15-16
TÀO QUỆ ĐÁNH LUI QUÂN TỀ
Sau khi Tề Hoàn Công lên ngôi, nhờ sự giúp đỡ của Quản Trọng, Tề đã giành được địa vị bá chủ, nhưng trong cuộc chiến tranh với nước Lỗ, lại gặp thất bại không nhỏ. Năm thứ hai sau khi lên ngôi, tức là năm 684 trước Công nguyên, Tề Hoàn Công mang quân đánh Lỗ. Lỗ Trang Công thấy nước Tề ỷ thế ức hiếp mình, không nhịn được, quyết liều một trận tử chiến với Tề.
Tề tấn công Lỗ cũng khiến nhân dân Lỗ căm phẫn. Một người nước Lỗ là Tào Quệ (còn đọc là Tào Uế) đến gặp Lỗ Trang Công, xin tham gia cuộc chống Tề. Có người khuyên Tào Quệ: "Việc quốc gia đại sự, đã có các đại thần lo toan, việc gì ông phải nhúng tay vào".
Tào Quệ nói: "Các quan đều có tầm nhìn thiển cận, chưa hẳn đã có kế gì hay, thấy nước nhà nguy cấp, sao không quan tâm cho được". Nói xong, liền tới vương cung xin gặp Lỗ Trang Công. Lỗ Trang Công đang lo lắng vì không có mưu sĩ, nghe nói có Tào Quệ xin vào yết kiến, liền mời vào.
Tào Quệ gặp Lỗ Trang Công đề đạt nguyện vọng của mình rồi hỏi: "Xin chúa công cho biết, dựa vào cái gì để chống lại quân Tề?"
Lỗ Trang Công nói: "Ngày thường, có thức ăn ngon, có quần áo đẹp, ta không hưởng riêng mình, bao giờ cũng chia cho mọi người cùng hưởng. Dựa vào điều đó, ta nghĩ rằng mọi người sẽ ủng hộ ta".
Tào Quệ lắc đầu nói: "Những ân huệ nhỏ nhặt đó, số người được hưởng không nhiều. Trăm họ không thể vì thế mà ủng hộ chúa công".
Lỗ Trang Công nói: "Khi tế tự , bao giờ ta cũng rất thành kính".
Tào Quệ cười nói: "Sự thành kính đó cũng không đáng kể gì. Qủy thần không thể giúp được chúa công".
Lỗ Trang Công ngẫm nghĩ một lát rồi nói: "Khi dân chúng có kiện cáo, ta tuy không thể tra xét rõ mọi việc, nhưng đã cố gắng phân xử cho hợp tình hợp lí".
Tào Quệ gật đầu nói: "Đó là việc được lòng người. Tôi thấy dựa vào lòng người thì có thể đánh lại nước Tề".
Tào Quệ xin được cùng theo Lỗ Trang Công ra trận. Thấy Tào Quệ là người có ý kiến xác đáng, Lỗ Trang Công đồng ý để ông cùng đi. Hai người cùng ngồi trên một xe trận, dẫn người ngựa ra chiến trường.
Quân hai nước Tề, Lỗ bày trận ở Trường Thược (cũng gọi là Trường Chước, nay ở đông bắc Lai Vu, tỉnh Sơn Đông). Nước Tề cậy thế nhiều quân, vừa bắt đầu đã thúc trống trận ầm ĩ, mở cuộc tấn công. Lỗ Trang Công định hạ lệnh phản kích, thì Tào Quệ vội ngăn lại, nói: "Thong thả đã, chưa đến lúc".
Khi quân Tề thúc hồi trống trận thứ hai, Tào Quệ vẫn bảo Lỗ Trang Công án binh bất động. Quân Lỗ thấy quân Tề hung hăng nhe nanh múa vuốt, ai cũng muốn xông ra đánh, nhưng chưa có lệnh chủ soái, nên đành nén giận chờ đợi.
Tướng Tề thấy quân Lỗ vẫn không động tĩnh, liền hạ lệnh thúc hồi trống thứ ba. Quân Tề cho rằng quân Lỗ nhút nhát, liền khinh địch xông lên.
Lúc đó, Tào Quệ mới nói với Lỗ Trang Công: "Bây giờ có thể hạ lệnh phản công được rồi".
Bên hàng ngũ quân Lỗ vang lên tiếng trống tiến công, tinh thần binh sĩ lên cao, xông lên như mãnh hổ. Quân Tề bị bất ngờ, chống đỡ không nổi, bị tan vỡ.
Lỗ Trang Công thấy quân Tề thua, Toan hạ lệnh truy kích. Tào Quệ lại ngăn lại, nói: "Chớ vội!" Rồi nhảy xuống đất, xem kỹ vết bánh xe của quân Tề, sau đó trèo lên cột cờ, quan sát đội hình quân Tề, rồi mới nói: "Xin chúa công hạ lệnh truy kích".
Quân Lỗ được lệnh, dũng cảm thừa thắng truy kích, đuổi quân Tề ra khỏi địa phận nước Lỗ.
Quân Lỗ đại thắng. Lỗ Trang Công thấy Tào Quệ bình tĩnh chủ động thì ngầm khâm phục, nhưng vẫn có điều vướng mắc trong lòng. Khi về tới cung, sau khi khen ngợi Tào Quệ, liền hỏi: "Tại sao khi quân Tề đã thúc hai hồi trống, ngươi lại ngăn không cho ta hạ lệnh phản kích?"
Tào Quệ nói: "Việc đánh trận, là phải dựa vào sĩ khí. Khi đối phương thúc hồi trống thứ nhất thì sĩ khí đang hăng. Đến hồi trống thứ hai thì sĩ khí đã lơi lỏng. Hồi trống thứ ba là lúc sĩ khí đã xẹp xuống. Sĩ khí đối phương đã xẹp, mà sĩ khí quân ta dồi dào, thì sao lại không đánh thắng?"
Lỗ Trang Công lại hỏi tại sao không lập tức truy kích. Tào Quệ nói: "Quân Tề tuy bị thua, chùn lại, nhưng Tề là nước lớn, quân đông, rất có thể nghi binh, cho quân mai phục phía sau để đánh ta. Vì vậy, ta phải đề phòng. Sau thần thấy quân Tề vết xe rối loạn, cờ xí ngả nghiêng, biết chắc là nó thua chạy thật, mới tâu chúa công cho truy kích".
Lúc đó Lỗ Trang Công mới hết sức khâm phục sự xét đoán của Tào Quệ. Nhờ tài năng chỉ huy của Tào Quệ. Nước Lỗ đánh lui được quân Tề, tình hình mới được ổn định lại.
TỀ HOÀN CÔNG CHÍN LẦN HỌP CHƯ HẦU
Tề Hoàn Công tuy thua trận Trường Thược nhưng vẫn không bị ảnh hưởng đến địa vị bá chủ sau này. Hơn 10 năm sau, nước Yên (đô thành là Bắc Kinh hiện nay) phái sứ giả đến xin quân cứu viện để chống lại Sơn Nhung. Tề Hoàn Công liền quyết định đem đại quân đi cứu nước Yên. Năm 663 TCN, đại quân Tề đi đến nước Yên thì quân Sơn Nhung đã cướp tài sản, bắt một số dân và rút đi rồi, quân Tề hợp với quân Yên đuổi theo về phía bắc, không ngờ họ bị quân địch lừa vào một vùng rộng, tìm không thấy đường về. Cuối cùng Quản Trọng nghĩ ra một mẹo, là dùng mấy con ngựa địa phương cho đi trước, quả nhiên chúng dẫn được đại quân tìm ra đường cũ. Sau khi Tề Hoàn Công giúp nước Yên đánh đuổi Sơn Nhung, lại giúp nước Hình đánh đuổi bộ lạc Định và xây dựng lại thành trì. Tiếp đó khi bộ lạc Định xâm lược nước Vệ, Tề Hoàn Công lại giúp Vệ xây dựng kinh đô mới ở bờ nam Hoàng Hà. Vì những việc làm đó, uy tín của Tề Hoàn Công ngày càng lên cao. Chỉ có nước Sở ở phương Nam (đô thành ở Tây Bắc, Giang Lăng, Hồ Bắc hiện nay) không những không phục nước Tề, mà ngược lại muốn cùng Tề tranh hơn kém. Nước Sở ở phương nam Trung Quốc, xưa nay vốn không lai vãng tới các nước ở trung nguyên. Lúc đó các nước ở trung nguyên coi nước Sở là man di. Nhưng do Sở khai khẩn đất đai ở phương nam, dần dần thu phục được các bộ lạc lân cận và dần trở thành một nước lớn. Về sau vua Sở xưng vương, không có coi thiên tử nhà Chu ra gì.
Năm 656 TCN Tề Hoàn Công tập hợp quân 7 nước: Tống, Lỗ, Trần, Vệ, Trịnh, Tào, Hứa cùng tiến công nước Sở. Sở Thành Vương được tin liền tập hợp nhân mã để chuẩn bị chống cự. Nhà vua cử sứ giả gặp Tề Hoàn Công nói: "Đại vương của chúng tôi bảo tôi đến hỏi ngài, nước Tề ở phương bắc,nước Sở ở phương nam, hai nước không hề lai vãng, không có quan hệ gì với nhau, tị sao các ngài lại đem binh mã đến đây?"
Quản Trọng nói: " Hai nước chúng ta tuy xa cách nhau nhưng đều do thiên tử nhà Chu phong đất, khi Tề Thái Công được phong có lệnh, ai không phục tùng thiên tử, nước Tề có quyền chinh phạt. Xưa nay nước Sở hàng năm đều tiến cống cỏ bao mao ( một thứ cỏ dùng để ủ men rượu). Tại sao nay không tiến cống nữa?"
Sứ giả đáp: "Đó là lỗi của chúng tôi. Sau này sẽ xin tiến cống". Sứ giả ra về, liên quân các nước lại tiến đến Thiệu Lăng (nay là huyện Yển Thành, tỉnh Hà Nam). Sở Thành Vương lại phái Khuất Hoàn đến đón. Để tỏ ra quân uy, Tề Hoàn Công bảo Khuất Hoàn ngồi lên xe để xem binh mã của trung nguyên. Khuất Hoàn nhìn thấy, quả nhiên là binh hùng tướng mạnh, quân đội nghiêm chỉnh. Tề Hoàn Công đắc ý bảo Khuất Hoàn: "Người xem, binh mã hùng mạnh thế này, ai có thể chống lại được?"
Khuất Hoàn cười nhạt nói: "Quân hầu nói việc đạo nghĩa, hiệp trợ thiên tử, giúp đỡ kẻ yếu thì người khác mới phục. Nếu chỉ dựa vào vũ lực thì tuy nước tôi không mạnh, nhưng dựa vào phương thành (một thành dài của nước Sở, từ phía bắc phương thành đến đông bắc Mật Dương-Hà Nam) làm thành lũy, sông Hán thủy làm hào ngăn thì tuy ngài có nhiều người ngựa cũng chưa chắc đã chinh phục được"
Tề Hoàn Công nghe lời lẽ cứng cỏi của Khuất Hoàn, tính toán thấy khó lòng đánh bại được nước Sở, vả lại nước Sở đã nhận lỗi, chịu tiến cống cỏ bao mao thì chẳng còn lý do gì để hạch sách. Vì vậy 7 nước chư hầu trung nguyên cùng với nước Sở lập minh ước ở Thiệu Lăng rồi đem quân về nước.
Sau đó nội bộ triều Chu xảy ra tranh chấp, Tề Hoàn Công giúp thái tử Cơ Trịnh củng cố được địa vị. Thái tử lên ngôi, tức là Chu Tương Vương. Để tỏ lòng biết ơn Tề Hoàn Công, Chu Tương Vương phái sứ giả đem biếu thịt tế cho Tề Hoàn Công, coi như một hậu lễ. Nhân dịp đó, Tề Hoàn Công lại họp chư hầu ở Qùy Khâu (nay ở phía đông Lam Khảo, tỉnh Hà Nam thuộc nước Tống) để chiêu đãi sứ giả thiên tử, đồng thời định một minh ước, nội dung chủ yếu là: xây đắp công trình thủy lợi, đề phòng thủy tai, không cho phép tháo nước sang nước láng giềng, khi nước làng giềng có nạn đói thì không được ngăn chặn việc mua lương thực, các nước trong minh ước phải đối đãi hữu hảo với nhau. Đó là lần họp chư hầu cuối cùng của Tề Hoàn Công. Có nhiều cuộc hôi họp lớn như vậy, lịch sử gọi là "chín lần họp chư hầu" hay "cửu họp chư hầu".
Năm 645 TCN, Quản Trọng ốm chết, hai năm sau Tề Hoàn Công cũng chết. Năm người con tranh đoạt ngôi vua, nước Tề phát sinh nội loạn. Công tử Chiêu chạy sang nước Tống. Từ đấy, địa vị bá chủ của nước Tề kết thúc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top