NỮ ANH HÙNG VƯƠNG THÔNG NHI

Thời Hòa Thân cầm quyền, vương triều Thanh vô cùng thối nát, các quan lại địa phương tham ô ngang ngược, tiếng kêu oán thán của dân chúng vang khắp nơi. Vào lúc đó thì Bạch Liên giáo lại rất thịnh hành ở vùng Hồ Bắc, Hà Nam. Có 1 người tên là Lưu Tùng, người An Huy, đến Hà Nam truyền giáo. Ông ta lợi dụng việc chữa bệnh cho dân, khuyên họ nhập giáo. Sau bị quan phủ phát hiện, ông ta bị đày đi ở Cam Túc. Đồ đệ của Lưu Tùng là Lưu Chi Hiệp và Tống Chi Thanh trốn về Hồ Bắc, tiếp tục truyền giáo. Họ tuyên truyền nhà Thanh sắp diệt vong, trong tương lai sẽ xuất hiện 1 thế giới mới, những người nhập giáo đều được chia ruộng đất. Đám nông dân nghèo khổ trong vùng đã chịu đựng không biết bao nỗi khổ bị địa chủ bóc lột, họ mong muốn được chia ruộng đất, nên khi nghe những lời tuyên truyền ấy, liền lũ lượt tham gia Bạch Liên giáo. Tin ngày càng có nhiều người theo Bạch Liên giáo làm kinh động đến hoàng đế Càn Long. Ông ra lệnh cho các quan phủ ở các tỉnh phải tróc nã các giáo đồ. Bọn quan lại vốn rất giỏi đục khoét, nặn bóp dân đen trắng trợn, nhân cơ hội bèn cho bọn sai dịch đi mò từng nhà, từng hộ tiến hành tra vấn, không kể là giáo đồ hay không, cứ đều phải bỏ ra 1 số tiền "kính biếu" chúng. Những người có tiền thì bỏ tiền ra đổi lấy mạng, còn những người nghèo khổ không có tiền thì bị bắt vào tù, bị đánh đập, thậm chí mất mạng.

Ở Vũ Xương có 1 viên quan mưu mô đục khoét dân chúng. Việc không thành, ông ta liền bịa đặt ra 1 loạt tội trạng và vu cáo cho nhiều người khác. Vì thế, việc này liên lụy đến hàng mấy nghìn người. Thế rồi chẳng kể họ là giáo đồ hay chưa nhập giáo cũng đều bị bức hại đến tan nhà nát cửa. Dân chúng càng nghiến răng căm giận bọn cầm quyền. Thủ lĩnh Bạch Liên giáo là Lưu Chi Hiệp tới đất Tương Dương, triệu tập các giáo đồ lại bàn bạc. Mọi người nói: "Cái lối đời như hiện nay đúng là quan bức thì dân phải chống lại. Thế thì cứ dứt khoát làm phản cho xong". Qua trao đổi 1 hồi, họ đi đến 1 quyết định dùng khấu hiệu "Quan đã bức thì dân chống lại" để phát động quần chúng nổi dậy, đồng thời cử các giáo đồ chia ngả đi các nơi tuyên truyền.

Năm 1796, là năm Gia Khánh Đế lên ngôi, các giáo đồ Bạch Liên giáo khởi nghĩa ở Nghi Đô, Chi Giang (Hồ Bắc). Ngay tại Tương Dương cũng có thủ lĩnh Bạch Liên giáo là Tề Lâm, định khởi nghĩa vào đúng tết hoa đăng của đêm Nguyên Tiêu, chẳng dè bị lộ, đám quan phủ đến đánh úp, Tề Lâm và đồng bọn có đến trên 100 người bị sát hại. Tề Lâm có 1 người vợ trẻ tên gọi Vương Thông Nhi, nguyên là 1 người con gái mãi võ giang hồ, từ nhỏ đã dày công tập luyện võ nghệ. Cô quyết tâm báo thù cho chồng và những người tham gia khởi nghĩa. Vì thế, cô cùng với đồ đệ của Tề Lâm là Diêu Chi Phú cùng nhau chỉnh đốn lại đội ngũ nghĩa quân. Không đầy 5 tháng đã tổ chức xong 1 đội quân tới 400 vạn người. Vương Thông Nhi và các thủ lĩnh khác cùng chỉ huy đội ngũ tấn công khắp nơi, trừng trị bọn tham quan ô lại.

Khi Vương Thông Nhi khởi nghĩa ở Hồ Bắc thì các giáo đồ Bạch Liên giáo ở Tứ Xuyên, Thiểm Tây cũng nổi dậy hưởng ứng. Ngọn lửa khởi nghĩa đã lam rộng ra 1 vùng rộng lớn gồm 3 tỉnh, 1 số dân nghèo và dân tự do đã đến tham gia vào hàng ngũ nghĩa quân. Tướng Minh Lượng nhà Thanh hiến cho Gia Khánh Đế 1 kế sách độc ác, bắt các địa chủ ở các địa phương phải tổ chức các dân đoàn vũ trang, xây thành lũy và tường vây. Khi nghĩa quân đến thì đẩy dân vào bên trong vùng xây thành, khiến nghĩa quân không có sự giúp đỡ của quần chúng, không được cung cấp lương thực, kế này được gọi là "vườn không nhà trống". Gia Khánh Đế bắt các địa phương đều phải áp dụng kế sách đó, quả nhiên các hoạt động của nghĩa quân ngày càng khó khăn. Quân Thanh bao vây Vương Thông Nhi trên vùng Xuyên Bắc. Vương Thông Nhi mở lối thoát ra khỏi vòng vây của quân Thanh, trực tiếp chỉ huy 2 vạn người ngựa đánh vào Tây An. Không ngờ ở Tây An bị bọn quân quan đánh bại, đến lúc quay trở lại Hồ Bắc thì bị tướng Minh Lượng chỉ huy quan quân truy kích sát gót. Nghĩa quân gặp thế bí, đằng sau là bọn quan quân nhà Thanh, đằng trước là cả đám dân đoàn vũ trang của địa chủ đánh chặn, cuối cùng bị lọt vào vòng vây của địch ở vùng Tam Xá Hà thuộc phía tây huyện Vẫn (tức là địa phận tỉnh Hồ Bắc ngày nay).

Vương Thông Nhi trong nguy hiểm không hề run sợ, bình tĩnh chỉ huy nghĩa quân lui vào rừng rậm ở Mao Sơn chuẩn bị tổ chức phá vây. Quân quan nhà Thanh phát hiện, liền vây chặt Mao Sơn, chúng ùn ùn xông lên từ trước và sau núi. Nghĩa quân chống cự rất ngoan cường, cuối cùng chịu thất bại. Vương Thông Nhi và Diêu Chi Phú thấy việc không thành, đành rút lên đỉnh núi lao mình xuống vực, hy sinh anh dũng. Sau khi vị nữ anh hùng Vương Thông Nhi hy sinh, nghĩa quân ở các nơi vẫn tiếp tục chống lại bọn quân quan. Vương triều Thanh phải mất 9 năm trời mới trấn áp xong cuộc khởi nghĩa lan rộng đó. Thế nhưng, sau khi bị đòn nặng đó, vương triều Thanh như bị vấp ngã không gượng dậy được.

Gia Khánh Đế chết đi, con trai của ông là Mân Ninh kế vị, đó là Thanh Tuyên Tông, còn gọi là Đạo Quang Đế. Sau khi Đạo Quang Đế lên ngôi, vương triều Thanh ngày càng suy yếu, các quốc gia tư bản chủ nghĩa phương tây tranh thủ thời cơ gấp rút xâm lược, nguy cơ của dân tộc ngày càng nghiêm trọng. Đến năm 1840, cũng là năm thứ 20 kể từ lúc Đạo Quang Đế lên ngôi thì bùng nổ chiến tranh thuốc phiện. Kể từ đó về sau, Trung Quốc từ 1 xã hội phong kiến đã từng bước dần biến thành xã hội nửa thực dân nửa phong kiến. Nhân dân Trung Quốc anh dũng triển khai cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, không chịu bị khuất phục, chống lại tư bản chủ nghĩa đế quốc, chống lại ách thống trị của phong kiến, người trước ngã, người sau tiếp tục tiến lên.

------------------------------------------------------------------HẾT----------------------------------------------------------------

Lề: thế là mình đã cop xong hết 261 chương, 3 quyển trong tác phẩm "Lịch sử Trung Quốc 5000 năm" của tác giả Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương. Mình xin cảm ơn mọi người đã đọc, nhấn thích và cmt tác phẩm này, hy vọng bộ sách này đã mang lại kiến thức bổ ích cho mọi người. Nhưng mình thấy tác phẩm này còn thiếu đi 1 vài nhân vật Trung Quốc thời xưa, mà không thấy người biên dịch đề cập tới. Sau này, mình sẽ tìm kiếm nhiều tác phẩm hay và chia sẻ cho mọi người cùng xem. 

Ở cuối bộ sách này là những niên biểu thời gian và mốc lịch sử lớn cho mọi người dễ nhớ, nhưng mình không cop; nhưng nếu có ai cần thông tin hay muốn đọc thì cmt cho mình, mình sẽ cop lại cho các bạn. Một lần nữa mình xin cảm ơn những ai đã đọc, đang đọc, và sẽ đọc bộ tư liệu lịch sử này. Thân!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: