43-44
LÝ TƯ CAN VIỆC ĐUỔI KHÁCH
Nước Tần tuy bị thua một trận lớn ở Hàm Đan nhưng thực lực còn rất mạnh. Năm sau (256 TCN), lại đem quân đánh thắng hai nước Hàn, Triệu. Sau đó quyết diệt luôn vương triều Chu đến lúc đó chỉ còn lại trên danh nghĩa.
Sau khi Tần Chiêu Tương Vương chết, con là Tần Trang Tương Vương lên nối ngôi được 3 năm cũng chết. Thái tử Doanh Chính mới 13 lên ngôi. Lúc đó đại quyền trong triều nằm trong tay tướng quốc Lã Bất Vi. Lã Bất Vi vốn là một phú thương ở đất Dương Địch (nay là huyện Vũ, tỉnh Hà Nam), vì giúp Trang Tương Vương giành được ngôi vua nên được phong tướng quốc. Sau khi làm tướng quốc, ông ta học theo lối Mạnh Thường Quân, chiêu tập rất nhiều môn khách, trong đó nhiều người từ các nước tới.
Thời kỳ chiến quốc có rất nhiều học phái đua nhau viết sách, đưa ra học thuyết, lịch sử gọi hiện tượng đó là "trăm nhà đua tiếng". Bản thân Lã Bất Vi không viết được sách, ông ta tổ chức các môn khách biên soạn một bộ sách, gọi là "Lã thị Xuân Thu". Sách viết xong, Lã Bất Vi cho treo trên cổng thành Hàm Dương, dán thông cáo nói ai có thể đề xuất ý kiến, dù chỉ thêm bớt một chữ, cũng thưởng 1000 lạng vàng. Do đó, danh tiếng của ông ta càng lừng lẫy.
Tần Vương Doanh Chính mỗi ngày một trưởng thành. Năm nhà vua 22 tuổi, trong cung xảy ra một vụ phản loạn, liên quan tới Lã Bất Vi. Tần Vương cảm thấy còn để Lã Bất Vi sẽ gây trở ngại, liền miễn chức ông ta. Sau lại thấy Lã Bất Vi có thế lực lớn, liền buộc ông ta tự sát.
Lã Bất Vi chết, một số quí tộc và đại thần nước Tần đua nhau bình luận, cho rằng những người nước khác đến Tần đều vì nước của họ, có người có thể còn là gián điệp nữa. Tất cả đều xin Tần Vương đuổi hết người nước ngoài ra khỏi Tần. Tần Vương Doanh Chính nghe theo, liền ra lệnh đuổi khách, qui định mọi quan chức dù lớn hay nhỏ, nếu không phải là người nước Tần, đều phải rời khỏi Tần.
Có một khách khanh từ Sở tới, tên là Lý Tư, vốn là học trò của Tuân Huống một đại biểu nổi tiếng của học phái Nho gia. Ông đến Tần, được Lã Bất Vi lưu lại làm khách khanh. Lúc này, Lý Tư cũng nằm trong số người bị đuổi, trong lòng cảm thấy rất không hợp lý. Trước khi rời Hàm Dương, ông ta dâng lên vua Tần một sớ tấu can ngăn. Trong sớ tấu, Lý Tư viết: "Trước kia, Tần Mục Công sử dụng Bách Lý Hề, Kiển Thúc nên nước Tần được làm bá chủ; Tần Hiếu Công sử dụng Thương Ưởng thay đổi pháp luật khiến cho nước Tần giàu mạnh; Huệ Văn Vương sử dụng Trương Nghi, đã phá vỡ được liên minh hợp tung của sáu nước; Chiêu Tương Vương có Phạm Thư giúp mở mang thế lực nước Tần. Bốn vị quân vương đó đều nhờ các vị quan khách nước ngoài mà lập nên công nghiệp. Ngày nay, đại vương lại đuổi hết nhân tài người nước ngoài, làm như thế chẳng phải là tăng thêm sức mạnh cho các nước thù địch hay sao?".
Tần Vương Doanh Chính thấy Lý Tư nói có lý, vội sai người đuổi theo mời Lý Tư quay trở lại, khôi phục quan chức cho ông, đồng thời hủy bỏ lệnh đuổi khách. Sau khi Tần Vương dùng Lý Tư làm mưu sĩ, một mặt tăng cường thế công với các nước, một mặt cử người du thuyết các nước chư hầu, dùng các thủ đoạn phản gián mua chuộc, phối hợp với tiến công bằng vũ lực. Hàn Vương là An thấy tình hình đó thì rất lo sợ, liền phái công tử Hàn Phi sang nước Tần cầu hòa, xin tình nguyện làm thuộc quốc của Tần.
Hàn Phi cũng là học trò của Tuân Huống, là đồng học của Lý Tư. Ở nước nhà, ông thấy đất nước ngày càng suy yếu, nhiều lần xin Hàn Vương cải cách chính trị, nhưng không được chú ý. Hàn Phi vốn có học vấn uyên bác, nhưng không được trọng dụng, liền đóng cửa ngồi viết sách gọi là bộ "Hàn Phi tử". Trong tác phẩm, ông chủ trương nhà vua phải tập trung quyền lực, tăng cường pháp trị. Bộ sách đó truyền tới nước Tần, Tần Vương Doanh Chính xem xong hết sức tán thưởng, nói: "Nếu ta được gặp con người đó thì tốt biết bao".
Lần này Hàn Phi được cử đến nước Tần, thấy nước Tần lớn mạnh, liền dâng thư lên Tần Vương, tình nguyện góp sức phục vụ sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Tần. Lá thư được dâng lên, Tần Vương chưa kịp trọng dụng Hàn Phi thì Lý Tư đã hết sức lo lắng, sợ Hàn Phi giành mất địa vị của mình. Lý Tư nói với Tần Vương: "Hàn Phi là công tử nước Hàn, đại vương đang kiêm tính chư hầu, Hàn Phi nhất định sẽ lo toan cho nước Hàn. Nếu để ông ta về nước thì sẽ gây hậu loạn. Chi bằng ta ghép cho ông ta một tội danh rồi giết đi".
Tần Vương còn hơi do dự, hạ lệnh trước hết hãy giam Hàn Phi lại, chuẩn bị thẩm vấn. Hàn Phi bị giam trong ngục, không có cơ hội biện bạch. Lý Tư lại đưa thuốc độc vào bắt uống, Hàn Phi đành uống thuốc độc tự sát. Tần Vương giam Hàn Phi, hơi có hối ý, sai thả Hàn Phi ra nhưng đã muộn. Vì vậy rất lấy làm tiếc. Lúc đó có một người nước Ngụy tên là Liêu đến Tần. Tần Vương đàm luận, biết ông là một nhân tài hiếm có, liền phong làm quan Úy nước Tần. Người sau thường gọi ông ta là Uý Liêu.
KINH KHA HÀNH THÍCH TẦN VƯƠNG
Tần Vương Doanh Chính trọng dụng Úy Liêu, quyết tâm thống nhất Trung nguyên, không ngừng tiến công các nước chư hầu. Ông phá vỡ liên minh giữa Yên với Triệu, khiến nước Yên mất một số tòa thành. Thái tử Đan của nước Yên vốn trước kia làm con tin ở Tần. Ông thấy Tần Vương quyết tâm kiêm tính các nước, lại chiếm của Yên một số tòa thành, liền trốn về Yên. Ông rất căm thù nước Tần, quyết báo thù cho nước Yên. Nhưng ông không rèn luyện binh mã, cũng không nghĩ tới việc liên kết với các nước để cùng chống Tần, lại gửi gắm vận mệnh nước Yên vào hành động ám sát Tần Vương. Thái tử Đan đem hết của cải để tìm cho được người có thể hành thích Tần Vương.
Sau đó, thái tử Đan chọn được một dũng sĩ rất có tài năng là Kinh Kha. Ông tôn Kinh Kha làm thượng khách, nhường xe ngựa của mình cho Kinh Kha dùng, để Kinh Kha cũng ăn mặc như mình. Vì vậy Kinh Kha hết lòng cảm kích thái tử Đan.
Năm 230 TCN, Tần diệt Hàn. Hai năm sau, đại tướng Vương Tiễn của Tần chiếm được đô thành Hàm Đan của Triệu, rồi tiến quân lên phía bắc, tới sát nước Yên. Thái tử Đan vội vã đi tìm Kinh Kha và nói: "Nếu đem quân chống lại Tần thì như trứng chọi đá, muốn liên kết với các nước để hợp tung chống Tần, cũng không kịp nữa. Tôi nghĩ chỉ còn cách cử một dũng sĩ đóng vai sứ giả sang yết kiến vua Tần, thừa cơ tiến sát vua Tần, buộc ông ta trả lại đất đai cho các nước. Nếu vua Tần thuận theo thì tốt nhất, nếu không thì giết đi. Tráng sĩ xem như thế có được không?"
Kinh Kha nói: "Cũng có thể được. Nhưng muốn đến sát vua Tần, nhất định phải làm cho ông ta tin là ta đến cầu hòa. Nghe nói vua Tần từ lâu đã muốn có miền đất phì nhiêu là Đốc Kháng (nay ở huyện Trác, Hà Nam). Ngoài ra tướng nước Tần là Phàn Vu Kỳ đang lưu vong tại nước Yên, vua Tần đang treo thưởng để bắt ông ta. Nếu tôi có thể mang theo đầu của tướng quân Phàn Vu Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng sang dâng lên vua Tần, thì ông ta mới chịu tiếp kiến tôi. Như vậy tôi mới có thể hành sự được".
Thái tử Đan cảm thấy khó xử nói: "Bản đồ vùng Đốc Kháng thì được, còn Phàn tướng quân thì vì bị nước Tần bức hại nên mới chạy sang nương nhờ ta, ta sao có thể nhẫn tâm làm hại ông ta?"
Kinh Kha biết thái tử Đan không nỡ làm việc đó, liền tự mình tới gặp Phàn Vu Kỳ, nói: "Tôi có ý định giúp nước Yên trừ hậu hoạn và còn có thể báo thù cho tướng quân, nhưng còn một điều rất khó nói"
Phàn Vu Kỳ vội nói: "Điều gì? Xin cứ nói!". Kinh Kha trả lời: "Tôi quyết định đi hành thích, nhưng lại sợ không được Tần Vương tiếp kiến. Hiện nay Tần Vương đang treo thưởng để bắt tướng quân. Nếu tôi có được chiếc đầu của tướng quân đem dâng cho ông ta, thì nhất định được tiếp kiến"
Phàn Vu Kỳ nói: "Được, ngài hãy lấy đi". Nói rồi rút bảo kiếm, đâm cổ tự sát.
Thái tử Đan chuẩn bị một con dao găm cực sắc, có tẩm thuốc độc, chỉ cần đâm sướt da chảy máu là người bị đâm sẽ chết ngay. Ông trao dao găm cho Kinh Kha để dùng làm dụng cụ hành thích. Ngoài ra còn cử một dũng sĩ mới 13 tuổi tên là Tần Vũ Dương đi theo làm trợ thủ cho Kinh Kha.
Năm 227 TCN, Kinh Kha từ nước Yên lên đường đi Hàm Dương. Thái tử Đan và một số tân khách mặc quần áo tang tiễn Kinh Kha ở bên sông Dịch (nay ở huyện Dịch, Hà Bắc). Trước khi từ biệt, Kinh Kha cất tiếng hát: "gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê, tráng sĩ một ra đi chừ, không trở về"
Nghe lời ca bi tráng, mọi người có mặt đều rơi nước mắt. Kinh Kha kéo Tần Vũ Dương lên xe, không hề quay đầu lại. Kinh Kha tới Hàm Dương. Tần Vương Doanh Chính nghe nói nước Yên phái sứ giả mang đầu Phàn Vu Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng tới thì rất phấn khởi, liền hạ lệnh cho Kinh Kha vào tiếp kiến ở cung Hàm Dương. Nghi thức triều kiến bắt đầu, Kinh Kha bưng chiếc hòm đựng đầu Phàn Vu Kỳ, Tần Vũ Dương bưng khay đựng bản đồ, tiến từng bước lên bậc thềm cung điện. Tần Vũ Dương thấy khung cảnh uy nghiêm của triều đình nước Tần, bất giác run lên cầm cập. Các thị vệ của vua Tần liền quát lớn: "Sứ giả tại sao biến sắc?"
Kinh Kha quay đầu lại nhìn, thấy mặt Tần Vũ Dương vừa trắng bệch vừa xanh xám, liền cười nói với Tần Vương: "Kẻ thôn dã đó, xưa nay chưa từng được thấy sự uy nghiêm của đại vương nên không tránh được sợ hãi. Xin đại vương nể tình cho"
Tần Vương có chút hoài nghi, liền bảo Kinh Kha: " Bảo Tần Vũ Dương trao bản đồ cho nhà ngươi, một mình nhà ngươi lên thôi"
Kinh Kha nhận lấy bản đồ, đặt lên chiếc hòm đựng thủ cấp, bưng dâng lên Tần Vương. Tần Vương Doanh Chính cho mở hòm, quả nhiên là đầu của Phàn Vu Kỳ. Lại sai Kinh Kha mở bản đồ ra xem, Kinh Kha từ từ giở cuốn bản đồ, tới khi giở hết thì lộ ra chiếc dao găm đã được chuẩn bị sẵn từ trước.
Tần Vương nhìn thấy, giật mình nhảy thót lên. Kinh Kha vội cầm dao găm, tay trái níu chặt tay áo Tần Vương, tay phải nhằm ngực Tần Vương đâm tới. Tần Vương Doanh Chính dằng mạnh về phía sau, làm đứt ống tay áo rồi bỏ chạy về phía bình phong toan chạy ra ngoài. Kinh Kha xông lên đuổi, Tần Vương thấy chạy không thoát liền chạy quanh chiếc cột đồng trên điện. Kinh Kha đuổi theo sau, hai người chạy vòng quanh như đèn cù. Xung quanh Tần Vương có rất nhiều quan hầu, nhưng tay không tấc sắt, thị vệ đứng dưới thềm tuy có vũ khí, nhưng theo pháp luật của nước Tần, không có lệnh của Tần Vương thì không được lên điện. Mọi người kinh hoàng. Nhưng Tần Vương trong cơn hoảng hốt, không kịp lên tiếng gọi võ sĩ.
Trong số quan hầu cận, có một thầy thuốc nhanh trí, lấy túi thuốc ném mạnh vào Kinh Kha. Kinh Kha dùng tay gạt, túi thuốc đó bay sang một bên. Trong giây lát đó, Tần Vương Doanh Chính xoay mình rút được bảo kiếm, chém đứt chân trái của Kinh Pha. Kinh Kha ngã xuống, cầm dao găm phóng về phía Tần Vương. Tần Vương né tránh, con dao bay vụt qua tai, trúng vào cột đồng, tóe lửa. Tần Vương thấy trong tay Kinh Kha không còn vũ khí, liền tiến đến chém thêm mấy nhát. Kinh Kha bị tám vết thương, biết sự việc đã hoàn toàn thất bại, liền cười đau đớn nói: "Ta không sớm hạ thủ ngay là vì muốn bức ngươi phải trả lại đất đai cho nước Yên".
Lúc đó võ sĩ đã ùa lên điện, giết chết Kinh Kha, và Tần Vũ Dương ở dưới thềm cũng bị các võ sĩ kết thúc tính mạng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top