87-88
VƯƠNG DOÃN LẬP MƯU TRỪ ĐỔNG TRÁC
Đổng Trác thấy đám thứ sử, thái thú đem binh đánh mình, người nào cũng có tính toán riêng, không thể nhất trí liên hiệp với nhau được, nên không cảm thấy có gì đáng sợ, liền tự xưng là Thái sư ở Trường An, bắt Hán Hiến Đế coi mình là "Thượng Phụ" (coi như cha). Hắn còn phong em và cháu mình làm tướng quân hiệu úy, ngay đến đứa con oe oe mới sinh của hắn cũng được phong hầu. Để hưởng lạc, hắn ta cho xây dựng cách Trường An 200 dặm một thành lũy, gọi là My Ổ. Thành lũy được xây dựng cao và dày, chứa đầy của cải và lương thực. Riêng lương thực, đủ cho hắn và quan lại, quân lính dùng trong 30 năm. Xây dựng xong My Ổ, Đổng Trác đắc ý nói với mọi người: "Đại sự mà thành, thì thiên hạ là của ta. Dù có thất bại, ta vẫn cứ sống yên ổn ở đây, chẳng kẻ nào đánh vào được".
Khi Đổng Trác ở Lạc Dương, đã giết hại nhiều quan lại; tới Trường An, hắn lại càng càn rỡ, bá quan văn võ ai không thận trọng, lỡ có lời xúc phạm đến hắn là mất đầu như chơi. Một số đại thần sợ không giữ được tính mạng của mình, đều ngấm ngầm tìm cách trừ khử hắn. Dưới quyền Đổng Trác có một thủ hạ tâm phúc là Lã Bố, một dũng sĩ nổi tiếng. Lã Bố có sức khỏe hơn người, võ nghệ lại đặc biệt cao cường. Hắn vốn là bộ hạ của Đinh Nguyên, thứ sử Tịnh Châu. Khi Đổng Trác vào Lạc Dương, Đinh Nguyên đang đem quân giữ Lạc Dương. Đổng Trác cử người đem rất nhiều tiền bạc đến mua chuộc Lã Bố, xúi Lã Bố giết Đinh Nguyen. Bị cám dỗ vì tiền tài, Lã Bố liền giết Đinh Nguyên rồi theo Đổng Trác. Trác nhận Lã Bố làm con nuôi, để Lã Bố làm tùy tùng bảo vệ, luôn luôn đi kèm Đổng Trác. Mọi người sợ sức mạnh của Lã Bố nên không dám hạ thủ Đổng Trác.
Tư đồ Vương Doãn quyết tâm trừ Đổng Trác. Ông biết rằng muốn trừ Đổng Trác thì trước hết phải lôi kéo được Lã Bố. Ông thường mời Lã Bố đến nhà uống rượu, nói chuyện. Lâu ngày, Lã Bố thấy Vương Doãn tốt với mình nên cũng thổ lộ hết về tình hình quan hệ của mình với Đổng Trác cho Vương Doãn nghe. Thì ra Đổng Trác đối với Lã Bố tuy là cha con nhưng tính tình Đổng Trác rất thô bạo, hơi có gì không vừa ý là nổi nóng nặng lời mắng mỏ Lã Bố. Có lần Lã Bố cãi lại, bị Đổng Trác cầm chiếc kích để sẵn bên cạnh lao vào Lã Bố, may mà Lã Bố nhanh nhẹn đã tránh thoát được. Sau đó, Lã Bố phải nhận lỗi, Đổng Trác mới tha thứ nhưng Lã Bố cảm thấy rất khó chịu. Vương Doãn nghe biết chuyện đó thì rất mừng, liền đem chuyện muốn giết Đổng Trác nói với Lã Bố. Vương Doãn nói: "Đổng Trác là quốc tặc. Chúng tôi muốn trừ hại cho nước, rất mong được tướng quân làm nội ứng".
Lã Bố thấy nói đến chuyện giết Đổng Trác có vẻ do dự nói: "Tôi là con nuôi của Đổng Trác. Con sao có thể giết cha?".
Vương Doãn lắc đầu nói: "Ồ sao tướng quân lại hồ đồ thế. Tướng quân họ Lã, hắn ta họ Đổng, vốn chẳng có tình cốt nhục gì. Vả lại khi hắn lao kích vào tướng quân, thì có tình cảm cha con gì không?". Lã Bố tỉnh ngộ, liền đồng ý cộng tác với Vương Doãn.
Năm 192, Hán Hiến Đế bị bệnh mới khỏi, các đại thần vào cung Vị Ương để chúc mừng. Đổng Trác liền từ My Ổ đến Trường An. Để đề phòng bị hành thích, hắn mặc áo giáp bên trong triều phục. Hai bên đường vào Trường An, hắn bố trí vệ binh dày đặc. Hắn còn sai Lã Bố đi sau hộ vệ. Bố trí cẩn mật như vậy, Đổng Trác tự cho rằng không thể xảy ra chuyện gì bất trắc. Hắn đâu biết rằng Lã Bố và Vương Doãn đã bàn bạc kĩ. Lã Bố sắp xếp một số võ sĩ tâm phúc đi lẫn trong đội ngũ đứng sẵn trước cửa cung. Đổng Trác vừa tới cửa cung liền bị võ sĩ cầm kích đâm vào ngực, nhưng vì có áo giáp bảo vệ nên kích không xuyên thủng được. Đổng Trác dùng tay gạt kích, nhảy xuống xe hô lớn: "Lã Bố, con ta đâu?".
Lã Bố đứng phía sau, lớn tiếng tuyên bố: "Phụng mệnh hoàng đế, diệt trừ tặc thần Đổng Trác".
Đổng Trác thấy con nuôi trở mặt, liền mắng: "Thằng chó đẻ...mày dám..." . Chưa nói xong đã bị Lã Bố đâm một nhát giáo xuyên qua họng. Binh sĩ ùa tới, cắt lấy đầu hắn.
Lã Bố lấy trong tay áo ra tờ chiếu thư, dõng dạc đọc: "Lệnh của hoàng thượng chỉ giết Đổng Trác, không truy cứu những người khác". Tướng sĩ nghe đọc, đều sung sướng hô "vạn tuế".
Trăm họ ở Trường An đã chịu mọi áp bức tàn khốc của Đổng Trác, nghe nói đã trừ được gian tặc, liền ùa ra đường phố tụ họp, ca múa. Nhiều người còn mua rượu thịt về ăn mừng. Tên giặc đầy rẫy tội ác tuy đã bị tiêu diệt, nhưng tai họa của nhân dân vẫn chưa qua. Không lâu sau, bộ tướng của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ lại đem quân đánh vào Trường An, giết Vương Doãn, đuổi Lã Bố. Nhân dân Trường An lại một lần nữa lâm vào cảnh bị chém giết, cướp bóc.
DỜI ĐÔ ĐI HỨA THÀNH
Sau loạn Đổng Trác, vương triều Đông Hán chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, không còn điều khiển được các châu quận. Bọn quan liêu, cường hào các địa phương tranh nhau chiếm địa bàn, hình thành cục diện cát cứ khắp nơi. Những kẻ có thế lực lớn là Viên Thiệu ở Ký Châu, Viên Thuật ở Nam Dương, Lưu Biểu ở Kinh Châu (nay gồm 2 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và một phần Hàn Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây). Đào Khiêm và Lã Bố ở Từ Châu (nay ở vùng phía bắc Trường Giang, Giang Tô và phía nam Sơn Đông). Họ thường đem quân đánh nhau khiến đất nước loạn lạc, hàng triệu dân chúng bị chém giết, nhiều vùng không còn một bóng người.
Thế lực của Tào Tháo vốn rất nhỏ, sau đó ông đánh bại lực lượng tàn dư của quân Khăn vàng ở Duyên Châu (nay ở tây nam tỉnh Sơn Đông và phía đông tỉnh Hà Nam), tiến vào Duyên Châu xây dựng căn cứ. Ông còn lựa chọn trong số hàng binh quân Khăn vàng một số lực lượng tinh nhuệ, mở rộng lực lượng vũ trang của mình. Sau đó ông còn đánh bại Đào Khiêm và Lã Bố, trở thành một lực lượng cát cứ lớn mạnh. Năm 195, Lý Thôi và Quách Dĩ xung đột nhau ở ở Trường An, ngoại thích Đổng Thừa và một số đại thần mang Hán Hiến Đế trốn khỏi Trường An, về Lạc Dương. Cung điện ở Lạc Dương đã bị Đổng Trác đốt hết, khắp nơi là tường xiêu ngói vỡ, gai góc mọc đầy. Hán Hiến Đế không có cung điện, phải ở trong một ngôi nhà cũ nát. Các bá quan văn võ không có nơi ở, phải dựng lều nơi các góc tường cũ để che mưa che nắng. Khó khăn lớn nhất là không có nguồn lương thực. Hán Hiến Đế cử người đi khắp nơi, kêu gọi địa phương cung cấp lương thực cho triều đình. Nhưng họ còn mãi tranh đoạt lẫn nhau, chẳng đoái hoài gì tới hoàng đế, không ai mang lương thực tới.
Các đại thần không có cách gì, từ quan thượng thư trở xuống đều phải tìm kiếm cây cỏ ăn cho đỡ đói. Các vị xưa nay quen ăn cao lương mỹ vị làm sao chịu được khổ, mới qua mấy ngày, nhiều vị đã đói gục chết nơi xó tường, trong các căn lều rách nát. Lúc đó, Tào Tháo đang đóng quân ở Hứa Thành (nay là Hứa Xương, Hà Nam) biết tin đó, liền họp các mưu sĩ lại bàn xem có nên đón Hán Hiến Đế về đó không. Mưu sĩ Tuân Húc nói: "Trước kia Tấn Văn Công phái quân đưa Chu Tương Vương về Lạc Ấp mà giành được ngôi bá chủ, Hán Cao Tổ phát tang cho Nghĩa đế mà được lòng người trong thiên hạ. Những thí dụ đó có nhiều trong lịch sử. Hiện nay hoàng thượng ở Lạc Dương, khổ không kể xiết. Nếu tướng quân đón được hoàng thượng về đây thì rất hợp lòng mong muốn của nhiều người, nếu không đi đón ngay, để kẻ khác đón mất thì chúng ta mất cơ hội tốt".
Tào Tháo nghe Tuân Húc nói rất hợp ý mình, liền cử ngay Tào Hồng đem một đội quân đi đón Hán Hiến Đế về Hứa Thành. Một số đại thần sợ Tào Tháo, liền cử quân ngăn chặn Tào Hồng. Sau đó, Tào Tháo thân tới Lạc Dương, nói rõ hiện nay Lạc Dương đã bị tàn phá, lại thiếu lương thực Hứa Thành có lương thực, nhưng vận chuyển không tiện lợi, xin mời hoàng đế và các đại thần tạm đến đó, để tránh tình trạng đói rét ở đây. Hán Hiến Đế và các đại thần nghe nói Hứa Thành có nhiều lương thực, đều muốn dời đô đến đó ngay. Năm 196, Tào Tháo đón Hán Hiến Đế tới Hứa Thành. Từ đó, Hứa Thành trở thành đô thành đô thành tạm thời của Đông Hán, nên cũng gọi là Hứa đô. Tào Tháo xây dựng cung điện cho Hán Hiến Đế ở Hứa đô, để Hán Hiến Đế chính thức thiết triều. Tào Tháo tự xưng là đại tướng quân, bắt đầu dùng danh nghĩa Hán Hiến Đế ra lệnh cho các châu quận.
Trước hết, Tào Tháo dùng danh nghĩa Hán Hiến Đế hạ chiếu thư quở trách Viên Thiệu là có đất rộng, quân nhiều mà chỉ lo mở rộng thế lực đánh chiếm các châu quận khác không đến giúp đỡ triều đình. Viên Thiệu có thế lực lớn nhưng dù sao cũng là thần tử của Hán Hiến Đế, nên nhận được chiếu thư quở trách, không còn cách nào khác là dâng tấu chương lên biện hộ. Tào Tháo lại dùng danh nghĩa Hán Hiến Đế phong Viên Thiệu làm thái úy. Việc đó làm Viên Thiệu nổi giận. Ông ta cho rằng Tào Tháo làm đại tướng quân, mình là thái úy tức là thấp hơn Tào Tháo thì mất thể diện, liền nổi giận đùng đùng nói: " Tào Tháo nếu không nhờ có ta thì sao có ngày nay, nay hắn ta lại dùng danh nghĩa hoàng thượng để ra lệnh cho ta sao?". Liền dâng sớ tấu, từ chối không nhận chức thái úy.
Tào Tháo cảm thấy địa vị của mình chưa vững chắc, chưa tiện gây sự với Viên Thiệu, liền nhường chức đại tướng quân cho Viên Thiệu, tự mình đổi xưng là xa kỵ tướng quân. Tình hình Hứa đô dần dần ổn định, nhưng lâu dần bộ máy quan chức đông đảo và số đông quân lính không đủ lương thực, bắt đầu có khó khăn. Qua 10 năm hỗn loạn, khắp nơi hoang tàn, nhân dân đói khát, nếu vấn đề lương thực ở Hứa đô không giải quyết được thì lực lượng Tào Tháo khó lòng đứng vững. Có một viên quan là Tảo Kỳ hiến kế cho Tào Tháo: chiêu tập dân lưu tán đến vùng xung quanh Hứa đô để khai khẩn đất hoang, lập đồn điền. Nhà nước cho họ thuê nông cụ và sức kéo, thu hoạch được bao nhiêu nộp cho triều đình một nửa, còn được giữ lại một nửa. Tào Tháo làm theo ý đó, ra lệnh thực hiện chế độ đồn điền, đất hoang hóa xung quanh Hứa đô nhanh chóng được khai khẩn và canh tác.
Một năm sau, vùng đất hoang được mùa lớn. Chỉ riêng số lương thực nộp lên của vùng ngoại vi Hứa đô đã đạt tới một triệu hộc. Tào Tháo lại mở rộng chế độ đồn điền ở các châu quận dưới quyền kiểm soát của mình và đặt ra chức điền quan. Sau đó những nơi thực hiện chế độ đồn điền, lương thực đều đầy ấp các kho tàng. Tào Tháo một mặt dùng danh nghĩa của hoàng đế để ra lệnh cho thiên hạ, một mặt vận dụng thành công chế độ đồn điền, giải quyết được vấn đề quân lương. Ngoài ra còn thu nạp được nhiều nhân tài như Tuân Du, Quách Gia, Mãn Sủng. Thực lực ngày càng hùng mạnh tạo điều kiện tiến lên thực hiện mọi tham vọng và hoài bão về chính trị.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top