HẦU CẢNH, KẺ PHẢN PHÚC

Vào năm sau khi Lương Vũ Đế xuất gia lần cuối cùng, ông nằm mơ thấy 1 chuyện li kì: các thứ sử và thái thú của Bắc triều đều kéo nhau đến đầu hàng triều Lương. Đây chẳng qua chỉ là 1 ảo mộng do ông mơ tưởng lâu ngày tạo thành, nhưng bản thân Lương Vũ Đế lại cho là 1 điềm lành được trời phật báo trước. Hôm sau, trong buổi triều kiến bá quan, ông ta đem giấc mơ đó kể cho các quan nghe và nói: "Trẫm rất ít nằm mơ, giấc mơ này nhất định là một điềm tốt". Các quan nghe xong, đều tung hô "vạn tuế".

Hai mươi ngày sau, có tin đại tướng của Tây Ngụy là Hầu Cảnh phái người đến, nói là hắn có thù oán với cả Đông Ngụy và Tây Ngụy nên quyết định đầu hàng Nam Lương và còn nói là sẽ hiến cho Nam Lương cả 13 châu quận từ Hàm Cốc Quan về phía đông. Hầu Cảnh vốn là 1 đại tướng dưới quyền Cao Hoan, thừa tướng Đông Ngụy. Cao Hoan giao cho Hầu Cảnh 10 vạn quân để trấn thủ vùng nam Hoàng Hà. Khi sắp chết, Cao Hoan thấy Hầu Cảnh không đủ tin cậy, liền cử người triệu Hầu Cảnh về Lạc Dương. Hầu Cảnh nghe tin Cao Hoan chết, liền không nghe theo mệnh lệnh của Đông Ngụy, mà đem binh mã sang hàng Tây Ngụy. Thừa tướng Tây Ngụy là Vũ Văn Thái cũng không tin Hầu Cảnh, nên 1 mặt nhận đất của Hầu Cảnh, 1 mặt triệu Hầu Cảnh về Trường An để tước binh quyền của hắn. Hầu Cảnh không để Vũ Văn Thái lừa mình, liền quay sang đầu hàng Nam Lương.

Sua khi tiếp kiến sứ giả Hầu Cảnh, Lương Vũ Đế lập tức triệu tập đại thần lại bàn bạc. Đa số đại thần cho rằng giữa Nam Lương và Bắc Ngụy bao năm nay hòa thuận không va chạm gì với nhau, nay nếu lại tiếp nhận phản tướng của Bắc triều thì e rằng sẽ dẫn tới xung đột. Nhưng Lương Vũ Đế cho rằng tiếp nhận Hầu Cảnh thì có thể nhân cơ hội khôi phục được Trung nguyên. Lại nhớ tới giấc mơ của mình, ông cho rằng việc này là do Phật tổ phù hộ nên mới có. Vì vậy, ông không nghe lời khuyên ca của các đại thần, quyết định tiếp nhận sự đầu hàng của Hầu Cảnh, phong Hầu Cảnh làm đại tướng quân, tước vị là Hà Nam vương. Đồng thời phái cháu là Tiêu Uyên Minh dẫn 5 vạn quân lên tiếp ứng cho Hầu Cảnh. Tiêu Uyên Minh dẫn quân lên phía bắc, bị quân Đông Ngụy tiến công. Quân Lương từ nhiều năm nay không hề luyện tập chiến trận, kỷ luật và kỹ năng đều kém nên vừa giao phong với quân Đông Ngụy là tan vỡ, hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn. Tiêu Uyên Minh bị bắt sống.

Đông Ngụy lại tiến đánh Hầu Cảnh, Hầu Cảnh đại bại, chỉ còn hơn 800 người chạy xuống Thọ Dương thuộc Nam Lương. Đông Ngụy phái sứ giả đến Nam Lương, đề nghị 2 bên lại giảng hòa và Đông Ngụy sẵn sàng thả Tiêu Uyên Minh về Nam Lương. Hầu Cảnh được tin, rất sợ hãi, liền nghĩ ra 1 kế thăm dò, phái 1 người giả làm sứ giả Đông Ngụy, đi xuống Kiến Khang đưa thư đề nghị đổi Tiêu Uyên Minh lấy Hầu Cảnh. Lương Vũ Đế không phân biệt được thật giả nhận được thư liền phúc đáp ngay, là chỉ cần Tiêu Uyên Minh được tha về thì sẽ lập tức trao Hầu Cảnh cho Đông Ngụy. Hầu Cảnh vốn đã không thực lòng đầu hàng Nam Lương, nay lại xem được thư của Lương Vũ Đế muốn bán rẻ mình, liền quyết định chống lại Nam Lương. Số quân trong tay Hầu Cảnh đã bị Đông Ngụy đánh cho tan tác, nhưng đối với triều Nam Lương thối nát thì lại vẫn là 1 lực lượng lợi hại. Khi quân đội Hầu Cảnh sắp tới bờ bắc Trường Giang, Lương Vũ Đế phái cháu là Tiêu Chính Đức đem quân phòng thủ ở bờ nam.

Hầu Cảnh cử người dụ dỗ Tiêu Chính Đức là nếu chịu làm nội ứng thì sau khi lật đổ được Lương Vũ Đế, sẽ tôn Tiêu Chính Đức lên làm vua. Hám ngôi vị hoàng đế, được lời hứa của Hầu Cảnh, Tiêu Chính Đức liền bí mật phái mấy chục chiếc thuyền lớn, giúp quân Hầu Cảnh vượt Trường Giang, rồi lại tự mình dẫn đội quân đó qua Hoài Hà. Hầu Cảnh rất nhanh chóng tiến vào Kiến Khang, bao vây chặt Đài Thành là nơi cư trú của Lương Vũ Đế. Quân Hầu Cảnh dùng mọi biện pháp đánh phá Đài Thành, quân dân trong Đài Thành kiên quyết chống lại: dùng nước dập tắt lửa do địch bắn vào; dùng đá tảng phá vỡ thang đánh thành của địch. Quân Hầu Cảnh lại xẻ đất đắp núi để trèo vào thành, quân dân trong thành cũng đắp núi đất để chống lại. Hai bên giằng co trong hơn 130 ngày. Bắt đầu cuộc chiến tranh, trong thành có mười mấy vạn dân và hơn 2 vạn quân. Trong quá trình chiến đấu, số thì chết trận, số thì chết đói và chết bệnh, cuối cùng chỉ còn lại không đầy 4000 người. Trong thành đầy rẫy xác chết không có người chôn. Mọi người hết lòng mong ngóng quân đội của các vương chư hầu của các châu về cứu viện. Nào ngờ, các vương chư hầu đem hai, ba chục vạn quân về gần Kiến Khang rồi án binh bất động, lấy cớ còn chờ các cánh quân khác. Người được tạm thời cử làm làm đại đô đốc là Liễu Trọng Lễ thì nằm lì ở nhà, uống rượu vui chơi.

Một lần, Lương Vũ Đế hỏi các đại thần xem có cách gì để đánh lui quân Hầu Cảnh, thì 1 vị đại thần trả lời: "Các vương công đại thần dưới quyền bệ hạ đều là một lũ bất trung bất hiếu, sao có thể đối phó với quân phản nghịch được?".

Đến bước đó, không còn ai cứu vãn được tình thế nữa. Quân Hầu Cảnh tiến vào Đài Thành, Lương Vũ Đế trở thành tù binh của Hầu Cảnh. Hầu Cảnh tự phong làm đại đô đốc, nắm đại quyền trong triều. Trước hết, hắn giết kẻ đồng mưu vì hám làm hoàng đế là Tiêu Chính Đức, rồi giam lỏng Lương Vũ Đế, tiếp tế ăn uống rất hạn chế. Lương Vũ Đế thiếu thốn khổ sở quá, cuối cùng chết đói trong Đài Thành. Sau khi Lương Vũ Đế chết, Hầu Cảnh lần lượt lập nên 2 hoàng đế bù nhìn, mỗi người làm hoàng đế được 1 năm: đó là Tiêu Cương, tức giản Văn Đế năm 550 và Tiêu Đống, tức Dự Chương Vương năm 551. Cuối cùng, Hầu Cảnh phế Tiêu Đống, tự lập làm hoàng đế (năm 551). Hầu Cảnh tàn bạo, cho quân lính và tay sai thả cửa cướp bóc, tàn sát dân chúng, khơi dậy lòng căm thù sôi sục khắp miền Giang Nam. Năm 552, đại tướng triều Lương là Trần Bá Tiên và Vương Tăng Biện dẫn đại quân xuất phát từ Giang Lăng, tiến đánh Kiến Khang. Quân đội của Hầu Cảnh lập tức tan rã. Hầu Cảnh dẫn mấy chục thủ hạ dùng thuyền nhỏ chạy trốn, nửa đường bị thủ hạ giết chết.

Vương triều Nam Lương qua cuộc biến loạn này, nội bộ chia năm xẻ bảy. Đến năm 557, Trần bá Tiên xây dựng nên triều Trần ở Kiến Khang. Đó là Trần Vũ Đế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: