45-46
TẦN VƯƠNG DIỆT SÁU NƯỚC
Tần Vương giết chết Kinh Kha, lập tức hạ lệnh cho đại tướng Vương Tiễn gấp rút đánh nước Yên. Thái tử Đan dẫn quân chống lại, nhưng đâu phải là đối thủ của quân Tần, nên bị đánh tan tác ngay. Yên Vương Hỷ và thái tử Đan chạy tới Liêu Đông, Tần Vương phái quân đuổi, quyết đánh cho tới khi bắt được thái tử Đan mới thôi. Yên Vương Hỷ không còn cách nào, đành giết thái tử Đan để xin hòa.
Tần Vương Doanh Chính hỏi ý kiến Úy Liêu. Úy Liêu nói: "Nước Hàn đã bị ta chiếm, nước Triệu chỉ còn lại tòa Đại Thành (nay là huyện Úy, Hà Bắc), Yên Vương đã chạy tới Liêu Đông. Chúng đều sắp tận số rồi. Hiện nay đang mùa lạnh. Chi bằng trước hết, ta quay sang thu phục nước Ngụy và nước Sở ở phương Nam".
Tần Vương nghe theo kế đó, liền phái Vương Bôn là con Vương Tiễn dẫn 10 vạn quân sang đánh Ngụy. Ngụy Vương cử người sang cầu cứu nước Tề, nhưng Tề Vương Kiến từ chối. Năm 225 TCN, Vương Bôn diệt nước Ngụy, bắt Ngụy Vương và các đại thần giải về Hàm Dương. Sau đó Tần Vương chuẩn bị đánh Sở, liền triệu tập tướng lĩnh lại bàn bạc. Trước hết hỏi Lý Tín là một tướng trẻ, xem đánh nước Sở cần bao nhiêu quân. Lý Tín nói: "Bất quá 20 vạn là đủ". Ông ta lại hỏi lão tướng Vương Tiễn. Vương Tiễn trả lời: "Nước Sở là một nước lớn, dùng 20 vạn quân không đủ. Theo tính toán của thần, nếu không có 60 vạn là không được".
Tần Vương không vui nói: "Vương tướng quân già rồi. Sao nhát gan thế? Ta cho rằng Lý tướng quân nói đúng". Liền sai Lý Tín dẫn 20 vạn quân đi đánh phương nam. Vương Tiễn thấy Tần Vương không nghe theo ý kiến mình, liền cáo bệnh về quê. Lý Tín dẫn 20 vạn quân đánh Sở, đúng như Vương Tiễn đã dự đoán, bị quân Sở đánh cho đại bại, quân lính chết rất nhiều, lại chết mất bảy viên tướng, phải chạy về Tần. Tần Vương Doanh Chính cả giận, cách chức Lý Tín và thân hành đến tận nhà Vương Tiễn, mời ông ra cầm quân. Tần Vương nói: "Lần trước, ta đã sai lầm, không nghe theo lời tướng quân. Quả nhiên Lý Tín đã làm hỏng việc. Lần này không có tướng quân chỉ huy thì không xong".
Vương Tiễn nói: "Đại vương nhất định bắt tôi chỉ huy thì phải có đủ 60 vạn quân mới được. Nước Sở đất rộng người đông, họ muốn huy động một triệu quân cũng không khó. Tôi nói ta phải có 60 vạn quân, còn sợ không đủ. Nếu ít hơn nữa thì không thể được".
Tần Vương cười: "Lần này nghe theo tướng quân". Liền cấp cho Vương Tiễn 60 vạn người ngựa. Hôm xuất quân, còn thân tới Bá Thượng chúc rượu tiễn đưa. Đại quân Vương Tiễn rầm rộ tiến đánh nước Sở. Sở cũng mang toàn bộ binh lực chống lại. Vương Tiễn đến tiền phương, sai quân sĩ xây thành đắp lũy , không cho ra đánh. Đại tướng Sở là Hạng Yên nhiều lần khiêu chiến, Vương Tiễn vẫn không tiếp chiến. Kéo dài một thời gian, Hạng Yên nghĩ: "Thì ra Vương Tiễn chỉ đến đây để trú phòng thôi", liền lơ là không chú ý lắm tới quân Tần nữa. Không ngờ trong lúc Hạng Yên thiếu chuẩn bị, quân Tần bất ngờ mở cuộc tiến công với khí thế ào ạt như dời núi lấp sông, 60 vạn quân mã xông pha chém giết. Tướng sĩ Sở như nằm mơ chợt tỉnh, gắng gượng chống đỡ lại đòn đánh sấm sét của quânTần, nhưng cuối cùng nao núng tan vỡ. Quân Tần đuổi đến Thọ Xuân (nay ở phía tây huyện Thọ, An Huy) bắt được vua Sở là Phụ Sô.
Hạng Yên được tin vua Sở bị bắt, liền vượt Trường Giang, muốn tiếp tục thu thập lực lượng để chống lại. Vương Tiễn liền cho đóng thuyền chiến, huấn luyện thủy quân rồi vượt sông truy kích. Hạng Yên thấy đại thế đã hỏng, liền than dài và rút kiếm tự sát. Vương Tiễn diệt xong Sở, trở về Hàm Dương, trao lại quân cho con là Vương Bôn làm đại tướng đem quân sang đánh Yên. Nước Yên vốn đã suy yếu lắm rồi, nên không thể chống lại được quân Tần. Năm 222 TCN Vương Bôn diệt xong nước Yên, và chiếm nốt Đại Thành là thành lũy cuối cùng của nước Triệu.
Đến lúc này, duy nhất chỉ còn Tề. Các đại thần của Tề đã bị Tần dùng vàng bạc mua chuộc hết. Tề Vương Kiến xưa nay không dám đắc tội với Tần, lần nào các nước khác sang cầu cứu, ông cũng đều cự tuyệt. Ông cho rằng Tề ở xa Tần, miễn là một mực vâng theo Tần thì sẽ không bị tiến công. Đến khi thấy năm nước kia đã lần lượt bị Tần thôn tính hết thì mới cuống cuồng vội vã đưa quân ra phòng giữ biên giới phía tây, nhưng đã muộn rồi.
Năm 221 TCN Vương Bôn dẫn mấy chục vạn quân Tần từ phía nam nước Yên đổ xuống Lâm Tri, khí thế như núi Thái Sơn đè xuống. Tề Vương Kiến thấy các nước xung quanh không còn ai để xin cứu viện nữa, thế cô lực mỏng, chỉ trong mấy ngày là xin đầu hàng.
Sáu nước chư hầu do chỉ biết bo bo nghĩ đến mình, lại còn đánh lẫn nhau, mong chiếm đất của người khác để bù vào số bị mất với quân Tần, hòng duy trì tình trạng cát cứ, nên đã tạo cơ hội cho Tần đánh dần từng nước một. Nước Tần lúc đó không những chiếm ưu thế về chính trị, kinh tế và quân sự, mà quan trọng hơn là hành động phù hợp với xu thế thống nhất của lịch sử, nên chỉ trong không đầy 10 năm đã diệt hết sáu nước.
Từ năm 475 TCN bắt đầu thời kỳ Chiến quốc, qua hơn 250 năm phân tranh giữa các nước chư hầu, cuối cùng đã kết thúc cục diện cát cứ lâu dài, xây dựng nên một quốc gia phong kiến thống nhất nhiều dân tộc là Vương triều Tần.
TẦN THỦY HOÀNG - HOÀNG ĐẾ ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC
Tần Vương Doanh Chính kiêm tính xong sáu nước, kết thúc cục diện cát cứ thời Chiến quốc, thống nhất nước Trung Hoa. Ông ta cảm thấy công tích của mình còn lớn lao hơn cả tam hoàng ngũ đế trong truyền thuyết, không thể cứ dùng danh hiệu "vương" nữa, mà cần tìm một danh hiệu tôn quí hơn cho xứng với công tích đó, liền quyết định dùng danh hiệu "hoàng đế". Vì là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, nên ông tự xưng là Thủy Hoàng đế (thủy có nghĩa: đầu tiên). Ông ta còn qui định, con cháu về sau nối ngôi, cứ theo thứ tự mà gọi, như Nhị thế Hoàng đế, Tam thế Hoàng đế...cho tới Vạn thế Hoàng đế.
Đất nước đã thống nhất, làm thế nào để cai trị một quốc gia rộng lớn như vậy? Trong một cuộc triều nghị, bọn thừa tướng Vương Quán nói: "Hiện nay các chư hầu vừa bị tiêu diệt, đặc biệt là ba nước Yên, Sở, Tề cách Hàm Dương rất xa, không phong mấy tước vương cai trị ở đấy thì không được. Xin hoàng thượng phong cho mấy hoàng tử đến đó".
Tần Thủy Hoàng cho đại thần bàn bạc. Rất nhiều người tán thành ý kiến của Vương Quán, chỉ có Lý Tư phản đối. Lý Tư nói: "Khi Chu Vũ Vương lập nên triều Chu, đã phong không ít chư hầu. Giữa họ phần nhiều là người cùng tông tộc. Thế mà sau này, do xung đột quyền lợi mà tàn sát nhau như thù địch, thiên tử nhà Chu cũng không ngăn cản được. Từ đó thấy rằng biện pháp phân phong là không tốt. Không bằng thiết lập quận huyện trong toàn quốc mà cai trị".
Ý kiến của Lý Tư hoàn toàn hợp với ý Tần Thủy Hoàng. Vì vậy, ông phá bỏ chế độ phân phong mà áp dụng chế độ quận huyện, chia cả nước làm 36 quận, dưới cấp quận là cấp huyện. Quan cai trị đứng đầu quận do triều đình trực tiếp bổ nhiệm. Việc chính sự quốc gia từ to đến nhỏ đều do hoàng đế quyết định. Theo nói lại, mỗi ngày Tần Thủy Hoàng phải đọc 120 cân tờ trình do dưới gửi lên (lúc đó chưa có giấy, chữ viết phải khắc trên thẻ tre), chưa đọc xong là chưa nghỉ. Đủ biết quyền lực tập trung trong tay ông ta tới mức cao như thế nào.
Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung nguyên, chế độ giữa các nước đều khác nhau, thí dụ về mặt giao thông, chiều dài trục xe mỗi nước qui định một khác, nên độ rộng mặt đường cũng khác nhau. Khi thống nhất đất nước, xe chạy từ vùng này sang vùng khác gặp khó khăn, nhiều khi phải đổi xe, gây phiền phức và mất thời gian. Do đó, nhà nước trung ương qui định: từ nay nhất loạt đóng xe theo kích thước tiêu chuẩn, khoảng cách giữa hai bánh xe là 6 thước (gần bằng 2m), để việc đi lại được thuận tiện trong cả nước. Việc đó được gọi là "xa đồng quĩ" (xe có cùng vết bánh xe).
Về mặt chữ viết, trước khi thống nhất, giữa các nước có nhiều cách viết cho cùng một chữ. Từ nay qui định cách viết thống nhất tiện lợi nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa và giấy tờ, công văn của nhà nước. Việc đó được gọi là "thư đồng văn" (viết cùng bằng một thứ chữ).
Giao thông đã tiện lợi, thương nghiệp theo đó cũng phát đạt, nhưng phương tiện cân đong trước kia rất khác nhau. Nhà nước trung ương liền qui định thống nhất phương tiện đo lường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán.
Tần Thủy Hoàng đang tiến hành việc cải cách trong nước, thì bộ tộc Hung Nô ở biên giới phía bắc đánh vào nội địa. Hung Nô là bộ tộc ở vùng bắc lãnh thổ Trung Quốc. Suốt thời Chiến quốc, quí tộc Hung Nô nhân dịp hai nước Yên, Triệu suy yếu, đã từng bước tiến xuống phía nam, chiếm đoạt một khu vực lớn ở vùng Hà Sáo. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung nguyên, liền phái đại tướng Mông Điềm đem 30 vạn quân chống lại, thu hồi lại vùng Hà Sáo, lập nên 44 huyện.
Để đề phòng Hung Nô xâm phạm, Tần Thủy Hoàng lại điều động dân phu nối liền các bức thành do ba nước Yên, Triệu, Tần xây dựng trước kia và xây thêm nhiều thành mới, tạo thành một bức Vạn Lý Trường Thành chạy suốt từ Lâm Triệu (nay là huyện Mân, Cam Túc) ở phía tây đến Liêu Đông (nay ở tây bắc Liêu Dương, Liêu Ninh) ở phía đông. Công trình kiến trúc nổi tiếng toàn thế giới đó mãi mãi là tượng trưng của văn minh lâu đời của dân tộc Trung Hoa.
Sau này, Tần Thủy Hoàng lại phái 50 vạn quân bình định phương nam, lập thêm 3 quận. Năm thứ hai, Mông Điềm đánh bại Hung Nô lập thêm một quận. Như vậy cả nước có 44 quận. Năm 213 TCN, do mở mang được quốc thổ, Tần Thủy Hoàng cử hành một yến hội chúc mừng ở Hàm Dương. Nhiều đại thần dâng lời tán tụng công lao thống nhất quốc gia của hoàng đế. Nhân dịp này, bác sĩ Thuần Vu Việt lại nêu lên kiến nghị phân phong. Ông ta cho rằng không thể không làm theo qui cũ đã có từ thời cổ. Lúc đó, Lý Tư đã làm thừa tướng. Tần Thủy Hoàng liền hỏi ý Lý Tư. Lý Tư nói: "Ngày nay đất nước đã an định, pháp lệnh đã thống nhất. Thế mà có một số kẻ đọc sách không chịu học ngày nay, cứ một mực học theo ngày xưa, bình luận lung tung về đại sự quốc gia, gây hỗn loạn trong dân chúng. Nếu không cấm chỉ, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của triều đình".
Tần Thủy Hoàng làm theo chủ trương của Lý Tư, lập tức hạ lệnh thu thập toàn bộ sách vở trong thiên hạ, trừ những sách dạy về y dược, trồng cây..., còn tất cả thi, thư và sách vở của bách gia chư tử đều nhất loạt đem đốt hết. Nếu ai tàng trữ các loại sách vở đó, sẽ ghép vào tử tội. Những ai dựa vào chế độ xưa để phê phán chế độ hiện thời, sẽ xử tội chém ngang lưng. Năm thứ hai, có hai phương sĩ (một loại người chuyên cầu thần tiên và luyện đan để bịp người) tên là Lư Sinh và Hầu Sinh bình phẩm về Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng được tin, liền cử người đi lùng thì họ đã trốn mất.
Tần Thủy Hoàng nổi giận, lại phát hiện ở Hàm Dương có một số nho sinh đã từng bình phẩm về mình, liền hạ lệnh bắt đến thẩm vấn. Các nho sinh không chịu nổi tra khảo, khai ra thêm một loạt người. Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đem tất cả hơn 460 nho sinh phạm vào cấm lệnh đó chôn sống ở ngoài thành Hàm Dương. Một số người phạm cấm lệnh khác bị đày ra vùng biên cương. Sự kiện đó được lịch sử gọi là "phần thư khanh nho" (đốt sách, chôn nhà nho).
Trong khi Tần Thủy Hoàng nóng giận, các đại thần không dám khuyên can. Con trưởng là Phù Tô nhận thấy làm như thế là quá nghiêm khắc, liền can ngăn Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng nổi giận, hạ mệnh lệnh đuổi Phù Tô khỏi Hàm Dương, lên miền bắc phòng giữ biên thùy cùng với Mông Điềm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top