79-80


BAN SIÊU NÉM BÚT TÒNG QUÂN

Sau khi Hán Quang Vũ Đế xây dựng vương triều Đông Hán, liền mời một đại học giả là Ban Bưu chỉnh lý lịch sử thời Tây Hán. Ban Bưu có hai con trai là Ban Cố và Ban Siêu, một con gái là Ban Chiêu, từ nhỏ đều theo học văn học và lịch sử với cha. Sau khi Ban Bưu mất, Hán MInh Đế phong Ban Cố làm Lan Đài lệnh sử, tiếp tục biên soạn bộ sử mà cha ông đang làm dở. Đó là bộ Hán Thư (ghi chép lịch sử thời Tây Hán). Ban Siêu theo anh, làm công việc ghi chép. Hai anh em đều có học vấn, nhưng tính tình và hoài bão khác nhau. Ban Cố thích nghiên cứu học thuyết của Bách gia, dốc lòng chăm chú vào việc viết bộ Hán thư, còn Ban Siêu lại không thích việc suốt đời cắm cúi bên bàn viết. Ông nghe nói Hung Nô thường quấy nhiễu biên cương, cướp bóc tài sản và gia súc, bắt người đem lên phía bắc, thì nổi giận quăng bút nói: "Đại trượng phu cần phải như Trương Khiên, đi lập công ngoài biên giới, chứ sao lại suốt đời ru rú trong thư phòng". Thế là ông vứt bỏ mọi công việc trên bàn viết, quyết tâm xin đi tòng quân.

Năm 73 công nguyên, đại tướng quân Đậu Cố đem quân đánh Hung Nô, Ban Siêu xin đi theo, làm đại lý tư mã, lập được chiến công. Để chống lại Hung Nô, Đậu Cố muốn vận dụng biện pháp của Hán Vũ Đế, cử người đi liên lạc với các nước Tây Vực. Ban Siêu dẫn sứ đoàn 36 người, trước hết đến Thiện Thiện (nay thuộc Tân Cương). Thiện Thiện vốn trước vẫn qui phục Hung Nô, vì Hung Nô buộc họ tiến cống và nộp thuế quá nặng nên quốc vương Thiện Thiện rất oán ghét. Nhưng mấy chục năm gần đây, triều Hán không với được tới Thiện Thiện, nên ông ta vẫn phải miễn cưỡng nghe lệnh Hung Nô. Lần này thấy sứ giả triều Hán tới, ông liền tiếp đãi hết sức ân cần.

Mấy ngày sau, Ban Siêu phát hiện thấy quốc vương Thiện Thiện bỗng đối đãi lạnh nhạt hẳn đi, thì cảm thấy nghi ngờ. Ông nói với những người cùng đi: "Các ngươi có thấy không? Quốc vương bỗng dưng đối đãi với chúng ta khác hẳn mấy ngày đầu. Ta đoán rằng sứ giả Hung Nô nhất định đã đến đây".

Tuy nói vậy, nhưng vẫn chỉ là phỏng đoán. Vừa lúc đó, người hầu của quốc vương Thiện Thiện mang thức ăn tới. Ban Siêu làm ra vẻ đã biết rồi, hỏi: "Sứ giả Hung Nô tới đây mấy ngày rồi? Họ ở đâu?".

Quốc vương Thiện Thiện giao dịch với sứ giả Hung Nô, vốn định giấu không cho Ban Siêu biết. Người hầu đó bị Ban Siêu đánh lừa, tưởng rằng ông đã biết việc đó, liền thực thà nói: "Đã đến 3 hôm rồi. Họ ở cách đây 30 dặm".

Ban Siêu giữ người hầu đó lại, rồi lập tức triệu tập 36 người trong sứ đoàn lại nói: "Chúng ta cùng nhau đến Tây Vực không ngoài mục đích lập công báo quốc. Hiện nay sứ giả Hung Nô mới tới được mấy hôm mà thái độ của quốc vương Thiện Thiện đối với chúng ta đã đổi khác. Nếu y bắt chúng ta nộp cho Hung Nô thì mảnh xương tàn cũng không còn được trở về quê quán nữa. Các ngươi thấy thế nào?.

Mọi người đều nói: "Tình hình nguy hiểm thế này, chỉ còn trông mong ở ngài thôi". Ban Siêu nói: "Kẻ đại trượng phu không vào hang hổ thì làm sao bắt được hổ con. Bây giờ chỉ có một biện pháp, là nhân lúc đêm tối, chúng ta tìm tới lều của bọn Hung Nô, vừa phóng hỏa, vừa tiến công. Chúng không biết chúng ta có bao nhiêu người, nhất định sẽ hoảng loạn. Chỉ cần giết được hết sứ giả Hung Nô, thì mọi việc sẽ dễ giải quyết".

Mọi người đều nói: "Hay! Hay! Chúng ta phải liều một chuyến".

Tới nửa đêm, Ban Siêu dẫn 36 tráng sĩ tìm tới lều của sứ đoàn Hung Nô. Vừa may đêm đó có gió lớn, Ban Siêu phân công 10 tráng sĩ mang trống phục phía sau lều, 20 tráng sĩ mai phục phía trước lều, bản thân Ban Siêu và 6 người còn lại theo hướng gió đốt lửa. Khi lửa bùng lên, 10 người thúc trống, la hét, 20 người còn lại hô giết và xông vào trong lều. Sứ đoàn Hung Nô giật mình tỉnh dậy, kinh hoàng trước tình hình đó. Ban Siêu dẫn đầu xông vào lều, hơn 20 người theo sau xông vào chém giết. Sứ giả Hung Nô và hơn 30 tùy tòng đều bị giết hết, toàn bộ lều đều biến thành tro.

Đoàn của Ban Siêu về tới chỗ ở thì trời vừa sáng. Ban Siêu mời quốc vương Thiện Thiện tới. Thiện Thiện thấy sứ đoàn Hung Nô đã bị Ban Siêu giết hết, liền tình nguyện nghe theo mệnh lệnh của triều Hán. Về tới triều Hán, Ban Siêu được Hán Minh Đế thăng làm quân tư mã, rồi lại cử ông tới Vu Điền. Minh Đế bảo ông đem theo nhiều người ngựa. Ban Siêu nói: "Vu Điền là nước lớn, đường lại xa, có mang tới mấy trăm người cũng không có tác dụng gì. Nếu gặp việc gì bất trắc, có nhiều người lại thêm phiền phức".

Cuối cùng, Ban Siêu vẫn chỉ mang theo 36 người cũ đến Vu Điền. Quốc vương Vu Điền thấy Ban Siêu mang theo một số người ít ỏi nên tiếp kiến không nhiệt tình lắm. Ban Siêu khuyên ông ta nên bỏ Hung Nô và kết thân với triều Hán. Ông ta không quyết định được, phải nhờ vu sư xin ý kiến thần linh. Vu sư này vốn không tán thành việc Vu Điền kết giao với triều Hán, nên mượn lời thần linh nói: " Tại sao nhà vua lại muốn kết thân với triều Hán? Sứ giả triều Hán có con ngựa màu đen nhạt là loại ngựa tốt, có thể chiếm lấy".

Quốc vương Vu Điền phái tướng quốc đến gặp Ban Siêu đòi tặng con ngựa. Ban Siêu nói: "Được! Xin mời vu sư đến lấy".

Vu sư đắc ý đến chỗ Ban Siêu nhận ngựa. Ban Siêu không nói năng gì, rút kiếm chém chết. Sau đó, ông xách đầu vu sư đến gặp quốc vương Vu Điền, trách: "Nếu nhà vua còn câu kết với Hung Nô thì vu sư này sẽ là tấm gương cho nhà vua".

Quốc vương Vu Điền từ lâu đã nghe uy danh của Ban Siêu, thấy thế thì run sợ nói: "Xin tình nguyện hòa hảo với triều Hán".

Thiện Thiện và Vu Điền là những nước chủ yếu ở Tây Vực. Họ đã kết giao với triều Hán, nên những nước khác như Qui Từ, Sơ Lặc (nay đều thuộc Tân Cương) cũng theo họ kết giao với triều Hán. Từ thời kỳ Vương Mãng, các nước Tây Vực đã không giao thiệp với triều Hán tới 65 năm. Đến nay, mới khôi phục lại tình hình như khi Trương Khiên thông Tây Vực. Hai bên lại thường xuyên trao đổi sứ giả và thực hiện việc buôn bán hàng hóa.

Hai năm sau, Hán Minh Đế mất, con là Lưu Đát nối ngôi, đó là Hán Chương Đế.


TRƯƠNG HÀNH VÀ MÁY ĐO ĐỘNG ĐẤT

Thời kỳ Hán Chương Đế trị vì, tình hình chính trị Đông Hán tương đối ổn định. Tới khi Hán Chương Đế mất, con là Hán Hòa Đế lên ngôi, mới lên 10 tuổi. Đậu thái hậu lâm triều chấp chính để anh là Đậu Hiến nắm đại quyền trong triều, vương triều Đông Hán bắt đầu đi xuống. Trong thời kì này, xuất hiện một nhà khoa học nổi tiếng là Trương Hành.

Trương Hành quê quán ở Nam Dương. Năm 17 tuổi, ông rời quê hương, lần lượt đến Trường An và Lạc Dương, cần cù học tập trong nhà thái học. Lúc đó, Trường An và Lạc Dương đều là các đô thị phồn hoa, vương công quí tộc ở những nơi đó sống cuộc đời kiêu sa dâm dật. Trương Hành thấy hiện tượng đó rất ngang tai chướng mắt, liền viết 2 tác phẩm "Tây kinh phú" và "Đông kinh phú" (Tây kinh là Trường An, Đông kinh là Lạc Dương) để châm biếm. Theo lời kể lại, để hoàn thành 2 tác phẩm đó, ông đã dày công quan sát và suy nghĩ, sửa đi sửa lại nhiều lần trong 10 năm công bố. Đủ thấy tinh thần nghiên cứu và trước tác của ông là hết sức nghiêm túc.

Nhưng sở trường của Trương Hành không phải là văn học. Ông đặc biệt ham thích nghiên cứu toán học và thiên văn học. Triều đình thấy Trương Hành là người có học vấn, liền triệu ông lên kinh làm quan, lúc đầu làm lang trung, sau làm thái sử lệnh và phụ trách thiên văn. Công việc này rất phù hợp với hứng thú nghiên cứu của ông. Qua quan sát nghiên cứu, ông đoán định Trái Đất là hình tròn, Mặt Trăng có ánh sáng là do phản chiếu ánh sáng của Mặt Trời. Ông còn cho rằng trời giống như vỏ trứng gà, bao bọc xung quanh trái đất. Trái đất giống như lòng đỏ trứng gà ở trung tâm của trời. Nhận thức đó tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng trước đây 1800 năm mà đã có được kiến giải như vậy, thì thật đáng kính phục. Không chỉ như vậy, Trương Hành còn chế ra một dụng cụ đo thiên văn bằng đồng, gọi là "hỗn thiên nghi", ngoài mặt có khắc các hiện tượng thiên văn như Mặt Trời, Mặt Trăng, và tinh tú. Theo kể lại, "hỗn thiên nghi" đó giúp người ta thấy rất rõ ràng sao nào mọc từ phía đông, sao nào lặn ở phía tây.

Khi đó thường xảy ra động đất, có khi một năm một lần, có khi một năm hai lần. Những lần động đất lớn, gây ảnh hưởng tai hại tới mười mấy quận, tường thành và nhà cửa sụp đổ, người và gia súc chết hại rất nhiều. Nhưng không ai biết cách dự báo và đề phòng ra sao. Vua chúa phong kiến và nhân dân nói chung đều coi động đất là điềm dữ do trời giáng xuống, nên lưu truyền rất nhiều loại đồn đại, lừa bịp làm xao xuyến lòng người. Nhưng Trương Hành không tin vào thần thánh và các tà thuyết. Ông theo dõi, ghi chép đầy đủ mọi hiện tượng trong các lần động đất, rồi dày công nghiên cứu, thí nghiệm, phát minh ra một cỗ máy đo đạc và dự báo động đất, gọi là "địa động nghi".

Địa động nghi(máy đo động đất) được chế bằng đồng đen, hình dáng giống như một vò rượu, xung quanh có 8 con rồng, đầu rồng hướng ra 8 phương. Trong miệng mỗi con ngậm một quả cầu bằng đồng. Dưới đầu mỗi con rồng, có một con cóc há miệng chờ sẵn. Khi động đất xảy ra ở phương nào thì con rồng quay đầu về phương bị chấn động đó, há miệng ra nhả quả cầu đồng rơi vào miệng con cóc phía dưới, phát ra tiếng kêu vang, báo cho người ta biết phương phát sinh động đất.

Một ngày tháng 2 năm 138, trên địa động nghi của Trương Hành, con rồng hướng về phương tây đột nhiên há miệng, làm rơi quả cầu đồng xuống miệng cóc. Theo thiết kế của Trương Hành, đó là tín hiệu báo có động đất ở hướng tây. Nhưng ở Lạc Dương hôm đó không hề có dấu hiệu động đất, cũng không nghe nói vùng phụ cận có động đất. Vì vậy, một số người bàn tán sôi nổi, nói địa động nghi của Trương Hành chỉ là một trò bịp, thậm chí còn có người cho rằng Trương Hành cố tình bịa chuyện, gây hoang mang. Mấy ngày sau, có người hỏa tốc về báo cáo với triều đình là ở Kim Thành, Lũng Tây cách Lạc Dương hơn 1000 dặm có động đất lớn làm lở sụt cả núi, lúc đó mọi người mới tin phục.

Nhưng lúc đó những kẻ nắm quyền trong triều đình đều là hoạn quan và ngoại thích, những người có tài năng như Trương Hành không những không được trọng dụng mà còn bị bài xích và đả kích. Khi Trương Hành làm chức thị trung, được gần hoàng đế. Bọn hoạn quan sợ Trương Hành vạch rõ với hoàng đế sự dốt nát của chúng, nên ra sức gièm pha, nói xấu Trương Hành. Vì vậy, ông bị điều khỏi kinh thành, đến Hà Giang làm quốc tướng. Trương Hành bị bệnh mất vào năm 61 tuổi. Ông đã lưu lại thành tựu rực rỡ trong lịch sử khóa học Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: