"HẢI LONG VƯƠNG" TIỀN LƯU

Trong hơn 30 năm kể từ khi Chu Ôn lập nên triều Lương, miền Trung nguyên trước sau thay đổi 5 vương triều là Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, lịch sử sau này gọi 5 vương triều thời kì này là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu; gộp chung lại gọi là "Ngũ Đại" (5 đời). Trong thời Ngũ Đại, ở miền nam Ba Thục vẫn còn nhiều chính quyền cát cứ, người xưng đế, kẻ xưng vương, trước sau lập nên 9 nước là: Tiền Thục, Ngô, Mân, Ngô Việt, Sở, Nam Hán, Nam Bình, Hậu Thục, Nam Đường. Ở miền bắc còn có nước Bắc Hán. Cộng cả lại, ngoài 5 vương triều nối tiếp nhau kể trên, còn có 10 nước cát cứ khác. Do đó, thời Ngũ Đại cũng được gọi là thời Ngũ Đại Thập Quốc ( đời 10 nước).

Không lâu sau khi Chu Ôn lên ngôi hoàng đế triều Lương, tiết độ sứ Trấn Hải (trị sở ở Hàng Châu, Triết Giang ngày nay) là Tiền Lưu phái người đến Biện Kinh chúc mừng sớm nhất, tỏ ý tình nguyện xưng thần. Chu Ôn hết sức phấn khởi, lập tức phong Tiền Lưu làm Ngô Việt vương. Tiền Lưu vốn xuất thân là dân nghèo, thời trẻ đã từng đi buôn muối, sau đó đến làm bộ tướng dưới quyền Đổng Xương, tướng giữ Triết Tây. Khi nghĩa quân Hoàng Sào đánh Triết Đông, Tiền Lưu với 1 binh lực nhỏ đã giữ được Lâm An (nay là Hàng Châu, Triết Giang). Vương triều Đường thấy Tiền Lưu có công, liền phong làm Đô chỉ huy sứ, sau lại phong lên chức tiết độ sứ. Sau khi lên chức tiết độ sứ, Tiền Lưu trở nên phô trương. Ông ta cho xây dựng dinh thự tráng lệ ở Lâm An, mỗi lần ra khỏi dinh đều có xe ngựa và binh lính hộ tống. Cha Tiền Lưu thấy thế rất không bằng lòng, mỗi lần Tiền Lưu sắp đi đâu, ông đều tránh mặt. Khi biết cha cố ý lánh mình, Tiền Lưu rất áy náy. Một hôm, ông không dùng xe ngựa, không đem theo tùy tòng, đi bộ một mình tới nhà người cha, hỏi lý do. Người cha tuổi đã già nói: "Gia tộc nhà ta đời đời sinh sống bằng nghề đánh cá và làm ruộng, chưa có ai giàu sang và có quyền thế. Nay anh vươn được tới địa vị đó, ở vào hoàn cảnh xung quanh đều đầy rẫy kẻ chống đối mà còn muốn tranh thành đoạt đất với người ta, thì cha lo rằng nhà họ Tiền sau này sẽ gặp tai họa".

Tiền Lưu nghe cha nói như vậy, hứa sẽ ghi nhớ lời căn dặn đó. Sau đó, ông dẹp bỏ tham vọng, chỉ lo sao giữ được vùng đất nhỏ bé của mình thôi. So với nước Ngô lớn mạnh ở phía bắc, nước Ngô Việt của Tiền Lưu rất nhỏ, thường bị các nước khác uy hiếp. Sống lâu dần trong hoàn cảnh không ổn định, Tiền Lưu tạo nên và duy trì 1 thói quen cảnh giác. Ban đêm, để cho khỏi ngủ quá say, ông luôn gối đầu lên 1 khúc gỗ tròn, đặt tên là "chiếc gối cảnh giác". Nếu ngủ quá say, đầu trượt khỏi gối, gối sẽ lăn khỏi giường làm cho ông ta giật mình thức dậy. Trong phòng ngủ ông ta còn để sẵn 1 cái bàn, trên phủ 1 lớp bột trắng mỏng. Nếu chợt nghĩ ra ý nghĩ gì, liền lập tức trở dậy, dùng ngón tay viết lên bột để ghi ngay lại, phòng hôm sau có thể quên.

Không những bản thân rèn luyện tinh thần cảnh giác và tác phong cần mẫn, mà Tiền Lưu còn rất nghiêm khắc với tướng sĩ dưới quyền. Xung quanh dinh, đêm nào cũng có binh lính canh gác, tuần phòng. Một đêm, 1 tên lính gác ngồi ở xó tường ngủ gật; bỗng thấy bên kia tường bay sang mấy viên bi đồng, rơi xuống ngay cạnh, khiến anh ta giật mình tỉnh táo hẳn lại. Sau, anh lính đó biết rằng mấy viên bi đồng đó là do Tiền Lưu ném sang. Từ đó, không binh lính nào còn dám ngủ gật trong khi gác nữa. Lại 1 đêm khác, Tiền Lưu mặc thường phục, từ bên ngoài muốn vào thành theo lối cửa bắc. Cửa thành đã đóng, Tiền Lưu gọi to yêu cầu mở cửa, nhưng lính giữ cửa nhất định không mở. Tiền Lưu nói: "Ta được Đại vương cử ra ngoài làm việc, bây giờ phải về gấp để trình công việc".

Người giữ cửa trả lời: "Đêm khuya rồi. Đừng nói là người do Đại vương cử đi mà ngay cả đến bản thân Đại vương chăng nữa, cũng không thể mở".

Tiền Lưu đành đi một nửa vòng thành, rồi vào theo lối cửa nam. Hôm sau, ông ta gọi người giữ cửa bắc vào, khen làm việc nghiêm túc và thưởng cho 1 số tiền. Nhờ sự tỉ mỉ thận trọng nên Tiền Lưu giữ vững được địa vị thống trị ở Ngô Việt. Nước Ngô Việt tuy nhỏ nhưng nhờ 1 thời gian dài không có chiến tranh nên kinh tế mỗi ngày một thịnh vượng. Chính vào thời điểm đạt tới thịnh vượng, thì Tiền Lưu lại trở lại cuộc sống xa hoa. Ông cho mở rộng thành Lâm An thêm 30 dặm, xây dựng rất nhiều đình đài lầu các, tôn tạo vương phủ của mình như 1 long cung. Để làm việc đó, nhân dân phải đóng góp rất nặng nề. Tiền Lưu còn điều dân phu đắp con đê đá dọc sông Tiền Đường và xây các cống dưới thân đê để điều tiết mức nước và ngăn nước biển xâm nhập. Ngoài ra, còn sai đục bỏ đá ngầm dọc sông, làm cho thuyền bè đi lại thuận tiện. Vì Tiền Lưu có công trong việc xây dựng thủy lợi, nên dân gian đặt cho ông 1 biệt danh là "Hải Long Vương".


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: