23-24
NGŨ TỬ TƯ QUA CHIÊU QUAN
Trong cuộc đấu tranh giữa các nước chư hầu lớn để tranh đoạt bá quyền nước lớn, thôn tính nước nước nhỏ để mở rộng đất đai. Nhưng sau thắng lợi, các nước lớn không thể không cắt đất để phong cho các quan đại phu có công. Vì vậy, thế lực của các đại phu dần lớn lên, giữa họ thường xuyên xảy ra tranh giành. Mâu thuẫn nội bộ ở các nước lớn ngày càng gay gắt, nên chiến tranh giành bá quyền giữa các nước tạm thời lắng xuống. Vì nguyên nhân đó, quan đại phu nước Tống là Hướng Thú đã qua lại hai nước là Tấn-Sở để điều đình, hòa giải.
Năm 546 TCN hai nước Tấn - Sở và một số nước khác đã họp "hội nghị đình chỉ chiến tranh" tại Tống. Tại hội nghị, đại phu hai nước Tấn-Sở thay mặt cho hai tập đoàn nam-bắc đã kí kết hòa ước, quy định trừ hai nước lớn là Tề và Tần, còn các nước nhỏ khác đều phải triều cống cả hai nước Tấn và Sở. Hai nước Tấn-Sở chia đều bá quyền. Từ đó đến 50 năm sau, không xảy ra cuộc chiến tranh nào lớn. Đến đời Sở Bình Vương, là cháu Sở Trang Vương lên ngôi, nước Sở dần suy yếu.
Năm 522 TCN Sở Bình Vương muốn phế truất thái tử Kiến. Lúc đó, thái tử Kiến đang ở Thành Phụ (nay ở Tây Lương Thành, tỉnh Hà Nam) cùng với thầy học của mình là Ngũ Xa. Sở Bình Vương sợ Ngũ Xa không đồng ý nên trước hết gọi Ngũ Xa về, sai vu cáo thái tử Kiến mưu phản. Ngũ Xa nhất định không chịu nghe theo, liền bị giam vào ngục. Sở Bình Vương một mặt cử người đi giết thái tử Kiến, một mặt buộc Ngũ Xa phải viết thư gọi hai con là Ngũ Thượng và Ngũ Tử Tư về để trừ diệt cả ba cha con. Người con cả là Ngũ Thượng về tới Ảnh Đô (còn có âm là Dĩnh đô, Sinh đô, nay ở tây bắc Giang Lăng, Hồ Bắc) liền bị Bình Vương giết hại cùng với cùng với cha là Ngũ Xa. Thái tử Kiến nghe tin, liền cùng với con là Công tử Thắng chạy sang Tống.
Người con thứ hai của Ngũ Xa là Ngũ Tử Tư cũng bỏ chạy khỏi nước Sở đến Tống, tìm thái tử Kiến. Không may, Tống có nội loạn. Ngũ Tử Tư lại dẫn thái tử Kiến và Công tử Thắng chạy sang Trịnh, muốn nhờ nước Trịnh giúp họ báo thù. Nhưng quốc quân nước Trịnh là Trịnh Định Công không thuận. Thái tử Kiến nôn nóng báo thù, liền câu kết với một số đại thần nước Trịnh để đoạt quyền của Trịnh Định Công nên bị Trịnh Định Công giết. Ngũ Tử Tư phải dẫn công tử Thắng chạy khỏi nước Trịnh trốn sang Ngô (đô thành ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay). Sở Bình Vương hạ lệnh treo thưởng cho ai bắt được Ngũ Tử Tư, cho vẽ hình Ngũ Tử Tư yết trên các cửa thành nước Sở, hạ lệnh cho quan lại tuần tra khám xét. Ngũ Tử Tư và công tử Thắng sau khi ra khỏi nước Trịnh thì ngày ẩn, đêm đi. Khi tới cửa quan giữa Ngô và Sở là Chiêu Quan (nay ở bắc huyện Hàm Sơn, tỉnh An Huy) thì quan lại ở đây khám xét rất nghiêm ngặt.
Truyền thuyết nói rằng Ngũ Tử Tư lo lắng không ngủ được, nên qua mấy đêm mà đầu tóc bạc trắng hết, may gặp được một người tốt là Đông Cao Công đồng tình với Ngũ Tử Tư, cho Ngũ Tử Tư ở trong nhà mình. Đông Cao Công có một người bạn, hình dáng giống Ngũ Tử Tư, liền nói người đó giả làm Ngũ Tử Tư đi qua cửa quan. Lính gác cửa quan bắt giữ Ngũ Tử Tư giả, còn Ngũ Tử Tư thật thì nhờ đầu tóc bạc trắng, diện mạo thay đổi khó nhận ra được nên đã trà trộn qua được cửa quan. Qua khỏi Chiêu Quan, Ngũ Tử Tư sợ có quân đuổi theo nên đi rất gấp. Trước mặt bỗng có con sông lớn chặn ngang. Trong lúc lo lắng, lại nhờ có một ông lão đánh cá chèo một con thuyền nhỏ đưa Ngũ Tử Tư qua sông.
Qua khỏi sông, Ngũ Tử Tư vô cùng cảm kích, cởi thanh bảo kiếm đưa cho ông lão bán cá, nói: "Thanh bảo kiếm này là của vua Sở tặng cho ông nội tôi, giá trị tới trăm lạng vàng, xin biếu cụ để tỏ tấm lòng".
Ông lão đánh cá nói: "Để truy lùng tướng quân, vua Sở đã treo giải thưởng 5 vạn thạch lương và chức vị đại phu cho người nào bắt được. Ta không tham giải thưởng và tước vị, có lẽ nào lại muốn lấy bảo kiếm của tướng quân".
Ngũ Tử Tư vội thu lại bảo kiếm, sụp xuống lạy tạ rồi từ biệt ra đi. Ngũ Tử Tư đến nước Ngô trong lúc cong tử Quang đang muốn giành ngôi vua. Với sự giúp đỡ của Ngũ Tử Tư, công tử Quang giết được Ngô vương Liêu, tự lập làm vương. Đó là Ngô vương Hạp Lư. Hạp Lư lên ngôi, phong Ngũ Tử Tư làm đại phu, giúp mình giải quyết việc lớn quốc gia. Lại sử dụng Tôn Vũ, một nhà quân sự lớn, giỏi việc dùng binh. Ngô vương dựa vào Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ, chỉnh đốn binh mã, trước hết kiêm tính mấy nước nhỏ lân cận.
Năm 506 TCN Ngô vương Hạp Lư bái Tôn Vũ làm đại tướng, Ngũ Tử Tư làm phó tướng, tự mình dẫn đại quân đánh Sở, liên tiếp thắng trận, khiến cho quân Sở tan tác, tiến thẳng tới Ảnh Đô. Lúc đó Sở Bình Vương đã chết, con là Sở Chiêu Vương trốn chạy. Ngũ Tử Tư uất hận Sở Bình Vương, cho đào mồ lên và đánh vào thây Sở Bình Vương. Quân Ngô chiếm Ảnh Đô, đại thần nước Sở là Thân Bao Tư chạy sang nước Tần, xin vua Tần mang quân sang cứu. Tần Ai Công không đồng ý. Thân Bao Tư đứng ngoài cửa cung nước Tần gào khóc bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, Tần Ai Công động lòng thương, nói: "Vua Sở tuy bạo ngược vô đạo nhưng có một người bày tôi tốt như thế thì sao ta có thể nhìn họ mất nước cho đành".
Tần Ai Công cử quân cứu Sở, đánh bại quân Ngô. Ngô vương Hạp Lư liền rút quân về nước. Ngô vương Hạp Lư về đến nước Ngô, qui công đầu cho Tôn Vũ. Tôn Vũ không muốn làm quan, liền đi ẩn cư. Ông để lại cuốn "Tôn Tử binh pháp", là một trước tác quân sự kiệt xuất sớm nhất của Trung Quốc.
KHỔNG TỬ CHU DU CÁC NƯỚC
Với sự giúp đỡ của Ngữ Tử Tư và Tôn Vũ, Ngô vương Hạp Lư đánh bại được nước Sở, thanh thế rất lớn, ngay một số nước ở trung nguyên cũng bị uy hiếp, trước hết là nước Tề. Nước Tề từ sau khi Tề Hoàn Công mất đi, trong nước luôn mất ổn định. Đến khi Tề Cảnh Công lên ngôi vua, dùng được một đại thần tài giỏi là Án Anh làm tướng quốc, đổi mới triều chính, nước Tề mới hưng thịnh trở lại.
Năm 500 TCN Tề Cảnh Công và Án Anh muốn lôi kéo nước Lỗ láng giềng cùng các nước chư hầu khác, xây dựng lại nghiệp bá thời Tề Hoàn Công, liền viết thư cho Lỗ Định Công, hẹn cùng nhau hội họp ở Giáp Cốc, trên biên giới Tề-Lỗ. Lúc bấy giờ, khi chư hầu hội họp đều phải có một trợ thần làm trợ thủ, gọi là "tướng lễ". Lỗ Định Công quyết định để quan tư khấu (quan đứng đầu ngành tư pháp) nước Lỗ là Khổng Tử đảm nhiệm công việc đó.
Khổng Tử tên là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, người Ấp Trâu (nay ở đông nam Khúc Phụ, Sơn Đông). Cha ông là một võ quan cấp thấp, đã mất khi ông mới ba tuổi. Mẹ ông đưa ông đến Khúc Phụ, nuôi dạy ông thành người. Theo nói lại, từ nhỏ ông đã thích học lễ tiết, khi nhàn rỗi thường học theo người lớn làm nghi thức tế lễ trời đất tổ tiên. Khi lớn lên, Khổng Tử học hành chăm chỉ, ông hết sức sùng bái Chu Công, người đã đặt ra lễ nhạc cho nhà Chu. Ông am hiểu lễ tiết thời cổ, tương đối tinh thông "lục nghệ", tức là lễ tiết, âm nhạc, bắn tên, đánh xe, viết chữ, tính toán (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) là những môn học chính thời đó. Ông làm việc nghiêm túc, khi còn làm chức lại nhỏ giữ kho, không bao giờ để mất mát vật tư. Sau lại làm chức quản lí gia súc, đã làm gia súc lớn mau, sinh đẻ nhiều. Khi chưa đầy 30 tuổi, tiếng tăm đã dần dần lan rộng.
Có một số người muốn theo học ông, ông liền mở một trường tư, thu nhận học sinh. Quan đại phu nước Lỗ là Mạnh Hi Tử trước khi chết đã dặn hai con là Mạnh Ý Tử và Nam Cung Kính Thúc đến học lễ ở Khổng Tử. Dựa vào sự tiến cử của Nam Cung Kính Thúc, Lỗ Chiêu Công đã phái Khổng Tử đến đô thành nhà Chu là Lạc Ấp để khảo sát lễ nhạc của triều Chu.
Đến năm Khổng Tử 35 tuổi, Lỗ Chiêu Công bị ba quan đại phu cầm quyền là Quí Tôn Thị, Mạnh Tôn Thị và Thúc Tôn Thị đuổi đi, Khổng Tử liền sang nước Tề, xin gặp Tề Cảnh Công, nói chuyện với Tề Cảnh Công về chủ trương chính trị của mình. Tề Cảnh Công tiếp đãi rất trân trọng và toan sử dụng Khổng Tử, nhưng tướng quốc Án Anh cho rằng chủ trương của Khổng Tử không thực tế, nên Tề Cảnh Công không dùng ông nữa. Khổng Tử lại trở về nước Lỗ tiếp tục dạy học. Số học sinh theo học Khổng Tử ngày càng nhiều.
Năm 501 TCN Lỗ Định Công phong Khổng Tử làm quan Tể đất Trung Đô (nay ở huyện Vấn Thượng, tỉnh Sơn Đông. Năm sau, thăng làm quan Tư Không (chức quan đứng đầu coi việc xây dựng) rồi lại điều sang làm Tư Khấu. Lúc đó Lỗ Định Công nói cho Khổng Tử biết việc chuẩn bị đến Giáp Cốc để hội minh với nước Tề. Khổng Tử nói: "Nước Tề nhiều lần xâm phạm biên giới ta. Lần này hẹn ta đến hội, ta cần chuẩn bị binh mã, xin đem theo cả hai quan Tả, Hữu Tư Mã".
Lỗ Định Công đồng ý với chủ trương của Khổng Tử, lại cử hai đại tướng đem theo binh mã, cùng ông tới Giáp Cốc. Tại hội nghị Giáp Cốc, do Khổng Tử làm Tướng lễ, nên nước Lỗ giành được thắng lợi về ngoại giao. Sau hội nghị, Tề Cảnh Công quyết định trao trả lại Lỗ ba vùng đất ở Vấn Dương (nay ở tây nam Thái An Sơn Đông) trước kia Tề đã chiếm của Lỗ. Quan đại phu nước Tề là Lê Trữ cho rằng Khổng Tử làm quan nước Lỗ thì không có lợi cho Tề, liền khuyên Tề Cảnh Công gửi tặng Lỗ Định Công một đội nữ nhạc. Tề Cảnh Công đồng ý liền chọn một đội nữ nhạc gồm 18 người gửi sang nước Lỗ.
Lỗ Định Công được đoàn nữ nhạc đó thì ngày nào cũng mài miệt vui chơi không còn chăm nom đến chính sự quốc gia nữa. Khổng Tử muốn vào can, nhưng Lỗ Định Công đều tránh mặt. Việc này làm Khổng Tử rất thất vọng, liền nói với học trò: "Vua Lỗ không làm chính sự, chúng ta đi thôi".
Từ đó về sau, Khổng Tử rời bỏ nước Lỗ, dẫn một số học trò đi chu du các nước, hy vọng tìm được cơ hội thực hiện chủ trương chính trị của mình. Nhưng lúc đó, các nước lớn thì bận vào các cuộc chiến tranh để giành bá quyền, nước nhỏ thì đứng trước nguy cơ bị thôn tính, toàn xã hội đều bị biến đổi mạnh mẽ. Những chủ trương khôi phục lễ nhạc triều Chu của Khổng Tử, đương nhiên không được ai tiếp nhận.
Trước sau, ông đã qua các nước Vệ, Tào, Tống, Trịnh, Trần, Thái, Sở. Vua các nước đó đều không sử dụng ông. Một lần, Khổng Tử đang ở khoảng giữa Trần, Thái, Sở Chiêu Vương cử người đến mời ông. Quan đại phu các nước Trần, Thái sợ Khổng Tử đến nước Sở, sẽ bất lợi cho họ, nên phái quân chặn đường. Khổng Tử bị vây khốn ở đó, hết cả lương ăn, đã mấy ngày phải nhịn đói. Sau, nhờ nước Sở cho quân đến cứu, mới được giải vây.
Khổng Tử bôn ba các nước trong bảy tám năm, gặp nhiều gian truân, thất bại, tuổi mỗi năm mỗi già. Cuối cùng, ông trở về nước Lỗ, dồn tinh lực vào việc chỉnh lý sách vở văn hóa cổ và giáo dục môn đồ. Trong những năm cuối đời, Khổng Tử đã chỉnh lý những điển tịch văn hóa quan trọng thời cổ, như Kinh thi, Thượng thư, Xuân thu. Kinh thi là một tổng tập thi ca cổ của Trung Quốc gồm 305 bài thơ ca thời Tây Chu và Xuân Thu, trong đó có nhiều ca dao phản ánh đời sống của xã hội cổ đại, chiếm địa vị rất quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thượng thư là các tập sách về các văn kiện lịch sử cổ đại Trung Quốc. Xuân thu là một cuốn sử được ghi chép căn cứ vào sử liệu của nước Lỗ, nội dung ghi chép sự việc lớn từ năm 722 đến năm 481 TCN.
Năm 479 TCN Khổng Tử mất, sau khi ông mất, các học trò truyền thụ học thuyết của ông, hình thành học phái Nho gia. Khổng Tử trở thành người sáng lập học phái Nho gia. Tư tưởng học thuật của Khổng Tử có ảnh hưởng rất lớn ở đời sau. Ông được công nhận là nhà tư tưởng lớn, nhà giáo dục lớn thời cổ Trung Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top