PHẠM CHẨN CHỐNG MÊ TÍN

Thời Năm Bắc Triều, Phật giáo dần dần thịnh hành. Trong triều đình Nam Tề, từ hoàng đế đến đại thần, đều đề xướng phật giáo. Tể tướng Nam Tề là Cảnh Lăng vương Tiêu Tử Lương là 1 người rất sùng tín Phật giáo. Tiêu Tử Lương có 1 biệt thự trên núi Kê Lung ở ngoại thành Kiến Khang. Ông thường chiêu đãi các danh sĩ văn nhân ở đây. Một lần, ông ta mời 1 số hòa thượng tới để giảng về đạo lý Phật giáo. Tiêu Tử Lương cung kính bưng cơm chay và bưng trà mời các hòa thượng. Có người cho rằng làm như vậy là mất thể thống của chức tể tướng, nhưng ông ta coi như không có chuyện gì.

Nhờ sự đề xướng của tể tướng, thế lực Phật giáo càng mạnh. Các hòa thượng ra sức truyền bá giáo thuyết của Phật giáo là sau khi người ta chết đi, linh hồn vẫn tồn tại. Còn nói là mỗi người giàu sang hay nghèo hèn đều là do nhân quả báo ứng từ kiếp trước. Người nghèo bị khổ sở, nhục nhã đều do số kiếp đã định, không có cách gì cưỡng lại được. Lúc đó, 1 nho sinh dũng cảm là Phạm Chẩn lên tiếng, vạch trần đó là 1 quan niệm mê tín, đề nghị mọi người đừng tin theo. Anh họ của Phạm Chẩn là Phạm Vân, người năng lui tới nhà tể tướng Tiêu Tử Lương. Tiêu Tử Lương nghe nói Phạm Chẩn dám công khai chống lại chủ trương đề xướng Phật giáo của mình thì vô cùng giận dữ, bảo Phạm Vân gọi Phạm Chẩn tới. Tiêu Tử Lương hỏi Phạm Chẩn: "Ngươi không tin thuyết nhân quả báo ứng, thì ngươi thử nói xem, có người sinh ra giàu sang, có người sinh ra lại nghèo hèn là tại sao?".

Phạm Chẩn không hề sợ hãi, trả lời: "Điều đó không có gì lạ. Lấy một thí dụ mọi người như một chùm hoa trên cây. Một cơn gió thổi, hoa bay lả tả. Có bông bay lọt qua rèm cửa, rơi xuống ghế ngồi; có bông bị thổi qua hàng rào, rơi xuống hố bùn".

Tiêu Tử Lương mở to mắt ngạc nhiên, chưa hiểu ý của Phạm Chẩn. Chẩn thong thả nói tiếp: "Bông hoa rơi xuống ghế ngồi, giống như Ngài; còn bông hoa rơi  xuống hố bùn, giống như tôi. Giàu sang, nghèo hèn là như thế. Làm gì có chuyện nhân quả báo ứng".

Phạm Chẩn từ chỗ Tiêu Tử Lương ra về, cảm thấy tuy đã phản bác được Tiêu Tử Lương, nhưng vẫn chưa nói được hết lý lẽ chống mê tín của mình, liền chuyên tâm ngồi viết 1 luận văn, nhan đề là "Thần diệt luận" (bàn về sự chết của tinh thần). Nội dung khái lược như sau: "Hình thể là bản chất của tinh thần. Tinh thần chỉ là sự biểu hiện và tác dụng của hình thể. Có thể ví hình thể và tinh thần với con dao và tính chất sắc bén. Không có dao thì không thể có tính chất và tác dụng sắc bén. Không có hình thể thì sao có được tinh thần?". Trong bài luận văn, Phạm Chẩn còn đoán định rằng, sau khi con người chết đi thì linh hồn không tồn tại. Mọi thuyết về nhân quả báo ứng, chỉ là trò bịp người.

Bài luận văn được công bố, khắp triều đình từ trên xuống dưới đều sôi sục. Một số người thân và bạn bè của Tiêu Tử Lương đều cho rằng không thể để mặc cho Phạm Chẩn nghĩ theo kiểu đó. Tiêu Tử Lương lập tức cho mời 1 số cao tăng đến để tranh luận với Phạm Chẩn. Nhưng lý luận của Phạm Chẩn bám chắc vào luận cứ khoa học, các cao tăng không có lý lẽ gì bẻ gãy được lập luận của ông. Có 1 tín đồ Phật giáo tên là Vương Viêm châm biếm Phạm Chẩn: "Này Phạm tiên sinh, ngài không tin thần linh. Thế thì ngài cũng không biết linh hồn của tổ tiên mình ở đâu nữa?".

Phạm Chẩn không chịu kém, lập tức châm biếm lại: "Thật đáng tiếc, Vương tiên sinh. Ngài đã biết linh hồn của tổ tiên mình ở đâu, thì sao ngài không sớm đi gặp các vị đó đi!".

Tiêu Tử Lương sợ ảnh hưởng của Phạm Chẩn quá lớn sẽ làm lung lay niềm tin của các tín đồ Phật giáo, liền cử 1 người thân tín là Vương Dung đến khuyên Phạm Chẩn: "Tể tướng là người hết sức quí trọng nhân tài. Người có tài như ngài, muốn làm tới chức Trung thư lang cũng chẳng khó gì! Sao ngài cứ một mực khổ công đưa ra luận điểm ngược dòng như thế. Theo tôi, ngài nên cho thu hồi bài văn không hợp thời ấy lại!".

Phạm Chẩn nghe xong, ngửa mặt cười ha hả, nói: "Phạm Chẩn tôi nếu vứt bỏ quan điểm của mình để xin làm quan, thì muốn chức quan to nữa cũng không khó, chứ chức Trung thư lang mà ngài nói đó có đáng kể gì!".

Tiêu Tử Lương không có cách gì đối phó với Phạm Chẩn, đành mặc cho ông tự do. Vương triều Nam Tề chỉ trải qua có 1 đời vua Tề Cao Đế và Tề Vũ Đế rồi xảy ra nội loạn. Thứ sử Ung Châu là Tiêu Diễn khởi binh đánh vào Kiến Khang. Năm 502, Tiêu Diễn diệt Nam Tề, xây dựng nên triều Lương. Đó là Lương Vũ Đế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: