13-14

KHÓI LỬA LY SƠN

Sau khi Chu Tuyên Vương chết, con là Cơ Cung Niết nối ngôi, tức Chu U Vương. U Vương không ngó ngàng gì tới việc triều chính, chỉ vui chơi hưởng lạc, phái người đi khắp nơi tìm gái đẹp. Có một đại thần là Bao Quýnh khuyên can U Vương, ông ta không những không nghe theo, còn bắt Bao Quýnh giam vào ngục. Bao Quýnh bị giam giữ suốt ba năm trời, gia đình tìm mọi cách cứu ông ra, bằng cách xuống nông thôn tìm mua một cô gái đẹp, dạy cho múa hát, trang điểm lộng lẫy, đặt tên là Bao Tự, rồi đem hiến cho U Vương, xin chuộc Bao Quýnh về.

U Vương được Bao Tự, vui mừng khôn xiết, liền tha Bao Quýnh ra. Ông hết lòng chiều chuộng Bao Tự. Nhưng từ ngày vào cung Bao Tự tỏ ra buồn bã, không lúc nào cười. U Vương tìm mọi cách để có được nụ cười của mỹ nhân nhưng chưa tìm được cách nào có hiệu quả. Ông liền treo giải, rằng người nào làm cho Bao Tự cười thì sẽ được thưởng một ngàn lạng vàng.

Có một kẻ nịnh nọt tên là Quắc Thạch Phụ nghĩ ra một kế lạ. Vốn là, để đề phòng sự tiến công của bộ tộc Khuyển Nhung, vương triều Chu cho xây dựng ở vùng Ly Sơn (nay ở vùng đông nam Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây) hơn hai mươi đài đốt lửa (phong hỏa đài), cứ cách mấy dặm là có một đài. Nếu quân Khuyển Nhung tiến công thì các đài đốt khói lửa truyền tin báo động cho các nước chư hầu để họ mang quân tới cứu viện. Quắc Thạch Phụ nói với Chu U Vương: "Hiện nay, thiên hạ thái bình, các đài đốt lửa đã lâu không dùng đến. Tôi muốn mời đại vương và nương nương lên đó chơi ít hôm. Đến buổi tối, chúng ta sẽ đốt lửa lên để quân chư hầu kéo tới. Nương nương thấy quân chư hầu mắc lừa, kéo tới mà không có việc gì, thì nhất định sẽ bật cười".

Chu U Vương vỗ tay khen: "Hay lắm. Chúng ta sẽ làm như thế!".

Họ liền lên Ly Sơn, đốt lửa ở các đài báo động. Các nước chư hầu gần đó tưởng rằng quân Khuyển Nhung kéo đến quấy nhiễu, vội vàng mang quân tới cứu. Không ngờ khi tới nơi, không thấy một hình bóng quân Khuyển Nhung nào, chỉ thấy trên núi đang đàn sáo vang lừng, các tướng sĩ đều ngây người ra kinh ngạc. U Vương cử người ra bảo các nước chư hầu: "Các ngươi thật vất vả. Ở đây không có chuyện gì, chẳng qua đại vương và vương phi đốt lửa mua vui thôi. Các ngươi có thể đi về". Các nước chư hầu thấy mình bị đem ra làm trò đùa, đều rất tức giận dẫn quân về.

Bao Tự không hiểu chuyện gì, chỉ thấy dưới chân núi Ly Sơn ồn ào binh mã, liền hỏi U Vương. Sau khi nghe U Vương giải thích tường tận, Bao Tự quả nhiên thích thú, cười khanh khách. U Vương thấy Bao Tự khi cười lại càng xinh đẹp, liền thưởng cho Quắc Thạch Phụ một ngàn lạng vàng.

U Vương say mê Bao Tự, nên đã phế bỏ Vương hậu và Thái tử, lập Bao Tự làm Vương hậu, lập con trai do Bao Tự sinh ra, tên là Bá Phục làm Thái tử. Cha của Vương hậu là chư hầu ở Thân quốc, khi nghe tin đó liền liên kết với Khuyển Nhung, tiến công vào Hạo Kinh.

U Vương nghe tin quân Khuyển Nhung tiến công thì hoang mang sợ hãi, vội vàng hạ lệnh đốt lửa ở các đài báo động Ly Sơn. Lửa được đốt lên, nhưng các nước chư hầu đã bị lừa một lần, không có nước nào dẫn quân tới cả. Lửa khói ngùn ngụt suốt ngày đêm mà viện binh không tới, U Vương đành đưa một số ít quân không hề được tập luyện ra chống cự, bị quân Khuyển Nhung đánh cho tan tác. Quân Khuyển Nhung ùa vào cung vua, giết chết Chu U Vương, Quắc Thạch Phụ và Bá Phục rồi bắt Bao Tự mang đi.

Tới lúc đó, các nước chư hầu mới biết đúng là quân Khuyển Nhung chiếm được Hạo Kinh, liền đem quân tới cứu. Thủ lĩnh Khuyển Nhung thấy lực lượng quân chư hầu đông đảo, liền hạ lệnh cho quân lính vơ vét, cướp bóc hết của cải do nhà Chu tích lũy từ bao đời, rồi phóng hỏa đốt kinh thành và rút về. Sau khi các nước chư hầu đánh đuổi được quân Khuyển Nhung, liền lập Thái tử cũ là Cơ Nghi Cữu lên làm vua, tức Chu Bình Vương. Sau đó, họ đem quân về đất phong của mình.Không ngờ quân chư hầu vừa rút thì Khuyển Nhung đánh trở lại, chiếm mất nhiều đất đai ở phía tây nhà Chu. Bình Vương lo không giữ được Hạo Kinh, quyết định dời đô về Lạc Ấp.

Năm 770 trước Công nguyên, Chu Bình Vương dời đô về Lạc Ấp. Vì Hạo Kinh ở phía tây, Lạc Ấp ở phía đông nên lịch sử gọi là thời kỳ nhà Chu đóng đô ở Hạo Kinh là thời Tây Chu và thời kỳ nhà Chu đóng đô ở Lạc Ấp là thời Đông Chu.


NHÂN TÀI TRONG XE TÙ

Thời Đông Chu từ khi Chu Bình Vương dời đô sang Lạc Ấp, lại phân làm hai thời kỳ là Xuân Thu và Chiến Quốc. Triều đình nhà Chu ngày càng suy yếu, thiên tử nhà Chu tuy danh nghĩa là vua của các nước chư hầu, nhưng trên thực tế, lực lượng chỉ bằng một nước chư hầu trung bình. Một số nước chư hầu lớn mạnh, dùng vũ lực thôn tính các nước nhỏ. Các nước lớn cũng thường xuyên đánh nhau để tranh giành đất đai. Những nước chư hầu chiến thắng, có thể hạ lệnh cho các nước chư hầu khác, được gọi là bá chủ.

Nước chư hầu đầu tiên xưng bá thời Xuân Thu là nước Tề (đô thành là Lâm Tri, nay ở Tri Bác, tỉnh Sơn Đông). Nước Tề là đất phong cho đại công thần Thái Công Vọng đời Chu Vũ Vương, vốn là một nước lớn, lại có các nguồn lợi vùng ven biển, sản xuất khá phát triển, trở nên giàu mạnh.

Năm 686 trước Công nguyên, nước Tề phát sinh nội loạn, quốc quân là Tề Tương Công bị giết. Lúc đó, hai con là Công tử Củ ở nước Lỗ (đô thành nay ở Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông) và Công tử Tiểu Bạch đang ở nước Cử (đô thành nay ở huyện Cử tỉnh Sơn Đông). Cả hai đều có quân sư để bày mưu tính kế. Quân sư của Công tử Củ là Quản Trọng, quân sư của Công tử Tiểu Bạch là Bảo Thúc Nha. Hai công tử nghe tin Tề Tương Công bị giết, đều vội vàng trở về nước Tề để giành ngôi vua.

Vua Lỗ là Lỗ Trang Công quyết định tự mình đưa Công tử Củ về nước Tề. Quản Trọng nói với Lỗ Trang Công: "Công tử Tiểu Bạch hiện đang ở nước Cử, gần nước Tề hơn nếu để Tiểu Bạch về được trước thì rất phiền phức. Vậy tôi xin đem một đội quân đi chặn đường".

Đúng như Quản Trọng dự liệu, Công tử Tiểu Bạch đang trên đường trở về. Quản Trọng đem quân chặn lại và giương cung nhằm đúng Tiểu Bạch bắn một phát. Chỉ thấy Tiểu Bạch kêu to một tiếng và ngã vào trong xe. Quản Trọng cho rằng Tiểu Bạch đã chết, liền ung dung đưa Công tử Củ về nước Tề. Ai ngờ Quản Trọng chỉ bắn trúng đai lưng của Tiểu Bạch, Tiểu Bạch nhân đó vờ kêu to và ngã vào trong xe để đánh lừa Quản Trọng. Sau đó, Tiểu Bạch và Bão Thúc Nha đi gấp về Tề. Tiểu Bạch lên ngôi quốc vương, từ là Tề Hoàn Công.

Tề Hoàn Công lập tức mang quân đánh bại nước Lỗ, buộc Lỗ Trang Công phải giết Công tử Củ và nộp Quản Trọng để Tề xử tội. Lỗ Trang Công đành phải tuân theo.

Quản Trọng bị nhốt trong xe tù, đưa trở về nước Tề, Bão Thúc Nha vốn là bạn cũ của Quản Trọng, biết Quản Trọng là một nhân tài hiếm có, liền tiến cử với Tề Hoàn Công.

Tề Hoàn Công nổi giận nói: "Quản Trọng đã bắn tên suýt giết chết ta. Sao ta có thể dùng hắn được".

Bão Thúc Nha nói: "Lúc đó Quản Trọng theo phò Công tử Củ, ông ta bắn vào nhà vua chính là vì trung thành với chủ của mình. Về tài năng, thì Quản Trọng giỏi hơn tôi rất nhiều. Nếu chúa công muốn lập nghiệp lớn phải dùng Quản Trọng".

Tề Hoàn Công vốn là người độ lượng, nghe Bão Thúc Nha nói thế, thì không những không trị tội Quản Trọng mà còn phong ông làm tướng quốc, cai quản mọi việc. Quản Trọng giúp đỡ Tề Hoàn Công chỉnh đốn nội chính, phát triển kinh tế, mở mỏ khai thác quặng sắt, chế tạo nông cụ. Ngoài ra còn mở rộng nghề làm muối, đánh cá, bán cho các nước ở xa biển. Vì vậy, nước Tề nhanh chóng giàu mạnh lên.

Tề Hoàn Công ôm hoài bão làm bá chủ để sai khiến các nước chư hầu khác và buộc họ phải tiến cống cho mình. Ông nói với Quản Trọng: "Hiện nay ta quân nhiều, lương đủ đã có thể hội họp chư hầu để ký minh ước được chưa?".

Quản Trọng nói: "Ta lấy danh nghĩa gì để hội họp chư hầu? Tất cả đều là chư hầu của thiên tử nhà Chu, có ai chịu phục ai đâu? Tuy hiện nay thiên tử có thất thế, nhưng vẫn là thiên tử của các nước chư hầu. Chúa công phải nhận lệnh của thiên tử, hội họp chư hầu, định ra minh ước, cùng nhau tôn trọng thiên tử, chống lại các bộ lạc bên ngoài. Trong số các nước chư hầu, ai có khó khăn thì cùng giúp đỡ, ai có sai trái thì cùng trách phạt. Đến lúc đó, chúa công có không muốn làm bá chủ thì các nước chư hầu cũng tiến cử chúa công".

Tề Hoàn Công nói: "Khanh nói đúng, nhưng nên bắt đầu thế nào?"

Quản Trọng nói: "Có cách này: hiện nay, Chu thiên tử (tức Chu Ly Vương) mới lên ngôi, chúa công có thể cử sứ giả đến chúc mừng, luôn tiện tâu là nước Tống (đô thành ở Thương Khâu, Hà Nam ngày nay) hiện đang có nội loạn, địa vị của quốc quân mới chưa vững chắc, trong nước không yên ổn. Xin thiên tử ra chiếu, khẳng định địa vị của quốc quân mới. Chúa công nắm lấy lệnh đó là có thể thừa lệnh thiên tử để triệu tập chư hầu. Làm như vậy, thì không ai phản đối được".

Tề Hoàn Công thấy phải, quyết định làm theo ý kiến Quản Trọng.

Lúc đó, thiên tử nhà Chu không có thực quyền. Các nước chư hầu mải tranh giành đất đai, chẳng còn nghĩ gì đến việc triều kiến thiên tử. Chu Ly Vương vừa lên ngôi đã thấy sứ thần của một nước lớn là nước Tề vào chúc mừng thì rất vừa lòng, liền ra lệnh cho Tề Hoàn Công thay mặt thiên tử tới tuyên bố chức vị cho vua Tống.

Năm 681 trước Công nguyên, Tề Hoàn Công phụng mệnh Chu Ly Vương, thông tri cho các nước chư hầu đến họp ở Bắc Hạnh (nay ở phía bắc huyện Đông A, Sơn Đông) trên biên giới phía tây nam nước Tề.

Khi đó, uy tín của Tề Hoàn Công còn chưa cao, khi triệu tập, chỉ có bốn nước là: Tống, Trần, Châu, Thái đến họp. Còn những nước khác như: Lỗ, Vệ, Tào, Trình... còn nghe ngóng tình hình nên chưa đến.

Tại hội nghị Bắc Hạnh, mọi người đều tiến cử Tề Hoàn Công làm minh chủ, cùng nhau định ra minh ước, gồm có ba điều: Một là, tôn trọng thiên tử, giúp đỡ triều đình nhà Chu. Hai là, chống lại các bộ lạc bên ngoài, không để xâm nhập Trung Nguyên. Ba là, giúp đỡ các nước chư hầu nhỏ và gặp khó khăn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: