73-74
VƯƠNG MÃNG "PHỤC CỔ CẢI CHẾ"
Hán Thành Đế là một hoàng đế hoang dâm. Sau khi lên ngôi, đại quyền trong triều đình dần dần rơi vào tay ngoại thích (thân thích của hoàng thái hậu hoặc hoàng hậu). Hoàng hậu Vương Chính Quân, mẹ của Thành Đế có 8 anh em, trừ một người chết sớm, 7 người còn lại đều được phong hầu, trong đó Vương Phượng được phong làm đại tư mã, đại tướng quân. Vương Phượng nắm được đại quyền, mấy anh em con cháu của ông ta đều kiêu ngạo, xa xỉ; chỉ có một người cháu tên là Vương Mãng, cha mẹ mất sớm không có thói quen đó. Ông ta làm việc thận trọng như mọi người có học khác, sinh hoạt cũng tương đối tiết kiệm. Ai cũng ca ngợi Vương Mãng là người tốt nhất trong số vương gia tử đệ.
Sau khi Vương Phượng chết, hai người anh em của ông ta lần lượt làm tư mã. Sau đó đến Vương Mãng làm đại tư mã. Ông ta rất chú ý chiêu mộ nhân tài, một số trí thức mến mộ tên tuổi của ông cũng tìm đến, đều được ông thu nhận. Sau khi Hán Thành Đế chết, trong không đầy 10 năm, liên tiếp thay đổi hai hoàng đế khác, là Ai Đế và Bình Đế. Khi Hán Bình Đế lên ngôi, mới có 9 tuổi, mọi việc lớn của triều đình đều do đại tư mã Vương Mãng quyết định. Một số kẻ nịnh nọt đều nói Vương Mãng là đại công thần có công giữ yên triều Hán, xin Thái hoàng thái hậu phong cho Vương Mãng làm An Hán Công. Nhưng Vương Mãng nhất định không chịu nhận tước phong và đất phong. Sau đó, do các đại thần khuyên mãi, Vương Mãng mới chịu nhận tước phong, nhưng trả lại đất phong.
Công nguyên năm thứ 2, Trung nguyên có hạn hán và sâu bọ. Do trong nhiều năm quí tộc và quan lại không ngừng xâm chiếm đất đai, bóc lột nông dân nặng nề, nên khi có thiên tai, dân chúng không sao sống nổi, xã hội rung động. Để làm dịu bớt nỗi căm giận của dân chúng đối với triều đình và quan lại, Vương Mãng kiến nghị nhà nước tiết kiệm lương thực và vải vóc, tự mình cũng bỏ ra 100 vạn đồng tiền và 30 khoảnh đất để cứu tế cho dân. Do ông ta làm gương, một số quí tộc và đại thần cũng phải bỏ tiền và ruộng đất ra. Thái hoàng thái hậu lấy hơn 2 vạn khoảnh đất ở Tân Dã (nay là Tân Dã, Hà Nam) để thưởng cho Vương Mãng, nhưng Vương Mãng lại từ chối không nhận.
Vương Mãng còn phái 8 đại thần tâm phúc chia nhau đến các địa phương quan sát tình hình và lòng dân. Họ ra sức loan truyền và ca ngợi việc Vương Mãng không nhận đất thưởng ở Tân Dã, là một hành động rất khiêm tốn, nhường nhịn. Lúc đó, những địa chủ vừa và nhỏ rất căm giận việc xâm chiếm đất đai của bọn quí tộc, quan lại. Khi nghe nói Vương Mãng không chịu nhận đất phong thì đều cho rằng ông ta là người tốt hiếm có.
Vương Mãng càng không chịu nhận đất phong thì càng có nhiều người xin Thái hoàng thái hậu phong đất cho ông ta. Theo nói lại, có tất cả 80 vạn người gồm các đại thần trong triều đình, các quân địa phương và các dân thường dâng thư lên xin gia phong cho Vương Mãng, cộng lại có tất cả 3 vạn chữ. Thanh danh và uy tín của Vương Mãng ngày càng lên cao. Khi thấy người khác ngày càng ca ngợi Vương Mãng thì Hán Bình Đế ngày càng lo sợ và căm giận. Vì Vương Mãng không cho mẹ của Bình Đế ở gần hoàng đế, lại giết hết những người bên họ mẹ nên khi lớn lên, Bình Đế không tránh khỏi có những lời oán thán sau lưng.
Một hôm, các đại thần mừng thọ Bình Đế, Vương Mãng dâng lên một cốc rượu độc. Hán Bình Đế không nghi ngờ gì, liền uống cạn. Hôm sau, trong cung truyền tin Hán Bình Đế ốm nặng, và mấy hôm sau thì chết. Vương Mãng làm bộ kinh hoàng than khóc thảm thiết. Khi chết, Hán Bình Đế mới 14 tuổi, đương nhiên chưa có con. Vương Mãng chọn một đứa trẻ 2 tuổi trong hoàng thất họ Lưu làm hoàng thái tử, gọi là Nhũ Tử Anh, Vương Mãng tự xưng là "giả hoàng đế" (giả, có nghĩa: thay mặt). Một số đại thần văn võ muốn lập công khuyên Vương Mãng lên ngôi hoàng đế. Vương Mãng cũng cảm thấy làm "giả hoàng đế" không bằng làm hoàng đế thật. Do đó, một số kẻ xu nịnh đua nhau bịa ra một số hiện tượng mê tín để lừa bịp. Nào là Vương Mãng là "chân mệnh thiên tử", đã được ghi trong sách; nào là trong miếu Hán Cao Tổ có phát hiện một chiếc hộp đồng có ghi: "Hán Cao Tổ truyền ngôi cho Vương Mãng".
Con người nổi tiếng khiêm nhượng là Vương Mãng bây giờ không khiêm nhượng nữa. Vương Mãng đòi Thái hoàng thái hậu trao cho mình ngọc tỉ hoàng đế của họ Lưu. Bấy giờ Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân mới giật nảy mình, không chịu giao ngọc tỉ. Sau, vì bị ép quá, bà phẫn nộ quăng ngọc tỉ xuống đất. Năm thứ 8 công nguyên, Vương Mãng chính thức lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tân, vẫn đóng đô ở Trường An. Vương triều Tây Hán bắt đầu từ khi Hán Cao Tổ xưng đế tới lúc đó vừa đúng 210 năm, đã kết thúc như vậy.
Vương Mãng lên ngôi hoàng đế, lấy danh nghĩa "phục cổ cải chế" (thay đổi chế độ theo đời cổ), hạ lệnh thay đổi pháp luật: Một là, coi đất đai trong toàn quốc là "vương điền" (ruộng đất của nhà vua), không cho phép mua bán; hai là, đổi nô tỳ thành "tư thuộc", không cho mua bán; ba là: qui định giá cả, cải cách tiền tệ. Những cải cách đó, nghe qua có vẻ tốt, nhưng khi tiến hành thì xảy ra nhiều chuyện xấu. Việc thay đổi chế độ ruộng đất và nô tỳ, ngay từ đầu đã bị bọn quí tộc và quan lại phản đối, không sao thực hiện được. Việc qui định giá cả lại rơi vào tay bọn quí tộc quan liêu, chúng lợi dụng chức quyền để đầu cơ gây rối và tham nhũng, làm cho đời sống dân chúng càng khốn khổ hơn. Tiền tệ được cải cách nhiều lần, lần sau lại đúc nhỏ hơn lần trước, nhưng lại mang giá trị lớn hơn, vô hình trung lại vơ vét mất nhiều tài sản nhân dân. Việc phục cổ cải chế như vậy không những bị nông dân phản đối, mà nhiều địa chủ vừa và nhỏ cũng không ủng hộ. Sau 3 năm, Vương Mãng lại hạ lệnh cho phép mua bán vương điền và nô tỳ như cũ.
Vương Mãng muốn dùng chiến tranh với bên ngoài để xoa dịu mâu thuẫn trong nước. Do đó, lại gặp phải sự chống lại của Hung Nô, Tây Vực và các bộ tộc tây nam. Vương Mãng còn trưng dụng dân phu, tăng thuế má, dung túng cho quan lại hà hiếp dân chúng, tăng nặng hình phạt. Vì vậy phong trào khởi nghĩa nông dân đã bùng lên để phản kháng.
KHỞI NGHĨA LỤC LÂM, XÍCH MI
Sự bóc lột của Vương Mãng cộng với thiên tai liên tiếp khiến nông dân không còn đường nào khác, phải vùng lên khởi nghĩa. Ở miền đông và miền nam đều có nhiều nhóm nông dân nổi dậy chống lại quan binh. Năm 17 công nguyên, vùng Kinh Châu ở miền nam bị nạn đói, dân chúng phải vào rừng và vùng đầm ao đào rễ cây và các thứ củ để ăn chống đói. Dần dần, những thứ đó trở nên khan hiếm, dân đói phải tranh giành nhau. Ở Tân Thị (nay ở đông bắc Kinh Sơn, Hồ Bắc) có 2 người uy tín là Vương Khuông và Vương Phượng đứng ra dàn xếp, được nhân dân ủng hộ. Mọi người bầu họ làm thủ lĩnh.
Vương Khuông và Vương Phượng liền tổ chức dân đói lại, phát động khởi nghĩa. Họ nhanh chóng tập hợp được mấy trăm người và một số phạm nhân vượt ngục đến tham gia. Bọn họ chiếm vùng núi Lục Lâm (nay là núi Đại Hồng, Hồ Bắc) làm căn cứ địa, rồi chiếm vùng nông dân phụ cận. Chỉ trong mấy tháng, nghĩa quân phát triển thành 78 nghìn người. Vương Mãng cử 2 vạn quân quan đến dẹp quân Lục Lâm, bị đánh cho đại bại phải tháo chạy. Quân Lục Lâm thừa thế đánh chiếm mấy tòa huyện thành, phá nhà giam, thả tù phạm, phá kho lương thực chia cho người nghèo và vận chuyển lên núi Lục Lâm. Người nghèo theo về càng đông, quân khởi nghĩa tăng lên hơn 5 vạn.
Năm sau, trên núi Lục Lâm không may có dịch bệnh, số người bị chết vì dịch bệnh lên tới hơn 2 vạn. Số còn lại đành rời núi Lục Lâm, chia làm 3 cánh quân là: Tân Thị binh, Bình Lâm (nay ở đông bắc huyện Tùng, Hồ Bắc) binh và Hạ Giang (tên gọi đoạn sông Trường Giang từ phía tây Hồ Bắc trở xuống) binh. Ba cánh quân đều chiếm địa bàn riêng, đội ngũ lại lớn mạnh lên. Trong khi ở miền nam, quân Lục Lâm đánh lại quân quan ở vùng Kinh Châu, thì ở miền đông quân khởi nghĩa cũng phát triển. Ở Hải Khúc, Lang Nha (nay thuộc huyện Nhật Chiếu, Sơn Đông), có một bà già họ Lã có con trai là công sai trong huyện, vì không chịu đánh đập người nghèo không đủ tiền nộp thuế theo lệnh quan, nên bị quan huyện giết. Việc đó gây nên căm phẫn, có hơn 100 nông dân nghèo vùng lên báo thù cho Lã mẫu, giết quan huyện rồi cùng Lã mẫu trốn đến Hoàng Hải, có dịp là lên bờ đánh bại quan quân.
Lúc đó, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa khác là Phàn Sùng dẫn mấy trăm người đến núi Thái Sơn. Sau khi Lã mẫu chết, thủ hạ của bà đi theo quân khởi nghĩa Phàn Sùng. Không đầy một năm, đội ngũ tăng thêm hơn một vạn, di chuyển trong vùng Thanh Châu-Từ Châu, đánh lại bọn quan lại, địa chủ. Quân khởi nghĩa Phàn Sùng có kỷ luật rất nghiêm, qui định kẻ nào giết hại dân chúng sẽ bị xử tử; kẻ nào làm hại dân chúng bị xử tội. Vì vậy, họ được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ. Năm 21 công nguyên, Vương Mãng phái thái sư Vương Khuông (trùng tên với Vương Khuông, lãnh tụ quân Lục Lâm) cùng tướng Liêm Đan đem 10 vạn quân trấn áp quân khởi nghĩa Phàn Sùng. Phàn Sùng đã chuẩn bị đầy đủ, tiến hành đại chiến với quân Vương Mãng. Để tránh lầm lẫn khi giao chiến, Phàn Sùng hạ lệnh cho quân mình tô màu đỏ lên lông mày, để dễ phân biệt. Do đó, quân khởi nghĩa Phàn Sùng có biệt danh là "quân Xích Mi" (xích: màu đỏ; mi: lông mày).
Trong trận đại chiến đó, quân Vương Mãng đại bại, chạy trốn quá nửa. Thái sư Vương Khuông bị Phàn Sùng đâm một thương trúng đùi, được quân cứu chạy thoát; còn tướng Liêm Đan bị giết trong đám loạn quân. Quân Xích Mi càng đánh càng mạnh, phát triển tới hơn 10 vạn người. Tin tức về quân khởi nghĩa Lục Lâm và Xích Mi đánh bại quân Vương Mãng ở miền đông và miền nam lan truyền đi khắp nơi, nông dân các địa phương khác cũng rục rịch hưởng ứng. Trên vùng bình nguyên bao la hai bên bờ Hoàng Hà có mấy chục cánh quân khởi nghĩa với qui mô khác nhau. Một số quí tộc, địa chủ, cường hào sa sút cũng nhân cơ hội khởi binh chống lại Vương Mãng.
Ở Thung Lăng thuộc quận Nam Dương (nay ở phía bắc Ninh Viễn, Hồ Nam) có hai anh em cường hào là Lưu Dần và Lưu Tú, vốn oán giận trước việc bị Vương Mãng tước bỏ phong hiệu tông thất triều Hán, không cho người họ Lưu làm quan, liền phát động người trong họ và tân khách được bảy tám ngàn người khởi binh ở Thung Lăng. Họ liên hợp với 3 cánh quân khởi nghĩa nông dân Lục Lâm, liên tiếp đánh bại mấy danh tướng của Vương Mãng, nên thanh thế rất lừng lẫy. Mấy cánh quân khởi nghĩa Lục Lâm không có sự chỉ huy thống nhất. Các tướng sĩ cho rằng binh mà đông đảo thì cần có một thủ lĩnh mới có thể thống nhất hiệu lệnh. Một số tướng lĩnh xuất thân quí tộc, lợi dụng quan niệm chính thống còn tồn tại trong số đông, đề xuất ý kiến phải chọn một người họ Lưu làm thủ lĩnh thì mới phù hợp lòng người.
Trong quân Lục Lâm có rất nhiều người họ Lưu, biết chọn ai là thủ lĩnh? Quân Thung Lăng muốn đề cử Lưu Dần nhưng quân Tân Thị và quân Bình Lâm thấy Lưu Dần thế lực quá lớn, muốn chọn một quí tộc sa sút là Lưu Huyền lên làm hoàng đế. Lưu Dần lại nêu ý kiến là nên đợi tới lúc tiêu diệt xong Vương Mãng và thu phục được quân Xích Mi rồi hãy lập hoàng đế. Ý kiến này bị phản đối. Lưu Dần thấy lực lượng của mình chưa đủ, đánh đồng ý lập Lưu Huyền.
Năm 23 công nguyên, tướng sĩ các cánh quân Lục Lâm chính thức tôn Lưu Huyền lên làm hoàng đế, khôi phục quốc hiệu triều Hán, lấy niên hiệu là "Canh Thủy", nên Lưu Huyền cũng được gọi là Canh Thủy Đế. Canh Thủy Đế phong Vương Khuông, Vương Phượng làm thượng công; Lưu Dần làm đại tư đồ; Lưu Tú là thái thượng thiên tướng quân. Những tướng lĩnh khác cũng đều được phong chức. Tới lúc đó, quân Lục Lâm còn gọi là Hán quân.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top