XUNG THIÊN ĐẠI TƯỚNG QUÂN HOÀNG SÀO
Cuối triều Đường, qua hỗn chiến phiên trấn, hoạn quan chuyên quyền và các quan trong triều chia bè phái, đấu tranh kèn cựa nhau, nên triều chính hết sức hỗn loạn. Đường Tuyên Tông có thể được coi là 1 hoàng đế tương đối sáng suốt, nhưng cũng không thể xoay chuyển được cục diện. Sau khi Đường Tuyên Tông mất, 2 hoàng đế lần lượt kế vị là Đường Ý Tông Lý Thôi (làm vua từ 860-874) đều say mê hoan lạc, chìm đắm trong cuộc sống xa hoa thối nát tới cùng cực. Hoàng thất, quan liêu, địa chủ tăng cường bóc lột nông dân, thuế má ngày càng nặng, lại thêm thiên tai liên tiếp; nông dân phá sản, lưu tán khắp nơi. Nhiều người không chịu nổi cảnh bị bóc lột tàn tệ, liền tổ chức nhau lại vùng lên phản kháng.
Năm Đường Ý Tông lên ngôi (860), ở vùng Triết Đông nổ ra cuộc khởi nghĩa, từ 100 người phát triển tới 3 vạn, duy trì cuộc chiến đấu suốt 8 tháng, làm rung động cả Việt Châu (trị sở ở Thiệu Hưng, Triết Giang ngày nay). 8 năm sau, 800 binh sĩ đồn trú tại Quế Lâm, vốn đại đa số có quê quán ở Từ Châu, vì đã hết hạn mà quan trên không cho về, liền giết luôn kẻ chỉ huy, cử Bàng Huân làm thủ lĩnh, phát động khởi nghĩa. Họ từ Quế Lâm tiến quân lên phía bắc, tiến về quê hương. Dọc đường tiến quân và vùng quanh Từ Châu, nông dân rầm rộ hưởng ứng. Khi tới Từ Châu, đội ngũ đã phát triển tới 20 vạn quân. Hai cuộc khởi nghĩa trên đều bị quân triều đình đè bẹp, nhưng tinh thần phản kháng của nông dân ngày càng cao, qui mô của những cuộc khởi nghĩa sau này cũng ngày càng lớn. Cuối triều Đường, muối bị đánh thuế rất nặng, thương nhân lại đầu cơ nâng cao giá, nên nông dân không có muối ăn, nhiều người phải ăn nhạt. Nhiều nông dân nghèo phải bỏ việc canh tác vì thuế má nặng, đi làm nghề buôn bán muối để kiếm tiền. Nhưng làm nghề buôn bán muối cũng rất nguy hiểm, phải có nhiều người cùng làm để bênh vực nhau. Do đó, dần dần hình thành rất nhiều đoàn buôn bán muối. Trong số đó, có 1 số thủ lĩnh sau này sẽ trở thành thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân.
Năm 874, cũng tức là năm Đường Hy Tông lên ngôi, ở Bộc Châu (trị sở ở huyện Phạm, Hà Nam ngày nay) có 1 thủ lĩnh dân buôn muối là Vương Tiên Chi tụ tập mấy ngàn nông dân nổi lên khởi nghĩa ở Trường Đản (thuộc Hà Nam ngày nay). Vương Tiên Chi tự xưng là Thiên bổ bình quân đại tướng quân, tuyên cáo vạch trần tội ác của quan lại triều đình tạo nên cảnh chênh lệch giàu nghèo quá đáng. Lời tuyên cáo nhanh chóng được nông dân nghèo khổ hưởng ứng. Không lâu sau, ở Oan Cư (nay ở phía bắc huyện Tào, Sơn Đông), 1 người buôn muối tại địa phương là Hoàng Sào cũng khởi binh hưởng ứng.
Hoàng Sào từ nhỏ được học hành, lại biết cưỡi ngựa bắn cung. Ông từng tới Trường An thi tiến sĩ mấy lần nhưng đều không đỗ. Ở Trường An, ông được tận mắt chứng kiến cảnh hủ bại và đen tối của triều đình, ông rất phẫn nộ. Tương truyền trong thời gian đó ông đã viết bài thơ "Vịnh hoa cúc", dùng hoa cúc để ẩn dụ, nói lên quyết tâm lật đổ và lên thay thế triều Đường. Thơ viết:
"Đãi đắc thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai thời bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành tận đái "hoàng kim giáp".
Dịch thơ:
"Đợi đến mùa thu, tháng tám chín
Hoa ta nở ra, mọi hoa chết
Hương thơm ngút trời đẫm Trường An
Toàn thành đều khoác áo vàng rực".
Sau khi 2 đội quân khởi nghĩa của Vương Tiên Chi và Hoàng Sào hội họp với nhau, hoạt động suốt dải Sơn Đông, Hà Nam; liên tiếp đánh chiếm nhiều châu huyện, thanh thế mỗi ngày 1 lừng lẫy. Vương triều Đường vô cùng hoảng sợ, ra lệnh cho tướng lĩnh các địa phương trấn áp quân khởi nghĩa. Nhưng phiên trấn các nơi đều sợ giao chiến với quân khởi nghĩa, nơi này trông chờ nơi kia, triều đình cũng không biết làm thế nào. Không có sức đàn áp, triều Đường liền xoay sang biện pháp xoa dịu, mua chuộc. Trong lúc quân khởi nghĩa đánh chiếm Kỳ Châu (nay là Ký Xuân, Hồ Bắc), triều đình liền cử hoạn quan đến Kỳ Châu gặp Vương Tiên Chi, phong ông làm Tả Thần Sách quân Áp Nha kiêm giám sát ngự sử. Vương Tiên Chi thấy được làm quan thì mê muội đầu óc, tỏ ý sẵn sàng nhận chức. Hoàng Sao được tin, hết sức giận dữ, lập tức dẫn 1 số tướng sĩ đến gặp Vương Tiên Chi, mắng nhiếc thậm tệ, nói: "Khi bắt đầu khởi nghĩa, đã cùng nhau thề là sẽ đồng tâm hiệp lực để bình định thiên hạ. Nay ngươi muốn ra làm quan, bỏ rơi anh em chúng ta sao?".
Vương Tiên Chi chưa kịp phân trần, Hoàng Sào đã vung nắm đấm xông vào đánh, khiến Vương Tiên Chi máu me đầy mặt. Các tướng sĩ nghĩa quân đứng xung quanh đều nhao nhao trách mắng Vương Tiên Chi. Thấy sai lầm, Vương Tiên Chi phải nhận lỗi trước nghĩa quân và đuổi tên hoạn quan đi. Qua sự kiện đó, Hoàng Sào quyết định chia quân với Vương Tiên Chi, mỗi người tiến đánh 1 hướng, Vương Tiên Chi tiến về phía tây, Hoàng Sào tiến về phía đông. Không lâu sau, cánh quân của Vương Tiên Chi bị quân Đường đánh bại ở Hoàng Mai (thuộc địa phận Hồ Bắc ngày nay), bản thân Vương Tiên Chi bị giết. Sau thất bại đó, lực lượng nghĩa quân qui tụ xung quanh Hoàng Sào, mọi người tôn Hoàng Sào làm thủ lĩnh, xưng hiệu là Xung thiên đại tướng quân. Lúc đó, lực lượng quân triều đình ở Trung nguyên tương đối mạnh. Khi quân khởi nghĩa tiến ông Hà Nam, quân triều đình tập trung binh lực lớn gần Lạc Dương, chuẩn bị bao vây tiêu diệt nghĩa quân. Hoàng Sào biết được ý định đó, liền chọn khu vực quân triều đình mỏng yếu nhất, dẫn quân xuống miền nam. Họ nhanh chóng vượt Trường Giang, đánh tới Triết Đông. Thế quân khởi nghĩa như chẻ tre, liên tiếp đánh chiếm Việt Châu, Cù Châu (nay ở huyện Cù, Triết Giang). Sau đó, lại đục xuyên 700 dặm đường núi, mở thông đường từ Cù Châu tới Kiến Khâu (nay là Kiến Âu, Phúc Kiến). Qua hơn 1 năm ròng rã, nghĩa quân đánh tới Quảng Châu. Sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn ở Quảng Châu, miền Lĩnh Nam xảy ra nạn dịch.
Hoàng Sào quyết định đem quân tiến lên phía bắc. Triều đình lệnh cho tiết độ sứ Kinh Nam là Vương Đạc cùng tiết độ sứ Hoài Nam là Cao Biền hợp quân lại chặng đường. Quân khởi nghĩa lần lượt đánh bại 2 đạo quân đó rồi vượt Trường Giang. Cao Biền sợ hãi, lấy cớ bị trúng phong, ở tịt trong thành Dương Châu không dám ra ứng chiến. Quân khởi nghĩa vượt qua Hoài Hà, truyền hịch cho các tướng triều đình: "Chúng ta tiến công kinh thành, chỉ hỏi tội hoàng đế, không đụng chạm đến người khác. Các ngươi ai giữ địa giới người ấy, chớ có xúc phạm tới oai vũ quân ta".
Tướng lĩnh các nơi nhận được hịch truyền đều sợ hãi, chỉ muốn giữ gìn thực lực, không muốn dốc sức vì triều Đường. Tin tức truyền tới Trường An, Đường Hy Tông sợ hãi khóc sướt mướt trước các triều thần. Năm 880, Hoàng Sao dẫn 60 vạn đại quân, rầm rộ tới trước Đồng Quan. Khắp núi non đồng ruộng bên ngoài Đồng Quan đều phủ rợp cờ màu trắng của đoàn quân khởi nghĩa. Quan quân giữ thành lúc đầu toan cố giữ, Hoàng Sào thân tới trước trận đốc chiến, tướng sĩ quân khởi nghĩa thấy Hoàng Sào, đều hoan hô vang dậy, tiếng hò reo vang dội khắp núi, nghe như trời rung đất chuyển. Quân triều đình kinh hồn mất vía, sợ hãi đốt bỏ doanh trại rồi ôm đầu chạy trốn. Quân khởi nghĩa chiếm được Đồng Quan, khiến triều đình kinh hoàng hỗn loạn. Đường Hy Tông và đầu sỏ hoạn quan Điền Lệnh Tư dẫn các phi tần và hoàng thất chạy vào Thành Đô. Các quan triều đình không kịp chạy trốn, đều ra ngoài thành đầu hàng. Chiều hôm đó, Hoàng Sào ngồi trên kiệu vàng, có các tướng hộ vệ, tiến vào thành Trường An. Trăm họ trong kinh thành, già trẻ lớn bé dắt díu nhau đứng chật đường chào đón. Đại tướng nghĩa quân Thượng Nhượng tuyên bố trước dân chúng: "Hoàng Vương khởi binh là vì trăm họ, chứ không ngược đãi dân chúng như họ Lý (họ của hoàng đế triều Đường). Trăm họ hãy an cư lạc nghiệp". Binh sĩ của nghĩa quân thấy dân chúng nghèo khổ quá, đều đem chia cho họ những tài sản lấy được.
Mấy hôm sau, Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế ở cung Đại Minh trong thành Trường An, đổi quốc hiệu là Đại Tề. Trải qua 7 năm chiến đấu, cuối cùng quân khởi nghĩa đã giành được thắng lợi. Nhưng quân khởi nghĩa Hoàng Sào do tác chiến lưu động dài ngày, không để quân lại đóng giữ tại những vùng đã đóng chiếm được. Sau khi mấy chục vạn quân khởi nghĩa tiến vào Trường An, khắp vùng xung quanh vẫn còn thế lực quân Đường. Chẳng bao lâu sau, triều Đường điều binh mã các nơi về bao vây Trường An. Việc cung cấp lương thực cho Trường An gặp khó khăn nghiêm trọng. Hoàng Sào phái đại tướng Chu Ôn giữ Đồng Châu (nay là Đại Lệ, Thiểm Tây). Nhưng, trong lúc quân khởi nghĩa gặp khó khăn nhất, thì Chu Ôn đầu hàng triều Đường, trở thành tên phản bội nhục nhã. Triều Đường lại mời lực lượng dân tộc thiểu số là Sa Đà (1 dân tộc ở tây bắc Trung Quốc thời cổ) hợp sức với tiết độ sứ Nhạn Môn Lý Khắc Dụng dẫn 4 vạn kỵ binh tiến công Trường An. 15 vạn nghĩa quân nghinh chiến, nhưng bị đại bại, đành phải rút khỏi Trường An.
Hoàng Sào dẫn quân khởi nghĩa lui tới Hà Nam, lại bị Chu Ôn và Lý Khắc Dụng vây đánh. Năm 884, sau khi thất bại trong trận tiến đánh Trần Châu (nay là Hoài Dương, Hà Nam), Hoàng Sào bị quan quân đuổi riết và cuối cùng đã hy sinh anh dũng ở Lang Hồ Cốc thuộc dãy Thái Sơn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top