ con cũng không sống lại. Ngoại sợ con ngã bệnh thì không hay, nín đi con ơi."

"Sao mẹ lại giấu bệnh mà bỏ con đi gấp vậy? Sao mẹ không nói với con?"

Bà Huyện xoa vai cô an ủi: "Mẹ con sợ con lo nên giấu, con cũng hiểu tính mẹ mà Liên. Đừng trách mà tội nó." - nói lời này, lòng bà cũng chạnh lại mà rơi nước mắt.

Liên vẫn chưa tin vào sự thật, cô đặt tay lên quan tài của mẹ: "Con cũng biết mẹ lo cho con, nhưng vậy thì ai lo cho mẹ? Con không thể hiểu nổi, mẹ tại sao lại phải cam chịu vậy..."

Một câu hỏi mà có lẽ vĩnh viễn Liên cũng không thể nghe trả lời từ chính mẹ của mình, có lẽ là mãi mãi như thế. Chỉ có điều, Liên đã biết rằng cũng vì mình mà mẹ phải hy sinh nhiều đến thế.

Lễ tang được cử hành theo các nghi thức cơ bản, vào sáng có người đi đến chùa kính thỉnh quý thầy đến tụng kinh, niệm phật hòng giúp cho linh hồn của bà Tuân sớm được siêu sinh. Trong lễ tang của bà, nhiều người thương cảm mà nói rằng: "Số của bà ta là số khổ, lúc sống phải thấy chồng chết oan, lúc chết không được phước gần con. Phận người nó trớ trêu vậy đó, tiếc cho bà ta một đời cực khổ."

Nhiều lúc, khi ngước lên trời cao mà than trách sao lại bất công với phận người như thế. Trời xanh nào có đáp lại, chỉ tự cho người khổ càng cảm nhận rõ cái khổ của đời, cho người có phước mà hưởng cái vui. Đôi lúc người ta tự cảm thán rằng đó là do "nhân quả công bằng", chịu cho đủ cái khổ, gieo đủ nhiều duyên lành thì lo gì thiếu phước mà hưởng.

Vì thế, bà Huyện lại than trách sự kém phước của nhà mình. Chuyện tang sự chưa xong thì lại có thư mời từ phủ Trưởng công chúa đến phủ ông Huyện, chuyện là phủ ấy vừa lập nên mời các quan đến chung vui.

Trên gian giữa, ông Huyện mời trà ông đồ từ phủ Công chúa. Chuyện đau thương chưa qua nên thần sắc cũng không còn tươi cười, thở dài một hơi, ông Huyện nói: "Xin ông thứ cho sự bất kính này, nhưng mà ông thấy nhà tôi đó..."

Ông đồ cũng chỉ cười ngượng đáp: "Nhà quan có tang thì con xin thay mặt cho phủ của chủ tiếc thương, nhưng mà lệnh mời này là trực tiếp từ đức Trưởng công chúa dành cho các quan, nên con cũng khó nói."

"Mong ông thương mà bẩm lại với các ngài việc của phủ tôi, thật tình chỉ sợ là vận rủi mất vui." - ông Huyện điềm đạm đáp.

Lúc này ông đồ cũng im lặng đôi chút, nếm vị trà trong tách xong, ông ta hít một hơi rồi tiếp lời: "Chuyện này... Vậy thì con sẽ bẩm lại với phủ Trưởng công chúa, các ngài cũng là bậc tỏ tường đạo lý nên chắc cũng ổn thoả."

Nghe lời này, ông Huyện cũng giãn cơ mặt ra đôi chút, đứng dậy chấp tay: "Vậy thì xin trông vào ông."

Ông đồ đồng thời cũng đứng dậy, hơi cúi người: "Quan cứ yên tâm! Vậy con xin phép quan trước." - ông đồ vái chào ông Huyện rồi ra về.

Chuyện với phủ Trưởng công chúa cũng tạm coi như đã xong, song ông Huyện lại sợ đây là điều khó với nhà ông về sau. Vì suy cho cùng ông cũng chưa biết về tính tình của người kia, càng không biết việc chối từ này có làm bà ấy phật lòng mà khó dễ hay không. Nghĩ đến đây, ông Huyện chỉ thở dài một cách não nề.

-o0o-

Ngày khai phủ là ngày vô cùng lông trọng, huống hồ lại là do Trưởng công chúa đứng ra tổ chức. Trên dưới trang hoàng đủ cách tôn nghiêm, chỉ có thế người ta mới cảm thán: "Quả thật nơi ở của hoàng tộc thì phải cao quý như thế này mới xứng danh, xứng phận."

Khách khứa vào phủ tất thảy đều là các quan, các bà thuộc lớp quyền thế, chức sắc. Bọn họ nhanh chóng tề tựu trước gian chính, ổn định một lúc thì một người đứng tuổi cũng là quan dưới quyền đứng ra đại diện.

Người này đan tay mà vái chào ông Tổng cùng Trưởng công chúa, sau đó lại đại diện chức sắc mà trình: "Dạ bẩm các ngài, con xin đại diện các quan, các vị ở đây mà trước để ra mắt, sau để tấu trình."

Lão nói khá lâu, đại ý chỉ là chúc cho quan mới cùng gia quyến an khang, lại chúc cho hậu vận sung mãn. Dĩ nhiên đối với người sống trong Nội đình từ nhỏ thì các lễ tiết rườm rà như thế này không ít lần Trưởng công chúa đã phải tham dự, bà khá chán ngán nhưng vẫn phải giữ vững phong thái uy nghiêm.

Kết thúc lời chúc, lão lại vái bề trên, đồng loạt phía sau cũng y như lão mà hành lễ. Ông Tổng lúc này mới gật đầu, lên tiếng: "Cảm tạ các quan đã bỏ thời giờ đến, phủ ta cũng xin đáp lễ."

Nói rồi ông Tổng hướng tay về phía gian bên, các ông cũng được người hầu dẫn vào gian phải mà dùng tiệc, còn về các bà thì lại được dẫn đến gian bên trái.

Lúc này, gian giữa chỉ còn lại Trưởng công chúa, ông Tổng cùng với số ít các quan có thẩm quyền lớn trong hai tỉnh là nán lại. Họ được người hầu dâng lên một mâm cỗ quý, những người dùng tiệc tại đây đa số đều là những người mà gia chủ coi trọng.

Vốn dĩ các bà phải dùng tiệc tại gian trái, nhưng Trưởng công chúa lại là một ngoại lệ. Bà cao quý, dù có gả theo chồng thì cũng được nhà chồng kính nể, xem như gia chủ mà cung phụng. Các con trai, con gái dù không phải là huyết mạch chính thống của Hoàng tộc nhưng vẫn được kính cẩn gọi tiếng "mệ".

Đang vừa gắp miếng thịt để vào chén, Trưởng công chúa lại bỏ xuống mà nhìn người hầu sau lời bẩm báo. Bà cau mày mà không nói gì, nhìn thái độ này từ khách khứa cho đến ông Tổng cũng có phần hơi kiên dè, họ tạm dừng trò chuyện. Họ khó hiểu nhìn nhau trong vô thức như đang dò ý đối phương.

Thấy vậy, Trưởng công chúa lấy làm mất hứng mà nói với những người xung quanh: "Các vị cứ dùng tiệc, chớ có kiên dè."

Nghe lời này, ai nấy cũng thở nhẹ một hơi. Tuy là nói không kiên dè nhưng từ đầu đến cuối, mỗi lần động đũa là mỗi lần họ như vờn với lửa, có người còn thầm nghĩ trước nay chưa từng ăn một bữa nào khó khăn như thế này.

Đến khi tiệc tan, khách về thì Trưởng công chúa mới để lộ vẻ bực bội. Bà ngồi xuống chiếc kỷ mà lòng bừng lửa giận, tách trà trên án cũng suýt hất văng xuống sàn.

"Nhà ông Huyện họ Võ cớ chi lại có tang? Tang của ai?" - bà gằng giọng hỏi ông đồ.

Người phía dưới đã toát cả mồ hôi mà vội thưa: "Dạ là con gái ông ta ạ."

"Con gái?"

Ông đồ lại tiếp lời: "Thưa đức ngài, ông Võ có người con gái đã goá chồng. Vì chết đột ngột mà phải làm lễ tang tại nhà cha mẹ đẻ."

Trưởng công chúa không nói lời nào, chỉ khẽ lườm ông đồ. Ông ta nói tiếp: "Vì sợ đem lại vận rủi trong ngày vui nên ông ta không dám đến dự."

"Hừ" - tiếng cười khẩy nhẹ bật ra từ miệng Phương Ninh công chúa.

Lúc này ông đồ đã sợ đến mức hai tay dần lạnh đi, ông ta cố nói thêm: "Lần này xét theo tình và lý thì khó lòng trách được, mong đức ngài suy xét mà thương cho."

"Ông nói xem, ta sẽ tha hay trách tội?"

"Dạ... Nếu là ý của ngài thì con không dám đoán ạ."

Trưởng công chúa lấy lại sự điềm đạm, bà hớp một ngụm trà rồi thảnh thơi tựa vào thành ghế: "Xét ra cũng đáng thương cho lão, coi như là đã tuyệt hậu nên ta cũng không cần phải khó dễ mà thất đức."

"Dạ thật ra cũng không hẳn, trước kia con gái ông ta lấy chồng là Tri huyện tiền nhiệm họ Hồ, nhưng vì hàm oan mà xử tội chết. Hai người trước đó vẫn có một người con gái, đến nay cũng đã lớn."

Trưởng công chúa nghe xong thì lấy làm hứng thú, bà hỏi thêm: "Hàm oan gì?"

Ông đồ thưa: "Dạ là năm đó mất mùa, triều đình hạ chỉ cứu trợ tại địa phương do các quan Huyện chỉ đạo. Không ngờ có kẻ gian tham mà ăn xén, sau khi kiểm kê trình lên bộ Hộ thì bị phát hiện mà phán tội chết. Sau này Tổng đốc tiền nhiệm lật lại xem xét vì thương cho cảnh khổ vợ ông ta nên được minh oan."

Khoé môi của Phương Ninh công chúa chợt cong lên: "Cũng ly kỳ lắm, mà vừa nãy ông có nói nhà này vẫn còn một người con gái đúng không?"

"Dạ phải, tên là Hồ Hương Liên."

"Sinh ra trong cảnh tang thương, không biết con bé này có điều chi khác biệt không. Quả thật nếu có dịp ta cũng muốn gặp mặt cho đỡ tò mò." - Trưởng công chúa nhìn ông đồ rồi nói tiếp: "Chút nữa đem ít quà viếng đến nhà ông Huyện kia, dù gì phủ ta cũng không phải là dạng không biết tình người."

Ông đồ hơi ngỡ ngàng, nhưng rồi liền định thần lại mà dạ vâng làm theo. Ông vừa thầm mừng cho nhà ông Huyện vì ít ra đức công chúa không nổi cơn thịnh nộ như những gì ông nghĩ, lại vừa cảm thấy bản thân vừa thoát khỏi cảnh khó xử giữa hai bên. Điều này làm cho ông đồ an tâm nở một nụ cười nhẹ nhõm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top