95-96

LƯU BỊ VÀO ÍCH CHÂU

Sau trận Xích Bích, Chu Du lại mất hơn 1 năm nữa mới đánh đuổi được quân Tào Tháo ra khỏi Kinh Châu. Sau đó giữa Lưu Bị và Tôn Quyền xảy ra chuyện tranh chấp Kinh Châu. Lưu Bị cho rằng Kinh Châu vốn là của Lưu Biểu, là người anh em đồng tộc với mình. Lưu Biểu chết đi thì Lưu Bị phải là người thừa kế. Nhưng Tôn Quyền cho rằng Kinh Châu là do mình chiếm lại được từ tay Tào Tháo, nên Kinh Châu phải thuộc về Đông Ngô. Vì Chu Du đã giao cho Lưu Bị cai quản một số đất đai ở nam ngạn Trường Giang, nhưng Lưu Bị thấy vùng đất đó còn nhỏ hẹp quá, rất không vừa vừa ý. Không lâu sau, Chu Du chết, Lỗ Túc liền khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn tạm đất Kinh Châu. 

Đất đai đi mượn của người khác không phải là biện pháp lâu dài. Vì vậy Lưu Bị phải tìm cách mở rộng địa bàn. Theo kế hoạch mà Gia Cát Lượng đã vạch ra ở Long Trung, thì Lưu Bị cần phát triển vào Ích Châu. Vừa may lúc đó, Lưu Chương là thứ sử Ích Châu phái người tới mời Lưu Bị. Lưu Chương vốn có 2 mưu sĩ, một người là Pháp Chính, một người là Trương Tùng. Hai người đều có tài, lại là bạn thân của nhau. Họ thấy Lưu Chương nhu nhược bất tài, làm tay chân của ông ta không thể có tiền đồ rạng rỡ. Khi Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, Lưu Chương đã phái Trương Tùng đến liên lạc với Tào Tháo. Lúc đó, Tào Tháo vừa thắng trận, thái độ rất kiêu ngạo, lại thấy sứ giả Trương Tùng vóc người thấp bé, tướng mạo bình thường, nên Tào Tháo không coi Trương Tùng ra gì. Trương Tùng tức giận ra về.

Về tới Thành Đô (trị sở của Ích Châu), Trương Tùng nói với Lưu Chương: "Tào Tháo có dã tâm rất lớn, e rằng hắn sẽ thôn tính Ích Châu của chúng ta".

Lưu Chương tỏ ra lo sợ, Trương Tùng liền nói: "Lưu Bị là người đồng tộc với chúa công, lại là địch thủ của Tào Tháo. Nên kết giao với ông ta để đối phó với Tào".

Lưu Chương vốn là người không có chủ kiến gì, nghe Trương Tùng nói như vậy thì đồng ý ngay và cử luôn Pháp Chính đi ngay Kinh Châu để liên lạc với Lưu Bị. Đến Kinh Châu, Pháp Chính được Lưu Bị tiếp đãi hết sức ân cần. Hai người cùng đàm luận về đại thế trong thiên hạ, ý kiến vô cùng hòa hợp. Trở về Thành Đô, Pháp Chính và Trương Tùng bí mật bàn bạc với nhau, tìm cách đón Lưu Bị vào làm chủ Ích Châu. Ít lâu sau, Tào Tháo dự định tiến quân chiếm Hán Trung (nay ở phía đông thành phố Hán Trung, Thiểm Tây). Ích Châu bị uy hiếp, Trương Tùng nhân cơ hội này khuyên Lưu Chương mời Lưu Bị vào giữ hộ Hán Trung. Lưu Chương lại cử Pháp Chính đem 4000 binh mã ra Kinh Châu đón Lưu Bị. Pháp Chính đến Kinh Châu, nói thẳng với Lưu Bị: "Ích Châu là nơi rất giàu có, được người sáng suốt như tướng quân, lại có Trương Tùng làm nội ứng thì việc chiếm Ích Châu không có gì dễ dàng hơn".

Lưu Bị vẫn còn do dự chưa quyết định. Lúc đó, Bàng Thống đã làm quân sư của Lưu Bị, kiên quyết chủ trương cần chiếm lấy Ích Châu. Ông nói: "Ở Kinh Châu này địa thế trống trải, phía đông có Tôn Quyền, phía bắc có Tào Tháo, không dễ công thủ. Muốn làm được sự nghiệp lớn, cần chiếm lấy Ích Châu làm căn cứ địa".

Lưu Bị nghe theo ý kiến của Pháp Chính và Bàng Thống, liền để Gia Cát Lượng và Quan Vũ ở lại giữ Kinh Châu, tự mình và Trương Phi cùng một số tướng sĩ do Bàng Thống làm quân sư vào Ích Châu. Sau đó, việc Trương Tùng làm nội ứng bị phát giác, Lưu Chương liền giết Trương Tùng rồi phái binh mã chống lại Lưu Bị. Lưu Bị tiến đến Lạc Thành (nay ở bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên), bị tướng giữ Lạc Thành kiên quyết chặn đánh, suốt 1 năm trời không hạ được. Bàng Thống lại bị trúng tên, hy sinh trong chiến đấu. Sau, Lưu Bị chiếm được Lạc Thành, tiến đánh Thành Đô. Gia Cát Lượng nghe tin Bàng Thống chết, liền để Quan Vũ lại giữ Kinh Châu, tự mình đem quân vào hội với Lưu Bị. Lưu Chương không giữ nổi, đành phải đầu hàng.

Năm 214, Lưu Bị vào Thành Đô, tự xưng là Ích Châu mục (quan cai trị đứng đầu ở Ích Châu, như thứ sử ở các châu khác). Ông xét công ban thưởng, cho rằng lần đầu chiếm Ích Châu này, Pháp Chính có công lao lớn nhất, liền phong Pháp Chính làm thái thú quận Thục (quận là đơn vị hành chính dưới cấp châu, thái thú là chức quan đứng đầu quận) trực tiếp quản lí Thành Đô, đồng thời còn là 1 trong các mưu sĩ cho Lưu Bị. Pháp Chính là người có tâm địa hẹp hòi. Vừa nắm quyền, ông ta lập tức nghĩ đến chuyện thanh toán ân oán. Ai đã mời ông ta ăn 1 bữa cơm cũng được báo đáp; ai từng có xích mích nhỏ cũng bị trả thù. Mấy người đã bị chết vì việc làm này của Pháp Chính.

Gia Cát Lượng thì khác hẳn. Ông giúp đỡ Lưu Bị cai quản Ích Châu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không kể đến tình cảm và quan hệ cá nhân. Một số hào môn đại tộc địa phương vì không lung lạc được Gia Cát Lượng nên oán trách ông. Pháp Chính khuyên Gia Cát Lượng: "Khi xưa Hán Cao Tổ vào Hàm Dương, chỉ ban bố có 3 điều qui định (ước pháp tam chương) mà trăm họ đều đi theo Người. Nay ngài vừa tới, tưởng cũng nên khoan dung một chút mới được lòng người".

Gia Cát Lượng nói: "Thái thú chỉ biết một mà không biết hai. Triều Tần vì hình pháp nghiêm khắc tàn bạo nên trăm họ oán giận. Cao Tổ phế bỏ pháp luật của Tần, định ra ba điều ước pháp chính là hợp với lòng người. Tình hình hiện nay khác hẳn, Lưu Chương nhu nhược tầm thường, pháp luật lơi lỏng, quan lại trong Thục hoành hành phi pháp, công việc rối tung. Nếu hiện nay không xiết chặt pháp luật thì làm sao ổn định được tình hình?".

Pháp Chính nghe Gia Cát Lượng nói, trong lòng hết sức khâm phục. Từ đó cũng không dám tùy tiện trả thù báo oán nữa.


THÁI VĂN CƠ VỀ HÁN

Từ sau khi thua trận Xích Bích, Tào Tháo để ra mấy năm chỉnh đốn nội chính, khôi phục quân đội và tự phong làm Ngụy Công. Năm 216 lại nâng tước vị của mình làm Ngụy Vương (đô thành ở Nghiệp Thành). Uy danh của Tào Tháo ở miền bắc rất lớn, ngay đến thiền vu của Nam Hung Nô cũng đến Nghiệp Thành bái yết. Tào Tháo giữ thiền vu Nam Hung Nô lại Nghiệp Thành, đối đãi như khách quí, để Hữu Hiền vương Hung Nô về cai quản dân Hung Nô. Quan hệ giữa Nam Hung Nô và triều Hán từ đó giữ được hòa hảo. Tào Tháo nhớ tới người bạn cũ của mình là Thái Ung, có 1 cô con gái ở Nam Hung Nô, tên là Thái Văn Cơ. Tào Tháo muốn đón Thái Văn Cơ về Hán.

Thái Ung là 1 danh sĩ cuối đời Đông Hán, vì xúc phạm bọn hoạn quan nên bị đày tới Sóc Phương (nay ở phía bắc Hàng Cẩm Kỳ thuộc Nội Mông Cổ). Khi Đổng Trác nắm quyền, Thái Ung trở về Lạc Dương. Đổng Trác muốn mua chuộc lòng người, nghe tiếng tăm Thái Ung liền mời ông ra làm quan, trong 3 ngày thăng lên 3 cấp. Thái Ung vì vậy cảm thấy Đổng Trác còn tốt hơn Hán Linh Đế nhiều. Sau khi Đổng Trác bị giết, Thái Ung thấy Đổng Trác lúc trước đối đãi tốt với mình nên buông lời thương tiếc. Tư đồ Vương Doãn nổi giận, cho Thái Ung thuộc bè đảng Đổng Trác, liền bắt giam lại. Mặc dù nhiều đại thần ra sức kêu xin cho Thái Ung, nhưng Vương Doãn vẫn không tha. Kết quả, Thái Ung chết trong ngục.

Thái Văn Cơ, con gái của Thái Ung còn có tên là Thái Viên, cũng là người học rộng, đa tài như cha. Sau khi cha chết, miền Quan Trung lại xảy ra hỗn chiến giữa Lý Thôi và Quách Di, dân chúng lại điêu đứng lầm than, lưu ly thất tán. Thái Văn Cơ cũng đi tránh loạn, gặp phải quân Hung Nô vào cướp phá. Lính Hung Nô thấy Thái Văn Cơ có nhan sắc liền cướp lấy, đem dâng cho Tả Hiền vương. Từ đó, Thái Văn Cơ trở thành phu nhân của Tả Hiền vương, được Tả Hiền vương rất sủng ái. Sống ở Hung Nô suốt 12 năm, tuy cũng sung sướng và cũng quen dần tập quán Hung Nô nhưng không lúc nào Thái Văn Cơ nguôi lòng nhớ cố quốc. Lúc này, Tào Tháo nhớ tới con gái người bạn cũ, liền phái sứ giả đem lễ vật tới Nam Hung Nô, đón Thái Văn Cơ về. Tả Hiền vương không muốn rời Thái Văn Cơ, nhưng không dám chống lại ý Tào Tháo, đành để Thái Văn Cơ về Hán. Được về nước, Thái Văn Cơ cũng rất muốn, nhưng phải rời bỏ con cái sinh ra ở Hung Nô, thì không khỏi thương tâm, liền sáng tác ra bài thơ nổi tiếng phổ vào "Mười tám phách sáo Hồ".

Về tới Nghiệp Thành, Tào Tháo thấy nàng một mình một bóng, liền cho nàng tái giá với Đổng Trự là quan úy đồn điền. Ngờ đâu một thời gian sau, Đổng Trự phạm pháp, bị quan trên bắt, ghép vào tử tội, chuẩn bị hành hình. Thái Văn Cơ hoảng hốt, chạy tới Ngụy Vương phủ xin gặp Tào Tháo để cầu xin. Lúc đó, Tào Tháo đang mở tiệc, mời các công khanh đại thần, danh nho học sĩ. Tất cả đang tụ tập trong vương phủ, thị tòng vào báo với Tào Tháo việc Thái Văn Cơ xin gặp. Tào Tháo biết trong số danh sĩ có mặt không ít người từng biết Thái Ung, liền nói: "Con gái của Thái Ung bị lưu lạc sang nước ngoài nhiều năm, vừa được về nước. Hôm nay cho phép nàng được vào yết kiến các vị, nên chăng?".

Mọi người vui vẻ đồng ý, Tào Tháo liền bảo thị tòng dẫn Thái Văn Cơ vào. Thái Văn Cơ buông xõa đầu tóc, đi chân đất, tiến vào quỳ trước Tào Tháo, xin tha tội cho chồng. Giọng nàng vỡ ra trong nước mắt, lời lẽ hết sức thương tâm, cử tọa có rất nhiều người từng quen biết với Thái Ung, thấy tình cảnh đó, hết sức ngậm ngùi thương cảm. Tào Tháo nghe xong, liền nói: "Tình cảnh của phu nhân thật đáng chiếu cố, nhưng văn bản xử tội đã phát ra, biết làm thế nào?".

Thái Văn Cơ năn nỉ: "Trong chuồng ngựa của đại vương có hàng vạn con ngựa tốt, võ sĩ dưới trướng nhiều như cây rừng, chỉ xin đại vương cử một võ sĩ, cưỡi con ngựa tốt, đi thu hồi lại văn bản thì chồng tiện thiếp sẽ lưu lại được chút mạng thừa".

Tào Tháo liền viết ngay lệnh xá tội, phái võ sĩ phi ngựa tức tốc đem đi, tuyên bố tha tội chết cho Đổng Trự. Lúc đó đang ngày đông tháng giá. Tào Tháo thấy Thái Văn Cơ ăn mặc phong phanh, liền gọi người hầu mang khăn áo cho nàng. Tào Tháo hỏi: "Nghe nói sinh thời, tôn phụ có tàng trữ nhiều thư tịch quí, nay trong nhà có còn giữ được không?".

Thái Văn Cơ cảm động nói: "Trước kia, cha tiện thiếp cho tiện thiếp hơn 4000 cuốn sách quí, nhưng qua loạn lạc đã thất tán hết, có điều tiện thiếp còn nhớ thuộc lòng được hơn 400 thiên".

Tào Tháo thấy Thái Văn Cơ còn nhớ được nhiều như thế liền nói: "Ta sẽ cử mười người tới nhà phu nhân, để họ chép lại những đoạn phu nhân còn nhớ. Có tiện không?"

Thái Văn Cơ nói: "Không cần phải như vậy, cứ xin đại vương cấp cho giấy mực, tiện thiếp sẽ tự ghi chép lại".

Sau đó, Thái Văn Cơ quả nhiên dựa vào trí nhớ, chép lại mấy trăm thiên sách quí, dâng lên Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng mãn ý. Việc Tào Tháo đón Thái Văn Cơ trở về đã góp phần bảo tồn một phần di sản văn hóa cổ. Chuyện "Văn Cơ qui Hán" được lưu truyền như một giai thoại trong lịch sử Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: