125-126

TRẬN PHÌ THỦY

Theo mệnh lệnh của Tạ An, Hồ Bân dẫn thủy quân theo Hoài Hà tiến tới Thọ Dương. Trên đường đi, Hồ Bân nhận được tin Thọ Dương đã bị quân tiên phong của Tiền Tần do Phù Dung chỉ huy đánh tan. Hồ Bân đành lui quân tới Hiệp Thạch (nay ở tây nam Phương Đài, An Huy) rồi đóng lại đó, chờ đại quân của Tạ Thạch, Tạ Huyền tới hội họp. Sau khi chiếm được Thọ Dương, Phù Dung lại cử bộ tướng Lương Thành dẫn 5 vạn quân tiến công Lạc Gián (nay ở phía đông HOài Nam, An Huy), cắt đứt đường sau lưng thủy quân Hồ Bân. Quân Hồ Bân bị vây, lương thực ngày càng thiếu, tình hình hết sức nguy ngập. Hồ Bân phái 1 tên lính mang thư cáo cấp với Tạ Thạch nói: "Hiện nay quân địch rất mạnh, quân lương của tôi sắp hết, sợ không có cách nào hội họp với đại quân được".

Khi tên lính mang thư vượt qua chiến tuyến quân Tần, thì bị quân Tần bắt được. Phong thư cáo cấp rơi vào tay Phù Dung. Phù Dung lập tức cho ngựa chạy về Hạng Thành báo cáo với Phù Kiên. Phù Kiên liên tiếp nhận được tin thắng trận của đội quân tiền phong, càng thêm kiêu ngạo. Ông ta để đại quân đóng ở Hạng Thành, tự dẫn 8000 kỵ binh đi gấp tới Thọ Dương, chỉ muốn nuốt sống ngay quân Tấn. Đến Thọ Dương, Phù Kiên bàn bạc với Phù Dung, cho rằng quân Tấn không thể chịu nổi đòn đánh mãnh liệt của đại quân Tiền Tần, liền cử 1 sứ giả đến đại doanh của quân Tấn khuyên hàng. Sứ giả được cử đi không phải là ai khác, mà lại chính là người mà mấy năm trước đã từng kiên quyết chống lại quân Tiền Tần ở Tương Dương và bị bắt sống. Người đó là Chu Tự.

Từ sau khi bị bắt, Chu Tự được Phù Kiên trọng dụng, cho làm thượng thư trong triều, nhưng thâm tâm bao giờ cũng hướng về triều Tấn. Khi được cử đi thuyết hàng, gặp lại Tạ Thạch, Tạ Huyền, Chu Tự cảm thấy thân thiết như gặp lại người thân. Vì vậy không những không thuyết hàng theo lời dặn của Phù Kiên, mà ngược lại Chu Tự còn tiết lộ cho Tạ Thạch, Tạ Huyền biết tình hình nội bộ của Tiền Tần. Chu Tự nói: "Lần này Phù Kiên đem hàng trăm vạn quân xuống đánh Đông Tấn. Nếu chúng tập trung được lực lượng đó, e rằng Đông Tấn không thể nào chống đỡ nổi. Nay nhân lúc quân đội của chúng chưa tới được đầy đủ mà nhanh chóng tổ chức cuộc tiến công, đánh bại đội tiên phong để làm tổn thương sĩ khí của chúng, thì có thể đánh bại quân Tần".

Sau khi Chu Tự trở về Tần, Tạ Thạch suy đi tính lại, thấy binh lực của quân Tần ở Thọ Dương rất mạnh, không chắc thắng được, nên nếu cứ cố gắng tăng cường phòng thủ thì đảm bảo hơn. Nhưng con Tạ Thạch là Tạ Viên cố khuyên Tạ Thạch nên nghe theo lời của Chu Tự, gấp rút tổ chức tiến công. Tạ Thạch lại bàn bạc với Tạ Huyền rồi quyết định cử danh tướng Lưu Lao Chi dẫn 5000 quân tinh nhuệ của Bắc Phủ binh tập kích bất ngờ vào quân Tần ở Lạc Gián. Đội quân này quả là danh bất hư truyền, họ dũng mãnh như hùm mọc cánh, tiến đánh ào ạt vào Lạc Gián. Quân Tần phòng giữ ở đây không phải là đối thủ của đội quân thiện chiến này, qua 1 thời gian ngắn gắng gượng, chống đỡ không nổi, đã bị đánh bại; tướng Lương Thành đã bị quân Tấn giết chết. Quân Tần tranh nhau vượt Hoài Hà trốn chạy, số lớn bị chết đuối giữa dòng. Trận thắng Lạc Gián khiến tinh thần quân đội Tấn tăng cao. Tạ Thạch, Tạ Huyền hạ lệnh cho Lưu Lao Chi đem quân cứu viện cho Hồ Bân ở Hiệp Thạch, đồng thời chỉ huy đại quân thừa thắng tiến lên, tới tận bờ phía đông Phì Thủy (nay là Phì Hà - tức sông Phì ở phía nam huyện Thọ, An Huy), đem quân lên đóng cạnh Bát Đông Sơn, đối diện với quân Tần đang đóng ở Thọ Dương, bên bờ phía tây.

Phù Kiên sau khi cử Chu Tự đi khuyên hàng, đang dương dương đắc ý chờ quân Tấn mang thư hàng tới; nay đột nhiên nghe tin Lạc Gián thất thủ thì choáng váng như bị 1 gậy giáng vào đầu. Ông ta cùng Phù Dung đi lên lầu thành Thọ Dương để quan sát tình hình quân Tấn bên kia sông. Phù Kiên đứng trên lầu thành nhìn sang, thấy lều trại quân Tấn hàng ngũ chỉnh tề, quân Tấn cầm vũ khí đi lại tuần phòng nghiêm ngặt, thế trận vững chắc, uy nghiêm. Nhìn về phía xa, thấy trên Bát Công Sơn thấp thoáng có nhiều binh lính Tấn. Sự thực do Phù Kiên hoang mang lóa mắt, nhiều cỏ cây lay động trên Bát Công Sơn lại tưởng nhầm thành quân Tấn (văn ngôn Trung Quốc gọi cảm giác này của Phù Kiên là "thảo mộc giai binh"). Phù Kiên hơi sợ, quay đầu lại nói với Phù Dung: "Đây đúng là một kẻ địch mạnh! Sao có thể nói chúng là quá yếu được".

Từ đó Phù Kiên hạ lệnh cho quân Tần phòng thủ nghiêm ngặt, quân Tấn vì vậy rất khó vượt được Phì Thủy. Tạ Thạch, Tạ Huyền hết sức lo lắng, nếu cứ kéo dài như vậy, e khi quân Tần đến đủ thì càng bất lợi cho quân Tấn. Tạ Huyền nghĩ ra 1 mẹo, cho người mang thư sang Phù Kiên nói: "Các ngài đem đại quân đi sâu vào đất nước Tấn, mà hiện nay lại dàn trận lên bờ Phì Thủy, án binh bất động. Như vậy chẳng lẽ các ngài ngại giao chiến hay sao? Nếu các ngài chịu lui quân về phía sau một chút, nhường ra một khu đất, để chúng tôi vượt sông bày trận rồi sẽ so tài cao thấp, thì mới được coi là có đảm lược".

Phù Kiên nhận được thư, tự nghĩ: "Nếu không chấp nhận yêu cầu đó thì chẳng phải là mình sợ quân Tấn hay sao?". Liền triệu tập các tướng đến, hạ lệnh: "Quân Tấn đề nghị chúng ta nhường ra một vùng đất để họ bày trận. Chúng ta hãy lùi lại một chút, chờ khi quân chúng đang vượt sông, sẽ dùng kỵ binh xông lên, đảm bảo sẽ tiêu diệt được chúng".

Tạ Thạch, Tạ Huyền được tin quân Tần chấp nhận lui quân, liền nhanh chóng chỉnh đốn người ngựa chuẩn bị vượt sông tiến công. Tới thời gian 2 bên đã thỏa thuận, Phù Kiên ra lệnh cho Phù Dung chỉ huy quân Tần lui về sau. Họ vốn định lùi lại 1 đoạn ngắn rồi sẽ quay trở lại tiến đánh Tấn. Không ngờ rất nhiều lính Tần, số thì chán ghét chiến tranh số thì sợ quân Tấn, nên vừa nhận được lệnh rút là quay đầu chạy không muốn dừng lại nữa. Tạ Huyền dẫn hơn 8000 kỵ binh, nhân cơ hội đó nhanh chóng vượt sông, tiến đánh mãnh liệt vào quân Tần. Đúng lúc đó, Chu Tự ở phía sau trận quân Tần hoảng hốt hô lớn: "Quân ta thua rồi! Quân ta thua rồi!".

Quân Tần ở phía sau không biết tình hình ở phía trước ra sao, chỉ thấy quân lính đang chạy trở lại rầm rập thì cũng quay đầu chạy, vừa chạy vừa la hoảng. Phù Dung vội vã vung kiếm, cưỡi ngựa xông ra toan ngăn lại. Nhưng quân Tần đang như dòng nước triều cuồn cuộn, không có sức mạnh nào ngăn lại được. Một toán loạn binh ào tới, xô ngã con ngựa do Phù Dung đang cưỡi. Phù Dung đang cố bò dậy thì bị 1 tên lính rút dao chém chết. Chủ tướng đã chết, quân Tần càng như ngựa xổng cương, tan chạy khắp các ngã. Phù Kiên ở phía sau thấy tình hình đột nhiên diễn ra như vậy, không có cách gì khống chế được nữa, đành nhảy lên ngựa chạy thục mạng. Một phát tên không biết từ đâu bay tới, trúng vào vai Phù Kiên. Ông cố nhịn đau, thúc ngựa chạy nhanh hơn, chạy mãi tới Hoài Bắc mới dám dừng lại nghỉ. Quân Tấn thừa thắng truy kích ráo riết. Quân Tần càng hỗn loạn chạy trốn. Khắp dọc đường la liệt xác quân lính bị giẫm chết và bị thương. Dọc đường chạy, số quân lính Tần nghe thấy tiếng gió thổi và tiếng hạc kêu trên không (văn ngôn dùng chữ "phong thanh hạc lệ"), cứ tưởng là tiếng hô "giết" của quân Tấn nên lại càng sợ kinh hồn lạc phách. 

Tạ Thạch, Tạ Huyền thu phục được Thọ Dương, vội phái khoái mã báo tin thắng trận về Kiến Khang. Hôm đó, Tạ An đang ngồi đánh cờ với 1 người khách. Ông xem phong thư báo tin mừng của Tạ Thạch, cố kiềm chế niềm vui, lại đặt lá thư xuống rồi tiếp tục chơi cờ. Người khách biết là thư từ tiền phương gửi về, không nén được tò mò, liền hỏi Tạ An: "Tình hình chiến tranh ra sao?".

Tạ An thong thả trả lời: "Cuối cùng bọn trẻ đã đánh bại được quân Tần rồi".

Người khách nghe nói mừng quá, không thiết gì đánh cờ nữa, vội xin cáo biệt để đem tin thắng trận báo cho mọi người biết. Tạ An tiễn khách, trở vào nhà. Tới lúc đó thì niềm vui không thể kìm giữ được nữa. Bao nhiêu suy nghĩ lao lung và sự tính toán hao tổn cân não để chỉ đạo cuộc kháng chiến đã đem lại thắng lợi huy hoàng. Ông vùng nhảy qua ngưỡng cửa, chiếc guốc gỗ dưới chân bị va sứt 1 miếng mà ông không biết. Qua trận Phì Thủy nổi tiếng trong lịch sử này, triều Tiền Tần lớn mạnh bị tiêu hao hết sức lực. Phù Kiên chạy về tới Lạc Dương, thu thập tàn binh bại tướng, thì chỉ còn lại mười mấy vạn. Trong khi đó thì binh lực của Mộ Dung Thùy vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị sứt mẻ gì. Đúng như dự liệu của Vương Mãnh, Mộ Dung Thùy của tộc Tiên Ty và Diêu Trường của tộc Khương cuối cùng đã chống lại Tiền Tần. Mộ Dung Thùy lập ra nước Hậu Yên, Diêu Trường lập ra nước Hậu Tần. Bản thân Phù Kiên cũng bị Diêu Trường giết chết.

Trận Phì Thủy cung cấp 1 bài học lớn về quân sự cho hậu thế, đồng thời làm sản sinh 1 thành ngữ trong tiếng Hán: "Phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh".



ĐÀO UYÊN MINH KHÔNG CHỊU KHOM LƯNG

Sau trận Phì Thủy, Tạ An nhân thời cơ Tiền Tần tan rã, cử Tạ Huyền đem quân thu lại 1 vùng đất lớn ở khu vực Hoàng Hà. Nhưng Tấn Hiếu Vũ Đế lại trọng dụng anh em mình là Cối Kê vương Tư Mã Đạ Tử, ra sức chèn ép Tạ An, khiến Tạ An không thể phát huy hết tài năng của mình. Sau khi Tạ An mất, chính quyền Đông Tấn hoàn toàn chịu sự khống chế của Tư Mã Đạ Tử, 1 kẻ ngu dốt. Triều chính Đông Tấn càng ngày càng hủ bại. Năm 399, dưới đời Tấn An Đế, tại quận Cối Kê nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân do Tôn Ân lãnh đạo. Qua 2 năm, mười mấy vạn quân khởi nghĩa đã áp sát kinh đô Kiến Khang. Triều Đông Tấn phải điều động tới Bắc Phủ binh mới đàn áp được. Nhưng sau đó, nội bộ tập đoàn thống trị Đông Tấn lại xảy ra rối loạn. Con của Hoàn Ôn là Hoàn Huyền chiếm lĩnh vùng thượng du Trường An rồi đem quân đánh chiếm Kiến Khang, phế Tấn An Đế, tự lập làm hoàng đế. Trải qua ba bốn tháng, tướng chỉ huy Bắc Phủ binh là Lưu Dụ mới đánh bại được Hoàn Huyền, đón Tấn An Đế trở lại ngôi hoàng đế. Từ đó về sau, vương triều Đông Tấn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Trong những năm tháng nhiều biến động đó, ở vùng Tử Tang có 1 nhà thơ nổi tiếng, tên là Đào Tiềm, tự là Uyên Minh thường được gọi là Đào Uyên Minh. Ông chán ghét nền chính trị thối nát đương thời, nên chỉ ẩn cư ở làng quê. Tằng tổ của Đào Uyên Minh là Đào Khản, 1 danh tướng của Đông Tấn (xem chương "Đào Khản tập khuân gạch"), tuy đã giữ chức quan cao, nhưng không phải là 1 sĩ tộc đại địa chủ nên không có nhiều tài sản. Đến đời Đào Uyên Minh thì gia cảnh đã rất sa sút. Đào Uyên Minh từ nhỏ đã ham đọc sách, không muốn làm quan, nhà có lúc không đủ cơm ăn, nhưng ông vẫn đọc sách ngâm thơ, lấy đó làm vui. Trước cửa nhà ông có 5 cây liễu, nên ông đặt biệt hiệu cho mình là Ngũ liễu tiên sinh. Sau, Đào Uyên Minh càng ngày càng nghèo, việc cày cấy không đủ nuôi già trẻ trong gia đình. Người thân thích và bạn bè khuyên ông ra nhận 1 chức quan gì đó để giúp đỡ gia đình. Ông đành phải nhận lời. Quan địa phương nghe nói Đào Uyên Minh là dòng dõi của 1 danh tướng, lại có tài văn chương, liền tiến cử ông vào làm tham quân cho Lưu Dụ. Nhưng ít ngày sau, ông phát hiện thấy các văn quan võ tướng đều tìm cách giành giật hất cẳng lẫn nhau, nên chán nản xin đổi đi làm quan địa phương. Quan trên liền cử ông tới Bành Trạch (trong tỉnh Giang Tây ngày nay), làm huyện lệnh.

Thời đó làm huyện lệnh, lương bổng không có nhiều. Đào Uyên Minh lại không biết vòi tiền, không biết tham ô nên cuộc sống gia đình cũng không sung túc. Tuy vậy vẫn khá hơn nhiều khi còn làm ruộng khi ở Tử Tang. Thêm nữa, ông cảm thấy làm quan ở 1 huyện nhỏ, không phải giao tiếp nhiều với quan trường, nên được tự do hơn. Một hôm, trên quận phái 1 viên đốc bưu xuống thị sát ở vùng Bành Trạch. Tên tiểu lại trong huyện được tin, vội chạy vào báo với Đào Uyên Minh. Lúc đó Đào Uyên Minh đang ngồi trong phòng riêng, vuốt râu ngâm thơ, thấy nói có viên đốc bưu đến thì mất hứng, đành buông tập thơ, chuẩn bị theo tên tiểu lại dẫn đường ra gặp viên đốc bưu. Tên tiểu lại thấy ông vẫn mặc bộ quần áo thường phục, giật mình nói: "Đốc bưu đến, xin quan lớn mặc quan phục, thắt đai ra bái kiến mới phải, sao lại có thể mặc thường phục được?".

Xưa nay Đào Uyên Minh vốn không ưa những kẻ cậy thế quan trên để hạch sách cấp dưới. Nay lại nghe tên tiểu lại có vẻ sợ sệt, giục giã mình mặc quan phục ra bái kiến tên đốc bưu, thì cảm thấy nhục nhã, liền thở dài nói: "Ta không muốn vì năm đấu gạo, là số lương của quan huyện, mà phải khom lưng trước bọn tiểu nhân đó".

Rồi ông không ra gặp viên đốc bưu, mà dứt khoát cởi ấn thụ trao cho viên tiểu lại, từ chức không làm quan nữa. Trở về quê nhà ở Tử Tang, Đào Uyên Minh thấy nhẹ nhàng, cảm thấy cụ diện xã hội rối beng lúc đó rất xa cách với hứng thú và lý tưởng của mình. Từ đó về sau, ông quyết ẩn cư, lúc nhàn rỗi viết rất nhiều thơ văn, thổ lộ tư tưởng, tình cảm của mình. Trong số thơ văn của ông, có 1 bài hết sức nổi tiếng, đó là bài "Đào hoa nguyên ký" (bài ký về suối hoa đào), nội dung đại lược như sau: ở Vũ Lăng có 1 người đánh cá, 1 hôm anh ta bơi thuyền theo con ngòi nhỏ đi đánh cá. Không biết từ lúc nào, con thuyền dẫn tới 1 rừng đào, phong cảnh như hoa thêu gấm dệt, dưới là cỏ thơm xanh mướt. Người đánh cá bị cảnh đẹp hấp dẫn, cứ bơi thuyền đi mãi, tới cuối rừng đào thì phát hiện 1 cửa động. Anh ta rời thuyền, lần mò đi vào trong động. Ban đầu động rất đẹp, nhưng qua 1 đoạn, bỗng thấy rộng rãi sáng bừng. Thì ra trong động có 1 xóm làng rất lớn, đất đai phì nhiêu, bãi dâu xanh tốt, già trẻ trai gái đi lại tấp nập, lao động vui vẻ, sống 1 cuộc sống thanh bình vô tư lự. Mọi người thấy có khách lạ tới thì đều nhiệt tình mời ăn cơm uống rượu. Người đánh cá hỏi chuyện, mới biết người trong thôn đều có tổ tiên là người chạy nạn tới đây vào những năm loạn lạc cuối đời Tần. Họ không hề biết sau triều Tần còn có triều Hán, càng không biết tới triều Ngụy, Tấn sau đó nữa. Người đánh cá ở lại đó mấy ngày, cảm thấy sung sướng như sống trong tiên cảnh, xa cách hẳn bụi trần. Khi từ biệt ra về, anh ta chú ý đánh dấu kỹ đường đi, chuẩn bị để sau này lại đến thăm. Về đến Vũ Lăng, anh ta báo cáo với quan thái thú. Thái thú cảm thấy rất thú vị, liền cử người đi theo anh đánh cá để tìm rừng hoa đào, nhưng tìm mãi, tìm mãi không sao thấy cửa động đâu nữa.

Đào nguyên ngoài cõi đời mà Đào Uyên Minh miêu tả trong bài ký, thật ra không thể tồn tại trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Nhưng quang cảnh mọi người đều lao động, mọi người đều sung sướng no đủ, sống cuộc đời không bận chút lo âu...được miêu tả trong bài ký, đã phản ánh ước muốn tốt đẹp của người đương thời trong hoàn cảnh xã hội đen tối, hỗn loạn lúc đó. Vì vậy, tác phẩm "Đào hoa nguyên ký" mãi mãi được người đời sau truyền tụng và yêu thích.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: