ĐỊCH THANH KHÔNG SỢ XUẤT THÂN HÈN KÉM
Khi Hàn Kỳ, Phạm Trọng Yên mới tới Thiểm Tây, có người tiến cử với 2 ông 1 viên tướng nhỏ địa phương tên là Địch Thanh, rất anh dũng thiện chiến, có tài năng của 1 đại tướng. Phạm Trọng Yên đang cần tướng có tài, nghe nói thế rất phấn khởi, yêu cầu người đó kể rõ lai lịch về Địch Thanh. Địch Thanh vốn là 1 người lính thường trong đội cấm quân trong kinh thành, từ nhỏ đã tinh thông võ nghệ, thành thạo mọi loại vũ khí và cưỡi ngựa bắn cung, lại thêm có sức khỏe và can đảm, nên được chọn làm 1 tướng nhỏ. Sau khi Nguyên Hạo xưng làm hoàng đế Tây Hạ, Tống Nhân Tông cử cấm quân đi phòng thủ biên giới, Địch Thanh được cử tới Bảo An (nay là Chí An) thuộc Thiểm Tây. Không lâu sau, quân Tây Hạ tiến công Bảo An. Quân Tống ở Bảo An đã nhiều lần bị quân Tây Hạ đánh thua, nên nghe nói tới giao chiến là đã sợ hãi. Tướng phòng thủ Bảo An là Lư Thủ Cần rất lo lắng trước tình hình đó. Thấy vậy Địch Thanh xin làm tiên phong để chống lại Tây Hạ. Lư Thủ Cần thấy Địch Thanh tình nguyện làm xung phong thì hết sức vui mừng, liền cấp cho 1 số quân mã, cử ra giao chiến với quân Tây Hạ.
Mỗi lần ra trận, Địch Thanh đều thay đổi trang phục, xõa tóc, đeo mặt nạ bằng đồng chỉ để hở 2 con mắt sáng quắc. Ông cầm 1 ngọn thương dài dẫn đầu xông xáo chém giết. Quân Tây Hạ từ ngày tiến đánh Tống, chưa từng gặp. Thấy hình dáng Địch Thanh cổ quái như vậy, chúng đã có vẻ sợ. Bị Địch Thanh và quân Tống tiến đánh mãnh liệt, trận thế Tây Hạ rối loạn, tan vỡ lùi về sau. Địch Thanh và quân Tống đánh tràn sang, thắng 1 trận lớn. Tin thắng trận truyền về triều đình, Tống Nhân Tông rất phấn khởi, thăng chức cho Lư Thủ Cần và thăng Địch Thanh lên 4 cấp. Tống Nhân Tông còn muốn triệu Địch Thanh về kinh thành tiếp kiến. Nhưng sau đó, Tây Hạ lại xâm phạm Vị Châu, Địch Thanh phải phải dẫn quân chống lại nên Tống Nhân Tông đành bỏ ý định triệu kiến Địch Thanh về và sai người vẽ hình Địch Thanh gửi về triều đình. Mấy năm tiếp sau, quân Tây Hạ vẫn liên tục xâm phạm biên giới, khiến dân cư không lúc nào được yên. Địch Thanh trước sau đã tham gia hơn 25 trận đánh lớn nhỏ, 8 lần bị trúng tên, nhưng không trận nào không thắng lợi. Quân lính Tây Hạ hễ nghe thấy tên Địch Thanh là đều sợ hãi không dám giao chiến.
Phạm Trọng Yên thấy cấp dưới tiến cử, lập tức tiếp kiến Địch Thanh, hỏi ông đã đọc qua sách gì. Địch Thanh vốn xuất thân binh lính, biết rất ít chữ, không thể trả lời là đã đọc sách gì. Phạm Trọng Yên khuyên ông: "Nay ngươi đã là một viên tướng. Làm tướng mà không thông tỏ cổ kim, chỉ dựa vào sức mạnh và lòng dũng cảm thì không đủ". Sau đó, ông giới thiệu cho Địch Thanh 1 số sách cần đọc.
Được Phạm Trọng Yên nhiệt tình khuyến khích, Địch Thanh hết sức xúc động. Từ đó, ông tranh thủ những lúc không có trận mạc, miệt mài đọc sách. Mấy năm sau, ông đọc thuộc lòng binh pháp của các danh tướng đời Tần - Hán về sau. Lại vì lập nhiều chiến công, luôn được thăng cấp có tiếng tăm rất lớn. Sau, Tống Nhân Tông điều ông về kinh thành, làm mã quân Phó đô chỉ huy. Triều Tống có 1 chế độ tàn bạo, là thích chữ vào mặt binh lính để đề phòng họ đào ngũ. Khi làm lính, Địch Thanh cũng đã từng bị thích chữ. Hơn 10 năm làm tới đại tướng, trên mặt Địch Thanh vẫn còn lưu những chữ đó. Một lần, sau khi triệu kiến Địch Thanh, Tống Thái Tông cho rằng trên mặt đại tướng mà còn thích chữ thì thật là mất thể diện, liền bảo Địch Thanh về nhà đắp thuốc để xóa bỏ những chữ đó đi. Địch Thanh tâu: "Bệ hạ đã không nề hà hạ thần thân hèn kém, căn cứ chiến công mà phong cho hạ thần địa vị như ngày nay, khiến hạ thần rất cảm động. Còn những chữ trên mặt này, hạ thần xin được giữ lại để binh lính nhìn thấy, sẽ biết cần phải phấn đấu vươn lên như thế nào?".
Tống Nhân Tông nghe trả lời, rất tán thưởng kiến thức của Địch Thanh và càng quý trọng ông. Sau đó Địch Thanh còn lập nhiều chiến công, được thăng làm Khu mật sứ, nắm việc quân sự trong toàn quốc. Từ 1 tên lính thường thăng tới chức Khu mật sứ là 1 sự kiện chưa từng có trong lịch sử triều Tống. Có 1 số đại thần cho rằng Địch Thanh xuất thân hèn kém, khuyên Nhân Tông không nên cất nhắc ông lên chức vụ cao đến thế. Nhưng lúc này, Tống Nhân Tông đang cần trọng dụng tướng tài, không nghe theo những ý kiến đó. Địch Thanh là Khu mật sứ, luôn có người cho rằng địa vị đó không tương xứng với xuất thân của ông. Một người tự xưng là dòng dõi Địch Nhân Kiệt, 1 danh tướng đời Đường, tặng Địch Thanh 1 bức hình Địch Nhân Kiệt và nói: "Ngài chẳng phải là con cháu Địch Công sao? Nên nhận Địch Công làm tổ tiên của mình đi!".
Địch Thanh khiêm tốn cười đáp: "Tôi vốn xuất thân hèn kém, ngẫu nhiên có cơ hội được lên chức vị cao, sao dám nhận xằng là dòng dõi Địch Công".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top