21-22
TRẬN ĐẠI CHIẾN HÀO SƠN
Tin đại quân Tần định đi đánh úp Trịnh trở về đã được Tấn dò biết. Tiên Chẩn, đại tướng của Tống cho rằng đây là cơ hội tốt để đánh Tần, liền khuyên Tấn Tương Công (mới lên ngôi sau khi Tấn Văn Công) tổ chức đánh chặn ở Hào Sơn (nay ở phía bắc huyện Lạc Ninh, Hà Nam).
Tấn Tương Công tự dẫn đại quân đến Hào Sơn. Hào Sơn là nơi có địa hình rất hiểm yếu, Tấn đã bố trí trận địa dày đặt như thiên la địa võng để chờ đợi quân Tần. Bọn Mạnh Minh Thị rút về đến Hào Sơn, liền gặp mai phục, bị quân Tấn bao vây, trùng trùng lớp lớp, tiến lui đều khó khăn. Quân Tần người thì chết, người thì đầu hàng. Ba viên đại tướng Mạnh Minh Thị, Tây Khuất Truật và Bạch Ất Bính đều bị bắt sống.
Tấn Tương Công thắng trận về triều. Mẹ ông là Văn Doanh vốn là người nước Tần, không muốn gây thù oán với Tần liền khuyên Tấn Tương Công: "Nước Tần và nước Tấn vốn là thân thích, xưa nay vẫn giúp đỡ lẫn nhau. Bọn Mạnh Minh Thị vì muốn lập công nên làm tổn thương hòa khí giữa hai nước. Nếu ta giết ba người đó thì mối thù giữa hai nước thì mối thù ngày càng sâu. Chi bằng ta thả họ ra để vua Tần trừng trị họ".
Tấn Tương Công nghe mẹ nói có lý, liền ra lệnh thả họ ra.
Đại tướng quân Tiên Chẩn nghe tin ba người được tha, vội đến gặp Tấn Tương Công nói: "Các tướng sĩ xông pha nguy hiểm, không phải dễ dàng mới bắt được họ, sao nhà vua lại tha một cách dễ dãi thế?". Vừa nói vừa tỏ thái độ hết sức tức giận.
Tấn Tương Công hơi có ý hối, liền cử tướng Dương Xử Phụ đem một số người ngựa đuổi theo.
Bọn Mạnh Minh Thị được tha, vội vã đi thật nhanh. Đến bờ sông Hoàng Hà, đã thấy có quân Tấn đuổi phía sau. Trong lúc nguy cấp, may thay có một chiếc thuyền nhỏ, liền nhảy xuống sông.
Khi Dương Xử Phụ đuổi tới, thì thuyền đã rời bến. Dương Xử Phụ lớn tiếng gọi: "Xin các vị quay lại! Chúa công tôi quên không chuẩn bị xe ngựa cho các vị, phái tôi đem tới mấy con ngựa tốt, xin các vị nhận cho"
Mạnh Minh Thị khi nào bị mắc lừa. Anh ta đứng trên thuyền ngỏ lời cảm tạ nói: "Nhờ quốc quân tha tội đã là may lắm rồi, chúng tôi đâu dám nhận tặng phẩm nữa. Nếu chúng tôi trở về và vẫn bảo toàn được tính mạng thì ba năm sau, sẽ xin sang báo đáp quí quốc."
Dương Xử Phụ còn định nói nữa, thì thuyền đã được chèo vun vút, đi rất xa. Dương Xử Phụ đành trở về, báo cáo lại lời lẽ của Mạnh Minh Thị. Tấn Tương Công hối tiếc nhưng không làm gì được nữa.
Bọn Mạnh Minh Thị về tới nước Tần, Tần Mục Công nghe tin toàn quân đã bị tiêu diệt liền mặc quần áo tang, thân ra ngoài thành đón họ. Bọn Mạnh Minh Thị quỳ dưới đất chịu tội. Mục Công nói: "Đó là lỗi của ta, ta đã không nghe lời khuyên của cha các ngươi, khiến các ngươi thua trận, còn trách gì các ngươi nữa? Vả lại ta cũng không vì các ngươi có lỗi mà xóa sạch công lao trước kia của các ngươi".
Ba người cảm kích rơi nước mắt. Từ đó về sau ra sức tập luyện quân mã để báo thù cho nước Tần.
Năm 625 TCN Mạnh Minh Thị xin Tần Mục Công phát binh để báo thù trận Hào Sơn, Tần Mục Công đồng ý. Ba viên đại tướng do Mạnh Minh Thị dẫn đầu, đem theo 400 cỗ xe chiến đánh tới nước Tấn. Không ngờ, Tấn Tương Công đã phòng bị, bọn Mạnh Minh Thị lại thua trận. Tần Mục Công vẫn không trị tội họ, nhưng Mạnh Minh Thị rất áy náy, cảm thấy mình mang một món nợ lớn với quốc gia. Ông mang hết tài sản và bổng lộc của mình chia cho các gia đình tướng sĩ tử trận, đồng thời chan hòa, cùng chịu cực khổ với binh sĩ, cũng ăn lương khô, rễ củ, hằng ngày luyện tập binh mã, quyết tâm báo thù trả hận.
Mùa đông năm đó, nước Tấn liên minh với Tống, Trịnh, Trần đánh tới biên giới nước Tần. Mạnh Minh Thị dặn dò tướng sĩ chỉ giữ thành, không được giao chiến với quân Tấn. Kết quả là quân Tấn lại chiếm được hai thành. Thế là nước Tần có người nói xấu Mạnh Minh Thị, cho ông là nhát gan. Một số nước nhỏ và Tây Nhung thấy quân Tần thua liền ba trận, liền đua nhau rời bỏ nước Tần, không chịu sự quản lý nữa.
Vào mùa hè năm 624 TCN, tức là ba năm sau trận Hào Sơn, Mạnh Minh Thị chuẩn bị đầy đủ, chọn quân tinh nhuệ trong nước điều động 500 xe chiến. Tần Mục Công bỏ ra nhiều lương thực, vải vóc cấp phát cho gia đình tướng sĩ. Tinh thần quân lính lên cao, sẵn sàng xuất phát..
Khi đại quân vượt Hoàng Hà, Mạnh Minh Thị nói với quân sĩ: "Chúng ta ra quân lần này, chỉ tiến chứ không lùi. Ta muốn đốt hết thuyền bè đi, các người thấy thế nào?". Mọi người đều nói: "Đốt đi thôi! Thắng thì không sợ gì không có thuyền trở về. Thua thì không về nữa". Quân lính đã ôm mối thù hận tích lũy mấy năm nay, nhất tề xuất phát, chỉ trong mấy ngày, đã chiếm lại được hai thành bị mất trước kia, sau đó còn đánh chiếm được mấy tòa thành lớn nữa của nước Tấn.
Nước Tấn lúc đó thấy thế tiến công của Tần là ghê gớm, từ trên xuống dưới đều sợ hãi. Tấn Tương Công bàn bạc với các đại thần, rồi hạ lệnh: chỉ cố thủ để giữ vững thành trì, không được phép giao chiến với quân Tần. Quân Tần vì vậy tự do đi lại trên đất Tấn, không có người Tấn nào dám ra chống lại.
Có người nói với Tần Mục Công: "Nước Tấn đã chịu thua. Họ không dám ra giao chiến, chúa công nên đến Hào Sơn chôn cất thi thể của tướng sĩ, coi như đã rửa được mối nhục trước kia".
Tần Mục Công liền dẫn đại quân đến Hào Sơn, thu nhặt xương cốt của tướng sĩ ba năm trước, chôn tại sườn núi. Tần Mục Công cùng với bọn Mạnh Minh Thị tiến hành tế lễ long trọng, rồi rút quân về nước.
Những nước nhỏ ở phía tây cùng bộ lạc Tây Nhung, nghe tin quân Tần đánh bại được bá chủ Trung nguyên là nước Tấn, liền tranh nhau đến tiến cống Tần. Từ đó nước Tần trở thành bá chủ phía tây.
SỞ TRANG VƯƠNG LỪNG LẪY MỘT THỜI
Sau khi Tần đánh bại Tấn, liên tục trong hơn mười năm, giữa hai nước không xảy ra chiến tranh, nhưng nước Sở ở phương nam ngày càng lớn mạnh, nuôi tham vọng giành địa vị bá chủ Trung nguyên đang nằm trong tay nước Tấn.
Năm 613 TCN, cháu của Sở Thành Vương là Sở Trang Vương lên ngôi vua Sở, nhân dịp đó, Tấn lại lôi kéo mấy nước nhỏ vốn quy phục Sở về phe mình, cùng kí kết minh ước. Các đại thần nước Sở bực tức, khuyên Sở Trang Vương đem quân đánh Tấn để giành bá quyền. Nhưng không ngờ, Sở Trang Vương không nghe theo, ban ngày cứ đi săn, buổi tối uống rượu, nghe nhạc, không quan tâm gì đến quốc gia đại sự. Cứ như vậy suốt ba năm, ông ta biết các đại thần rất bất mãn với mình, liền ban xuống một mệnh lệnh: ai dám can gián sẽ xử tội chết. Một đại thần là Ngũ Cử không chịu nhìn mãi cảnh đó, quyết tâm đi gặp Sở Trang Vương. Sở Trang Vương đang vui đùa nghe ca nhạc, nghe nói Ngũ Cử xin gặp, liền gọi vào hỏi: "Ngươi đến làm gì?".
Ngũ Cử nói: "Có người nhờ tôi đoán một câu đố, tôi không đoán được, Đại vương là người thông minh nên nhờ Đại vương đoán hộ"
Sở Trang Vương thấy nói có câu đố, cảm thấy hay hay, liền cười nói: "Ngươi hãy nói ta nghe thử xem".
Ngũ Cử nói: "Trên ngọn núi của nước Sở có một con chim lớn, màu lông ngũ sắc, dáng điệu hùng mạnh. Nhưng suốt trong ba năm con chim đó không bay, cũng không hót, đó là loại chim gì vậy?"
Sở Trang Vương hiểu rõ ý Ngũ Cử muốn ám chỉ ai, liền nói: "Đó không phải là loại chim thường. Loại chim này không bay thì thôi, đã bay là lên tận trời, không hót thì thôi, đã hót là làm mọi người kinh sợ. Ngươi lui ra, ta đã hiểu rồi".
Một thời gian sau, một đại thần khác là Tô Tòng thấy Sở Trang Vương vẫn không động tĩnh gì, liền lại đến khuyên ngăn. Sở Trang Vương hỏi: "Chẳng lẽ nhà ngươi không biết lệnh của ta sao?".
Tô Tòng nói: "Thần đã rõ. Miễn là Đại vương nghe được ý kiến của thần, thì thần dù có phạm cấm lệnh, chịu xử tử tội cũng cam lòng".
Sở Trang Vương cao hứng cười nói: "Các ngươi đều thực lòng muốn việc tốt cho nước nhà, sao ta lại không biết". Từ đó trở về sau, Sở Trang Vương quyết tâm cải cách chính trị, cách chức những kẻ nịnh hót, đề bạt người dám dũng cảm khuyên can như Ngũ Cử, Tô Tòng để giúp mình xử lí quốc gia đại sự. Một mặt ra sức chế tạo vũ khí, thao luyện binh mã. Trong năm đó đã thu phục nhiều bộ lạc nhỏ ở phương nam. Năm thứ sáu, đánh bại nước Tống. Năm thứ tám lại đánh bại tộc Nhung ở Lục Hồn (nay ở đông bắc huyện Tung, tỉnh Hà Nam), đánh tới sát Lạc Ấp (kinh đô nhà Chu).
Để tỏ rõ binh uy, Sở Trang Vương tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở ngoại thành Lạc Ấp. Việc làm đó khiến Chu thiên tử sợ hãi, vội phái đại thần là Vương Tôn Mãn ra ngoại thành, úy lạo quân Sở. Trong khi Sở Trang Vương nói chuyện với Vương Tôn Mãn, Sở Trang Vương hỏi về chín cái đỉnh (chín đỉnh: những vật tượng trưng cho quyền lực thiên tử nhà Chu) xem lớn nhỏ, nặng nhẹ thế nào. Chín cái đỉnh là đồ tế lễ, tượng trưng cho quyền uy của vương thất, việc Sở Trang Vương hỏi han tới chín đỉnh chính là biểu lộ dã tâm của Sở Trang Vương đối với quyền lực của thiên tử nhà Chu. Vương Tôn Mãn là người giỏi ứng phó, ông khuyên Sở Trang Vương: "Sự cường thịnh của một quốc gia chủ yếu dựa vào đức hạnh để thu phục lòng người, không cần thiết phải hỏi han về trọng lượng của chín cái đỉnh".
Sở Trang Vương hiểu rõ lúc đó chưa có điều kiện để diệt nhà Chu, liền rút quân về nước. Sau đó, Sở Trang Vương lại mời một ẩn sĩ nổi tiếng của nước Sở là Tôn Thúc Ngao làm lệnh doãn (chức tướng quốc) của nước Sở. Ở cương vị này, Tôn Thúc Ngao đã cho khai khẩn ruộng đất, khơi thông sông ngòi, khuyến khích sản xuất để ngăn ngừa thủy tai, hạn hán. Tôn Thúc Ngao cho khơi đào hệ thống thủy lợi, tưới cho hàng chục vạn mẫu ruộng, hàng năm thu hoạch thêm được rất nhiều lương thực. Chỉ trong mấy năm, nước Sở hùng mạnh thêm gấp bội, lần lượt dẹp yên hai cuộc nổi loạn ở nước Trịnh và nước Trần. Cuối cùng đã xung đột với Tấn là bá chủ ở Trung nguyên.
Năm 597 TCN Sở Trang Vương dẫn đại quân đánh Trịnh, nước Tấn đem quân tới cứu, hai bên đã đánh nhau một trận lớn ở Đất Tất (nay ở phía đông thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam). Nước Tấn bị một trận thảm hại chưa từng thấy, chết mất một nửa người ngựa, số còn lại bỏ chạy về phía Hoàng Hà. Thuyền ít người đông, binh sĩ tranh nhau xuống thuyền, một số rớt xuống sông chết, một số bám vào thuyền toan trèo lên, bị những người trên thuyền sợ thuyền bị lật dùng gươm vạt các ngón tay, rơi lả tả. Có người khuyên Sở Thành Vương truy kích để diệt hết quân Tấn, Sở Thành Vương nói: "Nước Sở từ sau thất bại ở Thành Bộc, mãi không ngóc đầu lên được. Lần này thắng lớn như vậy, coi như đã rửa được mối nhục cũ. Còn cần giết người làm gì", rồi lập tức hạ lệnh thu quân mặc cho tàn quân Tấn chạy về nước. Từ đó về sau, con chim cất một tiếng hót là khiến mọi người kinh sợ, tức Sở Trang Vương trở thành bá chủ.
Từ Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công đến Sở Trang Vương, tất cả có năm bá chủ, lịch sử gọi họ là" ngũ bá thời Xuân thu". Một thuyết khác cho rằng, vì Tống Tương Công trên thực tế không hoàn thành được sự nghiệp bá chủ, Tần Mục Công chỉ làm bá chủ ở phía tây, nên ngôi bá chủ Trung nguyên trước sau nên là Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Ngô Vương Hạp Lư và Việt Vương Câu Tiễn. Hai thuyết về "Xuân thu ngũ bá" vẫn song song tồn tại trong giới lịch sử Trung Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top