NHẠC GIA QUÂN ĐẠI PHÁ NGỘT TRUẬT

Nhạc Phi, người đã thu phục Kiến Khang, là 1 danh tướng trong cuộc kháng chiến chống Kim của Nam Tống, 1 anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Nhạc Phi là người quê quán ở Thang Âm, Tương Châu (nay là Thang Âm, Hà Nam). Năm ông sinh ra, Hoàng Hà đổi dòng, quê nhà gặp thủy tai lớn, gia đình rất khốn khổ. Từ nhỏ, Nhạc Phi đã khổ công học hành, đặc biệt thích đọc binh pháp. Ông rất khỏe, năm 19 tuổi đã kéo được cung lớn có sức căng 300 cân (=150kg). Nghe nói người đồng hương là Chu Đồng có võ nghệ cao cường, Nhạc Phi liền tô Chu Đồng làm sư phụ, học được tài bắn cung, bách phát bách trúng bằng cả 2 tay. Sau đó, Nhạc Phi tòng quân. Khi quân Kim đánh xuống phía nam, ông làm 1 chức quan võ nhỏ ở Đông Kinh. Một lần, ông dẫn hơn 100 kỵ binh luyện tập ở ven Hoàng Hà, bỗng trước mặt xuất hiện rất nhiều quân Kim. Các binh sĩ đều sợ hãi, nhưng Nhạc Phi bình tĩnh nói: "Quân địch tuy đông, nhưng chúng không biết ta có bao nhiêu người. Ta có thể đánh bại chúng trong lúc chúng không chuẩn bị".

Nói xong, liền dẫn quân xông sang trận địch, chém chết 1 tướng Kim. Quân lính được Nhạc Phi cổ vũ, đều hăng hái xông lên, quả nhiên đánh cho quân Kim tan tác. Từ đó, Nhạc Phi nổi tiếng về lòng dũng cảm. Mấy năm sau, ông trở thành 1 viên tướng dưới quyền Tông Trạch. Tông Trạch rất coi trọng ông, thường nói: "Tướng quân thật là trí dũng song toàn, dù các danh tướng thời xưa cũng chỉ như thế mà thôi. Nhưng nếu chỉ dựa vào tài xung hãm trận, cũng không phải là biện pháp bảo đảm thường thắng". 

Ông giao cho Nhạc Phi 1 bản trận đồ thời cổ, và nói: "Tướng quân hãy cầm lấy và chịu khó nghiên cứu, học tập".

Nhạc Phi tiếp nhận bản trận đồ, cảm tạ Tông Trạch rồi nói: "Tác chiến theo trận đồ là quy tắc thông thường của binh pháp, còn việc vận dụng linh hoạt, tùy cơ ứng biến lại cần sự khôn ngoan của tướng lĩnh!".

Tông Trạch nghe nói, gật đầu tán thưởng kiến giải của viên tướng trẻ. giống như Tông Trạch, Nhạc Phi xem việc chống Kim là trách nhiệm của mình. Sau khi Tống Cao Tông lên ngôi, ông dâng lên 1 sớ tấu, mong Cao Tông thân dẫn quân Tống bắc phạt để cổ vũ sĩ khí, khôi phục Trung nguyên. Ông còn phê phán chủ trương của phái chủ hàng Hoàng Tiền Thiệm, Uông Bá Ngạn. Sớ tấu dâng lên, Tống Cao Tông không những không nghe theo mà còn cho Nhạc Phi là 1 viên tướng nhỏ mà dám lạm bàn đại sự, liền cách chức ông. Sau khi Tông Trạch chết, Nhạc Phi thuộc quyền chỉ huy của quan trấn thủ Đông Kinh là Đỗ Sung. Quân Kim tiến công ào ạt, Đỗ Sung chạy xuống Kiến Khang. Ngột Truật tiến đánh Kiến Khang, Đỗ Sung lại đầu hàng nhục nhã. Quân tướng dưới quyền Đỗ Sung đều tan rã, chỉ có đội quân của Nhạc Phi vẫn còn kiên trì chiến đấu quanh vùng Kiến Khang. Nhân lúc Ngột Truật rút lui, ông bèn phối hợp với Hàn Thế Trung đánh cho Ngột Truật đại bại. Sau khi quân Kim rút về bắc, Tống Cao Tông từ Ôn Châu trở về Lâm An. Triều Kim liền dựng lên 1 hoàng đế bù nhìn là Lưu Dự cai quản Trung nguyên, lấy quốc hiệu Đại Tề, để làm tay sai cho triều Kim, quấy rối Nam Tống. Nhạc Phi nhiều lần dẫn quân đánh lui liên quân Kim - Tề, lập nhiều chiến công. Đến năm 32 tuổi, ông đã từ địa vị 1 tướng nhỏ được thăng lên chức Tiết độ sứ, ngang hàng với các danh tướng Hàn Thế Trung, Lưu Quang Thế, Trương Tuấn.

Chính vào thời kì này, ông đã viết 1 bài từ, điệu "Mãn Giang Hồng" được truyền tụng đời đời. Bài từ nói lên ý chí chống Kim hùng tráng của ông. Đoạn đầu bài từ viết:

"Nộ phát xung quan, bằng lan sứ, tiêu tiêu vũ yết,

Đài vọng nhãn, ngưỡng thiên trường khiếu, tráng hoài kịch liệt. Tam thập công danh trần dữ thổ, bát thiên lý lộ vân hòa nguyệt.

Mạc đẳng nhàn bạch liễu thiếu niên đầu, không bi thiết".

Dịch:

"Lửa giận sục sôi, tựa lan can, trời mưa vừa ngớt,

Phóng tầm mắt, ngửa mặt thét dài, tuôn trào nhiệt huyết,

Ba mươi tuổi công danh lầm bụi đất. Tám ngàn dặm dãi dầu đầu mây với nguyệt

Chớ phí hoài, bạc uổng mái đầu xanh. Ôi bi thiết!".

Nhạc phi 1 lòng khôi phục Trung nguyên, ông hết sức nghiêm khắc với bản thân mình. Tống Cao Tông sai người xây cho ông 1 tòa dinh thự. Ông từ chối, nói: "Quân thù còn chưa tiêu diệt được, sao đã vội lo đến nhà?".

Có người hỏi ông: "Thiên hạ đến bao giờ có thể thái bình?". Nhạc Phi trả lời: "Quan văn không tham tiền, quan võ không sợ chết thì thiên hạ mới có hy vọng thái bình".

Nhạc Phi thường xuyên chú ý rèn luyện quân đội. Ông thường dẫn tướng sĩ mang theo khôi giáp leo dốc, vượt hào, yêu cầu như khi đánh trận. Một lần, con ông là Nhạc Vân cưỡi ngựa xông lên dốc núi, vì ngựa trượt chân, bị ngã lăn xuống đất. Nhạc Phi biết chuyện, trách mắng Nhạc Vân rất nghiêm khắc. Các binh sĩ thấy chủ tướng đối với con cũng nghiêm như vậy, đều ra sức luyện tập chăm chỉ. Trong Nhạc gia quân (quân đội dưới quyền Nhạc Phi), kỷ luật đặc biệt nghiêm. Một lần, 1 tên lính tự tiện lấy bó gai của dân để bó củi, bị Nhạc Phi phát hiện, trừng phạt nặng. Khi Nhạc gia quân hành quân qua làng, đến đêm đều ngủ ven đường. Dân chúng mời vào nhà, cũng không ai dám vào. Trong Nhạc gia quân có 1 khẩu hiệu: "Chết rét cũng không dỡ nhà dân, chết đói cũng không cướp bóc".

Đối với tướng sĩ, Nhạc Phi vừa yêu cầu rất nghiêm, vừa quan tâm săn sóc. Binh lính nào ốm, ông đến tự tay chăm sóc thuốc thang. Khi cấp dưới ra trận, ông bảo vợ đến chăm nom gia đình họ. Tướng sĩ nào hy sinh trên chiến trường, vợ con đều được nuôi dưỡng. Khi được cấp trên ban thưởng tiền bạc, ông đều đem chia hết cho tướng sĩ, không giữ lại chút gì cho gia đình. Được rèn luyện và chăm sóc như vậy nên Nhạc gia quân tinh thần hăng hái, chiến đấu dũng mãnh. Trước khi tác chiến, bao giờ Nhạc Phi cũng triệu tập tướng lĩnh, cùng bàn bạc phương án chiến đấu rồi mới xuất phát. Vì vậy, trong chiến đấu, không trận nào không thắng, chưa hề bị thất bại. Tướng sĩ Kim hễ thấy Nhạc gia quân là đều run sợ. Trong quân Kim lưu truyền 1 câu nói: "Núi lớn dễ lay, Nhạc gia quân khó chuyển".

Nam Tống có được những danh tướng như Nhạc Phi , Hàn Thế Trung, lại thêm sự phối hợp của các đội nghĩa quân do dân chúng tổ chức nên, vốn có đủ điều kiện để đánh lui quân Kim. Nhưng Tống Cao Tông bất chấp sự phản đối của các tướng lĩnh, một mực cầu hòa nhục nhã với Kim. Năm 1139, còn hèn hạ tới mức xưng thần với Kim và phải tiến cống hằng năm 25 vạn lạng bạc và 25 vạn tấm lụa. Bù lại, triều Kim trả lại vùng đất Thiểm Tây, Hà Nam cho Nam Tống. Tháng 10 năm 1140, triều Kim lại xé bỏ hòa ước, điều động quân tinh nhuệ trong toàn quốc, cử Ngột Truật làm tướng soái, chia quân làm 4 đường tiến đánh Nam Tống. Không tới 1 tháng, vùng đất được trao trả lại bị quân Kim chiếm. Vương triều Nam Tống đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Tống Cao Tông bất đắc dĩ phải hạ chiếu, kêu gọi quân các lộ cùng chống lại. Nhận được mệnh lệnh, Nhạc Phi 1 mặt cử các bộ tướng Vương Quí, Ngưu Cao, Dương Tái Hưng chia đường xuất quân, 1 mặt cử người lên liên lạc với thủ lĩnh nghĩa quân ở Hà Bắc là Lương Hưng, yêu cầu Lương Hưng lãnh đạo nghĩa quân quấy rối hậu phương địch ở Hà Đông, Hà Bắc. Nhạc Phi đóng quân ở Yển Thành để chỉ huy chung.

Chỉ trong mấy ngày, các cánh quân dồn dập báo tin thắng lợi, đã lần lượt thu phục được Dĩnh Xương (nay ở phía đông Hứa Xương, Hà Nam), Trần Châu (nay là Hoài Dương, Hà Nam). Ngột Truật, thống soái quân Kim đang ở Đông Kinh nghe tin Nhạc Phi tiến quân thì hết sức lo sợ, vội triệu tập các tướng dưới quyền tới bàn đối sách. Tất cả đều xôn xao, nói nếu là tướng Tống khác thì dễ đối phó, riêng với Nhạc gia quân thì hùng mạnh khó địch nổi. Nhưng đã trót tới đây, đành phải tập trung lực lượng, cùng Nhạc gia quân đọ sức 1 phen. Ngột Truật liền cùng Long Hổ Đại Vương, Cái Thiên Đại Vương đem đại quân tấn công Yển Thành. Ngột Truật tới Yển Thành, 2 bên Tống - Kim dàn thành trận thế. Nhạc Phi cử con là Nhạc Vân dẫn đội kỵ binh tinh nhuệ làm tiên phong. Ông nói với Nhạc Vân: "Trận đánh này, chỉ cho phép thắng. Nếu đánh không thắng, ta sẽ chém đầu ngươi!".

Nhạc Vân "dạ" 1 tiếng rồi dẫn quân xông lên, dũng mãnh giết địch. Quân Tống theo sau Nhạc Vân, đánh cho quân Kim tan tác, phơi thây đầy chiến trường. Ngột Truật bị thua trận đầu, liền dùng "Thiết phù đồ" để tiến công. "Thiết phù đồ" là đội kỵ binh được huấn luyện đặc biệt. Đội quân này dùng khôi giáp chắc, chia thành từng tốp 3 người ngựa, xung phong vào trận đối phương. Hai bên đội quân này lại có 2 đội kỵ binh bảo vệ bên sườn, dùng toàn kỵ binh nhẹ, gọi là "quải tử mã" (ngựa bên sườn). Nhạc Phi nhằm đúng nhược điểm của "quải tử mã", liền hạ lệnh cho tướng sĩ mang theo đao búa, đợi khi ngựa địch xông tới thì quỳ xuống, dùng đao búa chặt chân ngựa. Ngựa bị chém đổ, quân Kim ngã lăn xuống, bị quân Tống xông lên, đánh cho "thiết phù đồ", "quải tử mã" tơi bời, tan tác. Ngột Truật thấy tình cảnh đó, khóc rống lên, nói: "Từ ngày ta cất quân, đều dựa vào "quải tử mã" giành thắng lợi. Bây giờ thì toi hết rồi!".

Nhưng hắn còn chưa cam tâm thất bại, mấy ngày sau lại đốc thúc 12 vạn quân tiến công mãnh liệt vào quân Tống. Nhạc Phi cử Dương Tái Hưng dẫn 300 kỵ binh tuần tra trước trận, thấy quân Kim tới liền xông vào đánh, giết hơn 2000 địch. Dương Tái Hưng cũng bị trúng tên, hy sinh. Tướng Tống Trương Hiến từ phía sau đưa quân lên tiếp ứng, đánh tan quân Kim. Ngột Truật buộc lòng phải rút chạy. Thất bại ở Yển Thành, Ngột Truật đổi sang đánh Dĩnh Xương. Nhạc Phi đã dự đoán trước, liền cử Nhạc Vân đem quân cứu Dĩnh Xương. Nhạc Vân dẫn 8000 kỵ binh xông pha đánh giết, quân Kim không chống đỡ nổi. Tiếp đó, bộ binh Tống lại phối hợp với nghĩa quân bao vây từ 2 phía tả, hữu, đánh cho quân Kim thua 1 trận lớn. Lúc đó, nghĩa quân ở Thái Hàng Sơn do Lương Hưng lãnh đạo cùng với các cánh nghĩa quân 2 bên bờ Hoàng Hà cũng sôi nổi hưởng ứng. Họ giương cờ Nhạc Phi, vận chuyển lương thực của chúng. Quân Kim lâm vào tình cảnh nơm nớp sợ hãi. Nhạc gia quân đánh thắng hết đợt này tới đợt khác, tới tận Chu Tiên Trấn, cách Đông Kinh bốn năm chục dặm. Nghĩa quân Hà Bắc nghe tin Nhạc gia quân đánh tới Chu Tiên Trấn, đều hân hoan phấn khởi, vượt Hoàng Hà tới hợp lực với Nhạc gia quân. Dân chúng nô nức dùng xe cộ chở lương đến úy lạo Nhạc gia quân, có người còn bưng bát hương tới đón tiếp. Ai nấy mừng vui rơi nước mắt.

Chứng kiến tình hình đó, Nhạc Phi không nén được sung sướng. Ông khuyến khích cấp dưới: "Chúng ta hãy cố gắng giết địch. Đợi đến khi phá tan Hoàng Long Phủ (đại bản doanh quân Kim), sẽ cùng với anh em các cánh quân khác cùng uống rượu mừng!".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: