NHAN CHÂN KHANH KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT

Qua biến loạn An - Sử, triều Đường từ chỗ cường thịnh trượt dài xuống suy yếu. Tiết độ sức các nơi thừa cơ chuyên quyền, mở rộng binh lực tạo nên tình hình phiên trấn cát cứ, ảnh hưởng của triều đình bị thu hẹp. Sau khi Đường Đại Tông chết, con là Lý Quát lên ngôi, đó là Đường Đức Tông. Đường Đức Tông muốn thay đổi chế độ phiên trấn, kết quả dẫn tới việc nổi loạn của các phiên trấn. Đường Đức Tông phái binh thảo phạt, không những không dẹp được, mà còn làm cho phản loạn lan rộng thêm. Năm 782, 5 phiên trấn cuối cùng nổi loạn, trong đó lực lượng của tiết độ sứ Hoài Tây là Lý Hy Liệt hùng mạnh nhất, hắn tự xưng là thiên hạ đô nguyên soái, đem binh tấn công triều Đường. 5 trấn cuối cùng nổi loạn, khiến triều đình rung động, Đường Đức Tông tìm tể tướng Lư Kỷ tới bàn. Lư Kỷ nói: "Không sao! Chỉ cần cử một người có đạo đức cao, uy tín lớn đến khuyên bảo họ thì không cần dùng tới đao thương, cũng có thể dẹp yên phản loạn".

Đức Tông hỏi: "Khanh xem có thể cử ai đi?".

Lư Kỷ tiến cử Nhan Chân Khanh, 1 lão thần đang làm thái sư cho thái tử. Đức Tông đồng ý ngay. Nhan Chân Khanh là 1 lão thần rất có danh vọng lúc đó. Trước loạn An - Sử, ông làm thái thú Bình Nguyên. Sau khi An Lộc Sơn nổi loạn, đại đa số các quận Hà Bắc đều bị quân phiến loạn chiếm, chỉ có thành Bình Nguyên được Nhan Chân Khanh kiên quyết chỉ huy chống giữ, nên không lọt vào tay giặc. Sau đó, người anh em họ của ông là Nhan Quả Khanh khởi binh ở Cao Thành, được 17 quận ở Hà Bắc hưởng ứng. Mọi người tiến cử Nhan Chân Khanh làm minh chủ. Ông đã lập công lớn trong việc dẹp loạn An - Sử. Thời Đường Đại Tông, ông được phong là Lỗ Quận Công. Vì vậy, mọi người gọi ông là Nhan Lỗ Cung. Nhan Chân Khanh còn là nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Chữ viết của ông khỏe khoắn, mạnh mẽ, biểu hiện tính cách kiên cường của ông. Người đời gọi lối chữ của ông là "Nhan thể". Nhan Chân Khanh có nhân cách chính trực, thường bị bọn gian nịnh vu cáo, phỉ báng nhưng vì có uy tín cao, nên những kẻ đó vẫn phải tỏ ra tôn kính ngoài mặt. Tể tướng Lư kỷ là kẻ gian ngoan hiểm độc. Hắn vốn căm ghét Nhan Chân Khanh nhưng chưa tìm được cách hạ thủ. Lần này nhân có cuộc phản loạn của phiên trấn, hắn tiến cử Nhan Chân Khanh đi thuyết phục, chính là để hãm hại ông.

Lúc đó, Nhan Chân Khanh đã là 1 cụ già ngoài 70 tuổi. Rất nhiều quan văn võ trong triều thấy triều đình cử ông đi tới chỗ quân phiến loạn, đều lo lắng cho sự an toàn của ông. Nhưng Nhan Chân Khanh vẫn điềm nhiên, mang theo mấy người tùy tùng đến Hoài Tây. Lý Hy Liệt thấy Nhan Chân Khanh tới, muốn cho ông 1 đòn phủ đầu. Khi gặp mặt, hắn cho gọi các bộ tướng và con nuôi, tất cả tới hơn 1000 người tới tiền sảnh. Nhan Chân Khanh vừa cất lời khuyên Lý Hy Liệt đình chỉ phản loạn thì bọn bộ tướng và con nuôi xông tới, tên nào cũng cầm dao sáng loáng, vừa chửi rủa, vừa uy hiếp, làm ra vẻ muốn giết ông ngay. Nhan Chân Khanh không hề sợ hãi, mặt không biến sắc, chỉ cười nhạt nhìn chúng. Lý Hy Liệt vờ vịt xông tới che cho Nhan Chân Khanh, đuổi các bộ tướng và con nuôi ra, sau đó hắn đưa Nhan Chân Khanh tới dịch quán, hòng bắt ông khuất phục dần dần.

Mấy ngày sau, 4 tên cầm đầu các phiên trấn nổi loạn khác cùng lúc cử người tới, liên lạc với Lý Hy Liệt, khuyên Lý Hy Liệt lên ngôi hoàng đế. Lý Hy Liệt mở tiệc lớn chiêu đãi chúng, mời Nhan Chân Khanh tham gia. Các sứ giả thấy Nhan Chân Khanh tới, liền chúc mừng Lý Hy Liệt: "Từ lâu đã nghe danh Nhan thái sư đức cao trọng vọng. Nay nhân dịp nguyên soái sắp lên ngôi hoàng đế, Nhan thái sư đến đây, chẳng phải là có ngay một tể tướng hay sao?".

Nhan Chân Khanh trợn mắt, mắng 4 tên sứ giả: "Tể tướng cái gì! Ta năm nay đã sắp tám mươi tuổi, không sợ gì các ngươi chặt đầu mổ bụng; lẽ nào lại để các ngươi dụ dỗ, uy hiếp!".

Bốn tên sứ giả tiu nghỉu, không nói năng gì được nữa. Lý Hy Liệt không có biện pháp gì, đành đem giam ông lại, cử 1 số lính ở bên ngoài giám sát. Bọn lính đào 1 hố có kích thước 1 trượng (=3,33m) ở ngoài sân, và nói là sẽ chôn sống ông ở đó. Hôm sau, Lý Hy Liệt đến thăm ông. Ông nói: "Việc sống chết của ta đã định rồi. Còn giở những trò dọa dẫm ra làm gì? Ngươi cứ chém ta một đao, có phải là thỏa thích hơn không!".

Một năm sau, Lý Hy Liệt tự xưng là Sở Đế, lại sai bộ tướng đến buộc Nhan Chân Khanh đầu hàng. Bọn chúng đốt 1 đống củi lớn, tưới đẫm dầu, dọa Nhan Chân Khanh: "Nếu không đầu hàng, sẽ ném vào đống lửa này!".

Nhan Chân Khanh không nói 1 lời, xông lên, nhảy thẳng vào đám lửa. Bọn tướng phản loạn vội vã ngăn ông lại, rồi báo cáo với Lý Hy Liệt. Mặc dù đã sử dụng mọi biện pháp, nhưng Lý Hy Liệt không sao buộc được Nhan Chân Khanh khuất phục. Cuối cùng, chúng đã buộc ông tự sát.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: