Chương 28: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân

Nhất Thống Thiên Hạ

Tác giả: sheepboy

Chương 28: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân

Lý Hạo ân cần bảo: “Đỗ ái khanh, mau bình thân, không cần đa lễ. Mọi chuyện đã qua, hãy cứ để cho qua. Điều cần thiết nhất của quân thần chúng ta lúc này là đồng lòng đồng dạ. Chỉ cần trẫm còn sống, kiếp này trẫm sẽ không bao giờ phụ khanh. Được rồi. Bàn chuyện chính sự. Chẳng lẽ không còn cách nào lung lạc được Lý Bát hay sao?”

Đỗ Kính Tu đứng dậy, cúi đầu trầm tư suy nghĩ thật lâu. Lý Hạo cũng không gấp gáp thúc giục, lẳng lặng ngồi một chỗ, xoay xoay ngọc tỷ mát lạnh trên bàn tay. Khoảng một lúc sau, Đỗ thái úy ngẩng đầu nói: “Bẩm hoàng thượng, lão thần nghĩ đến một người… Tuy nhiên … Hoàng thượng cũng phải đích thân đi mời.”

“Trẫm không nề hà gì cả. Bất quá, người đó ở nơi nào?” Lý Hạo bình thản cất tiếng.

“Bẩm hoàng thượng, người đó ở không xa, ngay tại kinh thành.” Đỗ Kính Tu ngập ngừng đáp.

“Kinh thành thì tốt. Trẫm có thể đi. Mà có gì uẩn khúc ở đây, khiến cho khanh cứ mãi ấp úng không nói được?” Lý Hạo chợt có cảm giác hứng thú về người được Đỗ Kính Tu tiến cử.

Lý Hạo nhận thấy ngón trỏ ở bàn tay phải của Đỗ Kính Tu giật giật ba lần, sau đó lão thái úy mới trả lời: “Người đó là Trần Trung Tá.”

Cố gắng lật ngược trí nhớ trong đầu của mình, Lý Hạo cũng không hề có chút thông tin gì về con người này, ngờ vực nói: “Tại sao lại là người của gia tộc họ Trần?”

Đỗ thái úy lắc đầu mà rằng: “Tuy cùng là người họ Trần, nhưng ông ấy là người của nhánh khác, không thuộc nhánh của gia tộc họ Trần ở vùng Hải Ấp. Trần Trung Tá trước kia là quan đồng liêu với lão thần. Thực ra người mà tể tướng Tô Hiến Thành coi trọng là Trần Trung Tá. Tô tể tướng lúc bệnh nặng sắp qua đời, đã đề bạt đưa ông ấy lên làm thái úy phụ chính. Nhưng thái hậu Chiêu Linh có dã tâm phế lập ngôi vua, hòng đưa ngoại thích lên nắm quyền hành. Nên bà bỏ ngoài tai lời dặn của Tô tể tướng, mà đưa lão thần lên làm thái úy phụ chính.”

Thở dài một tiếng, lão thái úy hồi tưởng lại quá khứ: “Rốt cục, thái hậu Chiêu Linh lại tính sai nước cờ. Lão thần lên làm thái úy phụ chính vẫn chi trì tiên đế Cao Tông. Thái hậu từ đấy từ bỏ việc phế lập, rút lui khỏi chính trường. Còn Trần Trung Tá sau này lại bị Đàm tộc chèn ép, ông ấy chán ngán chốn quan trường, cáo lão từ quan. Hiện nay, đang cư ngụ ở phủ đệ được tiên đế Anh Tông ban cho lúc xưa tại kinh thành.”

“Nói như thế, Trần Trung Tá còn có điểm đặc biệt hơn Đỗ ái khanh.” Lý Hạo cười cười ngắt lời Đỗ Kính Tu.

Ngước nhìn Lý Hạo, Đỗ Kính Tu gật mạnh đầu: “Bẩm hoàng thượng, đúng vậy, nếu luận về tài trị quốc an bang, lão thần so với Trần Trung Tá chỉ như đom đóm so với trăng rằm.”

Kinh ngạc trước lời nhận xét thẳng thắn của Đỗ Kính Tu, Lý Hạo cảm thán: “Thực có người như vậy? Hay là Đỗ ái khanh thổi phồng quá lên.”

Mỉm cười, lão thái úy nói với giọng tán dương: “Người được anh Hiến Thành thưởng thức, há có thể là người bình thường cho được. Dòng sông lịch sử vô cùng khắc nghiệt, dù cho người đó có tài năng thiên bẩm tới đâu, mà không có đất dụng võ, cũng sẽ bị cuốn trôi đi mất. Bẩm hoàng thượng, nếu như Trần Trung Tá gặp được minh quân, có thể thi thố tài năng, chắc là đất nước sẽ không rơi vào loạn lạc như bây giờ. Còn một điều nữa, ông ấy chính là bằng hữu chí cốt thâm giao với Lý Bát. Lão thần nói tới đây, có lẽ hoàng thượng đã hiểu.”

Vỗ mạnh lên bàn, Lý Hạo sảng khoái cất tiếng: “Hiểu, trẫm đã hiểu. Con người này, trẫm nhất định phải mời cho bằng được. Kế sách hợp tung, cơ bản đã định. Về phần ba thế lực hùng mạnh còn lại phải đối phó như thế nào?”

“Về phần ba thế lực còn lại, lão thần vẫn chưa có kế hoạch nào cụ thể. Nếu như tới lúc chúng ta liên minh các thế lực nhỏ yếu thành công. Lão thần dự đoán ba thế lực lớn sẽ nghĩ tới kế sách liên hoành. Điều chúng ta cần phải làm, là phá hủy kế sách này từ trong trứng nước. Để thực hiện được những kế đó, tất yếu sẽ trải qua muôn vàn khó khăn. Mặc dầu vậy, lão thần trộm nghĩ, kế sách khả thi nhất mà chúng ta có thể thực hiện được là kế ly gián.” Đỗ Kính Tu chầm chậm nói.

“Hợp tung, liên hoành, ly gián. Cao thâm quá. Khanh cứ từ từ nói, trẫm từ từ tiếp thu.” Lý Hạo đưa tay xoa lên hai bên huyệt thái dương, chớp chớp mắt để cho đầu óc tỉnh táo hơn.

Lão thái úy nói với giọng không nhanh không chậm: “Bẩm hoàng thượng, thời gian trước, lão thần vừa làm quan vừa làm nghề dạy học. Qua bao năm tháng, số lượng học trò của lão thần có rất nhiều, có những học trò được lão thần đề bạt tiến cử làm quan viên địa phương ở nhiều nơi. Có thể nói môn sinh của lão thần trải rộng khắp thiên hạ. Đó là một trong những điều khiến lão thần cảm thấy tự hào, đã một phần giúp ích cho giang sơn xã tắc.”

“Hoàng thượng đừng coi thường những kẻ thư sinh trói gà không chặt. Dù họ không có khả năng cầm đao cầm kiếm ra trận, nhưng họ có sự hữu dụng rất lớn. Tuy rằng họ chỉ là những người yếu đuối, nhưng trong đáy lòng họ có sự kiệt ngạo của bậc nho sinh. Lão thần sẽ bí mật gửi thư cho những môn sinh trung thành với hoàng thất, đưa ra lời hiệu triệu. Lão thần chắc rằng với tư tưởng nho gia thấm nhuần trong mỗi con người nho sinh này, họ sẽ đáp ứng. Từ đó họ sẽ trở thành lực lượng ngầm, chủ yếu thực hiện những việc kích động lòng dân, xúi giục nổi loạn, hoặc là loan truyền tin đồn ở những vùng cát cứ của ba thế lực lớn.” Đỗ Kính Tu càng nói càng hăng say như muốn thể hiện tất cả hoài bão đã ôm ấp trong lòng của lão bấy lâu.

Lý Hạo gật gù với vẻ huyền bí lên tiếng: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân.”

Đỗ Kính Tu ngây người, chìm vào suy nghĩ câu nói vừa rồi của Lý Hạo, lát sau than thở: “Hoàng thượng còn trẻ mà đã hiểu được đạo lý này, thật hiếm có.”

Chú thích:

“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”

Câu nói của Tuân Tử, là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc. Sau này, được danh nhân Việt Nam là Nguyễn Trãi trích lại.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top