HÀN DŨ PHẢN ĐỐI VIỆC RƯỚC XƯƠNG PHẬT
Đường Hiến Tông dựa vào Bùi Độ, Lý Sóc dẹp được cuộc phản loạn Hoài Tây, cảm thấy vênh vang vì đã giành được công lớn, quyết định dựng 1 tấm bia ghi công để kỉ niệm chiến thắng to lớn ấy. Đang băn khoăn tìm chọn 1 người có văn tài xứng đáng làm công việc đó, thì biết được dưới quyền Bùi Độ có 1 viên quan Hành quân tư mã tên là Hàn Dũ, sở trường về viết văn, lại đã từng theo Bùi Độ tham gia cuộc chiến ở Hoài Tây. Đường Hiến Tông liền hạ chỉ Hàn Dũ khởi thảo "Bình Hoài Tây bi" (bài văn bia về việc đánh dẹp Hoài Tây). Hàn Dũ là 1 văn học gia kiệt xuất thời Đường, vốn quê ở vùng Hà Dương (nay là huyện Mãnh, Hà Nam). Ông thấy từ thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều về sau tập tục, thị hiếu xã hội ngày càng suy đồi, văn phong cũng nặng về hình thức hào nhoáng, các nhà văn chỉ chú trọng trau chuốt chữ nghĩa, gò bó vào biền ngẫu (thể văn có từng cặp đối nhau về nội dung và âm điệu) mà thiếu hẳn tình cảm chân thực. Ông quyết tâm đề xướng việc cải cách văn phong đó, đã viết rất nhiều bài văn có ảnh hưởng lớn trong văn giới. Chủ trương và thực tiễn sáng tác của ông trên thực tế là 1 hành động cải cách, nhưng vì ông cũng đồng thời chủ trương kế thừa 1 số truyền thống của tản văn thời cổ, nên cuộc vận động do ông đề xướng được gọi là "cổ văn vận động" (cuộc vận động cổ văn). Sau này, người ta coi ông và Liễu Tông nguyên là những người mở đầu "cuộc vận động cổ văn".
Không những giỏi văn chương, ông còn là 1 đại thần dám can thẳng thắn. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ viết "Bình Hoài Tây bi", ông liền làm 1 việc "đắc tội" Đường Hiến Tông, suýt chuốc lấy nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên do là vào những năm cuối đời, Đường Hiến Tông rất mê tín Phật giáo. Ông ta nghe nói trong chùa Pháp Môn ở Phượng Tường có 1 ngôi bảo tháp tên là Hộ quốc chân thân tháp. Trong tháp có thờ 1 đốt xương, tương truyền là đốt xương ngón tay của Thích Ca Mâu Ni, cứ 30 năm mới mở ra 1 lần cho mọi người vào chiêm ngưỡng, lễ bái. Làm việc đó thì có thể cầu được mưa thuận gió hòa, mọi người bình an. Đường Hiến Tông tin vào lời đồn đó, liền cử 1 đoàn gồm 30 người đến chùa Pháp Môn, tổ chức 1 cuộc đón rước long trọng, đưa đốt xương đó về Trường An. Trước hết, ông để đốt xương đó trong hoàng cung để thờ phụng. Sau đó, rước ra chùa cho mọi người chiêm ngưỡng. Tất cả vương công đại thần thấy hoàng đế cung kính thành tâm như thế thì dù bản thân tin hay không, cũng đều hùa theo. Rất nhiều người tìm mọi cách để tạo được cơ hội tới chiêm ngưỡng xương phật. Kẻ có tiền thì quyên góp tiền hương hỏa, người không có tiền thì xin những nén hương trong chùa để châm thành vết bỏng trên đầu và cánh tay, coi như biểu lộ lòng thành kính với Đức Phật.
Hàn Dũ xưa nay vốn không tin phật, nên càng không tin việc chiêm ngưỡng xương phật. Ông rất không hài lòng trước việc phô trương lãng phí để rước xương phật, nên liền dâng lên Đường Hiến Tông 1 sớ tấu, khuyên can Hiến Tông không nên tiến hành hoạt động mê tín. Trong sớ tấu, ông nói: ở Trung Quốc thời xưa không có Phật, chỉ từ sau thời Hán Minh Đế, đạo Phật mới từ Tây Vực truyền vào. Ông còn nói, trong lịch sử, phàm những vương triều nào tin vào Phật đều có thọ mệnh ngắn, đủ thấy Phật là không đáng tin.. Đường Hiến Tông xem sớ tấu đó, đùng đùng nổi giận, lập tức gọi tể tướng Bùi Độ tới, nói Hàn Dũ dám phỉ báng triều đình, không thể không xử tội chết. Bùi Độ vội vàng cầu xin cho Hàn Dũ, Đường Hiến Tông hơi dịu cơn giận, nói: "Hàn Dũ nói trẫm tin Phật quá mức, trẫm còn có thể khoan thứ cho hắn; nhưng hắn lại còn nói hoàng đế nào tin vào Phật thì thọ mệnh đều ngắn. Như thế chẳng phải là hắn rủa trẫm hay sao? Chỉ riêng điều đó thôi, trẫm đã không thể tha cho hắn".
Sau đó cũng có nhiều người kêu xin giúp Hàn Dũ, Đường Hiến Tông mới không giết ông, mà chỉ giáng chức, điều ông đi làm thứ sử Triều Châu. Từ Trường An đi Triều Châu, Hàn Dũ 1 mình lùi lũi trên đường xa dặm thẳng, xa rời kinh thành hoa lệ, tới nơi biên viễn xa xôi, nỗi lòng đắng cay uất ức, nói sao cho hết. Đến Triều Châu, ông gạt nỗi buồn về cảnh ngộ bản thân sang 1 bên để dốc lòng lo toan cho đời sống dân địa phương. Ông triệu tập các quan chức cấp dưới tới, hỏi xem dân chúng địa phương có nỗi khổ gì. Có người nói: "Nơi đây sản xuất được ít lúa gạo, đời sống nhân dân rất khổ. Ngoài ra, ở Ác Khê (nay là Hàn Giang, Quảng Đông) có một con cá sấu thường bò lên bờ giết hại người và súc vật, nhân dân khổ nhiều vì nó".
Hàn Dũ nói: "Nếu như vậy, ta phải tìm cách trừ khử nó".
Nói như vậy, nhưng Hàn Dũ rút cuộc là 1 văn nhân, không biết sử dụng đao cung, làm sao trừ được cá sấu hung dữ? Ông nảy ra 1 ý, viết 1 bài "Văn tế cá sấu", sai người đến bờ sông, đọc bài văn tế đó, lại giết 1 con lợn, 1 con dê, ném xuống sông cho cá sấu ăn. Trong bài văn tế đó, ông ra lệnh cho cá sấu trong thời hạn 7 ngày phải đi ra biển. Nếu không, sẽ dùng cung cùng tên độc giết chết. hàn Dũ vốn không tin Phật, sao lại tin rằng cá sấu có trí khôn để hiểu bài văn tế của ông? Điều đó đương nhiên chỉ là 1 thủ thuật của ông để làm yên lòng người mà thôi. Nhưng sự việc diễn ra lại ngẫu nhiên may mắn làm sao, tương truyền sau khi đọc văn tế, con cá sấu không thấy xuất hiện nữa. Nhân dân địa phương cho rằng lệnh đuổi do đại thần được triều đình cử tới đúng là có uy lực mạnh mẽ, đều ca ngợi và yên tâm sản xuất.
Hàn Dũ làm quan ở đó 1 năm lại được gọi về Trường An, làm việc ở Quốc tử giám (trường học cao cấp nhất thời phong kiến). Cùng năm đó (năm 820), Đường Hiến Tông bị hoạn quan giết chết. Con ông ta là Lý Hằng lên ngôi. Đó là Đường Mục Tông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top