NGỤY TRƯNG CAN NGĂN THẲNG THẮN

Sau sự biến cửa Huyền Vũ, có người tố cáo với Lý Thế Dân là ở Đông cung có 1 viên quan tên là Ngụy Trưng đã từng tham gia vào quân khởi nghĩa của Lý Mật và Đậu Kiến Đức. Sau khi Đậu Kiến Đức thất bại, Ngụy Trưng đến Trường An và trở thành thủ hạ của Kiến Thành, đã từng khuyên Kiến Thành giết Lý Thế Dân. Lý Thế Dân thấy nói vậy, lập tức cho người tìm Ngụy Trưng tới. Khi Ngụy Trưng vào phủ, Tần vương Lý Thế Dân hầm hầm hỏi giận hỏi: "Tại sao ngươi dám xúi bậy ly gián anh em ta?".

Mọi người xung quanh thấy vậy, cho rằng Tần vương muốn trả món nợ cũ, đều toát mồ hôi lo thay cho Ngụy Trưng. Nhưng Ngụy Trưng vẫn bình thản, trả lời không hề sợ hãi: "Đáng tiếc là lúc đó thái tử không nghe lời tôi. Nếu không, không thể xảy ra chuyện như vừa rồi".

Tần vương nghe nói, cảm thấy Ngụy Trưng nói năng thẳng thắn, tỏ ra gan dạ và có hiểu biết, không những không trách mắng, mà còn nói rất hòa nhã: "Việc đã qua, không nên nhắc tới nữa".

Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông thăng Ngụy Trưng lên làm Gián nghị đại phu, ngoài ra còn tuyển chọn 1 số người trước kia là thủ hạ của Kiến Thành, Nguyên Cát, phong cho quan chức. Những quan lại trong phủ Tần vương cũ thắc mắc, phàn nàn riêng với nhau: "Chúng ta đã theo hoàng thượng bao nhiêu năm. Nay hoàng thượng phong quan tước, lại cho người cũ của phủ Đông cung và Tề vương được hưởng lợi. Không hiểu thế là thế nào?".

Tể tướng Phòng Huyền Linh nói cho Đường Thái Tông biết điều đó. Đường Thái Tông cười nói: "Triều đình đặt ra quan chức để cai trị đất nước, cần phải chọn người hiền tài, chứ sao lại lấy mối quan hệ để làm tiêu chuẩn chọn lựa. Nếu người mới có tài năng, người cũ không có tài năng thì không nên bài xích người mới mà cứ sử dụng người cũ!". Mọi người nghe nói lại, không nói gì được nữa.

Đường Thái Tông không ghi thù hận cũ, biết lựa chọn nhân tài và khuyến khích các đại thần nói thẳng ý kiến của mình. Vì vậy, có việc gì các đại thần đều mạnh dạn nói ra, đặc biệt là Ngụy Trưng, luôn suy nghĩ chu đáo mọi công việc của triều đình, có ý kiến gì đều trực tiếp nói với Đường Thái Tông. Đường Thái Tông cũng hết sức tín nhiệm ông, thường gọi ông vào nội cung để nghe ông trình bày. Có lần, Đường Thái Tông hỏi Ngụy Trưng: "Các hoàng đế trong lịch sử, tại sao có người rất sáng suốt, có người lại rất u mê?".

Ngụy Trưng trả lời: "Ai biết lắng nghe mọi ý kiến thì sẽ sáng suốt, ai chỉ nghe theo một loại ý kiến thì sẽ u mê". Rồi ông kể ra các thí dụ về Nghiêu, Thuấn và Tần Nhị Thế, Lương Vũ Đế, Tùy Dạng Đế và nói: "Vị hoàng đế nào trong khi cai trị thiên hạ, biết tiếp nhận ý kiến của bên dưới thì tình hình bên dưới có thể thông suốt lên trên, những kẻ thân tín bên mình muốn che đậy cũng không được".

Đường Thái Tông gật đầu lia lịa, nói: "Đúng! Đúng! Khanh nói rất đúng!".

Một hôm khác, sau khi đọc xong văn tập của Tùy Dạng Đế, Đường Thái Tông nói với các đại thần tả hữu: "Trẫm thấy Tùy Dạng Đế là người có học vấn uyên bác, biết rõ Nghiêu, Thuấn là tốt; Kiệt, trụ là xấu; mà tại sao ông ta lại hành động buông thả vô độ như vậy?".

Ngụy Trưng đáp ngay: "Một hoàng đế mà chỉ dựa vào thông minh uyên bác thì không đủ mà còn phải khiêm tốn lắng nghe ý kiến các bày tôi. Tùy Dạng Đế tự cho mình là tài cao, nên kiêu ngạo tự mãn, nói lời nói của Nghiêu, Thuấn, nhưng làm những việc của Kiệt, Trụ; càng về sau càng hồ đồ nên đã tự tạo nên sự diệt vong".

Đường Thái Tông nghe xong, xúc động sâu xa, thở dài nói: "Ồ, những bài học của quá khứ đúng là thầy dạy của chúng ta".

Thấy chính quyền ngày càng được củng cố, Đường Thái Tông rất phấn khởi. Ông thấy những lời khuyên của các đại thần rất có ích cho mình, nên nói với họ: "Trị nước giống như trị bệnh. Tuy bệnh đã khỏi, vẫn cần chăm sóc thân thể cho tốt, không thể buông thả. Nay Trung nguyên đã an định, bốn phương đã qui phục, từ xưa tới nay hiếm có thời kỳ nào được như thế này. Nhưng chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, chỉ lo rằng không giữ được như thế này mãi. Vì vậy, trẫm còn phải tiếp tục nghe ý kiến can gián của chư khanh".

Ngụy Trưng nói: "Trong hoàn cảnh an bình mà bệ hạ còn lo nghĩ tới lúc nguy cấp thì chúng thần hết sức phấn khởi".

Sau đó, càng ngày Ngụy Trưng càng nêu nhiều ý kiến. Hễ thấy Thái Tông có điểm gì không đúng là ông đều ra sức tranh biện. Có lúc, Đường Thái Tông thấy khó chịu, sầm mặt lại, nhưng Ngụy Trưng vẫn tiếp tục nói, khiến Đường Thái Tông không dứt ra được. Một lần, khi lâm triều, Ngụy Trưng tranh cãi với Đường Thái Tông đến đỏ mặt tía tai. Đường Thái Tông không muốn nghe nữa toan nổi nóng, nhưng lại ngại làm như thế trước mặt các đại thần thì làm mất tiếng tốt xưa nay là chịu tiếp thu ý kiến của các đại thần, nên ông đành gắng nhịn. Sau khi thoái triều, Đường Thái Tông hầm hầm tức giận trở về nội cung, vừa gặp mặt Trưởng Tôn hoàng hậu, liền bực tức nói: "Thế nào cũng có ngày ta phải giết chết lão già nhà quê đó".

Trưởng Tôn hoàng hậu rất ít khi thấy Thái Tông nổi nóng như vậy, liền hỏi: "Chẳng hay bệ hạ định giết ai vậy?".

Đường Thái Tông nói: "Vẫn là cái lão Ngụy Trưng đó chứ còn ai nữa! Bao giờ lão ta cũng làm nhục trẫm trước các đại thần, trẫm không thể nào nhịn được nữa!".

Trưởng Tôn hoàng hậu nghe nói vậy, lặng lẽ trở về nội thất, thay mặc triều phục rồi trở ra, sụp lạy trước Đường Thái Tông. Đường Thái Tông ngạc nhiên hỏi: "Khanh làm gì vậy?".

Trưởng Tôn hoàng hậu nói: "Thiếp nghe nói chỉ có bậc thiên tử anh minh mới có được các đại thần chính trực. Nay Ngụy Trưng có thái độ chính trực như vậy, tỏ rằng bệ hạ rất anh minh, thiếp không thể không chúc mừng bệ hạ".

Lời nói đó như 1 chậu nước mát làm tiêu tan cơn giận của Đường Thái Tông. Từ đó, không những ông không còn giận Ngụy Trưng nữa mà còn khen ngợi: "Mọi người đều nói Ngụy Trưng có lời nói và cử chỉ thô lỗ, nhưng ta thấy đó chính là chỗ đáng yêu của ông ta".

Năm 643, Ngụy Trưng bị bệnh mất, Đường Thái Tông rất buồn rầu. Ông chảy nước mắt nói: "Người ta dùng đồng làm gương soi thì có thể thấy được y phục có chỉnh tề không; dùng lịch sử làm gương soi, thì có thể thấy nguyên nhân hưng vong của đất nước; dùng người làm gương soi, thì có thể thấy được công việc của mình là làm đúng hay sai. Ngụy Trưng mất đi, trẫm mất một tấm gương soi tốt".

Do Đường Thái Tông trọng dụng nhân tài và biết tiếp thu lời can gián của các đại thần, tương đối sáng suốt về chính trị, đồng thời chú ý giảm nhẹ lao dịch cho nhân dân, áp dụng các biện pháp phát triển sản xuất, nên thời kì đầu của nhà Đường đã xuất hiện cảnh tượng phồn vinh, trật tự xã hội tương đối ổn định. Lịch sử gọi thời kì này là "Trinh Quan chi trị" (nền thịnh trị dưới thời Trinh Quan. Trinh Quan hay còn gọi là Trinh Quán, là niên hiệu của Đường Thái Tông).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: